Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Vụ Đoàn Văn Vươn: Điểm vỡ của một hệ thống sai


Nguyễn Văn Thạnh
Vụ án của anh Đoàn Văn Vươn sắp được đưa ra xét xử. Phần lớn những nhà tranh đấu dân chủ, bênh vực quyền con người đều ủng hộ anh. Từ những người mang trong mình dòng máu nóng chống bất công áp bức, đến những luật gia kỳ cựu bênh vực dân chủ, đến một số sinh viên luật cũng lên tiếng cho rằng anh Vươn vô tội.
Trong cái dòng thác sôi sục đó, nếu ai đi ngược lại sẽ bị cộng đồng chỉ trích, ném đá. Ý thức được việc này, tuy nhiên tôi cũng sẽ phân tích vụ án dưới một góc nhìn khác. Chúng ta cần đặt vụ việc vào hệ thống mới thấy được tính đúng sai của nó.
Vụ việc bắt đầu từ chính sách đất đai của nhà nước. Nhà nước Việt nam hiện nay do ĐCS lãnh đạo, khởi nguồn từ cách mạng tháng 8.1945. Ngày ấy nước VN rất nghèo nàn, là một nước thuần nông nhưng ruộng đất lại nằm trong tay một nhóm nhỏ người. Nhóm này lũng đoạn ruộng đất, cho nông dân thuê lại với giá cao gây ra nhiều bất công ngang trái, trong đó có nạn chết đói. Khẩu hiệu của ĐCS là người cày có ruộng. Say khi nắm được chính quyền, họ đã thực hiện lý tưởng trên. Tuy quá trình thực hiện có vài vấp váp gây ra oan khiên, đầu rơi, máu chảy nhưng về cơ bản họ thực hiện được. Với qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, chính quyền đã đại diện quản lý đất. Họ tiến hành cấp phát hoặc cho thuê. Rất nhiều người đã có đất mà không qua cơ chế thị trường, nghĩa là được chính quyền cho không. Có thể xem chính quyền là chủ nhân ông của đất, họ có thể cho thuê, cấp phát hoặc thu hồi. Tất nhiên là chủ nhân ông theo luật chứ không phải chủ nhân ông sở hữu tư nhân như ta thấy. Đây là điểm mấu chốt chúng ta cần nhớ rõ.
Số đất nuôi tôm của anh Vươn hiện có không phải là của anh, tức là anh mua hoặc được thừa kế. Đây là đất của chính quyền, anh là người thuê trong 14 năm. Theo hợp đồng đến năm 2007 (hoặc 2008 gì đó) anh phải có nghĩa vụ trả lại. Chính quyền đã có thông báo thu hồi nhiều lần nhưng ông Vươn không chấp nhận nên chính quyền có quyền cưỡng chế thu hồi (hết hạn từ 2007-2008 nhưng đến 2012 mới cưỡng chế, chứng tỏ sự chây ỳ quá lâu). Ông Vươn chống lại việc thu hồi là sai. Ông gắn bom, gài mìn, bắn súng là hành động nguy hiểm. (Tôi phân tích trên cái lý tổng thể còn những kỹ thuật như ai ra quyết định cho đúng, ai làm cho đúng, lý lẽ thu hồi là gì cho hợp,… cái đó chỉ mang tính hình thức).
Giới tranh đấu bênh vực ông vì cho rằng ông có công cải tạo A, B, C… là không đúng. Tôi thuê mảnh đất của bạn, tôi đầu tư xây dựng quán café, sang lấp mặt bằng,… rồi vin vào cớ đó để không trả lại đất cho bạn là không được. Về nguyên tắc chính quyền cho thuê thì chính quyền có thể thu hồi để làm chuyện khác hoặc cho người khác thuê. Anh tham gia cuộc chơi này thì anh phải chấp nhận, anh phải tính toán đầu tư làm sao mình có thể thu hồi được vốn gói gọn trong thời gian đó. Anh không thể lấy lý do là đầu tư, cải tạo quá nhiều rồi giữ lại cho mình, không trả lại cho chính quyền đúng hạn cam kết.
Giới tranh đấu đưa các bằng chứng mất mát như con gái anh bị đuối nước, hay hình ảnh anh là một nông dân thấp cổ, bé họng bị ức hiếp,… để bênh vực anh là không đúng. Làm ăn, sinh sống là phải có rủi ro, anh phải chấp nhận. Nông dân cũng phải chấp pháp như tỷ phú, không thể có sự khác biệt.
Nếu ông Vươn được cho là đúng trong vụ này thì sẽ có ba hệ quả xảy ra:
Thứ nhất nhiều đất đai nhà nước cho một số cá nhân thuê sẽ không thể thu hồi được, như vậy là bất công vì đất thuê tự nhiên biến thành đất chủ.
Thứ hai là tạo ra tiền lệ bạo lực chống lại chính quyền, điều này là nguy hiểm cho việc thực thi quốc pháp.
Thứ ba là chi phí đền bù giải tỏa sẽ tăng lên nhanh chóng, toàn dân sẽ phải trả phí cao hơn để có hạ tầng đường xá, nhà cửa trong khi một số ít may mắn thuê đất trước đây là có lợi. Nếu đất của họ thì lợi là chính đáng (thuận mua, vừa bán) nhưng đất được chính quyền cấp thì không chính đáng. Tôi thấy hiện nay nhiều nhà đấu tranh dân chủ cứ bênh vực chằm chằm cho nông dân nhưng họ không thấy nhiều nông dân tự nhiên được đền bù rất hậu hĩnh, cái may của họ là được nhà nước cấp cho đất có dự án mà thôi. Khi đền bù cao có nghĩa là bạn phải trả nhiều tiền hơn mới có nhà (tôi xem tham nhũng như một hệ số).
Giới tranh đấu bênh vực ông Vươn vì cho rằng có một liên minh âm mưu cướp đất của ông. Điều này có thể đúng nhưng luật pháp là phải nói có sách mách có chứng, chúng ta không thể suy diễn cảm tính lung tung được. Vụ Tiên Lãng hoàn toàn khác với vụ Nọc Nạng. Vụ Nọc Nạng là có đối tượng hưởng lợi mua chuộc quan chức còn vụ này thì chưa thể chứng minh được.
Phân tích như trên không nghĩa là tôi ủng hộ chính quyền hoàn toàn. Dưới góc nhìn logic của chính sách đất đai do họ đưa ra, thực thi thì hành động của họ là đúng. Tuy nhiên đây là cái đúng trong một hệ thống sai.
Khởi nguồn cái sai là họ thực hiện chính sách “người cày có ruộng” một cách phi thị trường. Đúng ra chính quyền phải tôn trọng quyền sở hữu ruộng đất tư nhân, tiến hành tái phân bổ sở hữu qua mua bán, định mức hạn điền như cải cách ruộng đất ở Miền Nam. Nếu thực hiện đúng điều này thì sẽ không có hệ quả tiếp theo là cưỡng chế thu hồi, định giá thu hồi quá cao (có những con đường ở HN chỉ gần km mà chi phí giải phóng mặt bằng lên đến hàng nghìn tỷ) hoặc quá thấp để rồi sinh ra nạn kiện cáo, dân oan. Rõ ràng hai lần sai chưa hẳn là đã đúng.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục thực hiện hệ thống sai này thì chắc chắn sẽ sinh ra nhiều dân oan cũng như nhiều tỷ phú trúng đất đền bù cũng như sản sinh ra bầy sâu tham nhũng từ đất cát.
Anh Vươn nếu có công thì công của anh là làm cho hệ thống sai lâu nay âm ỉ, ít người chú ý trở thành nhức nhối. Chỉ khi nào chúng ta sửa được lỗi hệ thống trong chính sách đất đai thì hành động của anh Vươn mới có ý nghĩa. Mọi chuyện xét xử nặng tội hay tha bỏng cũng chỉ làm cho những Đoàn Văn Vươn khác xuất hiện mà thôi, không thể khác hơn được.
Hãy trả lại quyền sở hữu tư nhân đất đai, trả lại tính thị trường cho đất đai. Vận hành nền kinh tế tư nhân để các chủ thể thuận mua vừa bán. Trong hệ thống kinh tế thị trường tự do thì đất cũng chỉ là một nhân tố của nền kinh tế. Nó phải tuân theo qui luật kinh tế thị trường. Vai trò của chính quyền trong hệ thống này chỉ là trọng tài chứ không phải là chủ nhân ông để rồi đi cho thuê hay thu hồi.
Đây chính là hệ thống đúng.
Nguyễn Văn Thạnh

Đầm Anh Vươn là người nước nào các chú?


Ts. Đặng Huy Văn
Lời Tác Giả: Năm ngoái, sau khi xẩy ra vụ cưỡng chế trái pháp luật đầm tôm của gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, tôi đã đọc đi đọc lại Vụ Án Đồng Nọc Nạn tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, 1928, để hy vọng gia đình anh Vươn cũng sẽ được xét xử trong một phiên tòa công bằng như Tòa Đại Hình Cần Thơ của chính phủ thuộc địa. Nhưng nay, tôi phải viết bài này để vĩnh biệt Vụ Án Đồng Nọc Nạn vì vị quan tòa tại Tòa Đại Hình Cần Thơ đã chết, nên gia đình anh Vươn sẽ bị xét xử tại Tòa Án Hải Phòng từ ngày 4/4 đến ngày 10/4/2013 và kết quả phiên tòa này như thế nào thì không cần phải đợi đến ngày tuyên án, chúng ta cũng đã biết. Ôi! Thương quá những người nông dân Việt Nam lam lũ đang phải chịu kiếp sống bất công đau khổ!

ĐẦM ANH VƯƠN LÀ NGƯỜI NƯỚC NÀO CÁC CHÚ?

(Kính viếng hương hồn Vụ Án Đồng Nọc Nạn)
Đầm Anh Vươn là người nước nào các chú?(*)
Người Hàn Quốc hay Tàu Tưởng Đài Loan?
Lũ tư bản bây giờ chúng ranh ma lắm đó
Đi đầu tư khắp nơi rồi bóc lột tràn lan
Ta đã ghé qua Cu Ba để cảnh giác bác Phi-Đen
Là chủ nghĩa tư bản ngày nay đang trên đà dẫy chết
Cũng định sang thăm cả Brazil thì không may “bị mệt”
Bay về nước để triển khai ngay cái Nghị Quyết Ấy liền!
Không phát triển kinh tế thị trường theo kiểu “Tư Bản Đen”
Mà kinh tế Việt Nam phải làm theo mô hình “Tư Bản Đỏ”
Đất đai là tư liệu sản xuất thì đảng cầm quyền nắm giữ
Dân muốn có đất thì làm đơn theo “Cơ Chế Xin Cho”
À! Có phải Đầm Anh Vươn là tay đã thả cá trong hồ
Tại Tiên Lãng, Hải Phòng từ những năm 93 gì đó
Nay các chú khẽ nhắc thì may quá ta bỗng nhớ
Xưa giao đất, nay thu hồi cớ sao lại kêu ca?
Đất là sở hữu của toàn dân, đảng là lãnh đạo của chúng ta
Đảng cho thì dân được làm, đảng thu hồi là dân phải trả
Khiếu kiện thì đảng gọi công an, quân đội đi giải tỏa
Chống cự thì đảng sẽ bắt giam và đập nát cửa nhà
Theo Nghị Quyết Ấy, đó là suy thoái về chính trị
Làm mất đoàn kết nhân dân hủy hoại tình đồng chí
Gây khiếu kiện đông người mang súng dọa công an
Đầm Anh Vươn vi phạm Nghị Quyết Ấy đã rõ ràng!
Đồng chí Ếch chỉ vi phạm sơ sơ mà đã ra Quốc Hội
Nhận các thiếu sót về mình và xin lỗi trước toàn dân
Một đảng viên như thế mới là người công dân kiểu mẫu
Đầm Anh Vươn là ai mà ngươi dám chống lại muôn dân?
Hay ngươi là kẻ đã xui “Cái Nhóm Kia” chống đảng
Đòi bỏ Điều Bốn vẫn còn được ghi trong Hiến Pháp 92
Đòi được sở hữu tư nhân về đất đai và tam quyền phân lập
Đòi quân đội chỉ chống ngoại xâm, không phe phái chống ai?
Lần này ra hầu tòa nếu Đầm Anh Vươn không nhận tội
Đã dùng súng “hoa cà” để bắn vào bộ đội và công an
Thì ta sẽ đưa ra tận Hoàng Sa bắt nhốt vào ngục tối
Nhờ các đồng chí anh em giúp cải tạo công dân!
Đứng sau ta là nước Cộng Hòa Nhân Dân, một quốc gia vĩ đại
Đầm Anh Vươn chớ thấy ta hiền lành mà dám vô lễ coi thường
Ta sẽ xét xử ngươi thật nghiêm để nông dân Việt Nam sợ hãi
Không bao giờ dám noi Vụ Án Đồng Nọc Nạn làm gương!
Hà Nội, 31/3/2013
Ts. Đặng Huy Văn
(*) Xin lỗi quí vị, nhân vật chính của bài viết này bận trăm công nghìn việc nên thấy báo đài lề phải ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại "Đầm Anh Vươn" thì ông cho đích thị là có một anh họ "Đầm", tên là "Anh Vươn" và ông cũng băn khoăn không biết tay "Đầm Anh Vươn" này là người Hàn Quốc hay Đài Loan mà lại có cái họ "Đầm" lạ tai thế! Sau khi được các trợ lý cho hay thì hóa ra tay “Đầm Anh Vươn” này đã dám chống lại người thi hành công vụ khi bị thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng nên ông đã rất giận.
Thực ra, tác giả biết chính xác anh Vươn là một cựu chiến binh, một kĩ sư nông nghiệp họ Đoàn, Đoàn Văn Vươn, người đã thuê đầm để nuôi tôm ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng từ 1993. Đến 5/1/2012 chưa hết hạn thuê nhưng do lòng tham nên lãnh đạo địa phương đã cố tình giải tỏa trái pháp luật khu nuôi trồng thủy sản của anh, dùng cả công an và bộ đội cưỡng bức anh. Trong cảnh cùng đường, anh Đoàn Văn Vươn đã dùng súng "hoa cà" để chống lại làm 6 người bị thương nhẹ. Toàn bộ ngôi nhà ở của gia đình anh đã bị đập phá tan hoang và anh cùng một số người thân đã bị tạm giam hơn một năm nay, hẹn đến 4/4/2013 sẽ mở phiên tòa xét xử.

Đừng để máu thắm đồng Nọc Nạn nhuộm lên gia đình Đoàn Văn Vươn


Bùi Chí Vinh
(Viết trước phiên tòa lịch sử ngày 2-4-2013 xử một vụ án phi lý)
Tòa chưa xử đã “chụp” tội giết người
Cái mũ chụp lộn đầu nạn nhân bị hại
Thế kỷ 21 khoa học văn minh mà cũng có chuyện Tây Du
Có vòng Kim Cô tẩy não người oan trái
Kẻ ác mang chiếc mặt nạ Quan Âm để giơ cao lưỡi hái
Nhưng người oan đâu phải con khỉ Tề Thiên mà đề kháng phép thần
Người oan chỉ biết khai khẩn đất hoang đơm hoa kết trái
Chứ không lạnh lùng như phán quyết vô tâm
Bài thơ này chẳng phải tuyên ngôn
Chẳng có súng ống vũ trang, chẳng có khiên đồng áo giáp
Bài thơ trần truồng như đời Đoàn Văn Vươn
Kẻ vô tội bị đóng gông giữa thời mạt pháp
Cứ tưởng cái thời Tây đô hộ Việt Nam mới sinh chuyện tên bay đạn lạc
Sinh chuyện đàn áp nông dân, đốt lúa người nghèo
Ai dè ngay Tiên Lãng Hải Phòng tái sinh Đồng Nọc Nạn
Máu nhuộm đất lành, chim đậu tả tơi theo
Tại sao đám đông “lấy thịt đè người” cướp đất phá nhà thì ân sủng án treo
Còn nạn nhân tự vệ bị quy là sát thủ
Chẳng lẽ tòa án Tây ngày xưa lại có Bao Công Tàu
Còn ở Việt Nam thời nay thì luật rừng tự xử
Con người nhờ có khối óc và trái tim mới hơn con thú
Trái tim đòi trả tự do cho những kẻ cùng đường
Khối óc đòi công lý loài người trước phiên tòa bức tử
Đừng để Máu Thắm Đồng Nọc Nạn nhuộm hai lần trên mảnh đất quê hương
Đêm 31 tháng 3 năm 2013
BCV

Kiểm duyệt Trung Quốc đau đầu vì một bức ảnh của 'đệ nhất phu nhân'


Ảnh chụp trang web China Digital Times (Hoa Kỳ) ngày 30/03/2013 có ảnh phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 1989. Bức ảnh này đã bị kiểm duyệt Trung Quốc tìm xóa.
Ảnh chụp trang web China Digital Times (Hoa Kỳ) ngày 30/03/2013 có ảnh phu nhân 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 1989. Bức ảnh này đã bị kiểm duyệt Trung Quốc tìm xóa.

Trọng Nghĩa
Chuyện khó tin nhưng có thật : Vào lúc dư luận Trung Quốc đang hân hoan trước sự kiện bà Bành Lệ Viên, phu nhân chủ tịch Tập Cận Bình nổi lên thành một nhân vật được quốc tế khen ngợi là « khả ái », guồng máy kiểm duyệt nước này trong những ngày qua đã nỗ lực tìm cách xóa bỏ một bức hình của bà thời trẻ. Lý do rất đơn giản : Bức hình này được chụp lúc bà Bành Lệ Viên đang hát cho đơn vị quân đội vừa thực hiện xong chiến dịch đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Một bản tin của hãng tin Mỹ AP, đánh đi từ Bắc Kinh vào hôm qua, 30/03/2013 đã xác nhận rằng, chỉ ít lâu sau khi được công bố trên mạng Vi bác (tức là mạng Twitter Trung Quốc), bức ảnh đó đã lập tức bị các cán bộ kiểm duyệt truy lùng và xóa bỏ trên mạng internet tại Trung Quốc, trước khi bức ảnh tạo ra những cuộc tranh luận. Tài khoản của người tung ra bức ảnh đã bị đóng ngay lập tức.  

Trên bức ảnh, được lưu truyền trên mạng ngoài lãnh thổ Trung Quốc, người ta thấy đệ nhất phu nhân Trung Quốc khi ấy còn trẻ, trong bộ quân phục màu xanh, tóc được buộc lại kiểu đuôi ngựa, đứng hát trước các bộ đội đầu đội mũ sắt, tay mang súng trường, ngồi thành hàng dài ngay trên quảng trường Thiên An Môn.

Theo báo mạng China Digital Times, trụ sở ở Hoa Kỳ, khi tung ra bức ảnh này, nhân vật tên @HKfighter ghi chú như sau : « Sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Bành Lệ Viên hát để động viên những người lính. Tạp chí Open Magazine đã công bố bức ảnh này. ».

Theo một phóng viên Trung Quốc, bức ảnh đó có thật, chụp từ bìa sau của một tạp chí quân đội được phát hành năm 1989. Nhà báo này công nhận rằng cách đây vài năm, ông đã từng dùng điện thoại di động chụp lại bức ảnh khi nó được công bố một cách ngẫu nhiên trên tiểu blog của ông. Tuy nhiên sau đó ông đã xóa bức ảnh đi, không ngờ rằng nó lại tái xuất giang hồ vào lúc này.

Warren Sun, một chuyên gia về lịch sử quân sự tại Đại học Úc Monash đã không chút nghi ngờ về tính xác thực của bức ảnh. Trích dẫn một báo cáo khoa học năm 1992, ông cho biết là sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Bành Lệ Viên đã trình diễn một bài hát để chào mừng những người lính được đưa về Bắc Kinh để thực hiện thiết quân luật.

Bình thường ra bức ảnh này không có gì đáng nói. Tuy nhiên, nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, guồng máy tuyên truyền của chế độ Bắc Kinh đã tung toàn lực xây dựng cho tân lãnh đạo của họ một hình ảnh mới, mà con chủ bài chính là bà Bành Lệ Viên, được nêu bật thành một đệ nhất phu nhân khả ái, có cá tính, biết chưng diện, trái hẳn với hình ảnh thông thường của phu nhân các lãnh đạo trước đây, ăn mặc xuề xòa và luôn luôn núp bóng phu quân.

Bức ảnh bà Bành Lệ Viên tại Thiên An Môn do vậy đã bị kiểm duyệt thẳng tay vì trái ngược hẳn với hình ảnh về bà mà Bắc Kinh bắt đầu xây dựng thành công trong suốt vòng công du Nga và châu Phi của nhân vật số một Trung Quốc, thành công đến mức mà có nhà báo đã không ngần ngại đặt đệ nhất phu nhân Trung Quốc ngang hàng với Michele Obama tại Mỹ, hay Carla Bruni Sakorzy tại Pháp.

Theo các nhà phân tích, hình ảnh của bà Bành Lệ Viên trên quảng trường Thiên An Môn đã làm sống lại ký ức về một tầng lớp lãnh đạo sẵn sàng đàn áp đẫm máu phong trào đòi tự do và dân chủ, như vào năm 1989 ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, điều mà chế độ hiện không muốn nhắc lại.

Một chuyên gia chính trị học tại trường đại học Hồng Kông, tuy nhiên cho rằng bức ảnh này chỉ gây ra nhiều ảnh hưởng ở ngoài nước hơn là trong nước.

Lý do là vì rất nhiều thanh niên Trung Quốc ngày nay không hề biết là trong hai ngày 03-04/06/1989, quân đội của họ đã tàn sát những người đòi dân chủ tại Thiên An Môn, sát hại hàng trăm, thậm chí có thể là hàng ngàn người.

Một số người khác biết chuyện thì có thể nghĩ rằng lúc ấy, trong tư cách là văn công quân đội, bà Bành Lệ Viên không thể làm gì khác hơn là tuân lệnh.

HƯ HỎNG LẶN SÂU VÀO TRONG CÁCH NGHĨ

Đáng sợ nhất là những cách nghĩ tưởng như rất có lý

Vương Trí Nhàn
Nhân nào quả ấy

Khi tôi hỏi nhà văn Tô Hoài “so với con người thời xưa thì con người thời nay có xấu hơn?”, ông không ngần ngại trả lời “chẳng những xấu hơn mà người nay lại hay có lắm lý lẽ biện hộ cho sự hư hỏng của mình” . 

Tôi đã tìm cách nối dài gợi ý của Tô Hoài bằng bài viết sau, chủ yếu nhân mạnh chính xã hội thời nay đã trang bị cho con người đủ thứ lý sự để họ có thể yên tâm trượt dài trong sự hư hỏng, do đó bệnh trạng lại càng vô phương cứu chữa. 

Người làm sao ta làm vậy 
Người làm bậy ta làm theo 
Tôi muốn nhắc lại câu tục ngữ mới ấy để lưu ý rằng sự tiêu diệt tinh thần tự chủ cá nhân và cách sống bầy đàn mà xã hội tạo ra cũng chính là môi trường rất tốt để cái mầm mống triết lý hư hỏng này phát triển, và lan ra như một nạn dịch. 

Từ câu chuyện nhỏ về mấy thứ rau quả có thể gây ngộ độc...

Trong số những gánh hàng rong bán quanh Hà Nội thì hàng rau vốn có từ lâu đời nhất. Từ sau 1954 lại thêm những chiếc xe đạp đằng sau thồ hai sọt bự chở rau quả cũng len lỏi khắp mọi phố xá, tự chúng đã thành một nét riêng của Hà Nội, làm chứng cho sự có mặt của những người nông dân ở một thành phố có nhiều dây mơ rễ má với nông thôn. Song dăm ba năm gần đây, tự nhiên có chuyện một số hàng rau quả bị phun thuốc sâu quá mức cho phép, ăn vào có thể ngộ độc, nhiều người đâm ngại. Chẳng biết mua cái ăn ở đâu khác, và ham rẻ, người ta vẫn mua, nhưng mang về phải ngâm nước hoặc gọt vỏ mới dám ăn.

Giá kể chuyện xảy ra ở các nước có nền kinh tế phát triển, người ta sẽ có cách đối phó là kiểm tra hàng rồi mới cho mang bán. Nhưng ở ta, cái chuyện rắc rối ấy, ai mà dám nghĩ tới. Cũng chưa ai xác định rằng đây có phải là một thứ tội trạng không và nếu bắt được quả tang người bán thứ hàng độc hại ấy thì sẽ xử ra sao. Rút cục mọi người chỉ đành nhắm mắt cho qua. Người gọi là có trình độ lý luận hơn thì nhấn mạnh:

- Căn bản là phải đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức tự giác cho nhân dân để bảo vệ sức khỏe chung!

Kể ra cách đặt vấn đề như vậy, cũng đã bắt đầu lần ra đầu mối của mọi hiện tượng gọi là tiêu cực. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn đi xa hơn một chút.

...tới những triết lý sống mang màu sắc dân gian

Để sang một bên cái chuyện người dân khi phun thuốc sâu quá độ cho phép vào rau quả không biết là nó có thể gây ra độc hại. Cách biện hộ như vậy quá xa thực tế. Xưa nay, nông thôn ta vẫn có lối thông tin khá tùy tiện mà cũng khá hiệu nghiệm, đó là những lời đồn đại. Nữa là bây giờ, báo đài (radio) sẵn hơn, tivi nhiều hơn, hẳn là nhiều người cũng đã biết rõ hậu quả việc họ đã làm. Thế nhưng tại sao họ cứ tiếp tục? Có thể dự đoán là nếu nghe có lời bàn ra tán vào, người ta sẽ chỉ tặc lưỡi:

- Ôi giời! Đau bụng một lúc rồi khỏi. Với lại dân thành phố bây giờ tiền nhiều, lại sẵn thuốc Pháp, thuốc Mỹ, đau mấy rồi họ cũng khỏi.

Tạm gọi đấy là một ý nghĩ giản đơn, nông nổi. Song theo tôi tính, sở dĩ những giản đơn nông nổi ấy nảy sinh, vì ở tận bề sâu, cái ý nghĩ người ta để bụng phải là:

- Mình thì khổ quá, đã vất vả quá. Còn những người ấy thì sung sướng như giời như bể!

Và để đi tới chỗ tự cho phép mình làm liều mà không cần áy náy, có cái điều người ta không nói ra, nhưng chắc chắn đã nghĩ:

- Người khổ có quyền làm bất cứ việc gì miễn là thoát ra khỏi cảnh khổ.

Khi hành động, suy cho cùng, con người ta ít hay nhiều, gián tiếp hay trực tiếp, đều đã bộc lộ một triết lý về hành động. Và không vì triết lý đó còn mang đậm tư duy dân gian, còn ở dạng tự phát (và chắc chắn là không thành hệ thống), mà chúng ta không thử gọi rõ nó ra như thế. Liên hệ việc người nông dân bán cả thứ rau quả có thể gây ngộ độc với vô vàn việc gọi là tiêu cực trước mắt (học sinh quay cóp bài; người qua đường liều lĩnh vượt xe ở những quãng đang có đèn đỏ; kẻ buôn lậu tàng trữ thứ thuốc tiêm chích vốn một lãi trăm lãi ngàn; các nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền để tham nhũng v.v..), tôi tưởng có thể nói nhiều người đang gặp nhau ở ý nghĩ: thời buổi này, chẳng còn gì để phân biệt là lợi với hại, là việc bị pháp luật nghiêm cấm với việc được phép; cũng chẳng nên nói rằng việc này hợp, còn việc kia trái đạo lý. Trong việc mưu cầu lợi ích cá nhân - ở một số người, nó được xem như sự định hướng duy nhất, như động cơ chi phối mọi hành động - con người ta chỉ còn một "triết lý" đơn giản: "Chỉ có những việc chưa làm được, chứ không có việc không được làm". Một "triết lý" tùy tiện về nguyên tắc, có thể mở đường cho mọi tội lỗi, cố nhiên.

Triết lý tự phát

Theo cách hiểu thông thường, văn hóa chẳng qua chỉ là những gì thuộc về sinh hoạt tinh thần như báo, đài, phim ảnh, cùng các hoạt động vui chơi giải trí. Nhưng văn hóa theo nghĩa rộng thì bao trùm mọi lĩnh vực sinh hoạt. Nó liên quan đến cách sống cách tồn tại độc đáo của cả cộng đồng, nó là những ý tưởng toát ra từ cả những chuyện cụ thể như ăn mặc, sinh hoạt, hội hè... cho đến những chuyện trừu tượng như quan niệm về nhân sinh và vũ trụ; cách hiểu về mối quan hệ giữa thế giới đang sống và thế giới bên kia, về thời gian, về lịch sử v.v... Theo nghĩa ấy mà xét, một triết lý sống ở dạng tự phát, đại loại "chỉ có những việc chưa làm được, chứ không có những việc không được làm" cho thấy một cách hiểu về quyền hành động của mỗi con người, và mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, do đó, nó cũng thuộc về những tầng văn hóa được hình thành và di truyền một cách vô thức (ở đây là văn hóa chung sống). Bền vững và ổn định trong thời gian, nó nằm sâu trong tâm linh để chi phối mọi hành động của cá nhân. Nói cách khác, những biểu hiện tản mạn rời rạc hàng ngày sẽ không thể biến đổi tận gốc chừng nào người ta chưa nhận chân ra những căn nguyên văn hóa đứng đằng sau và có đối sách thích hợp.

Liệu có rơi vào suy diễn quá xa, khi thử nêu nhận xét như trên? Tôi hiểu, khi phân tích những rắc rối trong làm ăn buôn bán hay thực thi pháp luật trên phạm vi toàn xã hội, người ta thường không dành cho các nhân tố lịch sử - văn hóa một vai trò nào đó. Khi bàn về công cuộc phát triển nhiều người tin chắc như đinh đóng cột rằng "So với nước người, ta có thể còn non kém về kinh tế chứ nhất định không có chuyện người dân ta chưa trưởng thành về văn hóa", lại càng không ai muốn tin rằng trong những năm gần đây, cái nền móng văn hóa ở mỗi người bình thường lại bị xói mòn đến mức đáng lo ngại. Tóm lại văn hóa không được nhìn nhận như một cái gì đứng sau tất cả, lại càng không mấy ai quan niệm rằng ở đó có thể tích tụ cả những độc tố, thường xuyên gây tác hại. Trong khi ấy, những diễn biến của đời sống trước mắt có lẽ đang yêu cầu một cách nghĩ khác. 

Nói một chuyện cấp bách: Nếu không tìm cho ra những căn nguyên văn hóa đứng sau những hiện tượng tiêu cực đang là những ung nhọt nhức nhối trên cơ thể cả xã hội, thì cuộc đấu tranh ở đây sẽ chẳng khác là bao so với chuyện chặt đầu tên giặc Phạm Nhan ngày xưa: cứ đầu này bị chặt, đầu khác lại mọc.

Sức mạnh của nỗi buồn

TS Nguyễn Thị Từ Huy
Tia Sáng


Bảo Ninh, trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, đã nhìn nhận nỗi buồn như một cảm giác người căn bản nhất. Nỗi buồn chính là sức mạnh giúp con người chiến đấu và chiến thắng cả sự tàn khốc của chiến tranh lẫn sự phi nhân trong đời sống hòa bình. Với tác phẩm, nỗi buồn quy định cơ chế vận hành của văn bản. Với nhân vật chính, Kiên, nỗi buồn vừa có tính di truyền, vừa là sức mạnh kích hoạt hành động viết và duy trì khát vọng sống...


Nỗi buồn đã có lúc bị xem là cảm giác tiêu cực. Trong giai đoạn chiến tranh, nó bị cho là đáng sợ đến mức mà đã có những chủ trương cấm không được ủy mị, không được buồn. Hậu quả của những chủ trương đó, các nhà thơ như Hữu Loan, Quang Dũng phải gánh chịu1. Nhưng nỗi buồn là một cảm giác người, một cảm giác mà thiếu nó, con người sẽ không là con người. Các nhà văn nhà thơ Việt Nam thấu hiểu điều đó nên đã dùng nỗi buồn để đối lập lại sự phi nhân của chiến tranh. Chiến tranh có thể hủy diệt mọi thứ, nhưng nó không ngăn được người ta cảm thấy buồn, cảm thấy đau khổ. Chiến tranh có thể giết chết người, nhưng không thể giết chết được tính người. Nỗi buồn bị cấm đoán, người ta sợ nó làm mất dũng khí. Nhưng thực ra chính nỗi buồn làm nên sức mạnh cho những người lính chiến đấu và chiến thắng. Không phải sự thù hận, mà là nỗi buồn. Yêu nước trước hết là đau buồn vì đất nước bị xâm lăng, bị nô lệ. Nỗi đau buồn đó là một trong những cảm xúc khởi thủy của những trạng thái cảm xúc khác trong chiến tranh, là sức mạnh nguồn cội từ đó hình thành nên mọi sức mạnh khác mà người Việt Nam đã có trong chiến tranh.

Thế nên, bất chấp mọi cấm đoán, những câu thơ như "Đôi mắt người Sơn Tây/ u uẩn chiều lưu lạc / buồn viễn xứ khôn khuây", những bài thơ như Màu tím hoa sim trong thời chiến vẫn được lưu truyền rộng rãi dù là không công khai và chúng gìn giữ phẩm chất người cho cả một dân tộc. Không một sự cấm đoán nào có thể khiến con người nơi đây từ bỏ phẩm tính người. Họ đã gìn giữ những câu thơ, những tác phẩm diễn tả tâm hồn, diễn tả đời sống tinh thần của họ. Những câu thơ như vậy, hay nỗi buồn chiến tranh là những dấu hiệu cho thấy dân tộc này là dân tộc của những con người chứ không phải là những cỗ máy chỉ biết phục vụ chiến tranh hay phục vụ thể chế một cách vô điều kiện. Gìn giữ và truyền bá những tác phẩm văn chương nghệ thuật thể hiện nỗi buồn trong một hoàn cảnh như vậy chứng tỏ cộng đồng này đã tìm cách bảo vệ quyền tự do làm người, bảo vệ nhân tính của mình.

Chính trong tinh thần này mà cần đọc lại tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Ngay từ trang đầu tiên ta đã nghe thấy giọng của nỗi buồn cất lên. Chính nó, dù tác giả chưa gọi tên. Chưa gọi tên nhưng đã cấp cho nó một diện mạo. Nỗi buồn tạc dáng vẻ của nó vào không gian, khắc sự hiện diện của nó vào thời tiết, triệu về kẻ đồng hành chết chóc của nó: chiến tranh. Nỗi buồn chảy ra từ mưa, bốc lên từ những gói hài cốt, nỗi buồn phả ra từ không khí ướt át.2

Âm hưởng của nỗi buồn lan tỏa suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết. Nó là âm thanh chủ đạo. Âm thanh của nỗi buồn vượt lên trên mọi âm thanh khác ở thời chiến. Nó trở thành một thứ âm thanh cứu rỗi. Chính nỗi buồn giữ cho con người vẫn còn là con người trong cái cỗ máy xay thịt của chiến tranh; nó khiến con người, dù bị hủy diệt bởi bom đạn sắt thép, vẫn đứng cao hơn bom đạn, sắt thép. Vì nỗi buồn không phải là âm thanh gào rú của máy bay, không phải là tiếng gầm của bom, tiếng nổ của pháo, tiếng rít của đạn. Nỗi buồn là âm thanh "của tâm hồn con người trong cuộc xung đột với chính nó, điều duy nhất có thể tạo ra tác phẩm hay, bởi đấy là điều duy nhất đáng để viết, đáng để thống khổ và nhọc nhằn"3. Tôi trích ý của Faulkner trong diễn từ nhận giải Nobel để nói như vậy. Gìn giữ nỗi buồn trong cảnh tàn sát và chém giết diễn ra hằng ngày của chiến tranh cũng có nghĩa là chống lại sự tàn lụi của tính người, chống lại sự hủy diệt con người. Faulkner còn nói rõ ông từ chối điều gì: "Tôi từ chối chấp nhận sự tàn lụi của con người. […] Tôi tin tưởng rằng, con người sẽ chiến thắng. Nó bất tử không phải vì giữa muôn loài nó có một tiếng nói không mệt mỏi, mà là vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng trắc ẩn, hy sinh và nhẫn nại. Bổn phận của nhà thơ và nhà văn là viết về những điều ấy. Đó là đặc quyền của hắn để giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn mình, bằng cách nhắc nhở con người về sự can đảm, danh dự, hy vọng, kiêu hãnh, trắc ẩn, tình thương và sự hy sinh, những gì đã từng là vinh quang trong quá khứ của họ."4 Faulkner được biết đến như một nhà cách tân quan trọng của tiểu thuyết thế kỷ XX, và như ta thấy, trong diễn từ nhận giải Nobel này, ông đã không nói về kỹ thuật văn chương. Đối với ông, sáng tạo kỹ thuật là gì? Là "sáng tạo ra từ những chất liệu của tinh thần con người một cái gì trước đây chưa từng có". Và nếu văn chương quan trọng thì bởi vì nó "là những điểm tựa, những trụ cột giúp con người chịu đựng và chiến thắng"5. Bảo Ninh đã viết trong tinh thần này, ông cho chúng ta thấy rằng nỗi buồn chính là một chất liệu của tinh thần con người, là điểm tựa nhân tính giúp con người chịu đựng và chiến thắng.
Cái đẹp được bảo tồn trong nỗi buồn. Nỗi buồn là hiện thân của cái đẹp. Nỗi buồn nâng cao tâm hồn con người. Do vậy, nỗi buồn ở đây không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, ủy mị, mà trái lại chính là sức mạnh của nhân tính, sức mạnh của cái đẹp.
Nỗi buồn giúp con người tồn tại trong chiến tranh với tư cách là con người, nó giúp con người ra khỏi chiến tranh mà vẫn còn là người. Ở cuốn tiểu thuyết này, mọi cảm giác tiêu cực: sợ hãi, bất lực, cảm giác nhục nhã, tàn bạo, cảm giác chiến bại, tuyệt vọng, niềm vui sống sót mang tính phi nhân (niềm vui không cưỡng lại được khi người khác chết mà mình thì còn may mắn được sống), cảm giác căm thù… tất cả đều được thanh lọc trong nỗi buồn, tất cả đều được thanh tẩy trong ánh sáng của nỗi buồn. "Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát." (90) Các hồi ức thời hậu chiến cũng được kết thúc trong sự cứu rỗi của nỗi buồn: "Tuy nhiên bao nhiêu sợ hãi và đau đớn, uất giận và căm hờn, những trạng thái tinh thần bạo liệt đã co giật và giằng xé trong lòng anh khi ấy trước tình cảnh kinh khủng quá sức chịu đựng ấy, không còn có thể trỗi dậy cùng với hồi tưởng. Bây giờ đây chỉ có nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn - nỗi buồn được sống sót, nỗi buồn chiến tranh - tràn phủ tâm hồn anh" (206)

Tranh: Lê Thiết Cương

Cũng vậy, sẽ rất sai lầm trong việc tiếp nhận tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh "con quỷ" trong Chí Phèo, nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh nạn nhân của nhân vật, mà không thấy hết giá trị cái chết của Chí. Đó là một cái chết có ý nghĩa7. Cái chết của một con người có khả năng từ chối sự tồn tại vật lý để bảo vệ các giá trị người của mình, để bảo vệ các giá trị tinh thần của mình. Chí Phèo thực ra ý thức rất rõ về hành động cuối cùng, về lựa chọn cuối cùng, dù nhà văn đã cố tình "đánh lừa" độc giả bằng cách đặt Chí vào tình trạng say. Trước khi đi tìm giết Bá Kiến, Chí Phèo đã uống rất nhiều . Nhưng "càng uống càng tỉnh. Tỉnh ra, chao ơi buồn". Buồn đến mức "hắn ôm mặt khóc rưng rức". Chí Phèo đã hành động, đã chết với một ý thức hoàn toàn tỉnh táo, với sự "kiêu ngạo" và "dõng dạc" cất tiếng đòi làm người lương thiện. Điều đáng nói ở đây là : cái cảm giác mà Chí có trước khi chết là cảm giác buồn. Và cảm giác mà Chí có sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng hạnh phúc đầu tiên cũng là cảm giác buồn. Tính người trong Chí hồi sinh cùng với quá trình trỗi dậy càng ngày càng mãnh liệt của cảm giác buồn: từ "mơ hồ buồn", đến "chao ôi là buồn", rồi "hắn nôn nao buồn", "trong quan niệm của nhiều nhà văn Việt Nam, nỗi buồn chính là cảm giác người căn bản nhất. Nỗi buồn là phần sâu thẳm của đời sống tinh thần. Chí nói rõ với Bá Kiến: "Chỉ còn một cách... biết không ?" Chỉ còn một cách là chết đi để có thể làm người. Chí phải chết để bảo vệ phần người đã phục sinh trong Chí. Nam Cao cũng nói chính điều đó: con người có thể chết nhưng nhân tính không thể bị hủy diệt. Chí Phèo là một con người chân chính, con người đã dám lựa chọn cái chết để bảo tồn tính người thay vì kéo lê một sự tồn tại có tính thú vật. Nam Cao cũng diễn đạt cái điều mà Faulkner tin tưởng: "con người sẽ chiến thắng". Cái chết của Chí Phèo chính là sự chiến thắng của con người.


Mọi trạng thái kinh khủng, tàn bạo, chết chóc của chiến tranh cũng được hòa vào trong nỗi buồn. Chiến tranh để lại, trên những vùng đất mà nó tàn sát, không chỉ là sự hủy diệt, mà còn là cái nỗi buồn đã trở thành đặc trưng của mọi sự tồn tại trên mảnh đất đó: "đi đêm ở vùng này có thể nghe thấy chim chóc khóc than như người", "các loại măng lại nhuốm một màu đỏ dễ sợ đến vậy, đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu". Có thể nhìn nhận những miêu tả này như là dấu hiệu của phong cách kinh dị, ma quái. Nhưng cũng có thể nhìn thấy ở đó sự hiện diện của nỗi buồn, những đau đớn của chiến tranh vẫn còn tiếp diễn nơi những sinh vật sống.

Tại sao nỗi buồn có khả năng cứu rỗi? Vì nỗi buồn chính là tâm hồn, là một phương diện của tâm hồn con người. TÂM HỒN. Từ này vang lên nhiều lần trong tác phẩm. ["Giấc mơ lay thức tâm hồn Kiên" (29), "Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy" (43), "ở ngoài tầm với của tâm hồn anh" (47), "theo dần năm tháng tâm hồn anh càng ngày càng chín muồi hơn cái khát vọng thể hiện thiên chức thiêng liêng của đời mình" (49), "cũng như Kiên, hầu hết anh em ở đội hài cốt đã ra khỏi chiến tranh với một tâm hồn tràn ngập bóng tối tang thương" (88). "Dường như bóng tối của giời đất khẳng định bóng tối trong tâm hồn anh" (115), "mặc cảm về sự què quặt hiển nhiên của tâm hồn mình" (123); "Tâm hồn anh trong đau khổ dường như đã biến hình" (183)…] Song hành với từ "tâm hồn" là một từ khác: TRÁI TIM. ["trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính chiến không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy" (28), "và trái tim tôi run rẩy nhói đau" (44)…] Nghịch lý của chiến tranh là như vậy, giữa bạo lực tàn khốc, giữa sự hủy hoại mù quáng, giữa một thế giới phi nhân thì những gì sâu sắc nhất thuộc về nhân tính, tâm hồn, trái tim, lại hiện ra một cách lồng lộng. Kiên hoàn toàn chắc chắn là anh có một tâm hồn. Anh dùng từ đó, "tâm hồn tôi", một cách tự nhiên, anh biết rất rõ nó tồn tại, anh biết rõ nó là gì.

Nỗi buồn không chỉ đưa con người siêu vượt guồng máy chiến tranh. Nhờ nó Kiên mới có thể tồn tại trong hòa bình. Không có nỗi buồn, có lẽ cuộc sống sẽ chỉ còn là một sự chịu đựng dai dẳng. Nhờ nỗi buồn mà Kiên vẫn thực sự sống. Nhờ nó mà Kiên biết thế nào là cái đẹp và giá trị. Nỗi buồn đã giúp Kiên hồi sinh trong hành động viết. Nỗi buồn là sức mạnh kích hoạt hành động viết. Với Kiên thời hậu chiến, sống có nghĩa là viết, hành động có nghĩa là viết. Và viết là để tìm lại nỗi buồn chiến tranh, tìm lại cội nguồn của nhân tính. Thật nghịch lý, đối với Kiên, chiến tranh mang lại sức mạnh cho tâm hồn con người, còn những tấn thảm kịch của đời sống thường nhật đã làm tàn lụi những sức mạnh đó, đã hủy diệt tâm hồn. Bảo Ninh, vào thời điểm viết cuốn tiểu thuyết, đã nhận thấy điều này: tâm hồn dường như trở thành một thứ xa xỉ phẩm trong đời sống hiện tại. Đời sống không chiến tranh này đã hủy hoại nhân tính với một tốc độ mà ta không lường trước được. Nỗi buồn chiến tranh, đó chính là cái đẹp mà đời sống thời bình đã đánh mất. Đối với Kiên, nỗi buồn đó gắn với hai thứ đẹp nhất: tình yêu và tự do. Hai thứ đó phải chăng giờ đây đã là quá khứ ? Đấy là lý do vì sao Kiên cứ đuổi theo mãi những hồi ức về thời đã qua: "Từ chân trời dĩ vãng ngọn gió buồn vô hạn của tình yêu và tự do như là niềm tiếc nuối không nguôi cứ mãi thổi hoài qua thành phố, qua làng mạc, và trong đời tôi…" (46).

Hồi ức khiến quá khứ trở thành hiện tại. Hồi ức khiến hiện tại bị xâm chiếm, bị thay thế bởi quá khứ. Thế nên, Kiên suốt đời phải sống trong cuộc chiến đó. "Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia thử hỏi đã bao năm ròng?" (44). "Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng. Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi. […] những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay" (45). Quá khứ chiến tranh, oái ăm thay, lại là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, lại là nguồn sức mạnh tinh thần, lại là thứ mà Kiên không muốn quên, không thể quên khi đối diện với tấn trò đời của thời bình. Kiên nhiều lần nhấn mạnh điều này : "Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của hồi tưởng" (45). Hồi ức về chiến tranh có sức mạnh cứu rỗi, có khả năng duy trì niềm tin. Hồi ức đó gắn liền với nỗi buồn và tình người. Máu, sự chết chóc được hóa giải trong nỗi buồn đó. Trong chiến tranh người ta ý thức được mình là một con người, người ta biết hành động như thế nào cho ra con người. Đó là ý nghĩa của sự hy sinh, của lòng can đảm, vị tha… khi đối diện với toàn bộ tính phi nhân của cuộc chiến. Còn đời sống thời hậu chiến diễn ra theo chiều hướng nào? Người ta không còn dám đối mặt với sự phi nhân được ngụy trang nhân danh tồn tại. Và nhân tính dần dần bị đánh mất nhân danh quyền được sống. Cuốn sách do vậy không chỉ có giá trị phản chiến, nó còn có ý nghĩa cảnh tỉnh, nó cảnh báo về sự hủy diệt nhân phẩm của những thảm kịch xã hội trong đời sống không chiến tranh.

Xã hội hòa bình mà trong đó Kiên đang sống là một xã hội như thế nào để đến nỗi một người cựu chiến binh phải đi tìm niềm tin và sức mạnh trong hồi ức về cuộc chiến tranh mà anh đã vui mừng thoát khỏi nó? Cách đặt vấn đề này của tác phẩm khiến ta có thể xếp Bảo Ninh không chỉ vào hàng ngũ của các nhà văn viết về chiến tranh, mà còn có thể xếp ông vào hàng ngũ những nhà văn viết để cảnh tỉnh và bảo vệ các giá trị người theo nghĩa phổ quát. Tác phẩm của Bảo Ninh là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi nó được viết ra trong mục đích tìm kiếm, bảo vệ, và duy trì cái đẹp. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh khía cạnh này: cái đẹp được bảo tồn trong nỗi buồn. Nỗi buồn là hiện thân của cái đẹp. Nỗi buồn nâng cao tâm hồn con người. Do vậy, nỗi buồn ở đây không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, ủy mị, mà trái lại, chính là sức mạnh của nhân tính, sức mạnh của cái đẹp. Xã hội có thể bất công, có thể thối nát, có thể tàn bạo, nhưng nếu các cá nhân trong xã hội đó còn nỗ lực đi sâu giải mã nội tâm, tìm hiểu về sự thật của chính mình, còn theo đuổi, tìm kiếm, gìn giữ phẩm giá người, gìn giữ cái đẹp, thì vẫn còn hy vọng, vẫn còn có khả năng thay đổi.
***

Ở Kiên, sống đồng nghĩa với viết, và viết đồng nghĩa với hồi tưởng. Hồi ức trả lại cho Kiên sức mạnh. Hồi ức đòi được hiện hữu, đòi có một hình hài, đòi được vật chất hóa, nghĩa là đòi Kiên phải ghi lại, phải viết. Tác phẩm của Kiên được phát động từ một sức mạnh buồn bã. Nhờ nó mà Kiên có thể sống sót. Nhờ nó mà Kiên hồi sinh. Kiên hồi sinh vào quá khứ, chứ không phải là hồi sinh từ quá khứ6. Ngòi bút của anh chỉ có một con đường: lần trở lại dĩ vãng, làm sống lại sức mạnh được hun đúc từ dĩ vãng, được cất giấu trong quá khứ. Sứ mệnh của Kiên là phải trở thành nhà tiên tri của thời quá khứ. "Ánh sáng của nỗi buồn soi về quá khứ, ấy cũng là ánh sáng thức tỉnh, ánh sáng cứu rỗi của đời anh. Bằng sự trầm mình sâu xa trong hồi tưởng, trong nỗi đau buồn chiến tranh không bao giờ nguôi mà anh sẽ tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy sinh, là nhà tiên tri những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ" (208). Tại sao lại báo trước thời quá khứ? Thật kỳ lạ. Cứ như thể tương lai sẽ được làm bằng quá khứ, hay quá khứ chính là nội dung của tương lai. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy sự sâu sắc của ngòi bút Bảo Ninh khi xây dựng nên nhân vật - người tiên báo quá khứ - này. Đến một ngày người ta sẽ phải quay lại để nhìn nhận cái quá khứ chiến tranh ấy như nó vốn tồn tại trong thực tế, với tất cả mọi sự thật của nó; chứ không phải chỉ trình bày nó ở những khía cạnh người ta muốn trình bày, chỉ nhìn nó ở những khía cạnh mà người ta muốn nhìn. Chừng nào các sự thật về cuộc chiến còn chưa được hiển lộ, chừng nào quá khứ còn chưa hiện diện trong toàn bộ tính chân thực của nó, chừng đó vẫn còn chưa có ký ức lịch sử (hoặc chỉ có một thứ ký ức lịch sử giả mạo) và chừng đó quá khứ vẫn chưa phải là quá khứ. Trong ý nghĩa này Kiên là nhà tiên tri của những năm tháng đã qua.
TS. Nguyễn Thị Từ Huy

Xã hội có thể bất công, có thể thối nát, có thể tàn bạo, nhưng nếu các cá nhân trong xã hội đó còn nỗ lực đi sâu giải mã nội tâm, tìm hiểu về sự thật của chính mình, còn theo đuổi, tìm kiếm, gìn giữ phẩm giá người, gìn giữ cái đẹp, thì vẫn còn hy vọng, vẫn còn có khả năng thay đổi.
Có hai dòng hồi ức chính: hồi ức về chiến tranh và về tình yêu. Bắt đầu bởi hồi ức về chiến tranh và kết thúc bởi hồi ức về tình yêu, ở đoạn khốc liệt nhất, đau đớn nhất, chết chóc nhất của mối tình không tàn phai ấy.

Cuốn sách đề cập đến những chủ đề lớn: chiến tranh, hòa bình, cái chết, cuộc sống và tình yêu. Nó đặt câu hỏi: sống là gì? và đâu là khả năng tồn tại của tình yêu ? Có những lúc Kiên thực sự phân vân giữa cuộc chiến và Phương, giữa lý tưởng và tình yêu. Kiên đã có ý nghĩ ở lại bên Phương, vĩnh viễn, nhưng rồi "chiến tranh tình yêu của tôi" (189). Kiên đã lựa chọn như nhân vật Le Cid của Corneil. Đúng hơn Kiên đã lựa chọn điều mà các thanh niên Việt Nam đã lựa chọn vào thời điểm đó, nói cách khác là Kiên không có lựa chọn. Cuộc chiến đó là ý nghĩa của cuộc sống, là giá trị làm người. Rồi Phương bị cưỡng hiếp trên con tàu đưa Kiên vào chiến trận, bị cưỡng hiếp bởi những kẻ cùng chiến tuyến với Kiên. Thú tính. Vậy ra thú tính không chỉ trỗi dậy khi người ta buộc phải bắn giết, khi người ta bị buộc phải đứng về những phe đối lập nhau. Nó có thể hiện diện khắp nơi, có thể trỗi dậy khắp nơi. Mối tình bất thành của Kiên là nạn nhân của thú tính nơi con người, một thứ thú tính ở tầm phổ quát, chứ không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, khi mà thú tính trở thành một phản ứng có điều kiện.

Mối tình của Kiên và Phương không bao giờ tàn phai, nhưng bất thành. Đây là lời giải thích đau đớn của Phương về việc tại sao hai người sống cạnh nhau trong cùng một hành lang mà không thể đến được với nhau, không thể trọn vẹn thuộc về nhau : "Ký ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn. - Phương nói với anh khi bỏ ra đi - Không phải là hạt sạn mà là một quả núi. Lẽ ra lần ấy em nên chết đi… Như thế thì chí ít em vẫn là cái gì tốt đẹp trong trắng đối với anh. Còn bây giờ em sống, sống cạnh anh nhưng em là vực thẳm xấu xa và đen tối của đời anh. Phải không Kiên?" (80) Kiên đã làm Phương cảm thấy nhơ bẩn bằng những phản ứng tức thời trên con tàu khi biết rằng Phương bị làm nhục, khi bỏ đi không một lời từ biệt để Phương phải tìm kiếm một cách tuyệt vọng ở thị xã Thanh Hóa. Kiên tiếp tục khiến cho Phương cảm thấy mình nhơ bẩn khi trở về sau chiến tranh, khi hai người đã thử cùng chung sống. Kết cục là Phương phải thốt lên: "Đôi khi em cảm thấy mình như một con vật" (146). Phương ra đi cùng người họa sĩ già, như một giải pháp duy nhất để giải thoát cho cả hai người, để cô còn có thể cảm thấy mình là một con người. Kiên đã không biết làm thế nào để giúp Phương thoát khỏi ám ảnh về sự nhơ bẩn, nhục nhã. Kiên không biết làm cách nào để vượt qua cái hạt sạn đã trở thành quả núi ấy, không còn biết hành động như một người bình thường, không còn biết yêu, biết quên như một người bình thường. Kiên không bằng cả người đàn ông trong câu ca dao: "Giữa đường nhặt cánh hoa rơi / Hai tay nâng lấy cũ người mới ta". Kiên không bằng cả cái anh chàng nho sinh họ Thúc, người đã biết nâng niu giá trị của một cô gái lầu xanh như Kiều. Chiến tranh đóng vai trò gì trong việc tình yêu của anh bị hủy hoại như vậy bởi chính anh? Chính ở sự bất lực này của Kiên, sự yếu đuối này của Kiên mà cuốn tiểu thuyết giúp ta nhận thấy toàn bộ tính chất phức tạp của tâm hồn con người. Kiên đau buồn mắc kẹt trong tấn bi kịch mà không ai ngoài anh có thể hóa giải nổi. Cả cái bi kịch này nữa cũng tắm trong ánh sáng của nỗi buồn, một thứ ánh sáng lạnh, sâu, nhức nhối, sưởi ấm cuộc đấu tranh nội tâm của con người.

Không phải ngẫu nhiên mà Kiên có biệt hiệu là "Thần Sầu". Kiên là hiện thân của nỗi buồn. Kiên mang trong mình một nỗi buồn truyền kiếp, được cha anh trao lại trong lời trối cuối cùng của ông: "không còn những bất hạnh lớn lao nữa… Nhưng nỗi buồn thì không nguôi… vẫn sẽ còn lại nỗi buồn… nỗi buồn truyền kiếp. Cha chẳng để lại gì được cho con ngoài nó, nỗi buồn ấy." (126) Hẳn ông biết rằng đó là một gia tài quý giá mà không một tài sản vật chất nào có thể so sánh nổi. Cuộc đời Kiên là một nỗi buồn dài dằng dặc; mọi nỗi buồn đều biến thái từ nỗi buồn nguyên thủy ấy. Nó giúp anh không chỉ nâng cao tâm hồn mà còn kết nối anh với những người khác. "Chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh."(257-258). Nhờ nỗi buồn mà Kiên chống lại sự tàn lụi của tâm hồn, chống lại sự suy tàn của con người. Nỗi buồn cũng là tài sản duy nhất mà anh để lại trên mớ giấy tờ lộn xộn và trên những dòng chữ rối loạn. Kiên bỏ đi, có thể là đã chết. Nhưng nỗi buồn của Kiên tiếp tục sống cùng với người đàn bà câm, và tiếp tục sống với tất cả mọi người khi bản thảo của anh được công bố. Cùng với nỗi buồn mà anh sẽ tiếp tục tồn tại.

Sẽ như thế nào nếu nỗi buồn chết đi mà con người vẫn sống ?

--------------
1
 Vấn đề này cần được đào sâu và xem xét trong toàn bộ lịch sử của nó thì mới có thể cắt nghĩa được hiện tượng: buồn từng là điệu hồn của các nhà thơ mới rồi sau đó bị coi là tiêu cực, bị cấm đoán (rất nên nghiên cứu về sự cấm đoán cảm giác người này để hiểu thêm những chuyện khác) trong một thời gian dài, thậm chí kể cả sau khi chiến tranh kết thúc, cảm giác buồn vẫn cứ bị cấm đoán, cứ như thể nó là tội lỗi. Bằng chứng là cuốn sách của Bảo Ninh phải đổi nhan đề ở lần xuất bản đầu tiên: "Nỗi buồn chiến tranh" bị biến thành "Thân phận tình yêu".
2 "Nửa đêm mưa xuống. Một màn mờ mỏng, dịu như sương, êm lặng rơi hầu như không thành tiếng. Tấm bạt xe cũ nát lấm tấm dột. Nước mưa rỉ xuống thong thả rỏ giọt lên những bọc ni lông gói hài cốt tử sĩ xếp lát trên sàn xe. Không khí ẩm sánh lại, quánh ướt, từ từ lùa những ngón tay dài ngoằng lạnh toát vào bên trong bọc võng. Chảy rào rào buồn buồn, miên man như là dòng thời gian trôi thành tiếng, nghe nửa tỉnh nửa mơ. Cả trong lẫn ngoài giấc ngủ đều một đêm tối như bưng và mịt mùng hơi ẩm. Gió ướt rượi thở dài. Tự nhiên có cảm giác tuồng như chiếc xe bỗng dưng rời chỗ, im lìm lăn bánh, chạy êm ru, không cần động cơ, không người cầm lái, một mình mộng du trên con đường rừng cô quạnh. Và âm thầm lẫn trong tiếng suối là tiếng thở dài của rừng sâu nghe vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo như là âm vang vọng lại từ một thời nào đó, như là tiếng của lán lá vàng rơi trên thảm cỏ từ lâu lắm rồi." (Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học, bản in năm 2009, tr. 5-6. Kể từ đây các trích đoạn của tác phẩm sẽ được chú thích số trang đặt trong ngoặc đơn).
3 Diễn từ nhận giải Nobel Văn học của William Faulkner, năm 1950. Trích theo bản dịch của Phan Đan và Phan Linh trong cuốn Âm thanh và cuồng nộ, NXB Hội Nhà văn, 1992, tr. 391.
4 Âm thanh và cuồng nộ, sđd, tr. 392.
5 Âm thanh và cuồng nộ, sđd, tr. 392.
6 "Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện. Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh" (83).
7 Dù rằng từ một góc độ khác, cái chết đó bộc lộ sự yếu đuối của con người cá nhân bị khuất phục trước ý thức cộng đồng. Chúng tôi đã phân tích điều này trong bài viết "Ý thức cộng động và số phận cá nhân".

Lửa hiệp thông, lửa từ những trái tim rực cháy hướng về gia đình Đoàn Văn Vươn


Vụ án Đoàn Văn Vươn đã làm rung động cả đất nước và vượt ra ngoài biên giới với nhiều thông tin về  quan chức lộng hành tại Tiên Lãng, Hải Phòng quyết đẩy người lương thiện vào chỗ khốn cùng, tù tội. Sau khi đã dùng súng đạn, quân đội và công an nố súng phá tan nhà cửa, cướp bóc tài sản của gia đình nông dân này, các nạn nhân đã bị bắt giam hơn một năm nay. Hiện nay nhà cầm quyền Hải Phòng quyết đưa vụ án ra xét xử với tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ”.
Việc đưa các nạn nhân với những tội danh do nhà cầm quyền Hải Phòng gán ghép, đã gây làn sóng phẫn nộ của phần nhân dân. Gia đình nạn nhân Đoàn Văn Vươn đã cầu cứu khắp nơi, bao người đã lên tiếng phản đối. Nhưng, những tiếng kêu thấu đến cửu trùng của nạn nhân về những oan ức của họ, đã không thấu tai các quan chức Hải Phòng, những người đã nhúng tay vào tội ác.
caunguyen_doanvanvuon
Hướng tới phiên tòa xét xử bất minh này, nhiều sự hiệp thông, hành động của người dân đã diễn ra. Ủy Ban Công Lý Hòa Bình thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam và Giám mục Giáo phận Hải Phòng, đã có văn thư tới Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng nêu rõ quan điểm về vụ án bất nhân và bất chấp pháp luật này. Đồng thời, Tòa Giám mục Hải Phòng đã ra lời kêu gọi mọi thành phần dân Chúa cầu nguyện cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn và phiên tòa được trung thực.
Tối 31/3/2013, tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế  Thái Hà, một Thánh lễ đồng tế trọng thể đã được tiến hành cầu nguyện cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn trong vụ xét xử sắp tới. Đông đảo giáo dân đã tập trung về kín nhà thờ và khuôn viên Nhà thờ Thái Hà cùng với mẹ và chị ruột Đoàn Văn Vươn.
Đặc biệt, nhiều nhân sĩ, trí thức và nhiều người bạn ngoài tôn giáo đã đến để hiệp thông với gia đình Đoàn Văn Vươn. Người ta thấy hiện diện ở Thái Hà hôm nay là các gương mặt nổi bật, được sự kính trọng của những người yêu chuộng sự thật, công lý, hòa bình và yêu Tổ Quốc, đất nước Việt Nam. Bên cạnh GS Ngô Đức Thọ là Tiến Sĩ Nguyễn Quang A. Nữ nghệ sỹ Kim Chi và phu quân, TS. Nguyễn Xuân Diện, GS TSKH Nguyễn Đông Yên và phu nhân, TS Nguyễn Hồng Kiên… Người ta cũng thấy sự hiện diện của vợ các nạn nhân Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân. Cùng với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, bà Lê Hiền Đức và các nhân sĩ, trí thức khác  có mặt rất đông đảo cùng hiệp thông… Ngoài ra, Các Blogger Nguyễn Tường Thụy, Anh Ba Sàm, phóng viên Reuter cũng đến kịp thời lấy tin tức cùng với nhiều người yêu nước đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.
Thánh lễ đồng tế do Linh mục Mattheu Vũ Khởi Phụng, Bề trên Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà chủ tế. Thánh lễ diễn ra nghiêm trang và trang trọng trong không khí mừng Chúa Phục sinh. Nhưng bên cạnh đó, cũng là sự ngậm ngùi của Cộng đoàn Dân Chúa khi nhớ đến những nạn nhân đang trong vòng tù tội.
Trước Thánh lễ, văn bản của Đức Giám mục Chủ tịch Ủy Ban Công Lý hòa bình và Đức Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên đã được đọc cho tất cả cộng đồng nghe lại. Qua bản văn, mọi người đều nhận thấy sự bất nhân trắng trợn chà đạp pháp luật trong vụ án này.
Sau Thánh lễ, cộng đồng đã tổ chức một buổi thắp nến đông đúc hiếm thấy. Hàng ngàn con người với nến sáng trong tay dưới những băng rôn “Công lý – Sự thật cho Đoàn Văn Vươn” Đoàn Văn Vươn không phạm tội giết người”, “Quyền tư hữu về đất đai phải được tôn trọng”, “Hoàn toàn ủng hộ Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Hiến Pháp”, “Hoàn toàn ủng hộ Kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức về sửa đổi Hiến Pháp”, “Trả lại Tu viện Dòng Chúa Cứu thế cho Thái Hà”…
Những lời nguyện xin tha thiết dưới tượng Đức Mẹ ban ơn, dẫn cộng đồng nâng tâm hồn lên với những tâm tình hướng về các nạn nhân gia đình Đoàn Văn Vươn, hướng về những nạn nhân khác của cái gọi là “đất đai sở hữu toàn dân” đang mất nhà cửa, ruộng đất khắp nơi. Những ngọn nến trong tay mỗi người rực sáng, những cánh tay giơ cao ngọn nến như muốn nâng tâm hồn mình lên cùng lời nguyện cầu.
Sau buổi thắp nến cầu nguyện, các nhân sĩ, trí thức và những người bạn ngoài tôn giáo đã cùng nhau gặp gỡ linh mục Bề trên Dòng Chúa cứu thế Mattheu Vũ Khởi Phụng tại phòng khách giáo xứ. Linh mục Vũ Khởi Phụng đã cảm ơn mọi người, nhất là những người bạn ngoài Công giáo đã đến cùng với Giáo xứ hiệp thông với nạn nhân.
Giáo sư Ngô Đức Thọ, Ts Nguyễn Quang A, Nghệ sĩ Kim Chi và nhiều người lần đầu tiên đến Giáo xứ Thái Hà đã rất phấn khởi khi thấy tinh thần hiệp thông mạnh mẽ của các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở đây với các nạn nhân. Phát biểu cảm tưởng của mình Gs Ngô Đức Thọ bày tỏ sự tin tưởng rắng, sức mạnh hiệp thông của tất cả những người có lương tri, sẽ có tác động lớn lao. Nếu những tiếng nói, tinh thần này không có tác dụng với những người cầm quyền, nó cũng có tác động lớn với lương tâm nhân loại.
Đáp lời, linh mục Mattheu Vũ Khởi Phụng bày tỏ: Hôm nay, chúng ta là những người khác tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng hôm nay mọi người đã tập trung đến giáo xứ vì một lý do: Tất cả vì lương tâm, trái tim của mỗi người vì Công lý, Sự thật và sự hiệp thông. Chính sự oan ức, đau đớn của các nạn nhân, sự bất nhân của sự việc đã đẩy những người đứng về phía Công Lý và đứng với nhau.
Ngỏ lời cảm ơn với Giáo xứ và các nhân sĩ, trí thức và bạn bè, gia đình Đoàn Văn Vươn cho biết: Cho đến nay, còn một ngày nữa thì phiên tòa Công khai xét xử Đoàn Văn Vươn đã không cấp giấy vào tòa cho Mẹ và họ hàng anh em Đoàn Văn Vươn vào tòa(!). Đây là một thông tin làm nhiều người thấy sốc và hết sức căm phẫn với lối hành xử này. Điều này cũng phần nào giúp người ta cảm nhận được những ngày tới phiên tòa sẽ xét xử ra sao.
Sau khi tham dự buổi cầu nguyện cho Đoàn Văn Vươn trở về, bao suy nghĩ vấn vương làm tôi khó ngủ. Khi viết những dòng cuối bài viết này, trên chương trình VTV2 xuất hiện một người mặc quần áo sĩ quan công an. Viên sĩ quan này hùng hồn: “Khi có mâu thuẫn xảy ra, mà giải quyết bằng bạo lực, đó chính là côn đồ”. Rồi sau đó, là một chương trình huấn luyện về việc nên bỏ chạy vào đâu khi gặp côn đồ ngoài đường phố, chạy vào nhà dân, chạy vào ngõ nhỏ hay chạy ra đường cái.
Tôi chợt nghĩ: Hẳn nhiên rồi, khi có mâu thuẫn xảy ra mà giải quyết bằng bạo lực thì rõ là côn đồ. Trong trường hợp Đoàn Văn Vươn, việc giải quyết bằng bạo lực ở đây là các cơ quan nhà nước, công an và quân đội. Chương trình đó đã dạy cho người dân khi gặp côn đồ đường phố thì bỏ chạy theo các phương án trên đặt ra. Nhưng, họ chưa dạy cho người dân khi gặp phải côn đồ nhà nước như anh em Đoàn Văn Vươn đã gặp thì nên chạy vào chỗ nào?
Bởi vì, hiện họ chỉ mới có một con đường bắt buộc phải đến: Vào tù.
Một số hình ảnh:
cnnv (1)
cnnv (2)
cnnv (3)
cnnv (4)
cnnv (5)
cnnv (6)
cnnv (7)
cnnv (8)
cnnv (9)
cnnv (10)
cnnv (11)
cnnv (12)
cnnv (13)
cnnv (14)
cnnv (15)
cnnv (16)
cnnv (17)
cnnv (18)
cnnv (19)
cnnv (20)
cnnv (21)
cnnv (22)
cnnv (23)
cnnv (24)
cnnv (25)
cnnv (26)
cnnv (27)
cnnv (28)
cnnv (29)
cnnv (30)
cnnv (31)
cnnv (32)
cnnv (33)
cnnv (34)
cnnv (35)
cnnv (36)
cnnv(5a)
cnnv1 (1)
cnnv1 (2)
cnnv1 (3)
cnnv1 (4)
cnnv1 (5)
gap
gapgo (1)
gapgo (2)
Ngày 30/3/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh