Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Cách Giải Quyết Chiến Tranh Hai Miền Của TỰ DO & CỌNG SẢN

Người Tự Do Giải Quyết Chiến Tranh Hai Miền


Sắp đến ngày Quốc Hận Ba Mươi Tháng Tư thứ 38 rồi, dư luận của người dân trong ngoài nước vẫn còn dấy lên qua tin nhà cầm quyền CSVN cấm cọc, lấy đất của Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hoà, làm con đường cắt ngang nơi an nghĩ cuối cùng của gần 18 ngàn quân nhân Việt Nam Cộng Hoà ở Miền Nam đã vì dân chiến đấu vì nước hy sinh. Tuy là cọc này gỡ lên, vẫn không có giải thích minh bạch nào hết. Ðiều đó cho thấy người CS giải quyết chiến tranh hai miền hoàn toàn khác với người Tự do.

Thực vậy, Hoa kỳ và Việt Nam, hai nước đều có trải qua một cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc. Hoa Kỳ dùng tình thương xóa bỏ hận thù để chấm dứt chiến tranh, để tác động tốt cho quân sĩ, để hòa giải dân tộc và để tái tạo nội lực quốc gia. Còn VN, Cộng sản Hà nội dùng hận thù để chấm dứt chiến tranh, tạo thêm một cuộc “chiến tranh khác” trong thời hậu chiến bình yên, không súng nổ nhưng đầy tù đày, chết chóc, tỵ nạn; 38 năm sau oan nghiệt vẫn còn.

Năm 1994, tạp chí Readers Digest số 9/ 1994 có đi một bài đầy ý nghĩa: Chiến tranh Nam Bắc Mỹ (1861-1865) — Ân Xá ở Appomattox (Mercy at Appomattox). Tác giả là một nhà khảo sử William Zinsser. Một đốc sự hành chánh của VNCH, Ô Lê Ngọc Diệp đọc nhiều lần, nhơn Tết Mậu Thân thứ 40 rồi thấy CS Hà nội còn ăn mừng chiến thắng rầm rộ, nên phiên dịch để so sánh cách giải quyết chiến tranh rất khác nhau giữa những người tự do và người CS.

Cuộc chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ từ  năm 1861 đến 1865; ở VN, từ 1960 đến 1975. Số thương vong quân sự ở Mỹ gần 600,000 trong vòng 4 năm; ở VN, không có số thống kê chánh thức nhưng ít ra cũng 3-4 lần nhiều hơn trong 15 năm. Ở Mỹ lý tưởng tự do, chiến đấu giải phóng nô lệ Da Ðen thắng. Còn ở VN, lý tưởng bảo vệ tự do, dân chủ, chiến đấu tự vệ ở Miền Nam thua, chủ nghĩa độc tài đảng trị toàn diện Cộng sản ở Miền Bắc thắng. Nhưng khác biệt quan trọng và sâu sắc nhứt là hai bên Nam Bắc kết thúc chiến tranh  giữa hai miền Nam Bắc.

Hoa Kỳ lấy tình thương xóa bỏ hận thù để tái tạo nội lực dân tộc trong niềm tương kính những chiến sĩ sống cũng như chết đã anh dũng chiến đấu cho lý tưởng của mình. Sau khi thủ đô Richmond của Miền Nam mất, quân Miền Nam  hết sức suy yếu, đói rách, một viên sĩ quan đề nghị với Tướng Lee, tư lịnh Miền Nam, phân tán và đánh du kích. Tướng Lee không đồng ý. Ông giải thích tiếp tục đánh nhau chỉ gây thêm đau khổ không cần thiết cho dân miền Nam. Ông nói: “Không còn giải pháp nào khác hơn là tôi phải đến gặp tướng Grant, nếu không, tội của tôi đáng chết ngàn lần !”. “Ngày 9 tháng 4, tướng Lee ra lịnh viên sĩ quan tùy viên, đại tá Charles Marshall, đến một ngôi làng kế bên, Appomattox Court House, để tìm một địa điểm cho ông và tướng Grant gặp mặt. Tướng Lee đến trước, mặc lễ phục mang dây biểu chương và đeo kiếm, tướng Grant mặc đồ tác chiến thường ngày, quần và giày còn bám đất hành quân. Hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về cuộc sống quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mễ Tây Cơ. “Sau cùng, tướng Lee đề cập đến “mục đích của buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay“. Tướng Grant bèn lấy cây viết chì, viết vội vã những điều kiện đầu hàng và trao lại cho tướng Lee. Sau khi xem qua những điều tướng Grant trao, tướng Lee nói: “Những điều kiện nầy sẽ là môt tác động tốt cho quân sĩ của tôi“. Ðiều kiện đầu hàng không đòi hỏi sự trả thù địch quân, họ được tự do về lại quê nhà. Tướng Lee đề cập đến nhiều binh lính của ông dùng ngựa đi đánh trận, [tức có xem ngựa là vũ khí phải giao nộp theo luật chiến tranh không] ông hỏi tướng Grant rằng những quân lính nầy có thể giữ lại ngựa của họ được không? Tướng Grant chấp nhận và ông nói hầu hết là những người nông dân và nếu họ không có ngựa, ông e rằng họ khó lòng trồng trọt để sống qua mùa đông. Tướng Lee trả lời: “Ðiều nầy sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc của chúng ta“.Trước khi chia tay, ông cho tướng Grant biết rằng ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không đủ lương thực cho họ, và ngay cả thiếu lương thực cho binh lính của ông. Tướng Grant nói ông sẽ gởi sang cho binh lính của tướng Lee 25.000 phần lương thực khô. Các đơn vị của Tướng Grant nhịn bớt phần ăn, gởi cho quân miền Nam nhiều hơn số Tướng Grant hứa.

“Vào ngày 12 tháng 4, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng để trao nộp vũ khí. Chính tại nơi nầy, hành động hòa giải cuối cùng đã xảy ra và đó là tất cả ý nghĩa tại Appomattox. Một nhân vật đáng kính, Tường Joshua L. Chamberlain, một tướng lãnh miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ quy hàng. Ông vốn là một giáo sư  của đại học Bowdoin, rời bục giảng, tình nguyện nhập ngũ, sáu lần bị thương, có một lần trầm trọng đến nỗi bác sĩ quân y không cứu chữa vì coi ông như đã chết.

“Ngày tiếp đón quân Miền Nam giao nộp vũ khí, trước hàng quân nghiêm chỉnh, Tướng Chamberlain, sau này kể lại. Nhìn những binh sĩ miền Nam xơ xác từ trên đường đồi đi vào làng, dẫn đầu là tướng John B. Gordon, “Giây phút đó làm tôi thật sự xúc động. Tôi quyết định để đánh dấu sự việc nầy, tôi phải làm biểu hiện thừa nhận không gì khác hơn là chào tay. Ðối diện với chúng tôi, trong tư thế bại trận nhưng can trường, là biểu tượng của tinh thần trượng phu, những con người không rã rời, không đau khổ, bất chấp tử vong và không có một sự tuyệt vọng nào có thể khuất phục họ được. Bây giờ đây, họ trở thành những con người ốm yếu, tả tơi và đói khát, nhưng họ đứng sừng sững, mắt nhìn ngang vào chúng tôi, làm sống dậy những sự ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn hết. Những đấng nam nhi như vậy sao lại không được hội nhập vào một Hợp Chúng Quốc đã thử thách và vững vàng?”

Ðáp lại lịnh của tướng Chamberlain, “tức thời tất cả hàng ngũ của chúng tôi, từ đơn vị nầy đến đơn vị khác, đều nghiêm chỉnh chào tay. Tướng dẫn đầu đoàn quân, ngồi trên lưng ngựa trông buồn bã, đầu cuối xuống, nghe được tiếng động của sự chào tay và nhận ra hàm ý của việc đối xử nầy, di chuyển một cách tuyệt diệu làm cho ông và con tuấn mã ở một vị thế nhìn thẳng, rồi ông theo quân cách chào lại bằng cách hạ kiếm ngang mũi giày và ra lịnh cho các đơn vị theo sau thi hành lễ nghi quân cách khi đi ngang hàng quân Bắc Mỹ: danh dự được đối xử bằng danh dự! Phía chúng tôi không còn tiếng kèn thắng trận, không một tiếng trống, không một tiếng reo hò, không một lời nói hay một tiếng sầm xì về một sự vinh quang hư ảo, mà là một sự im lặng rợn người và nghẹt thở dường như là một sự diễn hành của những bóng ma“.

Từ sáng sớm đến chiều tối, những người lính miền Nam ở thế chào đi ngang những người miền Bắc cũng ở thế chào. Họ giao vũ khí, những lá cờ miền Nam tơi tả và trở về quê. Gần 100.000 quân miền Nam đã quy hàng ở Appomattox. Vài ngày sau, tất cả đều rời nơi nầy và ngôi làng trở về nếp sống an bình của nó.”

Hận thù chiến tranh Nam Bắc đã qua đi để xây dựng lại tình yêu  và nội lực quốc gia dân tộc và quân lực Hoa kỳ. Những bãi chiến trường và nghĩa trang quân đội của hai miền Nam và Bắc Mỹ đều được chánh quyền và nhân dân Mỹ tôn vinh, thừa nhận là cổ tích liệt hạng của Liên bang Mỹ. Một phần đất của nghĩa trang quốc gia Arlington được dành cho quân dân Miền Nam có công với Tổ Quốc Mỹ. Lá cờ Miền Nam, người dân, tổ chức nào muốn treo thì treo như di sản niềm tin của mình. Không có trả thù, trả oán. Không coi chiến thắng là vinh quang.

Ðọc những dòng trên, quân dân cán chính VN Cộng Hòa không thể nào không nhớ lại và không thể nào quên những tủi nhục mà CS Hà nội đã gây ra sau khi Tường Dương văn Minh ra nhật lịnh buông súng, chờ bàn giao chánh quyền cho những người CS Miền Bắc. Người chết mà CS Hà nội không tha, cào mồ cuốc mả, phá nghĩa trang. Người sống thì bắt đi tù cải tạo, rừng thiêng nước độc, cưỡng bức lao động, không bản án, không ngày ra. Dân bị đổi tiền ba lần bồn lượt, đánh tư sản mại bản rồi tư sản dân tộc. Nhà cửa bị tịch thu cấp cho cán bộ Miển Bắc vào cai trị. Lối sống và văn hóa, văn nghệ Miển Nam bị cào bằng qua nhiều chiến dịch tịch thu văn hóa phẩm, cầm nhạc vàng. Hơn ba triệu người vượt biên, vượt biển. 38 năm sau CS Hà nội có mở cửa kinh tế nhưng khóa chặt chánh trị. Tự do, dân chủ, nhân quyền của người Việt không nới lỏng./. 

Vi Anh


Người CS Giải Quyết Chiến Tranh Hai Miền
Hoa kỳ và Việt Nam, hai nước đều có trải qua một cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc. Hoa kỳ dùng tình thương xóa bỏ hận thù để chấm dứt chiến tranh, tác động tốt cho quân sĩ, hòa giải dân tộc và tái tạo nội lực quốc gia dân tộc. Còn VN, Cộng sản Hà nội dùng hận thù để chấm dứt chiến tranh, tạo một thời kỳ hậu chiến đầy tù đày, chết chóc; 38 năm sau oan nghiệt vẫn còn.

Bài trước bài này đã mô tả hai vị tướng tư lịnh của hai miền Nam Bắc của nước Mỹ gặp nhau sơ bộ trong niềm tương kính, với tác phong mã thượng, giải quyết chiến tranh trên tinh thần tôn vinh sĩ khí, hòa giải dân tộc. Không coi ai thắng ai. Quân nhân giao nộp vũ khí rồi là hoàn toàn tự do trở về đồi sống tự do của công dân Mỹ. Ngựa đem theo khi tòng quân không xem là chiến cụ được dắt về để canh tác. Tù binh trao trả vô điều kiện. Quân Miền Nam thiếu lương thực, quân Miền Bắc tiếp tế liền. Tiếp đón quân Miền Nam đến trao nộp vũ khí, Quan Miền Bắc chào tay trước, đúng lễ nghi quân cách đầy danh dự làm cảm động những đồng đội khác miền cùng chào lại đồng đội của mình. Những bãi chiến trường và nghĩa trang quân đội của hai miền Nam và Bắc Mỹ đều được tôn vinh, thừa nhận là cổ tích liệt hạng của Liên bang Hoa kỳ. Một phần đất của nghĩa trang quốc gia Arlington dành cho quân dân Miền Nam. Lá cờ Miền Nam, người dân, tổ chức nào muốn treo thì treo như di sản niềm tin của mình. Không có trả thù, trả oán. Không có tù đày, không có kể tội. Không coi chiến thắng là vinh quang. Hận thù chiến tranh Nam Bắc qua đi để tình yêu Tổ quốc và nhân dân Hoa kỳ xây dựng lại đoàn kết quốc gia, nội lực dân tộc.

Trái lại CS Hà nội kết thúc cuộc chiến tranh hai miền Nam Bắc của VN bằng hận thù, làm nhục quân dân Miền Nam. Không có biển máu tràn ngập một lần ở Miền Nam, nhưng CS nhốt đồng bào  dân chúng Miền Nam trong một trại tù lớn  là xã hội CS và giam cầm viên chức chánh quyền, quân đội, chánh đảng và tôn giáo của  VN Cộng Hòa trong trại tù nhỏ mà  CS Hà nội tuyên truyền là trại cải tạo tập trung. CS Hà nội lừa dối gọi quân dân cán chính trung cao của Miền Nam trình diện đi cải tạo một tháng để bắt ở tù biệt xứ, lao động khổ sai, cưỡng bách không ngày ra, không bản án. Sau đó còn đến tận nhà những người đã hồi hưu, giải ngũ đã rời khỏi chánh quyền, quân đội đã lâu để bắt gởi đi tù cải tạo. Nhà cửa thì tịch thu, cấp cho cán bộ đảng viên miền Bắc vào, trong rừng ra. Con em thì cấm cửa vào đại học, lừa gạt gọi là ưu tiên 13 dù thi đậu nhưng chỉ kêu vào cho học khi đã gọi hết 12 thành phần gia đình trong xã hội rồi mới gọi tới con em có phụ huynh đi “cải tạo tập trung”.

Ðối với dân, đổi tiền mấy lần, có bao nhiêu phải nạp hết, chỉ trả lại một số tiền không đủ chi dụng cho gia đình một tháng. Ðánh tư sản mấy lượt, đánh tư sản mại bản, đánh tư sản dân tộc không chừa, bắt đi vùng “kinh tế mới” nhưng  không nhà không cửa, không điện, không nước, không trường học cho trẻ em. Cào bằng văn hóa, kinh tế, triệt tiêu tiềm lực chánh trị của nhân dân Miền Nam, làm xã hội suy đồi,  nhân tâm ly tán, kinh tế băng hoại, đất biển cắt dâng cho Trung Cộng để trả nợ.

Ðưa người Miền Bắc vào Miền Nam nắm tất cả những chức vụ then chốt từ tỉnh thị đến quận huyện. Bóp mũi không thương tiếc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do CS Hà nội dùng người Miền Nam  dàn dựng để làm bình phong cho CS Hà nội xâm lược. Cô lập và vô hiệu hóa Tướng Trần văn Trà tư lịnh quân giải phóng. Sáp nhập các tỉnh lại để đảng bộ Miền Nam ít trung ương ủy viên trong Ðảng.

Người dân Miền Nam chịu không thấu, tổ chức vượt biên tỵ nạn CS. Lương tâm Nhân loại bị chấn động với cuộc di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử VN gọi là phong trào Thuyền Nhân. Người Hoa Kiều  trong thời  chiến vốn lo làm ăn, ít xen vào chánh trị, có khi còn đóng thuế cho Việt Cộng nữa, cũng không chịu nổi, đành trốn chạy thành phong trào Nạn Kiều. Lương tâm Mỹ cắn rứt vì bỏ đồng minh, vận động đưa những  gia đình và  người có dính líu với chánh quyền và quân đội VNCH sang định cư ở Mỹ.

Bằng những hành động trả thù, làm nhục con người Miền Nam và khai thác đất  và dân Miên Nam như thuộc địa, CS Hà nội đã làm lại một cuộc chiến tranh. Một cuộc chiến tranh tuy không có súng nổ trong thời hậu chiến của Chiến tranh Nam Bắc nhưng thiệt  hại về người và của cho dân Miền Nam không thua gì cuộc Chiến tranh Nam Bắc. Tuy chưa có số thống kê chánh thức, nhưng nhà văn YungKrall, tác giả Thousand Tears Falling, đã dựa vào những tài liệu của quốc tế, liệt kê và sơ kết ra con số hết hồn. CS đày đi tù cải tạo: 1,040,000 từ 1975 đến 87. Chết trong tù cải tạo 95,000. CS tử hình 100,000. Vượt biên chết trên biển 500,000. Con số chết vì CS sau khi hòa bình lập lại gần ba phân tư triệu người Việt! Một hậu chiến đầy tù đày và chết chóc dù tiếng súng không còn.

Vì vậy 38 năm CS Hà nội thống nhứt được lãnh thổ, con tàu Thống Nhứt chạy Bắc Nam hàng chục ngàn chuyến, hàng vạn dặm mà lòng dân không xích lại gần nhà cầm quyền CS được một ly nào. CS Hà nội vẫn tiếp tục chế độ cảnh sát trị, xét người qua sơ yếu lý lịch, lý lịch trích ngang khi có chuyện với nhà cầm quyền. Ðảng CS vẫn giành quyền độc tôn, chuyên chế, không chấp nhận tiếng nói khác với CS. CS  mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài vào nhưng khóa chặt cửa chánh trị. Kinh tế có tăng gia nhưng chỉ đảng viên, cán bộ, những người ăn theo cấu kết với ngoại bang hưởng lợi và hành động như cường hào ác bá đỏ ở nông thôn và tư bản đỏ phi sản xuất ở thành thị. Bao nhiêu nhà cửa đất đai của tôn giáo và dân chúng mà CS cưỡng chiếm vô luật, bất công, CS không xét lại. Vẫn tiếp tục xem quân dân cán chính VNCH đã chết như tử thù. Nghĩa trang của những quân cán chính Miền Nam không cho gia đình trùng tu. Hỏi như vậy người Việt ở Miền Nam ở trong nước và ngoài nước  làm sao không tiếp tục chống Cộng./.

Vi Anh

Tháng Tư và Hòa Giải

Cuộc chiến ý thức hệ tại Việt Nam đã kết thúc 38 năm. Trang sử chiến tranh trôi qua, trang sử trả thù và trấn áp khởi đầu. Tháng tư đã trở thành một dấu mốc để ghi dấu về một chuyển biến lớn, khi đất nước thống nhất xong, là một bức màn sắt buông phủ trên cả nước.

Ðó là những gì đã làm cho tháng tư trở thành một vị đắng, không chỉ đối với hàng trăm ngàn người bị đẩy vào các trại tù cải tạo nhiều năm, đối với hàng triệu người bị đẩy lên vùng kinh tế mới hiu hắt với chục ký gạo và cuốc xẻng, đối với nhiều thế hệ trẻ em Miền Nam bị kỳ thị giáo dục, đối với hàng trăm ngàn người thoát được qua những chuyến vượt biên đường biển và đường bộ... và bây giờ, ngay cả khi căm thù đã lắng xuống đối với nhiều người, câu hỏi chưa trả lời được từ phía người thắng cuộc là tại sao cuộc chiến này không đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền sau gần 4 thập niên hòa bình.

Trong khi đó, những bước ngoặt lịch sử đã dẫn tới những hình ảnh kinh dị ở quê nhà.

Chế độ một thời căm thù tôn giáo, một thời nghi ngờ tất cả những tổ chức đông người mang yếu tố tâm linh – vì thế giới tâm linh là những gì nằm ngoài vòng kiểm soát của công an – bây giờ lại cho dàn dựng, thành lập (và có vẻ như chính nhà nước ám trợ tổ chức) một tổ chức tôn giáo là Ðạo Bác Hồ, với kinh điển riêng, cũng rước Tượng Phật Ngọc Hồ Chí Minh, cũng tụng Nam Mô A Di Ðà Phật và tụng các tụng kinh thờ phượng ông Hồ. Khi bạn vào YouTube, gõ chữ “Ðạo Bác Hồ,” sẽ thấy được kế hoạch muốn xây dựng nhà nước CSVN trên căn bản tâm linh Ðạo Bác Hồ, và đạo này hiện nay đã truyền sang 15/61 tỉnh thành, từ Hà Nội ra Hài Phòng, Sơn La, Nghệ An, Thái Bình...

Trong những ngày cuối tháng 4-2013, blogger Lê Anh Hùng gửi Thư Cầu Cứu, cho biết công an bao vây nguồn sinh kế của cả hai vợ chồng anh, thư viết:

“...Sau khi bị bao vây, đánh phá với đủ mọi chiêu trò, vợ chồng tôi phải dẹp quán nhậu nhỏ vốn là kế mưu sinh ở thị trấn Khe Sanh, Quảng Trị từ giữa tháng 4/2013.
Ngày 24/4/2013, vợ tôi được nhận vào làm đầu bếp cho một nhà hàng ở huyện Mỹ Chánh, Thừa Thiên – Huế.

Tuy nhiên, sáng 26/4, đột nhiên có ai đó gọi ông chủ nhà hàng đi đâu đó. Một lát sau, ông gọi điện về cho vợ tôi rồi hỏi: “Có phải chồng cháu là phản động không?” Cuối cùng, mặc dù ông chủ nhà hàng rất muốn vợ tôi ở lại làm việc và vợ tôi cũng rất muốn làm việc ở đó, ông vẫn buộc phải cho vợ tôi nghỉ.

Suốt mấy năm nay, vợ chồng tôi lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, vì dính vào vụ tố cáo những tội ác tày trời, man rợ của bè lũ Nông Ðức Mạnh – Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải......Vợ chồng tôi luôn phải đối mặt với sự đe doạ, khủng bố thường trực từ tay chân của những kẻ bị chúng tôi tố cáo. Xin đơn cử, ngày 27/2/2013, vợ tôi bị 9 tên côn đồ bắt cóc ở thị trấn Khe Sanh lúc 5h chiều và đưa ra Hà Nội thả xuống bến xe Giáp Bát vào 5h sáng hôm sau. Vụ việc này, một số blog trong và ngoài nước (trong đó có blog Nguyễn Tường Thuỵ) đã loan báo. Tôi cũng đã trực tiếp trao thư khẩn cho ÐBQH Dương Trung Quốc. Mới đây, vợ tôi lại bị bọn chúng bắt cóc từ rạng sáng 18 (khi cô ấy vào thăm một ngôi chùa ở Huế rồi ngủ lại đó) cho đến sáng 21/4 chúng mới thả.

Vì vậy, tôi kính mong dư luận trong và ngoài nước lên tiếng, ủng hộ vợ chồng tôi trong cơn nguy nan này, khi mà chúng tôi đang kiệt quệ, bị đe doạ khủng bố đủ kiểu, lại đang phải nuôi 3 đứa con nhỏ dại.”(hết trích)
Bài viết tựa đề “Hòa giải dân tộc - Cũng là chuyện của người Việt trong nước” của blogger Phương Bích trong đó bàn về hòa giải:

“...Thực ra sau chiến tranh, không phải tất cả người Việt ở 2 phía đều căm thù nhau. Nếu không có chuyện phân biệt kẻ thắng người thua, không có chuyện “trừng phạt” dẫn đến thảm cảnh hàng triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương, gây nên oán thù suốt mấy chuc năm qua làm chia rẽ lòng người, thì nước Việt ta biết đâu sẽ lớn mạnh chả kém gì nước Nhật, hay Mỹ?

Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau.
Ðây hoàn toàn không phải là sự thỏa hiệp. Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc. Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình...”(Nguồn: http://chimkiwi.blogspot.com)

Một tin khác cho biết cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị đánh trong trại giam, theo bản tin của Ðài RFI:

“Hôm qua, 26/04/2013, bà Nguyễn Thị Nhung – mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi -- vào trại giam Long An thăm con, bị tạm giam từ cuối tháng 10/2012, để chờ đưa ra xét xử, vì bị cáo buộc «Tuyên truyền chống Nhà nước», sau vụ rải truyền đơn tại khu vực cầu vượt An Sương (Sài Gòn) ngày 10/10/2012, lên án các bất công trong vấn đề đất đai cũng như việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Ðông. Khi gặp con, bà Nhung rất bất ngờ vì thấy nhiều thương tích trên cơ thể con mình.

Nguyễn Phương Uyên đã kể với mẹ là đã bị đánh đến ngất trong tù. Ðây là điều khiến bà Nguyễn Thị Nhung hết sức bất ngờ, vì trước đó cán bộ trại giam cho biết cô Phương Uyên bị lên cơn co giật vì động kinh... ...Sau khi được giải quyết thăm gặp, được gặp bé, thì thấy ở trên người bé có nhiều vết bầm tím, trên cổ, trên ngực, trên tay, thì tôi mới hỏi : "Con làm sao mà bị thâm tím như vậy ?" Con tôi nó nói rất là thương tâm : "Mẹ ạ, con bị người ta đánh, người ta đạp vào bụng, người ta đánh nhiều lắm, đánh con ngất xỉu luôn". Tôi mới hỏi là : "Tại sao con bị đánh ?" Con bé im. Nó rất là hiền. Ngày xưa đến giờ nó sống với bao nhiêu người, chưa bao giờ có ai phàn nàn gì hết, mà hôm nay, tự dưng lại bị đánh, thì nó nói là : "Con không làm gì hết, tự nhiên mấy người đó gây sự, rồi xông vào tấn công con, cho đến lúc con xỉu luôn, mới được quản giáo can thiệp đưa đi cấp cứu"...”(hết trích)

Trong khi đó, chàng thanh niên cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, người có 4 năm tù giam cho việc nêu lên những quan điểm chính trị, nhận xét trên đài RFA về người trẻ Việt Nam hôm nay:

“Tôi thực sự hy vọng và mong chờ không chỉ về cuộc hòa giải liên quan về cuộc chiến tranh vừa qua, mà còn mong chờ một nước Việt Nam mới. Chúng tôi nghĩ đó là một nước Việt Nam đa sắc màu, thay vì chỉ quẩn quanh trong thế giới vàng và đỏ. Ðó không phải là một Tổ quốc Việt Nam XHCN, mà là một Tổ quốc cởi mở và có đủ đất để ươm mầm cho mọi quan điểm, mọi chính kiến và mọi luồng tư tưởng khác nhau.

Tôi tin rằng một Tổ quốc như thế, có lẽ sẽ che chở con em của nó thoát khỏi những thảm kịch đau lòng như là cuộc nội chiến vừa rồi. Một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, hòa hợp và hòa bình sẽ trở thành một cường quốc. Tôi nghĩ là để xây dựng nước Việt Nam ấy, chúng ta phải huy động tấm lòng và sức lực của mọi người Việt. Ðó là lý do để thế hệ chúng tôi, tức là thế hệ trẻ nên hòa giải khẩn cấp ngay từ ngày hôm nay.”(hết trích)

Hòa giải, đối thoại... là ước mơ đẹp nhất có thể có trên đời này.

Nhưng than ôi, ngay với những người đã chết trong cuộc chiến, đang nằm lặng lẽ ở Nghĩa Trang Biên Hòa cũng không được bình yên, thì nói gì với người sống là những người có thể có ý kiến, có suy nghĩ và có khả năng tranh biện.

Thậm chí, ngay như các tấm bia đá tưởng niệm ở đảo Galand tại Indonesia, đảo Pulau Bidong ở Mã Lai để tưởng niệm những người đã chết ở biển trong khi lên ghe vượt biên cũng bị chính phủ Hà Nội yêu cầu các nước sở tại đập cho vỡ tan tành... thì nói làm gì tới hòa giải thật tâm.

Hòa giải, đối thoại... đơn giản nhất là, chính phủ Hà Nội phải trả tự do cho những người tù bất  đồng chính kiến. Và khi muốn đối thoại thực sự, cũng phải là đối thoại với đồng bào, trong đó những người bất đồng chính kiến là một thành phần bất phân ly của  dân tộc.


Trần Khải

Câu Chuyện của một Ðại Tá Phi Công Hoa Kỳ Tù Binh của CSVN


Lời nói đầu: 

Sau cuộc chiến Việt Nam, đã có nhiều huyền thoại đầy anh hùng tính viết về người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Và trong rất nhiều trường hợp, chỉ tới khi ấy, chúng ta mới giật mình nhận ra những người “anh hùng” được nhắc tới lại chính là những cấp chỉ huy, những đồng đội, những thuộc cấp rất bình thường của mình.

Một trong những con người rất bình thường ấy vừa được vinh danh là cựu Trung-úy hoa tiêu khu trục Nguyễn Văn Xanh, Phi Ðoàn 530 Thái Dương, Không Ðoàn 72 Chiến Thuật (Pleiku). Thời gian ấy – Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, với tư cách Sĩ quan Thông Tin Báo Chí đơn vị, có nhiệm vụ báo cáo hàng tuần về tổng số phi vụ và kết quả hoạt động của đơn vị cho Phòng Thông Tin Báo Chí – BTL/KQ , có lẽ chúng tôi đã chỉ ghi ngắn gon trong phần tổn thất của quân bạn: “Phi Ðoàn 530: một A-1 Skyraider bị phòng không địch bắn hạ ngày 9/5/1972 tại Kontum; phi công nhảy dù và được ghi nhận mất tích”. Chấm hết!

Nhưng với một phi công Ðồng Minh xa lạ, tới đây câu chuyện của ông mới bắt đầu. Xin mời độc giả theo dõi câu chuyện cảm động ấy qua hồi ký của Ðại-tá Lục Quân (hồi hưu) William S. Reeder, nguyên phi công trực thăng tấn công AH-1G Cobra, phục vụ tại Căn cứ Halloway, gần phi trường Cù Hanh, Pleiku, mới được phổ biến trên Internet. Cũng cần viết thêm, sau khi giải ngũ, ông Reeder đã trở lại trường đại học, và đạt tới học vị Tiến sĩ. Nguyễn Hữu Thiện

Tôi còn nhớ đợt phục vụ luân phiên (tour of duty) thứ nhì của tôi khởi đầu vào ngày 7 tháng 12 năm 1971. Lúc ấy, chương trình rút quân Mỹ theo kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống Nixon đang được tiến hành một cách suông sẻ. Gánh nặng trong cuộc chiến đã được chuyển giao gần hết cho Quân Lực VNCH, và quân Mỹ đã được đưa về nước với một nhịp độ chóng mặt. Giờ này nhìn lại, phải công nhận chương trình Việt Nam hóa ngày ấy đã đạt kết quả tốt đẹp. Hoạt động của địch quân ở miền Nam đã giảm hẳn, và hình thức chiến tranh du kích của quân phiến cộng đã không còn hiện hữu. Thế nhưng, sự yên tĩnh ấy đã không kéo dài..
Mùa xuân 1972, quân Cộng Sản Bắc Việt bất thần mở những cuộc tấn công vũ bão chưa từng thấy trong cuộc chiến – đợt tấn công mà người Mỹ quen gọi là “Cuộc tổng công kích mùa Phục Sinh 1972″ (1972 Easter Offensive). Ðây không phải là một cuộc tổng nổi dậy của Việt Cộng trong Nam như hồi Tết Mậu Thân 1968, mà là một chiến dịch quy mô với hàng loạt cuộc tấn công quy mô của quân CSBV băng qua vùng phi quân sự, và từ những căn cứ đóng quân trên lãnh thổ Lào và Căm-bốt, với mưu đồ cắt đôi lãnh thổ VNCH tại vùng Cao Nguyên, và tiến đánh Sài Gòn, thủ đô miền Nam. Kết quả, quân CSBV đã thất bại trước sức chiến đấu mãnh liệt của lục quân và không quân miền Nam, với sự trợ lực tận tình của những đơn vị Hoa Kỳ còn đồn trú tại đây.

[1972 Easter Offensive được phía Việt Nam gọi là Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972; và từ đoạn này, người dịch sẽ sử dụng "Mùa Hè Ðỏ Lửa" thay cho "Easter Offensive"] Cuộc tổng tấn công bắt đầu vào tháng Tư năm 1972 với các cuộc tấn công của quân chính quy Bắc Việt từ Căm-bốt tiến về hướng Sài gòn, và băng ngang vùng phi quân sự tiến chiếm cố đô Huế. Sau cùng là mặt trận mang tính cách quyết định của chiến dịch: quân CSBV từ miền Bắc Căm-bốt và Nam Lào vượt biên giới tiến đánh vùng Tây Nguyên, với mục đích giành quyền kiểm soát dải đất Trung phần, và tiêu diệt lực lượng VNCH tại đây – giống như Việt Minh đã thực hiện, và đã thành công trong chiến tranh với Pháp vào năm 1954. Lần này, quân cộng sản đã thành công trong bước đầu, tuy nhiên sau đó họ đã không chiếm được một mục tiêu quan trọng nào. Ở phía bắc, họ chỉ tiến chiếm tới Quảng Trị, và sau đó đã bị lực lượng Nhảy Dù của VNCH đánh bại. Tại Tây Nguyên, họ chỉ chiếm được một số tiền đồn chung quanh Kontum, nhưng sau đó cũng bị đẩy lui.

Câu chuyện tôi kể lại sau đây chính là bối cảnh của một bi kịch đời người diễn ra vào lúc ấy, với vai chính là tôi, và một phi công VNCH tên là Xanh Văn Nguyễn – hay gọi theo cách gọi của người Việt, họ luôn đứng trước tên gọi, thì là Nguyễn Văn Xanh. Vào thời gian Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 khởi sự, tôi đang bay trực thăng tấn công AH-1G Cobra tại Căn cứ Halloway của Lục Quân Hoa Kỳ, ở gần tỉnh lỵ Pleiku. Trung-úy Nguyễn Văn Xanh thì bay khu trục cơ A-1 Skyraider ở Căn cứ Không Quân Pleiku. Chúng tôi không hề quen biết nhau, cũng chưa từng gặp gỡ bao giờ.
Hôm đó là ngày thứ hai 09 tháng 5, 1972, vào lúc hừng đông, tôi chỉ huy một phi vụ gồm 2 chiếc trực thăng Cobra yểm trợ một căn cứ bộ binh đang bị địch công hãm ở Polei Klang, ở cực tây tỉnh Kontum, gần biên giới Căm-bốt. Một lực lượng quân CSBV với sự yểm trợ của chiến xa đang tấn công căn cứ và tình hình thật bi đát. Sau nhiều vòng tấn công và sử dụng toàn bộ rocket, đạn M-79 và đạn đại liên, chúng tôi bay về phi trường Kontum để tái trang bị và lấy thêm nhiên liệu. Nhân viên phi hành bay chung với tôi, tức phi công phụ kiêm xạ thủ ngồi ghế trước của chiếc Cobra, là Thiếu-úy Tim Conry, quê ở Phoenix, tiểu bang Arizona. Tim là sĩ quan trẻ xuất sắc nhất mà tôi được biết, vì thế ngay sau khi anh tới đơn vị, tôi đã chọn anh vào phi đội do tôi chỉ huy, và luôn luôn để anh bay chung với tôi. Anh không chỉ là một nhân viên phi hành xuất chúng mà còn là một con người toàn hảo. Nhưng vào chiều ngày hôm ấy, anh đã trở thành người hùng thiên cổ!
Trở lại với phi vụ của chúng tôi, trên đường quay trở lại Polei Klang, chúng tôi được lệnh thay đổi mục tiêu tấn công: đó là tới yểm trợ cho một tiền đồn ở vùng Tam Biên – tức giao điểm của ba biên giới Việt Nam, Căm-bốt và Lào. Ðịa danh này có tên là Ben Het. Lực lượng trấn giữ là một tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân, với quân số khoảng 300 người, và hai cố vấn Mỹ. Lực lượng bé nhỏ ấy đang phải chống trả sức tấn công của hàng ngàn bộ đội thuộc hai sư đoàn CSBV có chiến xa tăng cường. Khi chúng tôi tới nơi, các chiến xa đã vượt qua hàng rào phòng thủ, và bộ đội Bắc Việt đã chiếm gần hết căn cứ.

Trước đó, trên đường tới Ben Het, khi bay ngang qua Polei Klang, tôi nhìn xuống quan sát. Chiến sự đang sôi động, và tôi có thể thấy những chiếc khu trục A-1 Skyraider đang nhào xuống thả bom. Bỗng một chiếc A-1 bị trúng đạn phòng không, bốc cháy, đâm xuống đất nổ tung. Nhưng viên phi công đã kịp thời phóng ghế thoát hiểm vì tôi thấy cái dù của anh đang lơ lửng. Tôi liền gọi máy về xin được ở lại Polei Klang để yểm trợ cho cuộc cấp cứu. Lời thỉnh cầu của tôi bị từ chối. Tôi xin thêm một lần nữa, cũng bị từ chối. Và tới lần thứ ba thì bị từ chối một cách dứt khoát, cộc lốc. Lúc đó, chưa được biết tình hình ở Ben Het nguy kịch tới mức nào, cho nên tôi đã vô cùng phẫn nộ vì đã không được phép cứu giúp một phi công lâm nạn đang cần tới sự yểm trợ của mình.

Tôi bay vào Ben Het mà tưởng như đang bay vào một tổ ong bị động. Lúc đó, 5 chiến xa địch đã vượt qua hàng rào kẽm gai, và bộ đội Bắc Việt thì tràn ngập khắp nơi. Các quân nhân đồn trú còn sống sót đã rút vào hầm chỉ huy ở trung tâm để cố thủ. Chúng tôi tác xạ một hồi rồi yểm trợ cho một chiếc trực thăng đặc biệt được trang bị một loại hỏa tiễn chống chiến xa mới nhất. Sau khi sử dụng hết đạn dược, chúng tôi lại bay về Kontum để tái trang bị và lấy thêm nhiên liệu. Rồi quay trở lại Ben Het để thi hành phi vụ chiến đấu thứ ba trong ngày.

Sau khi cất cánh khỏi phi trường Kontum, chúng tôi được lệnh hộ tống một trực thăng có nhiệm vụ tiếp tế đạn dược cho Ben Het. Lúc đó, đạn của lực lượng cố thủ đã gần cạn, riêng hỏa tiễn chống chiến xa thì đã hết sạch.Sau khi gặp nhau, chúng tôi hộ tống chiếc Huey (tức trực thăng UH-1) tới Ben Het, tất cả đều bay sát ngọn cây. Vừa bay tới Ben Het thì súng nổ như pháo Tết, súng của ta lẫn súng của địch. Ở ghế trước trên chiếc Cobra của tôi, Thiếu-úy Tim Conry rải từng tràng mini-gun và những trái M-79 xuống thật chính xác. Tôi thì bắn từng cặp rocket. Chúng tôi càng tiến sâu thì hỏa lực phòng không của địch càng dày đặc. Nhưng rồi chiếc Huey cũng vào được tới nơi và hoàn tất nhiệm vụ cực kỳ khó khăn ấy, phần lớn là nhờ hỏa lực yểm trợ thật chính xác của Tim: sau khi lơ lửng tại chỗ ở cao độ gần sát mặt đất, và đạp các thùng đạn xuống, chiếc Huey bay ra dưới sự yểm trợ hỏa lực của chúng tôi. Cùng lúc, chiếc Cobra của tôi bị trúng vô số đạn đủ loại của địch, bốc cháy và đâm xuống theo đường xoáy trôn ốc.. Chỉ trong giây lát, chiếc trực thăng chạm đất, và phát nổ ngay sau khi tôi và Tim – dù bị thương nặng – tìm cách thoát ra khỏi phi cơ.

Tim chết vào chiều tối hôm đó. Riêng tôi thì bị gẫy xương lưng, phỏng ở mặt và phía sau cần cổ, một miểng đạn nằm sâu ở mắt cá, và vô số vết thương nhỏ ở mặt và đầu. Nhưng mặc dù phi cơ rớt ngay trong khu vực có hàng trăm địch quân đang tấn công căn cứ, tôi cũng lẩn tránh được ba ngày trước khi bị bắt. 

* * * 

Tôi bị tra khảo trong mấy ngày liền; và bị đối xử khá tàn bạo. Khi ấy tôi ở trong một tình trạng cực kỳ thê thảm về thể xác. Lưng tôi bị gẫy. Máu từ vết thương ở mắt cá chảy ra đầy chiếc giày bốt, giờ này đã khô lại thành một khối cứng ngắt. Ðã ba ngày tôi không cạo râu. Tôi không còn khả năng điều khiển ruột già và bàng quang, cho nên tôi đã đại tiện, tiểu tiện ra đầy quần.. Tôi bị vô số vắt bám vào người để hút máu, và chúng đã bị tôi bứt ra hết, trừ một con đang chui vào lỗ mũi phía bên trái mà tôi không hề hay biết. Khi bắt được tôi và thấy cảnh này, đám bộ đội đã được một trận cười khoái trá.

Tôi bị tra khảo, đánh đập, hăm dọa. Hai tay tôi bị trói ngược ra phía sau bằng dây nhợ, và càng ngày càng bị xiết chặt theo thời gian bị tra khảo, cho tới khi hai vai tôi bị trật khớp, và hai cùi chỏ bị trói cứng với nhau, cấn vào chỗ xương lưng bị gẫy khiến tôi đau đớn khôn tả. Cuối cùng thì cuộc tra khảo cũng chấm dứt, và tôi được lệnh đi bộ trong ba ngày liên tiếp, để tới một trại giam trong rừng già – mà theo sự ước đoán của tôi, nằm ở phía bắc lãnh thổ Căm-bốt, ngay bên kia biên giới. Tôi đã được bọn họ trả lại trả lại đôi giày bốt, nhưng đã lấy mất hai sợi dây giày và đôi vớ. Sau ba ngày đi bộ, khi lết một cách đau đớn tới cổng trại giam, đôi bàn chân của tôi đã trở nên bầy hầy, giống như hai cái hamburger còn sống.
Trại giam này là một điển hình của những trại mà nhiều người đã từng sống qua. Trại được dựng trên một khoảnh đất trong rừng sâu, tất cả đều làm bằng tre. Chung quanh là một bức tường bằng tre, khiến người ta liên tưởng tới những tiền đồn của kỵ binh Mỹ vào thời khai phá miền Viễn Tây. Bên ngoài bức tường này lại có một bức tường khác. Giữa hai bức tường là một cái hào, giống như hào thành thời trung cổ. Dưới hào có vô số chông – là những thân tre vót nhọn, sắc bén như dao, cắm sâu dưới một lớp phân người.. Nếu rớt xuống đó, không chết vì bị chông đâm vào những bộ phận trọng yếu thì bạn cũng sẽ chết vì bị mất máu, hoặc nếu không chết ngay vì những vết thương thì cũng chết từ từ vì bị nhiễm trùng. Một thân cây được bắc ngang cái hào, mà phải cố gắng giữ thăng bằng, người ta mới có thể đi trên cái “cầu” này để vào trại.

Bên trong những bức tường tre ấy là những cái cũi, cũng bằng tre, để nhốt tù binh. Nào là quân nhân VNCH, nào là những người Thượng đồng minh của Biệt kích Mỹ; và hai người Mỹ – gồm tôi và một phi công trực thăng bị bắt trước đó một tháng. Tổng cộng, ít nhất cũng có vài trăm tù binh. Tình trạng trong trại giam thật tồi tệ. Chúng tôi sống như thú vật. Phần lớn những cái cũi để nhốt chúng tôi không đủ cao để có thể đứng dậy. Tuy nhiên điều đó cũng không cần thiết bởi vì chân chúng tôi đã bị cùm vào những cái cùm gỗ. Vì xương lưng bị gẫy, tôi không thể nằm mà phải ngồi để ngủ. Ðêm đêm, lũ chuột chạy tới chạy lui trong cũi và gặm nhấm vết thương ở mắt cá chân của tôi. Vì hai chân bị cùm, tôi không thể nhúc nhích nên không có cách nào để đuổi chúng đi. Cho tới ngày nay, tôi vẫn còn ghét chuột!

Mỗi ngày, chúng tôi được ra khỏi cũi một lần để làm công việc thải cặn bã trong cơ thể ở nhà vệ sinh dành cho tù binh. Giờ giấc mỗi ngày đều khác nhau, cho nên tù binh nào không có khả năng chờ đợi, kiềm chế, đã tự phóng uế ra quần khi đang còn bị cùm trong cũi (rất nhiều người trong số chúng tôi bị tiêu chảy). Sau khi ra khỏi cũi, chúng tôi phải đi một khoảng mới tới nhà vệ sinh ở một góc trại.“Nhà vệ sinh” này thực ra chỉ là vài cái hố xí để bạn phóng uế xuống. “Vấn đề” là có nhiều người trong số tù nhân bị đau yếu đã không thể nín trên đường tới hố xí, nên đã đại tiện ngay tại chỗ, khiến cả khu vực đầy rẫy những đống phân người. Một số tù nhân đau nặng, gần chết, thì được đặt trên những cái võng gần các hố xí. Khi có “nhu cầu”, người nào còn đủ sức thì ráng xuống khỏi võng để tới hố, người nào kiệt sức thì đành nằm trên võng mà phóng uế ra quần. Hậu quả là cả khu vực chung quanh mấy cái hố được mệnh danh là “nhà vệ sinh” ấy đầy rẫy phân người, mà những tù nhân còn tương đối khỏe mạnh, trên đường đi tới hố xí phải cẩn thận lắm mới né tránh được. Trên đường trở về cũi, không có bất cứ phương tiện nào để chúng tôi lau chùi, rửa ráy.

Theo ký ức của tôi thì nước uống không có “vấn đề”. Nước phân phát cho tù nhân được đựng trong những ống tre. Họ nói rằng nước đã được đun sôi, nhưng tôi vẫn bị tiêu chảy một cách thậm tệ. Nhưng lương thực thì có “vấn đề”.. Hầu như chỉ có một món duy nhất là cơm. Vào lúc gần trưa, mỗi người được một nắm to bằng trái cam, tới xế chiều được một nắm nữa. Thỉnh thoảng, chúng tôi được “chiêu đãi” bằng những khúc rễ cây có bột, gọi là sắn dây, tương tự như rễ cây “yucca” ở châu Mỹ La-tinh.. Chỉ trong vài tuần lễ, tôi đã sút mất hơn 20 ký-lô. Tôi giống như bộ xương cách trí với bộ râu dài. Trong khoảng thời gian 5 tháng, tôi không hề được cạo râu. Tôi không hề được chăm sóc về y tế hay được cấp phát bất cứ thứ thuốc men nào cả. Nhưng người nào cũng thế thôi. Người tù binh Việt Nam bị nhốt chung cũi, nằm cạnh tôi bị một vết thương rất nặng ở ngực, không hiểu đã được băng từ đời nào, nhưng trong suốt thời gian bị nhốt chung cũi, tôi không hề thấy anh được thay băng. Cái lỗ sâu hoắm trên ngực anh không bao giờ lành. Anh còn trẻ và tương đối khỏe, nhưng tôi biết chắc chắn anh sẽ không qua khỏi.

Chúng tôi sống như thú vật, trong điều kiện môi trường nhơ bẩn, đói khổ, không một chút thuốc men, cho nên hầu như ngày nào cũng có người chết. Xác họ được chôn trên sườn đồi phía bên ngoài trại. 

* * * 

Ngày 2 tháng 7 năm 1972, tôi được đưa ra khỏi cũi và sắp hàng cùng với một toán tù binh. Có khoảng 25 người Việt và một người Mỹ khác. Chỉ một lát sau, tôi được biết trong toán tù binh này có một phi công bị bắn hạ cùng ngày với tôi, khi anh bay chiếc khu trục A-1 Skyraider yểm trợ cho trại Polei Klang. Tên anh là Trung-úy Xanh. Tôi sẽ không bao giờ quên tên anh. Không bao giờ!

Viên chỉ huy trại tới nói chuyện với chúng tôi, theo đó, chúng tôi sẽ di chuyển tới một trại mới, khá hơn. Nơi đó, chúng tôi sẽ được ăn uống đầy đủ hơn, và được chăm sóc về y tế; chúng tôi sẽ được nhận thư từ và bưu phẩm của gia đình gửi. Ông ta cho biết cuộc hành trình có thể sẽ kéo dài tới 11 ngày, vì thế chúng tôi phải cố gắng hết sức để đi cho tới nơi. Sau khi nghe ông ta nói, tôi tưởng tượng ra một trại nào đó cũng ở trong rừng, nhưng vị trí thuận tiện, có nhiều nhân viên và được tiếp tế đầy đủ hơn, nằm ở đâu đó phía bắc Căm-bốt hoặc ngay bên kia bên giới Lào. Riêng về lời cảnh giác của viên trại trưởng nói rằng chúng tôi “phải cố gắng hết sức để đi cho tới nơi”, tôi đã chẳng mấy quan tâm. Cho tới mấy ngày sau đó.

Với đôi chân trần, tôi bắt đầu cuộc hành trình. Các tù binh đều bị trói, người này bị cột lại với người kia bằng một sợi dây. Sau vài ngày, chúng tôi không còn bị trói nữa, vì bước đi còn không đủ sức nói gì tới chạy trốn. Tôi rất đuối, vì thiếu dinh dưỡng, vì đủ thứ bệnh không tên, và vì những vết thương lâu ngày không được chăm sóc nay đã làm độc, và ngày càng trở nên tệ hại hơn cùng với cuộc hành trình. Nhưng phải nói chính những con vắt mới là mối nguy hàng đầu; chúng không chỉ hút máu mà còn gây viêm nhiễm do các độc tố chúng truyền sang.

Trung-úy Xanh cũng ở trong tình trạng bi đát như tôi, mỗi bước đi là một sự phấn đấu cả về thể xác lẫn nội tâm, để đối phó với sự kiệt quệ của cơ thể, sự xuống dốc của tinh thần. Bởi nếu bạn không tiếp tục bước, bạn sẽ chết. Ở cuộc sống đời thường, muốn chết bạn phải có một hành động cương quyết nào đó. Bạn phải tự sát.. Nhưng một khi bạn là tù binh chiến tranh thì trong bất cứ tình huống nào, sự thể cũng trái ngược lại. Bạn phải phấn đấu từng ngày để sống sót. Còn muốn chết thì dễ quá. Cứ việc bình thản, đầu hàng một cách êm ái, là bạn sẽ chết. Nhiều người đã làm như thế. Họ chết trong trại tù đầu tiên, họ chết trên đường di chuyển. Ngay sau ngày đầu, một số người đã không chịu bò dậy nữa. Một số khác cố gắng tiếp tục cuộc hành trình nhưng rồi cũng lần lượt bỏ cuộc. Trong lúc đoàn người tiếp tục tiến bước, mỗi khi nghe một hay vài tiếng súng nổ ở phía sau, họ biết họ sẽ không bao giờ còn gặp người tù binh đáng thương ấy nữa. Toán 27 tù binh chúng tôi đã mất ít nhất là nửa tá trong hoàn cảnh nói trên, và tới lúc cuộc hành trình kết thúc, Wayne Finch, người tù binh Mỹ duy nhất ngoài tôi ra, cũng đã bỏ mạng. 

* * * 

Cuộc di chuyển không kéo dài 11 ngày, và đích tới cũng không phải là một trại tù nào đó nằm trong khu vực. Mà là một cuộc hành trình gian khổ kéo dài 3 tháng, đưa chúng tôi vượt gần 1000 cây số, ngược đường mòn Hồ Chí Minh, và cuối cùng hướng về Hà Nội, thủ đô của miền Bắc. Thật là một cơn ác mộng – một cơn ác mộng kinh hoàng nhất. Mỗi một bước, với tôi là một sự đau đớn tận cùng thân thể. Các vết thương làm độc ngày càng tệ hại. Tử thần đã kề bên. Cái chân bị thương đã sưng phù lên gấp đôi bình thường, với những vết nứt dài, từ đó chảy ra một thứ mủ cực kỳ hôi tanh.

Bệnh tiêu chảy của tôi càng thêm tồi tệ, tôi còn bị tới 3 loại sốt rét khác nhau cùng với vô số ký sinh trùng trong ruột. Mỗi cuối ngày, khi tôi kết thúc cuộc hành trình trên dưới 10 cây số, thần chết cứ lảng vảng bên cạnh. Mỗi buổi sáng, ngay sau khi thức giấc, tôi phải phấn đấu để cố đứng dậy, máu dồn xuống cái chân bị thương cùng với sức nặng của thân hình đè xuống, tạo ra một cảm giác đau đớn vô cùng tận. Và Trung-úy Xanh, mặc dù bản thân cũng trong tình trạng hết sức tệ hại, luôn luôn hiện diện để khích lệ tôi, giúp đỡ tôi với tất sức lực còn lại nơi anh. Tới bữa chiều, chúng tôi được phát một nắm cơm nhỏ. Xanh nói với tôi đây không phải là cách ăn uống bình thường của người Việt. Người Việt rất coi trọng bữa ăn, và có nhiều món ăn ngon. Ðừng đánh giá văn minh ẩm thực của Việt Nam qua những gì chúng tôi đang được cấp phát. Tôi cố gắng duy trì đầu óc khôi hài. Ðây là một việc rất khó khăn nhưng tối cần thiết. Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất trong việc sống còn, và kể cả khi tình hình trở nên tuyệt vọng nhất, óc khôi hài sẽ giúp bạn giữ vững được tinh thần – từ đó nảy sinh hy vọng. Và trong việc này, Trung-úy Xanh cũng lại giúp đỡ tôi. Anh luôn luôn quan tâm tới tôi, và làm bất cứ những gì anh có thể làm để giúp tôi giữ được lạc quan, hy vọng. Vì thế, cho dù tình hình càng ngày tồi tệ, tôi chưa bao giờ mất hy vọng. Kể cả trong cái ngày mà đáng lẽ ra tôi đã chết, nếu như không có Xanh.

Mỗi ngày, tôi đã phải sử dụng toàn bộ ý chí để thức dậy, đứng lên và bước đi. Rồi tôi phải phấn đấu hết mình trong suốt ngày hôm đó để tiếp tục tiến bước trên con đường mòn dài vô tận. Tôi đã không còn đứng vững, nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn hoàn tất mục tiêu của mỗi ngày, để sáng hôm sau mở mắt chứng kiến thêm một bình minh nữa mà Thượng Ðế đã ban cho.

Nhưng rồi tới một ngày tệ hại nhất trong đời. Tôi đã phấn đấu hết mình. Tôi lảo đảo muốn ngã xuống. Tôi cố gắng vận dụng hết sức lực.. Tôi loạng quạng bước đi. Rồi tôi lại lảo đảo, tôi cố gắng phấn đấu, tôi vận dụng toàn bộ sinh lực còn sót lại, và tôi cầu nguyện xin có thêm sức mạnh. Rồi tôi ngã gục, tôi bò dậy tiếp tục đi, nhưng rồi lại ngã gục. Tôi lại tiếp tục phấn đấu, phấn đấu với tất cả những gì còn lại trong cơ thể, trong trái tim, trong linh hồn.. Nhưng rồi tôi lại ngã gục, và lần này tôi không thể đứng dậy được nữa. Ý chí của tôi vẫn còn, nhưng cơ thể đã hoàn toàn kiệt lực. Cuộc đời của tôi đến đây là tận. Quân thù đến kia rồi; tên vệ binh nhìn xuống, ra lệnh cho tôi bò dậy, nhưng tôi không thể. Hắn quát tháo lớn hơn, tôi vẫn bất động. Coi như xong đời!

Nhưng Xanh đã tiến tới, vẻ mặt lo âu, cúi xuống nhìn tôi.. Mặc cho tên vệ binh quát tháo, xua đuổi, Xanh vẫn không chùn bước. Khi hắn quát tháo dữ dội hơn, nét mặt Xanh bỗng trở nên đanh thép lạ thường, và bất chấp những lời đe dọa của tên vệ binh, Xanh cúi xuống vực tôi dậy, rồi kê cái lưng ốm yếu cho tôi gục lên, để hai cánh tay của tôi ôm vòng lấy cổ anh, hai cổ tay ghì chặt, và với tư thế ấy, anh đã kéo tôi lết theo cho tới cuối ngày.. Ðôi lúc, có một tù nhân khác tạm thay thế Xanh, nhưng phải nói gánh nặng trong ngày hôm ấy dồn hết lên vai anh. Xanh là người đã bất chấp nguy hiểm tới tính mạng để lo lắng và chăm sóc tôi cho tới khi kết thúc cuộc hành trình ngày hôm đó. 

* * * 

Sáng hôm sau, tôi trải qua mọi đau đớn thường lệ trong việc thức dậy, đứng dậy và cố gắng lê lết cái chân bị thương trong những bước đầu tiên, để tạo quyết tâm cho một ngày sắp tới. Tôi cảm thấy đau đớn như chưa từng thấy nhưng vẫn cố gắng vận dụng ý chí để bước đi. Ngay phía bên ngoài cái trại vừa dừng chân là cây “cầu” bằng một thân cây lớn bắc ngang một dòng nước chảy xiết xen lẫn những tảng đá lớn. Tôi bắt đầu băng qua, cố gắng giữ thăng bằng nhưng không còn sức lực mà cũng chẳng còn một chút ý thức gì về thăng bằng nữa. Cái chân bị thương vô dụng kia đã hại tôi, kéo tôi nghiêng về một phía khiến tôi loạng quạng và cuối cùng rớt xuống sông. Xanh và Wayne đang đi phía trước, vội vàng quay trở lại phía bên này, lội xuống vào kéo tôi lên bờ. Họ năn nỉ đám cộng sản cho phép cả toán tù binh tạm dừng chân tại trại này cho tới khi nào tôi đủ sức tiếp tục cuộc hành trình, nhưng bị từ chối. Xanh và Wayne nhất định không chịu rời tôi. Cho tới khi đám vệ binh tiến tới, dí súng vào người và lôi cổ họ đi. Nhìn bóng hai người khuất dần cùng với toán tù binh, tôi biết mình sẽ không bao giờ gặp lại Xanh trên cõi đời này nữa!

Bởi vì, như các bạn tù đồng cảnh ngộ đều biết, trong trường hợp này, tôi bị bỏ lại trại để chết – như nhiều người khác đã chết. Thế nhưng không hiểu vì nguyên nhân hay lệnh lạc nào đó, đám cộng sản lại quyết định chích penecillin cho tôi trong mấy ngày liền. Tôi bắt đầu bình phục, và sau một khoảng thời gian ngắn, đã có thể đứng dậy. Và ngay sau khi tôi đủ sức bước đi, đám cộng sản đã ra lệnh cho tôi tiếp tục cuộc hành trình. Lần này, tôi đi chung với một đoàn bộ đội di chuyển về hướng Bắc, một tay vệ binh được chỉ định đi theo tôi làm công việc áp giải.
Cuộc hành trình cũng gian khổ như những đoạn đường đã qua, nhưng với tôi, những gì kinh hoàng nhất đã được bỏ lại sau lưng. Thậm chí tôi còn có cơ hội chạy trốn: một ngày nọ, khi đi tới một khúc quẹo và khuất tầm nhìn của tên vệ binh đi phía sau, tôi đã bỏ chạy vào rừng. Nhưng rồi hắn đã mau chóng lần ra dấu vết và đuổi kịp; mặc dù tỏ ra vô cùng giận dữ, hắn đã không bắn tôi chết, mà chỉ hung hăng chĩa súng ra lệnh cho tôi quay trở lại. Sau đó, khi bắt đầu tiến vào lãnh thổ Bắc Việt, tôi được cho nhập bọn với một đoàn tù binh VNCH, và cuối cùng, tới Hà Nội. Nơi đó, sau khi đã trải qua mọi thủ tục và nhiều nhà tù khác nhau, tôi được đưa tới “khách sạn Hilton – Hà Nội” lừng danh (tức nhà tù Hỏa Lò), và ở đó cho tới khi được trao trả vào giai đoạn cuối của cuộc chiến. 

* * * 

Ngay sau khi trở lại Hoa Kỳ, tôi đã đi tìm hỏi tin tức về Trung-úy Xanh nhưng không có kết quả. Tôi đã tìm gặp các quân nhân Việt Nam đang thụ huấn tại Mỹ, cũng không ai biết gì. Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản năm 1975, tôi càng ra sức tìm kiếm, để rồi lại bị thất vọng.

Mấy năm sau, tôi được dịp tái ngộ với một quân nhân VNCH đi chung với tôi trong toán tù binh nhứ nhất, cùng với một người khác trong toán thứ hai, tên là Phạm Văn Tăng và Nghiêm Kế. Tôi nhờ họ giúp đỡ trong việc tìm kiếm tin tức về Trung-úy Xanh.. Lúc đầu, không có kết quả gì cả. Về sau thì có tin đồn nói rằng sau khi Sài Gòn thất thủ, Xanh đã bị cộng sản bắt lại và có lẽ đã chết sau nhiều năm gian khổ trong tù. Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ có ngày được biết đích xác những gì đã xảy ra cho Xanh, và có thể cả những tin tức liên quan tới gia đình anh.

Trong những năm gần đây, tôi ra sức tìm kiếm trên internet, nhưng luôn luôn thất bại. Thế rồi cách đây mấy tuần lễ, tôi tình cờ khám phá ra trang mạng của các hoa tiêu bay khu trục A-1 Skyraider của Không Quân VNCH, trong đó có một số người cùng phi đoàn với Xanh ngày trước. Tôi gửi cho “trang chủ” mấy lời nhắn tin, và chỉ vài ngày sau, tôi đã liên lạc được với Xanh bằng email, và sau đó qua điện thoại – lần đầu tiên sau 35 năm, chúng tôi mới được nói chuyện với nhau. Tôi sẽ gặp lại Xanh trong một ngày gần nhất, có thể là mùa thu này. Tôi sẽ được nhìn thấy anh lần đầu tiên kể từ cái ngày tôi nằm lại bên đường mòn Hồ Chí Minh, mắt nhìn theo con người đã cứu mạng mình – đang bị vệ binh dí súng cưỡng ép bước qua cây cầu, trong lòng đau đớn vì phải bỏ tôi ở lại để chờ chết.

Xanh đâu có ngờ chính những cố gắng giúp đỡ tận tình của anh trong những ngày đen tối nhất đời tôi, đã trở thành động lực để tôi phấn đấu cho sinh mạng của chính bản thân mình – tôi không thể để uổng phí công lao của Xanh. Tất cả những gì Xanh làm đã giúp tôi sống sót, và chính những hành động quên bản thân của anh đã giúp tôi có thêm nghị lực và quyết tâm để vượt qua bất cứ khó khăn, tr ngại nào trong thời gian chờ đợi ngày được trả tự do.

Xanh luôn luôn là một con người đáng ngưỡng phục. Và giờ đây anh còn là một công dân Mỹ đáng quý. Tôi cám ơn trời đã cho tôi gặp được một người bạn như Xanh – vào lúc mà tôi cần tới sự giúp đỡ của anh hơn lúc nào hết; và giờ đây, xin cám ơn trời một lần nữa, vì đã cho tôi tìm lại được người bạn quý mến ấy.

NGUYỄN VĂN XANH , một người như mọi người. * 
William S. Reeder
 (Nguyễn Hữu Thiện phỏng dịch và đặt tựa)

30-4: Trích Hồi ký của cụ Phạm Duy (quyển ba)


Phạm Duy
Chia sẻ bài viết này




Chiến dịch Tây Nguyên được mở ra, quân đội Cộng Sản tấn công Bình Long, bao vây An Lộc và cuối cùng vào ngày 7-1-1975, chiếm được Phước Long, một tỉnh lỵ cách Saigon khoảng 60 cây số. Lần đầu tiên, Hà Nội có một thành phố ở miền Nam để làm thủ đô cho Mặt Trận Giải Phóng.
Khi nghe tin Phước Long bị mất vào tay Cộng Sản, ở Saigon, chẳng thấy ai lo lắng gì cả. Kinh nghiệm cuộc Tổng Công Kích năm 68 và kinh nghiệm Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72 cho thấy Cộng Quân có chiếm được nơi nào thì cũng chỉ ít lâu sau là bị đánh bật đi. Cho nên mọi người có vẻ rất bình tâm.
Cho tới khi Ban Mê Thuột bị chiếm vào ngày 12 tháng 3 năm 75 thì tất cả mới ngã ngửa người ra! Trong thời gian 55 ngày trước khi Saigon thất thủ, những tin tức kinh hoàng như vụ triệt thoái bi thảm của quân dân Cao Nguyên trên đường số 7 (mệnh danh là con đường máu và nước mắt)... vụ mất Quảng Trị tiếp theo là vụ thị xã Huế bị bỏ ngỏ…vụ Đà Nẵng, Chu Lai, Nha Trang, Đà Lạt đồng loạt rơi vào tay Cộng Quân sau khi cũng lâm vào cảnh hỗn loạn như Huế, tất cả những chuyện đó làm cho tinh thần dân chúng đã buông xuôi rồi, nay lại bị nhận chìm xuống.
Hồi Ký này không dám quy định tội lỗi làm mất miền Nam cho ai cả. Nó chỉ xin đưa ra một nhận định là trong suốt thời Đệ Nhị Cộng Hoà, chưa bao giờ có sự gắn bó giữa chính quyền và dân chúng. Chiến tranh 30 năm đã làm tê liệt phần hồn phần xác của dân chúng rồi, người dân không được chia sẻ quyền hành với chính phủ tối thiểu là được chia sẻ sự hiểu biết về tình huống quốc gia. Không có một tổ chức Thông Tin Dân Vận nào làm được công việc đả thông (communication) giữa người dân và chính phủ. Về phần thông tin ngoài chính quyền là báo chí, ngay tờ Chính Luận cũng chỉ phổ biến trong những thành phố lớn và các tỉnh.
Không nắm rõ tình hình đất nước, không biết miền Nam đã bị Mỹ bỏ rơi, dù bị Cộng Sản tấn công liên tiếp, người dân vẫn không tin là mất miền Nam. Không tin luôn vào sự truyền thông trên thế giới -- như Đài BBC chẳng hạn -- về sự hấp hối của miền Nam. Dân chúng còn bị lừa gạt đến độ cho rằng với tinh thần Thoả Hiệp Hoà Bình Paris, chính phủ ba thành phần là giải pháp tối hậu. Mù quáng trước tình hình chung, người dân không nhận ra định mệnh của đất nước và của mình. Tới khi thấy nguy cơ miền Nam sắp bị mất vào tay Cộng Sản thì không còn ai có khả năng để chống chọi nữa!

Tôi cũng không sáng suốt hay tích cực gì hơn ai. Nhưng trực giác giúp tôi thấy được nguy cơ của miền Nam ngay từ ngày mất Bình Long. Sau đó, mất nốt Ban Mê Thuột là coi như miền Nam bị tiếp thu đến nơi rồi. Và thấy ngay số phận sắp tới của Saigon và của mình khi Bắc quân tiến vào.
Tôi chưa biết nhìn vào ai để giúp mình nhưng tôi biết tôi phải đi khỏi nơi này. Trong khi tôi đang bối rối tìm lối thoát ly, bạn bè xa gần gọi điện thoại hỏi han tin tức. Tôi cũng bốc máy nói gọi vài người quen, hi vọng tìm ra lối đi, cuối cùng được Hoàng Hải Thủy -- lúc đó đang làm việc với phòng Thông Tin Mỹ USIS -- cho biết trong bảng danh sách những người được Mỹ bốc đi, tên gia đình tôi đứng hàng đầu. Đang sốt ruột ngồi đếm từng giờ từng phút, lại chỉ thấy Giám Đốc USIS là Carter trấn an tinh thần dân chúng trên màn ảnh truyền hình...
... Một hôm, Phạm Thiên Thư và Trần Dạ Từ băn khoăn tới hỏi tôi về đường đi nước lùi. Tôi tâm sự với Phạm Thiên Thư về ý định soạn một bài hát bỏ nước, lấy tên Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi hình dung nước Việt Nam với một bầy chim phải cất cánh bay đi vì ở quê hương sẽ không còn bầu trời tự do cho chim bay bổng nữa. Phạm Thiên Thư cho tôi vài lời thơ, rồi tôi quên cả lo lắng buồn phiền, nằm bò trên nền đá hoa trong căn nhà vườn để soạn đoạn đầu của tổ khúc này.
Thời gian không gian như bị lay động dữ dội. Thấy chung quanh mình, một số bạn hữu đã được Mỹ đem đi hay đang chuẩn bị ra đi, tôi sốt ruột quá! Trong một đêm vắng, người anh vợ là Hoài Trung, nhân viên của Đài Tự Do-VOF (Voice Of Freedom) đến chào từ giã vợ chồng tôi để ra đảo Phú Quốc chờ tầu chở đi Mỹ.
Mừng cho Hoài Trung nhưng nhìn vào hoàn cảnh mình thì thất vọng, vì từ lâu tôi không còn cộng tác với Phòng Thông Tin USIS, không còn giao dịch với bất cứ một người Mỹ nào nữa. Tôi cũng không phải là một công chức quốc gia để có thể tới Toà Đại Sứ Mỹ xin cho đi tị nạn. Chạy đi kiếm Hoàng Hải Thủy thì không thấy anh ta đâu. Ca sĩ Tâm Vấn, bạn của vợ tôi, cho biết có lối ra đi trả tiền, nhưng gia đình tôi gồm hai vợ chồng cộng với tám đứa con thì phải là triệu phú, chúng tôi mới mua được đường đi. Dẫn con trai Cường đi tìm đường cao chạy xa bay suốt mấy ngày trời mà không có kết quả. Thất vọng trở về nằm dài trên chiếc võng, vì nhà ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn qua những cành dừa cao lớn, tôi thấy phi cơ vận tải C130 chở người đi tị nạn bay ngang từ sáng sớm tới chiều tối.
Sau những ngày lo âu rồi tuyệt vọng, tôi chuẩn bị nếu phải ở lại Saigon thì không nên giữ những tài liệu có thể gây tai hoạ cho mình. Lấy ở tủ sách ra một số ảnh, bản thảo và ấn phẩm rồi đào một cái hố cạnh chuồng gà, nổi lửa đốt. Trong đêm tối, đứng ngoài sân, lại ngẩng đầu nghe tiếng phi cơ vận tải ầm ỳ trên không. Tôi sốt ruột vô cùng, lòng như lửa đốt, có thể là lửa trên đống tài liệu len vào chăng ? Đốt mớ tài liệu, khói cũng bốc lên như ngày nào đốt lá trên sân cùng mấy em bé. Khói cũng làm cay mắt nhưng tôi không cảm động như lúc nhìn khói để nhớ về thời ấu thơ và trai trẻ. Bây giờ, tôi đang làm công việc tự thiêu, nói cho rõ hơn, tôi đang đốt đi một quãng đời của mình.
Đây không phải lần đầu tôi lâm vào cảnh tự xử hoặc được người ta khuyên khai tử tác phẩm của mình. Khi còn ở Việt Bắc, tôi được dỗ dành chôn sống những bài ca ủy mị (!). Khi từ vùng kháng chiến về thành bố vợ cắt ảnh Nguyễn Sơn ra khỏi tấm hình đám cưới do ông tướng này chủ hôn. Suốt hai chục năm ở miền, tuy không tuyên bố khai tử nhưng không bao giờ tôi dám in ra và hát lên những bài ca kháng chiến. Bây giờ, vì không biết mình có ra khỏi được Việt Nam hay không, tôi phải tự tay đốt những tấm ảnh chụp chung với các nhân vật chính trị Hoa Kỳ hay Việt Nam. Kể cả bức ảnh chụp chung với Bẩy Viễn và Nguyễn Đức Quỳnh khi cả bọn kéo nhau đi coi vũ đoàn tại nhà hàng Moulin Rouge ở Paris vào năm 54. Hoả táng luôn một mớ bản thảo, nhạc tập, thư từ... Thành phố nhốn nháo như tổ ong vỡ. Ra đường, nhìn ai cũng thấy vẻ lo lắng, hoảng hốt. Đây là lúc tôi không còn một chút sáng suốt nào để hiểu nổi cái gì là cái gì nữa!
Chỉ nhớ câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...
Nhớ tới di ngôn của Nguyễn Đức Quỳnh: Làm người Việt Nam khó quá! Làm nghệ sĩ còn khốn khó hơn! Nhìn lại dĩ vãng, thấy trong suốt 500 năm, không một lúc nào ngưng loạn ly trên đất nước. Sự thật không bao giờ ở lâu và ở một phía nào nhất định. Khiến cho tiền bối Nguyễn Gia Thiều, một người hiện sinh hơn Jean Paul Sartre, hiểu rằng định mạng người Việt là phải sống theo cái búng quay sẵn trên trời.
Chao ôi, so với năm thế kỷ tao loạn làm đời người như chiếc lá mỏng manh nổi trôi theo mệnh nước, thời gian 20 năm vừa qua nào có nghĩa lý gì đâu? Mình là cái gì mà thoát khỏi cái vòng quay đó được? Nhất là đã biết từ lâu những ai đã búng con quay đó ở trên trời. Thời đại Nguyễn Gia Thiều thiếu phương tiện truyền thông nên chỉ nhận chân ra sự mù mờ. Còn mình biết rõ ràng số phận của người dân nhược tiểu, nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai thế lực quốc tế, vì thiếu người lãnh đạo tài ba, sáng suốt ở cả hai miền nên toàn thể nhân dân phải sống như trong một khúc dạ hành.
Đang trong cơn buồn tủi não nề, vào 11 giờ 30 đêm 27 tháng 4, có cú điện thoại của một người bạn Mỹ giỏi tiếng Việt, rất yêu nhạc và có vợ Huế, cho biết tôi có thể ra khỏi Saigon nếu sáng mai tới địa diểm ở đường Kỳ Đồng là nơi người Mỹ sẽ bốc người ra đi. Tới đó, người già em nhỏ được đi ngay, nhưng mấy người con trai lớn đang là quân nhân có thể bị Quân Cảnh giữ lại. Vừa mừng cho mình, cho vợ và cho bốn con nhỏ, vừa lo lắng cho bốn con trai lớn thì có thêm cú điện thoại của Nguyễn Ngọc Bích hỏi:
-- Đã có ai giúp anh chị và các cháu ra đi chưa?
-- Rồi, nhưng chỉ có một nửa gia đình...
Nguyễn Ngọc Bích cho chúng tôi tên và số điện thoại của một người Mỹ tên là Ed Jones. Vào năm 1951, từ Khu IV vào thành, đại gia đình họ Phạm phải chia ra ba nhóm để dinh tê, bây giờ gia đình tôi cũng chia ra hai toán để xuất ngoại. Sáng mai vợ chồng tôi và bốn con nhỏ sẽ tới điểm hẹn ở đường Kỳ Đồng, còn bốn con trai sẽ đi theo đường dây Nguyễn Ngọc Bích vừa mách cho. Muốn chắc ăn, tôi gọi điện thoại hỏi Ed Jones thì anh ta cười hề hề: Ông yên chí, các con ông sẽ sang Mỹ trước ông!

Chúng tôi thức suốt đêm để thu xếp hành lý. Khổ sở vô cùng vì không biết cái gì đem đi, cái gì để lại? Ưu tiên là những ảnh của tổ tiên và khoảng một chục cuộn phim âm bản. Không ngờ vào lúc này, có dịp rửa ra hình để cho in vào những cuốn Hồi Ký. Vớ thêm được vài cuốn băng nhạc. Cũng không ngờ những băng này giúp tôi trở thành nhà phát hành băng cassette trong những năm đầu ở Florida.
Sáng ngày 28, con trai Cường chở bố mẹ và bốn em ra khỏi căn nhà vườn Phú Nhuận. Tôi không dám quay mặt nhìn lại cái tổ ấm của mình. Xe chạy chầm chậm trong một Saigon xơ xác giống như vào năm 45, khi bị lính Viễn Chinh Pháp tấn công tôi phải trốn khỏi thành phố như thế này. Tôi ngao ngán vô cùng vì chợt nhớ tới những cuộc bỏ chạy sau đó nữa... Nhớ lại đêm đông 1946, phải rời xa mẹ, bỏ Hà Nội ra vùng quê, kháng chiến... Nhớ lại ngày hè 1951, đôi vợ chồng và đứa con đầu lòng lếch thếch bỏ Chợ Neo để vào thành tìm tự do... Rồi lễ mễ giã từ miền Bắc vàoNam để sinh sống... Và bây giờ là long đong vĩnh biệt Saigon với một nửa con cái.
Thì ra suốt đời, mình chỉ là người bị chơi trò ú tim đi trốn. Mỗi lần mang theo một gánh nặng. Gánh nặng mỗi ngày một nặng thêm. Đã mất đi bốn, năm lần tổ ấm và bây giờ có thể mất luôn cả tổ quốc. Tới địa điểm ở đường Kỳ Đồng, vì có sự giới thiệu của người bạn ân nhân rồi nên gia đình tôi được chấp nhận cho đi. Tôi định cho Cường đi theo nhưng không hiểu vì sao tôi bảo Cường về nhà đi với các anh. Có lẽ tôi sợ trên đường vào sân bay, Cường có thể bị Quân Cảnh chặn lại thì vừa hụt đi với cha mẹ, vừa hụt đi với các anh chăng ? Về sau, khi các con tôi kẹt lại, trong bốn năm trời dài đằng đẵng, tôi hối hận và khổ sở vô cùng vì đã đuổi con về. Khi từ đường Kỳ Đồng đi vào Tân Sơn Nhất, quả có bị lính chặn xe lại, trong xe có một thanh niên vào tuổi quân dịch, nhưng khi bố mẹ anh này tặng mấy người lính một số tiền thì họ cho xe đi ngay.
Vào lúc này tôi hoảng hốt tới độ không nghĩ tới chuyện có thể đút lót Quân Cảnh như gia đình rất thông minh của anh thanh niên kia đã làm. Đã có sẵn tờ giấy 20 đôn ở trong túi rồi mà ! Và cũng chỉ có số tiền nhỏ nhoi đó thôi, để làm lại cuộc đời ở Mỹ. Vào tới Tân Sơn Nhất, gia đình tôi ngồi bệt xuống sân cỏ trước cổng DAO, cơ quan viện trợ quân sự của Mỹ, giữa một đám người khá đông, trong đó tôi nhận ra gia đình Vũ Khắc Khoan và quá nhiều bạn quen. Chúng tôi ngao ngán nhìn nhau, rồi tuần tự được gọi tên và mời vào ngồi trên những hàng ghế dài ở ngoài sân và trong phòng DAO. Trong một không khí tuy náo nức nhưng rất có trật tự, sau già nửa ngày ngồi đợi, mỗi gia đình leo lên một phi cơ vận tải C130 cùng với dăm ba chục gia đình khác.
Chuyến phi cơ chở chúng tôi cất cánh vào khoảng năm giờ chiều ngày 28, lúc đó Bắc Quân đã pháo kích vào sân bay rồi. Nếu tôi không nhầm thì gia đình tôi là những người chót lọt được lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đẩy vào một trong những chuyến phi cơ cuối cùng rời khỏi Tân Sơn Nhất. Chui vào lòng tầu bay, mọi người phải co đùi, ép gối ngồi bệt trên sàn tầu. — hai bên cửa phi cơ có hai người lính Mỹ cầm sẵn súng phóng hoả châu, để phòng Việt Cộng bắn hoả tiễn tầm nhiệt lên thì chỉ trúng trái sáng. Lên tới độ cao, phi cơ nhào đi nhào lại để tránh đạn nếu bị bắn, rồi bay vút ra phía biển. Tôi ngồi ôm mấy đứa con thơ, mắt nhắm lại như không muốn nhìn thấy phong cảnh đất nước nữa. Vả lại, muốn nhìn quê hương một lần chót cũng không được, vì hai người lính Mỹ đã đóng chặt hai cánh cửa phi cơ lại rồi.
Trong lòng tầu chật cứng người tị nạn, bay từ vùng trời Saigon qua Căn Cứ Clark ở Phi Luật Tân, suốt trong không trình dài năm tiếng đồng hồ, không ai nói với ai một câu nào cả! Mọi người ngồi im lặng và buồn rầu như trong một đám táng. Một đám ma không có ai khóc ai vì mỗi người tự đưa đám ngay chính thân xác của mình. Sự câm nín này dường như còn kéo dài cho tới bây giờ...
Phạm Duy

Một số những chiến công oanh liệt của CSVN ở miền Nam VN trước 30/04/1974



Thông thường, kẻ giết người luôn tìm cách che đậy hành vi tội ác ghê tởm. Hành động lén lút ám sát giết người thường là do lệnh của tổ chức đảng phái chính trị, là một thứ công tác sứ mạng điệp vụ. Đàng sau sứ mạng đó, cho dù thành công thì vẫn là chết chóc đau thương cho một người hay nhiều người có khi vô tội và bị giết oan khuất. Đối với lương tâm con người, hành động đó là việc làm bắt buộc và đáng lý ra không có gì vinh quang để kiêu hãnh. Nhưng đối với những con người cộng sản khát máu, họ lại xem đó như một thứ hào quang đáng tự hào khoe khoang và hãnh diện.


Xe hơi chở giáo sư Nguyễn Văn Bông bị hư hại sau khi trúng bom chất nổ của khủng bố VC ngày 10 tháng 11 năm 1971. Tổ trinh sát vũ trang Ban An ninh T4 gồm có Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu ám sát giáo sư Bông, (Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, lãnh đạo của đảng Tân Đại Việt, người thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến) tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản bằng 4kg chất nổ C4 được liên kết với ba trái lựu đạn.


Vũ Quang Hùng, người đã đặt bom giết chết giáo sư Nguyễn Văn Bông, từng là phó Tổng biên tập báo Công an TP. HCM. Hùng khoe khoang thú nhận “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” ca ngợi chiến công hiển hách của 2 biệt động Sài Gòn là Hùng và Châu. Giáo sư Bông bị sát hại khi 42 tuổi, là một trí thức cấp tiến có khả năng trở thành thủ tướng của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc mất ông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, cố vấn cho Tối cao Pháp viện, ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cùng thiệt mạng với ông còn có 3 người khác là vệ sĩ là lái xe. Ông để lại người vợ góa 30 tuổi và 3 con nhỏ.


Một kẻ khủng bố Việt Cộng khác khoe thành tích là Trịnh Thị Thanh Mão. Bà Mão khoe là từng đã nhúng tay vào một vụ mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.


Bài viết “Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” trên báo trong nước tiết lộ rằng Tháng 9/1970, trong một lần đi kinh lý bên dòng sông Thạch Hãn, ông tổng thống VNCH suýt chết trước nòng súng của nữ du kích Trịnh Thị Thanh Mão. Hiện tại, cựu nữ du kích Mão đang cư ngụ ở làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.


Với cái gọi là “Ký ức hào hùng”, bà Mão kể lại năm 1964 khi 14 tuổi, “Lợi dụng sự sơ hở của địch ít chú ý tới trẻ con, tôi đã “chuyển vũ khí, thuốc men vào căn cứ cách mạng; hóa thân vào làm người bán hàng rong trà trộn vào lòng địch cài bom hẹn giờ nổ đánh xe, tiêu diệt địch”. Sau một loạt thành tích đặt bom, năm 18 tuổi tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Việc ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tôi thực hiện vào năm 1970 trong buổi khánh thành hệ thống “ấp chiến lược”, tôi bắn 2 viên đạn nhưng không viên nào nổ.“Tiếc thật nếu sau cái bóp cò đó súng nổ thì Thiệu đã tiêu rồi”.


Ảnh: Bác sĩ Lê Minh Trí, Bộ Trưởng Giáo Dục VNCH đẫm máu vì bị thương nặng (và sau đó chết) đang nằm trên mặt đường và vệ sĩ của ông cũng bị thương đang ngồi trên lề đường trước sự canh gác của một quân cảnh Mỹ. Tài xế của ông chết trong chiếc xe đang bốc cháy sau khi khủng bố VC tung lựu đạn vào xe trên đường phố Sài Gòn ngày 6 tháng 1, 1969.

Nếu việc khủng bố chỉ được đảng CS thi hành trong chiến tranh thì cũng chưa phải là điều đáng nói. Thực tế, sau 36 năm thống nhất đất nước, họ vẫn tiếp tục hành động khủng bố của mình bằng nhà tù, bằng còng số 8 thông qua điều 88 và 79 của bộ luật Hình sự. Phương tiện họ dùng khủng bố không phải là bom ba càng, mìn hẹn giờ mà dùng chính Hiến pháp, thông qua điều IV và lực lượng công an, an ninh dày đặc để đàn áp những người bất đồng chính kiến.


Hàng loạt các trí thức, nhân sĩ yêu nước bị bỏ tù vì đòi hỏi thực thi dân chủ nhân quyền đã bị cầm tù như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, LM Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Paulus Lê Sơn, Huỳnh Thục Vy, Việt Khang, v.v. Đó chính là sự tiếp tục chủ nghĩa khủng bố từ những năm xưa. Những trí thức trên và còn nhiều người khác nữa bị kết những bản án từ vài năm tới cả chục năm tù chỉ vì quan điểm của mình qua phỏng vấn hay các bài viết, bài nhạc. Vậy không là khủng bố thì sao?

Một số những vụ khủng bố của VC ở miền Nam VN
từ 1960 đến 1969 ghi nhận được:


Ngày 2 tháng Hai 1960: VC phá và đốt chùa Phật giáo ở làng Phước Thành tỉnh Tây Ninh, đâm chết thiếu niên 17 tuổi tên Phan Văn Ngọc do em này kháng cự.


Ngày 22 tháng Tư 1960: Khoảng 30 cán bộ võ trang VC ruồng bố làng Thới Long tỉnh An Xuyên định bắt Cao văn Nành 45 tuổi. Dân làng tụ lại phản đối. Việt Cộng nổ súng giết chết một thiếu niên 16 tuổi.


Ngày 23 tháng Tám 1960: Việt Cộng đang đêm bắt hai giáo viên Nguyễn Khoa Ngôn và Nguyễn Thị Thiệt đến trường Rau Ran tỉnh Phong Dinh để chứng kiến cảnh chúng xử tử hai người đàn ông tên Cảnh và Văn để răn đe và gây khiếp đảm.


Ngày 24 tháng Chín 1960: Một toán VC lục phá và đốt cháy tiêu trường An Lạc tỉnh An Giang.


Ngày 28 tháng Chín 1960: VC chận xe của Cha xứ Hoàng Ngọc Minh, giáo phận Kontum, dùng súng máy bắn ông chết, xong còn cắm cọc tre vào người ông. Tài xế Huỳnh Hữu, cháu cha Minh, bị thương nặng.


Ngày 30 tháng Chín 1960: Một toán VC bắt nông dân Trương văn Đáng 67 tuổi ra trước một phiên “tòa án nhân dân”, cáo buộc tội ông mua hai mẫu ruộng mà trái lệnh chúng không giao cho người khác. Ông bị VC bắn chết trên mảnh ruộng của ông sau phiên xử.


Ngày 6 tháng Mười Hai 1960: VC đặt chất nổ nhà bếp Sân Cù Sài Gòn làm chết một phụ bếp và làm bị thương hai đầu bếp.


Báo cáo tổng kết các vụ VC khủng bố năm 1960 của chính phủ VNCH nạp trình cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến gồm có 284 chiếc cầu bị phá hoại, 60 trạm y tế bị đốt. Và do hậu quả của những trường học bị VC phá hủy, việc học của 25,000 học sinh bị ảnh hưởng.


Ngày 22 tháng Ba 1961: 20 nữ sinh đi xe đò trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu sau khi tham dự Lễ Hai Bà Trưng bị VC giật mìn và xả súng bắn làm thiệt mạng hai nữ sinh và làm bị thương 10 em khác.


Ngày 15 tháng Ba 1961: 12 sơ nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đi xe đò từ Tây Ninh đi Sài Gòn bị VC phục kích chận lục soát hành lý. Sơ Theophile phản đối nên bị chúng bắn chết tại chỗ và sơ Phan thị Nở bị thương.


Ngày 26 tháng Bảy 1961: Hai dân biểu gốc người Thượng tên Rmah Pok and Yet Nic Bounrit bị VC phục kích bắn chết gần Đà Lạt cùng với một giáo viên cùng đi thăm viếng một làng định cư.


Ngày 20 tháng Chín 1961: Một lực lượng hàng ngàn VC tràn ngập thị xã Phước Vinh tỉnh Phước Thành, đốt phá mọi cơ sở hành chánh, chặt đầu hầu hết công chức trong thị xã, chiếm giữ trọn ngày trước khi rút lui.


Tháng Mười 1961: Nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ước đoán số lượng dân chúng VNCH bị VC giết mỗi tháng là một ngàn năm trăm người.


Ngày 13 tháng Mười Hai 1961: Cha Bonnet người Pháp thuộc giáo phận Kontum bị quân khủng bố VC ám sát trong lúc ông viếng thăm giáo dân ở Ngok Rongei.


Ngày 20 tháng Mười Hai 1961: kỹ sư S. Fuka người Nhật làm việc cho dự án đập thủy điện Đa Nhim bị VC chận đường bắt cóc. Số phận của ông ra sao không bao giờ được rõ.


Ngày 1 tháng Giêng 1962: VC chém chết ông Lê văn Thiều 63 tuổi, thủ lãnh lao công tại đòn điền cao su nơi ông làm việc.


Ngày 2 tháng Giêng 1962: VC giết chết hai nhân viên tên Pham văn Hải và Nguyễn văn Thạch trong đoàn diệt trừ sốt rét đang làm việc ở địa điểm cách khoảng 20km về phía nam Sài Gòn.


Ngày 20 tháng Hai 1962: VC ném 4 quả lựu đạn vào một đám dân làng đang xem hát ở Cần Thơ, giết chết 24 phụ nữ và trẻ con và làm cho 84 người khác bị thương.


Ngày 8 tháng Tư 1962: VC xử tử hai tù thương binh Hoa Kỳ gần làng An Châu Trung phần Việt Nam. Hai thương binh Mỹ này bị trói và bị bắn vào mặt vì họ không đi theo kịp toán VC đang rút lui.


Ngày 19 tháng Năm 1962: Khủng bố VC ném lựu đạn vào nhà hàng Aterbea ở Sài Gòn làm bị thương viên quản lý đoàn xiệc đến từ Bá Linh và tham vụ văn hóa Tòa Đại Sứ Tây Đức ở Sài Gòn.


Ngày 20 tháng Năm 1962: VC đánh bom trước khách sạn Hưng Đạo Sài Gòn, nơi cư ngụ của quân nhân Hoa Kỳ, làm bị thương 8 người Việt và 3 quân nhân Mỹ đang đứng bên ngoài khách sạn.


Ngày 12 tháng Sáu 1962: VC phục kích xe đò hành khách gần Lệ Tri tỉnh An Giang giết chết tất cả người trên xe gồm tài xế, người phụ lơ và hành khách.


Thi thể của hai thiếu niên trai và một người đàn ông nằm trên đường phố trong vụ VC tung lựu đạn trước Tòa Đô Chính Sài Gòn Ngày Quốc Khánh 26 tháng Mười năm 1962.

Ngày 20 tháng Mười 1962: Đội Biệt động 159 của Việt Cộng tung lựu đạn giết chết 7 người và làm bị thương 47 người đang đứng xem một cuộc triển lãm có trưng bày một phi cơ trực thăng cùng một số chiến lợi phẩm tịch thu được của địch quân trước Tòa Đô Chính Sài Gòn và một đoạn dài của đại lộ Nguyễn Huệ.


Theo lời thuật có tính cách tuyên truyền khoác lác của báo chí VC, nữ du kích nội thành Lê Thị Thu Nguyệt giả dạng nữ sinh đảm nhận công tác mang thuốc nổ vào Sài Gòn. Trong bộ quần áo dài trắng giả trang một nữ sinh từ quê lên Sài Gòn học, Nguyệt mang theo hai chậu kiểng được ngụy trang dưới lớp đất là những quả lựu đạn. Bài báo kể Nguyệt bị chận xét nơi trạm kiểm soát như sau.


(Trích: “Tim chị cơ hồ nhảy ra khỏi lồng ngực khi tên lính xét giấy tờ đòi đập vỡ hai chậu kiểng xem có chất nổ không. Quá bất ngờ, Thu Nguyệt òa khóc, nói rằng ông bà ngoại sẽ đánh chết cô nếu đem hai chậu kiểng về nhà không còn nguyên vẹn. Vẻ đẹp tinh khiết và nước mắt cô nữ sinh làm mềm lòng tên lính. Hắn ta khoát tay ra hiệu đồng bọn bỏ đi. 8 giờ sáng ngày 26/10/1962, Nguyệt chọn bộ quần áo dài đẹp nhất cùng Tùng, Quang giả làm thường dân đi xem triển lãm. Trong chiếc khăn mùi soa của Thu Nguyệt là quả lựu đạn. Tới nơi, thấy địch để bên cạnh chiếc trực thăng Mỹ là súng, mìn “chiến lợi phẩm”, Quang định ném trái lựu đạn vào đống mìn nhưng Thu Nguyệt ngăn lại. Chị giải thích hành động của mình lúc ấy: “Chỗ đó quá đông người, tôi sợ mìn nổ làm chết dân. Nơi chiếc trực thăng đậu vắng người hơn. Tôi bí mật chuyển “chiếc khăn mùi soa” qua cho Quang. Anh hiểu ý nhanh tay ném vào mục tiêu này”. Một tiếng nổ vang lên, chiếc máy bay sụm xuống, bốc cháy mù mịt. Mọi người hỗn loạn tranh nhau thoát ra khỏi khu vực triển lãm. Lợi dụng thời cơ đó, các chiến sĩ biệt động hòa vào đám đông, thoát ra ngoài an toàn. Sáng hôm sau đọc báo, chị biết được kết quả trận đánh. Vậy là với chiếc khăn mùi soa trắng mỏng manh trong bàn tay bé nhỏ của Thu Nguyệt, quả lựu đạn đã phá hỏng 1 trực thăng HU1A, làm chết 3 tên, 2 tên bị thương và chiến công lớn hơn của trận đánh là đã phá vỡ được cuộc triển lãm của địch dự định kéo dài trong bảy ngày, làm thất bại âm mưu chính trị của ngụy quyền Sài Gòn.” Ngưng trích).


Bạn đọc ắt thấy bài báo trên đây kém trung thực. Hình ảnh tài liệu cho thấy rõ ràng là các nạn nhân của vụ khủng bố này cũng chỉ là thường dân, trong đó có trẻ em.


Ngày 4 tháng Mười Một 1962: VC ném lựu đạn trong một đường hẽm tại Cần Thơ, giết chết một quân nhân Hoa Kỳ và 2 trẻ em Việt Nam và làm một em khác bị thương nặng.


Ngày 25 tháng Giêng 1963: VC đặt chất nổ xe lửa chở gạo gần Qui Nhơn, giết chết 8 hành khách và làm bị thương 15 người khác.


Ngày 4 tháng Ba 1963: VC chận xe trên đường Sài Gòn Đà Lạt, bắn chết 2 nhà truyền giáo Tin Lành là Elwood Forreston, người Mỹ, và Gaspart Makil, người Phi Luật Tân. Hai đứa con song sinh của Makil bị bắn và bị thương.


Ngày 16 tháng Ba 1963: VC ném lựu đạn vào một ngôi nhà của một gia đình người Mỹ đang tiếp khách ăn tối ở Sài Gòn, giết chết một thương gia người Pháp và làm bị thương 4 người khác.


Ngày 25 tháng Ba 1963: Cơ sở nội tuyến của Đội biệt động 159 (do Mười Luân, bí số 8E, và Lê Thị Thu Nguyệt, đóng vai người yêu của Mười Luân) đã gắn một quả mìn hẹn giờ vào chiếc máy bay Boeing 707 cho chuyến bay từ Sài Gòn đi Mỹ. Chiếc máy bay vừa đáp xuống phi trường Honolulu thì mìn phát nổ nhưng không làm ai bị thương vong vì tất cả hành khách đã di chuyển vào nhà ga sân bay. Nguyên nhân mìn phát nổ chậm là do áp suất trên cao làm đồng hồ hẹn giờ của quả mìn thay đổi.


Vụ khủng bố này lại cũng có sự nhúng tay của nữ khủng bố Lê Thị Thu Nguyệt. Báo Việt Cộng viết: (Trích) “Cũng không ai nghĩ, người phụ nữ bé nhỏ, dịu dàng ngồi trước mặt tôi nói những chuyện đời thường về cơm ăn áo mặc, mối lo toan thường tình như bao phụ nữ khác là nữ biệt động Đội 159 đưa được mìn nổ chậm, một loại vũ khí do Quân giới Quân khu sản xuất từ Củ Chi vào sân bay Tân Sơn Nhất, gài được mìn hẹn giờ trên máy bay Boeing 707.


Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, Đội Biệt động 159 trước đó đã tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí số 8E, tức Mười Luân; đồng thời đưa Thu Nguyệt đóng vai người yêu của Mười Luân ra vào sân bay để điều nghiên mục tiêu. Ngày 25/3/1963, một gói thuốc nổ mạnh C4 cài đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang trong một chiếc túi du lịch, giống y hệt chiếc túi du lịch mà bọn cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác “túi du lịch” đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo túi du lịch của một tên Mỹ trong phòng đợi.


Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút. Nhưng chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được 2 phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Thoát chết trong gang tấc, bọn cố vấn Mỹ vô cùng kinh hoàng. Nếu như hôm ấy, chiếc đồng hồ hẹn giờ không bị trục trặc do máy bay lên độ cao 10.000 mét, áp suất không khí khiến nó chạy chậm lại, thì 80 cố vấn Mỹ xâm lược đã đền mạng. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về trận đánh này, trong đó có lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch. Quả mìn ấy tuy không nổ đúng giờ nhưng có sức “công phá” lớn trong dư luận, gây kinh hoàng cho quân đội Mỹ ngay phía bên kia bờ Thái Bình Dương: “Không chỉ Việt cộng đánh chúng ta trong thành phố, mà ngay cả bên Mỹ”.(Ngưng trích).


Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện VC kể này, xin để đọc giả tự thẩm định.


Ngày 3 tháng Tư 1963: Khủng bố VC tung hai quả lựu đạn vào một trường học ở Long Xuyên, giết chết một giáo viên và hai người lớn đang xem học sinh trình diễn ca nhạc hàng năm.


Ngày 4 tháng Tư 1963: VC ném lựu đạn vào khán giả đang xem chiếu bóng ở một làng quê quận Cao Lãnh tỉnh Định Tường, giết chết 4 người và làm bị thương 11 người khác.


Ngày 23 tháng Năm 1963: VC đánh bom bằng hai chiếc xe đạp có gài chất nổ trên đường phố Sài Gòn giết chết hai người và làm bị thương 10 người khác.


Ngày 12 tháng Chín 1963: Cô giáo Võ Thị Lộ 26 tuổi ở An Phước tỉnh Kiến Hòa sau 3 ngày bị VC bắt cóc, đã bị VC cắt cổ chết và vứt thây ở rìa làng.


Ngày 16 tháng Mười 1963: Hai chiếc xe đò ở Kiến Hòa và Quảng Tín bị trúng mìn VC khiến cho 18 hành khách tử vong và 23 người khác bị thương.


Ngày 9 tháng Mười Một 1963: Trong một ngày 3 vụ ném lựu đạn xảy ra tại 3 địa điểm khác nhau tại Sài Gòn làm bị thương 16 người.


Ngày 9 tháng Hai 1964: VC kích nổ bom tại một sân vận động thể thao nơi người Mỹ chơi banh làm cho 2 chết và 41 bị thương trong đó có 4 phụ nữ và 5 trẻ em. Một phần bom khác không nổ, nếu không, số người tử thương sẽ cao hơn nhiều.


Ngày 16 tháng Hai 1964: Khủng bố VC kích nổ bom tại rạp chiếu bóng Kinh Đô ờ Sài Gòn gây tử thương 3 người Mỹ và làm bị thương 32 người khác.


Ngày 14 tháng Bảy 1964: Phạm Thảo, chủ tịch ủy ban hành động Công giáo tỉnh Quảng Ngãi bị VC xử tử khi ông về thăm sinh quán làng Phổ Lợi Quảng Ngãi.


Tháng Mười 1964: Giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết từ đầu năm đến tháng Mười 1964 VC đã giết chết 429 viên chức địa phương của VNCH và bắt cóc 482 người khác.




Ngày 24 tháng 12, 1964: Một vụ nổ do khủng bố VC ở cư xá Brink trong đêm Giáng Sinh. Cư xá Brinks ở Sài Gòn là nơi trú ngụ của hơn 125 sĩ quan Mỹ và dân thường bị đánh bom do một đặc công Việt Cộng đóng giả làm sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Bom được đưa vào garage của cư xá và cho phát nổ làm sập 3 tầng của tòa nhà, giết 66 người trong đó có 2 sĩ quan Mỹ và làm hơn 100 người khác bị thương.


Ngày 6 tháng Hai 1965: Đài phát thanh VC cho biết VC đã đem hai tù binh người Mỹ ra bắn chết để trả thù cho 2 khủng bố VC vừa bị VNCH xử bắn.


Ngày 10 tháng Hai 1965: Khủng bố VC đặt bom phá nổ trại lính ở Qui Nhơn, giết chết 23 binh sĩ Mỹ.


Quang cảnh bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ cũ trên đại lộ Hàm Nghi trong vụ VC khủng bố ngày 30/3/1965.

Ngày 30 tháng Ba 1965: Một toán đặc công VC phối hợp đánh bom Tòa Đại Sứ Mỹ trên đại lộ Hàm Nghi gây thiệt mạng cho 22 người, trong đó có 19 người Việt, 2 nhân viên Mỹ và một người Phi Luật Tân, 83 người khác bị thương, trong đó có phó đại sứ Mỹ A.Johnson.


Lối đi vào nhà hàng nổi Mỹ Cảnh từ Bến Bạch Đằng sau khi VC giật quả mìn Claymore thứ nhì để giết hại thêm thực khách từ nhà hàng chạy lên sau vụ nổ trước.

Ngày 25 tháng Sáu, 1965: Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn bị đặt bom làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có 9 người Mỹ và làm hơn 50 thường dân bị thương.


Ngày 18 tháng Tám, 1965: Tổng Nha Cảnh sát bị đánh bom làm 6 người chết và 15 người bị thương.


Ngày 4 tháng Mười, 1965: Sân vận động Cộng Hòa bị đặt bom làm 11 người thiệt mạng, 42 thường dân khác bị thương.


Ngày 5 tháng Mười, 1965: Bom nổ trên một chiếc taxi trên đường phó chính ở Sài Gòn, có thể do bom phát nổ sớm hơn giờ ấn định, làm hai người chết và 10 bị thương.


Ngày 4 tháng 12, 1965: Bom khủng bố nổ trước một biu đing cư xá quân nhân ngoại quốc ở Saigon làm 137 người bị thương gồm 72 người Mỹ, 3 người Tân Tây Lan và 62 người Việt.


Ngày 12 tháng 12, 1965: Hai trung đội khủng bố VC giết 23 công nhân đào kinh trong một ngôi chùa Phật giáo ở Tân Hưng tỉnh Định Tường và 7 người bị thương.


Ngày 30 tháng 12, 1965: Ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận bị VC kê súng bắn vào đầu khi ông từ tòa soạn về nhà để ăn trưa vì trước đó ông đã cho đăng lên báo lời hăm dọa mà ông nhận được của cộng sản.


Ngày 7 tháng 1, 1966: Cộng sản gài và giật nổ một quả mìn Claymore tại cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, làm 2 người chết và 12 bị thương.


Ngày 17 tháng 1,1966: Cộng sản giật mìn xe đò trên công lộ tỉnh Kiến Tường làm chết 26 thường dân, trong đó có 7 trẻ em, và 8 người bị thương.


Ngày 29 tháng 1, 1966: VC giết chết cha xứ Phan Khắc Dậu 74 tuổi ở Thạnh Trị tỉnh Kiến Tường cùng với 5 giáo dân. Đám khủng bố xúc phạm và hủy hoại thánh kinh và tượng chúa cùng các vật dụng khác.


Ngày 2 tháng Hai, 1966: Một toán du kích VC phục kích bắn xả vào một chiếc xe Jeep chở nhân viên ty thông tin tỉnh Hậu Nghĩa, làm 6 chết và một bị thương.


Ngày 14 tháng Hai, 1966: VC gài nổ hai quả mìn dưới xe đò gần Tuy Hòa giết chết 48 nông dân và làm bị thương 7 người khác.


Ngày 18 tháng Ba, 1966: Thêm 15 hành khách xe đò chết và 4 bị thương vì trúng mìn VC 8km phía tây Tuy Hòa tỉnh Phú Yên.


Ngày 22 tháng Năm, 1966: Quân khủng bố VC đang đêm tấn công một khu nhà trú ngụ của nhân công đào kinh tỉnh An Giang, giết chết 18 đàn ông, 1 phụ nữ và 4 trẻ em.


Ngày 10 tháng Chín, 1966: Trong đêm trước ngày bầu cử Quốc Hội miền Nam, Việt Cộng tung ra 166 cuộc tấn công trên toàn quốc, phá hoại địa điểm đặt thùng phiếu, bắt cóc và ám sát.


Ngày 11tháng Chín, 1966: Trong ngày bầu cử, khủng bố VC giết chết 19 cử tri, làm bị thương 120 người, đốt phá phòng phiếu, đặt mìn vệ đường và ám sát.


Ngày 24 tháng Chín, 1966: Quân đội Hoa Kỳ giải cứu 11 tù nhân tại một trại giam của VC ở tỉnh Phú Yên. Có 70 tù nhân bị VC bỏ đói đến chết và 20 người khác chết vì tra tấn.


Ngày 11 tháng Mười, 1966: Theo sự chỉ dẫn của một thiếu niên 14 tuổi, lực lượng Đồng Minh tìm thấy một nhà tù VC ở tỉnh Bình Định với 12 tử thi tù nhân đã bị VC bắn và ném lựu đạn chết trước khi chúng tẩu thoát.


Ngày 22 tháng Mười, 1966: Một cán bộ nông thôn nửa đêm bị VC vào nhà bắn chết ở Bình Chánh tỉnh Gia Định.


Ngày 24 tháng Mười, 1966: Một chiếc xe đò chạy tuyến đường Huế – Quảng Trị trúng mìn VC tại Phong Điền khiến 15 hành khách bị thương.


Ngày 27 tháng Mười, 1966: VC tung lựu đạn vào nhà dân ở Ban Mê Thuột giết chết 2 người và làm bị thương 7 người gồm trẻ em và phụ nữ.


Ngày 28 tháng Mười, 1966: Cảnh sát kịp thời bắt giữ một nữ du kích VC định đặt bom dưới khán đài lễ hội ở Khánh Hưng tỉnh Ba Xuyên.


Ngày 1 tháng 11, 1966: VC pháo kích Sài Gòn trong Ngày Cách Mạng giết chết và làm bị thương 51 người.


Ngày 2 tháng 11, 1966: VC ném lựu đạn vào trường đua Phú Thọ Sài Gòn làm 2 người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày một toán khủng bố VC tấn công quận châu thành tỉnh Phong Dinh, đặt chất nổ gây hư hại cầu sắt Đầu Sấu.


Ngày 3 tháng 11, 1966: Khủng bố VC xâm nhập ngoại ô Sài Gòn và pháo kích 24 phát vào trung tâm thủ đô. Các nơi bị trúng đạn là Chợ Bến Thành, nhà thương Grall, nhà thờ Đức Bà và một số nhà dân cư; có 8 người chết và 37 người bị thương nặng.


Ngày 4 tháng 11, 1966: VC bắn súng cối vào một làng tỉnh Hậu Nghĩa, làm một người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày VC tấn công một làng ở Tây Ninh làm 6 người chết và một số bị thương.


Ngày 7 tháng 11, 1966: VC bắt cóc hai viên chức hành chánh trên tỉnh lộ 8 tỉnh Quảng Đức.


Ngày 16 tháng 11, 1966: Một chiếc xe đạp chứa chất nổ do khủng bố VC gài phát nổ trên đường Nguyễn Văn Thoại Sài Gòn khiến hai quân nhân và một thường dân bị thương.


Ngày 19 tháng 11, 1966: VC pháo kích tổng cộng 28 phát đạn súng cối ở Cần Giộc và Cần Đước tỉnh Long An gây cho 2 trẻ em chết và 17 người bị thương.


Ngày 20 tháng 11, 1966: Hai cảnh sát viên bị thương khi gỡ băng rôn VC có gài chất nổ.


Ngày 23 tháng 11, 1966: VC mặc quân phục giả dạng binh sĩ VNCH giết chết cảnh sát gác cầu ở Khánh Hưng tình Ba Xuyên và ném 2 quả lựu đạn làm 2 binh sĩ và 7 thường dân bị thương.


Ngày 26 tháng 11, 1966: VC gài mìn Claymore ở sân chơi trường tiểu học Trịnh Hoài Đức ở An Thạnh tỉnh Bình Dương cạnh một địa điểm huấn luyện của một đơn vị Đại Hàn. Mìn nổ giết chết 3 binh sĩ Đại Hàn và làm bị thương một học viên người Việt.


Ngày 30 tháng 11, 1966: VC pháo kích chợ Tân Uyên tỉnh Biên Hòa giết chết 3 thường dân và làm bị thương 7 người khác.


Ngày 4 tháng 12, 1966: Một đơn vị đặc công VC phá thủng chu vi phòng thủ 20,8 cây số xung quanh Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt và pháo kích khu vực trong 4 giờ. Lực lượng bảo vệ Mỹ và VNCH sau đó đã đẩy lui toán đặc công này, giết chết 18 người. Một máy bay trinh sát 101 của Mỹ bị thiệt hại nặng. Quân du kích quay lại trong đêm cùng ngày, nhưng lực lượng phòng thủ một lần nữa đã đẩy lui, giết thêm 11 đặc công Việt Cộng.


Ngày 7 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng dùng súng lục Đông Đức ám sát dân biểu Trần Văn Văn khi ông đang trên đường đi đến trụ sở Quốc Hội. Hai tên du kích bị bắt.


Ngày 10 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng ném lựu đạn vào sân chơi của ty Chiêu Hồi tỉnh Bình Dương làm cho 3 trẻ em bị thương nặng. Cùng ngày, một xe đò trúng mìn Việt Cộng ở Phong Dinh khiến 5 hành khách toàn phụ nữ thiệt mạng và làm tài xế bị thương nặng.


Ngày 27 tháng 12, 1966: Dân biểu bác sĩ Phan Quang Đán may mắn thoát chết khi xe ông phát nổ ở Gia Định. Bánh chất nổ gắn dưới lườn xe của ông kích nổ khi ông mở cửa xe bước ra. Bác sĩ Đán bị thương nhưng một phụ nữ đi đường tử thương và 5 người bộ hành khác bị thương.


Ngày 6 tháng 1, 1967: Một cảnh sát viên ở quận Tân Châu tỉnh Kiến Phong bị Việt Cộng hành quyết trước sự chứng kiến của gia đình.


Ngày 7 tháng 1, 1967: Việt Cộng đặt chất nổ phá sập một lớp học và một trạm y tế quận Hồng Ngự tỉnh Kiến Phong.


Ngày 8 tháng 1, 1967: Việt Cộng ném lựu đạn vào nhà một xã trưởng tỉnh An Xuyên làm một đứa con của ông ta chết và làm bị thương 3 thành viên khác trong gia đình.


Ngày 12 tháng 1, 1967: VC phục kích xe đò trên Quốc lộ 14 ở Tân Cảnh giết chết 3 thường dân và làm bị thương 3 quân nhân.


Ngày 21 tháng 1, 1967: VC đột nhập làng Buôn Hô tỉnh Darlac gom dân tuyên truyền và bắt đi 6 thanh thiếu niên.


Ngày 6 tháng 2, 1967: VC bố ráp Liêu Trì tỉnh Quảng Tín bắt cóc giáo viên và viên chức . Giáo viên bị giết sau đó. Cùng ngày VC ném lựu đạn một buổi tiếp tân của Phó Tỉnh trưởng Kontum, giết chết Trưởng Ty Giáo Dục và 2 viên chức khác cùng 8 người bị thương nặng.


Ngày 4 tháng 3, 1967: Biết tin một đơn vị VNCH hành quân giải cứu, toán canh tù VC trói 12 tù nhân VNCH xong bắn, đâm và cắt cổ. Chỉ có hai người được cứu sống.


Ngày 5 tháng 3, 1976: VC mở 2 vụ đột kích ban đêm giết hai cán bộ xây dựng nông thôn ở Vĩnh Phú tỉnh Phú Yên. Trong một vụ khác, thêm 7 người khác bị giết và 4 người bị thương.


Ngày 30 tháng 3, 1967: VC pháo kích trại gia binh tỉnh lỵ Bạc Liêu, phá hủy 200 căn nhà, giết chết 32 người.


Ngày 13 tháng 4, 1967: VC nhắm mục tiêu khủng bố ban đêm vào một đoàn văn nghệ trình diễn ở Lữ Sơn gần Đà Nẵng. Trưởng và phó đoàn đều bị giết, 2 đoàn viên bị thương.


Ngày 14 tháng 4, 1967: Du kích VC bắt cóc Nguyễn Văn Sơn, người ra ứng cử hội đồng làng thuộc quận Bình Chánh tỉnh Gia Định.


Ngày 16 tháng 4, 1967: VC ám sát một ứng cử viên hội đồng làng Cẩm Hà tỉnh Quảng Nam. Thân nhân trong gia đình cũng bị vạ lây gồm 1 em bé chết và 3 người lớn bị thương.


Ngày 18 tháng 4, 1967: VC tấn công vào ấp Suối Chồn thuộc tỉnh Long Khánh đông bắc Sài Gòn, giết chết 5 cán bộ xây dựng nông thôn, làm bị thương 3 người và bắt cóc 7 người. Trong số 5 người bị giết có 3 cô gái trẻ bị trói và bắn vào đầu. Một phần ba nhà cửa trong ấp bị VC đốt cháy rụi.


Ngày 26 tháng 4, 1967: Nguyễn Cầm, trưởng ấp Ba Đàn tỉnh Quảng Nam bị VC giết.


Ngày 10 tháng 5, 1967: Một chiếc xe đò cán trúng mìn VC ở tỉnh Phú Bổn làm một hành khách chết, tài xế và 5 hành khách khác bị thương.


Ngày 11 tháng 5, 1967: Bác sĩ Trần Văn Lữ Y, bộ trưởng Y Tế tường trình trước Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Geneva rằng trong 10 năm qua có hơn 200 nhân viên y tế bị VC giết hại. Con số chính xác là 211 người gồm bác sĩ và y tá đã bị VC giết hoặc bắt cóc; 174 bệnh xá, bệnh viện và nhà bảo sanh bị phá hủy, 40 xe cứu thương bị trúng mìn hoặc bị bắn bằng súng máy.


Ngày 16 tháng 5, 1967: VC mở hai vụ khủng bố ở hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Trị giết chết 8 cán bộ xây dựng nông thôn và làm 5 người bị thương.


Ngày 24 tháng 5, 1967: VC tung lựu đạn vào nhà trưởng ban thông tin Phú Thạnh tỉnh Biên Hòa giết chết ông cùng với hai đứa con lúc 3 giờ sáng.


Ngày 29 tháng 5, 1967: Đặc công người nhái VC từ dưới Sông Hương ở Huế làm nổ một khách sạn nơi các thành viên của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến thường trú ngụ. Không có thành viên nào của 3 nước hội viên là Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan bị nguy hại; Vụ tấn công của VC làm cho 5 thường dân người Việt tử thương và 15 bị thương. 80% khách sạn bị hư hại.


Ngày 2 tháng 6, 1967: Hai trung đội VC có trang bị súng máy giữa khuya tấn công Trung Tâm Chiêu Hồi tỉnh Long An làm 5 binh sĩ và 5 thường dân bị thương.


Ngày 27 tháng 6, 1967: Một xe đò đầy hành khách cán phải mìn VC ở đông nam Lai Khê tỉnh Bình Dương khiến 23 người trên xe đều chết.


Ngày 6 tháng 7, 1967: 7 trẻ em đi bộ trên đường lộ để đến chùa tại xã Cẩm Phổ tỉnh Quảng Nam nhằm lúc một xe hàng chạy ngang làm nổ một quả mìn chống tăng do VC gài khiến một em chết vầ em bị thương.


Ngày 13 tháng 7, 1967: Một nhà hàng ở Huế bị VC gài bom nổ làm chết 2 thực khách người Việt, làm bị thương 12 người Việt, 7 người Mỹ và 1 người Phi Luật Tân.


Ngày 14 tháng 7, 1967: VC giả dạng binh lính VNCH tấn công một trại tù tỉnh Quảng Nam, giải thoát cho 1,000 trên tổng số 1,200 tù nhân, xử tử 30 người tại sân trại. 10 thường dân bị giết và 29 thường dân khác bị thương khi VC mở đường rút lui.


Ngày 25 tháng 7, 1967: VC vào nhà dân ở Bình Triệu tỉnh Long An bắt đi 4 đàn ông, 1 phụ nữ và đứa con trai 16 tuổi của bà. Sáng hôm sau trên tỉnh lộ 13, người ta tìm thấy thi thể 6 người này với hai tay bị trói sau lưng và mỗi người có một vết đạn bắn vào đầu.


Ngày 5 tháng 8, 1967: Khủng bố VC bắt một bé gái học sinh cầm một quả lựu đạn đã rút chốt sẵn dặn em đưa cho thầy cô giáo của em. Em học sinh này đi đến trường em thuộc tỉnh An Xuyên đang có chương trình đặc biệt cổ động cho chiến dịch Rủ Nhau Đi Bầu Tháng Chín. Vừa tới cửa lớp học, em học sinh buông tay thả lựu đạn khiến cho em chết và làm 9 em học sinh ngồi trong lớp bị thương.


Ngày 24 tháng 8, 1967: VC ném bom vào nhà một cảnh sát viên ở Cần Thơ làm một người chết và 4 người bị thương.


Ngày 26 tháng 8, 1967: Xe đò chở hành khách cán trúng mìn trong tỉnh Kiến Hòa làm cho 22 người chết và 6 người bị thương.


Ngày 27 tháng 8, 1967: VC gia tăng các vụ khủng bố bằng pháo kích một tuần trước ngày bầu cử tổng thống và thượng nghị viên. 46 chết và 227 bị thương ở Cần Thơ. 10 chết và 10 bị thương trong tỉnh Phước Long. 9 thường dân và 5 trẻ em bị thương ở Ban Mê Thuột. 2 chết và 1 bị thương ở Bình Long. 6 người bị bắt cóc ở làng Phước Hưng tỉnh Thừa Thiên.


Ngày 29 tháng 8, 1967: VC xâm nhập 4 xã thuộc quận Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, giết chết 2 và bắt đi 6 người.


Ngày 1 tháng 9, 1967: VC phá quốc lộ 4 trong tỉnh Định Tường với 6 hố bom khiến mọi lưu thông tắt nghẽn ngoại trừ một xe cứu thương quân đội cán trúng mìn áp suất khiến 13 hành khách chết và 23 bị thương.


Ngày 3 tháng 9, 1967: Trong ngày bầu cử, vụ khủng bố VC đầu tiên xảy ra tại một địa điểm bỏ phiếu ở Tuy Hòa Phú Yên khiến 3 chết và 42 bị thương. Tính chung trong buổi sáng ngày bầu cử. có tổng cộng 48 cử tri bị VC sát hại.


Ngày 8 tháng 11, 1967: Trung tâm tị nạn Kỳ Chánh tỉnh Quảng Tín bị VC xâm nhập giết chết 4, làm bị thương 9 và bắt đi 9 người khác, lớp học bị đốt.


Ấp tân sinh Đắc Sơn bị VC dùng súng phun lửa hủy diệt, giết 114 dân làng và làm bị thương 47 người.



Ai khủng bố ở Việt Nam?

Phan Hạnh




Khủng bố là một từ ngữ mà con người định nghĩa mỗi người một cách tùy theo họ ở phe nào. Sau biến cố 9-11, đối với hầu hết thế giới, khủng bố gắn liền với những người hồi giáo cực đoan, đầu sỏ là Osama bin Laden, trùm khủng bố.


Thật ra theo từ điển Oxford, từ ngữ khủng bố chủ nghĩa đã được đặt ra từ năm 1798 ở Pháp để mô tả hệ thống đàn áp của chính phủ đối với dân chúng trong thời kỳ được mệnh danh là Sự Thống Trị của Khủng Bố trên đất Pháp (tiếng Pháp: la Terreur). Thời kỳ thống trị đó kéo dài từ 27 tháng 6 năm 1793 đến 27 tháng 7 năm 1794 là một thời kỳ bạo lực xảy ra trong một năm và một tháng sau khi sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Pháp, kích động bởi cuộc xung đột giữa đối thủ chính trị phe phái, những người Girondins và Jacobins, và đánh dấu bằng hành quyết hàng loạt các “kẻ thù của cách mạng.”


Con số ước tính rất khác nhau về số người đã thiệt mạng, với số lượng khác nhau, từ 16.000 đến 40.000 người, trong nhiều trường hợp, hồ sơ không được lưu giữ hoặc, nếu có thì hồ sơ này bị coi là có khả năng không chính xác. Các máy chém đã trở thành biểu tượng của một chuỗi các vụ hành quyết: Louis XVI, Marie Antoinette, những Girondins, Philippe Égalité (Louis Philippe II, Công tước của Orléans) và Madame Roland, cũng như nhiều người khác, chẳng hạn như nhà hoá học tiên phong Antoine Lavoisier, tất cả đều bị mất mạng dưới lưỡi dao máy chém.


Qua hàng bao thế kỷ, từ ngữ quân khủng bố đã được dùng để chỉ những người vũ trang tranh đấu cho niềm tin tôn giáo, chính trị , những người được gọi là chiến đấu cho tự do, giải phóng quân, những người nổi dậy, những người đối kháng chống lại sự áp bức của nhà cầm quyền. Nhưng cộng đồng quốc tế chưa có một định nghĩa luật định minh bạch nào cho từ ngữ quân khủng bố.


Nhưng đừng tưởng dân chúng dùng phương cách bạo động chống nhà nước mới gọi là khủng bố. Nhà nước đàn áp dân cũng bị coi là khủng bố như thường. Bị coi là một chính quyền khủng bố khi chính quyền đó thống trị đất nước dựa trên sự gieo rắc sợ hãi và kinh khiếp trong xã hội. Tính đặc trưng của nó là một chính sách đàn áp hình sự có hệ thống và quy mô lớn, thực hiện bởi các cơ quan công an mật vụ nhà nước.



Việt Nam ngày nay xứng hợp với định nghĩa này. Nhà cầm quyền CSVN có dùng hành động bạo lực đối với dân chúng hay không? Tuy Việt Nam ngày nay không do một bạo chúa cai trị nhưng do đảng cộng sản thì cũng vậy thôi. Người dân có thể vô cớ bị công an hăm dọa, hành hung, đánh đập, ép buộc nhận tội, tra tấn hay giết chết.


Thứ bảy, ngày 28 tháng tư năm 2012, người viết nhật ký mở lớn tuổi nhất trong nước là nhạc sĩ Tô Hải qua bài “Lực bất tòng tâm mất rồi các bạn của tôi ơi!” phải kêu lên: “Khủng bố! Khủng bố tinh thần, khủng bố bằng võ lực! Khủng bố các kiểu, cà-rốt –cây gậy chán rồi chăng nên lần này sau khi dán băng keo các cái miệng lắm điều về vụ Tiên Lãng thì nay đến vụ Xuân Quan -Văn Giang “lực lượng thù địch” đã công khai trải cả ngàn quân đủ loại để tấn công nhân dân ủi đất, cướp ruộng đồng của dân để biến một vùng trồng cây cảnh nổi tiếng trở thành cái tên Ê-Cô-Pắc đậm đà bản sắc… ngoại lai, sửa soạn chỗ ăn chơi cho mấy người dân không phải là người Việt!?”


Đảng CSVN và nhà cầm quyền Hà Nội chủ trương và đỡ đầu chủ nghĩa khủng bố để tiêu diệt các đảng phái không cùng đường lối như Đại Việt và VNQDĐ, đàn áp mọi đối kháng từ dân chúng ngay kể từ khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập ngày 02/09/1945. Trong bí mật, Hồ Chí Minh cho thi hành một chính sách khủng bố bằng bạo lực một cách dã man, áp dụng đúng theo sách lược của Lênin trong thời cách mạng vô sản ở Nga. Chính sách đó là “bắt cóc, ám sát, thủ tiêu, mổ bụng, cắt tiết, buộc đá thả trôi sông, xảy ra như cơm bữa từ thành thị đến thôn quê”. Các ban ám sát Việt Minh đêm ngày lùng sục bắt bớ thủ tiêu những cán bộ các đảng phái yêu nước theo chủ nghĩa Dân tộc, những người có chút tiếng tăm hay gia sản, chụp cho họ cái mủ “Việt Gian” để biện minh cho những vụ thảm sát vô nhân đạo ấy. CSVN không bao giờ ngưng chính sách khủng bố ấy trong suốt 70 năm qua. Hồ Chí Minh cũng chính là một trùm khủng bố chẳng khác gì Osama bin Laden.


Trong những năm tháng trong cuộc chiến kháng Pháp, các cuộc thanh trừng, khủng bố diễn ra từ Nam chí Bắc, không những chỉ đối với các phe phái đối lập, mà còn xảy ra đối với chính các đồng chí trong cùng nội bộ. Dưới thời VNCH, hoạt động khủng bố của VC càng tinh vi và tàn bạo hơn. Thế cho nên một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, ông Bill Laurie khi đem so sánh thời gian và tính chất giết người của khủng bố VC với bọn khủng bố Al-Qaeda, đã thốt lên rằng “Việt Cộng chính là sư tổ của bọn khủng bố” (mother of all terrorists).


Sư tổ khủng bố Việt Cộng Hồ Chí Minh học từ sư tổ khủng bố Nga Cộng Lenin, chủ trương là phải tra tấn, phải giết thật man rợ để những người ở cách đó cả trăm dặm cũng phải run sợ. Hồ Chí Minh, đảng viên đệ tam quốc tế cộng sản, đã học cái tàn bạo dã man của Nga, cái thâm hiểm và độc ác của Tàu để đem về áp đặt trên đầu dân tộc Việt Nam. Chính vì cái xấu (CSBV man rợ) chiếm đoạt và thay thế cho cái tốt (VNCH tự do dân chủ) đã làm cho hàng triệu người uất ức. Sau ngày 30-4-1975, khi Dương Thu Hương theo đoàn quân CSBV vào chiếm Saigon, bà đã khóc. Vì sao? Bà kể: “Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ… nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.”


Việt Nam ngày nay nằm trong danh sách những nước được gọi là quốc gia công an trị hay cảnh sát trị. Theo Bách Khoa Từ Điển Mở Wikipedia, thuật từ “police state” trong Anh ngữ được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó thực hiện các biện pháp kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân. Nhà nước cảnh sát thường thường bộc lộ các yếu tố của chủ nghĩa toàn trị và kiểm soát xã hội. Thông thường, có ít hoặc không có khác biệt giữa luật pháp và việc thực thi quyền lực chính trị của người cầm quyền trong một nhà nước cảnh sát. Các nuớc cộng sản, độc tài toàn trị, phát xít, thường dùng đến một lực lượng cảnh sát công an mật vụ lớn lao hoạt động vượt qua phạm vi hiến định để kềm chế, đàn áp, ngăn chận các quyền tự do báo chí, phát biểu hay truyền đạt quan điểm chính trị cũng như những quan điểm khác như tôn giáo, niềm tin và khác biệt chủng tộc.


Qua định nghĩa trên, rõ ràng Việt Nam ngày nay là một nước công an trị khủng bố người dân. Nghĩ cũng buồn cười khi nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội ngày nay bảo rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn không có nạn khủng bố. Càng buồn cười hơn khi họ bảo “Nếu có khủng bố thì đó chính là những người Việt lưu vong.” Nếu sách Kỷ Lục Thế Giới Guinness có đề mục kỷ lục nói láo và nói ngược, chắc chắn CSVN sẽ đứng đầu. Các sư tổ khủng bố VC hồi trước 1975 bây giờ đã tóm hết giang sơn vào một mối rồi và đang trị vì thiên hạ bằng hệ thống công an khổng lồ “hoành tráng” chuyên bóp cổ đá đít dân thì làm sao dân có thể khủng bố được chứ. Mới sáng hai bản nhạc yêu nước để hát mà nhạc sĩ Việt Khang bị ghép tội là “phản động chống phá nhà nước” và bị tống vô nhà giam Phan Đăng Lưu thì thử hỏi ai là khủng bố đây hở bà “người phát ngôn” Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga?


Công an CSVN nhiều khi còn giả dạng côn đồ hoặc đóng kịch làm thường dân bất bình để khủng bố nạn nhân bị nhắm mục tiêu như trường hợp đã xảy ra với cụ bà Lê Hiền Đức (sinh năm 1932), một giáo viên về hưu và là người tích cực đấu tranh bênh vực dân oan và chống tham nhũng, là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 (2007 Integrity Awards) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International). Bà Đức cho biết trong tháng Ba 2012, bà bị công an khủng bố bằng cách gọi điện thoại nặc danh rồi dùng lời lẽ thô tục chửi mắng và hăm dọa đến tính mạng của bà.


Sau vụ cưỡng chế đất ở diện rộng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm thứ Ba ngày 24/4 khiến hàng chục nông dân bị bắt giữ, ngày hôm sau Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012, trang mạng Đài BBC Luân Đôn đăng bài viết tựa đề Dùng vũ lực mạnh với dân Văn Giang tường thuật:


“Chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã huy động lực lượng hùng hậu gồm hàng ngàn cảnh sát cưỡng chế các nông dân kiên quyết bám trụ không giao đất để xây dựng khu đô thị thương mại-du lịch Ecopark. Một số hình ảnh video được đưa lên mạng sau đó cho thấy đã có hành động bạo lực mạnh tay của lực lượng cưỡng chế đối với những người nông dân phản kháng. Trong một video gần 10 cảnh sát và những người mặc thường phục đeo băng đỏ đã xông vào dùng dùi cui và tay chân đánh hội đồng một nông dân không vũ khí. Sau đó có nhiều tiếng ổn ào và có tiếng nổ.”


Một đám công an mặc sắc phục lẫn thường phục đang đánh một người dân ở Văn Giang ngày 24-4-2012.


Một đám công an khác đang nắm đầu đánh một phụ nữ ở Văn Giang ngày 24-4-2012.


Cụ bà Lê Hiền Đức có mặt và chứng kiến cuộc đàn áp kể lại: “Tôi nhìn thấy cảnh sát cơ động chi chít. Cảnh sát địa phương áo xanh lá mạ cũng đầy ra.Tôi đứng đấy, tôi gặp tất cả bà con. Bà con đang khóc ầm ĩ kêu gào. Nghe những tiếng khóc của các cụ già tám, chín mươi tuổi, thương lắm. Chỉ có súc vật mới không động lòng thôi. Tôi cảm tưởng như đang trong trận chiến đấu ác liệt cách đây nửa thế kỷ mà tôi đã từng phải chiến đấu …lửa cháy ngút trời. Các lực lượng đã dùng súng hơi cay đánh đập dân rất dã man. Đây rõ ràng là lực lượng ấy đang cưỡng chế dân. Tôi ngồi tôi khóc. Tôi ức quá mà tôi khóc vì tại sao tôi không bênh vực được những con người như thế. Tôi gọi đó (thanh niên bị đánh) là những thanh niên dũng cảm, dám đối mặt với lực lượng công an. Họ đàn áp vô cùng tệ hại. Bắn súng, đánh đập một cách rất dã man.”


Bà Đức kể tiếp: “Tôi nhục nhã đến mức là, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của tôi, tôi đã chiến đấu đủ mọi hình thức, mọi ngả đường nhưng bây giờ hoà bình rồi, mà tôi phải cải trang. Hôm qua, tôi phải mượn cái nón rách, cáo áo nâu, quần sắn móng lợn để trà trộn vào với nhân dân. Nếu không nó nhìn thấy mình, nó thay đổi thái độ ngay. Có như thế thì mới chứng kiến được hành động của họ đối với những người dân lành. Có những người ngày hôm qua là trắng tay rồi, không còn gì cả, thì cuộc sống ngày mai đây họ sẽ ra sao? Đây là dấu hỏi rất to, tôi mong công luận sẽ đánh dấu hỏi cho những người dân Văn Giang hôm qua.”


Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân nói ông tin rằng chính quyền địa phương đã có ‘vi phạm nghiêm trọng’ khi ‘sử dụng vũ lực trái pháp luật’ trong hành động đàn áp dân để cưỡng chế đất đai này. Qua các hình ảnh video mà ông xem được, ông Quân cho biết lực lượng công cả mặc đồng phục lẫn không mặc đồng phục và đeo băng đỏ ‘cùng nhau vây dân lại bắt dân và đánh dân’.


Luật sư Quân nói “Họ đánh rất nặng và dã man. Điều này hoàn toàn sai pháp luật vì pháp luật quy định quyền tự do thân thể rất rõ. Nếu tôi gặp một kẻ cắp thì việc ăn cắp có thể bắt giữ hoặc tri hô nhưng nếu đánh người ăn cắp đó thì tôi cũng phạm tội.” Ông nói những nông dân bị đánh đập hoàn toàn có thể kiện lực lượng cưỡng chế về tội ‘cố ý gây thương tích’.


Ông cũng không cho rằng người dân Văn Giang phản kháng chống đối người thi hành công vụ vì theo như ông thấy qua hình ảnh được quay lại thì có đến hàng chục cảnh sát mặc quân phục lẫn không mặc quân phục vây vào đánh chỉ một người. “Nói họ (nông dân Văn Giang) chống (người thi hành công vụ) là hoàn toàn sai vì họ chỉ có một (đối đầu với công an) và họ rất hiền lành.” Ông cho biết pháp luật không quy định số lượng người tham gia cưỡng chế nhưng trong vụ việc ở Văn Giang thì chính quyền ‘đã huy động lực lượng quá sức’.


Dẫn chứng trên cho thấy ngày nay cũng như trong thời chiến trước năm 1975 ở miền Nam, kẻ khủng bố chính là Việt Cộng chứ không ai khác.


Bài viết với tựa đề “Mỹ nghi từng thấy khủng bố ở VN” đăng trên trang nhà BBC Việt ngữ ngày thứ Sáu, 9 tháng Chín, 2011 có đoạn viết: “Trước nỗi quan tâm của Hoa Kỳ về sự hoạt động lén lút của các tiểu tổ khủng bố Hồi giáo, Hà Nội trấn an rằng hiểm họa “khủng bố Hồi giáo” ở Việt Nam rất thấp và hầu như không có, nhưng nguy cơ lớn là từ các tổ chức người Việt lưu vong.”
Tại buổi họp báo hôm 3/05 khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước cái chết của Bin Laden, bà Nga đã trả lời một cách chung chung: “Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức. Những kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình và cần phải bị nghiêm trị”.


Một mặt phản đối và lên án nạn khủng bố, một mặt nhà cầm quyền Hà Nội do đảng cộng sản lãnh đạo luôn triệt để áp dụng những biện pháp khủng bố như đàn áp, gán tội, đánh đập, bắt bớ, giam cầm nhằm tạo nên sự kinh hoàng sợ hãi trong dân chúng và triệt tiêu mọi đối kháng. Ở Việt Nam ngày nay, nói đến công an Việt Cộng là người dân đen ghê sợ những đòn phép khủng bố của họ.


Trong một cuộc gặp với quan chức của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Frank Jannuzi, ông Trần Kim Tuyến, Phó Cục trưởng Cục chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam chưa phát hiện các tổ chức khủng bố ở trong nước và chưa bị tấn công khủng bố. Ông ta nhấn mạnh: “Khủng bố ở đây là người Việt lưu vong. Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Tự do là hai tổ chức đã gửi tiền, người và vũ khí vào Việt Nam với mục tiêu gây bất ổn và lật đổ chế độ.”


Ông Tuyến nói “Các tổ chức này đã ủng hộ hay tiến hành các cuộc tấn công ở bên trong Việt Nam và đối với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể là ở Manila và Bangkok.” Ông cũng cho biết “hàng chục” thành viên của các tổ chức này đã bị bắt với thuốc nổ và “các thiết bị khủng bố khác”. Ông nói các nhóm “khủng bố” này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Việt Nam và ông “không hiểu tại sao họ lại được phép hoạt động ở Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay.”


À thì ra ông ta mắng vốn Hoa Kỳ với ngầm ý bảo rằng “Những người khủng bố là công dân của Hoa Kỳ xuất phát từ Hoa Kỳ, tại sao Hoa Kỳ lại làm ngơ cho họ vào Việt Nam vậy, phải đàn áp họ đi chứ, có cần chỉ dẫn cách thức đàn áp không thì chúng tôi cố vấn cho. Đàn áp là món nghề của chúng tôi mà.”


Đảng cộng sản Việt Nam vốn thoát thai từ một tổ chức khủng bố với nửa thể kỷ kinh nghiệm. Chính họ là loại khủng bố tàn độc nhất. Trước biến cố 30 tháng Tư 1975, họ đã tổ chức không biết bao nhiêu vụ khủng bố ở Miền Nam Việt Nam nhắm vào tất cả mọi mục tiêu quân cũng như dân, đồng bào hay người ngoại quốc.


Sau khi đã chiếm được Miền Nam, họ càng khủng bố mãnh liệt hơn để đàn áp mọi nhen nhúm đối kháng. Họ đàn áp đến mức độ ít còn ai dám hó hé gì nữa để được sống yên thân. Lực lượng an ninh Việt Cộng gồm cảnh sát công an và tai mắt đông như ruồi theo dõi nhất cử nhất động của người dân khắp nẻo đường đất nước. Có một câu chuyện vui cười như thế này cho thấy lý do tại sao nạn khủng bố khó xảy ra trong nước dưới sự cai trị của Việt Cộng:


Một điệp viên của một tổ chức chống Cộng ở hải ngoại bí mật về Việt Nam để đặt bom khủng bố. Đến thời hạn điệp viên trở về, thủ lãnh tổ chức hỏi:


- Công tác thi hành thế nào? Có thành công không? Sao tôi chẳng nghe tin tức trong nước nói có vụ nổ bom nào xảy ra cả.


- Báo cáo với thẩm quyền là tôi có làm đúng theo kế hoạch đặt bom. Chẳng may lực lượng công an mặc thường phục giả trang người đi thu nhặt ve chai hè phố đông quá. Tôi vừa đặt bom xong là cả bọn nhào đến, đứa tháo lấy giây điện, đứa lấy đinh sắt, đứa lấy chất nổ. May mà tôi chạy thoát.


Vẫn biết đó là chuyện đùa cho vui thôi nhưng nó cũng không khác xa sự thật lắm đâu.

Tính chất dã man của các vụ Việt Cộng khủng bố


Trong hồi ký “Deliver us from Evil”, y sĩ Hải Quân Hoa Kỳ Tom Dooley đã mô tả nhiều tội ác kinh hoàng của Cộng sản gây ra cho người dân đang cố gắng rời bỏ miền Bắc để vào Nam. Ông kể: “Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói gập ra sau lưng. Hai cán binh Cộng Sản đi đến từng đứa trẻ. Một nguời dùng hai tay kèm chặt lấy đầu đứa bé, nguời kia đặt chiếc đũa bằng tre đóng mạnh sâu vào hai lỗ tai, tiếng kêu la thất thanh vang dội cả làng, máu trào ra lênh láng… ”


(Ghi chú: Bác sĩ Dooley theo tàu chuyển vận người di cư đến Hải Phòng năm 1954. Ông được mời lên bờ để cứu giúp bệnh nhân, sau đó đã quyết định rời khỏi Hải quân và ở lại Việt Nam trong nhiều năm cuối thập niên 1950 để mang lại sự chăm sóc y tế cho dân làng ở những vùng xa xôi nơi mà người da trắng chưa hề đặt chân đến cho tới khi ông trở về Mỹ trước khi qua đời vì bệnh ung thư đầu năm 1961 ở tuổi 34.)


Uwe Siemon-Netto, ký giả nổi tiếng người Đức từng trải qua 5 năm phục vụ chiến trường VN, sau khi theo một đơn vị QLVNCH hành quân giải vây một ngôi làng tỉnh Định Tường bị Việt cộng bố ráp năm 1965, tường thuật: “Treo trên các cành cây sào trong sân làng là xác xã trưởng, nguời vợ và 12 đứa con vừa trai, vừa gái kể cả cháu bé. Tất cả nạn nhân phái nam đều bị cắt bộ phận sinh dục nhét vào mồm, còn phụ nữ thì bị cắt nhũ bộ. Dân làng kể họ bị VC bắt gom lại để chứng kiến cảnh tàn sát. Việt cộng bắt đầu giết em bé nhất rồi bằng một màn trình diễn, chậm rãi ra tay lần lượt giết các em lớn hơn, tới nguời mẹ và sau cùng là nguời cha, viên xã trưởng. Việt cộng đã giết cả nhà 14 nguời, giết một cách lạnh lùng như thể bấm cò súng đại liên bắn máy bay. Việc VC tàn sát thế này là việc bình thuờng hàng ngày… Vì với chúng tôi nó đã trở thành bình thường nên chúng tôi không tường thuật tới, tuờng thuật tới lui mãi. Chúng tôi chỉ tường thuật điều bất thường như vụ thảm sát ở Mỹ Lai mà thôi.”


(Ghi chú: Qua bài viết “A German Remembers Vietnam”, Uwe Siemon-Netto nói rằng VC thắng không phải vì chiếm được cảm tình của dân chúng mà vì những hình thức khủng bố tàn bạo vô nhân. Dân làng kể với ông là VC thường vào làng hăm dọa dân không được hợp tác với chính quyền, nếu không sẽ lãnh lấy hậu quả nghiêm khắc. Xã trưởng không nghe nên nửa đêm VC bắt dân làng thức dậy để chứng kiến tận mắt cảnh hành hình. Ông Netto nói rất tiếc là ông không còn nhớ tên làng, nhưng điều đó chẳng quan trọng vì những vụ VC khủng bố dân như vậy xảy ra rất thường hàng đêm ở miền Nam trong thời chiến tranh. Tiến sĩ Netto hiện là cư dân ở Laguna Woods, California, Hoa Kỳ và hay giao tiếp với bạn bè người Việt. Địa chỉ trang blog:




Trong quyển “The Soldiers’ Story”, phóng viên Hoa kỳ Ron Steinman ghi lại lời kể về kinh nghiệm chiến trường ở VN của 77 chiến binh Mỹ: “Tôi còn nhớ đã từng đi ngang qua các nghĩa địa nơi Bộ đội miền Bắc giết hàng nhóm nguời dân lành. Họ đào hầm, rãi vôi rồi bắn nguời dân quăng xuống… Những hầm (chôn tập thể) rất khó nhận ra… Vài cán binh Bắc Việt và Việt Cộng đã cắt rời những bộ phận sinh dục của nạn nhân rồi đánh dấu thi thể những nạn nhân đó.” (trang176, The Soldiers’ Story – Ron Steinman).


Vì Việt Cộng đã từng là vua khủng bố trong suốt hơn nửa thế kỷ nên họ có kinh nghiệm đầy mình để ngăn chận khủng bố. Theo dữ liệu của Bách khoa Tự điển mở Wikipedia, lịch sử Việt Nam chưa ghi nhận những vụ khủng bố có quy mô lớn, nhưng các âm mưu khủng bố rất nhiều. Trong Chiến tranh Việt Nam, tại miền Nam từng xảy ra nhiều vụ đặt bom nhằm mục đích phá hoại các cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Việt Cộng thực hiện.


Tại Việt Nam ngày nay, các điều khoản về khủng bố được quy định trong Bộ luật Hình sự ra đời sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 tại New York. Các hoạt động mang tính đối kháng bằng bạo lực với Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thường bị chính quyền Việt Cộng liệt vào dạng “khủng bố” và đều bị lực lượng an ninh Việt Nam phát hiện và ngăn chặn. Ngăn chận để dành độc quyền.


Như vậy rõ ràng là Việt Cộng vừa ăn cướp vừa la làng, vừa ra tay khủng bố cả nước vừa la làng lên là bị người Việt hải ngoại về nước khủng bố, thật đúng với bài bản của quan thầy Trung Cộng. Tàu Cộng giỏi nghề Sơn Đông mãi võ bán thuốc dán thường la làng. Tàu Cộng nói:


- “Tranh chấp liên tục trên Biển Đông chủ yếu bắt nguồn từ Việt Nam”,


- “Thách thức lớn nhất đối với sự nhấn mạnh về một giải pháp hòa bình của Trung Quốc cũng có thể do Việt Nam”,


- “Việt Nam ngày càng gây sự trong việc thu tóm các đảo làm của riêng mình, không đếm xỉa đến chính sách truyền thống của Trung Quốc”, v.v.


Sự thật ra sao chúng ta ai cũng biết là chính Trung Cộng ra sức ăn cướp trắng trợn đất biển của Việt Nam, cố tình gây căng thẳng nhằm biến khu vực không có tranh chấp và thuộc chủ quyền của Việt Nam thành vùng có tranh chấp để thực hiện kế hoạch “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.


Qua bài “Khủng Bố: Xưa và Nay”, tác giả Lê Minh ở Úc châu viết: “Nạn khủng bố của Việt Cộng đã có từ lâu, có từ thời ông Hồ Chí Minh mới đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Các vụ ám sát khủng bố do các đảng viên, cán bộ cộng sản thực hiện đã xảy ra từ những năm tháng trước thời điểm 1945. Từ sau thời điểm 8/1945 thì các vụ ám sát, khủng bố lại diễn ra với hình thức quy mô, rộng lớn hơn. Những đối thủ chính trị của các đảng phái khác khi bị ám sát thì được chụp cho cái mũ “Việt gian, phản động” hay “tay sai”. Đây là những thủ thuật được dùng để che mắt quần chúng và giúp kẻ nhận nhiệm vụ ám sát có thể ra tay dễ dàng, dã man và dứt khoát hơn. Những năm tháng trong cuộc chiến kháng Pháp, các cuộc thanh trừng, khủng bố vẫn diễn ra từ Nam chí Bắc, không những chỉ đối với các phe phái đối lập, mà còn xảy ra đối với chính các đồng chí trong cùng nội bộ.”


Những vụ khủng bố do VC gây ra trong thời chiến, kể ra thì có hàng ngàn đã được kiểm tra và đúc kết hồ sơ đầy đủ bởi các cơ quan chính phủ Mỹ; người viết xin liệt kê nơi phần liệt kê ở cuối bài.


Thông thường, kẻ giết người luôn tìm cách che đậy hành vi tội ác ghê tởm. Hành động lén lút ám sát giết người thường là do lệnh của tổ chức đảng phái chính trị, là một thứ công tác sứ mạng điệp vụ. Đàng sau sứ mạng đó, cho dù thành công thì vẫn là chết chóc đau thương cho một người hay nhiều người có khi vô tội và bị giết oan khuất. Đối với lương tâm con người, hành động đó là việc làm bắt buộc và đáng lý ra không có gì vinh quang để kiêu hãnh. Nhưng đối với những con người cộng sản khát máu, họ lại xem đó như một thứ hào quang đáng tự hào khoe khoang và hãnh diện.


Xe hơi chở giáo sư Nguyễn Văn Bông bị hư hại sau khi trúng bom chất nổ của khủng bố VC ngày 10 tháng 11 năm 1971. Tổ trinh sát vũ trang Ban An ninh T4 gồm có Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu ám sát giáo sư Bông, (Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, lãnh đạo của đảng Tân Đại Việt, người thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến) tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản bằng 4kg chất nổ C4 được liên kết với ba trái lựu đạn.


Vũ Quang Hùng, người đã đặt bom giết chết giáo sư Nguyễn Văn Bông, từng là phó Tổng biên tập báo Công an TP. HCM. Hùng khoe khoang thú nhận “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” ca ngợi chiến công hiển hách của 2 biệt động Sài Gòn là Hùng và Châu. Giáo sư Bông bị sát hại khi 42 tuổi, là một trí thức cấp tiến có khả năng trở thành thủ tướng của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc mất ông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, cố vấn cho Tối cao Pháp viện, ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cùng thiệt mạng với ông còn có 3 người khác là vệ sĩ là lái xe. Ông để lại người vợ góa 30 tuổi và 3 con nhỏ.


Một kẻ khủng bố Việt Cộng khác khoe thành tích là Trịnh Thị Thanh Mão. Bà Mão khoe là từng đã nhúng tay vào một vụ mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.


Bài viết “Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” trên báo trong nước tiết lộ rằng Tháng 9/1970, trong một lần đi kinh lý bên dòng sông Thạch Hãn, ông tổng thống VNCH suýt chết trước nòng súng của nữ du kích Trịnh Thị Thanh Mão. Hiện tại, cựu nữ du kích Mão đang cư ngụ ở làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.


Với cái gọi là “Ký ức hào hùng”, bà Mão kể lại năm 1964 khi 14 tuổi, “Lợi dụng sự sơ hở của địch ít chú ý tới trẻ con, tôi đã “chuyển vũ khí, thuốc men vào căn cứ cách mạng; hóa thân vào làm người bán hàng rong trà trộn vào lòng địch cài bom hẹn giờ nổ đánh xe, tiêu diệt địch”. Sau một loạt thành tích đặt bom, năm 18 tuổi tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Việc ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tôi thực hiện vào năm 1970 trong buổi khánh thành hệ thống “ấp chiến lược”, tôi bắn 2 viên đạn nhưng không viên nào nổ.“Tiếc thật nếu sau cái bóp cò đó súng nổ thì Thiệu đã tiêu rồi”.


Ảnh: Bác sĩ Lê Minh Trí, Bộ Trưởng Giáo Dục VNCH đẫm máu vì bị thương nặng (và sau đó chết) đang nằm trên mặt đường và vệ sĩ của ông cũng bị thương đang ngồi trên lề đường trước sự canh gác của một quân cảnh Mỹ. Tài xế của ông chết trong chiếc xe đang bốc cháy sau khi khủng bố VC tung lựu đạn vào xe trên đường phố Sài Gòn ngày 6 tháng 1, 1969.

Nếu việc khủng bố chỉ được đảng CS thi hành trong chiến tranh thì cũng chưa phải là điều đáng nói. Thực tế, sau 36 năm thống nhất đất nước, họ vẫn tiếp tục hành động khủng bố của mình bằng nhà tù, bằng còng số 8 thông qua điều 88 và 79 của bộ luật Hình sự. Phương tiện họ dùng khủng bố không phải là bom ba càng, mìn hẹn giờ mà dùng chính Hiến pháp, thông qua điều IV và lực lượng công an, an ninh dày đặc để đàn áp những người bất đồng chính kiến.


Hàng loạt các trí thức, nhân sĩ yêu nước bị bỏ tù vì đòi hỏi thực thi dân chủ nhân quyền đã bị cầm tù như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, LM Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Paulus Lê Sơn, Huỳnh Thục Vy, Việt Khang, v.v. Đó chính là sự tiếp tục chủ nghĩa khủng bố từ những năm xưa. Những trí thức trên và còn nhiều người khác nữa bị kết những bản án từ vài năm tới cả chục năm tù chỉ vì quan điểm của mình qua phỏng vấn hay các bài viết, bài nhạc. Vậy không là khủng bố thì sao?

Một số những vụ khủng bố của VC ở miền Nam VN
từ 1960 đến 1969 ghi nhận được:


Ngày 2 tháng Hai 1960: VC phá và đốt chùa Phật giáo ở làng Phước Thành tỉnh Tây Ninh, đâm chết thiếu niên 17 tuổi tên Phan Văn Ngọc do em này kháng cự.


Ngày 22 tháng Tư 1960: Khoảng 30 cán bộ võ trang VC ruồng bố làng Thới Long tỉnh An Xuyên định bắt Cao văn Nành 45 tuổi. Dân làng tụ lại phản đối. Việt Cộng nổ súng giết chết một thiếu niên 16 tuổi.


Ngày 23 tháng Tám 1960: Việt Cộng đang đêm bắt hai giáo viên Nguyễn Khoa Ngôn và Nguyễn Thị Thiệt đến trường Rau Ran tỉnh Phong Dinh để chứng kiến cảnh chúng xử tử hai người đàn ông tên Cảnh và Văn để răn đe và gây khiếp đảm.


Ngày 24 tháng Chín 1960: Một toán VC lục phá và đốt cháy tiêu trường An Lạc tỉnh An Giang.


Ngày 28 tháng Chín 1960: VC chận xe của Cha xứ Hoàng Ngọc Minh, giáo phận Kontum, dùng súng máy bắn ông chết, xong còn cắm cọc tre vào người ông. Tài xế Huỳnh Hữu, cháu cha Minh, bị thương nặng.


Ngày 30 tháng Chín 1960: Một toán VC bắt nông dân Trương văn Đáng 67 tuổi ra trước một phiên “tòa án nhân dân”, cáo buộc tội ông mua hai mẫu ruộng mà trái lệnh chúng không giao cho người khác. Ông bị VC bắn chết trên mảnh ruộng của ông sau phiên xử.


Ngày 6 tháng Mười Hai 1960: VC đặt chất nổ nhà bếp Sân Cù Sài Gòn làm chết một phụ bếp và làm bị thương hai đầu bếp.


Báo cáo tổng kết các vụ VC khủng bố năm 1960 của chính phủ VNCH nạp trình cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến gồm có 284 chiếc cầu bị phá hoại, 60 trạm y tế bị đốt. Và do hậu quả của những trường học bị VC phá hủy, việc học của 25,000 học sinh bị ảnh hưởng.


Ngày 22 tháng Ba 1961: 20 nữ sinh đi xe đò trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu sau khi tham dự Lễ Hai Bà Trưng bị VC giật mìn và xả súng bắn làm thiệt mạng hai nữ sinh và làm bị thương 10 em khác.


Ngày 15 tháng Ba 1961: 12 sơ nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đi xe đò từ Tây Ninh đi Sài Gòn bị VC phục kích chận lục soát hành lý. Sơ Theophile phản đối nên bị chúng bắn chết tại chỗ và sơ Phan thị Nở bị thương.


Ngày 26 tháng Bảy 1961: Hai dân biểu gốc người Thượng tên Rmah Pok and Yet Nic Bounrit bị VC phục kích bắn chết gần Đà Lạt cùng với một giáo viên cùng đi thăm viếng một làng định cư.


Ngày 20 tháng Chín 1961: Một lực lượng hàng ngàn VC tràn ngập thị xã Phước Vinh tỉnh Phước Thành, đốt phá mọi cơ sở hành chánh, chặt đầu hầu hết công chức trong thị xã, chiếm giữ trọn ngày trước khi rút lui.


Tháng Mười 1961: Nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ước đoán số lượng dân chúng VNCH bị VC giết mỗi tháng là một ngàn năm trăm người.


Ngày 13 tháng Mười Hai 1961: Cha Bonnet người Pháp thuộc giáo phận Kontum bị quân khủng bố VC ám sát trong lúc ông viếng thăm giáo dân ở Ngok Rongei.


Ngày 20 tháng Mười Hai 1961: kỹ sư S. Fuka người Nhật làm việc cho dự án đập thủy điện Đa Nhim bị VC chận đường bắt cóc. Số phận của ông ra sao không bao giờ được rõ.


Ngày 1 tháng Giêng 1962: VC chém chết ông Lê văn Thiều 63 tuổi, thủ lãnh lao công tại đòn điền cao su nơi ông làm việc.


Ngày 2 tháng Giêng 1962: VC giết chết hai nhân viên tên Pham văn Hải và Nguyễn văn Thạch trong đoàn diệt trừ sốt rét đang làm việc ở địa điểm cách khoảng 20km về phía nam Sài Gòn.


Ngày 20 tháng Hai 1962: VC ném 4 quả lựu đạn vào một đám dân làng đang xem hát ở Cần Thơ, giết chết 24 phụ nữ và trẻ con và làm cho 84 người khác bị thương.


Ngày 8 tháng Tư 1962: VC xử tử hai tù thương binh Hoa Kỳ gần làng An Châu Trung phần Việt Nam. Hai thương binh Mỹ này bị trói và bị bắn vào mặt vì họ không đi theo kịp toán VC đang rút lui.


Ngày 19 tháng Năm 1962: Khủng bố VC ném lựu đạn vào nhà hàng Aterbea ở Sài Gòn làm bị thương viên quản lý đoàn xiệc đến từ Bá Linh và tham vụ văn hóa Tòa Đại Sứ Tây Đức ở Sài Gòn.


Ngày 20 tháng Năm 1962: VC đánh bom trước khách sạn Hưng Đạo Sài Gòn, nơi cư ngụ của quân nhân Hoa Kỳ, làm bị thương 8 người Việt và 3 quân nhân Mỹ đang đứng bên ngoài khách sạn.


Ngày 12 tháng Sáu 1962: VC phục kích xe đò hành khách gần Lệ Tri tỉnh An Giang giết chết tất cả người trên xe gồm tài xế, người phụ lơ và hành khách.


Thi thể của hai thiếu niên trai và một người đàn ông nằm trên đường phố trong vụ VC tung lựu đạn trước Tòa Đô Chính Sài Gòn Ngày Quốc Khánh 26 tháng Mười năm 1962.

Ngày 20 tháng Mười 1962: Đội Biệt động 159 của Việt Cộng tung lựu đạn giết chết 7 người và làm bị thương 47 người đang đứng xem một cuộc triển lãm có trưng bày một phi cơ trực thăng cùng một số chiến lợi phẩm tịch thu được của địch quân trước Tòa Đô Chính Sài Gòn và một đoạn dài của đại lộ Nguyễn Huệ.


Theo lời thuật có tính cách tuyên truyền khoác lác của báo chí VC, nữ du kích nội thành Lê Thị Thu Nguyệt giả dạng nữ sinh đảm nhận công tác mang thuốc nổ vào Sài Gòn. Trong bộ quần áo dài trắng giả trang một nữ sinh từ quê lên Sài Gòn học, Nguyệt mang theo hai chậu kiểng được ngụy trang dưới lớp đất là những quả lựu đạn. Bài báo kể Nguyệt bị chận xét nơi trạm kiểm soát như sau.


(Trích: “Tim chị cơ hồ nhảy ra khỏi lồng ngực khi tên lính xét giấy tờ đòi đập vỡ hai chậu kiểng xem có chất nổ không. Quá bất ngờ, Thu Nguyệt òa khóc, nói rằng ông bà ngoại sẽ đánh chết cô nếu đem hai chậu kiểng về nhà không còn nguyên vẹn. Vẻ đẹp tinh khiết và nước mắt cô nữ sinh làm mềm lòng tên lính. Hắn ta khoát tay ra hiệu đồng bọn bỏ đi. 8 giờ sáng ngày 26/10/1962, Nguyệt chọn bộ quần áo dài đẹp nhất cùng Tùng, Quang giả làm thường dân đi xem triển lãm. Trong chiếc khăn mùi soa của Thu Nguyệt là quả lựu đạn. Tới nơi, thấy địch để bên cạnh chiếc trực thăng Mỹ là súng, mìn “chiến lợi phẩm”, Quang định ném trái lựu đạn vào đống mìn nhưng Thu Nguyệt ngăn lại. Chị giải thích hành động của mình lúc ấy: “Chỗ đó quá đông người, tôi sợ mìn nổ làm chết dân. Nơi chiếc trực thăng đậu vắng người hơn. Tôi bí mật chuyển “chiếc khăn mùi soa” qua cho Quang. Anh hiểu ý nhanh tay ném vào mục tiêu này”. Một tiếng nổ vang lên, chiếc máy bay sụm xuống, bốc cháy mù mịt. Mọi người hỗn loạn tranh nhau thoát ra khỏi khu vực triển lãm. Lợi dụng thời cơ đó, các chiến sĩ biệt động hòa vào đám đông, thoát ra ngoài an toàn. Sáng hôm sau đọc báo, chị biết được kết quả trận đánh. Vậy là với chiếc khăn mùi soa trắng mỏng manh trong bàn tay bé nhỏ của Thu Nguyệt, quả lựu đạn đã phá hỏng 1 trực thăng HU1A, làm chết 3 tên, 2 tên bị thương và chiến công lớn hơn của trận đánh là đã phá vỡ được cuộc triển lãm của địch dự định kéo dài trong bảy ngày, làm thất bại âm mưu chính trị của ngụy quyền Sài Gòn.” Ngưng trích).


Bạn đọc ắt thấy bài báo trên đây kém trung thực. Hình ảnh tài liệu cho thấy rõ ràng là các nạn nhân của vụ khủng bố này cũng chỉ là thường dân, trong đó có trẻ em.


Ngày 4 tháng Mười Một 1962: VC ném lựu đạn trong một đường hẽm tại Cần Thơ, giết chết một quân nhân Hoa Kỳ và 2 trẻ em Việt Nam và làm một em khác bị thương nặng.


Ngày 25 tháng Giêng 1963: VC đặt chất nổ xe lửa chở gạo gần Qui Nhơn, giết chết 8 hành khách và làm bị thương 15 người khác.


Ngày 4 tháng Ba 1963: VC chận xe trên đường Sài Gòn Đà Lạt, bắn chết 2 nhà truyền giáo Tin Lành là Elwood Forreston, người Mỹ, và Gaspart Makil, người Phi Luật Tân. Hai đứa con song sinh của Makil bị bắn và bị thương.


Ngày 16 tháng Ba 1963: VC ném lựu đạn vào một ngôi nhà của một gia đình người Mỹ đang tiếp khách ăn tối ở Sài Gòn, giết chết một thương gia người Pháp và làm bị thương 4 người khác.


Ngày 25 tháng Ba 1963: Cơ sở nội tuyến của Đội biệt động 159 (do Mười Luân, bí số 8E, và Lê Thị Thu Nguyệt, đóng vai người yêu của Mười Luân) đã gắn một quả mìn hẹn giờ vào chiếc máy bay Boeing 707 cho chuyến bay từ Sài Gòn đi Mỹ. Chiếc máy bay vừa đáp xuống phi trường Honolulu thì mìn phát nổ nhưng không làm ai bị thương vong vì tất cả hành khách đã di chuyển vào nhà ga sân bay. Nguyên nhân mìn phát nổ chậm là do áp suất trên cao làm đồng hồ hẹn giờ của quả mìn thay đổi.


Vụ khủng bố này lại cũng có sự nhúng tay của nữ khủng bố Lê Thị Thu Nguyệt. Báo Việt Cộng viết: (Trích) “Cũng không ai nghĩ, người phụ nữ bé nhỏ, dịu dàng ngồi trước mặt tôi nói những chuyện đời thường về cơm ăn áo mặc, mối lo toan thường tình như bao phụ nữ khác là nữ biệt động Đội 159 đưa được mìn nổ chậm, một loại vũ khí do Quân giới Quân khu sản xuất từ Củ Chi vào sân bay Tân Sơn Nhất, gài được mìn hẹn giờ trên máy bay Boeing 707.


Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, Đội Biệt động 159 trước đó đã tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí số 8E, tức Mười Luân; đồng thời đưa Thu Nguyệt đóng vai người yêu của Mười Luân ra vào sân bay để điều nghiên mục tiêu. Ngày 25/3/1963, một gói thuốc nổ mạnh C4 cài đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang trong một chiếc túi du lịch, giống y hệt chiếc túi du lịch mà bọn cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác “túi du lịch” đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo túi du lịch của một tên Mỹ trong phòng đợi.


Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút. Nhưng chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được 2 phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Thoát chết trong gang tấc, bọn cố vấn Mỹ vô cùng kinh hoàng. Nếu như hôm ấy, chiếc đồng hồ hẹn giờ không bị trục trặc do máy bay lên độ cao 10.000 mét, áp suất không khí khiến nó chạy chậm lại, thì 80 cố vấn Mỹ xâm lược đã đền mạng. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về trận đánh này, trong đó có lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch. Quả mìn ấy tuy không nổ đúng giờ nhưng có sức “công phá” lớn trong dư luận, gây kinh hoàng cho quân đội Mỹ ngay phía bên kia bờ Thái Bình Dương: “Không chỉ Việt cộng đánh chúng ta trong thành phố, mà ngay cả bên Mỹ”.(Ngưng trích).


Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện VC kể này, xin để đọc giả tự thẩm định.


Ngày 3 tháng Tư 1963: Khủng bố VC tung hai quả lựu đạn vào một trường học ở Long Xuyên, giết chết một giáo viên và hai người lớn đang xem học sinh trình diễn ca nhạc hàng năm.


Ngày 4 tháng Tư 1963: VC ném lựu đạn vào khán giả đang xem chiếu bóng ở một làng quê quận Cao Lãnh tỉnh Định Tường, giết chết 4 người và làm bị thương 11 người khác.


Ngày 23 tháng Năm 1963: VC đánh bom bằng hai chiếc xe đạp có gài chất nổ trên đường phố Sài Gòn giết chết hai người và làm bị thương 10 người khác.


Ngày 12 tháng Chín 1963: Cô giáo Võ Thị Lộ 26 tuổi ở An Phước tỉnh Kiến Hòa sau 3 ngày bị VC bắt cóc, đã bị VC cắt cổ chết và vứt thây ở rìa làng.


Ngày 16 tháng Mười 1963: Hai chiếc xe đò ở Kiến Hòa và Quảng Tín bị trúng mìn VC khiến cho 18 hành khách tử vong và 23 người khác bị thương.


Ngày 9 tháng Mười Một 1963: Trong một ngày 3 vụ ném lựu đạn xảy ra tại 3 địa điểm khác nhau tại Sài Gòn làm bị thương 16 người.


Ngày 9 tháng Hai 1964: VC kích nổ bom tại một sân vận động thể thao nơi người Mỹ chơi banh làm cho 2 chết và 41 bị thương trong đó có 4 phụ nữ và 5 trẻ em. Một phần bom khác không nổ, nếu không, số người tử thương sẽ cao hơn nhiều.


Ngày 16 tháng Hai 1964: Khủng bố VC kích nổ bom tại rạp chiếu bóng Kinh Đô ờ Sài Gòn gây tử thương 3 người Mỹ và làm bị thương 32 người khác.


Ngày 14 tháng Bảy 1964: Phạm Thảo, chủ tịch ủy ban hành động Công giáo tỉnh Quảng Ngãi bị VC xử tử khi ông về thăm sinh quán làng Phổ Lợi Quảng Ngãi.


Tháng Mười 1964: Giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết từ đầu năm đến tháng Mười 1964 VC đã giết chết 429 viên chức địa phương của VNCH và bắt cóc 482 người khác.




Ngày 24 tháng 12, 1964: Một vụ nổ do khủng bố VC ở cư xá Brink trong đêm Giáng Sinh. Cư xá Brinks ở Sài Gòn là nơi trú ngụ của hơn 125 sĩ quan Mỹ và dân thường bị đánh bom do một đặc công Việt Cộng đóng giả làm sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Bom được đưa vào garage của cư xá và cho phát nổ làm sập 3 tầng của tòa nhà, giết 66 người trong đó có 2 sĩ quan Mỹ và làm hơn 100 người khác bị thương.


Ngày 6 tháng Hai 1965: Đài phát thanh VC cho biết VC đã đem hai tù binh người Mỹ ra bắn chết để trả thù cho 2 khủng bố VC vừa bị VNCH xử bắn.


Ngày 10 tháng Hai 1965: Khủng bố VC đặt bom phá nổ trại lính ở Qui Nhơn, giết chết 23 binh sĩ Mỹ.


Quang cảnh bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ cũ trên đại lộ Hàm Nghi trong vụ VC khủng bố ngày 30/3/1965.

Ngày 30 tháng Ba 1965: Một toán đặc công VC phối hợp đánh bom Tòa Đại Sứ Mỹ trên đại lộ Hàm Nghi gây thiệt mạng cho 22 người, trong đó có 19 người Việt, 2 nhân viên Mỹ và một người Phi Luật Tân, 83 người khác bị thương, trong đó có phó đại sứ Mỹ A.Johnson.


Lối đi vào nhà hàng nổi Mỹ Cảnh từ Bến Bạch Đằng sau khi VC giật quả mìn Claymore thứ nhì để giết hại thêm thực khách từ nhà hàng chạy lên sau vụ nổ trước.

Ngày 25 tháng Sáu, 1965: Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn bị đặt bom làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có 9 người Mỹ và làm hơn 50 thường dân bị thương.


Ngày 18 tháng Tám, 1965: Tổng Nha Cảnh sát bị đánh bom làm 6 người chết và 15 người bị thương.


Ngày 4 tháng Mười, 1965: Sân vận động Cộng Hòa bị đặt bom làm 11 người thiệt mạng, 42 thường dân khác bị thương.


Ngày 5 tháng Mười, 1965: Bom nổ trên một chiếc taxi trên đường phó chính ở Sài Gòn, có thể do bom phát nổ sớm hơn giờ ấn định, làm hai người chết và 10 bị thương.


Ngày 4 tháng 12, 1965: Bom khủng bố nổ trước một biu đing cư xá quân nhân ngoại quốc ở Saigon làm 137 người bị thương gồm 72 người Mỹ, 3 người Tân Tây Lan và 62 người Việt.


Ngày 12 tháng 12, 1965: Hai trung đội khủng bố VC giết 23 công nhân đào kinh trong một ngôi chùa Phật giáo ở Tân Hưng tỉnh Định Tường và 7 người bị thương.


Ngày 30 tháng 12, 1965: Ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận bị VC kê súng bắn vào đầu khi ông từ tòa soạn về nhà để ăn trưa vì trước đó ông đã cho đăng lên báo lời hăm dọa mà ông nhận được của cộng sản.


Ngày 7 tháng 1, 1966: Cộng sản gài và giật nổ một quả mìn Claymore tại cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, làm 2 người chết và 12 bị thương.


Ngày 17 tháng 1,1966: Cộng sản giật mìn xe đò trên công lộ tỉnh Kiến Tường làm chết 26 thường dân, trong đó có 7 trẻ em, và 8 người bị thương.


Ngày 29 tháng 1, 1966: VC giết chết cha xứ Phan Khắc Dậu 74 tuổi ở Thạnh Trị tỉnh Kiến Tường cùng với 5 giáo dân. Đám khủng bố xúc phạm và hủy hoại thánh kinh và tượng chúa cùng các vật dụng khác.


Ngày 2 tháng Hai, 1966: Một toán du kích VC phục kích bắn xả vào một chiếc xe Jeep chở nhân viên ty thông tin tỉnh Hậu Nghĩa, làm 6 chết và một bị thương.


Ngày 14 tháng Hai, 1966: VC gài nổ hai quả mìn dưới xe đò gần Tuy Hòa giết chết 48 nông dân và làm bị thương 7 người khác.


Ngày 18 tháng Ba, 1966: Thêm 15 hành khách xe đò chết và 4 bị thương vì trúng mìn VC 8km phía tây Tuy Hòa tỉnh Phú Yên.


Ngày 22 tháng Năm, 1966: Quân khủng bố VC đang đêm tấn công một khu nhà trú ngụ của nhân công đào kinh tỉnh An Giang, giết chết 18 đàn ông, 1 phụ nữ và 4 trẻ em.


Ngày 10 tháng Chín, 1966: Trong đêm trước ngày bầu cử Quốc Hội miền Nam, Việt Cộng tung ra 166 cuộc tấn công trên toàn quốc, phá hoại địa điểm đặt thùng phiếu, bắt cóc và ám sát.


Ngày 11tháng Chín, 1966: Trong ngày bầu cử, khủng bố VC giết chết 19 cử tri, làm bị thương 120 người, đốt phá phòng phiếu, đặt mìn vệ đường và ám sát.


Ngày 24 tháng Chín, 1966: Quân đội Hoa Kỳ giải cứu 11 tù nhân tại một trại giam của VC ở tỉnh Phú Yên. Có 70 tù nhân bị VC bỏ đói đến chết và 20 người khác chết vì tra tấn.


Ngày 11 tháng Mười, 1966: Theo sự chỉ dẫn của một thiếu niên 14 tuổi, lực lượng Đồng Minh tìm thấy một nhà tù VC ở tỉnh Bình Định với 12 tử thi tù nhân đã bị VC bắn và ném lựu đạn chết trước khi chúng tẩu thoát.


Ngày 22 tháng Mười, 1966: Một cán bộ nông thôn nửa đêm bị VC vào nhà bắn chết ở Bình Chánh tỉnh Gia Định.


Ngày 24 tháng Mười, 1966: Một chiếc xe đò chạy tuyến đường Huế – Quảng Trị trúng mìn VC tại Phong Điền khiến 15 hành khách bị thương.


Ngày 27 tháng Mười, 1966: VC tung lựu đạn vào nhà dân ở Ban Mê Thuột giết chết 2 người và làm bị thương 7 người gồm trẻ em và phụ nữ.


Ngày 28 tháng Mười, 1966: Cảnh sát kịp thời bắt giữ một nữ du kích VC định đặt bom dưới khán đài lễ hội ở Khánh Hưng tỉnh Ba Xuyên.


Ngày 1 tháng 11, 1966: VC pháo kích Sài Gòn trong Ngày Cách Mạng giết chết và làm bị thương 51 người.


Ngày 2 tháng 11, 1966: VC ném lựu đạn vào trường đua Phú Thọ Sài Gòn làm 2 người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày một toán khủng bố VC tấn công quận châu thành tỉnh Phong Dinh, đặt chất nổ gây hư hại cầu sắt Đầu Sấu.


Ngày 3 tháng 11, 1966: Khủng bố VC xâm nhập ngoại ô Sài Gòn và pháo kích 24 phát vào trung tâm thủ đô. Các nơi bị trúng đạn là Chợ Bến Thành, nhà thương Grall, nhà thờ Đức Bà và một số nhà dân cư; có 8 người chết và 37 người bị thương nặng.


Ngày 4 tháng 11, 1966: VC bắn súng cối vào một làng tỉnh Hậu Nghĩa, làm một người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày VC tấn công một làng ở Tây Ninh làm 6 người chết và một số bị thương.


Ngày 7 tháng 11, 1966: VC bắt cóc hai viên chức hành chánh trên tỉnh lộ 8 tỉnh Quảng Đức.


Ngày 16 tháng 11, 1966: Một chiếc xe đạp chứa chất nổ do khủng bố VC gài phát nổ trên đường Nguyễn Văn Thoại Sài Gòn khiến hai quân nhân và một thường dân bị thương.


Ngày 19 tháng 11, 1966: VC pháo kích tổng cộng 28 phát đạn súng cối ở Cần Giộc và Cần Đước tỉnh Long An gây cho 2 trẻ em chết và 17 người bị thương.


Ngày 20 tháng 11, 1966: Hai cảnh sát viên bị thương khi gỡ băng rôn VC có gài chất nổ.


Ngày 23 tháng 11, 1966: VC mặc quân phục giả dạng binh sĩ VNCH giết chết cảnh sát gác cầu ở Khánh Hưng tình Ba Xuyên và ném 2 quả lựu đạn làm 2 binh sĩ và 7 thường dân bị thương.


Ngày 26 tháng 11, 1966: VC gài mìn Claymore ở sân chơi trường tiểu học Trịnh Hoài Đức ở An Thạnh tỉnh Bình Dương cạnh một địa điểm huấn luyện của một đơn vị Đại Hàn. Mìn nổ giết chết 3 binh sĩ Đại Hàn và làm bị thương một học viên người Việt.


Ngày 30 tháng 11, 1966: VC pháo kích chợ Tân Uyên tỉnh Biên Hòa giết chết 3 thường dân và làm bị thương 7 người khác.


Ngày 4 tháng 12, 1966: Một đơn vị đặc công VC phá thủng chu vi phòng thủ 20,8 cây số xung quanh Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt và pháo kích khu vực trong 4 giờ. Lực lượng bảo vệ Mỹ và VNCH sau đó đã đẩy lui toán đặc công này, giết chết 18 người. Một máy bay trinh sát 101 của Mỹ bị thiệt hại nặng. Quân du kích quay lại trong đêm cùng ngày, nhưng lực lượng phòng thủ một lần nữa đã đẩy lui, giết thêm 11 đặc công Việt Cộng.


Ngày 7 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng dùng súng lục Đông Đức ám sát dân biểu Trần Văn Văn khi ông đang trên đường đi đến trụ sở Quốc Hội. Hai tên du kích bị bắt.


Ngày 10 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng ném lựu đạn vào sân chơi của ty Chiêu Hồi tỉnh Bình Dương làm cho 3 trẻ em bị thương nặng. Cùng ngày, một xe đò trúng mìn Việt Cộng ở Phong Dinh khiến 5 hành khách toàn phụ nữ thiệt mạng và làm tài xế bị thương nặng.


Ngày 27 tháng 12, 1966: Dân biểu bác sĩ Phan Quang Đán may mắn thoát chết khi xe ông phát nổ ở Gia Định. Bánh chất nổ gắn dưới lườn xe của ông kích nổ khi ông mở cửa xe bước ra. Bác sĩ Đán bị thương nhưng một phụ nữ đi đường tử thương và 5 người bộ hành khác bị thương.


Ngày 6 tháng 1, 1967: Một cảnh sát viên ở quận Tân Châu tỉnh Kiến Phong bị Việt Cộng hành quyết trước sự chứng kiến của gia đình.


Ngày 7 tháng 1, 1967: Việt Cộng đặt chất nổ phá sập một lớp học và một trạm y tế quận Hồng Ngự tỉnh Kiến Phong.


Ngày 8 tháng 1, 1967: Việt Cộng ném lựu đạn vào nhà một xã trưởng tỉnh An Xuyên làm một đứa con của ông ta chết và làm bị thương 3 thành viên khác trong gia đình.


Ngày 12 tháng 1, 1967: VC phục kích xe đò trên Quốc lộ 14 ở Tân Cảnh giết chết 3 thường dân và làm bị thương 3 quân nhân.


Ngày 21 tháng 1, 1967: VC đột nhập làng Buôn Hô tỉnh Darlac gom dân tuyên truyền và bắt đi 6 thanh thiếu niên.


Ngày 6 tháng 2, 1967: VC bố ráp Liêu Trì tỉnh Quảng Tín bắt cóc giáo viên và viên chức . Giáo viên bị giết sau đó. Cùng ngày VC ném lựu đạn một buổi tiếp tân của Phó Tỉnh trưởng Kontum, giết chết Trưởng Ty Giáo Dục và 2 viên chức khác cùng 8 người bị thương nặng.


Ngày 4 tháng 3, 1967: Biết tin một đơn vị VNCH hành quân giải cứu, toán canh tù VC trói 12 tù nhân VNCH xong bắn, đâm và cắt cổ. Chỉ có hai người được cứu sống.


Ngày 5 tháng 3, 1976: VC mở 2 vụ đột kích ban đêm giết hai cán bộ xây dựng nông thôn ở Vĩnh Phú tỉnh Phú Yên. Trong một vụ khác, thêm 7 người khác bị giết và 4 người bị thương.


Ngày 30 tháng 3, 1967: VC pháo kích trại gia binh tỉnh lỵ Bạc Liêu, phá hủy 200 căn nhà, giết chết 32 người.


Ngày 13 tháng 4, 1967: VC nhắm mục tiêu khủng bố ban đêm vào một đoàn văn nghệ trình diễn ở Lữ Sơn gần Đà Nẵng. Trưởng và phó đoàn đều bị giết, 2 đoàn viên bị thương.


Ngày 14 tháng 4, 1967: Du kích VC bắt cóc Nguyễn Văn Sơn, người ra ứng cử hội đồng làng thuộc quận Bình Chánh tỉnh Gia Định.


Ngày 16 tháng 4, 1967: VC ám sát một ứng cử viên hội đồng làng Cẩm Hà tỉnh Quảng Nam. Thân nhân trong gia đình cũng bị vạ lây gồm 1 em bé chết và 3 người lớn bị thương.


Ngày 18 tháng 4, 1967: VC tấn công vào ấp Suối Chồn thuộc tỉnh Long Khánh đông bắc Sài Gòn, giết chết 5 cán bộ xây dựng nông thôn, làm bị thương 3 người và bắt cóc 7 người. Trong số 5 người bị giết có 3 cô gái trẻ bị trói và bắn vào đầu. Một phần ba nhà cửa trong ấp bị VC đốt cháy rụi.


Ngày 26 tháng 4, 1967: Nguyễn Cầm, trưởng ấp Ba Đàn tỉnh Quảng Nam bị VC giết.


Ngày 10 tháng 5, 1967: Một chiếc xe đò cán trúng mìn VC ở tỉnh Phú Bổn làm một hành khách chết, tài xế và 5 hành khách khác bị thương.


Ngày 11 tháng 5, 1967: Bác sĩ Trần Văn Lữ Y, bộ trưởng Y Tế tường trình trước Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Geneva rằng trong 10 năm qua có hơn 200 nhân viên y tế bị VC giết hại. Con số chính xác là 211 người gồm bác sĩ và y tá đã bị VC giết hoặc bắt cóc; 174 bệnh xá, bệnh viện và nhà bảo sanh bị phá hủy, 40 xe cứu thương bị trúng mìn hoặc bị bắn bằng súng máy.


Ngày 16 tháng 5, 1967: VC mở hai vụ khủng bố ở hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Trị giết chết 8 cán bộ xây dựng nông thôn và làm 5 người bị thương.


Ngày 24 tháng 5, 1967: VC tung lựu đạn vào nhà trưởng ban thông tin Phú Thạnh tỉnh Biên Hòa giết chết ông cùng với hai đứa con lúc 3 giờ sáng.


Ngày 29 tháng 5, 1967: Đặc công người nhái VC từ dưới Sông Hương ở Huế làm nổ một khách sạn nơi các thành viên của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến thường trú ngụ. Không có thành viên nào của 3 nước hội viên là Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan bị nguy hại; Vụ tấn công của VC làm cho 5 thường dân người Việt tử thương và 15 bị thương. 80% khách sạn bị hư hại.


Ngày 2 tháng 6, 1967: Hai trung đội VC có trang bị súng máy giữa khuya tấn công Trung Tâm Chiêu Hồi tỉnh Long An làm 5 binh sĩ và 5 thường dân bị thương.


Ngày 27 tháng 6, 1967: Một xe đò đầy hành khách cán phải mìn VC ở đông nam Lai Khê tỉnh Bình Dương khiến 23 người trên xe đều chết.


Ngày 6 tháng 7, 1967: 7 trẻ em đi bộ trên đường lộ để đến chùa tại xã Cẩm Phổ tỉnh Quảng Nam nhằm lúc một xe hàng chạy ngang làm nổ một quả mìn chống tăng do VC gài khiến một em chết vầ em bị thương.


Ngày 13 tháng 7, 1967: Một nhà hàng ở Huế bị VC gài bom nổ làm chết 2 thực khách người Việt, làm bị thương 12 người Việt, 7 người Mỹ và 1 người Phi Luật Tân.


Ngày 14 tháng 7, 1967: VC giả dạng binh lính VNCH tấn công một trại tù tỉnh Quảng Nam, giải thoát cho 1,000 trên tổng số 1,200 tù nhân, xử tử 30 người tại sân trại. 10 thường dân bị giết và 29 thường dân khác bị thương khi VC mở đường rút lui.


Ngày 25 tháng 7, 1967: VC vào nhà dân ở Bình Triệu tỉnh Long An bắt đi 4 đàn ông, 1 phụ nữ và đứa con trai 16 tuổi của bà. Sáng hôm sau trên tỉnh lộ 13, người ta tìm thấy thi thể 6 người này với hai tay bị trói sau lưng và mỗi người có một vết đạn bắn vào đầu.


Ngày 5 tháng 8, 1967: Khủng bố VC bắt một bé gái học sinh cầm một quả lựu đạn đã rút chốt sẵn dặn em đưa cho thầy cô giáo của em. Em học sinh này đi đến trường em thuộc tỉnh An Xuyên đang có chương trình đặc biệt cổ động cho chiến dịch Rủ Nhau Đi Bầu Tháng Chín. Vừa tới cửa lớp học, em học sinh buông tay thả lựu đạn khiến cho em chết và làm 9 em học sinh ngồi trong lớp bị thương.


Ngày 24 tháng 8, 1967: VC ném bom vào nhà một cảnh sát viên ở Cần Thơ làm một người chết và 4 người bị thương.


Ngày 26 tháng 8, 1967: Xe đò chở hành khách cán trúng mìn trong tỉnh Kiến Hòa làm cho 22 người chết và 6 người bị thương.


Ngày 27 tháng 8, 1967: VC gia tăng các vụ khủng bố bằng pháo kích một tuần trước ngày bầu cử tổng thống và thượng nghị viên. 46 chết và 227 bị thương ở Cần Thơ. 10 chết và 10 bị thương trong tỉnh Phước Long. 9 thường dân và 5 trẻ em bị thương ở Ban Mê Thuột. 2 chết và 1 bị thương ở Bình Long. 6 người bị bắt cóc ở làng Phước Hưng tỉnh Thừa Thiên.


Ngày 29 tháng 8, 1967: VC xâm nhập 4 xã thuộc quận Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, giết chết 2 và bắt đi 6 người.


Ngày 1 tháng 9, 1967: VC phá quốc lộ 4 trong tỉnh Định Tường với 6 hố bom khiến mọi lưu thông tắt nghẽn ngoại trừ một xe cứu thương quân đội cán trúng mìn áp suất khiến 13 hành khách chết và 23 bị thương.


Ngày 3 tháng 9, 1967: Trong ngày bầu cử, vụ khủng bố VC đầu tiên xảy ra tại một địa điểm bỏ phiếu ở Tuy Hòa Phú Yên khiến 3 chết và 42 bị thương. Tính chung trong buổi sáng ngày bầu cử. có tổng cộng 48 cử tri bị VC sát hại.


Ngày 8 tháng 11, 1967: Trung tâm tị nạn Kỳ Chánh tỉnh Quảng Tín bị VC xâm nhập giết chết 4, làm bị thương 9 và bắt đi 9 người khác, lớp học bị đốt.


Ấp tân sinh Đắc Sơn bị VC dùng súng phun lửa hủy diệt, giết 114 dân làng và làm bị thương 47 người.