Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Tạp cảm : Ba cô trời rét kéo bừa thay trâu


” Trâu cày” ở thế kỷ 21 tại Hưng Yên, Việt Nam. Ảnh Báo Tiền Phong.
Cảnh ba cô gái ở một làng quê Hưng Yên nào đó kéo bừa thay trâu đã gây ra nhiều bức xúc cho độc giả báo mạng lề dân thấp cổ bé miệng. Thậm chí có người quy kết thẳng thừng vì đàn ông, các đáng mày râu mước này quá hèn nên mới để chị em phải cõng việc thay trâu thật quá “phản cảm” ở thế kỷ 21. Người viết mấy giòng tạp cảm này chỉ cảm nhận một điều như thực lại như mơ hồ:có lẽ nào lịch sử chỗ này,cụ thể là mảnh ruộng này, làng này, gia đình cô này chị kia ở tỉnh Hưng Yên đang bị kéo giật lùi hàng thế kỷ ?
Trong ký ức lịch sử của người Việt hiện đại, hình ảnh người kéo cầy thay trâu thân hình gầy guộc đội nón mê, quần áo rách te tua chỉ có ở phần lịch sử trước cách mạng,dưới ách thực dân phong kiến trong viện Bảo tàng cách mạng. Cho dù ba cô gái kéo bừa ăn mặc bình thường, cho dù đấy có thể chỉ là “cá biệt”, thì chuyện người phải kéo bừa thay trâu ở năm thứ 14 thế kỷ 21,ở năm thứ 39 kể từ ngày đất nước thống nhất hòa bình cùng đi lên CNXH, cũng khó ai có thể chấp nhận, ngoảnh mặt vô cảm ngó lơ cho được.
Người ta có thể viện đủ thứ lý do thượng tầm vĩ mô cho đến hạ tầm vi mô để giải thích sự cố này. Người trần mắt thịt chả dám động đến vĩ mô mênh mông trời biển. Thôi thì thử bàn vi mô vậy.Ví như sau nhiều thập kỷ đủ các loại khu kinh tế nọ, khu dự án kia, nhiều vùng quê đã bị thu hẹp quá nửa đất canh tác,phần ruộng khoán của mỗi gia đình chỉ còn dăm ba mảnh manh mún; chẳng cần đến sức trâu cầy bò kéo, người nông phu cuốc đất dằm đất cũng xong. Cánh đồng đã chia năm xẻ bẩy, đã bị ”công nghiệp hóa nông thôn” dồn đuổi vào một góc thì mong chi máy móc hiện đại thay người ! Nhớ thời chủ quan duy ý chí đi lên sản xuất lớn, cả huyện là một pháo đài,hình như thí điểm cơ giới hóa ở huyện Nam Ninh thời còn tỉnh sát nhập Hà Nam Ninh thì phải;máy gặt đập liên hợp không xuống được ruộng vì bờ vùng bờ thửa chỉ đủ sức “cõng” trâu chứ không phải cỗ máy hàng tấn kềnh càng ! Lại nhớ thêm chuyện nhiều nơi thời hợp tác xã, chuyện “trâu đen ăn cỏ trâu đỏ ăn. . . gà” đã khiến bà con mình “ớn chè đậu”. Đến thời cơ chế thị trường thóc cao gạo kém, tự nhiên trâu bò ” thi nhau tuyệt chủng” ở các làng quê, máy cầy cầm tay cũng không khiến người nhà nông mặn mà vì giá cao ngất nghểu, ”ăn cả vào thóc giống” thì làm ruộng chỉ có lỗ chỏng vó ! Hay ví như.. . thêm: nhà neo người sức vóc, trai tráng đi làm thuê tứ tán ngoài thành phố kiếm tiền tươi thóc thật cho mẹ già vợ dại con thơ mà mùa vụ chiêm xuân lại đuổi theo sát gót, nên chị em phải thay trâu đi bừa vân vân và vân vân. Ấy là người viết “giả thiết” thế!
Người viết mấy giòng tạp cảm này không muốn à uôm vơ đũa cả nắm trách cứ đàn ông nước Việt. Họ quyết không phải ” nguyên nhân chính” đẩy chị em, cụ thể là ba chị em phụ nữ Hưng Yên ở làng quê nào đó vào cảnh kéo bừa thay trâu ! Nghĩ cho cùng kỳ. . . lý, thì chị em chính là vợ con họ kia mà,đâu phải người nào xa lạ, thậm chí biệt lập, đối lập với họ. Hiển nhiên quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Thảm cảnh lấy chồng nước người chỉ nhằm cái đích cứu nghèo gia cảnh và cứu khổ bản thân; thảm cảnh làm thuê cho chủ nước ngoài, rơi vào cực nhọc thiếu thốn ở các khu công nghiệp, chế xuất mọc như nấm sau mưa khắp nước ;hay cảnh lam lũ ruộng đồng kéo bừa thay trâu vân vân, đàn ông xứ này không thể rũ bỏ phần hữu trách của mình. Nhưng nguyên nhân sâu xa của sự thật không vui,sự thật đáng buồn chính là chính sách vĩ mô về nông nghiệp nông dân nông thôn dù có tốt đẹp bao nhiêu ở phần định hướng lý thuyết thì trong điều hành thực tế ở quá nhiều nơi lại lộ ra quá nhiều sai lầm,sai lệch trầm trọng. Hệ lụy nhãn tiền giữa thanh thiên bạch nhật là các vụ cưỡng chế đất đai xảy ra ở nhiều vùng quê đốt nóng thời sự ;tình trạng người lũ lượt về thủ đô,đứng ngồi vạ vật trước cơ quan công quyền cao nhất để khiếu kiện đất đai; chuyện nông dân nhiều nơi bỏ ruộng chậy lấy người, tứ tán làm thuê làm mướn ;chuyện trẻ em vùng cao quê hương cách mạng một thời chỉ mong ngóng bát cơm có thịt vân vân và vân vân.. . ; bấy nhiêu hiện trạng không còn là cá biệt nhiều năm nay, cũng có thể xem như thực tế ”phản biện” nhiều chính sách tầm vĩ mô cứ cho là vô cùng tốt đẹp không được cụ thể hóa, hiện thực hóa trong đời sống kinh tế xã hội ở nhiều vùng miền, đặc biệt ở những nơi đất ruộng trở thành “điểm nhậy cảm” và vùng sâu vùng xa. Tự nhiên liên tưởng đến hình ảnh cánh đồng bị cắt chia chăng dây đóng cọc hoặc kín cổng cao tường và những dãycăn hộ cao cấp cao tầng, những khu biệt thự kéo dài không người ở trên cánh đồng xưa kia mầu mỡ ruộng mật bờ xôi ở ven quốc lộ cách thủ đô không xa. Chỉ riêng những chiến dịch bất động sản một thời sôi sùng sục như vạc dầu không biết đã thu hút vào các đại gia bên trong và bên ngoài nhà nước bao nhiêu là đất ruộng để rồi đẩy đến tình trạng đóng băng nhà cửa đất đai khiến nhà nước phải đổ hàng ngàn tỷ cấp cứu nhưng nghe chừng không cứu được ! Để rồi không biết bao nhiêu gia đình nông dân vùng châu thổ sông Hồng vựa lúa phía Bắc đất nước đã và đang rơi vào cảnh như cây bật gốc vì mất chân đế cơ bản là ruộng, là nghề trồng cấy cổ truyền.. .

Trông hình ảnh ba cô gái kéo bừa thay trâu, tự nhiên sao mình lại nhớ đến câu thơ dân gian “Ba cô đội gạo lên chùa”. Đấy là ba cô thời nào trong ca dao cuộc sống quá thanh bình êm ái. Còn ngày nay chỉ thấy trước mắt trên màn hình nhỏ “Ba cô trời rét kéo bừa thay trâu” !. /.

Đào Dục Tú
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét