Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

"Cách mạng Dù" và nhận thức về dân chủ của người Việt

Những chiếc dù, trong những ngày qua, đã trở thành một biểu tượng mang nhiều cảm xúc mạnh mẽ của một cuộc đấu tranh ôn hoà. Tại Hồng Kông, hàng chục ngàn chiếc dù sát cánh cùng tuổi trẻ trong những cuộc biểu tình nhằm phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào thể chế chính trị của Đặc khu hành chính. Cuộc “Cách mạng Dù”được thổi lên từ những con tim trẻ trung, đầy nhiệt huyết và can đảm của HK đã “vô tình” dấy lên những tia sáng, hy vọng cho công cuộc dân chủ hoá Việt Nam.
Thật vậy, nhìn những làn sóng người tràn ngập khu trung tâm thành phố Hong Kong bất kể nắng mưa, dưới những chiếc dù, đối đầu với cảnh sát, bất chấp hiểm nguy, khiến những ai quan tâm đến tình hình đất nước phải thốt lên câu hỏi:” Bao giờ mới đến lượt Việt Nam?”. Sự nhận thức về một xã hội dân chủ, về những quyền căn bản của con người không thể bỗng dưng, một sớm, một chiều có được trong suy nghĩ của mỗi công dân. Đó đôi khi phải là cả một quá trình tranh đấu, trả giá bằng xương, bằng máu của nhiều thế hệ đi trước. Sự nhận thức ấy thể hiện qua sự trưởng thành, chín chắn của cả một dân tộc khi phải đối đầu với những thử thách liên quan đến tương lai, vận mệnh của đất nước. Người dân Hong Kong, có thể nói, đã “thừa hưởng” tinh thần dân chủ từ chính những kẻ đã đô hộ mình. Người Anh, trong hơn 155 năm cai trị vùng đất này đã mang lại những khái niệm căn bản nhất về dân chủ cho xã hội Hong Kong. Đó cũng chính là sự khác biệt cực kỳ lớn giữa mảnh đất bé tý này với Trung Hoa lục địa. Hơn 1.3 tỷ người dân Trung Hoa chỉ biết đến một xã hội độc tài, đảng trị. Chế độ cộng sản đã bóp nghẹt những hơi thở của tư tưởng cấp tiến, dân chủ và đó cũng chính là nước cờ mà Bắc Kinh muốn tung ra nhằm lũng đoạn hoá đời sống chính trị, qua đó dần dần tước đoạt sự tự do, vốn đã in hằn trong tâm thức của người dân Hong Kong.
Người Việt Nam dành cho cuộc “Cách mạng Dù” những tình cảm tốt đẹp. Những xung đột, bất hoà giữa hai chế độ cộng sản anh em thời gian gần đây (giàn khoan TQ vào lãnh thổ của VN) đã khiến nhà cầm quyền CSVN không ngần ngại đưa tin về Hong Kong. Cần nhắc lại rằng, Bắc Kinh đã kiểm duyệt nghiêm ngặt, cấm đoán, xoá bỏ tất cả những gì liên quan đến biểu tình ở HK trên các mạng xã hội hay trên Internet. Đại đa số đồng bào trong nước do căm tức thái độ ngạo mạn của Trung cộng nên ủng hộ những làn sóng biểu tình vì suy cho cùng, đối với họ, Trung Quốc là kẻ thù chung! Liệu họ có nhận thấy và hiểu bức thông điệp của giới trẻ HK gởi đến nhà cầm quyền CSTQ? Họ nghĩ gì khi thấy những cuộc biểu tình ôn hoà, dám đương đầu với một trong những chế độ tàn bạo nhất của thời đại? Họ có hiểu khái niệm “tự do, dân chủ” là một qui luật bất biến của một xã hội tiến bộ mà con người luôn tranh đấu không ngừng để giành lấy?
E rằng không! Đơn giản vì sự nhận thức của đa phần người Việt về những khái niệm căn bản nhất của quyền con người vẫn còn bị kìm hãm và đe doạ bởi cả một bộ máy cầm quyền độc tài. Nỗi sợ hãi đã khiến người ta thờ ơ khi nhắc đến những vấn đề trầm trọng của xã hội. Lòng yêu nước đã bị lợi dụng cho những mục đích chính trị đen tối. Chính sách ngu dân của CSVN nhằm tạo nên một thế hệ trẻ vô vị, nhạt nhẽo, bị hướng về những nhu cầu hưởng thụ, tiêu thụ thay vì bức xúc trước vận mệnh của đất nước! Đó là một sự thật không thể chối bỏ, là vấn nạn không thể che dấu của xã hội và là một lực cản quan trọng khiến đất nước vẫn chưa tự thoát ra khỏi chế độ độc tài.
Không thể rũ bỏ những tư tưởng cấp tiến, những tiếng nói dũng cảm, ngày càng xuất hiện nhiều,tố cáo sự độc tài, yếu đuối và bất tài của đảng CSVN. Nhưng tất cả vẫn còn quá ít so với tiềm năng của hơn 80 triệu đồng bào! Nó không đủ để tạo nên một làn sóng đối lập hòng đập bỏ sự cai trị của nhà nước cộng sản. Và càng không thể có được những biển người xuống đường đấu tranh cho tương lai tươi đẹp của dân tộc như những gì đang diễn ra tại HK.
Hồng Kông là một minh chứng sống động cho những nỗ lực dân chủ của một xã hội. Dân tộc VN sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách để thấm nhuần nhận thức về dân chủ. Đấu tranh là quyền căn bản, nhất là khi đấu tranh cho sự phồn thịnh của đất nước, cho sự tự do của nhân dân, cho sự dân chủ của quốc gia, cho tương lai tốt đẹp của các thế hệ mai sau. Đó cũng chính là bổn phận và là trách nhiệm của mỗi người Việt yêu chuộng công lý!
Đại Hàn, Thái Lan, Indonésia, Malaysia, Hồng Kông và nhất là Miến Điện đã vượt qua nhiều khó khăn để trở thành những quốc gia mang dáng dấp dân chủ. Việt Nam bắt buộc phải hội nhập với thế giới tiến bộ bằng cách cương quyết rũ bỏ chế độ cộng sản độc tài đang ngày đêm kìm hãm sự phát triển của dân tộc. Bài học từ những cuộc xuống đường ôn hoà, bất bạo động nhưng kiên quyết của sinh viên, học sinh HK, của cuộc “Cách mạng Dù” là vô cùng quí giá đối với nhận thức về quyền tự do, ngôn luận...cho người dân VN.
Vì chỉ khi một dân tộc tự hiểu, nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của sự dân chủ thì khi đó, dân tộc ấy mới thực sự trưởng thành và tồn tại một cách bền vững trong lịch sử nhân loại.
Cảm ơn cuộc “Cách mạng Dù”, cảm ơn bài học vỡ lòng về tinh thần đấu tranh và xây dựng một xã hội dân chủ, một xã hội mà trong đó tương lai của các thế hệ mai sau đã được duy trì và bảo vệ ngay từ hôm nay!

Lâm Bình Duy Nhiên
, 4/10/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét