Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Điều gì sẽ đến, nếu Việt nam nổ ra biểu tình?

Dân Luận: Nếu bạo động, đổ máu là điều chúng ta không mong muốn, thì mỗi người chúng ta cần phải thúc đẩy tuyên truyền cho những người xung quanh về nguyên lý đấu tranh bất bạo động, tránh đổ máu... Dân Luận đã và đang nỗ lực trên con đường này - còn các bạn thì sao?
Biểu tình, xuống đường xảy ra ở Việt Nam là một điều tất yếu nhưng để nói rằng Việt Nam sẽ diễn ra một cuộc cách mạng theo phương pháp bất bạo động là một điều không tưởng. Nếu xét cả trong tiến trình lịch sử và trong các điều kiện xã hội hiện tại, Việt Nam rất có khả năng đi theo vết xe đổ của "Mùa xuân Ả Rập" mà không một người yêu tự do, dân chủ nào mong muốn.
Trước hết phải thấy rằng Việt Nam chưa quen và chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc cách mạng theo đường lối này. Năm 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ của Đảng Cộng Sản Đông Dương, nông dân và công nhân Nghệ An, Hà Tĩnh đã tiến hành một cuộc đấu tranh chính trị với chính quyền thực dân Pháp bằng biểu tình và bãi công. Thế nhưng đây không phải là đấu tranh bất bạo động mà là biểu tình vũ trang tự vệ quy mô lớn với những đội tự vệ mang theo gậy gộc, giáo mác đi dọc theo hai bên đoàn biểu tình. Chính quyền thực dân Pháp đã phản ứng đáp trả mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang đã vào cuộc, họ huy động cả máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và 125 người bị thương. Bạo động bùng phát. Người biểu tình kéo về huyện lỵ, đập phá nhà lao, đốt phá các huyện đường, bao vây đồn lính khố xanh.
Kết quả cuộc biểu tình bị đàn áp trong biển máu, 217 nóc nhà bị đốt cháy, 30 người bị bắn chết. Nhiều cơ quan đầu não của Đảng Cộng Sản, các cơ sở trong dân bị phá vỡ, nhiều đảng viên, người biểu tình bị bắt giam hoặc hành quyết. Theo ước tính, có hàng trăm người bị bắt, bị kết án tù giam trong các nhà tù ở Nghệ An, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, và Côn Đảo.
Phong trào Đồng Khởi 1960 và quá trình đấu tranh chính trị của "đội quân tóc dài" đều mang hình thức bạo động tiềm ẩn dưới sự giật dây của Đảng CSVN và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Chỉ duy nhất phong trào đấu tranh Phật Giáo miền Nam năm 1963 là mang ít nhiều dấu ấn bất bạo động nhưng các bằng chứng lịch sử được phanh phui gần đây cho thấy đó đều là sản phẩm của Cộng sản núp dưới danh nghĩa Phật Giáo.
Nói như vậy để thấy rằng bạo động đã ăn vào máu người Việt. Và các điều kiện xã hội ở Việt Nam cho thấy đang chín muồi các yếu tố dẫn đến một cuộc biểu tình quy mô lớn mà kết quả sẽ bị dìm trong biển máu.
- Trước hết phải thấy rằng lực lượng đấu tranh dân chủ không phải là lực lượng khơi ngòi cho biểu tình. Chính các mâu thuẫn xã hội được tồn tại âm ỉ, dồn nén trong lòng xã hội mới là tác nhân chính. Nhưng chính quyền đã nhận thức sai khi đàn áp, bỏ tù lực lượng này hoặc đối phó bằng cách dùng "mật vụ, an ninh" cài cắm nhằm ly gián và làm chệch hướng cái gọi là "diễn biến hòa bình". Thế nhưng họ quên rằng khi biểu tình xảy ra thì đây chính là lực lượng lãnh đạo và tiếng nói của họ có thể kiểm soát bạo động, duy trì luật pháp theo đúng chủ trương bất bạo động mà họ vẫn kêu gọi lâu nay.
- Không như tổ chức "Công đoàn Đoàn kết" ở Ba Lan hoặc tổ chức lãnh đạo sinh viên ở Hồng Kông, lực lượng đấu tranh dân chủ ở Việt nam vừa yếu lại vừa thiếu có thể mất kiểm soát ngay ngày đầu tiên xảy ra biểu tình. Hơn nữa đối tượng tham gia biểu tình của Việt Nam chắc chắn không phải là sinh viên, học sinh những người có ý thức chấp hành kỷ luật cao mà là tầng lớp dân oan, những người lao động ở đô thị và tầng lớp công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Những người này không được dạy khả năng kiềm chế và họ cũng không có lý do để kiềm chế.
- Mâu thuẫn xã hội giữa dân và lực lượng công an thi hành pháp luật đã bị đẩy lên cao trong những năm qua chủ yếu do việc ban hành những luật không được phép dùng, thi hành luật một cách bất công và tệ nạn coi thường luật pháp của những kẻ chấp chính. Khi biểu tình xảy ra đây sẽ là đối tượng trả thù của những kẻ quá khích và những kẻ chất chứa mối hận thù không được giải tỏa bằng luật pháp. Do đó việc tặng hoa cho lực lượng Công an sẽ chỉ có trên lý thuyết. Hơn nữa hiện tại trên các mạng xã hội các Facebooker đang ngày càng khoét sâu mối thù đó bằng các STT vạch trần sự vi phạm của lực lượng này đang diễn ra hàng ngày. Đây không phải là chủ trương của phong trào đấu tranh dân chủ nhưng cũng là sự việc nằm ngoài khả năng ngăn cản của họ.
- Vai trò của Phật Giáo, yếu tố duy nhất có thể ngăn cản bạo động lại trở nên quá mờ nhạt khi Phật Giáo đang ở thời kỳ mạt pháp. Sự can thiệp quá lộ liễu của chính quyền vào tôn giáo này đã khiến người dân không còn tin tưởng vào chủ trương mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đề ra.
- Việt nam hoàn toàn không phải là một xã hội pháp trị trong đó quyền công dân được đảm bảo một cách tương đối như ở Hồng Kông. Khi người dân và cả chính quyền đều không tin luật pháp thì điều duy nhất họ có thể làm là sử dụng luật rừng.
- Chính quyền Việt Nam vốn có truyền thống sử dụng lực lượng côn đồ mạo danh dân chủ để quấy rối, vu cáo các cuộc biểu tình để tạo cớ đàn áp. Do đó với tâm lý của người Việt thì cho dù phương pháp bất bạo động là đúng đắn đến đâu cũng sẽ khó được tuân thủ trong thực tế, khi quá trình diễn ra dài ngày và dưới áp lực khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và vũ khí trấn áp của chính quyền.
Vấn đề đặt ra quan trọng không kém là khi biểu tình nổ ra chính quyền có dám bắn vào dân không?Lực lượng công an, côn đồ chỉ đủ sức trấn áp các cuộc biểu tình với quy mô nhỏ. Nhưng khi biểu tình đã lan ra toàn quốc họ phải điều động đến quân đội nhưng quân đội Việt nam từ nhân dân mà ra tất nhiên không có vị tướng nào muốn làm "tội danh thiên cổ" và chẳng có người lính nào đủ gan bắn vào chính đồng bào mình. Nhưng lực lượng "Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc" thì lại khác. Họ rất có thể sẽ được mở cửa biên giới tràn sang để làm cái việc mà 25 năm trước họ đã làm với chính đồng bào của họ. Và rất có thể cuộc biểu tình sẽ rẻ sang một bước ngoặc khác đẫm máu hơn.
Các yếu tố dẫn đến các cuộc biểu tình trong "Mùa xuân Ả Rập" rất giống với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Đó là các cáo buộc tham nhũng chính phủ, các vi phạm nhân quyền và tình trạng đói nghèo, bất công cùng cực. Các nước phương Tây cũng như giới quan sát tin rằng sau những mùa đông dài độc tài khắc nghiệt, một mùa xuân dân chủ, tự do sẽ bắt đầu tại những quốc gia Ả Rập này.
Nhưng với những bất ổn chính trị và xung đột đẫm máu trong thời gian qua tại Ai Cập, xem ra ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã không nảy lộc, kết trái như mong đợi, dự đoán.
Sau một năm nắm quyền, ông Morsi - người đã thắng trong kỳ bầu cử tổng thống tự do đầu tiên ở Ai Cập vào mùa hè năm 2012, không những không cải thiện được tình hình kinh tế tồi tệ của Ai Cập mà còn làm hạn hẹp quyền của người dân và tạo thêm nhiều chia rẽ sâu sắc trong xã hội.
Có nhiều yếu tố, nhiều đối tượng – trong đó có giới tướng lãnh hiện tại – đã đây đưa Ai Cập vào tình cảnh hiện nay, nhưng ít ai có thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng khiến ‘Mùa xuân Ả Rập’ tàn lụi. Đó là đất nước này đã không có được một chính phủ, một vị tổng thống thực sự dân chủ, tự do, cởi mở vào thời kỳ hậu Hosni Mubarak dù một tổng thống đã được bầu lên một cách dân chủ.
Thoát được chế độ độc tài, người dân Ai Cập lại rơi vào tay những người Hồi giáo có đường lối bảo thủ, với những luật lệ hà khắc – nếu không muốn nói là cực đoan.
Thế nhưng ít có người biết rằng việc chuyển đổi từ độc tài, toàn trị sang dân chủ, tự do tại các nước Đông Âu sau khi "Bức tường Berlin" sụp đổ nhìn bên ngoài có vẻ êm ái nhưng thực ra cũng phức tạp, hỗn loạn, nhiều xung đột. Để có được một xã hội ổn định, dân chủ như ngày hôm nay, Indonesia cũng đã phải trải qua nhiều biến động, thay đổi chính phủ liên miên thời hậu Suharto.
Những diễn ra tại Nam Phi cho thấy nếu biết hòa hợp, hòa giải, nếu giới lãnh đạo biết đặt quyền lợi đất nước, người dân lên trên quyền lợi, tính toán phe nhóm của mình, thì người dân và đất nước của họ không phải rơi vào xung đột, nội chiến sau các cuộc cách mạng. Nhờ vậy, tiến trình dân chủ của quốc gia này cũng diễn ra nhanh gọn. Miến Điện cũng cho thấy nếu một chế độc tài tự cởi mở và hợp tác với các đảng phái đối lập để đưa đất nước mình tới dân chủ, họ sẽ có thể tiến tới dân chủ, tự do, phồn thịnh mà không phải trải qua cảnh hỗn loạn, xung đột, đổ máu.
Như vậy, với những yếu tố như đã phân tích ở trên, biểu tình, cách mạng ở Việt Nam sẽ xảy ra là điều không tránh khỏi. Nhưng để nó diễn ra êm thấm, không đổ máu như Nam Phi, Myanma hay bạo lực như Ai cập, Tunisia và Libya... đó hoàn toàn là nhờ vào đầu óc của các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của Việt nam sau này. Bài học thì có rất nhiều trên thế giới, vấn đề là chúng ta có muốn học hay không mà thôi.
Dương Hoài Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét