Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Sức mạnh của biểu tượng trong cuộc đấu tranh

Con người ghi nhớ hình ảnh tốt hơn là chữ viết. Chính vì thế, từ xa xưa các hình vẽ và biểu tượng đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giao tiếp hay truyền tải nội dung, thông tin, tư tưởng cụ thể cũng như các khía cạnh văn hóa giữa người với người. Trong đời sống hằng ngày không hề khó để có thể thấy các biểu tượng, đôi khi là trên các tuyến đường giao thông, trên các thùng hàng hóa được vận chuyển, trên bộ quần áo mà ta mới mua về… Đó nhìn chung là những biểu tượng nhằm cung cấp thông tin về những món hàng mà con người sử dụng, về người tạo ra nó, hay về chất lượng của món hàng đó. Tất nhiên bản thân mỗi biểu tượng không mang ý nghĩa ngay từ đầu, nội dung của biểu tượng là do con người gán cho nó mà có.
Ở đây, người viết muốn đề cập đến những biểu tượng thể hiện ý chí, nguyện vọng cũng như quyết tâm của một nhóm hoặc một tầng lớp người trong xã hội, những biểu tượng này có lẽ xuất hiện nhiều nhất và bao gồm nhiều giá trị phổ quát nhất là trong các cuộc cách mạng. Quả thật gần như không có cuộc cách mạng mang tầm vóc vĩ đại nào mà thiếu đi bóng dáng của biểu tượng, dù đơn giản hay phức tạp. Bởi đó là phương tiện dễ dàng nhất để truyền tải thông điệp đến người dân, giúp họ hiểu được những giá trị mà một cuộc cách mạng hướng đến.
Nhắc đến cách mạng Pháp, chắc hẳn ai cũng biết biểu tượng Bó Que (Fasces) với hình ảnh chiếc rìu vươn cao nằm giữa một bó gậy. Biểu tượng này thực chất bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại (578 – 535 TCN) khi dân chúng lật đổ vua Tarquinius – kẻ đã gây ra biết bao đau khổ cho người dân – và bầu ra hai người đứng đầu gọi là Quan chấp chính. Vị Quan chấp chính thường có các thị vệ theo hầu, mỗi thị vệ vác theo mình một bó gậy dùng để trừng phạt những người làm sai pháp luật, giữa bó gậy cắm một chiếc rìu.
Sau này người Pháp đã dùng hình ảnh này như một trong những biểu tượng cho cuộc cách mạng của họ để tượng trưng cho quyền lực nhà nước, công lý và sự thống nhất. (Ngay đến người Mỹ cũng khắc biểu tượng này lên con dấu của Hạ viện).
mockingjay-background.jpg

Biểu tượng chim húng nhại

Trong ‘Đấu Trường Sinh Tử’ (The Hunger Games), nhân vật chính Katniss Everdeen luôn gắn liền với hình ảnh loài chim húng nhại (mockingjay) hay nói cách khác cô chính là hiện thân của mockingjay. Chế độ độc tài ở Capitol từ lâu nay vẫn luôn ghét cay ghét đắng loài chim này bởi chính sai lầm của những người đứng đầu Capitol đã tạo ra chúng. Húng nhại, cũng giống như những người nổi dậy chống chế độ độc tài ở Capitol, luôn là điều mà chính quyền không bao giờ ngờ tới cũng như muốn xuất hiện, nhưng một khi đã ra đời thì chim húng nhại sẽ tìm mọi cách để tồn tại, những người nổi dậy cũng tương tự như vậy. Đó là lý do vì sao hình ảnh loài chim này tượng trưng cho sự đoàn kết của những con người luôn muốn lật đổ chế độ độc tài.
Katniss đã đính chiếc ghim cài áo mang biểu tượng mockingjay khi tham gia đấu trường sinh tử. Đây thực chất là trò chơi độc ác do những kẻ cầm đầu Capitol nghĩ ra với mục đích giáo huấn mọi người về sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh cũng như cái giá phải trả cho hòa bình nhưng thực chất là muốn triệt tiêu ý chí phản kháng của người dân và làm gia tăng thêm mối thù hằn giữa các quận.
Khi tham gia trò chơi này, Katniss và Rue đã sử dụng chim húng nhại làm công cụ truyền tín hiệu giữa hai người, dù trên thực tế họ là đối thủ của nhau. Chính điều này đã khiến người xem từ 12 quận trên cả nước không khỏi hy vọng về một tương lai không xa khi tất cả mọi người cùng đoàn kết lại để chống chế độ độc tài. Và mockingjay, xuyên suốt tác phẩm, đã trở thành biểu tượng của các cuộc nổi dậy. Sức mạnh của hình ảnh Katniss mạnh tới mức người ta phải mạo hiểm cứu cô khỏi vòng tay của Capitol, và nhờ có hình ảnh của cô, người dân tại 12 quận đã dành được thắng lợi cuối cùng.
Gần đây khi theo dõi cuộc đấu tranh đòi dân chủ của các sinh viên ở Hồng Kông, mọi người đều thấy biểu tượng dải ruy băng màu vàng bắt chéo xuất hiện ở rất nhiều nơi. Đây không phải là biểu tượng quá mới mẻ bởi trước đó đã được sử dụng rất nhiều ở Nhật Bản, Đức, Úc, Ý, Đan Mạch mà Thụy Điển. Trong vụ chìm phà Sewol của Hàn Quốc, các tình nguyện đã mời người dân thắt các dải ruy băng vàng lên sợi dây với mong mỏi điều kỳ diệu sẽ đến với các nạn nhân. Nhưng ở Hồng Kông, nó đã trở thành biểu tượng của phong trào dân chủ.
Vào ngày đầu tiên bãi khóa, các sinh viên chỉ gắn dải ruy băng trên áo thay cho lời kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trao trả Hồng Kông quyền bầu cử áp dụng phổ thông đầu phiếu. Nhưng khi tiến sát đến trụ sở hành chính, mọi người đã thắt các dải ruy băng lên hàng rào để bày tỏ thái độ đấu tranh ôn hòa. Ruy băng trên áo giúp những nhà đấu tranh dân chủ Hông Kông nhận ra nhau dù chưa một lần gặp mặt, nó truyền cho họ cảm xúc chia sẻ và đồng đội, niềm tin vào mục đích cao thượng của cuộc đấu tranh và tập hợp được sự ủng hộ của cả người dân các quốc gia khác thông qua truyền thông và mạng internet. Vì thế, dải ruy băng nhỏ đó đã có sức mạnh hơn ngàn bài viết.

Dải ruy băng nhỏ này có sức mạnh hơn hàng ngàn bài viết...
Thật sự chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của biểu tượng trong các phong trào đấu tranh. Nó không chỉ truyền đạt thông điệp mà còn hàn gắn những sứt mẻ, dẹp bỏ mối nghi ngại hay sợ hãi của quần chúng mà còn dấy lên tinh thần đấu tranh vì những giá trị tốt đẹp từ trong sâu thẳm mỗi con người. Theo bạn, biểu tượng chung cho phong trào dân chủ của Việt Nam sẽ là cái gì?
Athena, cộng tác viên Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét