Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Điểm sách Ngàn năm áo mũ

Le Minh Khai 

Trà Mi lược dịch

aomu1Tác phẩm được nghiên cứu một cách tỉ mỉ, đặt cơ sở trên một nguồn tư liệu đa dạng khổng lồ; tôi nghĩ rằng đây sẽ là một công trình nghiên cứu có thẩm quyền về trang phục Việt Nam thời quân chủ trong nhiều năm sắp tới.
Tôi đã định viết một bài điểm sách chính thức hơn về cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức. Cách thông thường ở chỗ tôi làm việc, khi viết một bài điểm sách, là sẽ nói về bối cảnh lịch sử của những vấn đề viết trong cuốn sách (tức là nói về những nghiên cứu cùng chủ đề đã có trước đó và công trình hiện tại nằm ở đâu trong lịch sử nghiên cứu về chủ đề đó), tóm tắt nội dung của cuốn sách, sau đó bàn về ưu nhược điểm của nó. Đó là những điểm tôi sẽ cố gắng làm ở đây.
Một phần bìa cuốn Ngàn Năm Áo Mũ của Trần Quang Đức.
Một phần bìa cuốn Ngàn Năm Áo Mũ của Trần Quang Đức. Nguồn:  Nhã Nam, Thế Giới
Là tác phẩm về lịch sử trang phục của triều đình, chính quyền, và dân thường trong một giai đoạn khoảng 1000 năm, cuốn sách này quan tâm đến một chủ đề mà một số học giả ở Việt Nam trước đó đã viết. Tuy nhiên, như tác giả đã nêu rõ ở lời “Tự luận”, các tác phẩm trước đó dựa nhiều vào những bản dịch bằng tiếng Việt hiện đại các văn bản vốn được viết bằng chữ Hán (Hán cổ). Mặt khác, Trần Quang Đức dùng một số lượng rất lớn các nguồn tư liệu viết bằng chữ Hán của tác giả Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Vì vậy, dù chủ đề này đã được thảo luận trước đây, cuốn sách này, ở phạm vi nguồn tư liệu, tham khảo và ở sự tinh thông của tác giả khi đọc các nguồn tư liệu đó, là điều chưa từng thấy.
Cuốn sách có một phần “Tổng quan” và năm chương. Trong phần “Tổng quan”, Trần Quang Đức cho rằng sự lựa chọn áo mũ dùng cho nhiều hoàng đế và quan chức khác nhau qua nhiều thế kỷ đã chịu ảnh hưởng lớn của hai dòng tư tưởng: tư tưởng đế quốc (sách TQĐ viết là “tư tưởng đế vương” – T.M.) và tư tưởng Hoa Di. Ở năm chương tiếp theo, người đọc thấy sự lựa chọn chính xác đã được thực hiện thế nào theo thời gian và năm chương sách đó đã nghiên cứu trang phục của hoàng đế, quan viên, cũng như dân giả, trong các giai đoạn nhà Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn.
Muốn tìm cách bàn chi tiết hơn về từng chương, tuy nhiên, tôi đã không thể nào làm được vì mỗi chương đều dầy đặc thông tin. Nói thế, nhưng có một điểm về cuốn sách mà tôi rất thích là, dù đầy ắp dữ liệu, nhưng những thông tin đó vẫn được trình bày bằng một cách rất lôgic và rõ ràng.
Một trong những vấn đề mà các học giả gặp phải là họ thường thấy nhiều “tiểu đề” nhỏ hơn trong lúc đang nghiên cứu các chủ đề “chính”. Người ta sẽ làm gì với những thông tin đó? Liệu họ có bỏ chúng ra ngoài cuốn sách và chỉ tập trung vào chủ đề chính? Hay họ cũng đưa những tiểu đề đó vào sách? Nhiều người đã làm như vậy, và kết quả là cuốn sách của họ trở nên “bừa bộn” với các phụ lục, v.v.
Trong tác phẩm này, Trần Quang Đức đã làm một việc sáng tạo là sử dụng cách xắp đặt, trình bày trực quan nhiều dữ liệu như thế và vẫn giữ được mạch chính của văn bản. Thí dụ, như chương viết về nhà Trần, Trần Quang Đức đã trình bày quan điểm của mình về trang phục trong bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (1) đã được các học giả thảo luận dạo gần đây. Trong trường hợp này, tác giả đã dùng một màu nền hơi khác cho trang sách, và đặt chữ lên trên nền của tranh (2). Đây là một cách trình bày nhiều loại thông tin khác nhau một cách hiệu quả và sáng tạo đồng thời giữ được sự mạch lạc của cuốn sách.
Sự chú trọng đến cách trình bày trực quan đương nhiên đã đưa đến việc tác giả trưng dẫn một số lớn những tấm hình trong cuốn Ngàn Năm Áo Mũ. Trần Quang Đức đã làm một việc tuyệt vời là sưu tìm từ một loạt các nguồn tư liệu để có được những hình ảnh liên quan hệ đến chủ đề nghiên cứu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tác giả cũng phê phán cách chúng ta “đọc” tranh ảnh.
Nhàn Năm Áo Mũ (Trang 284-5)
Ngàn Năm Áo Mũ (Trang 284-5)
Vì thế, một mặt đây là cuốn sách rất thú vị để đọc, mặt khác ưu điểm lớn nhất của nó là nguồn tư liệu tham khảo gốc rất lớn, và nỗ lực đáng nể mà Trần Quang Đức đã vận dụng để khai thác các nguồn tư liệu đó. Nghiên cứu về lịch sử trang phục là không dễ, vì thường có rất ít nơi [tài liệu] để người ta có thể tìm được những giải thích chi tiết về trang phục, loại nào đã được mặc ở một thời điểm nào và hình dạng của chúng ra sao. Thay vào đó, người ta phải xây dựng hiểu biết của mình về chủ đề này từ những trình bày vắn tắt ở nhiều nguồn khác nhau. Có một cách dễ, và cũng có một cách khó để làm như vậy.
Cách dễ để nghiên cứu chủ đề này là làm những gì các học giả đi trước đã làm – đọc các bản đã dịch sang tiếng Việt hiện đại và xem có những thông tin nào về trang phục ở đó. Cách nghiên cứu này có hai vấn đề. Trước hết, nó rất giới hạn về lượng thông tin người ta có dùng, vì nhiều dữ kiện sẵn có trong các bản Hán văn hơn là trong các bản đã dịch sang tiếng Việt hiện đại. Hai là, để dịch được những thông tin về trang phục từ một văn bản viết bằng chữ Hán, người ta cần phải có kiến thức về trang phục mà văn bản đang nói đến. Nhiều người khi dịch các văn bản Hán đã không có được kiến thức đó, và vì thế bản dịch của họ thường không chính xác hoặc có ích.
Cách khó để nghiên cứu chủ đề này là lùng kiếm trong một phạm vi lớn các nguồn tư liệu chữ Hán và cố gắng tìm kiếm thông tin về trang phục. Đây là việc khó làm. Điều khiến nó còn khó thực hiện hơn nữa là rất nhiều dữ kiện tìm được trong các bản Hán văn do những người biết rằng độc giả của họ, ít hay nhiều, đã biết tác giả đang bàn về vấn đề gì. Kết quả là, những “miêu tả” của họ về trang phục thường khá vắn tắt. Học giả hiện đại vì thế cần phải tìm đọc các đoạn trích khác nhau có đề cập đến cùng một loại áo hay mũ để nắm rõ được hình dạng thực sự của nó. Và cuối cùng, trên thực tế trang phục đã thay đổi kiểu nhiều lần qua các thế kỷ, và cũng thế, việc lần theo dấu vết của tất cả những sự thay đổi đó cũng rất là khó khăn.
Trong Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức đã áp dụng cách “khó” để nghiên cứu chủ đề này. Kết quả là, cuốn sách này tốt hơn bất kỳ nghiên cứu nào đã có trước nó. Và các học giả sau đó có thể tìm ra những lỗi đây đó (và biết đâu được, có thể người ta sẽ tìm thấy có một bức ảnh nào đó đã được đặt tên nhầm), tôi không bao giờ hình dung được tác phẩm này sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Cuốn sách này là một “instant classic” [được tức thì đánh giá là ưu hạng, không cần qua thử thách của thời gian. - DCVOnline]. Nó đã được nghiên cứu một cách tỉ mỉ đặt cơ sở trên một nguồn tư liệu đa dạng khổng lồ, khiến tôi nghĩ rằng đây sẽ là một công trình nghiên cứu có thẩm quyền về trang phục Việt Nam thời quân chủ trong nhiều năm sắp tới.
Cuối cùng, một mặt khác đáng xem là cách dùng phương pháp so sánh. Trần Quang Đức không nghiên cứu lịch sử trang phục ở Việt Nam một cách riêng rẽ, mà còn tham chiếu những sự phát triển liên hệ ở những nơi khác như Triều Tiên và Nhật Bản, và tất nhiên tác giả theo dõi sát lịch sử trang phục ở Trung Hoa. Khi khảo cứu một chủ đề bằng phép so sánh, người ta tránh được cái bẫy của tuyên bố thiếu cơ sở về tính duy nhất của chủ đề mà họ nghiên cứu. Vì vậy, điều này khiến cho công trình học thuật của trở nên chính xác hơn.
Do đó, tác phẩm này này đánh dấu một thành tựu học thuật ngoại hạng. Vì thế, tôi không thực sự thấy nó có “nhược điểm” để tôi có thể phê bình, tuy nhiên, dù sao tôi cũng vẫn muốn đưa ra một đề nghị một hướng mà những công trình học thuật về chủ đề này trong tương lai có thể để ý tới tới. Trần Quang Đức đã hoàn thành một công việc đắt giá là cung cấp tư liệu rất rõ ràng về “cái” người ta mặc, nhưng tôi vẫn muốn biết nhiều hơn về việc “tại sao” họ mặc những trang phục như thế. “Tư tưởng đế quốc” và “tư tưởng Hoa Di” mà Trần Quang Đức đã đề cập đến phần nào giải thích điều này, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể đi sâu hơn vào việc giải nghĩa tại sao người ta đã mặc quần áo như vậy.
Khi một vị hoàng đế Việt Nam làm lễ tế đàn Nam Giao và mặc áo có hình ảnh mặt trăng, mặt trời và những vì sao trên áo, cùng lúc các quan viên triều đình đều đứng hầu hoặc quỳ chầu trong các loại áo mũ riêng biệt… Điều gì đó quan trọng đang xảy ra. Những chiếc áo và mũ mà những người đó đang mặc đang “làm” một cái gì đó, và mọi người ở đó đã tin rằng áo và mũ của họ đang “làm” một cái gì đó.
Một thuật ngữ tiếng Anh của học thuật lịch sử, có một nhóm chữ nay thường được dùng là “phục trang quyền lực” (power dressing). Trong quá khứ, áo quần mà người mặc có quan hệ mật thiết với quyền lực của người đó. Tuy nhiên, quần áo liên hệ với quyền lực như thế nào là một cái gì đó có vẻ khác nhau qua thời đại và địa phương.
Là điều rất thú vị để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này trong trường hợp Việt Nam. Tuy nhiên, làm được như thế đòi hỏi người nghiên cứu phải có hiểu biết chính xác về “cái” người ta mặc, và Trần Quang Đức, không còn thắc mắc gì nữa, đã cung cấp cho chúng ta những dữ kiện đó, và nhiều nhiều hơn nữa, trong cuốn Ngàn năm áo mũ của ông.
© 2013 DCVOnline

Nguồn: A Review of “A Thousand Years of Caps and Robes”. Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 11jun13. Tác giả nghiên cứu và dạy ở đại học về lịch sử. (Quan hệ lịch sử Việt Trung, Các tôn giáo phổ biến ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).
DCVOnline:
(1) Là bức “tranh vẽ Trúc Lâm Đại Sĩ xuống núi”, là tên của một tác phẩm hội họa khổ rộng [961 cm × 28 cm] của Trung Hoa vào cuối đời nhà Nguyên, do Trần Giám Như (陳鑑如) vẽ năm 1336 và sau đó được các danh sĩ đời nhà Minh viết thêm lời bình. Tác phẩm là họa phẩm tranh thủy mặc, kết hợp nghệ thuật thư pháp đặc sắc, miêu tả cảnh Trúc Lâm đại sĩ (tức Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm xuất du. [Nguồn: Wikipedia.org]
Bức “tranh vẽ Trúc Lâm Đại Sĩ xuống núi” - 3 khung ngàn dduojc xếp lại theo chiều dọc để minh họa. Nguồn: Wikipedia.org
Bức “tranh vẽ Trúc Lâm Đại Sĩ xuống núi” – 3 khung hàng ngang được xếp lại theo chiều dọc để dễ trình bày. Nguồn: Wikipedia.org
(2) Chương II: Trang phục thời Trần, ở phần minh họa có 5 thành phần nhỏ cuả bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ: a) Tranh voi chở kinh (trang 101), b) Vua Trần Anh Tông (trang 110), c) Tụng quan thời Trần (trang 125),  d) Mũ của tụng quan (gồm nhiều ảnh nhỏ, trang 127), và e) Vua Trần Nhân Tông đi võng (trang 139); tất cả những hình minh họa đều nằm trên giấy trắng; riêng ở những trang 128-132, “Đôi nét về Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” – không có tranh minh họa – tác gỉa viết về bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ bằng chữ đen trên những trang “vải bạt” màu có viền hoa văn trên và dưới ở mỗi trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét