Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-06-18
2013-06-18
Trong lịch sử chính trị Việt Nam, đảng CSVN là một đảng chính trị giữ vị trí hàng đầu, về cả chiều dầy lịch sử, thành tích và quy mô. Do cơ chế độc đảng, với số lượng trên 3 triệu đảng viên chiếm khoảng 3% dân số, có mặt ở mọi nơi, trong mọi tổ chức của đời sống xã hội dễ tạo cho người ta cảm giác đảng CSVN có một sức mạnh vô địch. Sự thật sức mạnh của đảng CSVN hiện nay thế nào, thông tín viên Anh Vũ đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, một cựu cán bộ an ninh, hiện là đảng viên đảng CSVN, hiện đang sống ở Sài gòn về vấn đề này.
Anh Vũ: Thưa Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, hiện nay số lượng đảng viên đảng CS Việt Nam là khoảng 3,6 triệu người. Nhưng trên thực tế, có khoảng 50% là các đảng viên cao tuổi đã nghỉ hưu và một số đông đảng viên trên danh nghĩa đã không tham gia sinh hoạt đảng sau khi chuyển công tác. Số đảng viên không chức quyền thì chả ai quan tâm đến việc bảo vệ đảng, duy chỉ có số còn lại có chức, có quyền hoặc lớp trẻ trong lực lượng vũ trang bị nhồi sọ thì mới có ý thức về việc này. Ông đánh giá lực lượng đảng viên có ý thức bảo vệ đảng là khoảng bao nhiêu người?
TS Phạm Chí Dũng: Tất nhiên, không phải ai cũng mang ý thức bảo vệ Đảng với cùng một động cơ. Mà có những động lực khác nhau, thậm chí khác biệt hoàn toàn giữa những người được coi là cùng chung một chiến hào.
Từ nhiều năm qua, tôi thấy báo cáo của các cơ quan Đảng thường chỉ thừa nhận một số đảng viên nào đó là “không tốt”. Nhưng những năm gần đây, trước tình hình tham nhũng đã đến mức quá manh động và trầm trọng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải cảm thán là tham nhũng và suy thoái đạo đức có thể “đe dọa đến sự tồn vong của chế độ”. Sau đó các báo cáo của Đảng mới chuyển dần từ “một bộ phận” đến “một bộ phận không nhỏ” đối với đối tượng đảng viên biến chất.
Tham nhũng trên thực tế đang trở thành quốc nạn và có nguy cơ kéo tất cả xuống hố, mà Vinashin và Vinalines là những ví dụ điển hình.
-TS Phạm Chí Dũng
Tuy nhiên cách đánh giá này thường bị dư luận người dân và ngay trong cán bộ đảng viên xem là thiếu tương hợp và cố tình che giấu sự thật.
Chỉ vài năm gần đây, có báo cáo của một số cơ quan Đảng thừa nhận khoảng 30% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng.
Ở một góc độ khác, nhận định của giới quan sát và phân tích chính trị độc lập là có phần trái ngược và khác biệt lớn so với các báo cáo của đảng. Tức là có đến ít nhất 50% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng, 30% đảng viên đã nhận thức về hiện trạng quá nhiều bất cập, mâu thuẫn và cả xung đột xã hội. Về việc lãnh đạo đảng xa rời thực tế, yếu kém trong công tác điều hành chính quyền – tỷ lệ này phải lên đến ít nhất 70% theo dư luận.
Hiện chỉ còn khoảng 30% đảng viên thuộc về “nhóm thủ cựu” (tức nhóm cách mạng lão thành, nhóm giáo điều, nhóm đặc quyền đặc lợi, nhóm kém năng lực không muốn ra khỏi biên chế…). Khá chua chát nhưng lại cần phải trần thuật một cách hài hước, điều được xem là “một bộ phận không nhỏ” của những nhóm này lại mang tâm lý “còn đảng còn mình”.
Đảng CS Trung Quốc – cho rằng chỉ cần giữ lại 30 triệu tấm thẻ đảng trong tổng số 80 triệu đảng viên như hiện nay. Như vậy, có thể xem rằng Trung Quốc đã gián tiếp thừa nhận trên thực tế chỉ có 30/80 triệu, chiếm khoảng 37%, là đảng viên thuộc loại “trung thành”.
Trung Quốc và Việt Nam lại có nhiều đặc thù giống nhau, đặc biệt là nền chính trị và tâm lý xã hội.
Qua đó có thể thấy, tỷ lệ trung thành với đảng ở Việt Nam vào khoảng 30% trên tổng số đảng viên hiện thời, tức chỉ khoảng 1,2 triệu người.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ lệ 30% trung thành với đảng đã được giới quan sát độc lập ước tính từ những năm 2006-2007, tới nay con số đó có thể thấp hơn. Tuy nhiên, vẫn không hề có một số liệu thống kê chính thức nào từ phía các cơ quan đảng về tình trạng đảng viên xa rời đảng, hay dân gian còn gọi là “thoái đảng”.
Chất lượng đảng viên
Anh Vũ: Về chất lượng đảng viên của đảng là một vấn đề phải bàn. Đặc biệt là động cơ vào đảng của tuyệt đại đa số hiện nay là vì lợi ích cá nhân, đó là tham nhũng. Lãnh đạo Đảng CS Việt Nam cũng thừa nhận đây là một quốc nạn và là một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đe doạ sự tồn vong của Đảng. Ông có đánh giá và nhận xét gì về vấn đề này?
TS Phạm Chí Dũng: Trong các báo cáo của đảng, thường tổng kết về biểu hiện 5 suy thoái về đạo đức, lối sống của đảng viên là:
Thứ nhất là suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên có xu hướng tăng cả về số lượng và phạm vi.
Thứ hai là bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, đó là chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy lợi và chạy tội cho bản thân cho người thân.
Thứ ba, nói nhiều làm ít; nói nhưng không làm.
Thứ tư, quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật, việc nhận xét cán bộ chung chung, thậm chí sai lệch với mức “vô trách nhiệm”. Ví dụ vụ tham nhũng và tha hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên ở PMU 18 nghiêm trọng vậy mà Phó bí thư đảng ủy cơ quan Bộ Giao thông vận tải vẫn khẳng định: “Trước khi bị khởi tố, họ đều là đảng viên tốt”.
Thứ năm, tham nhũng, nhũng nhiễu dân gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, không chỉ làm thất thoát tài sản, tiền vốn của nhà nước, của nhân dân mà còn dẫn tới sự hư hỏng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên.
Đảng cần bổ sung hai vấn đề đang diễn ra trong đảng và chính quyền, đó là sự lộng hành của Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu.
Đáng chú ý có các biểu hiện tàn bạo và manh động của Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu trong việc trưng thu đất đai ở nông thôn Việt Nam.
-TS Phạm Chí Dũng
Tham nhũng trên thực tế đang trở thành quốc nạn và có nguy cơ kéo tất cả xuống hố, mà Vinashin và Vinalines là những ví dụ điển hình. Chúng ta đang nói về vấn đề lượng và chất và mối quan hệ giữa hai phạm trù này, vì thế tôi cũng nêu ra một đối sánh mới là nợ tính theo đầu đảng viên so với nợ theo đầu người dân.
Chẳng hạn, cho đến thời điểm đổ vỡ, Vinashin có 6.000 đảng viên nhưng lại nợ đến 80.000 tỷ đồng, tức mỗi đảng viên nợ 13,3 tỷ đồng, tương đương 665.000 USD, gấp hơn 800 lần nợ công trên đầu người ở Việt Nam là 800 USD. So sánh như thế để mọi người thấy rằng những người được gọi là “công bộc của dân” có thể mang tính đại diện đến thế nào về đặc quyền, đặc lợi và tất nhiên không thể thiếu cái bị gọi là “nghiệp chướng”.
Dẫn chứng trên cũng chứng minh một nghịch lý về chất lượng đảng viên đương thời: không phải mọi đảng viên đều cùng chung một “dòng máu”, không phải đảng viên nào cũng mang tư tưởng bảo vệ đảng xuất phát từ một động cơ, cho dù rằng trên danh nghĩa toàn bộ 3,6 triệu đảng viên đều cùng chung một chiến hào.
Sự ủng hộ của quần chúng
Anh Vũ: Sức mạnh của một tổ chức đảng chính trị dựa trên hai yếu tố cơ bản, đó là số lượng cũng như chất lượng của đảng viên. Nhưng yếu tố thứ hai không kém quan trọng là sự ủng hộ của quần chúng. Việc đảng CSVN xa rời nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc lấy ruộng của người cày cho các nhà tư bản. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?
TS Phạm Chí Dũng: Đây là vấn đề lớn nhất, nóng nhất ở Việt Nam hiện nay. Đang có một sự phân hóa rất lớn trong nội bộ Đảng, thể hiện ít nhất qua việc những đảng viên thuộc Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu, giữa nhóm doanh nghiệp và giới chức chính quyền địa phương, đã cấu kết chặt chẽ với nhau để sẵn lòng bóc lột nông dân và phủ nhận chính những đồng chí đáng tuổi cha mẹ của họ.
Đáng chú ý có các biểu hiện tàn bạo và manh động của Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu trong việc trưng thu đất đai ở nông thôn Việt Nam.
Từ những năm 2006-2007 đến nay, khoảng 70% trong tổng số đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai. Trong số đó, khoảng 70% đơn thứ khiếu tố lại chỉ mặt điểm tên nhiều vụ việc, nhiều cán bộ địa phương ăn chặn tiền đền bù.
Khi bị thu hồi đất, người dân không chỉ phải chịu mức bồi thường thấp mà còn mất nguồn thu nhập thường xuyên, thất nghiệp, sinh hoạt đảo lộn (giao thông, học hành, y tế…), không có chỗ tái định cư. Trên hết, những trường hợp dân oan đã mất niềm tin vào chế độ…
Nhưng hậu quả ghê gớm mà Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu gây ra không chỉ đè lên đầu dân thường mà còn áp chế với cả những cán bộ đảng viên ngay trong nội bộ.
Theo tôi những vấn đề đó là vấn đề đáng báo động, có ảnh hưởng đến ý chí, tư tưởng của các đảng viên và sự tồn vong của đảng, mà hậu quả cuối cùng là đảng CS Việt Nam cũng khó tránh khỏi đổ vỡ. Do vậy, đảng cần phải nhanh chóng xem xét và điều chỉnh cho phù hợp trước khi quá muộn.
Anh Vũ: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng đã dành cho đài chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét