Theo lý luận quân sự marxist, thuộc tính quan trọng, cần khẳng định có tính nguyên tắc bất di bất dịch của lực lượng vũ trang, quân đội là tính giai cấp. Cùng với sự khẳng định công khai luận điểm đó để phù hợp với học thuyết về đấu tranh giai cấp, kể cả đấu tranh giai cấp giữa các quốc gia, các nhà lý luận của đảng và nhà nước cộng sản cũng “phê phán” lý luận quân sự tư sản về việc phủ nhận, triệt tiêu tính giai cấp của quân đội; lừa dối, tung hỏa mù với nhân dân khi nói quân đội là của toàn dân, phi chính trị, không có tính giai cấp.
Tuy nhiên, một mặt khẳng định tính giai cấp, đảng và nhà nước cộng sản cũng giành cái quyền cho rằng lực lượng vũ trang, quân đội của mình là của nhân dân, từ nhân dân, vì nhân dân với danh xưng “quân đội nhân dân”, “công an nhân dân”. Nhiệm vụ, chức năng của quân đội là “bảo vệ tự do, độc lập của dân tộc mình”, bảo vệ “quyền lợi của toàn dân”1. “Đó là những quân đội nhân dân chân chính” 2. Theo đó, chiến tranh do quân đội ấy tiến hành là chiến tranh nhân dân; nền quốc phòng là toàn dân. Bản chất nhân dân của lực lượng vũ trang, quân đội của các nước xã hội chủ nghĩa – cộng sản được cho là hơn hẳn, là thực chất hơn so với các nước tư bản.
Tính chất nhị nguyên đó của lý luận quân sự là một mâu thuẫn logic, đã tồn tại mấy chục năm, cũng giống như nói yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội. Song việc đã thành quen; mọi người nghe vậy, biết vậy, thấy cũng chẳng quan tâm tranh luận làm gì.
Tại Việt Nam, trong khuôn khổ lý luận đó, quân đội được thành lập với hình thức đầu tiên là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tuyên truyền có vũ trang và có khả năng tiến công hoặc chiến đấu đánh trả, phòng ngự, tự vệ, bảo vệ). Tên gọi đó mượn một phần tên gọi của quân đội Trung Quốc – đàn anh mẫu mực, một nội dung của chủ nghĩa thực dân mới trong khối xã hội chủ nghĩa. Sau đó là Đoàn Vệ quốc quân, rồi Quân đội nhân dân Việt Nam. Tính giai cấp, tính đảng của quân đội chỉ được nói trong giáo trình quân sự. Suốt quân sử đó chưa bao giờ quân đội được gọi là cộng sản quân cả, trừ có lời một bài hát đâu đó thời “chống Mỹ” “Anh đang hành quân, ra tiền tuyến, mang theo tình yêu giai cấp trong tim”. Bản chất nhân dân, toàn dân của quân đội, của chiến tranh, của nền quốc phòng là yếu tố nổi trội, là phương thức tiến hành cần thiết để đảng cộng sản giành được thắng lợi. Không có sự áp dụng lý thuyết giai cấp nào trong việc tuyển quân (trừ những trường hợp đặc biệt về lý lịch), trong việc xây dựng các binh chủng, quân chủng, các đơn vị, bộ phận tác chiến và kỹ thuật đặc biệt. Suốt mấy chục năm, tuyên ngữ có tính chất khẩu hiệu, mệnh lệnh của quân đội là “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Thế rồi sửa đổi hiến pháp 2013. Trong những nội dung đảng cương quyết cưỡng ép toàn dân, thông qua cái quốc hội bù nhìn dứt khoát phải bấm nút thông qua ấy về điều 4, về sở hữu toàn dân đối với đất đai, đảng bổ sung chức năng của quân đội là trung thành với đảng, bảo vệ đảng. Dự thảo còn đưa chức năng này thành chức năng đầu tiên chứ không phải là ở sau như văn bản cuối cùng để biếu quyết thông qua.
Đây là tín hiệu, cũng là biểu hiện của sự đổ về cả lý luận và thực tiễn.
Trước hết, từ trước đến nay, về mặt lý luận quân sự, tính đảng của lực lượng vũ trang, của quân đội chỉ cần được diễn đạt bằng luận điểm rằng quá trình xây dựng, tổ chức, chỉ huy của lực lượng này thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản (hoặc tương tự). Sự lãnh đạo đó được thực hiện bằng đường lối, chủ trương, cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của đảng và được vận hành thông qua toàn bộ hệ thống tổ chức đảng trong quân đội, trên hết là Quân ủy trung ương (lại giống Trung Quốc) mà tổng bí thư là người đương nhiên kiêm chức vụ bí thư.
Đến thời điểm 2013, hoàn cảnh chính trị trong nước cũng không có gì thay đổi đến mức tạo ra sự thách thức đối với cơ chế đó, như giai đoạn 1989 – 1991. Thiết kế của dự thảo hiến pháp vẫn là khẳng định, nâng cấp điều 4 đến mức hoàn hảo hơn. Trong nội dung điều chỉnh của điều này, đảng vẫn là tổ chức duy nhất lãnh đạo toàn diện đất nước và dân tộc, trong đó có quân đội, lực lượng vũ trang, tình trạng hòa bình và chiến tranh, hoạt động của quân đội và sự nghiệp quốc phòng. Không lý do gì quân đội lại không phục tùng, trung thành và bảo vệ cái chủ thể lãnh đạo mình đã được hiến định.
Mặt khác, đảng, thông qua hiến pháp và nhiều công cụ tuyên truyền, lý luận, lãnh đạo khác, khẳng định rằng đảng là của nhân dân, dân tộc, trong nhân dân và dân tộc; lợi ích của đảng thống nhất và không ngoài lợi ích của toàn dân. Vậy thì chỉ cần quân đội trung với nước, hiếu với dân là đảng cũng được hưởng phần rồi. Quân đội, khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ nhân dân, làm sao có thể loại trừ đảng ra được.
Hơn nữa, về mặt địa lý, đảng chủ yếu tồn tại và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Khi quân đội hoạt động ứng phó với những tình huống quốc phòng, tình trạng chiến tranh với quá trình tác chiến cụ thể, không lẽ lại gôm đảng vào một khu vực nào đó để không bảo vệ sao ?
Vậy thì ghi thêm chức năng quân đội trung thành với đảng, bảo vệ đảng vào hiến pháp chỉ làm rườm rà, vô nghĩa hoặc khó hiểu, dư thừa; làm loãng ra và suy yếu đi năng lực đặc thù của lực lượng này. Nếu không chọn những khiếm khuyết cũng có ý nghĩa sụp đổ về lập luận, lý luận đó, việc ghi thêm vào như vậy có thể tạo ra những suy diễn nguy hiểm, mà chính những suy diễn nguy hiểm này mới là sự cảm nhận, dự báo về một sụp đổ có thật:
1. Khả năng có lúc, với những diễn biến nào đó, quân đội không trung thành với đảng, không bảo vệ đảng nữa với những kịch bản đảo chính quân sự. Trong cơ chế lãnh đạo hiến định hiện nay, khả năng này rất khó xảy ra nhưng không phải là không xảy ra khi sự phân hóa trong đảng vì xung đột lợi ích ngày càng nghiêm trọng, vì những tác động của các thế lực nước ngoài khác nhau, vì những biến động địa chính trị khu vực và thế giới có thể gây ra sự lựa chọn xu thế khác nhau của các nhóm quyền lực – lợi ích trong đảng. Điều đó đảng đã xác định trong 4 nguy cơ và nhất là từ nghị quyết trung ương 4 khóa XI.
2. Quân đội chỉ bảo vệ đảng trong nước, xét về thực tế địa lý như đã nói trên. Quân đội không thể bảo vệ đảng ở nước ngoài, cũng không thể bảo vệ đảng từ nước ngoài; quân đội chỉ có thể bảo vệ đảng thông qua hoạt động quốc phòng và chiến tranh, cùng với việc đánh trả kẻ thù ngoại xâm, bảo vệ, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập của Tổ quốc. Nếu quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ đảng ngoài qui luật đó ngay trên đất nước mình, có nghĩa là quân đội làm một nhiệm vụ khác, phi quân sự, phi quốc phòng, là tham gia hoạt động chống lại một lực lượng đối lập, chống đảng ngay trên lãnh thổ đất nước; lực lượng đó chính là nhân dân, toàn dân. Quân đội chống lại nhân dân để bảo vệ đảng. Và dĩ nhiên, trong tình huống đó, nhân dân đối lập với đảng, đảng đối lập với nhân dân; đảng không còn là của nhân dân và dân tộc nữa; quân đội sẽ cũng không còn là quân đội nhân dân nữa. Khi bổ sung chức năng cho quân đội, có lẽ đảng đã dự báo tình huống sụp đổ này?
Đó là những suy diễn. Khả năng đúng của suy diễn đó có thể chứng minh ngay bằng phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại Shangri-la 13: từ một quân đội kẻ thù nào cũng đánh thắng, để bảo vệ đảng, đã thể hiện tư tưởng chủ hòa, buông súng, đầu hàng.
Xích Tử
Xích Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét