Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Sài Gòn Thất Thủ: Kỳ 12: Rời bỏ thủ đô

@On the Web

“Anh có thể làm chồng của tôi hay không?”
“Cái gì?”
“Không sao đâu, đó chỉ là trên mặt giấy tờ mà thôi. Tôi hứa sẽ không gây phiền phức gì cho anh đâu”.

Nhìn khuôn mặt quen thuộc của cô gái VN trước mặt, tôi giật mình khi nghe cô ta ngỏ lời yêu cầu bất ngờ như vậy.

Cô là nhân viên của một hãng du lịch gần nơi văn phòng làm việc của tôi trong TP Sài Gòn. Tôi và cô chỉ quen biết qua những lần gặp gỡ có tính cách xã giao vì chỗ làm việc gần nhau. Và lần này cô đích thân đến văn phòng của tôi để nhờ giúp đỡ với vẻ mặt khẩn thiết và giọng nói chân thành, nhỏ nhẹ nên tôi biết cô ta không nói đùa. Đó là chuyện xảy ra vào cuối tháng 3/1975 trước khi thủ đô Sài Gòn thất thủ một tháng. 

Thời điểm này, áp lực quân sự của Bắc Việt đã đè nặng lên các tỉnh cao nguyên Trung phần bằng những trận tấn công kịch liệt vào hai thành phố lớn của miền Nam là Huế và Đà Nẵng khiến Sài Gòn lâm vào tình trạng hoảng hốt lo sợ, đưa đến tâm lý người dân nơi đây càng muốn rời khỏi VN đi ra ngoại quốc để lánh nạn cộng sản. 
Từ trước đó, việc xuất ngoại của người dân miền Nam đã bị hạn chế rất nghiêm ngặt chỉ trừ những hợp đặc biệt như vì công vụ, đi du học theo học bổng, thăm viếng thân nhân ở ngoại quốc, ra nước ngoài để trị bệnh v.v..., còn lại những diện khác thì rất khó khăn. Tuy nhiên, lợi dụng một điểm đặc biệt của một số giới chức cao cấp của chính quyền miền Nam là tham nhũng nên người nào có tiền và hối lộ thật nhiều thì cũng sẽ được cấp giấy phép xuất cảnh. Cho nên có thể nói là tại miền Nam vào thời bấy giờ, đa số người dân Sài Gòn đều không có khả năng để đi ra nước ngoài, Cuối cùng, chỉ còn mỗi trường hợp là kết hôn với người ngoại quốc mà thôi. Do đó, số phụ nữ VN mang nguyện vọng xuất cảnh theo diện kết hôn này đã bất chợt tăng lên thật nhiều.

@On the Web

Trường hợp của tôi khi ấy cũng còn đang độc thân và sống tại VN từ ba năm trước nên tôi có rất nhiều người quen biết và họ cũng đã thường nhờ tôi giúp dùm việc xuất cảnh theo diện kết hôn. Không riêng gì phụ nữ mà ngay cả những người đàn ông làm chủ các hãng xưởng, tiệm buôn, vì muốn đi Nhật nên nhờ tôi giới thiệu dùm cho họ những nhân viên Tòa đại sứ Nhật Bản ở Sài Gòn. Cho đến ngay cặp vợ chồng chủ nhân cao ốc nơi tôi mướn phòng làm việc chỉ có hai người con trai còn trẻ cũng nhờ tôi giúp đỡ đưa con họ đi ra nước ngoài. Tuy vậy, đối với những trường hợp phức tạp tại nước ngoài như thế, người Nhật Bản đã không giúp được gì cả, mà dù cho có cũng chỉ là một số ít nào đó thôi.

Thật ra lúc đó tôi không tán thành chuyện người VN từ bỏ quê hương của mình một cách đơn giản như vậy vì tôi cho rằng dù tình thế xảy ra thế nào đi chăng nữa thì việc người VN sống trên đất VN cũng là một điều đương nhiên và hợp lý. Cho đến khi có một cô gái làm nhân viên ngân hàng quốc gia là bạn với vị giáo sư dạy tiếng Pháp cho tôi đến nhờ vả việc xuất cảnh thì tôi đã trình bày cho cô ta nghe những điều suy nghĩ như trên và khuyên cô ta nên ở lại. 

Nhưng sau khi nghe tôi nói vậy, cô ta vốn bình thường là người đoan trang, nhu mì lại chợt giận dữ rồi lớn tiếng nói với tôi: “Việc sống dưới chế độ cộng sản có được hay không là do sự phán đoán và quyết định của tôi. Hôm nay tôi đến để nhờ anh chớ không phải để tranh luận với về vấn đề rời bỏ VN ra đi là đúng hay sai”. Nghe cô ta nói đến đây, tôi chỉ biết ngậm miệng lại không dám giải thích tiếp tục nữa.

*

Bắt đầu từ trung tuần tháng 4/1975, chiến cuộc tại VN càng trở nên sôi động và nguy ngập nên chính quyền Sài Gòn đã ra lệnh cấm toàn diện việc xuất cảnh, cho dù những người có quyền thế hoặc giàu có tới đâu cũng không thể rời khỏi VN lúc này. Dĩ nhiên, đây là một quyết định hợp lý vì trước nguy cơ tồn vong của miền Nam việc cần thiết nhân lực ở lại để phòng thủ là chuyện cấp bách hơn bao giờ hết. Thế nhưng, phương sách này được áp dụng vào trong một thời điểm đã quá muộn và người dân Sài Gòn đã tìm cách xuất cảnh bằng những hình thức khác cho dù đó là bất hợp pháp.

Tình hình chiến sự càng sôi sục bao nhiêu thì tình trạng xuất cảnh càng thay đổi bấy nhiêu. 

Từ ngày 20/4/1975 Hoa Kỳ đã bắt đầu sử dụng các vận tải cơ C-130 và C-141 để tiến hành kế hoạch di tản, đặc biệt là kế hoạch di tản này trên nguyên tắc khác với một cuộc di tản cuối cùng mang tính cách triệt thoái toàn diện. Và theo dự tính ban đầu thì Hoa Kỳ chỉ di chuyển phụ nữ và trẻ em là thân nhân, gia đình của những nhân viên Tòa đại sứ cùng một số ít ngưòi Mỹ còn lưu lại VN lúc đó. Nhưng trước tình thế quá khẩn cấp, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải cho di tản hết toàn bộ những nhân viên thuộc cơ quan xí nghiệp Mỹ, kể cả những người VN có quan hệ hôn nhân với người Mỹ và thân nhân của họ.

Đồng thời, cũng có một số người trước đây đã hợp tác với quân đội Hoa Kỳ và những người thuộc diện đào thoát từ phía quân BV để hợp tác cùng chính quyền miền Nam cũng được Hoa Kỳ cho di tản trong kế hoạch này vì Hoa Kỳ phán đoán rằng họ sẽ bị chính quyền mới trả thù sau khi chiếm được miền Nam. Vì lý do này, tình trạng di tản theo các diện được Hoa Kỳ chấp nhận đã trở nên hỗn loạn và lan rộng khắp miền Nam khiến những người phóng viên ngoại quốc chúng tôi cũng không kém phần lo lắng. 


@On the Web

Khi các máy bay của Hoa Kỳ đáp xuống căn cứ không quân tại phi trường Tân Sơn Nhất, người ta đã thấy một đoàn người thật đông đảo kể cả nam, phụ, lão, ấu vây quanh để tranh nhau bước lên  máy bay. Lúc này, tôi đã hiểu được tâm trạng lo sợ của người dân miền Nam nên đã giới thiệu rất nhiều bạn bè với những nhân viên liên hệ của các cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ cũng như đã ký vào đơn kết hôn cho dù không rõ sự tình sẽ ra sao.

Do tình huống hỗn loạn của cuộc di tản này kéo dài cho đến ngày cuối cùng khi Sài Gòn thất thủ nên quang cảnh những người dân thủ đô hối hả tranh nhau xuất cảnh đã tựa như những đợt sóng người cuốn xoáy theo chiều hướng hỗn độn và ầm ĩ.
@On the Web

Đến ngày 29/4/1975 thì lệnh giới nghiêm 24/24 được ban hành khiến người dân có phần nào e dè và sự di chuyển trên các đường phố đã tương đối giảm sút. Nhưng ngày hôm sau đó, tức ngày 30/4/1975 thì dân chúng thành phố đã hiểu rõ rằng chính quyền Sài Gòn đang từng giây từng phút bị sụp đổ nên đa số đã rời khỏi nhà và tìm cách trốn chạy. 

Bản thân tôi vì có giấy phép đặc biệt không giới hạn bởi lệnh giới nghiêm nên tôi đã dùng xe hơi chạy khắp thành phố Sài Gòn để quan sát tình hình. Tóm lại, quang cảnh lúc đó thật là hỗn tạp với tiếng khóc la ầm trời của những đoàn người tay bồng bế trẻ em, tay xách nặng hành lý đủ loại, dìu dắt thân nhân vừa chạy gấp rút vừa biểu hiện sự hoảng sợ kinh khiếp khiến tôi phải bàng hoàng.

Chỉ nội khu vực trung tâm thành phố, tôi đã chứng kiến hàng ngàn người trong tình cảnh chạy loạn như vậy. Không phải, hàng vạn người thì đúng hơn. Nói cách khác, cảm giác của tôi lúc đó tựa như một người bất lực đứng nhìn một xã hội, một quốc gia như miền Nam bây giờ đang từ từ rạn nứt, tan vỡ một cách đau thương với nỗi luyến tiếc vô vàn. Nỗi lo sợ kinh hoàng của những người ở Sài Gòn còn được bộc lộ nơi những người dân thật bình thường mà từ trước đến nay họ chẳng biết gì gọi là kỳ vọng nơi sự bảo vệ của Hoa Kỳ và quân đội miền Nam. Tất cả đều hốt hoảng, bỏ chạy tán loạn. Đứng trước những tình cảnh này, một người đã sống quen thuộc và trở nên thân thiết với nơi đây như tôi đã không sao dằn được cơn xúc cảm mãnh liệt. 



@On the Web

Cho đến lúc các vận tải cơ và trực thăng đưa người di tản cất cánh thì vẫn còn rất nhiều người tụ tập quanh tòa đại sứ Hoa Kỳ và phi trường Tân Sơn Nhất. Mặt khác, trên sông Sài Gòn các thuyền bè xuất hiện đông đảo và đầy chật người trên đó. Ngay cả các tàu chở hàng cũ kỹ cũng không còn chỗ trống. Người dân định dùng đường biển để vượt thoát khỏi nơi này. 

Nhưng tại sao người dân miền Nam lại bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng mà rời bỏ quê hương yêu dấu của họ như thế? Đành rằng là sau một cuộc chiến kéo dài, kẻ bại trận phải lo sợ sự trả thù của người chiến thắng là một trong những lý do đương nhiên, nhưng phía CSBV cũng đã luôn tuyên bố là họ tiến vào Sài Gòn để giải phóng người dân  miền Nam thoát khỏi ách nô lệ và bóc lột kia mà! 

Như vậy thì tại sao hầu hết mọi người đều phải trốn khỏi một tổ quốc đã được quân Bắc Việt giải phóng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét