Komori Yoshihisa – Khôi Nguyên (HVR) dịch
Nhưng Hoa Kỳ đã không viện trợ cho miền Nam như những lời cam kết và hiệp định Ba Lê đã hoàn thành một vai trò lịch sử quái dị, mở đường cho cuộc chiến thắng của quân Bắc Việt cũng như tạo động lưc mạnh mẽ cho sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Vai trò lịch sử quái dị của hiệp định Ba Lê
Vào buổi sáng sớm ngày bắt đầu có hiệu lực của hiệp định Ba Lê, bầu trời Sài Gòn được tô điểm bằng những màu sắc xanh trong thật đẹp, tôi đã dùng xe hơi chạy vòng quanh Dinh Độc Lập nên ngắm nhìn được những quang cảnh này. Trong bầu không khí êm đềm lúc đó, những hồi chuông thánh thót vang lên từ Nhà Thờ Đức Bà nằm đối diện với cục Bưu Điện Sài Gòn tựa như báo hiệu chính thức cho cuộc ngưng bắn được quy định nơi hiệp định Ba Lê.
Hiệp định Ba Lê là một bản văn quy định về việc đình chiến và những thủ tục tất yếu để tiến hành việc hòa giải dân tộc giữa hai miền Nam Bắc VN. Đây cũng là một bản văn làm xôn xao dư luận quốc tế về một giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh tại VN.
Ngoài đường phố lúc đó, xe cộ, người ta bắt đầu di chuyển nhộn nhịp và đa số người dân nơi đây đều tỏ vẻ nhẹ nhỏm như trút đi những gánh lo âu mang nặng bấy lâu nay. Riêng tôi cũng cảm thấy thoải mái, thanh thản vì nghĩ rằng từ nay chiến tranh đã thực sự chấm dứt và hòa bình sẽ được tái lập trên mảnh đất Việt Nam đầy đau thương này. Đó là ngày 28/1/1973.
Nhưng sự đình chiến chính thức theo như quy định của hiệp định Ba Lê đã không được thực hiện đúng đắn dù chỉ trong một ngày. Và mỗi điều duy nhất được nghiêm chỉnh thực hiện theo hiệp định này là quân đội Hoa Kỳ đã triệt thoái toàn diện khỏi VN mà thôi.
Trong khi đó, cuộc chiến huynh đệ tương tàn của hai miền Nam Bắc vẫn cứ tiếp diễn cho đến hai năm sau, quân Bắc Việt đã vi phạm trắng trợn hiệp định Ba Lê, xâm chiếm miền Nam bằng các hành động quân sự. Kết quả là họ đã tiêu diệt chính quyền miền Nam. Vì vậy nếu trở lại thời điểm ngày 28/1/1973 nói trên thì những hồi chuông vang lên hôm đó, chẳng khác nào là hồi chuông điếu tang báo hiệu cho sự sụp đổ của miền Nam.
Từ cuối tháng 3/1972 trước đó, qua chiến dịch tổng tấn công của Bắc Việt vào ba thành phố Kontum, An Lộc, Quảng Trị đã trở thành những chiến địa ác liệt nổi tiếng làm chấn động cả thế giới. Tuy thoạt đầu quân Bắc Việt đã chiếm cứ được Quảng Trị và một số nơi khác, nhưng sau đó trước sự phản công kiên cường của quân đội miền Nam, quân Bắc Việt phải tháo lui và không giữ được một thành phố nào đã từng chiếm đóng cho đến hết mùa Xuân năm đó.
Trong suốt thời gian này, quân đội Hoa Kỳ đã trợ giúp cho miền Nam bằng những cuộc oanh tạc và pháo kích vào cứ địa của quân Bắc Việt ở miền Bắc do các oanh tạc cơ xuất phát từ những hạm đội ngoài khơi. Lúc này, tôi cũng bám sát từng chiến trường để thực hiện những bài ký sự nóng bỏng dưới những làn đạn pháo đầy trời. Tại chiến trường Quảng Trị, tôi đã nhặt được tập nhật ký của một binh sĩ quân Bắc Việt tử trận tên Nguyễn Đình Tạo, trong đó có ghi lại rằng anh ta đi chiến đấu nơi chiến trường miền Nam để lại vợ ở Hà Nội và lúc nào cũng tưởng nhớ mùi hoa lài nơi cố hương của mình, vì lý tưởng dân tộc anh ta quyết chiến đầu dù phải hy sinh tính mạng. Khi tôi được người phiên dịch đọc lại cho nghe những điều này thì lần đầu tiên tôi có cảm giác về tính chất của cuộc chiến này là nếu hai bên chịu ngồi lại nói chuyện với nhau thì họ sẽ hiểu rõ nhau hơn.
Sau đó, tình hình sôi động chiến trường đã tạm thời lắng dịu trong lúc tại Sài Gòn, những tin đồn về một cuộc đàm phán đình chiến và việc quân đội Hoa Kỳ rút lui khỏi VN đã bắt đầu lan rộng. Tháng 7/1972, cố vấn Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Kissinger đã tổ chức những cuộc đàm phán bí mật cùng Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị trung ương đảng Lao Động, nay là đảng cộng sản. Những cuộc “đi đêm” ngày càng kéo dài với nội dung đàm phán hoàn toàn được giữ kín trong vòng bí mật.
Và cứ mỗi lần đàm phán xong, chính bản thân ông Kissinger hoặc người phụ tá là ôngAlexander Haig lại bay đến Sài Gòn để hội đàm cùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trên tư cách là một vị đặc sứ. Những lúc như vậy thì các đặc phái viên như chúng tôi thường đến phi trường Tân Sơn Nhất để phỏng vấn ông Haig hoặc ông Kissinger nhưng tuyệt nhiên cả hai ông đều không tiết lộ một chút nào chi tiết nào liên quan đến cuộc đàm phán cả.
Công việc chính của những người làm phóng viên chiến trường như chúng tôi chỉ là ghi lại những điều tai nghe mắt thấy dưới vòm trời lửa đạn, cho nên các tin tức liên quan đến những nhà ngoại giao và chính trị gia cùng các cuộc tiếp xúc qua lại giữa họ thì công việc của chúng tôi đã trở thành những người đi lượm lặt từng mảnh vụn tin tức để cháp nối thành những suy luận vá víu.
Lúc này, coi như việc Hoa Kỳ muốn rút khỏi Việt Nam một cách toàn diện đã hầu như được minh bạch hóa. Đồng thời, Hoa Kỳ vẫn giữ tư thế viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam, nhưng còn cuộc chiến đấu với miền Bắc thì sẽ giao lại cho người VN trên tinh thần rút lui trong danh dự và không bỏ rơi đồng minh. Dĩ nhiên là dư luận miền Nam đã phản đối mạnh mẽ những hành động đàm phán qua mặt mình như vậy của Hoa Kỳ và chỉ trích rằng Hoa Kỳ với mục đích đòi Bắc Việt trao trả tù binh cũng như muốn rút quân sớm ra khỏi Việt Nam nên ép buộc chính quyền miền Nam phải ký kết những hiệp định đầy bất lợi. Theo chính phủ miền Nam thì tại sao có điều kỳ quặc là song song với việc quân đội Hoa Kỳ triệt thoái khỏi thì sự kiện bộ đội Bắc Việt với quân số đông đảo đang hiện diện ở miền Nam lại không được đề cập đến?
Trong quá trình phản đối kịch liệt phía Hoa Kỳ về vấn đề này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đặc biệt trọng dụng người cháu của ông là Hoàng Đức Nhã. Ông Nhã là một thanh niên cao lớn, đẹp trai và được đào tạo tại Hoa Kỳ. Với một trình độ Anh ngữ lưu loát, ông Nhã đã đưa ra những nghị luận phản bác lại khuynh hướng triệt thoái của Hoa Kỳ trong tư thế là chẳng thèm coi nỗ lực đi đêm của Kissinger vào đâu cả. Điều này khiến dư luận Hoa Kỳ không có thiện cảm với ông Nhã nhưng ngược lại tại quốc nội, ông Nhã lại chiếm được cảm tình của chính giới và dân chúng miền Nam. Vì vậy, giai đoạn này đã trở thành thế kèn cựa qua lại đưa đến tình trạng không thể nào hình thành được việc ký kết một hiệp định theo ý muốn của Hoa Kỳ.
Về phía Bắc Việt, sau quá trình đi đêm đã tưởng đâu là Hoa Kỳ sẽ ép được chính phủ miền Nam ưng thuận việc ký kết nên đối với cục diện bất thành họ đã bất mãn và vào ngày 26/10/1972 đài phát thanh Hà Nội đột nhiên bộc lộ công khai những chi tiết về thảo án của hiệp định ngưng chiến được thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt trước đó. Việc này đã làm cho Hoa Kỳ bực tức và đi đến quyết định cứng rắn là đe dọa cắt đứt viện trợ nếu chính quyền miền Nam không đồng ý hợp tác về vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó Bắc Việt lại đưa ra thêm một số yêu sách khiến Hoa Kỳ càng phẫn nộ và đã dằn mặt bằng một cuộc oanh tạc quy mô trên một số khu vực trung tâm của miền Bắc. Đó là cuộc dội bom vào cuối năm 1972 đến đầu năm 1973 được gọi là “cuộc oanh tạc Giáng Sinh”.
Trải qua những giai đoạn như vậy, kết cuộc hiệp định ngưng chiến giữa hai miền Nam Bắc và việc Hoa Kỳ ngưng oanh tạc cùng với việc Bắc Việt trao trả tù binh Mỹ đã được sự đồng ý của các phe tham chiến. Mặt khác, theo hiệp định này về mặt chính trị thì tại miền Nam dưới sự giám sát của quốc tế sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử tự do để dân chúng tự lựa chọn chính thể. Thêm nữa, chính phủ miền Nam và chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (CMLTMNVN) sẽ cùng một thế lực chính trị thứ ba trên nguyên tắc ba phe bình đẳng để thành lập nghị hội toàn quốc hòa giải dân tộc, và các thành viên trong nghị hội sẽ ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử nói trên.
Ngày 27/1/1973, hiệp định này đã được ký kết tại Paris giữa đại diện bốn bên gồm Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn, Bắc Việt và chính phủ CMLTMNVN với tên gọi chính thức hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam, hay còn gọi tắt là hiệp định Ba Lê với niềm hy vọng tràn trề về cuộc đình chiến tại Việt Nam.
Trong giai đoạn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phản đối việc ký kết hiệp định, chính phủ Nhật Bản đã cực lực phản đối hành động này của ông Thiệu qua lời chỉ trích rằng ông Thiệu chỉ là một thứ trở ngại cho nền hòa bình, đồng thời Nhật Bản với chủ trương là nếu Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam thì người Việt Nam với nhau sẽ dễ dàng thương lượng và thực hiện việc hòa giải dân tộc, đã gần như là áp đảo tinh thần ông Thiệu qua những lời kêu gọi hãy nhanh chóng ký kết vào hiệp định ngưng bắn Ba Lê.
Nhưng trên thực tế chỉ có việc Hoa Kỳ triệt thoái toàn diện và phía Bắc Việt trao trả tù binh được coi như thi hành đúng đắn theo tinh thần của hiệp định Ba Lê, còn lại những gì gọi là hòa giải dân tộc hoặc lập lại một nền hòa bình vĩnh cửu tại Việt Nam v.v… được ghi trong hiệp định đều là những điều mơ tưởng. Như vậy, hiệp định Ba Lê đã mang một ý nghĩa gì?
Tôi chợt nhớ đến lời nhận định của ông Joe Freed, một ký giả chuyên nghiệp kỳ cựu đã từng sống ở Sài Gòn trên 10 năm của nhật báo New York Daily News, như sau: “Hiệp định Ba Lê? Ồ! Đó chỉ là một sự lường gạt trắng trợn và nó giống như một tấm giấy thông hành cấp cho Hoa Kỳ được phép rời khỏi Việt Nam mà thôi. Việc Hoa Kỳ nhận lại tù binh cũng chỉ là một hình thức tạm thời làm cho vẻ hợp lệ trên mặt giấy tờ. Còn lại sau đó, Hoa Kỳ bỏ mặc cho miền Nam ra sao cũng được, miễn là Hoa Kỳ cứ tiếp tục viện trợ cho miền Nam để giải quyết vấn đề của mình”.
Nhưng Hoa Kỳ đã không viện trợ cho miền Nam như những lời cam kết và hiệp định Ba Lê đã hoàn thành một vai trò lịch sử quái dị, mở đường cho cuộc chiến thắng của quân Bắc Việt cũng như tạo động lưc mạnh mẽ cho sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
© Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
(Kỳ tới: Kỳ 8: Người phóng viên miệng lưỡi và cuộc chiến thắng vô nghĩa)
Sài Gòn thất thủ
Tác giả: Komori Yoshihisa
Khôi Nguyên dịch
- Kỳ 1: “Kẻ ở, người đi và một sự thật bình thường”
- Kỳ 2: “Xuân Lộc, một chiến thắng ngắn ngủi làm nức lòng dân”
- Kỳ 3: Hoa Kỳ triệt thoái
- Kỳ 4: Hư cấu về MTGPMN.
- Kỳ 5: Sự bắt đầu của màn chung kết
- Kỳ 6: Những cảm nhận sâu sắc về sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản
- Kỳ 7: Vai trò lịch sử quái dị của hiệp định Ba Lê
- Kỳ 8 : Người phóng viên miệng lưỡi và cuộc chiến thắng vô nghĩa
- Kỳ 9: Bí ẩn nan giải của lịch sử
- Kỳ 10: Nữ kịch sĩ Kim Cương là ai?
- Kỳ 11: Cảm nghĩ của người dân về chính quyền Sài Gòn và MTGPMN
- Kỳ 12: Rời bỏ thủ đô
- Kỳ 13: Áp lực từ chức
- Kỳ 14): Vị Tổng Thống cuối cùng
- Kỳ 15: Cuộc thảm sát tập thể tại Huế
- Kỳ 16: Tìm hiểu vùng đất của phe MTGP
http://rbomtm.blogspot.ca/2014/04/nhung-ngay-cuoi-cung-cua-sai-gon.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét