Khi tiếng còi của ông trọng tài Nhật Bản cất lên cho trận mở màn giữa đội tuyển Brazil và Croatia vào trưa thứ Năm 12 tháng Sáu 2014, 22 cầu thủ của đội bóng Nam Mỹ và Châu Âu bắt đầu nhấc chân chạy đua với quả bóng trên sân. Khán giả vỗ tay reo hò ủng hộ, dàn huấn luyện viên và toán cầu thủ phòng hờ cũng kẻ đứng người ngồi hò hét, mách nước cho bạn đồng đội đang tranh tài. Không ai bảo ai, mọi người đều biết Giải thể thao lớn nhất thế giới đã bắt đầu, và trong suốt thời gian một tháng trời sau đó, đa số người dân khắp mọi châu lục đều ăn, ngủ và nằm mơ với quả banh.
Trên khán dài danh dự, các thành viên của ban điều hành Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA cùng với Ban Tổ Chức World Cup 2014 Brazil thở phào nhẹ nhõm, nhìn nhau thầm bảo công trình đầy khó nhọc kéo dài 7 năm đã có kết quả: không chỉ nhìn thấy quả bóng lăn trên sân, họ còn nhìn thấy lợi nhuận kinh tế World Cup sẽ đem về cho quốc gia chủ nhà trong thời gian Giải diễn ra và những năm sau đó. Họ cũng nhớ lại chỉ chừng nửa tiếng đồng hồ trước trận mở màn, ông Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter hãnh diện nói “Giải 2014 sẽ được mọi người nhớ đến vì quy tụ những đội tuyển lẫy lừng nhất và những cầu thủ tên tuổi, đắt giá nhất của làng bóng tròn thế giới”.
Điều đó chẳng sai một tí nào cả.
Nếu tính số tiển 23 cầu thủ Tây Ban Nha kiếm được theo giao kèo họ đã ký với các câu lạc bộ nhà nghề, trị giá của đội banh này lên đến 921 triệu dollars, nhiều hơn tổng số tiền của đội tuyển Đức khoảng gần 100 triệu. Đứng hạng 3 trong danh sách là đoàn quân chủ nhà Brazil, trị giá 700 triệu chẵn, kế đến là Pháp và ngay sau đó là Argentina trị giá 580 triệu dollars, phần nửa nhờ vào khoản tiền thật lớn mà 3 cầu thủ gạo cội Lionel Messi, Sergio Aguero và Gonzalo Higuain được trả (tổng cộng 300 triệu). Messi cũng đang dẫn đầu danh sách những cầu thủ bóng tròn đắt giá nhất thế giới: hai tháng trước đây anh vừa ký giao kèo 4 năm với Barcelona lãnh 108 triệu, nếu kể cả tiền thu được nhờ quảng cáo anh sẽ mang về được 177 triệu bạc. Barcelona cũng là câu lạc bộ nhà nghề sẵn sàng bỏ những khoản tiền khổng lồ để mua cầu thủ về cho hội: trong danh sách 10 “siêu sao” đang kiếm nhiều tiền nhất thể giới có 3 người đá cho Barca, trong 30 cầu thủ lương cao nhất thế giới có 6 anh đang khoác áo cho tuyển “nhà vua” (2 phần 3 còn lại được chia cho Bayern, Real Madrid, Manchester United và Manchester City).
Trong bảng xếp hạng trị giá những đội tuyển có mặt dự World Cup Brazil 2014, đoàn tuyển thủ Xứ Cờ Hoa đứng ở chỗ nào? Xin thưa: đứng ở hạng 26. Cầu thủ đắt giá nhất của Mỹ là anh Clint Dempsey cách đây chẳng bao lâu mới ký giao kèo nhận số tiền 10.5 triệu dollars, tức kém mức thu nhập của Messi tới 17 lần. Dĩ nhiên anh thủ quân của Hoa Kỳ cũng chẳng nên buồn, vì nếu tính tổng cộng tiền lương và tiền quảng cáo 11 cầu thủ chính của đội tuyển Mỹ (starters) thu được cũng vẫn không bằng số tiền Messi bỏ túi.
Bảng xếp hạng giá trị (tính bằng tiền) của các cầu thủ xuất hiện trên sân cỏ Brazil cũng cho thấy khoản tiền họ lãnh được tùy vào vị trí trong sân: các anh đi hàng tiền đạo hoặc trung phong đều là những anh kiếm bạc triệu, cầu thủ đứng hàng hậu vệ thường là những người kiếm tiền kém nhất (so với các đồng đội, nhưng vẫn rất cao so với những người bình thường ngồi ghế khán giả xem họ trổ tài bảo vệ khung thành). Trong hàng ngũ thủ môn không ai qua mặt được anh Gianluigi Buffon: đồng ý rời câu lạc bộ Parma về trình diện Juventus với số tiền 60 triệu dollars lót đường, trong lúc tiền lương của cả 6 anh hậu vệ được gọi trình diện đội tuyển Costa Rica cộng lại chỉ bằng 1/20 số tiền anh thủ môn đắt giá nhất thế giới để trong ngân hàng. Cũng về khoản tiền thủ môn thế giới kiếm được, anh râu xồm mới tạo kỷ lục Tom Howard của đội tuyển Mỹ được câu lạc bộ Everton trả 5 triệu dollars một năm (hồi 2003, Manchester United mua anh từ câu lạc bộ N.Y MetroStars với giá 4 triệu, và đến giờ vẫn là khoản tiền chuyển nhượng lớn nhất một đội bóng nhà nghề Âu Châu đồng ý trả cho một đội bóng nhà nghề của Hoa Kỳ).
Điều đáng tiếc: có thể đội tuyển quy tụ những cầu thủ đắt tiền nhất là những đội tuyển đứng hạng thật cao trong bảng xếp hạng của FIFA (chẳng hạn như Tây Ban Nha đứng đầu bảng, Brazil đứng thứ 3), nhưng chưa hẳn đã là đội tuyển thành công ở World Cup. Lịch sử bóng tròn thế giới cho thấy đội banh trị giá 831 triệu dollars giúp Tây Ban Nha lấy được chiếc cúp vô địch hồi 2010, nhưng năm nay dù vẫn là đội banh đắt giá nhất lại không thành công, phải chia tay với Giải ngay từ vòng bảng, (tương tự như trường hợp của Anh, Itay và Bồ Đào Nha là những đội thuộc hạng đắt tiền). Tám năm trước đây hai đội đắt giá nhất nhì thế giới là Anh, Đức và Hòa Lan phải đứng ngoài sân nhìn Pháp-Italy tranh ngôi vô địch, hoặc hồi 1998 hai đội tuyển gặp nhau tranh trận chung kết là Pháp và Brazil cũng không phải là những đội tuyển đứng đầu danh sách “đắt giá” nhất của làng bóng tròn thế giới: Brazil đứng thứ 3, Pháp đứng thứ 6.
Nhưng World Cup mà không có những “siêu sao” thì… không phải là World Cup. Bốn năm trước đây tại Nam Phi, nhà báo Carla của Tây Ban Nha đưa ra nhận xét để đời sau trận Đức thắng Anh 4-1 ở vòng 16: “World Cup là cuộc tranh tài thể thao duy nhất mà khán giả chỉ cần bỏ ra chừng trăm bạc để mua vé là xem được tiền tỷ chạy nhảy trên sân”. Hôm đó trị giá của 2 đội Đức và Anh ở khoảng 1 tỷ 250 triệu dollars.
MƯỜI CẦU THỦ BÓNG TRÒN ĐẮT GIÁ NHẤT THẾ GIỚI
- Lionel Messi: $177 triệu
- Cristiano Ronaldo: $148 triệu
- Edinson Cavani: $84 triệu
- Neymar: $84 triệu
- Andres Iniesta: $81 triệu
- Mario Gotze: $81 triệu
- Luis Suarez: $77 triệu
- Cesc Fabregas: $74 triệu
- Mesut OZil: $74 triệu
- Hulk: $71 triệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét