(theo Wall Street Journal)
Vợ chồng Chủ tịch Kim Jong-un đi xem kịch |
"Quỹ đen" này còn được gọi là "quỹ cải cách" - được Văn phòng 39 lập cho cố Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il tiêu tiền thoải mái. Đó là tiết lộ của Choi Kun-chol, một cựu cán bộ ngành thương mại đã “vượt biên” khỏi Triều Tiên hồi vài năm trước...
Tại cuộc họp báo đầu tiên sau lần vượt biên ở Hà Lan trong tuần này, Choi cùng 6 cựu cán bộ “vượt biên” để nói về hoạt động nội bộ của chính quyền Bình Nhưỡng.
Choi kể đã có một thời gian dài ông không biết mình “bơm” hàng tỷ USD vào “quỹ cải cách” để phục vụ gia đình Kim chủ tịch.
Thủ trưởng Văn phòng 39 lệnh cho Choi ráng kiếm tiền để xây dựng một nền kinh tế xã hội vững chắc, và ông cùng hàng ngàn nhân viên Văn phòng 39 rất tự hào với nhiệm vụ vì được trao nhiều quyền lực.
Choi nói: “Nhưng chỉ một số ít cán bộ cấp cao biết tiền kiếm được thực chất để phục vụ Kim Jong Il”.
Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), các “kẻ vượt biên”nói Kim chủ tịch (cha ruột đương kim lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) lập Văn phòng 39 hồi những năm 1970, nhằm “mua” ảnh hưởng khi đang thăng tiến lên ngôi quyền lực.
Mỹ và nhiều nước phương Tây từng cáo buộc Văn phòng 39 điều hành nhiều chiến dịch “rửa tiền” như in tiền giả và sản xuất thuốc lá giả, buôn ma túy, thuốc kích thích, và bán vũ khí, bảo kê, xuất khẩu lao động, xuất khẩu vàng và khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp (sâm, nấm), mở khách sạn, nhà hàng, mua bán ngoại tệ.
Bộ Tài chính Mỹ vào năm 2010 tuyên bố lý do cấm vận các cá nhân và tổ chức liên đới Văn phòng 39 là cơ quan này là “một bộ phận bí mật của chính phủ Triều Tiên,… tham gia vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp và điều hành quỹ đen, tạo nguồn thu cho các lãnh đạo”.
Nhiều chuyên gia ước tính nguồn thu hàng năm của Văn phòng 39 có thể đạt 2 tỷ USD.
Làm cho Văn phòng 39, khỏi sợ điều tra
Choi kể: các nhân viên tiềm năng của Văn phòng 39 luôn được xét kỷ lý lịch gia đình và đức trung thành với chế độ. Một khi được nhận vào làm việc, nhân viên không bị cơ quan an ninh Triều Tiên điều tra.
Những người thường xuyên đi nước ngoài như Choi có thể yêu cầu cán bộ ngoại giao Triều Tiên giúp trong những hoạt động buôn lậu.
Triều Tiên từng thừa nhận sự tồn tại của Văn phòng 39, nhưng một nhân viên trả lời điện thoại ở cơ quan ngoại giao Triều Tiên tại Hồng Kông nói không biết chuyện này, và khẳng định những cáo buộc Triều Tiên dính líu những hoạt động mờ ám là “hoàn toàn sai”.
Trong khi thông tin về Văn phòng 39 đang dần rò rỉ ra khỏi biên giới Triều Tiên, qua các “kẻ vượt biên” từ thời cuối những năm 90, rất ít người biết về hoạt động bên trong của “quỹ cải cách”.
Những “kẻ vượt biên” là cựu cán bộ cấp cao, nhân viên an ninh và các nhà phân tích nói quỹ này vẫn đủ để lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục cung phụng lối sống phong lưu cho tầng lớp ưu tú Triều Tiên, nhằm thu phục họ.
Cố Chủ tịch Kim (qua đời hồi tháng 12.2011) thì nổi tiếng mở tiệc sang để đãi các cán bộ, và ông luôn nhập “hàng hiệu” số lượng lớn như rượu cognac cho ông và cho giai cấp lãnh đạo.
Chi phí mua rượu cho Kim chủ tịch nhiều gấp 800 lần so với thu nhập hàng năm của một dân thường Triều Tiên.
Cố chủ tịch Kim Jong-il thích rượu ngoại
Các chuyên gia và quan chức an ninh cho biết chú dượng của lãnh đạo Kim Jong-un, là Jang Song Thaek bị hành hình vào cuối năm ngoái, có thể vì ông làm gián đoạn dòng tiền chảy vào quỹ đen của Văn phòng 39.
"Cửu vạn" cõng vàng qua Trung Quốc bán
Văn phòng 39 cũng điều hành những hoạt động thương mại hợp pháp, dưới vỏ bọc một doanh nghiệp quốc doanh là Tập đoàn Daesong, gồm buôn bán sâm và đá quý.
Tập đoàn này có quyền lực mạnh hơn mọi phòng thương mại khác trong chính phủ Triều Tiên, theo Choi - tên giả của người cựu cán bộ vì gia đình ông vẫn còn sống ở Triều Tiên.
Choi từng làm việc tại Kumgang Trading - công ty buôn bán vàng lớn bậc nhất Triều Tiên, là công ty con của Tập đoàn Daesong.
Vào thời kỳ hoàng kim cuối những năm 1980, Kumgang bán được 10 tấn vàng mỗi năm, khai thác từ số mỏ vàng ít ỏi của cả Triều Tiên. Sản lượng những năm gần đây đã sụt giảm mạnh mẽ xuống còn khoảng 4 tấn một năm.
Choi kể: vàng tại các mỏ trên khắp Triều Tiên được tài xế có vũ trang chở trên xe thể thao về Kumgang, sau đó chuyển vàng tới Vienna (Áo) và bán thông qua một ngân hàng Triều Tiên có tên Sao Vàng.
Năm 2003, chính phủ Áo đã cáo buộc Sao Vàng nhúng tay trong những hoạt động bất pháp liên quan chương trình vũ khí của Triều Tiên. Sao Vàng phủ nhận cáo buộc, nhưng đã đóng cửa vào năm 2004.
Choi cho biết năm gần đây, vàng từ Triều Tiên được buôn lậu qua ba-lô tuồn qua Trung Quốc (TQ) bán. Các “kẻ vượt biên” khác cho báo Wall Street Journal biết: Triều Tiên dùng “cửu vạn” cõng vàng qua TQ, nơi vàng này được trộn vào vàng tinh khiết TQ rồi đem bán. Giá vàng trên thị trường TQ nhỉnh hơn hầu hết các thị trường quốc tế khác.
Hồi tháng 6.2013, hàng chục công ty Mỹ xác nhận họ tìm thấy vàng Triều Tiên trong dây chuyền cung cấp, vì không xác định được nguồn gốc của kim loại quý này.
Dù Mỹ đã cấm nhập khẩu các nguyên vật liệu từ Triều Tiên từ năm 2008, các công ty này đều không bị xử phạt.
"Rửa tiền" qua những dự án điểm
Ngoại tệ thu được từ việc bán vàng và các hoạt động khác của Văn phòng 39 giúp chế độ Kim sống xa hoa, ngay tại dinh thự ở thủ đô Bình Nhưỡng. Đồng won Triều Tiên hầu như không có giá trị bên ngoài biên giới Triều Tiên.
Những dự án điểm hào nhoáng đang được triển khai tại Bình Nhưỡng như khu biệt thự cao cấp và các trung tâm vui chơi giải trí (vườn bách thú, khu trượt tuyết, trường đua ngựa…) đã hút mạnh nguồn ngoại tệ khi hầu hết nguyên vật liệu đều được nhập từ nước ngoài.
Chủ tịch Kim Jong-un thăm một khu trượt tuyết |
Ngoài ra, hàng tiêu dùng được nhập khẩu để phục vụ giai cấp lãnh đạo cũng làm tăng nguồn cầu ngoại tệ mạnh tại Triều Tiên.
William Newcomb - một chuyên viên thuộc nhóm điều tra Văn phòng 39 của Bộ ngoại giao Mỹ, gần đây làm cho một ủy ban Liên Hiệp Quốc về các hoạt động phi pháp của Triều Tiên - cho biết ông nghi ngờ Văn phòng 39 đang tìm cách nhập nhiều thiết bị điện tử cao cấp.
Vì bị quốc tế “soi” dòng tiền và các hoạt động phi pháp vì chương trình vũ khí hạt nhân, Văn phòng 39 phải ưu tiên các hoạt động kinh doanh có thể tránh được những phiền toái trong việc chuyển tiền, theo một số chuyên gia cho biết.
Chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Ken Gause của CAN Corporations nói: “Triều Tiên ngày càng khó khăn trong việc kiếm tiền từ hoạt động phi pháp”.
Tháng 3.2013, Mỹ đã cấm vận ngân hàng ngoại tệ lớn nhất Triều Tiên - Foreign Trade Bank, cáo buộc ngân hàng này đóng vai trò chủ chốt trong việc “bơm” tiền hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong những năm gần đây, nhiều chuyến hàng chở vũ khí vào Triều Tiên đã bị chặn giữ tại nhiều nước, một tàu chở đạn được bị giữ tại Panama vào năm 2013.
Trong khi đó, Triều Tiên quay lại với hoạt động dùng tàu thủy chở ma túy, thông qua một mạng lưới ngầm sản xuất methamphetamine cùng các loại ma túy khác.
Đem con trốn khỏi Triều Tiên
Choi nói: Triều Tiên đã cho khai trương nhiều trung tâm vui chơi giải trí mới và tiếp thị cơ sở hạ tầng như khu trượt tuyết, tạo lực đẩy cho lĩnh vực du lịch, đồng thời phục vụ mục đích “rửa tiền” cho Văn phòng 39.
Triều Tiên cũng tiến hành hoạt động ngụy trang dưới vỏ bọc hợp pháp như xuất khẩu hàng nghìn lao động, công nhân nhà máy, thậm chí cả bác sĩ tới Nga, châu Phi và Trung Đông.
Nhà nước sẽ trực tiếp nhận lương của những công nhân này, sau đó trả họ một khoản nhỏ chỉ đủ để duy trì mức sống cơ bản.
Hoạt động xuất khẩu lao động này có thể mang lại cho Văn phòng 39 hàng triệu USD mỗi năm, theo ước tính của Michael Madden – tổng biên tập trang tin độc lập North Korea Leadership Watch.
Cái tên của Văn phòng 39 xuất phát từ trụ sở đặt tại tầng 3 tòa nhà của Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, cạnh trụ sở của Văn phòng 38, cơ quan chuyên bơm tiền vào “quỹ đen” của các lãnh đạo từ hoạt động kinh doanh nhà hàng và hoán đổi ngoại tệ.
Có thể đã có sự thay đổi nhân sự ở Văn phòng 39. Thủ trưởng cơ quan này là Jon Il Chun, một người rất trung thành với dòng họ Kim. Nhưng cũng có tin đồn lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thay Jon bằng người trong nhà.
Có thể trong thời gian gần đây, “quỹ cải cách” đã bị hụt đi một khoản lớn, khi một quan chức cấp cao của ngân hàng Daesong – chi nhánh của Tập đoàn Daesong – đã trốn sang Nga, mang theo 5 triệu USD tiền quỹ, theo giới truyền thông Hàn Quốc. Thông tin này hiện vẫn chưa được xác minh.
Choi khoe ông có một “sơ yếu lí lịch” lý tưởng cho đường quan lộ: chào đời trong một gia đình quyền thế tại Bình Nhưỡng, tốt nghiệp trường đại học Kim Il-sung danh tiếng.
Tuy nhiên, một trong những cái giá ông phải trả là bị các quan chức an ninh dò xét, sau khi rời bỏ Văn phòng 39 và không còn được bảo vệ. Lo ngại sẽ bị các quan chức đố kỵ gài bẫy, ông cùng gia đình trốn khỏi Triều Tiên.
Choi nói: “Tôi biết rằng dù tôi hoàn thành công việc tốt đến đâu, sẽ có chuyện gì đó tồi tệ xảy ra vì lí do chính trị. Tôi không muốn con mình lớn trên trong xã hội bất ổn như vậy”.
Trần Trí
(theo Wall Street Journal)
Theo Một thế giới
Theo Một thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét