Lịch sử các cuộc xung đột ở Biển Đông cho thấy rằng các căn cứ này có thể được sử dụng như bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào các đảo/đá/rặng san hô gần đó
Tạp chí quốc phòng Janes ngày 19/9 bình luận, hình ảnh vệ tinh mới nhất được cung cấp bởi Airbus cho thấy sự phát triển đáng kể và quan trọng của một hòn đảo nhân tạo mọc lên tại đá Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp).
Cho đến đầu năm 2014, các tính năng nhân tạo ở Trường Sa (mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp sau khi thôn tính trái phép năm 1988) chỉ có ở các rặng san hô là một công sự nhà nổi bê tông nơi đặt trạm thông tin liên lạc, đơn vị đồn trú, 1 bến tàu. Nhà nổi này ở Gạc Ma hiện đã được bao quanh bởi một đảo nhỏ có diện tích khoảng 100 ngàn mét vuông, chỗ rộng nhất của nó khoảng 400 mét.
Trung Quốc đã xây dựng một đê chắn sóng bê tông tăng cường xung quanh toàn bộ hòn đảo nhân tạo này. Ngoài ra còn có bến cảng tàu hàng hóa tự hành (ro-ro), bến cảng tàu bốc xếp congtainer với 1 cầu tàu ở phái Tây Bắc. Một tòa nhà lớn được nhìn thấy ở phía Tây Nam cùng với các yếu tố khác bao gồm nhà máy khử muối, một nhà máy bê tông và một bãi chứa nhiên liệu.
Không chỉ có Gạc Ma trở thành 1 đại công trường xây dựng trái phép ở Trườn Sa. Hình ảnh ngày 13/9 được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy hoạt động xây dựng trên đá Châu Viên cho thấy xuất hiện thêm nhà máy khử muối, cần cẩu, máy ủi cùng với đống vật liệu xây dựng ngổn ngang.
Dữ liệu theo dõi các tàu của IHS Jane tháng 6 năm nay cho thấy, tàu Thiên Kình chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết việc bơm cát xây đảo ở Trường Sa đã đến đá Châu Viên 3 lần kể từ tháng 9 năm ngoái, gần đây nhất là từ 10/4 đến 22/5. Tàu Thiên Kình đã từng nạo vét ở đá Gạc Ma, Ga Ven. Hình ảnh Philippines công bố cũng cho thấy sự cải tạo đáng kể tại đá Gạc Ma trong tháng 8.
Janes bình luận, trong tất cả các trường hợp nêu trên Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo xung quanh các công sự nhà nổi mà họ đã xây dựng (bất hợp pháp) từ thập niên 1980 và 1990. Chương trình này đã bỏ qua Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC để leo thang căng thẳng, xây dựng và quân sự hóa các tính năng họ chiếm đóng.
Hoạt động của Bắc Kinh ở Trường Sa trong 12 tháng qua là một thách thức lớn đối với hiện trạng Biển Đông khi Trung Quốc cố tình tạo ra những vùng đất có khả năng hỗ trợ các đơn vị đồn trú tại các khu vực rất gần với các đảo, đá mà các bên khác đang chốt giữ.
Lịch sử các cuộc xung đột ở Biển Đông cho thấy rằng các căn cứ này có thể được sử dụng như bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào các đảo/đá/rặng san hô gần đó, mặc dù cho đến nay Trung Quốc vẫn dùng thủ đoạn nhấn mạnh yêu sách (vô lý, phi pháp) bằng lực lượng tàu biển bán quân sự và thủ đoạn phong tỏa.
Về mặt pháp lý, theo học giả Gregory Poling, trưởng nhóm nghiên cứu Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington nói với tờ DW của Đức hôm 19/9, những đảo nhân tạo do Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông không có ý nghĩa gì trước công pháp quốc tế, Bắc Kinh không thể sử dụng chúng để đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Phản ứng tốt nhất đối với Việt Nam và Philippines trong trường hợp này theo Poling là cần làm nổi bật tính bất hợp pháp rõ ràng của việc biến đá thành đảo, thay đổi hiện trạng Biển Đông mà Trung Quốc đã và đang làm, thách thức rõ ràng các khuôn khổ luật pháp quốc tế cũng như thỏa thuận giữa các bên. Sử dụng biện pháp pháp lý để chống lại hành động này của Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất.
Trong khi đó theo phân tích của tạp chí Chuyên gia Nga hôm 17/9, hoạt động cải tạo biến đá thành đảo của Trung Quốc ở Trường Sa hoàn toàn được lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh kiểm soát. Dường như Tập Cận Bình cũng muốn thông qua động thái này để nắn gân phản ứng của Mỹ đến đâu trong vấn đề Biển Đông khi Washington đang bị kéo vào các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine.
Hồng Thủy (Nguồn GDVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét