“…Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một bắt buộc. Hòa giải để xóa bỏ những hận thù và hiềm khích do lịch sử để lại giữa các sắc tộc, giữa các địa phương, giữa các tôn giáo, giữa người dân và chính quyền. Quan trọng nhất là hòa giải những hận thù do cuộc chiến và các chính sách phân biệt đối xử mà chế độ cộng sản để lại…” _Việt Hoàng
Cuộc chiến của quân đội chính phủ Ukraina chống lại phiến quân ly khai (mà thực chất là quân đội Nga) tại hai tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk đã tạm kết thúc trong bế tắc với phần thất bại nghiêng về phía chính phủ. Tổng thống Poroshenko đã chấp nhận nhượng bộ phe ly khai khi đồng ý cho hai tỉnh bị chiếm đóng này qui chế tự trị gần như là tuyệt đối, trong ba năm. Trên thực tế thì chính quyền Kiev không còn kiểm soát được hai tỉnh này.
Lý do chính của sự thất bại của quân đội chính phủ mà ai cũng đồng ý đó là tương quan lực lượng giữa quân đội Ukraina và quân đội Nga quá khác biệt. Rõ ràng là quân đội Nga được trang bị vũ khí hiện đại hơn và thiện chiến hơn. Tuy nhiên một lý do cũng không kém phần quan trọng khiến Ukraina sớm thua cuộc đó là sự chia rẽ gay gắt trong nội bộ Ukraina, từ chính quyền đến người dân. Không phải người dân Ukraina nào cũng ủng hộ chính phủ, nhất là người dân vùng chiến sự. Đành rằng chính quyền Nga của Putin được thừa hưởng hai công cụ rất quan trọng của thời Liên-xô đó là hệ thống tuyên truyền và hệ thống an ninh. Con đường hội nhập Châu Âu (EU) của chính quyền Ukraina là hoàn toàn đúng đắn nhưng sự thuyết phục của chính quyền đối với người dân đã chưa đủ để tạo ra một sự ‘đồng thuận dân tộc’ trên vấn đề quan trọng sống còn đó.
Mọi sự bắt nguồn từ ngay trong giới trí thức tinh hoa của Ukraina, do quyền lợi của một bộ phận giới chính trị Ukraina phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ với Nga nên họ đã tìm mọi cách để ngăn cản con đường hội nhập với EU. Điển hình cụ thể là ‘Đảng cộng sản’ và đảng ‘Các vùng’ của Ukraina. Hai đảng này, nhất là đảng ‘Các vùng’ của cựu tổng thống Yanukovich, vốn chiếm đa số trong quốc hội trước đây, đã luôn nỗ lực để ngăn cản mọi đạo luật hay dự án của chính phủ thủ tướng Yashenhuk. Ví dụ hai đảng nay luôn chống đối sự phản công của quân đội vào phe ly khai bằng việc phủ quyết thông qua ngân sách dành cho quân đội, trong khi bản thân họ cũng không biết và không thể làm gì để bảo vệ lãnh thổ khỏi quân ly khai. Cuối cùng thủ tướng Yashenhuk đã nộp đơn từ chức lên quốc hội nhưng không được chấp thuận vì rằng không có ai có thể làm được gì khác trong lúc này. Trước sự chia rẽ và đối kháng gay gắt trong cơ quan quyền lực cao nhất nước là quốc hội, tổng thống Poroshenko đã quyết định giải tán quốc hội để bầu cử lại trong tháng 10/2014.
Người dân Ukraina cũng chia rẽ y như vậy, với đủ mọi lý do trên trời dưới đất. Ngay cả người Việt đang sống tại Ukraina cũng chịu ảnh hưởng của sự chia rẽ này nên người bênh người chống chính phủ Ukraina cứ loạn xạ cả lên dù rằng rất ít người trong số họ đưa ra một lập luận nào cho thuyết phục. Chuyện của Ukraina sẽ do người dân và chính phủ của Ukraina quyết định, điều chúng tôi lo lắng là rồi đây rất có thể những gì đang xảy ra tại Ukraina sẽ xảy ra tại Việt Nam và khi đó nếu người dân Việt Nam không thể tìm được tiếng nói chung, một đồng thuận chung trên sự lựa chọn con đường đi cho cả dân tộc, thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Nhất là khi người Việt vốn duy tình mà không duy lý, cực đoan và cố chấp?
Ai cũng hiểu và đồng ý là Việt Nam cần thay đổi về hướng dân chủ. Chúng ta cần một nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, chúng ta cần tự do báo chí, tín ngưỡng và một xã hội dân sự, chúng ta muốn quyền con người được tôn trọng tuyệt đối… Thế nhưng khi đi vào từng lĩnh vực cụ thể thì sự đồng thuận chưa chắc đã thống nhất được với nhau vì những khái niệm của dân chủ rất rộng lớn và chung chung. Trên con đường cùng đồng hành đi đến tương lai dân chủ đó, dù muốn dù không người dân Việt Nam cũng phải thống nhất với nhau, đồng thuận với nhau về một lộ trình dân chủ. Sự đồng thuận đó rất quan trọng vì nó tạo ra được sự thống nhất và đoàn kết trong dân chúng và giữa dân chúng và chính quyền. Sự đồng thuận đó sẽ làm cho người lãnh đạo quốc gia không thể dẫn đất nước đi chệch hướng và ngược lại sự đồng thuận đó khiến chính quyền yên tâm điều hành đất nước, đỡ mất thì giờ để giải thích hay phân bua trước một dự án hay quyết sách có lợi cho dân chúng. Sự đồng thuận này phải đến từ đa số người dân, cả giới trí thức tinh hoa lẫn người dân thường, sự đồng thuận càng lớn bao nhiêu thì sự thay đổi càng nhanh chóng thu được kết quả tốt đẹp bấy nhiêu.
Những ‘đồng thuận chung’ này là gì và xuất phát từ đầu? Đó là tất cả những gì liên quan đến sự thăng tiến cho người dân và đất nước và xuất phát từ cương lĩnh, dự án chính trị của các tổ chức chính trị. Đấu tranh chính trị là gì? Đó là đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ (cho hiện tại) và thuyết phục người dân ủng hộ cho ‘giải pháp thay thế’ đó và cuối cùng là tranh cử và chiến thắng trong cuộc tranh cử để triển khai thực hiện ‘giải pháp thay thế’. Muốn chiến thắng thì ‘giải pháp thay thế’ phải thuyết phục được mọi người và mọi tầng lớp và quan trọng nhất là giải pháp đó phải mang lại quyền lợi thiết thực và rõ ràng cho mọi người.
Là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập của người Việt, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có tham vọng tham chính vì vậy chúng tôi đã đưa ra giới thiệu với người dân Việt nam một Dự Án Chính Trị như là một ‘Giải Pháp Thay Thế’ cho ‘giải pháp cộng sản’ đã được thực thi tại Việt Nam gần 70 năm qua. Rõ ràng là ‘giải pháp cộng sản’ đã không mang lại tự do, dân chủ và hạnh phúc cho người dân Việt Nam và vì vậy trước sau nó cũng sẽ bị người dân Việt Nam chối bỏ. ‘Giải Pháp Thay Thế’ của chúng tôi sẽ tiếp tục được cập nhật và chúng tôi rất muốn người dân Việt Nam tìm hiểu, chia sẻ và góp ý để nó hoàn thiện. Trước sau gì thì Việt Nam cũng sẽ có dân chủ và khi đó người Việt Nam cần có một lộ trình dân chủ, một giải pháp thay thế khác. Chúng tôi hy vọng là được đóng góp một phần trí tuệ và công sức của mình vào tiến trình dân chủ hóa đất nước. Dự Án Chính trị của chúng tôi có trên trang nhà trong phần ‘Tìm hiểu THDCDN’.
Chủ đề của bài viết này là nói về sự ‘Đồng thuận dân tộc’ vì vậy chúng tôi xin được tóm tắt về những ‘Đồng thuận nền tảng cho Việt Nam’ và những ‘Định hướng lớn cho một nước Việt Nam mới’ trong Dự Án Chính Trị của THDCĐN. Hy vọng và mong muốn của chúng tôi là được người dân Việt Nam lắng nghe và ủng hộ để cùng chia sẻ về một tương lai chung, một tương lai mà tất cả mọi người Việt Nam đều cho chổ đứng xứng đáng và bình đẳng với nhau…
Những Đồng thuận nền tảng cho một Việt Nam mới:
1. Quốc gia Việt Nam phải được quan niệm như là một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Nhà nước chỉ là công cụ để thực hiện một đồng thuận dân tộc. Nhà nước ấy phải ở trong và ở dưới quốc gia, và phải xuất phát từ chọn lựa tự do của dân chúng.
2. Thể chế của Việt Nam phải là thể chế dân chủ đa nguyên, tôn trọng mọi khác biệt và dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người. Nhà nước phải thực sự tản quyền, cho phép các địa phương tự tổ chức sinh hoạt của mình theo những điều kiện đặc biệt. Nhà nước đặt nền tảng trên thỏa hiệp thay vì xung khắc. Nhà nước coi công bằng xã hội là một ưu tư thường trực. Nhà nước dân chủ đa nguyên phải là một nhà nước nhẹ, tuyệt đối tôn trọng và thực thi luật pháp, tập trung vào sứ mệnh hòa giải những tranh chấp, trọng tài các quan hệ trong xã hội dân sự và chế tài những vi phạm.
3. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một bắt buộc. Hòa giải để xóa bỏ những hận thù và hiềm khích do lịch sử để lại giữa các sắc tộc, giữa các địa phương, giữa các tôn giáo, giữa người dân và chính quyền. Quan trọng nhất là hòa giải những hận thù do cuộc chiến và các chính sách phân biệt đối xử mà chế độ cộng sản để lại. Hòa giải để tiến tới hòa hợp trong cố gắng xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Một tương lai mà mọi người đều có thể chấp nhận và chung sống hòa bình với nhau.
4. Phát triển đất nước đặt nền tảng trên kinh tế thị trường, lấy ý kiến và sáng kiến cá nhân làm động cơ và lấy lợi nhuận làm chất kích thích. Ổn định chính trị là có một hiến pháp dân chủ và ổn vững, luật pháp không thay đổi đột ngột và tùy tiện. Sinh hoạt kinh tế thị trường phải đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư nhân, nhà nước không có chức năng kinh doanh.
Những Định hướng lớn cho một nước Việt Nam mới:
1. Xây dựng đất nước trên những giá trị tiến bộ thay vì trên một chủ nghĩa. Những giá trị tiến bộ đó là hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác, lợi nhuận, liên đới và môi trường.
2. Lấy tự do làm động lực để phát huy óc sáng tạo và tinh thần cầu tiến. Trên đất nước Việt Nam sẽ không thể có ý kiến nào cấm nêu ra và cũng không thể có đề tài nào cấm bàn đến.
3. Phát huy lòng yêu nước tự nguyện. Lòng yêu nước là sức mạnh để chinh phục tương lai của dân tộc với điều kiện là phải tự nhiên và tự nguyện. Trách nhiệm chính của nhà nước là làm cho đất nước ngày càng cần thiết, đáng yêu và đáng tự hào.
4. Tôn trọng và phát huy xã hội dân sự. Xã hội dân sự là toàn bộ những kết hợp của người dân và được coi là nền tảng của đất nước. Nhà nước tự coi là có vai trò tạo điều kiện để xã hội dân sự tạo phúc lợi cho đất nước chứ không định đoạt và làm thay cho xã hội dân sự.
5. Xác định Việt Nam là đất nước của các cộng đồng. Đất nước Việt Nam không phải là của riêng sắc tộc Kinh. Cộng đồng người Việt hải ngoại phải được coi là thành phần khăng khít của đất nước. Mọi người Việt Nam sinh sống tại hải ngoại phải được coi là những công dân với đầy đủ quyền lợi và nhiệm vụ.
6. Chọn lựa dứt khoát kinh tế thị trường. Những gì tư nhân có thể làm nhà nước sẽ không làm.
7. Không ngừng cảnh giác bảo vệ công bằng xã hội. Bảo vệ những người yếu kém, bảo đảm cơ may thăng tiến đồng đều cho mọi người, trước hết là qua giáo dục đào tạo và chăm sóc y tế.
8. Tiến tới một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Một quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho ba ngành : tin học, du lịch và hàng hải. Sẽ không còn việc thiết lập những khu kinh tế đặc biệt mà chủ trương dành tất cả mọi dễ dãi cho kinh doanh trên toàn lãnh thổ.
9. Theo đuổi một chủ nghĩa nước nhỏ. Khiêm tốn và hòa hoãn với mọi quốc gia, nhẫn nhục hôm nay để giàu mạnh ngày mai.
10. Thực hiện một chính sách đối ngoại hòa bình và một chính sách láng giềng tốt. Tìm mọi cơ hội để thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước đã phát triển mạnh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Phát huy mọi sáng kiến để hóa giải những vấn đề còn tồn đọng với Lào, Campuchia và Trung Quốc, đi đến quan hệ láng giềng tốt.
11. Ngăn chặn đà gia tăng dân số, chủ yếu qua cố gắng thăng tiến phụ nữ và bảo trợ người già…
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét