Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Thống kê VN: Láo, láo, đại láo


Nói láo kiểu VN và thống kê


Đã từ lâu, các tổ chức quốc tế không tin vào những con số thống kê của VN do các cơ quan Nhà nước sản xuất và cung cấp. Chẳng hạn như con số thất nghiệp (1.84%) gần đây gây ra nhiều tranh cãi, nếu không muốn nói là khó tin. Càng khó tin hơn khi người ta trình làng con số 80% người dân hài lòng về dịch vụ công. Trời ạ!

 Trong cái môi trường tham nhũng và nhũng nhiễu tràn lan như VN mà 80% người dân hài lòng với dịch vụ công! Nhưng sốc nhất có lẽ là con số chỉ 1 người không trung thực trong số 1 triệu người kê khai tài sản. Nhưng những con số đó nó có mặt và cứ như là cười cợt và thách thức dư luận công chúng.

Không phải người nước ngoài không tin con số thống kê của VN, mà ngay cả người trong nước cũng không tin. Cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ, khi bình luận về con số GDP của các tỉnh, ông nói: "Cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai cả". 

Đúng là chẳng giống ai về định nghĩa. Định nghĩa "thất nghiệp", một quan chức thuộc Viện Nghiên cứu khoa học và xã hội, nói: "Một người không có việc có thể lấy xe máy đi chạy xe ôm, làm gánh rau lên chợ hoặc ra chợ người ngồi đấy, ngày hôm đấy người ta kiếm được một suất thì người ta không thất nghiệp". Tôi không làm về kinh tế, nhưng nghe qua cách lí giải đã thấy ... vô lí. Nếu tôi bị mất việc toàn thời gian, phải đi gánh rau bán hay lái xe ôm thì chỉ là tạm thời, chứ tôi vẫn tìm việc làm. Chính việc "tôi đang tìm việc làm" phản ảnh tôi đang thất nghiệp. Do đó, ở nước ngoài người ta định nghĩa [chung] về người thất nghiệp là người trong độ tuổi lao động đang không có việc làm và tích cực tìm việc làm trong 4 tuần qua. Với định nghĩa đó, Úc có tỉ lệ thất nghiệp khoảng 4-6% (tuỳ tháng và năm). Tôi chưa nghe nước tư bản "giãy chết" nào có tỉ lệ thất nghiệp dưới 2%. 

Con số thống kê là sản phẩm của hoạt động xã hội. Nói đúng ra, nó là sản phẩm của con người. Mà, con người thì có lựa chọn, nên con số thống kê có khi cũng là sản phẩm của những lựa chọn. Tôi có thể nói tỉ lệ người dân hài lòng với dịch vụ công là 80% nếu tôi đặt câu hỏi theo ý của tôi mà tôi không cho người trả lời nhiều lựa chọn. Chẳng hạn như kiểu lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội, người ta chỉ cho người trả lời 3 lựa chọn "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", và "tín nhiệm thấp", mà không có lựa chọn "không tín nhiệm"! Dĩ nhiên, ai cũng biết đó là một trò gian lận rất thấp, nhưng người ta vẫn làm để có kết quả người ta mong muốn.

Đến con số GDP mà các tỉnh thành còn làm "không giống ai" như Thủ tướng nói thì đủ biết các quan chức chẳng xem đạo đức nghiệp vụ và sự trung thực ra gì. Thủ tướng mà còn nói như thế, chẳng khác gì ông nói quan chức các tỉnh ... nói dóc. Nên nhớ rằng ông tổ cộng sản Lenin từng nói "Thống kê là tai là mắt của đảng", vậy mà người ta dám bịt mắt và bịt tai đảng bằng những con số thống kê dóc!

Cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli từng so sánh con số thống kê với nói dóc. Ông nói: "lies, damned lies, and statistics" (láo, đại láo, và thống kê). Câu này hàm ý nói rằng người ta dùng con số thống kê để biện minh cho các lí giải kém thuyết phục. Câu nói của Disraeli vẫn còn tính thời sự ở VN: những con số tỉ lệ thất nghiệp 1.84% hay 80% hài lòng với dịch vụ công chỉ là những biện minh cho những lí giải quá yếu.

Gs Nguyễn Văn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét