Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Vì dân!

Nguyễn Vạn Phú
Chia sẻ bài viết này
Nếu nương theo lẽ thường tình thì mọi chuyện rất đơn giản: Để có đất xây một cây cầu, hay một bệnh viện công hay một công trình công cộng nào đó, Nhà nước đứng ra thu hồi đất và đền bù cho dân. Còn để xây một nhà máy, một khách sạn hay thậm chí cả một khu đô thị thì doanh nghiệp chủ đầu tư phải đứng ra mua lại quyền sử dụng đất của người dân với giá hai bên thỏa thuận.
Nhưng thực tế không đi theo lẽ thường tình như thế. Sử dụng quyền lực nhà nước để dễ thu hồi đất sau đó giao cho doanh nghiệp kinh doanh đã trở thành hiện tượng phổ biến. Vận động cho chính sách đền bù giải tỏa đất đai theo hướng như thế lại rất mạnh, công khai với những lập luận kiểu như doanh nghiệp đã giải tỏa đến 90% dự án mà gặp vài ba hộ không chịu thỏa thuận là dự án đi vào bế tắc; Nhà nước phải thu hồi đất thì mới thúc đẩy được phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ xây dựng, chỉnh trang đô thị; cơ chế thỏa thuận đã đẩy giá đất lên cao, gián tiếp gây sốt thị trường địa ốc...
Các “trung tâm phát triển quỹ đất” trực thuộc sở tài nguyên và môi trường các tỉnh thành thay nhau ra đời dưới dạng đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về mặt tài chính nhằm phục vụ cho việc thu hồi đất của dân, tổ chức bồi thường, tái định cư rồi giao lại cho doanh nghiệp. Các cơn sốt bất động sản, phong trào làm dự án phát triển đô thị mới, lợi ích nhóm, sự câu kết giữa quan chức địa phương và doanh nghiệp đã làm vai trò của các trung tâm phần nào bị méo mó - mọi loại dự án đều giao cho các trung tâm phát triển quỹ đất “khai thác” đất từ người dân, bất kể sự phản đối, bất kể khiếu kiện. Thậm chí đã có những trường hợp do thỏa thuận với người dân quá khó khăn, giá đền bù cao, doanh nghiệp chủ đầu tư được “tư vấn” để mở rộng lĩnh vực của dự án, thêm những hoạt động phục vụ lợi ích công cộng. Thế là doanh nghiệp sẽ được Nhà nước danh chính ngôn thuận hỗ trợ thu hồi đất.
Nhìn thấy những bất cập trong cơ chế thu hồi đất như thế, đã có nhiều ý kiến góp ý nhân sửa Luật Đất đai rằng cần duy trì hai cơ chế: Nhà nước thu hồi đất và doanh nghiệp tự thỏa thuận để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Và để phân định rõ khi nào áp dụng cơ chế nào, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước chỉ đứng ra thu hồi đất đối với những dự án xã hội, phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia... Còn đối với những dự án sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân. Mạnh hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng phải bỏ khái niệm “thu hồi” thay bằng “trưng mua” vì trước đó người dân đã có quyền sử dụng đất.
Thế nhưng dự thảo mới nhất của Luật Đất đai sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Cho dù luật có quy định rất cụ thể thế nào là những dự án sẽ thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế xã hội như dự án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, một khi đã quy định như thế thì không cách gì ngăn chặn sự thông đồng giữa cán bộ địa phương thiếu lương tâm với doanh nghiệp vì lợi ích riêng, sẵn sàng đẩy phần thua thiệt cho người dân.
Nếu buộc phải cân nhắc giữa tốc độ phát triển kinh tế, mà thực chất chủ yếu là phát triển đô thị mới (kéo theo là bong bóng bất động sản) với sự tôn trọng quyền được quyết định của người dân, một cơ chế ngăn ngừa lạm dụng luật pháp, thì việc sửa Luật Đất đai như thế nào, rất dễ quyết định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét