Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Đặc sản Hải Dương

truoc den doc sach 3

Thư gửi bạn ta 


Ngày 2 tháng 6 năm 2014
Bạn ta,
Đọc những tin tức liên quan đến một món đặc sản mới của tỉnh Hải Dương, chắc chắn không ít người đã phải nghĩ ngay là cách đối xử nó được dành cho không được công bình lắm so với các thứ trước đây vẫn được coi là những sản phẩm đặc biệt của cái thành phố nhỏ này. Nó được đối xử đặc biệt hơn các món đặc sản đã có từ lâu nay của Hải Dương.
Thành phố Hải Dương mà tôi có trong tri nhớ không phải là một thành phố lớn lắm. Nhớ lại một lần tôi đi ngang thành phố này (trong khi được cột cẩn thận vào cái porte bagage của chiếc xe đạp ông bố tôi đạp) thì Hải Dương lúc ấy không có được bao nhiêu điều tôi giữ lại trong trí nhớ. Mấy con đường nhỏ, vài ba tiệm buôn lèo tèo khách. Nó không được bằng Nam Định hay Hưng Yên… mà tôi cũng đã có dịp đi ngang qua (trên porte bagage của chiếc xe đạp Terrot mà ông bố tôi còng lưng đạp).
Đó là trước năm 1954.
Ở miền Nam sau chuyến di cư, thỉnh thoảng lắm tôi cũng nghe nhắc đến tên Hải Dương. Một thứ của Hải Dương được người di cư mang theo vào miền Nam là bánh đậu xanh cùng với một hai thứ bánh mứt khác đã giúp tên của Hải Dương được nhắc đến để ngay cả những người không từng biết nó, hay chỉ biết lơ mơ về nó (như tôi) cũng vẫn còn được nghe về Hải Dương.
Rồi mấy thứ sản phẩm nguyên gốc Hải Dương gần đây được mang bán sang cả ở Mỹ. Bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cốm sản xuất ở Hải Dương có thể mua dễ dàng ở các chợ của người Việt, chẳng bù đã từng có lúc được làm quà một hộp bánh đậu xanh nhỏ bằng hai ngón tay cũng quí vô cùng. Phải pha ngay một bình trà Thái Nguyên để… ngồi xuống với nó. Thiếu điều phải đi kiếm nước mưa cho ấm trà để tỏ lòng yêu quí bánh đậu xanh Hải Dương.
Nói thế để cho thấy đặc sản của Hải Dương được yêu quí như thế nào.
Nhưng khoảng vài ba tháng nay, một thứ khác của Hải Dương cũng bỗng được nhắc đến um xùm trên báo chí. Không rõ món đặc sản này có đích thực xuất xứ ở Hải Dương hay không, hay lại cũng chỉ là một sản phẩm sản xuất ở một nơi khác rồi được khoác cho cái nhãn Hải Dương.
Món đặc sản mới này của Hải Dương được xuất cảng từ Hoa Kỳ ngược lại về Hải Dương. Nó được dán nhãn hàng hóa sản phẩm của nước Mỹ (trên giấy tờ). Sản phẩm này được đưa trở lại Hải Dương và được coi ngay là đặc sản của Hải Dương.
Đặc biệt nó không được phân phối (?) bằng các phương tiện vận chuyển bình thường khác, mà gần như bao giờ nó cũng được chuyên chở bằng taxi. Nó được chở bằng taxi đi tới gần như tất cả mọi nơi. Từ Hải Dương đi Hà Nội, từ Sài Gòn đi lên cao nguyên Trung phần, từ Hà Nội đi Nghệ An… đi đâu đặc sản Hải Dương cũng dùng taxi. Và vì thế, một số chuyện rắc rối liên quan đến đặc sản Hải Dương bị đưa lên báo cũng là do từ những chuyến di chuyển bằng taxi. Có mấy trường hợp, không rõ đích xác là bao nhiêu, nhưng phải trên hai hay ba hay bốn vụ, tài xế taxi được thuê lái xe chở đặc sản Hải Dương đã nói với báo chí là bị đặc sản Hải Dương lợi dụng tối đa sức lao động sau những chuyến đi đường trường với đặc sản. Các nạn nhân nói với vài ba tờ báo là đặc sản Hải Dương bắt họ phải ngủ chung giường và phải… lái (?) rất nhiều lần. Có nạn nhân nói là bị bắt lái (?) tới hơn hai chục lần sau khi được đặc sản Hải Dương đổ cho đầy bình xăng super. Sức tài xế taxi có hạn, xe chạy mà không được châm thêm nhớt (?) máy thì… lột dên, thân tàn ma dại chứ còn gì mà về với các mẹ cháu. Có các nạn nhân chịu không nổi đã phải bỏ đặc sản chạy lấy người. Một ông taxi khác vì không chịu… lái tiếp đã bị đặc sản đập vỡ kính xe phải gọi công an cứu. Một tài xế khác thì chở đặc sản tới khách sạn thì bị đặc sản bắt đi tắm cho mát, tắm xong, đặc sản đã đứng ngờ ngờ bóc sẵn giấy gói (?) đứng ở cửa phòng tắm đòi… lái. Bác tài sợ quá thì bị đặc sản tố cáo là đòi… lái đặc sản. Những chuyện như thế đã được đưa lên báo cả chục lần. Đặc sản thì nói là không có chuyện đặc sản đòi lái, mà chính các bác tài đòi lái mà đặc sản không chịu.
Chuyện um xùm ở Hải Dương, đặc sản bay về Mỹ rồi lại trở qua Việt Nam, vào Sài Gòn lại gây ra chuyện mới. Và mới đây nhất, đặc sản đã đưa một bác tài trong tình trạng hôn mê, không một mảnh vải che thân vào một bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu.
Sau những chuyện như thế, người ta vẫn không thấy nhà cầm quyền Việt Nam có bất cứ một biện pháp nào với đặc sản Hải Dương. Tội bắt tài xế lái (?) xe ngược lại ý muốn là tội… cưỡng lái. Nhưng đặc sản Hải Dương vẫn không bị một khó dễ nào về mặt luật pháp.
Thử tưởng tượng một “đặc sản đực” từ Mỹ về Việt Nam mà cứ hết lái chỗ này, lại lái chỗ nọ, gặp ai lái nấy, dù có hay không có sự đồng ý của phía bên kia thì chắc chắn bị còng tay đuổi về Mỹ cho vợ con xử. Đằng này thì không thế. Đặc sản Hải Dương vẫn ra vào Việt Nam thong thả, chán thì lại về Mỹ thơ thới hân hoan. Vài ba tuần, ngứa ngáy trong người thì đặc sản lại về Việt Nam kiếm cái taxi bắt tài xế lái vài quả chơi cho vui mà không ai làm gì đương sự hết.
Như thế, cách đối xử dành cho đặc sản Hải Dương có nhiều sự bất công là vậy.
Nhưng ít ra, đặc sản Hải Dương cũng làm được một việc tốt. Đó là dằn mặt những thứ “đặc sản đực” từ Mỹ về Việt Nam: đừng có tưởng chỉ mấy ông làm được chuyện về Việt Nam lái lia chia, mà đặc sản Hải Dương cũng thừa sức làm được những chuyện đó, trả thù được cho rất nhiều phụ nữ, cho mấy cha đàn ông ở Việt Nam phải bỏ chạy mất quần luôn.
Coi vậy, đặc sản bánh đậu xanh Hải Dương ngon và hiền hơn cái thứ đặc sản mới của Hải Dương này rất nhiều.
* * *
Ngày 5 tháng 6 năm 2014
Bạn ta,
John Mason, người đàn ông ở Duluth, phải là người mà ai có cái lỗi gì, cứ đến xin là chàng ta cho (?) hết.
Có lẽ chàng là người dễ tha thứ nhất trên đời này, một người đàn ông có một không hai ở thế gian.
Ðể giúp trí nhớ bạn một chút, tôi nhắc ở đây vài chi tiết nhỏ: chàng là vị hôn phu của Jennifer Wilbanks, người phụ nữ trẻ sau khi đi hết mấy đôi bít tất vào chân mà vẫn còn thấy lạnh ở hai cẳng, nên tuần trước, đã bỏ trốn biệt 4 ngày trước ngày đám cưới của nàng với John Mason.
Cả thành phố nơi Jennifer sống, dân chúng cuống cuồng đi kiếm, đào bới, lục tung một khu để kiếm nàng, nghĩ rằng nàng lại là nạn nhân của một trong những vụ giết người ở Mỹ hồi gần đây.
Và cũng như những vụ mất tích khác, người chồng, và ở đây là người chồng sắp cưới của Jennifer, đã bị cảnh sát đánh cho một đống dấu hỏi. John Mason bị buộc phải thử polygraph, máy dò nói dối. Và tuy John Mason trả lời suôn sẻ những câu hỏi của cảnh sát, các biểu đồ không nhẩy lên đùng đùng, không làm cảnh sát phải thắc mắc thêm, nhưng nhà cầm quyền địa phương vẫn tiếp tục để ý chàng, và cảnh sát tuyên bố coi vụ mất tích của Jennifer là rất đáng quan tâm, đồng thời quyết định mở cuộc điều tra hình sự.
Mấy hôm sau, Jennifer thình lình xuất hiện tại Albuquerque, bình an vô sự.
Jennifer, theo các chuyên gia về tâm lý, bỏ trốn chỉ vì cô lạnh cẳng, panic, hốt hoảng và sợ hãi khi nghĩ tới cuộc đời hôn nhân sắp tới.
Như thế thì bộ đời sống với John Mason mà cô tưởng tượng ra là kinh khiếp đến như thế ư?
Ai mà không nghĩ như vậy.
Và như thế thì đúng là “gieo tiếng dữ cho (bậu rồi) rời bậu ra” còn gì nữa. John Mason bỗng một sáng một chiều trở thành một con ác quỉ, một con yêu râu xanh khiến cho Jennifer người phụ nữ trẻ và xinh đẹp đó hoảng sợ cùng cực đến nỗi phải bỏ trốn trước ngày đám cưới có 4 hôm.
Như vậy thì ai mà còn dám nhìn vào mặt chàng nữa? Nếu có… dám thì chắc phải chờ cho đến khi chàng vào tù ngồi an toàn với bản án chung thân thì may ra mới có người dám đụng đến như vài ba người tù khác mà báo chí có đề cập mới đây.
Nhưng khi nghe tin nàng bình an sau chuyến đi Las Vegas đánh vài bàn blackjack, roulette, kéo gẫy tay mấy thằng cướp –một-tay, nàng đi Albuquerque gọi cảnh sát nhờ đón về, John Mason tuyên bố vẫn yêu nàng như xưa và vẫn muốn làm đám cưới với nàng, nếu thuyết phục được 600 khách khứa chịu từ cây leo xuống dự đám cưới sau khi bị nàng cho leo cây tuần trước.
John Mason đem chiếc nhẫn Jennifer để ở nhà chàng trao lại cho nàng, và lên truyền hình tuyên bố vẫn yêu nàng như thường và vẫn muốn cưới nàng làm vợ.
John Mason quả là một người dễ tha thứ. Những người đàn ông khác thì khó có chuyện đó.
Nhưng nghĩ lại thì thấy John Mason khôn không để đâu cho hết khôn.
Làm cái đám cưới xong với Jennifer, John nhất định thoát được một câu mà nhiều người đàn ông khác trong đời sống thỉnh thoảng lại nghe rít lên rằng: “Tôi về với mẹ tôi đây. Từ nay, anh lo lấy cái thân kềnh càng của anh. Mì gói, TV dinner thì ráng mà lo lấy… Còn cái bếp của tôi thì cấm không được cho đứa khác đụng đến… tôi về mà thấy dấu tích những bàn tay khác thì anh biết tay tôi…”
Nhất định là những câu hăm dọa dữ dằn như thế, John Mason sẽ không phải nghe từ phía Jennifer.
Nàng sẽ ở nhà, không bao giờ có chuyện John phải viết cái nhắn tin tìm người đi lạc đem đăng báo: “Em ở đâu về gấp. Muốn gì anh sẽ chiều ngay. Hai cái thẻ của anh, em muốn cà cho nát bươm ra cũng được. Ai chứa chấp vợ tôi thì ráng mà chịu, không có được than khổ nghe chưa. Khi đi, vợ tôi để quên bộ St John xanh lét như con bọ nẹt ở nhà, chỉ mặc chiếc quần jeans low ride bầy ra một thúng rốn với rất nhiều stretch marks vằn vèo ở trên, có tật nói rất lớn. Ai gặp xin đưa về… sẽ hậu tạ. Em không về ngay thì đừng có trách anh. Con giun xéo lắm cũng phải quằn em biết không!
Người chồng cù lần ơi là cù lần của em.”
Cho nên tha và cưới lại cũng phải lắm đấy chứ.
Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét