Từ xưa đến nay, chuyện đấu... võ mồm là chuyện thường hay xảy ra và đôi khi còn có phần hấp dẫn hơn là chuyện đấu đá hay chém giết thật sự diễn ra sau đó trên võ đài hoặc trên chiến trường. Những người say mê đọc chuyện kiếm hiệp đời xưa ắt hẳn đều còn nhớ những sự tích các vị tướng khi ra đối địch ở trận tiền thường có màn “khẩu chiến”, kể lể thành tích hoặc chính nghĩa của phe mình và chê bai đối phương, trước khi thật sự vung đao hay múa kiếm để định đoạt hơn thua.
Chuyện hấp dẫn và buồn cười là vì trước khi lâm trận, trên lý thuyết ai cũng có thể nói mạnh miệng, vừa để hù doạ đối phương nhưng đôi khi thực chất là tự trấn an để cho phe ta không mất tinh thần. Đến khi trận chiến mở màn thì khả năng hay lực lượng đôi bên sẽ được phơi bày, và người ta mới thấy rõ ai là người có thực lực và ai là thành phần chỉ biết tháu cáy, vốn thường là những kẻ đã lo trốn chạy ngay từ lúc ban đầu.
Thí dụ dễ nhớ nhất là trường hợp của ông Muhamadd Saeed al-Sahhaf, bộ trưởng thông tin dưới chế độ Saddam Hussein ở Iraq. Trước ngày quân đội Mỹ đổ bộ tấn công thủ đô Baghdad vào năm 2003, ông ta thường xuyên xuất hiện trên các làn sóng truyền hình với những lời lẽ “rất nổ”, tiên đoán rằng lính Mỹ sẽ bị tiêu diệt và chế độ Saddam Hussein sẽ tiếp tục trường tồn. Mục đích những lời nói láo khoét này chỉ là để tự dối lòng cũng như lừa dối đa số người dân trong nước đang bị kềm kẹp và bưng bít thông tin, chứ riêng bất cứ ai có điều kiện ghi nhận được các thông tin trung thực của các cơ quan truyền thông quốc tế thì đều chế riễu ông ta với cái biệt danh “Baghdad Bob”. Bởi vì ngay sau khi đợt dội bom đầu tiên của Hoa Kỳ đổ xuống, thì ông ta cũng như mọi thuộc hạ của Saddam Hussein đều nhanh chân bỏ trốn không khác gì một lũ chuột.
Trong tình hình sôi động hiện nay tại vùng Biển Đông trong mấy tuần qua, mọi người cũng được dịp chứng kiến nhiều màn khẩu chiến khá độc đáo, phản ảnh phần nào bản chất thực sự của những người phát ra những ngôn từ đó.
Điển hình là trường hợp của những ông bà phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, lúc nào cũng ra rả nói rằng nước của họ không có làm gì sai trái, mà mọi vấn đề gây rắc rối đều là do đối phương chủ động trước, và vì thế nên họ phải có hành động để bảo vệ an ninh và tài sản của mình. Đúng là khẩu khí của kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”, một hình thức đánh phủ đầu đối phương theo đúng cung cách của một tay anh chị thuộc loại “bully”, chuyên bắt nạt kiểu ỷ mạnh hiếp yếu!
Trong một bài viết đăng trên diễn đàn The National Interest đề ngày 31-5, ông Abraham Denmark đã phân tích khá chính xác hành động đặc thù này của Trung Cộng và gọi đó là một thái độ “xác quyết theo phản ứng” (reactiveassertiveness). Tác giả từng là một phụ tá cao cấp cho Tổng Trường Quốc Phòng Hoa Kỳ đặc trách nghiên cứu về Trung Hoa và vừa mới tham dự nhiều cuộc thảo luận tại ba nước Trung Cộng, Phi Luật Tân và Việt Nam trong thời gian gần đây.
Thật vậy, mẫu số chung của mọi rắc rối tranh cãi gần đây ở vùng Biển Đông không ai khác hơn là Trung Cộng. Nhà cầm quyền Bắc Kinh chính là kẻ chủ mưu tạo ra những xúc tác cho tình trạng căng thẳng và dẫn đến những vụ khủng hoảng khắp nơi. Khi tự mình đưa ra cái chính sách “đường lưỡi bò” để ngang nhiên đòi giành chủ quyền hầu hết diện tích rộng lớn của Biển Đông, rõ ràng là Trung Cộng đã không che giấu một tham vọng kinh hồn và táo bạo.
Theo nhận định của ông Daniel Russel, Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á, thì lối tự xác định chủ quyền kiểu này đã “không hề có bất cứ một nền tảng pháp lý quốc tế nào cả”. Bởi vì Trung Cộng tự đưa ra lịch sử lâu đời của mình để nói rằng vùng biển này là của họ, nhưng Quy ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bộ luật có thẩm quyền nhất trên thế giới hiện nay, không hề cho phép bất cứ một quốc gia nào đòi xác định chủ quyền chỉ dựa trên lịch sử của họ. Thí dụ dễ hiểu là nếu cho phép dựa trên lịch sử, thì những người Mông Cổ hiện nay có quyền giành chủ quyền trên toàn vùng Trung Cộng bởi vì trước đây tổ tiên của họ là Thành Cát Tư Hãn đã từng làm chủ cả nước Trung Hoa!
Sau khi Mao Trạch Đông giành được thắng lợi vào năm 1949 để chiếm toàn vùng Đại Lục, vùng Biển Đông không hề là mối ưu tư hàng đầu của nhà cầm quyền tại Bắc Kinh. Mãi đến khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền vào cuối thập niên 70 thì nó mới bắt đầu được chú ý đến trong chính sách đối ngoại của Trung Cộng. Tuy nhiên, lãnh tụ họ Đặng đã đề ra một hướng đi có tính tự chế và tránh đối đầu, vì biết rõ sức mạnh còn non kém của mình, cũng như đang cần dồn nỗ lực vào việc phát triển kinh tế trong một môi trường thuận lợi là tránh gây hiềm khích với mọi nước láng giềng.
Thế nhưng có lẽ đà tăng trưởng quá nhanh của Trung Cộng đã đẩy tầng lớp lãnh đạo của họ đi vào cái thế phải tìm thêm nhiều nguồn tài nguyên bằng mọi giá, mà vùng Biển Đông có thể đem lại nhiều hứa hẹn. Cùng với đà tăng trưởng về kinh tế, Trung Cộng cũng bắt đầu thấy sức mạnh quân sự và vị thế chính trị của mình cũng gia tăng theo, vượt quá xa tất cả những nước láng giềng trong vùng, nhất là khi nền kinh tế của nhiều nước đã có phần chịu ảnh hưởng khá lớn bởi những gì xảy ra trong lòng của Hoa Lục. Từ đó, nẩy sinh ra tính kiêu căng, và tham vọng bá quyền từ những thành phần hiếu chiến cũng là lẽ thường tình vốn hay xảy ra trong thế giới này.
Chiến lược của Trung Cộng nhằm tăng dần sức mạnh kiểm soát vùng Biển Đông quả thật khá độc đáo. Bởi vì tuy nó mang tính xác quyết (về việc đòi chủ quyền trên mặt biển) nhưng các lãnh tụ Trung Cộng lại cứ luôn mồm nhấn mạnh đến khía cạnh kềm chế và tự vệ của mình. Vì thế nên cái loa tuyên truyền của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đều biện minh cho các hành động mạnh tay của họ như là một thái độ phản ứng tự vệ trước những đòn khiêu khích hay tấn công của các nước khác. Thế nhưng, trong thực tế, Trung Cộng vẫn luôn chủ động leo thang cường độ căng thẳng và cố ý dùng sức mạnh phủ trùm của mình để củng cố cho những xác định đòi chủ quyền.
Chẳng vì thế mà những người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cứ luôn muốn tô vẽ những hành động của tàu chiến họ đâm sầm vào các tầu tuần duyên hay tàu đánh cá của Việt Nam là việc phản ứng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Khi tự ngang nhiên đưa một giàn khoan dầu khổng lồ đến vùng này, tuy thuộc về vùng gần phía Việt Nam hơn là Trung Hoa, và do đó đã khiến cho Việt Nam phải đưa các tàu ra để chống đối, Trung Cộng đã nguỵ biện rằng phía Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của mình và vì thế nên họ phải buộc lòng phản ứng để tự vệ cũng như để bảo vệ chủ quyền.
Những lời biện luận kiểu này cũng được lập lại y hệt với những cuộc xung đột khác với các nước trong vùng như Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương v.v. hoặc với Nhật Bản trong vùng Đông Bắc Á, điển hình là vụ tranh chấp các hòn đảo Senkaku mà phía Tầu gọi là Diaoyu (Điếu Ngư).
Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể cảm thấy tội nghiệp cho sự ngây thơ của ông Benigno Aquino III, tổng thống Phi Luật Tân, khi bầy tỏ sự lo âu và đồng thời cũng thắc mắc vì sao mà các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh lại cứ đòi kiểm soát toàn vùng Biển Đông. Trong những cuộc họp mới đây với các lãnh tụ Nam Dương và Việt Nam, ông Aquino khi trả lời phóng viên của đài truyền hình Bloomberg, đã nói rằng cứ mỗi sáng thức dậy ông luôn thắc mắc tự hỏi vì sao, và liệu Trung Cộng sẽ đạt được điều gì từ tất cả những vụ xung đột này. Bởi vì ông Aquino vừa ký với tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Nam Dương một thoả ước về biên giới lãnh hải trên những vùng đặc quyền kinh tế của đôi bên nằm chồng lên nhau sau thời gian dài thương thảo suốt 20 năm qua, nên có lẽ ông nghĩ rằng các lãnh tụ của Trung Cộng cũng nên hành xử ôn hoà như vậy.
Bản đồ tranh chấp về lãnh hải và không phận trong vùng Đông Á (hình AFP)
Ông Aquino cũng còn có ý ngợi khen phía Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong việc đối đầu với Trung Cộng nhân dịp gặp gỡ với thủ tướng của Việt Cộng là Nguyễn Tấn Dũng. Ông khen rằng phía Việt Nam đã thành thật chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn của họ khi làm ăn với Trung Cộng. Phải chăng ông không nhìn thấy rằng thật ra giới cầm quyền hiện nay ở Việt Nam cũng chẳng còn chọn lựa nào khác hơn, cũng như đang cô đơn trên trường quốc tế nên đành phải bám vào bất cứ đồng minh nào có thể nhờ được, nhất là thứ đồng minh cùng cảnh ngộ như Phi Luật Tân?
Thế nhưng, một chuyên gia khác có lẽ đã nhận định chính xác hơn. Đó là ông Benito Lim, giáo sư về chính trị học tại thủ đô Manila, nói rằng cái liên minh giữa Việt Nam và Phi Luật Tân cho thấy là cả khối ASEAN thật ra chẳng so sánh nổi với sức mạnh của Trung Cộng. Họ phải biết rằng họ cần có sự tiếp tay của một đồng minh hùng mạnh hơn, đó chính là Hoa Kỳ. Phía Việt Nam thì không tin rằng Mỹ có thể giúp mình, nên chỉ còn đành phải bám vào Phi Luật Tân, với chút hy vọng mong hưởng được chút ít theo kiểu “hít sái”.
Khách quan mà nói, vận mệnh của Việt Nam cũng như các nước khác trong vùng Biển Đông cũng chưa đến nỗi bi đát do bởi một yếu tố may mắn là Trung Cộng hiện nay đang gặp phải nhiều đối thủ đáng ngại khác: đó là Nhật Bản (trực tiếp đối đầu) và Hoa Kỳ (gián tiếp vì không muốn để cho Trung Cộng độc quyền thao túng khu vực này).
Chính vì thế mà trong cuộc họp thượng đỉnh về an ninh khu vực mới vừa diễn ra ở Tân Gia Ba (Singapore), thường được quen gọi là cuộc Đối Thoại Shangri-La (vì diễn ra trong một khách sạn mang cùng tên), phía Trung Cộng cũng đã tỏ ra cay cú trước những lời phát biểu từ hai vị đại diện của Nhật và Hoa Kỳ. Đây là cuộc họp thường niên quy tụ các vị tổng trưởng quốc phòng và tướng lãnh chỉ huy quân đội thuộc 28 nước trong vùng Á châu – Thái Bình Dương, có mục đích xây dựng một tinh thần cộng đồng giữa những viên chức cầm đầu ngành quốc phòng và an ninh. Trong tinh thần đó, phần lớn các sinh hoạt cụ thể không chỉ nằm trong các cuộc họp khoáng đại mà là một loạt những cuộc họp song phương, hoặc tam phương, giữa 2 hay 3 quốc gia khác nhau để dễ dàng đối thoại trực tiếp và đào sâu vấn đề hầu khai triển những điểm hợp tác.
Thế nhưng khi ông Itsunori Onodera, Tổng trưởng Quốc Phòng của Nhật đón chào vị tướng lãnh cầm đầu phái đoàn của Trung Cộng thì ông đã bị “sửa lưng” thẳng thừng không cần phải giữ gìn nghi thức ngoại giao. Trung tướng Wang Guanzhong, Tham mưu Phó Quân đội Trung Cộng, nói rằng ông rất tức giận trước những lời nhận định của Thủ tướng Shinzo Abe ngụ ý buộc tội Trung Cộng là nước chịu trách nhiệm về những xung đột trên biển đang bùng lên trong thời gian gần đây.
Ông tướng Tầu này cũng tỏ ý bực mình trước những lời cáo buộc của Tổng trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ cho rằng phía Bắc Kinh đang gây ra tình trạng bất ổn trong khu vực. Nói chuyện với các phóng viên truyền thông, ông Guanzhong kết tội hai nhà lãnh đạo của Nhật và Mỹ đã “có vẻ như cùng song ca nhịp nhàng” để tạo mâu thuẫn và chia rẽ trong vùng Á châu – Thái Bình Dương. Ông cho rằng nội dung những lời phát biểu của hai vị lãnh tụ này là một hành động có tính khiêu khích đối với Trung Cộng, và rằng đây là những điều không thể chấp nhận được vì đã đi ngược lại tinh thần của cuộc Đối Thoại Shangri-La.
Ông Chuck Hagel và phái đoàn Trung Cộng tại cuộc Đối Thoại Shangri-La (hình AP)
Trước đó, Thủ tướng Abe, trong bài diễn văn đọc trước đại hội, đã bắn tiếng rằng Nhật Bản sẽ sẵn sàng ủng hộ bất cứ nước nào trong khối Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ lãnh hải và không phận của mình. Ông cũng kêu gọi mọi quốc gia đều nên tuân thủ theo tinh thần tôn trọng luật pháp, một lối chỉ trích gián tiếp các hành động của Trung Cộng thích dùng vũ lực đối các nước nhỏ bé hơn như Việt Nam và Phi Luật Tân. Còn Tổng trưởng Hagel thì đưa ra những lời cảnh cáo rằng Trung Cộng không nên có những hành động gây bất ổn trong vùng, và Hoa Kỳ sẽ “không ngoảnh mặt làm ngơ” nếu như Trung Cộng hoặc bất cứ nước nào tìm cách giới hạn con đường giao thông trên mặt biển hoặc coi thường những quy định luật pháp quốc tế.
Tuy bị cảnh cáo trực tiếp như vậy, nhưng ông tướng Tầu dường như không mấy bực tức đối với ông Hagel, và còn tỏ ý khen ngợi lối nói thẳng thắn, trực tính của đối phương. Nhưng ông ta lại có phần cay cú hơn trước những lời xách mé của Thủ tướng Nhật, tuy không nêu đích danh một nước nào, nhưng mọi người ai cũng hiểu là nhắm vào Trung Cộng. Tướng Guanzhong kết luận: “Nếu phải so sánh hai người, có lẽ tôi thích thái độ của ông Hagel hơn, vì nói chuyện trực tiếp bao giờ cũng tốt hơn.”
Thì ra thì không phải chỉ có những lời nói chỉ trích, trực tiếp hay xách mé, đã khiến cho phía Trung Cộng phải tức giận để trả đũa như vậy. Lời nói của cả hai vị lãnh tụ của Nhật và Hoa Kỳ đều có đi kèm với những hành động cụ thể. Phía Hoa Kỳ, vốn có thoả ước bảo vệ an ninh với Nhật, nhất định sẽ ra tay can thiệp nếu như quốc gia này bị tấn công. Vào cuối tuần qua, Hoa Kỳ đã tăng cường hai chiếc máy bay RQ-4 Global Hawk tối tân nhất sang Căn cứ Không quân Misawa của Nhật. Đây là loại máy bay không người lái đóng góp nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Nhật qua việc theo dõi các hoạt động chế tạo vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn, cũng như các hoạt động của hải quân Trung Cộng. Trong tương lai gần, Nhật sẽ mua thêm 3 chiếc Global Hawk loại đời mới này nhằm tăng cường thêm các hoạt động theo dõi đối phương. Tưởng cũng nên nhắc lại là Hoa Kỳ cũng có khoảng 50,000 quân nhân đồn trú tại Nhật trong nhiều căn cứ không quân, cũng như với 10,000 lính Thuỷ Quân Lục Chiến cùng với tổng hành dinh của Đệ Thất Hạm Đội đặt tại nơi đây.
Còn lời khuyến khích của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đi kèm với một hành động cụ thể khác. Đó là việc Nhật Bản sẽ bán những chiến hạm tuần dương của họ cho Việt Nam để nâng cao lực lượng phòng thủ lãnh hải của mình. Đó là lời xác nhận của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc Phòng của Việt Cộng, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters vào ngày Chủ Nhật vừa qua cũng trong cuộc hội thảo Shangri-La kỳ này. Ông Vịnh nói rằng Nhật Bản sẽ giúp huấn luyện lực lượng phòng vệ duyên hải của Việt Nam và chia sẻ những thông tin hữu ích, và hy vọng rằng những chiếc tuần-dương-hạm này sẽ đến Việt Nam vào đầu năm tới.
Theo nhận định của chuyên gia về quốc phòng tại Á châu là ông Abraham Denmark, tuy các nước trong vùng Biển Đông không muốn đụng độ với Trung Cộng với thế lực mạnh bạo gấp bội lần, nhưng không vì thế mà họ ngồi yên. Một mặt, các quốc gia này đang tìm cách đa dạng hoá nền kinh tế của mình để tránh bớt lệ thuộc vào Trung Cộng, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh quân sự của mình nhằm giảm bớt sự ưu thế quá chênh lệch của đối phương. Trong thời gian qua, phía Việt Nam đã mua thêm 6 tầu ngầm thuộc đời Kilo từ Nga, những máy bay tuần tiễu của Canada cũng như những chiến hạm Sigma Corvette của Hoà Lan. Phía Phi Luật Tân cũng mua lại từ phía Hoa Kỳ những chiến hạm đời Hamilton, cùng với hơn một chục chiến đấu cơ FA-50 của Nam Hàn. Nhưng quan trọng hơn cả, có lẽ là việc Phi Luật Tân đã vừa ký kết một hiệp ước bổ sung về hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ nhân chuyến công du mới nhất của Tổng thống Obama hồi tháng 4 vừa qua.
Có lẽ đó là lý do chính yếu khiến ông tướng Tầu, cũng như cơ quan truyền thông nhà nước tại Bắc Kinh đã phải giận dữ và phản pháo ngay trước những lời tuyên bố của hai ông Shinzo Abe và Chuck Hagel. Điều đáng nực cười là những người trong giới cầm quyền cũng như bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng đã phải tức giận để chỉ trích những lời lẽ tấn công của đối phương, trong khi chính họ đã ra rả những luận điệu kiểu “cả vú lấp miệng em” đối với các quốc gia nhỏ bé hơn như Việt Nam và Phi Luật Tân trong thời gian qua. Lối hành xử và lời lẽ có phần rất giống “gái đĩ già mồm” này có lẽ khó khiến cho những người dân trên thế giới có thể có cảm tình được với Trung Cộng.
Sau cùng, những lời nói “không biết ngượng” cũng đáng trách là những lời lẽ của các lãnh tụ Việt Cộng trong thời gian gần đây. Đó là lời của ông Nguyễn Tấn Dũng khi mạnh mẽ tố cáo hành động lấn áp của Trung Cộng và sau đó còn hăm he là sẽ nộp đơn thưa kiện vụ tranh chấp này ra toà án quốc tế như trường hợp Phi Luật Tân đã làm. Còn ông Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh thì lại mong muốn nhiều quốc gia hãy mạnh miệng hơn để tố cáo những hành động gây hấn tại vùng Biển Đông. Ông cho rằng các quốc gia cần phải gióng lên tiếng nói chống đối một cách mạnh mẽ và công khai hơn nữa.
Trong khi đó, nhà cầm quyền tại Việt Nam đã dùng bạo lực để ngăn cấm hoặc đàn áp tất cả những cuộc biểu tình của người dân trong nước muốn bầy tỏ sự chống đối của mình đối với Trung Cộng. Có lẽ chưa có một quốc gia nào mà nhà cầm quyền lại tỏ ra hèn yếu đến mức ngăn cấm người dân biểu tình chống ngoại xâm như tình trạng tại Việt Nam.Trớ trêu thay, những người đại diện như các ông Nguyễn Tấn Dũng hoặc Nguyễn Chí Vịnh lại chẳng biết ngượng mồm để đi kêu gọi các nước khác hãy mạnh miệng chống đối Trung Cộng, trong khi chính mình lại quá hèn nhát và đê tiện, che giấu hành động thần phục Trung Cộng qua những đòn cấm đoán như vậy ngay trong nội địa. Người Việt thường có câu nói châm biếm là “nói láo như vẹt”. Đem ra sửa lại là “Nói láo như Vẹm” có lẽ còn đúng hơn nữa.
MAI LOAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét