Tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông toàn quốc năm nay, Bộ Giáo giục tỏ ra khá nhạy bén với vấn đề trọng đại đất nước khi đưa đề tài Biển Đông vào cả hai đề thi môn văn và môn sử. Truyền thông nhà nước dẫn các ý kiến từ giáo viên, học sinh cho thấy sự hào hứng với đề thi năm nay. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng đối với hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập như hiện nay, việc đưa đề tài chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vào kỳ thi tốt nghiệp vẫn chỉ là một cách làm mang tính phong trào thời vụ.
Luồng dư luận ủng hộ với cách ra đề thi của bộ giáo dục cho rằng, đây là vấn đề nóng hổi và khi đưa vào đề thi thì nhận được rất nhiều sự hồ hởi hứng khởi của học sinh. Sự kiện giàn khoan HD 981 được đưa từ Biển Đông vào phòng thi cũng là điều rất nên làm đối với các 'sỹ tử' - thế hệ tương lai của đất nước.
Trên thực tế, nhiều thí sinh phàn nàn về kiểu đề thi 'lạ hoắc' năm nay. Một học sinh khi được hỏi về kết quả bài thi văn cho biết, trong phòng thi có đến 80% thí sinh “ngáp” đối với đề bài này, nếu có làm thì cũng chỉ là viết kiểu “chém gió” chứ thực ra các em không biết phải viết gì.
Khách quan mà nói, giáo dục chủ quyền tổ quốc là một việc hết sức quan trọng, qua đó giúp các em học sinh hiểu cặn kẽ về khái niệm chủ quyền cũng như hung đúc các em về tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, với hệ thống giáo dục của Việt Nam thường xuyên tránh những chủ đề 'nhạy cảm' khiến người ta hoài nghi về hiệu quả đối với phương pháp ra đề thi năm nay.
Mái trường Xã hội Chủ nghĩa vốn đặt nặng chủ trương nhồi nhét vào đầu học sinh những kiến thức lịch sử bị xuyên tạc. Thử hỏi, không nạp kiến thức trung thực cho học sinh, nhưng đề thi lại nhấn mạnh “chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nhận định những sự kiện đang diễn ra trên Biển Đông để có hành động phù hợp” (trích đề thi văn) phải chăng là đánh đố các em?
Trước mắt người ta sẽ thấy rằng việc đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào đề thi là một việc tốt và cần nên như thế. Nhưng mặt trái của việc này là gì? Sẽ là hàng loạt học sinh bị điểm kém, thậm chí trượt thi tốt nghiệp một cách oan uổng, vì những vấn đề đó các em không được học thì lấy đâu ra kiến thức để làm bài.
Về đề văn tốt nghiệp năm nay, trên trang viettq.vn có đưa ra phương án giải bài thi của các thầy cô như sau:
“Để làm được câu này, theo một số giáo viên, các em cần nêu các ý chính như:Cập nhật thông tin về tình hình Biển Đông trên những phương tiện thông tin đại chúng, mặt khác học sinh cần nắm chắc một số vấn đề sau:- Giải thích được các khái niệm : Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ+ Chủ quyền: Quyền tối cao của một nước độc lập tự mình giữ gìn đất đai và tài sản định đoạt vận mệnh của mình+ Toàn vẹn lãnh thổ:- Nắm được thực trạng vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển của nước ta cùng những hành động hung hăng, ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh:Huy động thêm tàu có vũ trang, tàu quân sự, máy bay hộ tống và cả tàu ngầm. Gần đây, họ còn tuyên bố không cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển thuộc ngư trường truyền thống của ta, đánh chìm tàu cá, đánh bị thương kiểm ngư và ngư dân Việt Nam- Đánh giá được đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng đe doạ đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam- Việt Nam đã, đang và sẽ có những biện pháp đấu tranh cần thiết để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình,nhưng các biện pháp đều chủ trương là hòa bình, hạn chế tối đa xung đột. Việt Nam cũng đã xem xét kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế giống nhưPhilippines...- Khẳng định vấn đề chủ quyền là hết sức thiêng liêng và dân tộc Việt Nam sẽ không để cho bất cứ thế lực nào có thể xâm phạm. Chứng minh bằng một số cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử Việt Nam - Chống Tống, Nguyên, Minh ...- Đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn: Liên minh quốc tế, khối các nước trong ASEAN, tăng cường sức mạnh quân sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất ....- Liên hệ bản thân: Ý thức trách nhiệm của cá nhân; Những hành đông cụ thể”
Theo như các gợi ý trên thì yêu cầu đặt ra cho các thí sinh là quá lớn, và các em khó có thể đạt được yêu cầu. Việc đòi hỏi các em giải thích được khái niệm của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thì trước đó trong quá trình học tập của các em cũng cần trang bị những kiến thức về điều này, ngược lại thì không thể nào bỗng dưng mà 'nặn' ra các kiến thức này được.
Ngoài ra các ý khác đều liên quan đến vấn đề mang tầm quốc gia, Đông Nam Á, Quốc Tế. Để nắm được những kiến thức đó thì đòi hỏi các em phải thường xuyên theo dõi và nghiên cứu vấn đề qua các phương tiện truyền thông thông tin. Nhưng khi ôn thi thì có mấy ai còn thời gian để đi nghiên cứu những vấn đề này?
Đó là chưa nói đến việc không phải học sinh nào cũng có cơ hội để tiếp xúc với truyền thông, nhất là đối với học sinh ở những vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Còn các phương tiện truyền thông đại chúng của nhà nước thì cũng chỉ đưa tin một cách dè dặt và phải qua nhiều khâu kiểm duyệt. Mặt khác, các em được học gì thì các em cũng chỉ chú tâm ôn cái đó, không ai ngờ được đề thi sẽ có nội dung ngoài lề như vậy. Chả trách nhiều 'sỹ tử' sau khi kết thúc thời gian làm bài đã phải than vãn về đề thi 'lạ hoắc'.
Cho dù đây là một hình thức để gieo vào giới trẻ ý thức yêu nước thì cũng là một cách làm quá ẩu. Để giới trẻ có một nền tảng yêu nước thức sự và bền vững thì các nhà giáo dục cần nên giáo dục từ khi trẻ bước vào cổng trường tiểu học. Đưa những vấn đề chủ quyền vào chương trình giáo dục cho các em, để các em nắm rõ. Ngược lại, suốt thời gian các em mài đít trên ghế nhà trường không hề hay biết gì về vấn đề chủ quyền tổ quốc và đến bây giờ một sự kiện xảy ra lại đưa nó vào đề thi, vậy thì khác gì thách đố các em.
Vì vậy, việc đưa vấn đề chủ quyền vào đề thi tốt nghiệp năm nay là một việc làm quá vội vàng của bộ giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cách để gieo ý thức yêu nước và vấn đề chủ quyền cho các em học sinh, nếu như vậy thì quả thật Bộ Giáo dục đã đốt chay giai đoạn. Giáo dục các em không đúng lúc, trong suốt quá trình học không giáo dục, nhưng đến ngày các em 'vượt vũ môn' để bỏ lớp áo thời học sinh thì lại mới đưa vào để giáo dục thì chỉ có phản tác dụng.
Dù sao, kết quả kỳ thi môn Văn, Sử năm nay cũng sẽ là cơ hội để bộ giáo dục có một đánh giá chính xác kiến thức về chủ quyền, lãnh thổ của học sinh cả nước. Qua đó, chất lượng các bài thi sẽ là bước khởi đầu để bộ giáo dục có thêm quyết tâm cải cách đối với một hệ thống giáo dục vẫn còn mang nặng tư duy “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội”.
Bút Tre
Bút Tre, cộng tác viên Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét