Tác giả: Bài này được Người Đô Thị đăng lại với tiêu đề ngắn gọn "Khoan Dung", tuy chỉ có hai chữ mà vẫn được "ưu ái" để ý, cũng là một trải nghiệm đáng nhớ và cần nhớ.
Dường như bên cạnh một khuôn khổ chính trị, dân chủ cũng cần một nền tảng nhân văn để có thể dung hoà những sự khác biệt trong một xã hội đa dạng. Khoan dung có lẽ là câu trả lời ít người trông đợi nhất, nhưng lại là câu trả lời cốt yếu.
Dân chủ hoá không chỉ liên quan đến cải cách tổ chức chính quyền để quyền lực nhà nước thật sự thuộc về nhân dân mà quan trọng hơn, dân chủ chỉ có thể bền vững nếu các cá nhân, nhóm trong xã hội hiểu và có cơ hội thực hành sự đối thoại trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, hướng đến thoả hiệp vì lợi ích chung trên nền tảng bất bạo động. Nói cách khác, khoan dung là cốt lõi của nền dân chủ.
Từ chuyện xung đột xã hội
Nếu giờ có hỏi dân chủ là gì, chắc không ít người sẽ dễ dàng trả lời dân chủ là dân làm chủ. Sâu xa hơn, có nghĩa là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhưng dường như định nghĩa hàn lâm đó lại không lý giải được tại sao ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước chuyển đổi từ chế độ chuyên chính, toàn trị như Ai Cập hay Myanmar, ngay khi quyền lực nhà nước được trả về cho nhân dân thì cũng là lúc xung đột xã hội xuất hiện, bạo lực kéo dài có khi dẫn đến đảo chính, quân đội trở lại nắm quyền như ở Ai Cập, hoặc có khả năng đe doạ tiến trình dân chủ hoá như đang diễn ra ở Myanmar.
Dường như bên cạnh một khuôn khổ chính trị, dân chủ cũng cần một nền tảng nhân văn để có thể dung hoà những sự khác biệt trong một xã hội đa dạng. Khoan dung có lẽ là câu trả lời ít người trông đợi nhất, nhưng lại là câu trả lời cốt yếu. Đó là các giá trị tôn trọng sự khác biệt, hợp tác và thỏa hiệp giữa những giá trị và ý kiến khác nhau. Theo Mahatma Gandhi: “Bản thân sự không khoan dung cũng là một hình thức của bạo lực và là cản trở đối với sự phát triển tinh thần dân chủ thật sự”. Ở mức cao nhất là câu tuyên ngôn của Voltaire: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của bạn. Nhưng tôi sẽ chiến đấu tới chết để bảo vệ quyền của bạn được nói lên quan điểm đó”.
Lịch sử cho thấy công cuộc chuyển đổi dân chủ từ các chế độ độc tài thường gặp nhiều trắc trở và mong manh. Một phần do sự phản kháng của các chính thể này đối với tiến trình dân chủ, mặt khác cũng do những cá nhân trong đó chưa học và biết cách lắng nghe, cách khoan dung với nhau, bắt tay nhau vì mục tiêu chung. Lâu dài, nó sẽ tạo ra một văn hoá loại trừ có tính chất khủng bố giữa các cá nhân và các nhóm trong xã hội.
Đến cách thức hoá giải
Vậy làm sao để xây dựng được văn hoá khoan dung trong xã hội để vận hành một nền dân chủ bền vững? Giáo dục là câu trả lời quan trọng nhất. Nhưng có lẽ không phải là một nền giáo dục đồng nhất nặng về đọc chép hiện nay dựa trên phương pháp học thuộc, diễn giải, sử dụng bài mẫu vốn là môi trường màu mỡ cho sự nảy nở của văn hoá độc quyền chân lý, loại trừ. Thay vào đó, cần có một nền giáo dục hướng đến việc xây dựng những con người tự do, dựa trên nền tảng tôn trọng cá nhân với tư duy phê phán. Nói cách khác, đó nên là một nền giáo dục khai minh hướng đến việc phát huy bản tính tự chủ của cá nhân.
Thừa nhận và tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát triển cũng là một giải pháp quan trọng. Kinh nghiệm của Việt Nam thời gian qua cho thấy xã hội dân sự không chỉ là một khu vực nằm ngoài và đối lập với nhà nước. Trong không ít trường hợp, xã hội dân sự đã giúp điều hoà và giải toả các xung đột lợi ích trong lòng xã hội trong tinh thần bất bạo động, thúc đẩy và cổ vũ các giá trị nhân văn như quyền con người, bảo vệ môi trường. Kiến tạo một không gian rộng mở cho xã hội dân sự hoạt động cũng đồng nghĩa với việc kiến tạo cơ hội để thực hành sự đối thoại, tôn trọng, thỏa hiệp với nhau - các giá trị căn bản tạo nên văn hoá khoan dung.
Và những chuyển động của Việt Nam
Giáo sư Johnathan London trong một bài viết ngắn trên blog riêng của ông đã miêu tả cảm giác về một cái gì đó đang xảy ra ở Việt Nam. Thời gian vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến những sự thay đổi lặng lẽ nhưng mạnh mẽ trong lòng xã hội Việt Nam; theo đó, chúng ta đang học cách tôn trọng và chấp nhận những ý kiến khác biệt nhau, thoả hiệp với nhau để theo đuổi mục tiêu chung, cương quyết từ chối cách giải quyết bạo lực.
Các nhóm xã hội đã biết tập hợp nhau lại để vận động thay đổi quan điểm về một điều cấm kỵ nào đó, đơn cử như vận động chấp nhận những người đồng tính, chuyển giới hay song giới. Là đối thoại dựa trên sự khác biệt ví như những tranh luận, đóng góp của các nhân sỹ trí thức về vấn đề Hiến pháp hay cải cách kinh tế, giáo dục. Là dũng cảm đối đầu thuyết phục người khác từ bỏ hành vi bạo lực, giúp đỡ công nhân Trung Quốc bị tấn công của những công nhân và người dân ôn hoà tại Bình Dương và Hà Tĩnh. Rõ ràng, xã hội chúng ta đã bắt đầu tự kiến tạo và biết nắm bắt cơ hội để học cách khoan dung với nhau ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo nhất.
Vẫn còn đó những cái nhìn, cách nghĩ và ứng xử tiêu cực, định kiến khi có những ý kiến khác biệt được nêu lên, nhưng những ai quan tâm đều có thể nhận ra, đúng là đang có một cái gì đó đang xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam. Cái gì đó chính là việc người Việt đang học cách khoan dung với nhau, tôn trọng lẫn nhau và thoả hiệp với nhau vì mục tiêu chung lớn lao của đất nước. Chính điều đó là cơ sở cho niềm tin rằng khi đất nước chúng ta hoàn tất tiến trình dân chủ hoá, quyền lực thuộc về nhân dân thì chúng ta cũng sẽ có hy vọng tránh được các xung đột, mâu thuẫn như đã xảy ra ở nơi này, nơi khác trên thế giới.
Trần Kiên, Nghiên cứu sinh, tiến sĩ ngành Luật, Anh
Trần Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét