Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Nếu Trung Quốc xâm lăng?

“…Mỗi người lính Việt Nam có quyền nghi ngờ những quân lệnh xuất phát từ cấp trên sẽ là những tử lệnh. Vậy thì làm sao? Xin mổ xẻ những sự trùng hợp của lịch sử để tìm giải thoát…”


quandoitrungquoc09
Có thể sau này những sự bạo loạn ở Bình Dương và Vũng Áng sẽ được nhắc lại như màn kết của đảng CSVN. Dù do quần chúng bộc phát, một phe cánh của chính quyền tổ chức hay do tình báo Trung Quốc giật dây thì vẫn có cùng một kết luận:
Chính quyền cộng sản không còn khả năng đối phó với tương lai nếu tiếp tục ôm chân Trung Quốc.
Quần chúng bộc phát thì đám đông đã chín muồi cho cuộc cách mạng. Do một phe cánh của chính quyền thì sắp sửa có đảo chánh. Do tình báo Trung Quốc giật dây thì Trung Quốc không còn chấp nhận thái độ thuần phục của đảng CSVN mà muốn có những chiến thắng vang dội hơn. Như thôn tính cả Việt Nam bằng vũ lực.
Chính quyền cộng sản sẽ chết. Nhưng có những cái chết liên lụy đến dân tộc. Trong phạm vi của bài này, xin mổ xẻ kịch bản tồi tệ nhất: Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam bằng vũ lực.
Ai ai cũng biết nếu có chiến tranh, Việt Nam sẽ thua. Thua mọi mặt.
Trước hết là thua vì tâm lý. Đã lũng đoạn kinh tế Việt Nam, Trung Quốc cũng phá hoại quân đội Việt Nam là điều dĩ nhiên. Đừng bở ngở nếu tình báo Trung Quốc đã thâm nhập ở cấp bậc cao nhất trong quân đội. Ngay từ đầu não. Bằng áp lực, mỹ nhân kế, tạo điều kiện, mua chuộc, hăm dọa, thủ tiêu, bè phái… Bộ quốc phòng Việt Nam đã bị vô hiệu quá. Phần đông thành phần nắm quyền lực là phường giá áo túi cơm. Người tài ba thì bị kìm hãm ở những chức vụ không đáng kể. Ngay cả chuyện giàn khoan mà bộ quốc phòng cũng dửng dưng như là chuyện không dính dáng đến mình. Trung Quốc đã khống chế được những ông Trọng, Sang, Dũng thì nhằm nhò gì ba cái thứ tép riêu như đại tướng Phùng Quan Thanh?
Mỗi người lính Việt Nam có quyền nghi ngờ những quân lệnh xuất phát từ cấp trên sẽ là những tử lệnh. Vậy thì làm sao?
Xin mổ xẻ những sự trùng hợp của lịch sử để tìm giải thoát.
Ngay từ đầu Thế chiến thứ Hai, tình báo Anh đã giải mã được máy truyền tin Enigma của quân đội Đức. Do đó đã nắm rõ đến 95% đường đi nước bước của đối phương. Nhờ vậy, Đồng minh biết bố trí lực lượng để đánh bại Đức Quốc Xã.
Dù là một chính trị gia đầy thủ đoạn, Hitler lại là một chiến lược gia rất tệ. Khi thắng thì ra lệnh dừng lại mà bỏ lỡ những chiến thắng lớn lao (Dunkerque). Khi bị sắp thua thì ra lệnh cho binh sĩ tử thủ để rồi bị thua trận thê thảm hơn. (Stalingrad, El Alamein, Normandie ...). Khẳng định rằng Đồng Minh thắng trận nhờ Hitler cũng không sai.
Dù bị bất lợi về tình báo, chiến lược, vũ khí, nhiên liệu… nhưng quân đội Đức vẫn chiến đấu đến 5,6 năm trời. Làm sao họ có thể chiến đấu dai dẳng như thế được?
Xin thưa là trình độ chiến thuật của quân đội Đức rất cao. Chiến lược khác với chiến thuật.
Chiến lược, strategy, là phương pháp để chiến thắng chiến tranh. 
Chiến thuật, tactical, là phương pháp để chiến thắng một trận chiến.
Chiến lược bao trùm nhiều lãnh vực. Một chiến lược gia tài năng phải hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực như chính trị, tâm lý, công nghiệp, kinh tế, ngoại giao… rồi mới đến quân sự. Chiến thuật thì chỉ quanh quẩn ở trong một trận đánh hay rộng hơn, một chiến dịch. Một sĩ quan giỏi là một chiến thuật gia giỏi.
Người Đức xem các trận đánh như là chuyện rất phức tạp. Một người hay một bộ phận chỉ huy không thể dự đoán tất cả những vấn đề. Có đủ tài ba để giải quyết tất cả những trở ngại. Có kịp thời gian ở mọi lúc và có mặt mọi nơi để điều khiển binh sĩ mình chiến đấu hữu hiệu nhất.
Dựa theo nhận định này, cẩm nang chỉ dẫn về chiến thuật, Auftragstaktik, cho phép mỗi người lính ở mọi cấp bậc được tự quyết định những cách thức hành động mà họ cho là phù hợp. Cấp chỉ huy giao nhiệm vụ. Những người thực hiện sẽ tự quyết định những phương pháp tác chiến.
Ngoài kiến thức quân sự cơ bản, mỗi người lính còn được huấn luyện hàng ngang và hàng dọc. Biết sử dụng những vũ khí cộng đồng và biết thi hành những nhiệm vụ cao hơn cấp bậc của mình. Nếu là lính trơn thì phải biết cách thức điều khiển của tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Nắm quyền chỉ huy đại đội thì phải có kiến thức quân sự của tiểu đoàn trưởng, sư đoàn trưởng. Khi đụng trận và bị mất mát, những “chỉ huy dự bị” này thay thế cấp trên mà không bị luống cuống. Mặt khác, cấp dưới vẫn có đủ vốn liếng quân sự để bàn cải và làm đổi ý cấp trên khi được lệnh thực hiện những nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy tránh khỏi những hy sinh không cần thiết. Trong nền chính trị độc tài, quân đội Đức lại dân chủ hơn nhiều quân đội của Đồng Minh.
Đi xa hơn một bậc, trong thời kỳ chiến tranh, người sĩ quan nào có cấp bậc cao nhất tại chỗ sẽ là người quyết định cuối cùng. Chẳng hạn như tiến hay thủ, rút lui hay tấn công… Thời gian quyết định được rút ngắn. Những danh tướng như Rommel, Manstein, Hoth… luôn luôn ở tại chiến tuyến để khai thác sơ hở của đối phương. Nếu gặp bất lợi thì họ cũng sớm tìm giải pháp để tránh tổn thất .
Dù có ưu thế về tình báo, số đông, vũ khí… phe Đồng Minh phải dồn lực lượng đông hơn mức 1/5, 1/8. Thêm vào những ưu điểm như không quân, pháo binh, thiết giáp… mới đánh bại được quân đội có khả năng chiến đấu quá cao này
Trớ trêu thay, kẻ thù không đợi trời chung với Đức Quốc Xã, quân đội Do Thái cũng có cách suy nghĩ và đào tạo binh sĩ như thế. Mỗi chiến sĩ được dạy dỗ như là một chiến sĩ độc lập. Họ có khả năng quân sự để hành động một cách riêng biệt nhưng phù hợp với chiến thuật của đơn vị và chiến lược của bộ quốc phòng. Vì không bị gò bó nên người lính dễ sáng tạo, tìm ra những cách thức ít đổ máu để hoàn thành nhiệm vụ. Cộng với những đường lối chính trị phù hợp với sự sống còn của đất nước, quân đội Do Thái không có địch thủ ở vùng Trung Đông.
Vào khoảng năm 2000, các thanh tra quân sự của khối Nato nhận thấy rằng lính bộ binh của mình rất … dở. Dù được huấn luyện rất tốn kém nhưng vẫn bị lúng túng ở mọi cấp bậc khi đụng trận. Qua nghiên cứu, các chuyên gia này thấy cách thức huấn luyện binh lính của Đức Quốc Xã, và nhất là của lực lượng Waffen SS là hiệu quả nhất. Và họ đã sao chép gần trọn cách thức chiến đấu và chỉ huy của những lực lượng này.
Người viết bài này may mắn được huấn luyện với hai phương pháp cũ và mới. Từ một người lính tầm thường, một robot, tác giả đã được lột xác trở thành một hệ thống vũ khí biết suy nghĩ. Sức chiến đấu của tập thể tăng đột biến. Chỉ huy những người lính độc lập này cũng rất dễ vì cấp trên chỉ trao đổi ý kiến và ra yêu cầu. Cấp dưới sẽ thi hành theo khả năng của mình. Thường thường thì kết quả mỹ mãn hơn là những khuôn mẫu cứng nhắc, tao nói sao mày làm vậy. Đơn vị dám nhận lãnh những trách nhiệm mà trước đó, phải cần quân số đông hơn gấp nhiều lần.
Trở ngược về Việt Nam. Nếu Trung Quốc biết tất cả những động tịnh của quân đội Việt Nam. Những chóp bu của bộ quốc phòng thì lo làm giàu hơn là lo đánh giặc, khi chiến tranh thì sẽ có những quyết định làm thiệt hại cho binh lính còn nhiều hơn là do bom đạn của kẻ thù. Vậy thì phải làm sao ???
Xin thưa là phải thay đổi suy tư hành động. Nên bắt chước quân đội Do Thái, Đức Quốc Xã và những lực lượng tác chiến của khối Nato: Người chỉ huy cao cấp nhất tại chổ là người có toàn quyền quyết định.
Bộ tổng tham mưu hay bộ chỉ huy khác ở phía sau chỉ đưa ra những chỉ thị tổng quát và yểm trợ nhu cầu của chiến trường. Còn thi hành được hay không và làm bằng các nào thì tùy thuộc vào bộ chỉ huy tiền phương. Xong việc rồi mới báo cáo. Bộ tổng tham mưu không biết và qua đó, tình báo của Trung Quốc cũng không biết.
Cách hữu hiệu nhất để chống lại sự thâu thập tin tức của đối phương là không có tin tức gi cả.
Ngay với những quân đội không bị tình báo thâm nhập, các lãnh đạo vẫn hành xử kiểu này vì lợi ích cho mọi người. Trong hồi ký của mình về cuộc chiến Falkland, thủ tướng Margaret Thatcher có kể rằng dù rằng rất muốn nhưng bà cũng không dám hỏi tin tức chiến trường. Vì bà biết các tướng lãnh đang rất bận rộn.
Trong trận chiến vùng vịnh năm 1991, tướng bốn sao Norman Schwarzkopt, người chỉ huy toàn lực lượng Đồng Minh không đòi báo cáo và tham dự vào cách thức điều quân của cấp dưới vì ông biết các sư đoàn trưởng có trăm chuyện để làm lúc lâm trận. Chỉ một yêu cầu từ cấp trên ra sẽ gây không biết bao nhiêu phiền hà, làm cho các sĩ quan không tập trung để điều động binh sĩ. Có thể gặp những trở ngại và phải chịu những thiệt hại không đáng có. Ông chỉ chú ý đến việc làm sao để tiếp ứng các lực lượng tác chiến nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Trong Chiến Tranh Sáu Ngày, bộ trưởng quốc phòng Do Thái Moshe Dayan cũng chỉ ra chỉ thị rồi thả lỏng những chiến tướng của mình. Nhờ vậy các sư đoàn trưởng của thiết giáp, nhảy dù, bộ binh cơ giới ...mới đánh chiếm được những lãnh thổ rộng lớn hơn cả kế hoạch ban đầu.
Ngay trong Tôn Tử binh pháp, dù đã bị văn hoá Khổng tử áp đặt triệt để, (vua chúa là thần thánh, quan lại và binh lính là tôi mọi), cũng có viết bóng gió: Mệnh vua có khi không chịu.     
Quân đội Việt Nam cũng phải cởi trói tư duy lệ thuộc vào mệnh lệnh của cấp trên một cách mù quáng mới có hy vọng cầm cự được với quân thù. Và tránh được những hy sinh không đáng có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét