Trong lịch sử nhân loại, con người luôn tìm tòi để khám phá mọi thứ. Từ đó nhân loại có được những thành tựu khoa học, những phát minh vĩ đại, những công trình kiến trúc đồ sộ, những kỳ tích bất ngờ, những tác phẩm để đời… Riêng trong lĩnh vực y học, những căn bệnh một thời tưởng như vô phương cứu chữa đã dần dần bị đẩy lùi. Đậu mùa, phong hủi, bệnh lao, một số dạng ung thư… dần dần đã không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ví dụ như chăm sóc và điều trị bệnh tiểu đường trong nay mai sẽ có những phát triển vượt bậc. Hiện tại có thể nói HIV (giai đoạn cuối của nó là bệnh AIDS – tiếng Pháp gọi SIDA) sẽ bị khống chế. Và cuộc chiến đấu chống HIV trên lĩnh vực nghiên cứu y học mỗi ngày không ngừng có những bước phát triển đáng kể.
Nhắc lại, những năm cuối thế kỷ 20th, bệnh AIDS xuất hiện là một bất ngờ lớn đối với con người. Nhanh chóng (nó) trở thành căn bệnh của thế kỷ. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh AIDS là vi-rút HIV (acquired immune deficiency syndrome). Gần như người ta đã bất lực trước nó, trở tay không kịp. Gần như một khi dính tới nó, cái chết coi như cầm chắc trong tay.
Một thời nhiễm HIV, còn gọi là HIV+, hay HIV dương tính (tức khi xét nghiệm thấy có vi-rút HIV trong máu) coi như tiêu đời. Vi-rút HIV từng hoành hành và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho không ít người. Vi-rút HIV tấn công, làm suy giảm hệ miễn dịch (với chức năng kháng bệnh của con người). Đến một lúc nào đó hệ thống miễn dịch trở nên quá suy yếu, cơ thể mất khả năng tự bảo vệ mình, nạn nhân sẽ bị chết bởi những căn bệnh thông thường khác như tiêu chảy, cúm, nhiễm trùng phổi… Nên HIV, xét về lý thuyết, nó không trực tiếp gây ra cái chết, nhưng nó là thủ phạm mở đường dẫn tới cái chết. Giai đoạn cuối cùng của HIV+ là bệnh AIDS.
Vi-rút HIV lây lan qua đường tiếp xúc dịch cơ thể (body fluid) như tiếp xúc với máu tại các vết cắt, tiêm chích, dịch âm đạo (phụ nữ), hoặc tinh dịch (nam giới), tuyến nước bọt, huyết thanh… Nói khác đi, con đường để vi-rút HIV xâm nhập vào cơ thể có thể qua đường giao cấu sinh dục, hoặc do sử dụng kim tiêm chung trong giới nghiện ma túy, hay do truyền máu bất cẩn tại các bệnh viện, do mẹ mang thai truyền sang cho em bé.
Vi-rút HIV là lưỡi hái tử thần đối với bất cứ ai bất cẩn hoặc kém may mắn. Mọi thành phần trong xã hội đều có thể là nạn nhân của HIV. Tuy nhiên trong giới đồng tính (homosexual), đặc biệt là đồng tính nam (gay), HIV được coi là phát triển rầm rộ nhất. Vì vậy, khi nói tới “đồng tính nam” người ta nghĩ ngay tới bệnh AIDS. Điều này khiến cho công luận càng có nhiều thành kiến đối với giới đồng tính nam và bệnh AIDS. Kế đó là giới mua bán dâm, người có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình khác nhau. Trên thực tế, HIV rất “công bằng” với tất cả mọi người. Nếu bất cẩn, họ sẽ bị nhiễm vi-rút, dù chỉ một lần xui xẻo, bất luận họ là ai.
Vài thập niên gần đây, nhiều chiến dịch xoay quanh việc chống lại HIV diễn ra khá rầm rộ, sâu rộng, qua việc giáo dục, nghiên cứu, mở các chiến dịch phát bao-cao-su miễn phí. Nhiều loại thuốc anti-virus chống vi-rút HIV (antiretroviral drugs) ra đời. Kể cả tại các nước nghèo, như Việt Nam và Châu Phi, bệnh nhân được sử dụng thuốc hạng thường (generic). Ví dụ như thuốc đắt tiền (brand name) là Atripla sẽ có thuốc hạng thường là efavirenz, emtricitabine và tenofovir disoproxil fumarate. Bên cạnh đó, những nỗ lực chế tạo vaccine phòng ngừa vi-rút HIV vẫn tiếp tục được thực hiện. Ngoài ra các nhà nghiên cứu còn ráo riết tìm ra những liệu pháp gien (gene therapy) để chặn đứng HIV.
Cần biết nhiều người bị nhiễm HIV nhưng không có triệu chứng lộ ra (asymptomatic) nên họ có thể lây bệnh cho người khác mà không biết. Nhiều người có vi-rút HIV ẩn núp kỹ trong DNA và ngủ đông (dormant) nhiều chục năm. Điều này là một thử thách đối với trận chiến chống vi-rút HIV. Mới đây một báo cáo tại AIDS 2014 công bố chỉ với một lượng chemotherapy thấp, các vi-rút HIV ngủ đông sẽ được đánh thức. Cần biết thêm vi-rút HIV có thể trà trộn (incorporate) vào chuỗi DNA của người và ẩn náu trong đó nên tác dụng của thuốc không thể có hiệu quả. Hiện tượng này gọi là HIV reservoir. Nên khi ngừng thuốc, vi-rút HIV ngủ đông sẽ tái phát trở lại.
Một nhóm nghiên cứu của Aarhaus University tại Denmark đã thử nghiệm thuốc romidepsin (một dạng chemotherapy drug) với mục tiêu ép các vi-rút HIV phải lộ mặt. Sáu bệnh nhân có lượng vi-rút HIV thấp trong máu được thử nghiệm (với một lượng romidepsin thấp, mỗi tuần 1 lần trong 3 tuần liền) cho thấy lượng vi-rút HIV trong máu đã tăng vọt. Bác sĩ Ole Sogaard của nhóm nghiên cứu cho đài BBC biết đây là một bước phát triển trong nỗ lực chống HIV rất đáng hoan nghênh. Nhờ thuốc romidepsin người ta sẽ biết rõ một cá nhân có còn nhiễm HIV+ hay không. Tạm thời romidepsin sẽ ép những vi-rút HIV phải lộ mặt. Bước kế tiếp là sẽ tìm ra một loại thuốc để tiêu diệt chúng.
Tác dụng của romidepsin giúp duỗi thẳng (relaxing) những vòng xoắn DNA vốn luôn cuộn chặt để ép những vi-rút HIV lộ mặt. Khi chúng bị ép phải lộ diện, các loại thuốc anti-viral sẽ tiêu diệt chúng dễ hơn. Các nhà chuyên môn đã xác định khả năng của thuốc romidepsin ép vi-rút HIV lộ mặt ra khỏi nơi ẩn náu (reservoir). Vấn đề còn lại là bộ phận cơ quan của cơ thể được chọn để ép chúng lộ mặt? Bởi vi-rút HIV chủ yếu nằm ở các tế bào máu. Cơ quan nội tạng và não cũng là những nơi chúng thích ẩn náu. Chọn được mục tiêu tấn công để romidepsin làm việc ép được chúng ra khỏi “hang ổ” ta mới mong trị tận gốc HIV+ được.
Tác dụng của romidepsin giúp duỗi thẳng (relaxing) những vòng xoắn DNA vốn luôn cuộn chặt để ép những vi-rút HIV lộ mặt. Khi chúng bị ép phải lộ diện, các loại thuốc anti-viral sẽ tiêu diệt chúng dễ hơn. Các nhà chuyên môn đã xác định khả năng của thuốc romidepsin ép vi-rút HIV lộ mặt ra khỏi nơi ẩn náu (reservoir). Vấn đề còn lại là bộ phận cơ quan của cơ thể được chọn để ép chúng lộ mặt? Bởi vi-rút HIV chủ yếu nằm ở các tế bào máu. Cơ quan nội tạng và não cũng là những nơi chúng thích ẩn náu. Chọn được mục tiêu tấn công để romidepsin làm việc ép được chúng ra khỏi “hang ổ” ta mới mong trị tận gốc HIV+ được.
Người kỹ lưỡng tỏ ra hoài nghi vào khả năng của romidepsin. Người lạc quan tin rằng romidepsin (tuy) không phải là câu trả lời cuối cùng nhưng vẫn là một bước đi khích lệ. Họ hoan nghênh romidepsin như một bước đột phá trong cuộc chiến chống lại HIV luôn luôn bền bỉ. Tương tự như những thành quả của các nhà khoa học luôn cố gắng khám phá ra những cách điều trị khác nhau.
Tâm huyết của các nhà khoa học trong lĩnh vực y khoa đã góp phần đẩy lùi nhiều căn bệnh nguy hiểm. Không có họ, những thành quả y học chúng ta thấy hôm nay không thể có. Thật không may. Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines vừa rồi bị bắn rơi tại Ukraine đã giết chết một số nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu trong cuộc chiến chống bệnh AIDS của Hà Lan và của thế giới trong khi họ trên đường đến dự cuộc Hội thảo International AIDS Conference tổ chức tại Melbourne, Úc. Trong đó có Joep Lange người từng giữ chức Chủ tịch của International AIDS Society trong nhiệm kỳ 2002-2004. Đây là một tổn thất không nhỏ đối với cuộc chiến chống lại căn bệnh và cũng là một biến cố đáng tiếc lẽ ra không nên có. Mong thay cái chết của họ sẽ khiến thế giới suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống. Về tinh thần phục vụ. Về những nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra. Về giá trị con người. Về niềm tin. Về chiến thắng… vốn luôn là những giá trị tích cực giúp con người chinh phục những khó khăn để phục vụ đồng loại tốt đẹp hơn, trong đó có chiến dịch chống lại HIV và ngăn ngừa AIDS.
Nguyễn Thơ Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét