Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Zmapp: niềm hy vọng lớn của nhân loại?

ngythanh0912

Những khám phá khoa học của con người
Khi đứng trước một khám phá hay một thành tựu khoa học lớn, nhân loại rơi vào vị trí phải làm quen với những gì còn xa lạ từ tiền kiếp. Những trường hợp khám phá như thế thường hiếm hoi, nhưng không ngăn loài người tìm kiếm, thí nghiệm.
Ngày 12/10/1492, trên đường vượt đại dương từ hải cảng Palos của Tây Ban Nha để tìm tới bến bờ châu Á là nơi được biết dư thừa vàng và ngọc trai, Christopher Columbus đã tìm ra “Tân Thế giới”.
Giữa tuyệt vọng của vô số thương tích chiến tranh trong Đệ nhị Thế chiến, trong khi tìm cách chữa trị các vết thương bị nhiễm trùng, khoa học gia Ernest Chain của Anh và nhà nghiên cứu bệnh học Howard Florey của Úc tình cờ chạm trán với khám phá của Alexander Fleming hơn một thập niên trước đó về chất “penicillin”, một trong những nhóm kháng sinh thu được từ nấm Penicillium notatum, dùng để sát trùng bằng cách giết vi khuẩn và hạn chế sự sinh trưởng của chúng. Đến nay, mọi người chúng ta ai cũng thừa biết penicillin trị các căn bệnh chết người như nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc, mủ lậu, sốt vàng da, giang mai, viêm loét lưỡi cấp…
Nhưng về phương diện chủng ngừa, thất khó để khẳng định ai là người phát minh, phương pháp phòng chống tật bệnh đã được nhân loại áp dụng từ thời xa xưa ở Trung Hoa, Ấn Độ và Ba Tư – chỉ trừ cái tên Edward Jenner là kẻ đầu tiên áp dụng cách chủng ngừa để phòng bệnh đậu mùa (smallpox) tại phương Tây. Căn bệnh này đã xuất hiện từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, và vào cuối thế kỷ 18, chỉ tính riêng châu Âu, mỗi năm cứ đều đặn làm chết khoảng 400.000 người nữa; trong số nạn nhân có cả 5 ông vua đang trị vì với bao nhiêu thầy thuốc danh tiếng chung quanh vẫn không thể cứu mạng. Trong số các nạn nhân, lịch sử ghi nhận có hơn 80% là thành phần con trẻ. Cộng chung, bệnh này mang chết chóc tới cho khoảng nửa tỉ người chỉ nội trong thế kỷ 20. Dùng phương pháp do Edward Jenner khám phá kéo dài liên tục từ thế kỷ 19 qua đến thế kỷ 20, bệnh đậu mùa được tổ chức Y tế Thế giới của LHQ (WHO) chính thức công nhận đã bị xóa sổ vào năm 1979 – ba mươi hai năm trước khi con người diệt dứt điểm căn bệnh dịch tả trâu bò (rinderpest) vào năm 2011.
Với đà tiến của khoa học, chúng ta tin rằng những ai đã sống sót qua được một đợt tấn công của vi trùng bệnh đậu mùa, người ấy sẽ được miễn dịch và sẽ không mắc bệnh này lần thứ nhì. Như thế, phòng bệnh bằng cách rạch da và cấy mầm bệnh đậu mùa vào người lành mạnh, hay cho hít vào bằng đường mũi được gọi là phương pháp chủng ngừa (variolation hay inoculation), đã được áp dụng ở Trung Hoa từ hồi thế kỷ thứ 10, cũng như ở Ấn Độ từ 1 ngàn năm trước Công nguyên. Rất muộn, phương pháp chủng ngừa dễ gây tử vong ấy được bà Mary Wortley Montague (1689-1762; phu nhân của đại sứ Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ, bản thân bà là một nạn nhân bệnh đậu mùa), áp dụng cho con cái của ông bà, trước khi chính phủ thí nghiệm thành công trên thân thể tù nhân.
Không bất ngờ như trúng vé số
Không tình cờ như Christopher Columbus gặp châu Mỹ, cũng không bất ngờ như tấm vé số độc đắc lọt vào tay, các phát hiện y học là một công trình miệt mài và gian khổ. Edward Jenner – cha đẻ của phương pháp chủng ngừa – cũng không lọt ra ngoài định luật ấy. Vị y sĩ kiêm khoa học gia người Anh nầy đã phát triển và phổ biến kỹ thuật tiêm chủng để chống lại căn bệnh đậu mùa quái ác. Dù ông không là người đầu tiên phát kiến dùng phương pháp chặn đứng bệnh đầu mùa trên súc vật để chủng ngừa bệnh đậu mùa trên con người, nhưng công trình nghiên cứu và điều tra của ông đã gây được niềm tin để nhân loại mang áp dụng một thể thức nhằm cứu mạng cho hàng triệu sinh mạng. Công trình của ông đã đặt căn bản trên các nhận xét thận trọng của từng trường hợp bệnh nhân, phối hợp với chuỗi quan sát kéo dài hơn một trăm năm của các vị tiền bối, trước khi các nhà khoa học có được một lời giải thích mạch lạc về con vi rút bệnh. Khám phá của ông đặt viên đá đầu tiên cho kỹ thuật chủng ngừa tân tiến chúng ta đang dùng ngày nay. Không nhờ phương pháp chủng ngừa của ông, có thể ngày nay loài người chưa thể hãnh diện tuyên bố rằng căn bệnh truyền nhiễm ghê rợn ấy đã bị xóa sổ khỏi bề mặt địa cầu.
Bản thân Edward Jenner được tiêm chủng từ tuổi lên tám, nên trong đời không hề bị dính bệnh đậu mùa. Trong thời gian học nghề thuốc với bác sĩ Daniel Ludlow, cậu học trò Jenner thường nghe bài hát đồng dao, với câu “Tôi sẽ không bao giờ còn dính bệnh đậu mùa, vì tôi đã từng bị bệnh đậu mùa thú vật. Tôi sẽ không đời nào bị khuôn mặt té thùng đinh”. Thao thức với giai thoại trong câu hát ấy, ông còn phải trăn trở thêm rất lâu, trước khi có được cơ hội để ứng dụng suy nghĩ của mình vào y học cụ thể, bằng cách cấy vi khuẩn đậu mùa vào sinh vật, để xác tín về sự hiện hữu của tính miễn dịch. Ngày 14/07/1796, ông dùng virus lấy từ bệnh nhân là chị bán sữa Sarah Nelms, để cấy vào dưới da em bé James Phipps 8 tuổi. Một tháng sau, ông lại lấy mủ từ một bệnh nhân đậu mùa khác, chích cho thằng bé Phipps, và thằng bé không bị bệnh nữa. Chờ vài tháng sau, ông lặp lại việc thí nghiệm trên thằng bé, và Phipps vẫn mạnh khỏe bình thường, như không có gì xảy ra. Mặc dù hai trăm năm sau căn bệnh mới bị tận diệt trên bề mặt trái đất, nhưng sau chuỗi thí nghiệm với em Phipps, ông Edward Jenner đã ghi vào nhật ký công tác thí nghiệm: “Việc tận diệt bệnh đậu mùa, căn bệnh rùng rợn nhất của loài người, sắp tới ngày chung cuộc”. Lịch sử ghi nhận Louis Pasteur là nhà nghiên cứu miễn dịch đầu tiên, nhưng trước Pasteur, Edward Jenner vẫn luôn luôn là người đầu tiên có thể khẳng định trên căn bản khoa học, sau khi tiến hành thí nghiệm để biến một giả thuyết thành chuyện mặc nhiên.
Trận chiến chưa nổ súng đã sợ thất bại
Vào ngày cuối tháng 8/2014, có hơn 1.800 người ở các nước phía tây lục địa châu Phi đã thiệt mạng vì nạn dịch Ebola, còn con số bệnh nhân đã dính bệnh mà không có thuốc trị đã lên cao hơn hai lần số người chết. Tổ chức y tế WHO tuyên bố virus Ebola đã vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Và một trong những nhà khoa học lớn trên thế giới đang trăn trở về tầm sát hại của Ebola, là nhà vật lý học kiêm giáo sư gốc Ý đang giảng dạy ở Đại học Y khoa Northeastern tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts – ông Alessandro Vespignani. Căn cứ theo công cuộc theo dõi và phân tích nhịp độ lây lan của căn bệnh, bác sĩ Vespignani nói rằng vào cuối tháng 9 này, nạn dịch sẽ tệ hại hơn, với các trường hợp lây bệnh sẽ đạt tới mức phải tính bằng con số từ ngàn này qua ngàn khác, cụ thể là từ 6 tới 10 ngàn người, trong khi phía WHO báo động hiện LHQ đã ghi nhận được hơn 3.700 ca bệnh tại các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Ông Vespignani nói thêm: “Dù sao, những con số tiên đoán của chúng tôi cũng chẳng khác gì dự báo thời tiết, là những tính toán dựa trên thống kê, nên quí vị cũng thấy rằng không có cơ sở chính xác tuyệt đối”. Ông giải thích rằng tính toán của ông dựa trên giả thuyết rằng phản ứng của con virus và cách giải quyết vấn đề vẫn như cũ, và toàn cảnh sẽ không thay đổi, cũng như các quan tâm về mặt y khoa vẫn cứ hững hờ, rồi nhịp độ lây lan bệnh cứ tiếp tục được duy trì.
Trong khi đó, bác sĩ Christian Althaus của Đại học Bern viết trong một imeo mới đây: “Thật khó để xác định có bao nhiêu người hiện đang dính bệnh Ebola hay đã chết vì nạn dịch ấy. Con số thực sự có thể cao hơn nhiều so với các bản báo cáo. Hiện chưa có thuốc điều trị Ebola, nạn dịch đang lây lan vào các thành thị đông dân, giữa khi các bệnh viện đã quá tải. Cũng may, đã có một số công trình nghiên cứu trước đây về các đợt bùng phát bệnh để chúng ta có chỗ tựa làm khởi điểm. Vấn đề hóc búa nhất là con số không chắc chắn về những ca bệnh được báo cáo. Các cơ quan y tế vừa yêu cầu được cung cấp con số xác thực vì họ cho rằng các trường hợp thọ bệnh lọt sổ không khai báo không phải là ít. Do đó, tình huống thực tế e còn tệ hại hơn rất nhiều”. Mặt khác, bác sĩ Althaus đặt vấn đề với tạp chí khoa học Science: “Với đà này, nạn dịch tại quốc gia Liberia không mà thôi e sẽ vượt quá con số một trăm ngàn vào ngày đầu tháng 12 năm nay”.
Song song với bài tường thuật nói trên của nhật báo The Washington Post ra ngày 08/09/2014, bác sĩ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm của Viện Đại học Minnesota, đưa ra một lập luận khác: chúng ta run sợ không dám nói thật về Ebola – một nạn dịch tại Tây Phi với khả năng có thể làm khuynh đảo lịch sử nhân loại như bất kỳ một nạn dịch nào khác đã hoành hành trước đây.
Theo số liệu cập nhật của ông Osterholm, hiện đã có trên 4.300 trường hợp mắc bệnh, với 2.300 người tử vong trong sáu tháng vừa qua. Tuần qua, WHO cảnh cáo rằng tới đầu tháng 10 có thể mỗi tuần sẽ có thêm hàng ngàn trường hợp lây bệnh mới ở Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria. Điều chưa được công khai nói huỵch toẹt ra – sau những cuộc thảo luận và tham luận ở các cấp tối cao của những cơ quan y tế công cộng thế giới – là chúng ta thực sự giống chiếc tàu mù mờ lạc lối ở vùng biển chưa ghi trên hải đồ và trọn vẹn sinh mạng và cơn khủng hoảng của chúng ta đang bị nhắm mắt thí cho trời, với hai khả năng mà chúng ta sẽ gánh chịu.
Thứ nhất, virus Ebola phát tán từ Tây Phi lan rộng vào các thành thị đông dân cư ở các khu vực mở mang khác trên địa cầu. Sự bùng phát lần này sẽ hoàn toàn khác biệt so với 19 nạn dịch đã xảy ra tại Phi châu trong 40 năm qua. Nếu như dịch hoành hành ở những thôn làng hẻo lánh, việc cô lập và khống chế sẽ tương đối không khó lắm. Nhưng trong bốn thập niên qua, dịch đã lan rộng và gia tăng ở mức 300 phần trăm trong các khu ổ chuột của các thành thị. Nay, cứ thử tưởng tượng một người mang mầm bệnh sắp đáp máy bay tới Lagos, Nairobi, Kinshasa hoặc Mogadishu – hay thậm chí bước chân xuống Karachi, Jakarta, Mexico City, Dhaka hay New York, Toronto…
Thứ nhì, các nhà vi khuẩn học phải miễn cưỡng né tránh đề cập đích danh khi thảo luận công khai, nhưng ở chỗ riêng tư. Họ không thể bưng bít rằng con virus Ebola có thể biến hóa để trở thành truyền nhiễm trong không khí. Hiện nay, chúng ta chỉ có thể lây bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với chất nhờn từ cơ thể người bệnh, nhưng dòng virus như con Ebola vốn khét tiếng trong việc tái tạo, nghĩa là, khi nó thâm nhập vào cơ thể một người, trên mặt di truyền, nó có thể không giống với con virus sắp đột nhập kế tiếp. Ebola hiện là một thứ virus tiến hóa đa chiều chưa có tiền lệ, chúng truyền nhiễm từ người sang người trong bốn tháng qua theo một mô thức lạ kỳ so với các dịch bệnh trong thời gian từ 500 đến 1.000 năm trước đây, mỗi vụ nhiễm trùng mới đại diện cho hàng ngàn tỉ chi hệ không trùng lặp của con thò lò nhiều mặt khác nhau. Một khi nó đã đột biến, chúng ta chỉ cần hít thở bình thường cũng đủ để dính Ebola, và việc lây nhiễm có thể sẽ lan rộng nhanh chóng trên mọi phần của địa cầu, như trường hợp con virus bệnh cúm H1N1 đã từng phát tán hồi năm 2009, sau khi xuất hiện ở Mễ Tây Cơ.
Nguy hiểm là thế, nhưng công luận né tránh việc trực diện với vấn đề, vì chẳng ai muốn mang tiếng là kẻ lớn tiếng hô “Lửa cháy!” trong một rạp hát lèn cứng người. Hồi 2012, một toán nghiên cứu gia Canada đã minh chứng rằng Ebola Zaire, chính là dòng virus đang hoành hành ở Tây Phi hiện nay, có thể truyền bệnh qua đường hô hấp từ lợn sang khỉ – hai loài thú có lá phổi cấu trúc rất giống phổi người.
Zmapp là gì? 
Trong cơn hoạn nạn chung của nhân loại trước trận dịch truyền nhiễm do Ebola gây ra, con người không chỉ chạy đến với Thượng đế của các tôn giáo là đủ. Mỗi ngày, mỗi giờ, chúng ta đang nhắc đi nhắc lại một chữ ngắn gọn, “Zmapp”, và ký thác trọn vẹn niềm cậy trông.
Zmapp là gì? – Nếu phải chọn một câu trả lời đúng nhất và chính xác nhất, thì “Zmapp” không có nghĩa gì cả, vì nó là một danh từ mới mẻ như chữ “penicillin” trong ngôn ngữ loài người trước đây 86 năm. Nếu thí nghiệm lần này thành công, không cần chờ thêm 86 năm nữa, chữ “Zmapp” một ngày rất gần đây sẽ được viết thường như một danh từ chung, và tất cả bí mật về Zmapp sẽ được bạch hóa để gọi tên một loại thuốc đẩy lùi được con virus truyền bệnh Ebola, đang triệt hạ loài người. Còn khi độc giả đang đọc những dòng chữ này, Zmapp vẫn chưa hẳn là một liệu pháp y học có khả năng mặc khải những kỳ công của công nghệ sinh vật song song với những hạn chế tất yếu của nó.
Nói chính xác hơn, Zmapp không là một liều thuốc đặc trị hay một loại vaccine phòng chống dịch bệnh, nhưng trong lãnh vực di truyền học đó là một tổng hợp các kháng thể (antibodies) được thiết kế nhằm gia tăng khả năng của người bệnh để chống trả với virus Ebola. Mặt khác, Zmapp là một hỗn hợp tối ưu của ba loại kháng thể đơn dòng được “nhân tính hóa” rút ra từ thực vật, đặc biệt là từ cây thuốc lá Nicotiana do hai công ty dược phòng khác nhau bào chế. Kháng thể thứ nhất là MB-003 được điều chế bởi công ty Dược liệu và Sinh học Mapp ở San Diego, California; kháng thể thứ hai có tên ZMAb, là sản phẩm của công ty Canada tên Defyrus ở Toronto, Canada; kháng thể sau cùng do Cơ quan Phụ trách Sức khỏe Công cộng (PHAC) của Canada đóng góp. Khi pha trộn chúng với nhau, bộ phận tiếp thị LeafBio của hãng Mapp ghép chung tên MB-003 vào với ZMAb, rồi rút ngắn thành “Zmapp”.
Trong cái tên ZMAb, chúng ta thấy mẫu tự “b” ở cuối chữ không viết hoa, do qui định khoa học “mAb” là chữ viết tắt chính thức của Monoclonal antibodies, được giới y khoa Việt Nam dịch sang tiếng Việt là kháng thể đơn dòng, để phân biệt với kháng thể đa dòng (Polyclonal antibodies). Theo tự điển mạng wikipedia, “kháng thể là các phân tử immunoglobulin có bản chất glycoprotein, do các tế bào lympho B cũng như các tương bào (biệt hóa từ lympho B) tiết ra để hệ miễn dịch nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân lạ, chẳng hạn các vi khuẩn hoặc vi rút. Mỗi kháng thể chỉ có thể nhận diện một epitope kháng nguyên (tác nhân gây bệnh) duy nhất”.
Trên lý thuyết, tất cả các kháng thể đơn dòng cùng một dòng thì giống hệt nhau và được sản xuất bởi cùng một dòng tương bào. Về mặt chuyên môn, nếu các kháng thể đơn dòng chỉ nhận biết một epitope trên một kháng nguyên cho sẵn, thì các kháng thể đa dòng là tập hợp các kháng thể đặc hiệu với các epitope khác nhau trên một kháng nguyên cho trước. Trong đáp ứng miễn dịch, cơ thể tổng hợp nhiều kháng thể tương ứng với các epitope của cùng một kháng nguyên, và đáp ứng như vậy được gọi là đa dòng. Epitope còn được dùng dưới tên antigenic determinant, tức kháng nguyên quyết định.
Khi ứng dụng kháng thể vào việc điều trị, khoa học gặp phải hai trở ngại: trong các mẫu huyết thanh đều có chứa nhiều loại kháng thể khác nhau; và số lượng kháng thể quá ít để ứng dụng trong điều trị. Để vượt qua hai vấn đề lớn ấy, hai nhà khoa học César Milsrein và Georges Kohler đã cố công tìm tòi và phát giác ra kháng thể đơn dòng là những kháng thể đặc hiệu duy nhất được tạo ra với số lượng lớn, đáp ứng với một kháng nguyên riêng biệt. Để sản xuất kháng thể đơn dòng, hai ông tiêm vào cơ thể chuột loại mầm bệnh mà họ thí nghiệm, để gây miễn nhiễm cho chuột trước 2 tới 3 tuần. Các mầm bệnh (kháng nguyên) ấy sẽ kích thích để làm các tế bào lymphô B của chuột sinh ra các kháng thể. Được trích ra từ lá lách của chuột và cho kết hợp với các tế bào ung thư tủy xương được nuôi cấy từ một con chuột khác để tạo thành các tế bào ghép (hybrid cells). Như thế, các tế bào ghép này mang đặc tính của tế bào ung thư và của tế bào lymphô B, có thể phát triển nhanh với số lượng lớn và tạo kháng thể cần thiết. Tiếp theo, các tế bào này được phân lập và cho phát triển để sản xuất kháng thể đơn dòng. Công trình nghiên cứu này đã mang lại giải Nobel Y khoa năm 1984 cho hai ông.
Ứng dụng vào điều trị, ngày nay các y sĩ dùng kháng thể đơn dòng để chẩn đoán kết quả thụ thai, để xét nghiệm viêm gan B và viêm gan C cũng như HIV bằng kỹ thuật Western Blot, để điều trị ung thư bằng các loại thuốc như Bevacizumab, Cetuximab, Panitumumab hay Trastuzumab, cũng như để trị bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) hay bệnh loét ruột già với các loại thuốc như Infliximab, Adalimumab… Như thế, kháng thể là một trong các biện pháp hữu hiệu, giúp cơ thể con người phòng chống các loại virus và vi khuẩn. Khi chúng ta lâm bệnh, hệ thống miễn dịch sản xuất các kháng thể để xé nát các mầm bệnh thâm nhập cơ thể, nhằm phục hồi sức khỏe chúng ta. Ngược lại, Ebola là thần chết, vì nó có thể làm gián đoạn hệ thống miễn nhiễm của con người.
Vào tháng 8/2013, hãng dược phòng Mapp giải thích công đoạn bào chế MB-003, cũng như cho biết hiệu ứng của thuốc khi dùng ở loài khỉ. Công ty Mapp đã cùng chung sức với Viện Nghiên cứu các Bệnh truyền nhiễm của Lục quân để tìm kiếm thuốc trị bệnh Ebola, nhằm phòng xa trong trường hợp địch thủ dùng virus để chế tạo vũ khí sinh học. Bước một, khoa học gia chích virus Ebola vào cơ thể chuột, rồi rút ra ba loại kháng thể để đánh trả với ba phần khác nhau của con virus, tuy nhiên, họ không thể chích kháng thể của chuột vào cơ thể người vì hệ thống miễn nhiễm của người sẽ đánh trả lại kháng thể của chuột như là các phần tử ngoại nhập tấn công chúng, do đó, khoa học gia chiết xuất mẩu DNA của người để sản xuất kháng thể khảm (chimera antibodies) có thể tiếp nhận được cho cơ thể con người. Kết quả là một loại huyết thanh mang tên MB-003.
Thử thách kế tiếp là nhu cầu khối lượng MB-003 cần thiết để bào chế đủ một liều có hiệu lực. Các thí nghiệm trước đây cho thấy loại kháng thể này có thể tăng trưởng bên trong hóa chất Nicotiana Benthamiana, một loài cây thuốc lá có xuất xứ từ châu Úc, là loại thực vật được dùng để cấy kháng thể virus West Nile, tức loại virus do muỗi, có khả năng gây ra bệnh viêm não.
Ngoài tính chất không mang theo virus để gây nhiễm trùng cho con người, lại rẻ tiền hơn động vật có vú, cây thực vật trở thành hữu dụng cho quá trình bào chế thuốc trị bệnh, các nhà nghiên cứu còn thấy rằng kháng thể Ebola phát triển trên cây trồng có hiệu năng cao hơn loại được cấy trong buồng trứng của chuột đồng Trung quốc. Tiếp theo, hai hoặc ba ngày sau khi được chích Ebola do Viện Nghiên cứu các Bệnh truyền nhiễm của Lục quân cung cấp, các con khỉ nâu (Rhesus macaques) được hãng Mapp chích loại huyết thanh MB-003 vào tĩnh mạch, và kết quả là 43% số khỉ thí nghiệm đã sống sót. Hãng Defyrus cũng làm các bước tương tự khi dùng huyết thanh ZMAb chứa 3 kháng thể lấy từ loài chuột, để thí nghiệm trên loài khỉ nâu hồi tháng 6/2012, với kết quả là 100% số khỉ thí nghiệm đã sống sót nếu được chữa trị ngay trong vòng 24 giờ sau khi bị cấy virus, hoặc 50% còn sống nếu chữa trị chậm, sau 48 giờ. Qua tháng 11/2013, khoa học gia của Defyrus làm đợt thí nghiệm thứ nhì, mang các con khỉ nâu đã sống sót 10 tuần trước ra chích Ebola lần nữa, và tất cả đều sống. Đợt ba, họ chờ thêm 13 tuần rồi lại gây bệnh vào đám khỉ sống sót, và kết quả là cứ sáu con, có bốn con vẫn sống.
Hai công dân Hoa Kỳ, Kent Brantly và Nancy Writbol, đã bị nhiễm bệnh Ebola khi phục vụ trong đoàn thiện nguyện Samaritan’s Purse tại một bệnh viện ở Liberia, đã được mang về Mỹ chữa trị và thoát chết, mặc dù phía chính quyền không xác nhận là họ được chữa bằng Zmapp hay không. Từ kết quả nầy, một hội đồng đạo đức vừa được tổ chức Y tế WHO thành lập, đã họp bàn và tuyên bố việc đem Zmapp ra cứu người là đòi hỏi của tinh thần đạo lý, mặc dù thuốc chưa hề được thí nghiệm trên cơ thể con người trước đây. Nhà bào chế Zmapp tiết lộ rằng tuy sản phẩm của họ đã được định danh là một y dược từ tháng 1/2014, nhưng chưa được đánh giá mức an toàn khi dùng trên cơ thể con người, do đó, thuốc đã được bào chế rất hạn chế. Bất cứ quyết định nào để thí nghiệm thuốc trên người bệnh đều phải do một vị y sĩ đang chữa trị cho bệnh nhân, tuân thủ theo các điều lệ gắt gao của Cơ quan Quản lý Y dược và Thực phẩm Mỹ (FDA). Để được FDA cho phép, một thứ thuốc tây phải trải qua ba bước thí nghiệm trên cơ thể con người, như thế, theo thủ tục, Zmapp sẽ còn phải chờ nhiều năm nữa để được cấp giấy phép, trong khi đó về số lượng, mặc dù một thông báo trên trang mạng của LeafBio cho hay: “Hãng Mapp và các thành viên đang làm việc với các cơ quan hữu trách để gia tăng khối lượng thuốc càng nhanh càng tốt,” tuy nhiên, họ không nói rõ sẽ cần thời gian bao lâu để bào chế được thêm khối lượng huyết thanh lớn.
“Thuốc cho tôi hay thuốc cho chúng ta?”
Ngay sau khi vị linh mục truyền giáo Miguel Pajares người Tây Ban Nha chết vì Ebola tại một bệnh viện ở thủ đô Madrid vào trung tuần tháng 8/2014 mặc dù đã được chữa bằng Zmapp, WHO khẩn thiết yêu cầu cứ đưa Zmapp ra sử dụng ngay thay vì phải trải qua nhiều năm tháng thí nghiệm trên người bệnh như nguyên tắc mà FDA áp dụng từ trước đến nay. Vấn đề nầy đã được nữ tác giả Donna Dickenson viết hẳn thành một cuốn sách mang tựa đề Me medicine vs. we medicine: Reclaiming biotechnology for the common good (Thuốc cho tôi hay thuốc cho chúng ta: phục hồi kỹ thuật sinh học để làm phước cho cộng đồng) phát hành từ năm ngoái, xoay quanh suy nghĩ về câu hỏi nhức nhối: liệu một loại thuốc được đặc chế cho riêng một người bệnh nào đó có nên mang ra sử dụng chung cho bất cứ ai không. Về phía WHO, hội đồng gồm 12 thành viên đại diện cho năm châu lục đã thảo luận về đạo đức đã viết trong thông cáo của họ: “Trong hoàn cảnh đặc biệt của nạn dịch đang bùng phát nầy, và nếu như một số điều kiện được hội đủ, hội đồng chúng tôi đã đi đến chỗ cùng đồng tâm rằng việc can thiệp bằng cách áp dụng một loại thuốc có khả năng trị liệu hay chủng ngừa, mặc dù chưa được minh xác về tính công hiệu cũng như phản ứng nghịch của nó, là hợp đạo lý”. Hội đồng nầy đã thảo luận về tính quan trọng của sự trong sáng, phải được người bệnh thỏa thuận nhận thuốc, bệnh nhân được tự do đồng ý hay từ chối thuốc, việc giữ kín bí mật, sự kính trọng người bệnh – trước khi mổ xẻ và tìm lời đáp cho hai câu hỏi: (1) Mang một chất thuốc chưa đăng kiểm và chưa biết được phản ứng nghịch của nó để dùng cho người có hợp đạo đức không? Nếu có, tiêu chuẩn nào và điều kiện nào cần hội đủ trước khi được dùng; (2) Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu phải đem chất thuốc chưa đăng kiểm ra dùng, thì các tiêu chuẩn nào cần tuân thủ khi chọn thuốc, và ai là đối tượng được ưu tiên điều trị hay chủng ngừa trước. Bà Mari-Paule Kieny, Phó Tổng giám đốc WHO, nói: “Chúng ta đang lâm vào tình cảnh khác thường trong trận đại dịch Ebola này, với mức tử vong cao mà không có bất cứ loại thuốc trị hay thuốc chủng nào được chứng minh là hiệu nghiệm. Chúng tôi cần các chuyên gia đạo đức y khoa đưa ra định hướng cho việc làm có trách nhiệm trong hoàn cảnh đặc biệt nầy”.
Một dược sĩ ở thành phố Conakry thuộc Guinea tên Marcel Guilavogui còn thẳng thừng hơn: “Không lý do gì để chỉ thử loại thuốc ấy trên cơ thể bệnh nhân da trắng và quay lưng với người da đen. Chúng tôi ý thức rằng đó là trị liệu mới được thử lần đầu và có thể xảy ra các phản ứng phụ tiêu cực. Nhưng chúng ta cũng phải dùng thử trên cơ thể bệnh nhân da đen nữa”. Ký giả Aisha Dabo thuộc nước Senegal-Gambia viết khẩn thiết hơn: “Chúng ta không thể cứ thụ động trong khi nhiều người nữa đang chết! Chúng ta cần phải gióng lớn tiếng để thế giới nghe được chúng ta”.
Trong khi một mặt thế giới đang nôn nóng muốn chặn đứng sự lan tràn của nạn dịch Ebola và đặt vấn đề đạo lý trong trị liệu, mặt kia, người dân châu Phi tiếp tục làm cho mình lây bệnh mỗi ngày mỗi giờ, vì nhịp độ cồn cào của bao tử, như tinh thần câu nói của người Việt chúng ta: “có thực mới vực được đạo”.
Các nhà khoa học đồng ý với nhau rằng tiêu thụ thịt rừng – từ chuột đến khỉ – là nguyên nhân chính làm lây lan đại dịch Ebola. Mặc dù có bằng chứng hiển nhiên, nhưng dân vùng Tây Phi cứ tiếp tục tin rằng ăn thịt thú rừng là an toàn, và tỏ ra hốt hoảng khi nghe lời khuyến cáo phải đổi cách sống, hoặc phải họp chợ để trao đổi thịt gia súc. Trước mắt người đến từ nước ngoài, đó là những miếng thịt trần trụi, đen thui thiếu sạch sẽ, không biết của loài thú nào. Trong con mắt của đa số dân châu Phi, những miếng thịt đã xào nấu, phơi khô hay hun khói của con thú rừng, dù chuột, hay dơi, hay khỉ, không chỉ là thức ăn từ thời tiên tổ, mà hiện là nguồn chất đạm tại miền đất hiếm hoi chất dinh dưỡng để nuôi sống con người. Ông Juan Lubroth, trưởng phòng thú y của Cơ quan Lương Nông LHQ, cho biết đã ra thông cáo cảnh tỉnh dân vùng đang có dịch bệnh: “Chúng tôi không ngăn cản việc dân đi săn thú chung với nhau. Nhưng họ cần ý thức rằng không thể sờ tay vào con thú đã chết, hoặc mua bán hay ăn uống thịt con thú chết trước khi họ tìm gặp, cũng không nên săn lùng con thú nào đang bệnh, hay có phản ứng khác thường”.
Mặc xác Liên Hiệp Quốc! Hàng chục triệu miệng ăn ở châu Phi sống nhờ vào thịt rừng hay cá đồng để có được 80% chất đạm. Mỗi năm, chỉ tính riêng tại lưu vực Congo, dân địa phương ăn hết khoảng 5 triệu tấn thịt thú hoang, từ con sâu róm bé tí đến chú voi khổng lồ. Con số này ngang với sản phẩm gia súc của cả nước Brazil, hay của Liên hiệp châu Âu. Nếu muốn chăn nuôi để đạt được bằng ấy số lượng thịt gia súc, trước tiên phải biến 25 triệu hécta rừng thành nông trại chăn thả – một diện tích mặt bằng ngang với nước Anh. Săn thịt rừng là bất hợp pháp ở nhiều nước châu Phi, nhưng với việc áp dụng luật lỏng lẻo, nên các văn bản pháp luật chỉ có mặt trong các kho chứa sách của nhà nước. Ngoài đời, chỉ tính riêng tại quốc gia Cameroon, người ta biết là có không ít hơn 460 ngàn chuyên viên về nghề săn thú rừng. Do đó, việc chặn đứng đại dịch Ebola ở châu Âu không chỉ là chuyện dùng thuốc Zmapp, mà còn là vấn đề đói ăn.
Ngày xưa, từ nước này qua nước kia, hay từ tỉnh này sang tỉnh kia trong cùng một quốc gia, có khi là một trời và một vực, như phiêu lưu tới một thế giới khác. Ngày nay, mầm bệnh Ebola đang lan tràn ở Phi châu chỉ còn cách châu Mỹ và châu Âu chỉ bằng… một chuyến bay vài tiếng đồng hồ.
NgyThanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét