Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Những cánh hoa thời giông bão


hoahong
Google map là một trong những sản phẩm tuyệt vời của thời đại tin học. Chỉ cần điền một cái địa chỉ là hiện ra ngay trên màn hình từng con đường, từng góc phố, từng hành cây. Nhớ nhà, vào google map gõ địa chỉ nhà chỉ để mong nhìn một chấm nhỏ li ti mái đỏ, tưởng chừng như thấy lại ngôi nhà tuổi thơ, tưởng chừng như thấy Mẹ còng lưng ngồi nhổ cỏ trong nắng trưa, nghe đâu đây tiếng lá dừa lao xao. Nhìn chấm nhỏ li ti cho đỡ nhớ nhà, đỡ nhớ một quê hương còn xa quá đường về. Google map Viet Nam chỉ cho thấy biệt thự, khách sạn cao tầng, khu giải trí ăn chơi nhưng không cho thấy nhà sàn ổ chuột, không cho thấy nhà tù. Việt Nam không có thống kê cho nhà tù vì nó sẽ là vết chàm trên gương mặt đầy son phấn của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việt Nam chỉ có, nhẹ nhàng lắm: trại giam. Và ở đâu đó trong các trại giam rãi rác khắp mọi miền đất nước có những người phụ nữ Việt Nam, họ không ăn cắp, họ không giết người, họ không bán thân…nhưng họ vẫn bị giam bởi những lý do mà nhân gian không thể hiểu : họ bị bắt giam bởi họ biết …yêu. Tình yêu cho đồng bào, cho quê hương. Họ có tội bởi họ đã yêu những người nghèo khổ, họ có tội bởi họ đã yêu tôn giáo của mình và trên hết, họ có tội vì họ đã yêu đất nước của mình.
Tạ Phong Tần, người nữ công an đã bị bắt bởi chính đồng đội của chị. Tội của chị nặng lắm bởi chị đã dám biểu tình xua đuổi người anh em một thời môi răng khắng khít với chế độ. Mười năm tù là cái giá phải trả cho tình yêu nước. Ôi, lịch sử ngàn năm chưa bao giờ chua xót như hôm nay. Với nghề nghiệp công an, chị tin vào luật pháp, tin vào Công lý và Sự thật như tên trang web mà chị đã cưu mang. Ở xứ tự do, có lẽ chị sẽ là một mẫu mực lý tưởng cho cán cân công lý. Nhưng lý tưởng của chị đã sinh nhầm miền đất hứa. Không có công lý và sự thật nào có chỗ đứng trên quê hương tan nát hôm nay. Không có chổ đứng nào cho một người công an không biết ăn hối lộ. Tưởng tượng ra nỗi đau xé lòng của chị khi nghe tin Mẹ mình tự thiêu. Mẹ đã oằn người trong ngọn lửa nghiệt ngã để thét lên tiếng uất hận cuối cùng của một đời oan khiên. Bây giờ, mỗi buổi thăm tù sẽ không còn Mẹ. Công lý ở đâu? Sự thật ở đâu ? Mẹ đã phải đi tìm câu trả lời ở một cõi đời khác. Con đi tù, Mẹ tự thiêu. Chị được vinh danh là một trong 10 phụ nữ dũng cảm nhất. Nhưng cái giải thưởng ấy chỉ làm kẻ thù điên tiết lên và chị bị đày ra Bắc 2 tháng sau đó, một đòn thù hèn của chế độ dành cho một người phụ nữ.
Tháng 10, trời ngập ngừng vào thu. Vào siêu thị, chỉ cần với tay là có hàng chục mẫu mã khác nhau cho một loại kem chống nắng, trị nhăn… có ai nghĩ đến những điều nhỏ nhặt nhất của những người phụ nữ trong tù? các chị sẽ làm sao trong các kỳ kinh nguyệt? nơi mà một miếng giấy vệ sinh cũng là hàng hiếm, nơi mà tắm giặt, gội đầu cũng bị hạn hẹp bởi khung giờ và kiểm tra của quản giáo.
Nói đến tắm, lại nhớ đến Đỗ thị Minh Hạnh, tắm rửa đã là những ám ảnh hãi hùng của cô bé vốn không biết khuất phục này: một lần, nước từ bồn tắm tràn ra, cô ngã và bị nước cuốn trôi, đầu va vào thành bồn tưởng chết. Lần khác, cũng trong nhà tắm, cô đã bị bạn tù đánh hội đồng trong khi tắm chỉ vì không chịu đi lao động theo lời quản giáo. Hạnh có những nét rất riêng: cô rất dịu hiền với người nghèo khổ, bị áp bức, rất ôn hoà vui vẻ với bạn bè, người thân nhưng cũng rất bướng bĩnh, ương ngạnh tới trời với kẻ hống hách, bạo quyền. Chưa một lần cô khuất phục trước đòn thù của công an trại, ngược lại, bằng niềm tin và tình cảm, cô đã thuyết phục được những người tù đánh cô bởi xúi dục của công an. Bên cạnh tiếng tiếng hát líu lo như chim hót của cô bé này là một con người bao la tình cảm. Cô chỉ nghĩ đến kẻ khác, những ngày chưa vào tù, cô giúp dân oan điền giấy tờ đòi đất, giúp người lao động đứng lên đấu tranh cho quyền lợi công nhân, dốc hết số tiền còn lại của mình cho người cơ nhỡ, cởi chiếc áo gió duy nhất choàng cho kẻ khốn cùng để đội mưa về nhà trong cơn bão lớn.
Trong tù, không lo cho thân mình mà Hạnh chỉ sợ Ba Mẹ vì mình mà lo buồn sanh bệnh, Hạnh chỉ nghĩ đến Hùng và Chương đâu đó trong một nhà tù khác, Hạnh thương các bạn tù khác hơn cả bản thân. Trong tù, Hạnh vẫn nhớ đến những người bạn ngoài tù với đầy đủ yêu thương dù chỉ một lần gặp gỡ. Cô bé ấy quá đặc biệt, quá khác thường mà ngôn ngữ bình thường không đủ chuyển tải. Vào tù ở cái tuổi rực rỡ nhất của thời con gái. Nếu vượt qua được các chứng bệnh ác tính để sống thì ngày ra tù cô sẽ là một phụ nữ trung niên, không chồng, không con với bộ ngực teo tóp và các di chứng để lại trên khắp cơ thể. Đó là phần thưởng mà chế độ dành cho những người biết yêu thương người dân tội nghiệp của mình.
Chị Kim Liên, vai gánh nặng hai đứa con tù lại thêm nỗi đắng cay khi con gái của chị bị gia đình chồng buộc phải ly dị vì có em là « phản động », hôn nhân của Uy cũng bên bờ vực thẳm vì bên nhà gái muốn « hồi hôn ». Những dòng lệ khô chảy lặng lẽ trên gương mặt đã quắt queo bởi lo âu buồn khổ. Nhưng hình như càng đau buồn cho con, ý chí chị càng mạnh mẽ hơn. Người ta nghe tiếng chị vẫn sang sãng trong các cuộc phỏng vấn như thách thức với chiếc còng của chế độ. Nhưng có mấy ai biết đàng sau những lời đanh thép bênh vực cho con mình của chị là một tâm hồn vỡ nát, vỡ nát bởi đau buồn, vỡ nát bởi bệnh đau cột sống đang hành hạ và vỡ nát trong niềm thất vọng theo mỗi buổi thăm con ở trại tù . Trong nỗi đau âm thầm, chị vẫn tin con mình không có tội. Yêu nước, chống Tàu không phải là một cái tội. Họ có tội chỉ vì họ không yêu nước theo kiểu Đảng nghĩ, họ bị bắt vì họ không chống Tàu theo kiểu Đảng muốn. Điều này dễ hiểu trong một chế độ độc tài, người dân không có quyền chọn lựa cho mình một thái độ. Mọi việc đã được định sẵn, muốn yên bình, bạn chỉ việc đi theo hai con lề mà họ vạch sẵn. Hạnh, Uyên, Nghiên, Thuỷ, Dung.….và hàng ngàn người khác đã vào tù chỉ vì họ muốn đi bên ngoài hai con lề ấy. Họ muốn được yêu nước bằng cách riêng của họ. Họ muốn giải thiêng quyền lực tối ưu của Đảng dù biết rằng cuối con đường ấy là nhà tù, là biệt giam, là giông bão cho đời mình.
Có đau lòng không khi nhìn thấy chị Mai thị Dung quặt què ra thăm chồng trên hai cánh tay bạn tù? Người phụ nữ này và bao nhiêu đồng đạo của chị đã chịu nhiều oan khiên chỉ vì không tu dưới ánh sáng chỉ đường của Đảng. Hơn 10 năm tù là món quà của chế độ tặng cho một người phụ nữ để vinh danh tự do tôn giáo.
Năm nay, chị Mai thị Dung và Đỗ thị Minh Hạnh sẽ được hưởng cái rét đầu tiên của mình trên đất Bắc. Việc chuyển trại như một lời cảnh cáo bởi ảnh hưởng của hai chị với các bạn tù đã trở thành một mối đe doạ cho ban quản lý trại Z30A Xuân Lộc.
Ngàn sau, Thầy cô dạy sử sẽ nói gì với thế hệ mai sau khi giảng về trang sử Việt Nam một thời giông bão? Một thời mà con người bị giam cầm chỉ vì lòng yêu nước, một thời mà người ta bị gông cùm chỉ vì yêu quá dân mình . Lịch sử sẽ xót xa khi viết về những phụ nữ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong các trại tù chỉ vì họ đã yêu đất nước theo cách riêng của họ. Những cánh hoa ấy đã tả tơi trong cơn cuồng phong của chế độ chỉ vì họ muốn được tưới mát quê hương bằng tình yêu của một người con Việt. Quê hương ơi, từ lúc nào yêu đất nước, yêu con người, chống ngoại xâm là một cái tội?
20 tháng 10, ngày được Đảng Cộng sản Việt Nam chọn để tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam. Hôm nay, sẽ có những món quà đắt giá vượt quá tầm suy nghĩ của một người dân bình thường được trân trọng trao cho Mẹ, cho vợ, cho người yêu, cho bạn bè; Sẽ có những đoá hoa điện tử gửi đi từ email, Face book như một thông lệ cần thiết. Có đoá hoa nào đến với các chị sau chấn song tù?
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét