Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Phiếu tín nhiệm và “vòng kim cô”


Nhà báo Nguyễn Vạn Phú:
 Nhiều người thích nói về nhà nước pháp quyền, rằng nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Thực tế cũng nhiều người coi pháp luật không là cái đinh gì cả.
Lấy ví dụ chuyện ngày hôm nay. Có lẽ các bạn đều đọc tin “Quốc hội dừng lấy phiếu tín nhiệm” trong đó có nói Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2014 sẽ tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm”.
Có lẽ đại biểu Quốc hội nào cũng phải hiểu một nguyên lý cơ bản: việc lấy phiếu tín nhiệm là từ một Nghị quyết của Quốc hội thì chỉ có Quốc hội (tức là toàn thể các đại biểu) quyết định tạm dừng chứ không ai khác có cái quyền đó cả. Chủ tịch Quốc hội không có quyền tạm dừng mà Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không có quyền tạm dừng.
Nguyên tắc làm việc của Quốc hội là làm việc theo chế độ hội nghị cho nên cũng không thể có chuyện gởi phiếu lấy ý kiến của các đại biểu từ xa được.
Lẽ ra nếu việc lấy phiếu tín nhiệm có vấn đề gì đó để Bộ Chính trị “đề nghị” Quốc hội tạm dừng thì cũng phải chờ đến cuộc họp toàn thể vào tháng 5 sắp tới, họp một cái, bỏ phiếu một cái cho nó đúng nguyên tắc. Làm như mấy ông, mấy bà bàn nhau hôm nay thì thật là coi thường khái niệm “nhà nước pháp quyền” quá thể.

Dừng phiếu tín nhiệm

Sự kiện Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận: tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5-2014 tới sẽ tạm dừng thủ tục lấy phiếu tín nhiệm đối với các quan chức trong bộ máy dân cử và hành pháp năm 2014 (mà nếu không tạm dừng, sẽ diễn ra trong kỳ họp Quốc hội thứ 7) đang gây bão dư luận, được báo chí (cả lề Đảng lẫn lề Dân) phản ánh sôi sục.
Theo đó, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21-2-2014, cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu - UBTV QH Nguyễn Thị Nương cho biết, qua việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, Ban Công tác đại biểu đưa ra đề nghị tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2014.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm là việc mới, quan trọng, được nhân dân đánh giá rất cao và kỳ vọng là một cách đánh giá cán bộ. Trên cơ sở đó nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, lại là lần đầu nên cần có đánh giá, rút kinh nghiệm để đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương xem xét để hoàn thiện. Đây là khâu rất quan trọng của QH và HĐND nên rất cần nghiên cứu, hoàn thiện để phát huy. Tới đây việc tổng kết báo cáo đánh giá sẽ trình Trung ương. “Việc ngừng hay ngừng như thế nào như Ban Công tác đại biểu trình kỳ họp thứ 7 (khai mạc hạ tuần tháng 5-2014) là ngừng hẳn hoặc 1 nhiệm kỳ 1 lần hoặc 2 lần cần nghiên cứu. Hướng sửa đổi theo tôi cần có đánh giá đầy đủ việc thực hiện Nghị quyết 35” - ông Lý đề nghị.
Xung quanh sự kiện này, không chỉ báo lề Dân xôn xao, mà rất nhiều chức sắc của Quốc hội cũng bày tỏ ý kiến “lăn tăn”.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết cử tri trong và ngoài nước đánh giá rất cao việc lấy phiếu vừa rồi, kết quả tốt thế rồi mà nay dừng lại. Do vậy, tại kỳ họp tới đây phải bàn và có báo cáo các đại biểu trước để nắm. “Việc lấy phiếu tín nhiệm đang hay, tốt như vậy mà đột ngột dừng. Vì thế tại kỳ họp thứ 7 này, UBTV QH giao Ban Công tác đại biểu có báo cáo trước QH về việc chỉnh sửa, bổ sung một số điều tôi nghĩ QH cũng đồng tình thôi” - ông Phúc nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước cũng cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là kênh nhận xét, đánh giá cán bộ của Đảng, được nhân dân trông đợi và nắm được cán bộ. Điểm yếu của kênh là chỉ đánh giá được một bộ phận cán bộ rất quan trọng, không phải toàn bộ cán bộ rất quan trọng của Đảng. “Tôi đồng ý tạm dừng theo đề nghị của Ban công tác đại biểu với lý do là văn bản chưa ổn, vì thế cần xem xét để điều chỉnh. Như việc có cần thiết phải giảm vì hầu hết cán bộ cơ quan của QH, HĐND tín nhiệm cao; nhưng bên hành pháp còn đa số số tín nhiệm thấp, thậm chí là dưới 50%. Việc này cũng đúng vì phản ánh tâm tư của người dân và phải ngày giờ đối mặt với cuộc sống. Thể chế, văn bản lạc hậu mà đến thi hành càng làm cho cán bộ bên hành pháp dễ đối mặt với va chạm, dễ gặp khuyết điểm, sai lầm dẫn đến bức xúc” - ông Phước bình luận.
Từ đó ông Phước đề nghị giảm bớt bỏ phiếu khối dân cử mà tập trung vào khối hành pháp để phản ánh đúng thực tế các ngành, cán bộ để chính sách, công tác của cán bộ ngày một hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc dừng là không hay, tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 tới đây thì đưa vấn đề này ra bàn để sửa. “Chúng ta chia sẻ phía hành pháp tâm tư là đúng. Bộ Chính trị chỉ chỉ đạo dừng việc lấy phiếu vào đầu năm 2014 thôi và yêu cầu sửa Nghị quyết 35 chứ không phải là dừng hẳn. Việc này vừa đúng chỉ đạo của Bộ chính trị và không tạo cú sốc cho dư luận xã hội. Việc lấy phiếu vừa qua chặt chẽ, nghiêm túc và được dự luận đón nhận” - Phó Chủ tịch QH nhận định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn việc QH lại đi đánh giá các cơ quan của QH là chưa trúng vì công việc của cơ quan QH là kết quả từ thống nhất, biểu quyết tập thể. Còn Bộ trưởng là “Bộ trưởng chế”, người quyết định hoạt động, kết quả của bộ mình.
Bên cạnh đó, cũng không dứt khoát năm nào cũng phải làm vì làm thui chột quyết tâm của các Bộ trưởng, họ còn cần thời gian sửa chữa và phát huy. “Một vấn đề quan trọng là đang làm rồi nay không làm nữa cũng không đơn giản. Vì người nhận phiếu chưa cao lắm thì họ cũng đang phấn đấu và chờ kỳ lấy phiếu để xem xét lại nỗ lực của họ” - ông Hiển bày tỏ.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết phải có đánh giá lại, đồng thời báo cáo Bộ Chính trị và QH. “Bộ Chính trị quyết định tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm vào đầu năm 2014 chứ không phải nói dừng hẳn và xem xét chỉnh sửa có thể tiến hành giãn ra” - ông Lưu lưu ý.
Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai đề nghị dừng một kỳ lấy phiếu để Ban Công tác đại biểu sửa, Uỷ ban Pháp luật thẩm tra và trình ra QH.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, QH Việt Nam lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm và đây cũng là duy nhất trên thế giới và đúng với tình hình đất nước, tiến hành rất nghiêm túc, công khai, công tâm, minh bạch. “Kết qủa lấy phiếu cũng phản ảnh đúng tình hình đất nước. Các vị số phiếu cao thì các đại biểu, nhân dân nhắc để tiếp tục cố gắng. Các vị đứng mũi chịu sào số phiếu chưa cao cũng là nhắc nhở để nỗ lực hơn. Trong lần đầu có nhiều ý kiến đóng góp thì UBTVQH tiếp thu để chỉnh sửa trong quá trình tiến hành. Phải hứa với QH, với đồng bào như thế” - Chủ tịch QH nói.
Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, có ý kiến góp ý từ thời gian lấy phiếu, mức tín nhiệm, bỏ phiếu… Từ ý kiến đóng góp, UBTVQH thấy rằng cần phải bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị quyết 35 để phù hợp với tình hình thực tiễn trình ra QH quyết định.
Việc bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35 là việc của UBTVQH không phải của ban, uỷ ban nào và là nhiệm vụ phải làm tốt để trình ra QH. UBTVQH giao cho Ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Nguyễn Thị Nương chủ trì và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý giúp. Kỳ họp UBTVQH tháng 3-2014, Ban Công tác đại biểu phải hoàn tất việc tổng kết, với chỉnh sửa chi tiết. Sau khi trình ra UBTVQH thông qua thì Uỷ ban Pháp luật sẽ thẩm tra. “Kỳ họp QH thứ 7, tháng 5-2014 này sẽ tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu lần sau sẽ chờ việc QH chấp thuận việc bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35” - ông Hùng kết luận.

Cấp dưới bác cấp trên?

Theo quy định hiện hành, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam. Ngay trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ là một bộ phận của Quốc hội. Theo quy định hiện hành tại Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan quyền lực cấp thấp hơn không được ra văn bản trái tinh thần văn bản pháp quy của cấp cao hơn. Như vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-2-2014 quyết định tạm dừng thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội không thể nói là tuân thủ pháp luật.
Như phần trên đã nêu, việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm từ kỳ họp tháng 5 tới của Quốc hội không phải là “sáng kiến” xuất phát từ Ban công tác đại biểu của Quốc hội, mà theo chỉ đạo và quyết định của Bộ Chính trị. Bỏ qua một bên chuyện “Đảng trị” ở Việt Nam (mọi thứ do Đảng quyết, Quốc hội chỉ hợp thức hóa các quyết định của Đảng), sự kiện này cho thấy, khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” hay “ mọi người phải thượng tôn pháp luật” và cái quy định “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất” chỉ là nói cho vui! Và Quốc hội ta hiện nay cũng chẳng khác cái Viện Dân biểu Bắc Kỳ thuở xưa mà nhà văn Ngô Tất Tố từng ví von như lớp son phấn lòe loẹt để mị dân và lừa gạt thế giới!
Lẽ ra, Quốc hội ra Nghị quyết 35, nếu Đảng muốn sửa Nghị quyết này, phải đề nghị Quốc hội bàn và ra Nghị quyết, trước khi tạm dừng hiệu lực của nó. Hành xử như trên, khó trách công luận nghĩ Đảng điều hành dài tay một cách quá trịch thượng, quá thô bạo, ngồi xổm lên pháp luật. Đảng hành xử như thế thì có khác gì viên Toàn quyền Đông Dương và mấy ông Tây thực dân của “Nước Mẹ - Đại Pháp” thuở nào? Than ôi! Cái khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân” mới thảm hại làm sao! Lãnh đạo Đảng cố gắng khôi phục lòng tin của dân như thế sao?
Dừng hay tiếp tục?
Như đã phân tích ở trên, theo đúng quy định hiện hành của pháp luật, muốn dừng thủ tục lấy phiếu tín nhiệm thì phải để đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội bàn bạc và ra Nghị quyết.
Tuy nhiên, dù nhìn nhận việc lấy phiếu tính nhiệm có một vài điểm tích cực, người viết bài này ủng hộ việc dừng lấy phiếu tín nhiệm, bởi 2 lý do nổi cộm dưới đây:
Thứ nhất, việc lấy phiếu tín nhiệm như đã làm năm ngoái chỉ nặng tính hình thức, tốn thời gian của Quốc hội. Vì giả sử Quốc hội có đánh giá Thủ tướng hay Bộ trưởng nào đó quá bết bát, nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hay Trung ương Đảng vẫn muốn Thủ tướng hoặc Bộ trưởng đó tại nhiệm, thì họ vẫn rung dùi, nhịp tay (xuống bàn trong phòng họp) tại nhiệm.
Thứ hai, do từ khi nắm quyền đến nay, Đảng chủ trương và thực hiện ráo riết bưng bít thông tin, cấm đoán báo chí tự do, mọi đại biểu và người dân đều không có đầy đủ thông tin đúng đắn, nên không thể cho phiếu tín nhiệm một cách (tương đối) chính xác. Liên quan chuyện này, sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phàn nàn với báo chí rằng ông phải làm việc (với) và nhận xét khoảng 200 quan chức, nhưng chỉ biết tương đối rõ khoảng 30 người trong số đó. Việc nhận xét, biểu quyết chỉ hú họa như “đánh đáo”. Thực tế, năm ngoái ở một tỉnh nọ, trong con mắt báo chí (cả lề Đảng lẫn lề Dân) và dân oan, vị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ chăm chăm bán hết công thổ đắc địa trước khi hết nhiệm kỳ, tàn phá môi trường và cảnh quan địa phương, tước đoạt ồ ạt đất của dân để giao cho đại gia phân lô bán nền và chia chác, “cung tiến”… nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND tỉnh, lại được lượng phiếu vào hàng cao nhất. Hiện tượng trên cho thấy, chính chủ trương bưng bít thông tin của Đảng lâu nay đã trở thành cái “vòng kim cô” siết chặt óc Đảng. Lãnh đạo Đảng cũng thấy hiện tượng không ít quan chức Đảng bê bối, bất tài, tham nhũng, tiêu cực… gây mất niềm tin trong dân, đang là nguy cơ đe dọa sụp đổ thể chế. Với việc lấy phiếu tín nhiệm, lãnh đạo Đảng những muốn cải thiện công tác cán bộ, gỡ gạc lòng tin, cốt duy trì thể chế cùng đặc quyền đặc lợi. Nhưng cán bộ tệ hại mà lại được phiếu tính nhiệm cao, thì ý đồ cải thiện công tác cán bộ làm sao đạt được?
Có thể nói không ngoa, chính những hiện tượng mất dân chủ, bưng bít thông tin, nếp hằn trong tư tưởng và tập tính hành xử lâu nay không tin dân, e ngại dân, sợ dân, chụp mũ dân là “bị thế lực xấu lợi dụng”… của lãnh đạo Đảng đã trở thành cái vòng “kim cô” siết óc Đảng. Một khi óc bị siết, mắt lòi ra, làm sao nhìn rõ sự vật? Càng để lâu, cái “vòng kim cô” càng khó gỡ khỏi đầu, đầu càng đau, mắt càng lòi, càng dễ “đột tử”.

Võ Văn Tạo
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét