“Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”
Được sống ở cái thiên đàng này mấy chục năm qua, những người hiểu chuyện và biết chuyện sẽ chẳng có gì bất ngờ với những thông tin như vậy, bình thường, bình thản đón nhận. Lên đồng hoặc sốt sắng thái quá dành cho những đối tượng khác, đó là những đối tượng có “nghề” và có “nghiệp vụ” chuyên đi khai thác, thu thập… những kịch bản cũ rích, cũ mềm mà thiên hạ xưa nay đã đúc kết đến nhàm lỗ tai.
Yếu nhân từ trần. Cái được gọi là “đại án” kia đang được những người mộng mơ tưởng tượng thêu dệt thành một “siêu án” đã bất thành, vậy là án đã thối, nếu có thể thì sẽ có thêm vài con tốt be bé ra thí mạng cho công cuộc an dân – gọi nôm na là “tiểu án”.
Yếu nhân từ trần. Bài toán khó của những kiêu binh quyền lực, kiêu binh công lý, kiêu binh “công cụ danh dự” của một nhóm người thích dùng phép tu từ thậm xưng để nói quá lên những mỹ từ chân thiện mỹ gấp nhiều nhiều lần đã có lời giải. Họ sẽ tiếp tục có cơ hội được kéo dài những giấc ngủ ngon và có cơ hội tiếp tục thậm xưng.
Yếu nhân từ trần. Một lần nữa thực tế lại chứng minh, mọi lý thuyết giáo điều sơ cứng rối rắm lú lẫn đều bị tư duy thực dụng quyền bính năng động đánh bại, đồng tiền sẽ rải hoa khắp bước chân của tột đỉnh công danh. Không nên trông chờ vào những kẻ ba hoa “chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng”, người dân với nghị lực tồn tại phi thường sẽ chịu khó nhắm mắt lại gặm nhắm những “trái táo có sâu” (vì làm gì có trái táo nào không bị sâu trên cùng một cây) để tiếp tục sống, tiếp tục nuôi dưỡng dài dài cái ước ao tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Yếu nhân từ trần. Có người đặt lại câu hỏi với “lời khai chấn động của tử tù kia”, …ồ, tất nhiên vẫn sẽ là “con dê tế thần” đúng nghĩa, không hơn không kém. Nhưng câu chuyện xưa “trạng chết, chúa cũng băng hà” đã có thêm dị bản mới, tức là “trạng chưa chết nhưng chúa đã băng hà”. Trào phúng, người Việt Nam thích văn học trào phúng.
Đầu năm, lề dân và lề “chính thống” có chuyện lớn để mà bình loạn, nhưng cuối cùng ngẫm lại, luật nhân quả của đạo Phật đúng tuyệt đối. Còn cái mỹ từ “tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” thì người viết lại thích câu chuyện ngụ ngôn “Animal Farm” của George Orwell hơn, thích nhất câu “mọi con vật sinh ra đều có quyền bình đẳng, nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác”. Đó là lần sửa đổi cuối cùng đấy nhé!
Đọc trên facebook, ai đó vừa mới >>> than thở (được cải biên từ thơ Nguyễn Duy) “Nói cho cùng sau mỗi trận tố nhau/ Bên nào ‘thoát’ thì nhân dân cũng thiệt”. Người viết thấy lời than thở này chí lý quá!
Sanh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời người, bệnh người đến giai đoạn Ca, tức là vô phương cứu chữa. Loài người lại đẻ ra thể chế, nên thể chế cũng có thể bị bệnh và các giai đoạn bệnh như loài người. Trong trường hợp này, có chủ quan hay khách quan gì thì các bác sĩ thiên tài cũng đành phải bó tay.
Vĩnh biệt… một yếu nhân!
———–
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét