Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Cuốn Theo Chiều Gió: phỏng vấn Margaret Mitchell

cuontheochieugio

Tin Tức Liên Quan:

Chân Yếu hay tự hỏi tại sao Gone With The Wind (Cuốn Theo Chiều Gió = CTCG), cả tiểu thuyết lẫn phim, có sức thu hút người đọc và người xem đến thế? Chân Yếu cũng là một trong số những người đó, mê tiểu thuyết CTCG quá (mê phim thì đúng hơn), mê đến nỗi bị ám ảnh và hay nằm chiêm bao lung tung “tinh tinh”. Chân Yếu mộng thấy mình Và đây là phần ghi lại tổng hợp của những lần chiêm bao đó.
Chân Yếu thấy một lần lái xe đi Florida, lấy xa lộ I-75 từ Detroit chạy riết một lèo mười bốn tiếng đồng hồ thì tới Viện bảo tàng CTCG đúng vào ngày khánh thành 15 tháng 12 năm 1999 nhân dịp kỷ niệm 60 năm buổi chiếu ra mắt phim ấy. Chân Yếu thấy trong đó có trưng bày vô số các kỷ vật như một số cảnh trí dàn dựng trong phim, bích chương, búp bê, trò chơi, đĩa tô, đồ trang sức, y phục, các đoạn phim nhựa gốc dùng trong đêm chiếu ra mắt, và bản truyện phim. Ngay sau lối cửa vào là bức tranh lớn của Scarlett với vết rượu đổ khi Rhett ném ly rượu vào bức tranh đó trong phim (người đẹp thần tượng của Chân Yếu đấy!).
Cách viện bảo tàng Marietta chỉ hai dặm về hướng tây, Chân Yếu lái xe đi tiếp tới Công Viên Quốc Gia Kennesaw Mountain National Park, là địa điểm bãi chiến trường trong Chiến Dịch Atlanta xảy ra ngày 18 tháng 6 và kéo dài hai tuần lễ đến ngày 2 tháng 7 năm 1864. Lực lượng tấn công dưới quyền chỉ huy của tướng William T. Sherman gồm một trăm ngàn quân Liên Bang, 254 khẩu đại bác và 35 ngàn ngựa kỵ binh giao chiến với quân phòng thủ phe Hợp Bang của miền Nam gồm 63 ngàn binh sĩ và 187 khẩu súng đại bác đóng trên triền núi. Có tổng cộng tất cả 67 ngàn binh sĩ hai bên tử trận. Vì số tử vong quá lớn trên một trận địa có nhiều bụi rậm trong rừng bao phủ núi cho nên mãi đến thời gian mấy mươi năm gần đây người ta vẫn còn tìm được thi hài của tử sĩ.
Xem và đọc những hiện vật, hình ảnh, tài liệu di tích lịch sử này, Chân Yếu không khỏi liên tưởng đến cuộc chiến Việt Nam tàn khốc hơn nhiều vì phe Miền Bắc tấn công thẳng tay bắn giết cả thường dân phe Miền Nam không thương tiếc.
Từ Kennesaw Mountain, Chân Yếu lái xe đi về hướng Nam 40 dặm nữa là tới Jonesboro, quê hương của CTCG với trang trại Tara và đồn điền Twelve Oaks (Mười Hai Cây Sồi), nghĩa trang Hợp Bang Patrick R. Cleburne, nơi chôn từ 600 đến 1000 binh sĩ phe miền Nam tử thương trong một trận đánh nhỏ ở Jonesboro trong hai ngày 31/8 và 1/9/1864 sau khi tướng Sherman đã chiếm được Atlanta.
Trong giấc chiêm bao, Chân Yếu thấy mình đi ngược dòng thời gian và gặp Peggy, tên gọi thân mật của Margaret Mitchell, người mẹ tinh thần sinh ra Gone With The Wind Cuốn Theo Chiều Gió. Peggy đã dành cho tay ký giả vô danh tiểu tốt Chân Yếu một cuộc phỏng vấn như sau.
Chân Yếu: Hi, Peggy! Tôi là Chân Yếu, phóng viên đài phát thanh người Việt CH9 (viết tắt của 9 chữ bắt đầu bằng CH là CHẳng CHịu CHờ CHết – CHọc CHo CHúng CHửi CHơi), trước hết xin chân thành cảm tạ Peggy đã dành thì giờ vàng ngọc cho cuộc phỏng vấn này. Xin Peggy cho biết Peggy sáng tác GWTW trong trường hợp nào?
Peggy: Trước hết tôi xin nói là ông may mắn lắm tôi mới tiếp chuyện vì tính tôi rất ghét trả lời các cuộc phỏng vấn. Ký giả của cơ quan truyền thông nào càng nổi tiếng tôi càng ghét, không biết tại sao. Tôi tiếp ông vì tôi biết ông cũng thuộc “Bên Thua Cuộc” như tôi nên tôi rất thông cảm.
Chân Yếu: Dạ, xin cám ơn sự chiếu cố đặc biệt của Peggy.
Peggy: Thật ra tôi vốn có tính chây lười và ham chơi lắm. Tôi làm cái gì cũng là làm chơi chơi thôi. Số là từ khi còn bé, tôi đã thích cưỡi ngựa, nhưng một lần bị té nặng đã làm cho cổ chân của tôi trở nên yếu đi. Ðến năm 26 tuổi, tôi vẫn sống ở Atlanta là nơi tôi chào đời. Sự nghiệp viết lách không đi đến đâu lại đau yếu, có lúc tôi cảm thấy chán nản xuống tinh thần muốn bỏ dở luôn chuyện sáng tác.
Chân Yếu: Vậy nhờ động lực nào mà Peggy tiếp tục hoàn tất xong tác phẩm bất hủ để đời này vậy?
Peggy: May nhờ có John Marsh, chồng tôi, một giám đốc quảng cáo, tin tưởng ở tài năng tôi và tìm cách áp lực tôi tiếp tục cầm bút. Trong 5 năm đầu (1925, 1930), tôi viết nhiều và đều đặn. Tôi dùng bối cảnh của cuộc nội chiến vốn đã chấm dứt 60 năm trước. Ðến năm lên 10 tuổi, tôi vẫn chưa biết là miền Nam thua trận. Mẹ của tôi phải đưa tôi ra vùng quê ngoại ô, chỉ cho tôi thấy dấu tích hoang tàn còn sót lại của các ngôi nhà nông trại cháy nám rồi nói lên sự thật quan trọng ấy cho tôi biết. Sau này tôi cứ bị câu chuyện kể về sự bại trận ám ảnh mãi và cuộc chiến huynh đệ tương tàn luôn luôn là chiếc bóng đi bên cạnh đời tôi. Tôi không cần phải nói, ông là người miền Nam nước Việt Nam của ông và đã kinh qua biến cố 30 tháng Tư 1975, chắc ông cũng biết cái cảm giác đó nó như thế nào rồi, phải không ông Chân Yếu?
Chân Yếu: Dạ, xin Peggy đừng nhắc nữa làm tôi khóc bây giờ. Hơn nữa, tôi đang phỏng vấn Peggy chứ không phải Peggy đang phỏng vấn tôi; vì thế tôi xin miễn trả lời.
Peggy: “Anyway”, tôi lớn lên trong một thành phố nơi mà những kỷ niệm qua con người và các địa danh vẫn còn sống động; và một chuyến đi viếng thăm bà con bên ngoại ở một nông trại cách Atlanta 20 dặm về phía Nam đã chờn vờn mãi trong tâm trí tôi. Nông trại ấy từng do bà ngoại tôi làm chủ sau khi bà ấy đã phải di tản khỏi thành phố Atlanta khi đạo quân của tướng Sherman tiến vào. Hoàn cảnh người dân miền Nam của ông chắc cũng tương tự như vậy khi xe tăng Bắc Cộng tiến vào Saigon, có phải không ông Chân Yếu?
Chân Yếu: Peggy… Please… (tháo kính lão, đưa tay quẹt nước mắt)
Peggy: Biết rồi. Xin lỗi. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À! Lúc khởi sự viết, tôi chỉ biết đoạn kết cuộc và đoạn đầu của câu chuyện; và tôi chọn viết đoạn kết trước. Rhett Butler nói câu, “Frankly, my dear, I don’t give a damn!” với vợ là Scarlett rồi bỏ đi không bao giờ trở lại. Câu này tôi thuổng của ông chồng trước của tôi khi tôi bỏ ổng đặng lấy ông chồng hiện giờ.
Chân Yếu: Peggy mà cũng biết thuổng nữa hả? Nghe vậy tôi cũng bớt mặc cảm tội lỗi, vì tôi cũng hay thuổng lắm. Chân Yếu tôi và vô số người Việt sống lưu vong cũng ôm mộng viết hồi ký hoặc tiểu thuyết. Vậy Peggy có thể cho biết bí quyết viết thế nào để thành công?
Peggy: Tôi chẳng có bí quyết gì cả; tôi chỉ viết tùy hứng, bạ đâu viết đó. Thật ra tôi ít khi viết diễn biến câu chuyện một cách liên tục. Tôi nhảy từ đoạn này sang đoạn khác, đứt quãng nhiều năm. Viết một chương xong, tôi bỏ vào phong bì giấy dầu, đánh dấu, rồi quẳng nó qua một bên. Trải qua nhiều năm tháng, những phong bì này trở nên phai màu hoặc dính đầy vết vấy cà phê tôi làm đổ. Có khi lười tìm giấy trắng, tôi còn nguệch ngoạc viết bừa lên bên ngoài phong bì cái “list” đi chợ ghi ra các món cần mua.
Chân Yếu: Có ai biết là Peggy đang viết tiểu thuyết và khích lệ Peggy không?
Peggy: Ngoài chồng tôi ra, không ai khác biết là tôi đang viết tiểu thuyết. Tôi là người có tính vô cùng tự kỷ ám thị về phẩm chất văn chương của mình. Tôi rất thiếu tự tin, lúc nào cũng chỉ sợ nó dở và bị người ta chê bai. Có lần, tôi còn lấy một xấp bản thảo để kê chân bàn cho nó khỏi chông chênh. Tôi giấu bài viết của tôi như mèo giấu c… Xin lỗi. Ðáng nhẽ tôi không nên dùng từ ngữ thô tục. Ý tôi muốn nói là chỉ có chồng tôi được phép đọc qua bản nháp lúc bấy giờ. Khi có bạn đến thăm, tôi phải vội vàng giấu bản thảo dưới nệm giường hoặc sofa. Trường hợp bạn đến thình lình, tôi còn phải vội vơ đại khăn lau chén phủ lên máy đánh chữ nữa đấy. Nhưng tôi cũng có bật mí đôi chút cho Lois Cole, một người bạn sau đó lên New York làm việc cho nhà xuất bản McMillan.
Chân Yếu: À thì ra Peggy có “connection”?
Peggy: “Connection” cái con khỉ! Tôi viết cốt để giết thì giờ thôi chứ đâu có nghĩ là sách mình sẽ được xuất bản.
Chân Yếu: Thế Peggy viết mất bao lâu mới xong?
Peggy: Tôi bắt đầu ngồi gõ chữ từ năm 1925. Sau 5 năm dài vắt tim óc để đánh máy hàng ngàn trang giấy, tôi cũng chỉ mới hoàn tất được 2/3 quyển truyện. Phần chưa viết gồm có chương đầu, một số đoạn nối kết và tựa sách. Tôi phân vân giữa các lựa chọn:Tomorrow Is Another Day (Mai Lại Một Ngày), Bugles Sang True (Trỗi Thật Ðiệu Kèn), Not In Our Stars (Không Phải Số Mình), và Tote the Weary Load (Hành Trang Mang Nặng) nhưng vẫn chưa hài lòng. Lúc bấy giờ, cổ chân tôi hết đau; tôi tạm quên gánh nặng viết lách để hòa mình vào những sinh hoạt bình thường mà tôi yêu thích như gặp gỡ bạn bè trong các buổi ra ngoài đi dạo, đi ăn trưa, ăn tối, lễ hội, khiêu vũ, v.v. Thấy tôi lơ là, chồng tôi lại làm áp lực hối thúc. Chúng tôi dọn nhà, đống bản thảo nằm trong xó tủ. Năm 1934, tôi bị trặc cổ trong một tai nạn xe hơi; thế là lại ngưng viết. Ðến khi nhà xuất bản đồng ý in sách cho tôi thì tôi mới phấn khởi và lên tinh thần trở lại. Tôi lại moi óc và tra cứu tài liệu để viết tiếp. Nói để ông thương chứ sau gần mười năm trời cặm cụi ngồi gõ chữ mà tôi vẫn chưa hoàn tất quyển truyện. Tôi thay tên các nhân vật chính khá nhiều lần: Pansie thành Scarlett, Permelia thành Melisande rồi thành Melanie; đổi tên trang trại Fontenoy Hall thành Tara, v.v.
Chân Yếu: Thế cái tựa Gone With The Wind Peggy chọn sau cùng là do đâu mà có?
Peggy: Về phần cái tựa, vốn là một người yêu thích thơ văn, một hôm tình cờ tôi nhớ lại bài thơ 24 câu có tựa đề chữ La Tinh là Non Sum Qualis Eram Bonae sub Regno Cynarae (một câu của thi hào La Mã Horace), theo Anh ngữ có nghĩa là “I am not as I was under the reign of the good Cynara” (vì thế người ta thường gọi tắt tựa bài thơ làCynara) của thi sĩ người Anh Ernest Christopher Dowson (1867–1900), trong đó có một đoạn như sau:
I have forgot much, Cynara! gone with the wind,
Flung roses, roses riotously with the throng,
Dancing, to put thy pale, lost lilies out of mind;
But I was desolate and sick of an old passion,
Yea, all the time, because the dance was long:
I have been faithful to thee, Cynara! in my fashion.
Tôi lấy làm mừng rỡ vì bốn chữ Gone With The Wind vừa phù hợp với chủ đề của tác phẩm vừa mang âm điệu thi vị lắm. Ông Dowson dùng câu thơ của Horace được thì tôi cũng dùng câu thơ của ông ta được, đâu có chết thằng Tây nào. Chắc ông cũng biết, Cynara theo chữ La Tinh là tên của loài cỏ dại, tên Anh ngữ là thistle; trái của nó bao bọc bên ngoài nhiều gai mà người Việt ông gọi là trái ké; ai đi lội vô chỗ đó dễ bị nó dính hai ống quần. Hoa ké trắng như bông vải, hình cầu có nhiều cánh nhỏ hình thù như một cánh dù mang hạt nhỏ xíu thường tung bay tơi tả trong không khí khi có gió nổi lên. Hồi còn học bậc tiểu học ở Việt Nam, chắc ông từng dùng từ điển Larousse của Pháp hẳn không quên nhãn hiệu có hình hoa ké và câu phương châm “Je sème à tout vent”, tôi nói có đúng không?
Chân Yếu: À … ờ… dạ vâng… đúng. Peggy rành sáu câu!
Peggy: (cười) Tôi hiểu ông muốn nói gì rồi. Tuy xác thân tôi nằm dưới mộ, nhưng tôi đã chết đâu.
Chân Yếu: Peggy có đưa một phần nào về kinh nghiệm đời thật của mình vào tiểu thuyết hay không?
Peggy: Tôi quan niệm tiểu thuyết phải dựa vào sự kiện thật ngoài đời mới là tiểu thuyết hay. Sự hư cấu là để tô vẽ cho bức tranh thật trở nên bi hùng hơn. Có một số biến cố trong truyện phản ảnh kinh nghiệm trong đời sống thật của tôi. Năm 1918, trong lúc tôi đang xa nhà để theo học ở Massachusetts, mẹ tôi mất vì bệnh cúm ở Atlanta; trong truyện, Scarlett trở về Tara và hay tin mẹ mất vì bệnh thương hàn. Cũng cùng năm đó, tôi hứa hôn với một trung úy trẻ sang Pháp tham dự Ðệ Nhất Thế Chiến và tử trận, cũng tương tự như người chồng đầu tiên của Scarlett vừa cưới xong thì chết (tuy không vinh quang gì, vì là chết bệnh sưng phổi) trong khi còn đang thời kỳ huấn luyện quân sự. Năm 1919, trong khi vẫn còn để tang mẹ vừa mất mấy tháng trước, tôi đi dự một buổi dạ vũ từ thiện và nhảy múa điệu Apache vung vít khiến cho thiên hạ xầm xì, cũng giống như Scarlett trong phim, còn mặc đồ đen để tang chồng mà ra nhảy với Rhett tưng bừng làm cho các mợ sồn sồn ngứa mắt! Năm 1920, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở Atlanta, tôi phải làm việc suốt đêm tại một trung tâm cấp cứu. Trong phim, Scarlett hớt hãi chạy khỏi Atlanta bừng lửa trong kinh hoàng vừa thể hiện chuyện thật trong sử sách vừa là kỷ niệm riêng của chính tôi đấy.
Chân Yếu: Bằng cách nào mà Peggy có thể liên lạc được với nhà xuất bản? Tôi xin hỏi để rút kinh nghiệm.
Peggy: Tôi có liên lạc với nhà xuất bản bao giờ đâu. Họ đi tìm tôi đấy chứ. Năm 1935, ông Harold Latham của nhà xuất bản McMillan đến thành phố Atlanta để tìm kiếm những tay viết mới. Một người bạn của tôi là Lois Cole cũng đang làm việc cho nhà xuất bản McMillan nên có nhắc đến tôi cho Harold Latham biết. Vì thế khi đến Atlanta, ông Latham nhờ tôi hướng dẫn cho ông ta đi tìm tài năng mới, nhưng tuyệt nhiên tôi chẳng dám đá động gì đến tác phẩm của mình. Ông ta dặn hờ là nếu tôi có bản thảo truyện nào thì hãy đưa cho ông ta xem trước. Tôi vẫn không chịu đưa bản thảo của chính mình cho ông ta xem; vì theo sự nhận xét của tôi, GWTW dở quá làm cho tôi mắc cở.
Chân Yếu: Thế thì do cơ duyên nào mà GWTW lọt vào mắt xanh của nhà xuất bản?
Peggy: Thế rồi một hôm ngồi quán tán láo chơi, có một người bạn nhận định về tôi như sau, “Nói thật nha, tao không nghĩ mày thuộc loại nhà văn có thể viết một tác phẩm thành công. Mày không đủ quyết tâm để trở thành một tiểu thuyết gia”. Bị chạm tự ái, tôi tức tốc chạy về nhà chộp đống bản thảo đi tìm gặp ông Latham. Lúc ấy ông đang trọ ở khách sạn. Tôi hồi hộp ngồi chờ ở đại sảnh. Vừa thấy ông ta xuống, tôi thẳng thừng đùa đống bản thảo cao như núi về phía ông và bảo, “Ông cầm lấy cái của quỉ này đi ngay không thôi tôi đổi ý bây giờ!” Ông ta phải chạy đi mua một cái valise riêng để đựng nó đấy. Sau khi ông ấy rời thành phố Atlanta để về lại New York rồi thì tôi mới lạnh cẳng đổi ý. Tôi tức tốc chạy ra bưu điện gởi ngay cho ông một bức điện tín đòi ông trả bản thảo lại. Ông ta có nhận được bức điện tín đó nhưng cứ lờ tôi đi và làm như không biết. Sau đó ông ta mới tiết lộ với tôi là ông chưa từng thấy bản thảo nào bê bối như bản thảo của tôi. Nó vừa vàng ố, ẩm mốc mà lại còn chi chít chỗ sửa bằng bút chì; ông ngồi trên xe lửa lắc lư con tầu đi vừa đọc vừa ruả tôi quá chừng. Ấy vậy mà ông thính mũi đánh hơi biết ngay đó là một tác phẩm ăn khách và hái ra tiền. Ông ta liền “offer” sẽ in, với điều kiện là tôi phải viết nốt cho xong chương đầu còn thiếu, làm tôi tưởng tôi nghe nhầm chứ!
Chân Yếu: Rồi sao nữa? Peggy kể gấp đi. Chính tôi đây là một phóng viên lão làng (già, nhưng không lão luyện) mà còn hồi hộp đây nè!
Peggy: Ông Chân Yếu ơi! Lúc ấy tôi lo lắm! Tôi sợ khi tác phẩm của tôi tung ra rồi không biết người miền Nam có vui lòng đón nhận nó hay không; hay là họ lại trách tôi nhắc chi đến chuyện tan hàng thua trận, ông có hiểu không? Nếu họ không đón nhận GWTW, biết đâu tôi cũng sẽ bị “quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” và bị mọi người xa lánh. Ông Latham gia hạn cho tôi trong 6 tháng phải hoàn toàn viết xong để in. Tôi phải đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu bận và sửa chữa các chi tiết để cho nó ăn khớp với tài liệu sử.
Chân Yếu: Vậy sau khi sách tung ra rồi, dư luận độc giả toàn quốc nói chung và miền Nam nói riêng phản ứng ra sao?
Peggy: McMillan in và tung ra đợt đầu mười ngàn cuốn tháng Tư 1936, tháng Bảy in thêm 50,000 cuốn nữa. In ra bao nhiêu người ta mua hết bấy nhiêu. Chỉ trong sáu tháng đầu đã bán ra nửa triệu cuốn và một năm sau hơn một triệu cuốn; tôi không thể tưởng tượng. Tờ New York Times khen ngợi nhiệt liệt trên trang nhất, tờ New York Sun so sánh GWTW như War and Peace của văn hào Nga Leon Tolstoy làm tôi nở mũi. Các tên tuổi lớn trên văn đàn Mỹ đương thời như Stephen Vincent Benet, Robert Nathan, và nhà văn H. G. Wells của Anh Quốc đang có mặt ở Mỹ lúc bấy giờ đều khen ngợi tôi. Ðiều tôi vui mừng hơn hết là toàn thể báo giới miền Nam đều nồng nhiệt đón nhận đứa con tinh thần của riêng tôi và của cả miền Nam thân yêu của tôi. Qua năm sau thì tôi nhận được giải Pulitzer Prize.
Chân Yếu: Theo Peggy thì nhờ vào yếu tố nào mà GWTW thành công?
Peggy: Về giá trị văn chương thì tôi nghĩ GWTW cũng không hơn không kém các tác phẩm ăn khách khác. Sở dĩ nó thu hút đọc giả, nhất là phái nữ, là vì nó đánh đúng tâm lý vai trò người phụ nữ cần có cá tính mạnh có thể đương đầu với mọi thử thách cam go trong cuộc sống và nhất là đương đầu trong mối liên hệ phái tính đối cực là người đàn ông.
Tôi cố tình để cho nàng có những khuyết điểm như nóng nảy, ích kỷ, đanh đá, khe khắc, nhất là đối với gia nhân, vì tôi không muốn tạo ra một nhân vật nữ anh hùng toàn hảo như trong thần thoại Hy Lạp. Tôi muốn nàng thật gần gũi với một mẫu phụ nữ mà ta có thể gặp trong đời thường ở bất cứ đâu.

Kể từ khi có Jane Eyre một trăm năm trước đến bây giờ mới có Scarlett O’Hara xuất hiện. Nữ sĩ Charlotte Bronte giới thiệu người con gái trẻ cương quyết tự giải phóng để trở nên độc lập trước những áp lực xã hội dưới triều đại Victoria Anh Quốc. Tương tự như thế, Scarlett O’Hara có đủ ý chí phản kháng lại mọi thống trị của phái nam. Ðẹp quyến rũ, thông minh, sắc bén, với thể chất nhỏ nhắn nhưng trong nghịch cảnh hay trong cơn cấp bách, nàng vẫn can đảm xoay sở không chịu khuất phục và hành động xử sự bằng lý trí hơn là tình cảm như một đấng nam nhi.

Chắc ông nhớ chứ, cuối truyện, sau khi Rhett bỏ đi, Scarlett nói, “..Tara!…Home. I’ll go home, and I’ll think of some way to get him back! After all, tomorrow is another day!” (Tara!…Quê nhà. Phải, ta sẽ về, và bằng cách nào đó ta sẽ làm cho chàng trở về với ta. Dù gì chăng nữa, ngày mai cũng chỉ là một ngày nữa thôi!). Ông thấy không? Nàng chủ động tự quyết định đời mình; nàng sẽ phấn đấu để sống còn, và tinh thần bất khuất của nàng nối tiếp cho cuộc khởi dậy của Jane Eyre. Ðó là niềm hứng khởi cho phụ nữ chúng tôi ước vọng. Bằng quyết tâm, chúng tôi có thể vượt qua được mọi trở ngại để vươn lên từ đống tro tàn để xây dựng lại từ đầu. Tôi nghĩ đó là yếu tố chính của thành công. Nhưng tôi cũng muốn thú nhận với ông một điều là nếu không có sự hỗ trợ và thúc đẩy của chồng tôi thì chắc là tác phẩm GWTW không hề có.
Chân Yếu: Xin được phép hỏi Peggy câu hỏi cuối là thường thường những câu chuyện tình đều có kết cuộc tốt đẹp kiểu “They live happily together ever after”, vậy Peggy có định viết quyển kế tiếp cho Scarlett gặp lại Rhett như ý nàng muốn hay không?
Peggy: Ông điên rồi sao? Tiền bản quyền tôi kiếm được xài mãn đời không hết, tội gì tôi phải ngồi gõ lọc cọc nữa cho mệt thân? Vả lại, tôi có nói với ông từ đầu là tính tôi chây lười và ham chơi lắm. Thôi ông về lo viết chuyện của ông đi nhé. Bye ông.
Phan Hạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét