Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

LÁ GAN - QUẢ BÁO !


                 Bà  Sính ở làng Tò có họ xa với gia đình tôi.
                 Làng Tò cách làng Hệ một con sông  nhỏ,  có cái cầu ván bắc qua, hai bờ tre rủ bóng xuống dòng nước xanh ngắt. Tiếp giáp giữa làng Tò và làng Hệ là một nghĩa trang chung của hai làng. Người ta nói mộ cụ tổ làng Tò phát về quan lộc nên làng ấy thời nào cũng nhiều người làm quan, còn lảng Hệ chỉ quen chân lấm tay bùn. Bởi thế có câu: “Quan làng Tò, bò làng Hệ”, nghĩa là người làm quan bên làng Tò nhiều như bò làng Hệ.
Cụ Sính người làng Hệ lấy chồng làng Tò. Nghe nói trước cụ đẹp gái lắm nên mới lấy được chồng làng Tò,  bình thường thì đừng hòng được trai làng Tò để mắt tới. Có lẽ vì vậy nên cụ Sính  rất tự hào làm dâu bên ấy.    
                Nhưng số cụ Sính vất vả. Lấy chồng năm mười tám, chồng đi bộ đội biền biệt, mãi đến năm hai nhăm mới sinh được con trai đầu lòng. Con mới  một tuổi thì chồng hy sinh ở mặt trận Điên Biên, cụ một mình nuôi con khôn lớn. Năm 1972, anh Sửu, con cụ, mới  19 tuổi đã xung phong đi bộ đội. Đúng là đất làm quan, năm 1978, mới 25 tuổi, anh Sửu  đã  làm đại đội phó. Cũng năm ấy anh cưới vợ, rồi lên biên giới phía Bắc, không ngờ đầu năm  sau  anh hy sinh, để lại đứa con trai vừa lọt lòng cho bà nội nuôi, chị Sửu mất vì bệnh hậu sản...
                Do vất vả như thế, nên người cụ Sính quắt lại,  hai bả vai mỏng mảnh nhô lên, làm cái cổ thụp xuống như con rùa già. Năm nào về  quê  sang thăm  cụ, tôi cũng nghe cụ thở vắn than dài, hờn  trời trách đất, đến não ruột. Nhất là khi nhắc đến thằng cháu nội, cụ bảo van vái thế nào nó  cũng chưa chịu lấy vợ, vì còn ham phấn đấu lên cấp lên chức. Cụ sợ mắc tội với tổ tiên bên chồng vì không có người nối dõi. Tôi muốn gặp thắng Kỳ nhưng chưa được, nghe nói nó lả thượng úy công an.
               Năm ngoái tôi về đúng ngày giỗ cụ ông, dân làng tới dự rất đông, có cả mấy vị người làng làm quan trên huyện, trên tỉnh đi xe hơi về sang trọng lắm. Một người người đàn ông khoảng gần sáu chục tuổi, tầm thước, mặt mũi khôi ngô nhưng nước da và cặp mắt vàng ệch như người  bệnh gan mãn tính chủ trì đám giỗ. Các quan chức săn đón và tỏ ra rất kính trọng ông ta. Cụ Sính chỉ người đàn ông đó nói nhỏ với tôi :
                - Nhà Qúy đấy!
                 Nhìn cụ Sính như trẻ ra mấy tuổi. Cụ mặc áo dài, đội khăn nhiễu, đeo sợi dây cườm nhóng nhánh, miệng cười móm mém  tươi đỏ  quyết trầu. Hôm ấy sau khi cúng giỗ tiệc tùng xong, mọi người về hết. Thằng Kỳ cũng lên xe về Hà Nội với người đàn ông chủ trì đám giỗ. Cụ Sính khoe với tôi:
              - Đám giỗ hôm nay nhà Quý bỏ tiền ra làm đấy!
              - Qúy con ai bà nhỉ?
              - Con cụ Quyền chứ ai? Làm to lắm, trên Hà Nội kia!
               Cụ Sính cho miếng trầu vào cái cối đồng như cái chén uống rượu,  nghiền nát, rồi kều vào miệng nhai bỏm bẻm. Hơn tám chục tuổi, ngưởi  bé choắt,  khuôn mặt tóp teo như trái táo khô, nhưng được cái mắt cụ vẫn tinh, đi lại nhanh nhẹn và chưa bị lẫn. Cụ cứ nhắc đi nhắc lại “nhà  Qúy, nhà Qúy” vừa thân thiết vừa tự hào làm tôi phát ghen. Tôi hỏi anh Qúy là ai mà tử tế thế, cụ Sính  cười bảo:
                - Người ta có đức nên mới thế! Vào đến trung ương rồi vẫn nhớ  lúc hàn vi.           
                Cụ Sính nhổ bã trầu, rồi chậm rãi  kể cho tôi nghe chuyện anh Qúy. Thì ra  anh  cùng tuổi anh Sửu, cùng học một trường, cùng đi bộ đội một ngày, và hai người đều sống sót trong cuộc chiến tranh chống  Mỹ. Sau ngày miền Nam  giải phóng, Qúy chuyền sang công an, bây giờ đã lên cấp tướng, Sửu vẫn ở bộ đội và hy sinh năm 1979...
                 Cụ Sính tự hào  nói với tôi:
                - Nhà Qúy nhận thằng Kỳ làm con nuôi.  Nhà Qúy nói cuối năm cưới vợ cho thằng Kỳ.
                Tôi mừng cho cụ Sính. Thế là cụ đã có chỗ nương tựa tuổi già.  Tôi cảm thấy khâm phục  anh Qúy, dù quyền cao chức trọng vẫn không quên người bạn đồng môn, và người  đồng chí của mình.
                Một năm qua đi tôi mải làm ăn trong Sài Gòn, không để tâm đến chuyện đó nữa.
                Cách đây mấy hôm tôi về quê  giỗ ông nội tôi. Theo phong tục trước ngày cúng giỗ tôi ra nghĩa trang thắp nhang  mộ ông bà tổ tiên, mời các cụ về từ đường dự đám giỗ.
                   Năm nay rét đậm quá. Mùng năm tháng Chạp mà còn rét cắt da cắt thịt. Bầu trời xám xịt màu chì. Sương dày chụp xuống nghĩa trang tối thẫm không nhìn rõ mặt người, gió rin rít qua các khe mộ chí. Trong đời người lúc kiểm nghiệm cuộc sống minh mẫn nhất là lúc đứng một mình trong nghĩa trang. Những bon chen, hờn oán, những mơ mộng viển vông, những khát vọng, và tuyệt vọng  được dung hòa giữa không gian tĩnh lặng lằn ranh hai thế giới. Tôi thắp bó nhang, cắm từng cây trên tửng ngôi mộ và có cảm giác những đôi mắt nhìn mình.
                  Trong  tiếng gió rít hình như có tiếng khóc, tiếng réo gọi tuyệt vọng? Tôi lắng tai nghe, tiếng khóc rõ hơn.  Tôi  len lỏi qua những hàng mộ, tìm về phía tiếng khóc.
                   Đi miết tới cuối nghĩa trang, cạnh bờ sông, tôi nhìn thấy một thân hình nhỏ bé  đang ngồi cạnh ngôi mộ mới chôn, giữa mấy vòng hoa xác xơ, đốm nhang cháy trên mộ đỏ lập lòe. Tôi đến gần, nhận ra đó là một người đàn bà  mặc  đồ đen, đầu đội khăn tang. Bà vẫn không hay biết, vẫn ôm ghì nấm mộ,   tiếng khóc ai oán như từ dưới lòng đất vọng lên:
                  - Kỳ ơi! Sao cháu bỏ bà Kỳ ơi!
                   Như có kim đâm vào xương sống, tôi giật bắn người, và một cảm giác bàng hoàng không thể diễn tả nổi, tôi thét lên:
                  - Ôi, cụ Sính!
                   Tôi ngồi sụp ôm gọn cụ Sính vào lòng. Người cụ lạnh băng, nhẹ tênh,  như một con búp bê bằng nhựa. Ôi sao lại  đến  nỗi này hở trời?
                  Tôi bế cụ vào nhả người quen gần nghĩa trang. Cả nhà xúm vào xoa dầu gió cho cụ, đổ cho cụ vài thìa sữa nóng,  cụ tĩnh lại.
                   Tôi không thể nhận ra cụ Sính một năm vể trước. Cụ đã tóp lại như một trái chanh vắt kiệt nước, tóc bạc trắng, hai hố mắt lõm sâu, hai bàn chân bàn tay rệu rạo những đốt xương lạnh ngắt.
                   Cụ nhìn tôi, mắt lờ đờ,  thều thào:
                   - Nhà Qúy ác lắm !
                   Cụ chỉ nói được như vậy rồi cụ khẽ nấc lên ba nấc. Mắt cụ mở to. Tôi lấy tay vuốt mắt cho cụ. Hai con mắt khép lại và hai hàng nước mắt lăn ra hai gò má nhăn nheo của cụ. Cụ ra đi  cô đơn trong ngôi nhà người quen làng Hệ nơi cụ sinh ra.
                    Mấy ngày sau dân làng Tò, làng Hệ đều biết câu chuyện đau lòng về cụ Sính. Thương cụ bao nhiêu mọi người căm ghét ông Qúy bấy nhiêu. Người ta gọi hắn là con quỷ.
                     Viên tướng công an ấy là  bạn đồng môn, là  đồng chí của anh Sửu. Hắn bị xơ gan cổ trướng đang chuyển sang giai đoạn ung thư, biện pháp tốt nhất là thay gan. Tay chân của Qúy tình cờ phát hiện thượng úy Kỳ có nhóm máu và các chỉ số sinh học hợp với hắn,  thế là kịch bản con nuôi, đám giỗ được thực hiện  nhằm mục đích lấy lá gan của Kỳ.
                    Có thể Kỳ sẽ không chết nếu Qúy chỉ lấy nửa lá gan mà Kỳ đã hiến tặng. Vì tham sống lâu hơn, hắn móc ngoặc với bọn bác sỹ vô lương tâm, đánh cắp gần hết lá gan của đứa “con nuôi”.  Kỳ vừa bị suy kiệt vừa bị nhiễm trùng,  đã chết ba tháng sau khi hiến gan cho quỷ.
                   Có một câu chuyên cổ tích Campuchia kể rằng, con quỷ Rat-ta-rít-nom, thường ăn thịt đồng loại.  Một hôm,  đệ tử cùa Rat-ta-rít-nom mang về một đứa bé, bảo đó là con trai duy nhất của Ro-tor-tha-chạt, kẻ thù của Rat-ta-rit- nom. Con quỷ nói: “ Hãy tha cho đứa bé, để ta còn có kẻ thù mà khẳng định sức mạnh cùa ta! Không nên triệt hạ hết nòi giống kẻ khác!” .
                   Tôi được biết sau khi  ăn cắp lá gan của con người đồng hương, đồng  môn, đồng đội mình, cũng là con nuôi, Qúy khỏe mạnh hẳn, mặt mày béo tốt, da dẻ hồng hào và lại được lên cấp lên chức. Càng khỏe Qúy càng lao vào các cuộc làm ăn bẩn thỉu và tàn nhẫn với dân lành hơn, nên bây giờ cái dấu sắc bỗng cong vênh, người ta gọi hắn là Quỷ. Tôi nghĩ luật nhân quả luôn hiện hữu và thế nào con quỷ đó cũng bị quả báo.
                 Cầu trời cho linh hồn cụ Sính bình yên. Mong cụ linh thiêng giúp chúng con diệt loài quỷ dữ.

* MINH DIỆN     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét