Hiện vẫn còn chưa muộn để Hội sử học Việt Nam đánh dấu, tưởng niệm cuộc chiến tranh Biên giới Việt - Trung năm 1979, theo sử gia, Phó Chủ tịch Hội, Giáo sư Vũ Minh Giang.
Trao đổi với BBC hôm 16/2/2014, một ngày trước khi tròn 35 năm cuộc chiến tranh do Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam, sử gia cho rằng Hội sử học và giới sử có thể tổ chức sự kiện này nhân ngày "kết thúc" cuộc chiến tranh (18/3/1979).
Giáo sư Giang giải thích: "Đúng lúc, hay đúng thời điểm, quan điểm riêng cá nhân của tôi thì tôi rất không muốn lấy ngày 17/2 để làm kỷ niệm, hay làm cái gì cả, là bởi vì tôi đã nghiên cứu lịch sử, thì trong tâm thức của người Việt, chưa bao giờ nhớ cái ngày quân thù tấn công ở Việt Nam cả, chưa bao giờ, cái việc ấy là chúng ta buộc phải đứng dậy,
"Thế còn thường là kỷ niệm sự kiện chiến thắng oanh liệt nào đó, hoặc là cái ngày sạch bóng quân thù, vị vậy cho nên trong thời gian này, cố gắng tổ chức một hoạt động học thuật nào thì vẫn còn là kịp thời."
Hôm Chủ nhật, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận trung ương của Đảng Cộng sản nhận định rằng cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 là một chủ đề "phức tạp" trong quan hệ của hai quốc gia láng giềng cộng sản và ông cũng công nhận cuộc chiến để lại một "hậu quả rất nặng nề" như một di sản trong quan hệ song phương.
Ông nói: "Hậu quả rất nặng nề. Tôi nói rằng khi đã có một cuộc chiến tranh, thì nó sẽ thành một vết hằn, thành một cái hố ngăn cách giữa hai dân tộc, nhất là hai dân tộc gần nhau, chữa vết hằn đó thì khó vô cùng."
'Không chuẩn bị chu đáo'
Sử gia cũng thừa nhận Hội khoa học Lịch sử vừa qua đã không tổ chức đánh dấu tròn 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa mà Trung Quốc phát động trên Biển Đông vào ngày 17/01/1974 nhằm cưỡng chiếm phần lãnh hải biển, đảo khi đó do chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa quản lý và thực thi các quyền chủ quyền.
Khi được hỏi về lý do không tổ chức đánh dấu, ông Giang nói: "Khó nói lý do là gì, bởi câu chuyện Hoàng Sa có một chút tế nhị trong mối quan hệ, khó nói hết được,
"Thế nhưng mà quả thực trước hết không có sự chuẩn bị thật là chu đáo cho sự kiện ấy, thế vì vậy cuối cùng cũng không tổ chức được một sự kiện nào. Lúc đầu, chưa có chủ trương lớn đâu, nhưng mà có một số ý kiến nêu ra, và cũng có kiến nghị lên những cơ quan có chức năng, đấy là cơ quan Hội sử học có thể đứng ra tổ chức một Hội thảo,
Một lần nữa, sử gia cho rằng các cuộc xung đột, chiến tranh vài thập niên trở lại đây giữa Trung Quốc và Việt Nam là một chủ đề "nhạy cảm", đặc biệt các sự kiện xung đột ở Hoàng Sa cũng như Trường Sa vẫn còn liên quan tới các vòng thảo luận và quan hệ bang giao hiện nay giữa hai nước.
Ông cho biết: "Bởi vì ở đây câu chuyện không chỉ là kỷ niệm sự kiện ấy mà vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa còn là những vấn đề đang tiếp tục phải giải quyết và nó rất là khó khăn trong vấn đề của hai nước ở tương lai nữa, chứ không phải như là cuộc chiến tranh đã kết thúc rồi là xong."
'Không hề tráo trở, vô ơn'
"Người Hoa là cả một chiến dịch sử dụng người Hoa như một công cụ, hồi đó, chính Trung Quốc nói là đạo quân thứ 5, Hoa Kiều là đội quân thứ năm, thì rất tội nghiệp cho những đồng bào gốc Hoa, nhưng mà rõ ràng đây là có những ý đồ chính trị đằng sau đó"
Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, cựu Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Việt Nam đã "quay mặt", "tráo trở" hay "vô ơn" với Trung Quốc ngay sau cuộc chiến 1975 kết thúc, tỏ ra 'kém khéo léo' trong xử lý quan hệ đối ngoại, dẫn đến việc Trung Quốc đã thay đổi lập trường và 'chuyển sang thù địch' với VN, một phần của nguyên nhân cuộc chiến tranh đã làm hàng chục nghìn bộ đội, cán bộ và thường dân Việt Nam bị chết hoặc thương tật đầu năm 1979.
Ông Giang nói: "Nếu như nói rằng là đã có một xử lý không đúng, rồi quay mặt, rồi tráo trở, rồi đi về phía Liên Xô, thì cái đánh giá như thế là hoàn toàn sai."
Nhân dịp này, Giáo sư Giang cũng nhắc lại vấn đề chính quyền Việt Nam đã xử lý ra sao với "Hoa kiều" ở Việt Nam và quan điểm của Đảng và Nhà nước VN với kiều dân Trung Quốc khi đó.
Ông nói: "Người Hoa là cả một chiến dịch sử dụng người Hoa như một công cụ, hồi đó, chính Trung Quốc nói là đạo quân thứ 5, Hoa Kiều là đội quân thứ năm, thì rất tội nghiệp cho những đồng bào gốc Hoa, nhưng mà rõ ràng đây là có những ý đồ chính trị đằng sau đó."
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC hôm 16/2, sử gia bình luận về lời kêu gọi và một số điểm khuyến nghị mà một nhóm nhân sỹ, trí thức và quần chúng vừa loan bố trên mạng xã hội từ trong Việt Nam hôm 12/2, kêu gọi tổ chức và cho phép tổ chức đánh dấu kỷ niệm chính thức 35 năm cuộc chiến.
Ông Giang nói: "Tôi nghĩ rằng những lời khuyến nghị đó rất đông đảo mọi người cho là hợp lý thôi và cần phải đồng tình, bởi vì sao, bởi vì cuộc chiến tranh này là con em chúng ta với tinh thần vì nước quên thân, hy sinh vì độc lập của đất nước, ngã xuống, thì chúng ta phải trân trọng, phải biết ơn."
"Đương nhiên đấy là những người đã hy sinh vì Tổ quốc, mà nếu tôi không nhầm thì có gì đâu mà phải trả (lại vị trí xứng đáng), những người hy sinh ở đó khi làm nhiệm vụ đều là liệt sỹ cả đấy chứ", có phải là không đâu, có lẽ ý của những người đề xuất là như vậy chăng?"
"Thế còn cái thứ hai, tôi nghĩ rằng việc kỷ niệm chính thức nhà nước thì cũng là một đề nghị theo tôi là chính đáng. Thế nhưng mà còn bất cứ một quốc gia nào, trước những vấn đề lịch sử nhạy cảm, như chúng ta thấy câu chuyện liên quan Nhật Bản - Hàn Quốc, Nhật Bản - Trung Quốc, thì đôi khi những người gánh trọng trách quốc gia hoặc phải có trách nhiệm về mặt chính trị, thì lại có những cân nhắc."
'Bài học bao trùm với VN'
Tuy nhiên, theo sử gia, điều công bằng mà Việt Nam phải lưu ý là "những người hy sinh ấy" cũng phải được trân trọng, về theo ông, về phương diện thể hiện ra thực tế, thì những người đã hy sinh trong cuộc chiến Biên giới 1979 cũng phải luôn được coi như "những người hy sinh khác", ở trong các lần chiến tranh khác "bảo vệ độc lập của Tổ quốc."
Bình luận về ý kiến của một sử gia đồng nghiệp, Giáo sư Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, mới đây nói với BBC về bài học "cảnh giác" cần được rút ra sau tròn 35 năm cuộc chiến, Giáo sư Giang nói:
"Sự kiện này nếu được nói ở đâu thì tôi cũng sẽ nói rằng hãy lắng nghe tâm tư của nhân dân và làm theo ý nguyện của đại đa số nhân dân, khi đã có nhân dân, thì có tất cả. Bài học ấy là bài học lớn, là bài học bao trùm đối với Việt Nam"
"Bài học cảnh giác tôi hoàn toàn nhất trí thôi, bởi vì nhất là đối với những quốc gia mà cứ xểnh ra là họ tấn công, và kinh nghiệm cho thấy cứ khi nào mình gặp khó khăn, thì họ lại tấn công, thì đó là bài học,
"Nhưng bài học ấy là bài học mang tính sách lược, mặc dù rất lâu dài, bài học chiến lược là bài học "lòng dân", Việt Nam muốn đứng vững thì phải yên dân."
Theo ông Giang, chính quyền phải tạo được lòng tin với dân và theo ông đây mới là "bài học lớn."
Ông nói: "Chứ còn bài học đối sách với phiên bang, với ngoại bang v.v..., thì là những bài học rất quan trọng, cực kỳ quan trọng, nhưng mà cái cốt lõi để có được tất cả đấy, là bài học yên lòng dân.
"Vì vậy sự kiện này nếu được nói ở đâu thì tôi cũng sẽ nói rằng hãy lắng nghe tâm tư của nhân dân và làm theo ý nguyện của đại đa số nhân dân, khi đã có nhân dân, thì có tất cả. Bài học ấy là bài học lớn, là bài học bao trùm đối với Việt Nam" sử gia nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét