Lúc còn bé tôi dốt lắm, lên bảy tuổi, vẫn chưa đi học, không biết chữ, cũng không biết số, đương nhiên càng không biết tính sổ. Dân làng chê cười tôi, gọi tôi là cu hai Dốt.
Ngày ấy, làng tôi mở một cửa hàng xén bán kim chỉ, giấy bút, bán cả cái ăn thức uống như lạc rang, táo tầu, rượu gạo. Cửa hàng ở chênh chếch nhà tôi. Chủ cửa hàng là ông Triệu Tần, một ông già trong họ có bộ râu trắng phơ rất đẹp.
Hôm khai trương, ông treo trước cửa hàng hai tràng pháo rạ đốt ăn mừng, rồi dán đôi câu đối đỏ tươi trước cổng. Tôi hỏi ông Tần câu đối viết gì.Ông bảo tôi, vế trên là: “Hữu tửu kim nhật tuý”̣(Có rượu hôm nay say), vế dưới là “Một tiền nhĩ biệt lai”(Không tiền khách đừng đến). Tôi hỏi ông hai câu này nghĩa là gì?Ông Tần đáp: “Cu Dốt ơi là dốt, thế mà còn phải hỏi? Về nhà mà hỏi ông Triệu Thanh Hoà, bố cậu”.
Về nhà tôi đọc câu đối cho bố nghe và hỏi bố nghĩa nói gì.
Bố tôi là nông dân hơn bốn mươi tuổi, tóc bám đầy bụi vàng, mặt vã mồ hôi. Bố nghĩ lâu lắm, cuôí cùng sau khi rít đẫy một hơi thuốc lào bố tôi bảo: Cu này, câu đối của ông ấy ý nói rất rõ, một là khuyên và động viên mọi người đến mua hàng của ông, có tiền trong tay phải không tiếc tiêu, hôm nay có rượu cứ biết hôm nay say cái đã, mặc kệ ngày mai thế nào thì thế, hai là ông ấy không bán nợ, không cò kè giá cả, khách có tiền thi mua, không có tiền đừng đến. Bố tôi bảo, cái nhà ông Triệu Tần này tuy biết văn đoán chữ, nhưng bụng dạ rất hẹp hòi, rất keo kẹt bủn xỉn, mê tiền của...
Bố đột nhiên hỏi tôi, Cu Hai này, câu đối của ông ấy có hoành phi không? Ông ấy nên có một bức hoành phi “Không bán chịu không cho nợ”!
Bố tôi nói đúng, một lát sau ông Triệu Tần đã dán bức hoành phi lên, nhưng không phải không bán chịu không cho nợ, mà là “Nhất loạt không bán chịu”.
Tôi rất bái phục trí tuệ và nhãn quang của bố, cho dù bố không biết một chữ.
Tôi lại nói chuyện bức hoành phi với bố. Bố tôi cười bảo, Cu Hai này. Ông Triệu Tần coi một đồng tiền còn nặng hơn cái cối xay, con đừng mua gì của ông ấy, cẩn thận kẻo ông ấy chơi xỏ con, lừa bịp con!
Tôi gật đầu với bố, xem chừng rất vâng lời. Nhưng tôi thầm nghĩ, bố không cho con tiền, con đến đấy làm gì.Người ta lại không bán chịu.
Một hôm nhà tôi có khách, khi bố tôi định châm lửa thổi cơm, đột nhiên thấy trong nhà hết diêm. Không dám để chậm trễ và ghẻ lạnh bà con họ hàng mình, bố đưa cho tôi hai hào, giục tôi mau mau đi mua diêm. Bố bảo tôi, hai xu một bao diêm, chúng ta mua ba bao, tiền còn lại một xu cũng không được tiêu, phải mang đủ về đây. Bố chỉ bảo có thế, vội giục tôi đi ngay.
Khi vào cửa hàng xén của ông Triệu Tần, ông già có bộ râu bạc đang cúi trước quầy gõ bàn tính lách cách. Ông đội đầu một chiếc mũ màu vỏ dưa, mặc chiếc áo sơ mi dài vải xanh lam, trước sống mũi đeo một chiếc kính lão, trông có vẻ tôn nghiêm có văn hoá hơn cả thầy giáo trường làng. Ông đẩy bàn tính sang một bên, cúi xuống xoa đầu tôi:
- Cu Hai này, con nhà người khác đứa nào cũng đi học, tại sao cháu không đi ?
Tôi đáp:
- Ông ơi, cháu dốt, cháu không biết chữ số.
Ông nói:
- Cháu không đi học, chẳng phải càng ngày càng dốt, càng ngày càng không có chí khí phải không nào?
Tôi đáp:
- Bố cháu không cho cháu đi học. Bố cháu bảo không lấy đâu ra tiền mua sách.
Ông Triệu Tần nói:
- Bố cháu lẩm cẩm. Không có tiền mua sách thìđi vay. Bố cháu định để cháu suốt đời làm thằng Cu Hai dốt hay sao?
Ông đập mạnh lên quầy:
- Thiển cận, bố cháu đúng là thiển cận.
Ông Triệu Tần đỏ bừng mặt, bộ râu trắng như tuyết cũng rung rung. Ông ngồi xuống nghỉ một lúc, rồi mới hỏi tôi mua gì, mang theo bao nhiêu tiền? Ông rất cẩn thận cặn kẽ bảo tôi, cửa hàng của ông bán diêm, hai xu một bao, cháu mua ba bao, tính theo phép nhân, hai nhân ba bằng tám. Ông bảo, cháu có hai hào, tính theo phép trừ, hai hào trừ đi tám xu, ta phải trả lại cháu một hào. Cháu đã nghe rõ chưa? Nghe không rõ thìvề hỏi bố cháu.
Tôi đáp:
- Rõ rồi, rõ rồi.
Thật ra tôi có rõ cóc gì đâu. Lúc ông nói phép nhân, lúc ông nói phép trừ, đầu tôi rối mù,cứ choáng lên từ lâu.
Tối hôm ấy bố tôi rất xúc động,rất cảm khái,cứ thở dài thườn thượt.
Đầu tiên bố phê ông Triệu Tần:
- Cái nhà ông Triệu Tần này, nghĩ tiền nghĩ đến điên lên mất rồi hay sao? Bất chấp nhân nghĩa đạo đức, bỏ cả dòng tộc họ hàng, ức hiếp chúng ta giữa ban ngày ban mặt. Lương tâm ông ta để đâu? Bố tôi bảo,đúng là ông ấy biết tính toán. Một bao diêm hai xu, ba bao phải là sáu xu, làm gì có phép tính hai nhân ba bằng tám? Hai hào trừ sáu xu phải là một hào bốn xu chứ? Bốn xu đâu phải nhỏ? Hai bao diêm của người ta đấy.
Tiếp theo bố phê phán tôi, mày đúng là thằng Hai dốt. Mày không biết tính sao? Đồ đầu đất.
Dưới ngọn đèn dầu lúc hoàng hôn, bố tôi đã khóc. Nước mắt bố rỏ xuống mâm lã chã.
Tôi giục bố sang nhà ông ấy đòi lại tiền.
Bố bảo ông ấy là bậc trên mình, sao bố lại sang đòi tiền? Cái đầu mê tiền bạc, ông ấy sẽ biết dở thủ đoạn, nếu ông ấy chối phắt đi thì sao? Cào rách mặt, làm ầm ĩ lên, há chẳng để người ta cười cho à? Thôi thôi, nhịn đi, dĩ hoà vi quí. Ngày mai con đi học, bố sẽ đi vay tiền.
Hôm sau tôi cắp sách đến trường. Tôi thấy mình không dốt. Chữ cuả thầy giáo tôi đều biết viết. Bài thầy giáo giảng tôi đều ghi nhớ. Thầy giáo đã biểu dương tôi, khen tôi. Tôi vui sướng vô cùng.
Một buổi nhập nhoạng tối, ông Triệu Tần mặc chiếc áo dài sang nhà tôi. Bố tôi đón tiếp ông rất lễ độ. Mời ông hút thuốc uống trà, ông Triệu Tần nói với bố tôi.
- Triệu Thanh Hoà, nghe nói chú đã cho thằng Cu Hai đi học, đúng không? Bố tôi bảo đúng, không có tiền chúng tôi có thể đi vay mượn. Chúng tôi không thể cứ để người ta bắt nạt mãi. Ông Triệu Tần cười bảo, thế là tốt, thế là tốt. Đáng lẽ chú phải làm thế từ lâu...Chú bận việc, tôi về đây.
Bố tôi đáp, bác ạ, bác đừng khen tôi, tôi làm thế là bị người ta ép buộc đấy.
Sau khi ông Triệu Tần ra về, bố tôi đột nhiên phát hiện bốn đồng tiền xu đè dưới đáy ấm nước trà. Tay bố tôi đột nhiên run run, va đổ bát nước còn đang bốc hơi nghi ngút...
Ba mươi năm sau bố tôi qua đời, lúc bấy giờ tôi làm phóng viên của một toà báo. Trước khi qua đời bố nói với tôi.
- Con còn nhớ ông Triệu Tần không Cu Hai? Cái ông có chòm râu bạc phơ mở cửa hàng xén trong làng mình ngày xưa ấy mà? Tôi đáp, con còn nhớ bố ạ., nhớ rất rõ.
Bố tôi bảo, uống nước không quên người đào giếng, thiệt cho ông ấy quá,từ nay trở đi, năm nào đến tiết thanh minh con cũng phải ra mộ ông ấy khấu đầu khấn ba vái, người ta đã vì ai vậy?
Bố tôi đã ra đi vào mùa thu năm một ngàn chín trăm tám mươi khi cánh đồng cao lương chín đỏ và thửa ruộng ngũ cốc chín vàng.
Triệu Tân
Vũ Công Hoan dịch ngày 27 tháng 6 năm 2012
Nguồn: Tiểu tiểu thuyết Trung Quốc năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét