Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM




là: Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Mozambique, Zimbabwe, Grenada, Nicaragua, Campuchia, Afghanistan và Nam Yemen. Tổng cộng, từ hai bảng danh sách ấy, có cả thảy 26 nước cộng sản hoặc có khuynh hướng theo cộng sản. Từ đầu thập niên 1990, tất cả các chế độ cộng sản ấy đều lần lượt sụp đổ. Hiện nay, trên cả thế giới, chỉ còn năm nước mang nhãn hiệu cộng sản: Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chủ nghĩa cộng sản ở năm quốc gia này sẽ sụp đổ sớm. Trong năm nước, có ba nước có quan hệ chặt chẽ với nhau: Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Có lẽ Lào chỉ thay đổi được thể chế chính trị nếu, trước đó, Việt Nam cũng thay đổi; và Việt Nam có lẽ chỉ thay đổi nếu trước đó Trung Quốc cũng thay đổi. Như vậy, quốc gia có khả năng châm ngòi cho bất cứ sự thay đổi lớn lao nào là Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc và Việt Nam chưa thay đổi và chưa từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, giới nghiên cứu cũng phát hiện những dấu hiệu suy tàn âm thầm của chủ nghĩa cộng sản bên trong hai quốc gia này.

Ở đây, tôi chỉ tập trung vào Việt Nam.

Nhìn bề ngoài, chế độ cộng sản tại Việt Nam vẫn mạnh. Hai lực lượng nòng cốt nhất vẫn bảo vệ nó: công an và quân đội. Dân chúng khắp nơi bất mãn nhưng bất mãn nhất là nông dân, những người bị cướp đất hoặc quá nghèo khổ. Có điều nông dân chưa bao giờ đóng được vai trò gì trong các cuộc cách mạng dân chủ cả. Họ có thể thành công trong một số cuộc nổi dậy nhưng chỉ với một điều kiện: được lãnh đạo. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, chưa có một tổ chức đối kháng nào ra đời, hy vọng nông dân làm được gì to lớn chỉ là một con số không. Ở thành thị, một số thanh niên và trí thức bắt đầu lên tiếng phê phán chính phủ nhưng, một, số này chưa đông; và hai, còn rất phân tán. Nói chung, trước mắt, đảng Cộng sản vẫn chưa gặp một sự nguy hiểm nào thật lớn.

Thế nhưng, nhìn sâu vào bên trong, chúng ta sẽ thấy quá trình mục rữa của chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu và càng ngày càng lớn. Như một căn bệnh ung thư bên trong một dáng người ngỡ chừng còn khỏe mạnh.

Sự mục rữa quan trọng nhất là về ý thức hệ.

Khác với tất cả các hình thức độc tài khác, chủ nghĩa cộng sản là một thứ độc tài có… lý thuyết, gắn liền với một ý thức hệ được xây dựng một cách có hệ thống và đầy vẻ khoa học. Thật ra, chủ nghĩa phát xít cũng có lý thuyết, chủ yếu dựa trên sức mạnh và tinh thần quốc gia, nhưng không phát triển thành một hệ thống chặt chẽ và có ảnh hưởng sâu rộng như chủ nghĩa cộng sản. Còn các chế độ độc tài ở Trung Đông chủ yếu gắn liền với tôn giáo cộng với truyền thống quân chủ kéo dài (thường được gọi là độc tài quốc vương, sultanistic authoritarianism) hơn là lý thuyết. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh: các chế độ cộng sản không thể tồn tại nếu không có nền tảng ý thức hệ đằng sau.

Ý thức hệ cộng sản một thời được xem là rất quyến rũ vì nó bao gồm cả hai kích thước: quốc gia và quốc tế. Ở bình diện quốc gia, nó hứa hẹn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân; ở bình diện quốc tế, nó hứa hẹn giải phóng giai cấp vô sản và tạo nên sự bình đẳng và thịnh vượng chung cho toàn nhân loại. Ở bình diện thứ hai, chủ nghĩa cộng sản, gắn liền với một ước mơ không tưởng, rất gần với tôn giáo; ở bình diện thứ nhất, đối lập với chủ nghĩa thực dân, nó rất gần với chủ nghĩa quốc gia. Trên thực tế, hầu hết các nước cộng sản trước đây đều cổ vũ và khai thác tối đa tinh thần quốc gia trong cả quá trình giành chính quyền lẫn quá trình duy trí chế độ. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia dễ thấy nhất là ở các nước thuộc địa và cựu thuộc địa như Việt Nam.

Sau năm 1991, tức sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ý thức hệ cộng sản cũng bị phá sản theo. Thực trạng nghèo đói, bất công và áp bức dưới các chế độ cộng sản ấy đều bị vạch trần và phơi bày trước công luận. Sự hứa hẹn về một thiên đường trong tương lai không còn được ai tin nữa. Tính hệ thống trong chủ nghĩa Marx-Lenin cũng bị đổ vỡ. Nền tảng ý thức hệ của các chế độ cộng sản bị tan rã tạo thành một khoảng trống dưới chân chế độ.


Để khỏa lấp cái khoảng trống ấy, Trung Quốc sử dụng hai sự thay thế: chủ nghĩa Mao và Nho giáo (trong chủ trương tạo nên một xã hội hài hòa, dựa trên lòng trung thành). Việt Nam, vốn luôn luôn bắt chước Trung Quốc, không thể đi theo con đường ấy. Lý do đơn giản: Đề cao chủ nghĩa Mao là một điều nguy hiểm cả về phương diện đối nội lẫn đối ngoại; còn với Nho giáo, một là Việt Nam không am hiểu sâu; hai là, nó đầy vẻ… Tàu, rất dễ gây phản cảm trong quần chúng. Bế tắc, Việt Nam bèn tạo nên cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng ông Hồ Chí Minh lại không phải là một nhà lý thuyết. Ông chỉ là một người hành động. Ông viết nhiều, nhưng tất cả đều rất thô phác và đơn giản. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, cũng không có một người nào giỏi lý thuyết để từ những phát biểu sơ sài của Hồ Chí Minh xây dựng thành một hệ thống sâu sắc đủ để thuyết phục mọi người. Thành ra, cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn không trám được khoảng trống do sự sụp đổ của ý thức hệ Marx-Lenin gây ra. So với Trung Quốc, khoảng trống này ở Việt Nam lớn hơn gấp bội.



Mất ý thức hệ cộng sản, chính quyền Việt Nam chỉ còn đứng trên một chân: chủ nghĩa quốc gia.

Nhưng cái chân này cũng rất èo uột nếu không muốn nói là đã lung lay, thậm chí, gãy đổ.

Trên nguyên tắc, Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước rất cao. Bao nhiêu chế độ ra đời từ giữa thế kỷ 20 đến nay đều muốn khai thác và tận dụng lòng yêu nước ấy. Tuy nhiên, với chế độ cộng sản hiện nay, việc khai thác vốn tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là lòng yêu nước bao giờ cũng gắn liền với sự căm thù. Không ai có thể thấy rõ được lòng yêu nước trừ phi đối diện với một kẻ thù nào đó của đất nước. Hai kẻ thù chính của Việt Nam, trong lịch sử mấy ngàn năm, là Trung Quốc; và gần đây nhất, là Mỹ. Nhưng Việt Nam lại không dám nói quá nhiều về hai kẻ thù này. Với Mỹ, họ cần cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện chiến lược. Đề cao truyền thống chống Mỹ, do đó, là điều rất nguy hiểm. Đề cao truyền thống chống Trung Quốc lại càng nguy hiểm hơn: Trung Quốc có thể đánh hoặc ít nhất đe dọa VIệt Nam bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, Việt Nam, một mặt, phải hạ giọng khi nói về truyền thống chống Mỹ và phải né tránh việc nhắc nhở đến truyền thống chống Trung Quốc. Hai hành động này có lợi về phương diện đối ngoại nhưng lại có tác hại nghiêm trọng về phương diện đối nội: chính quyền hiện ra, dưới mắt dân chúng, như những kẻ hèn, hèn nhát và hèn hạ. Từ một chế độ được xây dựng trên thành tích chống ngoại xâm, chế độ cộng sản tại Việt Nam lại bị xem như những kẻ bán nước, hoặc bán nước dần dần bằng cách hết nhượng bộ điều này sang nhượng bộ điều khác trước sự uy hiếp của Trung Quốc.

Trước sự sụp đổ của cả hai nền móng, ý thức hệ cộng sản và chủ nghĩa quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam bèn chuyển sang một nền tảng khác: kinh tế với phương châm ổn định và phát triển. Nội dung chính của phương châm này là: Điều cần nhất đối với Việt Nam hiện nay là phát triển để theo kịp các quốc gia khác trong khu vực cũng như, một cách gián tiếp (không được nói công khai), đủ sức để đương đầu với Trung Quốc. Nhưng để phát triển, cần nhất là phải ổn định về chính trị, nghĩa là sẽ không có thay đổi về thể chế và cũng không chấp nhận đa đảng.

Phương châm ấy, thật ra, là một sự bịp bợm: Nó chuyển vấn đề từ chính trị sang kinh tế với lý luận: nếu vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề kinh tế thì mọi biện pháp sửa đổi sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế. Với lập luận này, chính quyền có thể trì hoãn mọi yêu cầu cải cách chính trị.

Tuy nhiên, nó hoàn toàn không thuyết phục, bởi, ai cũng thấy, lãnh vực kinh tế là mặt mạnh nhất của chủ nghĩa tư bản và cũng là mặt yếu nhất của chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các quốc gia dân chủ ở Tây phương đều có hai đặc điểm nổi bật: về chính trị, rất ổn định và hai, về kinh tế, rất phát triển. Ở Việt Nam, người ta cố thu hẹp phạm vi so sánh: các cơ quan truyền thông chính thống chủ yếu tập trung vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt Thái Lan với một thông điệp chính: đa đảng như Thái Lan thì lúc nào cũng bị khủng hoảng. Nhưng ở đây lại có hai vấn đề: Một, dù liên tục khủng hoảng về chính trị, nền kinh tế của Thái Lan vẫn tiếp tục phát triển, hơn hẳn Việt Nam; hai, ngày nay, do xu hướng toàn cầu hóa, tầm nhìn của dân chúng rộng rãi hơn nhiều; chính quyền không thể thu hẹp mãi tầm nhìn của họ vào tấm gương của Thái Lan được.

Về phương diện lý luận, chiêu bài ổn định và phát triển, do đó, không đứng vững. Về phương diện thực tế, những sự phá sản của các đại công ty quốc doanh và đặc biệt, khối nợ nần chồng chất của Việt Nam khiến dân chúng càng ngày càng thấy rõ vấn đề: các chính sách kinh tế của Việt Nam không hứa hẹn một sự phát triển nào cả, nếu không muốn nói, ngược lại, chỉ lún sâu vào chỗ bế tắc.

Thành ra, có thể nói, tất cả các nền tảng chế độ cộng sản Việt Nam muốn nương tựa, từ chủ nghĩa Marx-Lenin đến chủ nghĩa quốc gia và lập luận ổn định để phát triển, đều lần lượt sụp đổ. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay như một đám lục bình chỉ nổi bập bềnh trên mặt nước. Sự tồn tại của nó chỉ dựa vào sự trung thành của công an. Do đó, một mặt, đảng cộng sản đưa ra sự khuyến dụ đối với công an: “Còn đảng, còn mình”; mặt khác, họ ngoảnh mặt làm ngơ trước hai tệ nạn do công an gây ra: tham nhũng và trấn áp dân chúng một cách dã man. Nhưng chính sách này chỉ càng ngày càng biến công an thành một đám kiêu binh và càng ngày càng đẩy công an cũng như chính quyền trở thành xa lạ với dân chúng. Sự xa lạ này càng kéo dài và càng trầm trọng, đến một lúc nào đó, trở thành đối nghịch với quần chúng.

Một nhà nước được xây dựng trên một đám kiêu binh, trong thời đại ngày nay, không hứa hẹn bất cứ một tương lai nào cả.

NGUỒN: Nguyen Hung Quoc blog: http://www.voatiengviet.com/content/su-sup-do-cua-chu-nghia-cong-san-tai-vietnam/1904798.html

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

TRẬN CHIẾN NHÃ THUYÊN


Vụ án Nhã Thuyên”đang bước sang một bước ngoặt mới, gần đây, với bức thư ngỏ của nhiều học giả, trí thức trong và ngoài nước, gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng như Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để phản đối quyết định thu hồi bằng Thạc sĩ  viết về thơ của nhóm Mở Miệngcủa Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan). Quyết định ấy, theo họ, đã (1) vi phạm quy định của chính Bộ giáo dục về việc thu hồi bằng cấp; (2) đi ngược lại các nguyên tắc công lý căn bản; và (3) vi phạm nghiêm trọng quyền tự do học thuật.

Bên cạnh đó, bốn giáo sư khác, Hồ Tú Bảo, Ngô Bảo Châu, Trần Văn Thọ và Cao Huy Thuần, cũng viết thư cho Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để phản đối với hai lý do thuộc chuyên môn: Một, cần phân biệt đối tượng được nghiên cứu và bản thân công việc nghiên cứu; và hai, việc đánh giá một luận văn nên giao hoàn toàn cho hội đồng giám khảo. Cuối cùng, bức thư nhấn mạnh “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một việc trừng phạt đau xót và bất nhẫn như hình phạt mà cô Đỗ Thị Thoan và, gián tiếp, bà Nguyễn Thị Bình đã phải chịu.”

Chưa thấy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như Bộ Giáo dục trả lời hai bức thư ngỏ trên. Tuy nhiên, việc kéo dài hồi âm chỉ gây bất lợi cho Bộ Giáo dục và nhà cầm quyền Việt Nam. Bởi, bức thư ngỏ thứ nhất đang trong quá trình tập hợp thêm các chữ ký. Thời gian càng lâu, số người ký tên càng tăng; chữ ký càng tăng, số người phản đối càng mạnh; số người phản đối càng mạnh, uy tín của chính phủ càng giảm, cứ thế liên tục.

Đến một lúc nào đó, chính quyền chỉ còn chọn một trong hai biện pháp: hoặc chấp nhận thua và thu hồi quyết định tước bằng của Nhã Thuyên hoặc ra tay trấn áp những người phản đối. Rất khó có biện pháp lẳng lặng thu bằng hoặc lẳng lặng bỏ qua chuyện thu bằng, để mọi chuyện sẽ từ từ chìm vào quên lãng được nữa. Ngay cả khi biện pháp này được thực hiện, nó cũng sẽ để lại một ấn tượng cực xấu: chế độ này không có hy vọng thay đổi.

Có thể nói “vụ án” Nhã Thuyên đang dần dần trở thành trận chiến Nhã Thuyên.

Tôi cho khi để bùng nổ cái gọi là “trận chiến” này, chính quyền, hoặc ít nhất, giới tuyên huấn, rất dại dột. Dại về phương diện học thuật, như nhiều người đã phân tích, đã đành. Nhưng dại nhất là về phương diện chính trị.

Thứ nhất, nó làm lớn một chuyện, tự nó, không có gì đáng ầm ĩ. Bình thường, mọi luận văn, từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ, đệ trình xong, chỉ chìm lỉm trong thư viện của đại học, rất ít người biết đến và đụng đến; nếu có, may ra, với một số sinh viên hoặc nghiên cứu sinh đang viết về cùng một đề tài. Số phận luận văn của Nhã Thuyên, hoàn tất và nộp từ năm 2010, chắc cũng vậy nếu không được các nhà tuyên huấn mẫn cán nhưng ngu xuẩn của đảng làm rùm beng lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.



Thứ hai, qua những cách trừng phạt và trấn áp thô bạo đối với Nhã Thuyên, vô tình, nhà cầm quyền làm cho chị nổi tiếng hơn, không phải chỉ với tư cách một sinh viên giỏi, một cây bút nghiên cứu và phê bình nhạy bén, độc lập và can đảm mà còn với tư cách một nạn nhân của cả chế độ. Cùng với Nhã Thuyên, nhóm Mở Miệng, đề tài được Nhã Thuyên nghiên cứu, cũng được nổi tiếng và thu hút sự chú ý của dư luận hơn. Nói cách khác, bằng cách đánh phủ đầu Nhã Thuyên, giới tuyên huấn Việt Nam đang quảng cáo giùm cho họ. Một cách quảng cáo cực kỳ có hiệu quả. Nhưng không công.

Thứ ba, với những hành động thô bạo như vậy, nhà cầm quyền tự biến mình thành những tên độc tài vừa thô thiển vừa thô bạo dưới mắt dân chúng, hơn nữa, của cả thế giới; một hình ảnh có khả năng làm xóa mờ mọi nỗ lực tuyên truyền công phu và tốn kém mà họ theo đuổi.

Thứ tư, nhà cầm quyền Việt Nam quyết định lao vào một trận chiến đáng lẽ, nếu sáng suốt một tí, họ có thể biết trước là họ sẽ không thể nào thắng được. Bây giờ không phải là thời của Nhân Văn Giai Phẩm, lúc họ nắm toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng. Bây giờ, với sự phát triển của internet, lực lượng đông và mạnh nhất, có ảnh hưởng nhất, thuộc về những người độc lập, và nếu cần, đối lập với chính quyền. Nếu chính quyền thắng được trong việc tước bằng Thạc sĩ của Nhã Thuyên thì họ cũng thua trắng tay trên mặt trận tuyên truyền và dân vận.

Cuối cùng, thứ năm, nó tạo cơ hội cho những người vốn bất đồng với các chính sách cũ kỹ, độc đoán và sai lầm của đảng và nhà nước tập hợp lại. Thoạt đầu, tập hợp chung quanh một bản kiến nghị; sau, nếu những tình trạng như vậy lặp lại và kéo dài, không chừng nó sẽ biến thành một lực lượng không phải chỉ giới hạn trong phạm vi học thuật.



Dù dại dột thì trận chiến cũng đã mở. Nhà văn Nhã Thuyên, có vẻ rất khôn ngoan, tự ý đứng ngoài, không tham gia vào các cuộc tranh luận, có lẽ để tránh việc chính trị hóa bản luận văn về văn hóa của mình. Nhưng sự đối đầu giữa các trí thức độc lập và chính quyền, đặc biệt, bộ phận giáo dục và tuyên giáo thì không thể tránh được.

Trong cuộc đối đầu này, chính quyền sẽ đối phó ra sao? Chắc chắn là không thể trấn áp được. Chính quyền bây giờ không đủ mạnh để mở đợt trấn áp trí thức như ngày xưa. Giải pháp nhượng bộ bằng cách thu hồi lại quyết định hủy bằng Thạc sĩ của Nhã Thuyên có vẻ cũng khó xảy ra. Đối với nhà cầm quyền Việt Nam, vấn đề thể diện rất quan trọng. Ngay cả khi họ sai sờ sờ, họ cũng hiếm khi nhận sai trừ phi đối diện với những áp lực quá lớn (như thời cải cách ruộng đất hoặc cuối thời bao cấp).

Cuối cùng, có lẽ Nhã Thuyên cũng khó lấy lại bằng Thạc sĩ. Nhưng sự mất mát ấy chỉ dừng lại ở phạm vi hành chính. Dưới mắt giới trí thức, trong nước cũng như ở hải ngoại, chị vẫn hoàn tất chương trình Thạc sĩ, hơn nữa, hoàn tất một cách xuất sắc. Bản luận văn của chị đã được phổ biến trên internet, có lẽ được nhiều người đọc hơn bất cứ một bản luận văn Thạc sĩ nào tại Việt Nam. Quan trọng nhất, chị trở thành biểu tượng của một trí thức bị đàn áp tại Việt Nam với những lý do hoàn toàn thuộc về học thuật.

Ý nghĩa của trận chiến chung quanh Nhã Thuyên không dừng lại ở bản thân chị. Tôi tin sau những làn sóng phản ứng mạnh mẽ của giới trí thức và truyền thông những tháng gần đây, các nhà tuyên huấn tại Việt Nam có lẽ sẽ phải ngừng chiến dịch lục lọi và trấn áp các luận văn từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ, dưới mắt họ, có vấn đề về chính trị. Nhiều người, nhờ thế, sẽ thoát nạn.

Riêng tôi, tôi rất tin tưởng ở tương lai của Nhã Thuyên, với tư cách một người sáng tác cũng như với tư cách một nhà nghiên cứu.


Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc blog: http://www.voatiengviet.com/content/tran-chien-nha-thuyen/1903031.html 

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Trên con đường hòa giải dân tộc


Sinh thời, vào năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại chiến thắng nhân dịp kỷ niệm ngày 30.4 năm đó, đã từng viết mấy câu chí tình chí nghĩa: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. 


Ý tưởng nhân hậu này vừa nêu lên đã được hầu hết mọi người dân Việt cả trong lẫn ngoài nước, không phân biệt thành phần lý lịch hay xu hướng ý thức hệ, coi như bản tuyên ngôn ngắn gọn có ý nghĩa sâu sắc về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, vốn là một trong những yêu cầu quan trọng tiên quyết và bậc nhất để kiến thiết xứ sở. Bởi một lẽ đơn giản, đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Ngoài ra nó còn thể hiện sâu sắc tình tự dân tộc, coi chiến tranh đổ máu là chuyện bất đắc dĩ và phần lớn đều do những gọng kiềm lịch sử khắc nghiệt gây nên chứ không ai là người Việt Nam máu đỏ da vàng mà lại muốn như thế.  
 
     Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt ngày 30.4.1975 lùi xa vào dĩ vãng đã tròn 39 năm. Với bằng ấy thời gian, bên cạnh niềm tự hào đương nhiên của “bên thắng cuộc”, trong lương tâm mỗi người vẫn còn đọng lại không ít những niềm trăn trở, suy nghĩ, từ đó thấy cần đánh giá lại vấn đề một cách toàn diện hơn, cũng như cần đi sâu vào những góc cạnh chi tiết tế nhị hơn, liên quan đến một số sự kiện hoặc con người cụ thể, trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc thù của dân tộc. Ở đây, và trong những khoảnh khắc thời gian này, chúng ta muốn nhắc đến nhân vật lịch sử Dương Văn Minh, người thuộc “bên thua cuộc” của chiến tuyến đối lập, nhưng nếu xét trên phương diện quyền lợi chung của cả dân tộc thì ông lại là người bạn, người đồng chí chân tình của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chắc chắn vì thế mà sau 1975, hai ông vẫn giữ mối liên lạc thân thiết khá thường xuyên, theo cách quý trọng lẫn nhau giữa những người quân tử cùng lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục đích tối thượng.
     Trong chiều hướng suy nghĩ cởi mở như trên, dần dần ai cũng phải thừa nhận, một trong những nhân vật lịch sử thuộc phe bại trận nhưng có vai trò quan trọng, gắn liền với ngày 30.4 lịch sử, có lẽ là ông Dương Văn Minh, người đảm đương chức vụ tổng thống chỉ trong vòng 3 ngày trước khi chế độ cũ Sài Gòn bị tan rã.
     Các tài liệu đã được phổ biến từ nhiều năm nay, đại khái đều ghi chép: 15 giờ chiều ngày 28.4.1975, sau khi có quyết định của lưỡng viện Quốc hội trong tình hình khẩn cấp, tướng Dương Văn Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống, cử ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó tổng thống, ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng. Tổng thống Dương Văn Minh bổ nhiệm một số bộ trưởng và người phụ trách quân đội, cảnh sát, trong đó chỉ định ông Bùi Tường Huân, Giáo sư Đại học Huế (gốc dân sự, không phải tướng tá) làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng, như một cách để chứng tỏ chính phủ của mình không muốn cuộc chiến tranh tiếp diễn.
     Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba (Những ngã rẽ, hồi ký, chưa xuất bản), đêm 28.4.1975, có hai đại tá phi công lái hai máy bay trực thăng phục vụ tổng thống đậu trên nóc dinh Độc Lập, đến gặp Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị đưa ông và tất cả những người trong bộ tham mưu Tổng thống và gia đình bay ra Đệ Thất Hạm Đội. Ông Minh trả lời: “Hai em có thể yên lòng lái máy bay ra Đệ Thất Hạm Đội, bất cứ ai có mặt ở đây muốn đi theo thì có thể ra đi. Phần tôi, tôi nhất quyết không đào ngũ bỏ chạy; không thể nào bỏ dân chúng Sài Gòn, không thể nào bỏ miền Nam như con rắn mất đầu”.
     Sáng sớm ngày 29.4.1975, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền đã cử 4 người gồm Nguyễn Văn Diệp (Tổng trưởng), Nguyễn Hữu Hạnh (nhà thầu), Tô Văn Cang (kỹ sư, cán bộ tình báo Z22), Nguyễn Đình Đầu vào trại David tiếp xúc với đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc ngưng bắn. Tiếp đến, khoảng 15 giờ (có tài liệu nói 19 giờ) cùng ngày, Tổng thống Dương Văn Minh lại cử một phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu cùng đi với Linh mục Chân Tín và Giáo sư Châu Tâm Luân vào Trại David, cả ba người được ông Võ Đông Giang, Phó trưởng phái đoàn phía Cách mạng ra tiếp. Ông Liễng đã thông báo với phái đoàn về chủ trương “không chống cự” của Tổng thống Dương Văn Minh.
     Ngày 30.4.1975, lúc 6 giờ sáng, sau khi nghe chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng tham mưu trưởng (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng khi ấy đã bỏ trốn) và tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo về toàn bộ tình hình quân sự, ông Minh (cùng các ông Hạnh và Có) đến Phủ Thủ tướng (số 7 Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn) gặp Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một số người trong nội các mới lập, họp bàn và quyết định không nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phụ trách soạn thảo bản tuyên bố này.
     Đến 9 giờ 30 ngày 30.4.1975, Đài phát thanh phát lời tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh: “Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc”; “yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Cộng hòa ngưng nổ súng, và ở đâu thì ở đó”; “Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam để thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào”.
     Hai giờ sau, lúc 11 giờ 30, xe tăng của quân giải phóng vào Dinh Độc Lập, đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
     Có quan điểm khá phổ biến cho rằng ông Minh tuyên bố đầu hàng đơn giản chỉ vì hoàn toàn thất thế, không còn cách nào khác. Nhưng theo ông Lý Quý Chung (bộ trưởng Bộ Thông tin trong nội các Dương Văn Minh, tác giả Hồi ký không tên), và nhiều nhân vật thân cận khác, tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với phe cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông vốn chủ trương hoà bình, chấm dứt chiến tranh.
     Ngày nay, nhìn kỹ lại diễn biến các sự kiện, đa số người ta đều thừa nhận việc Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông quyết định “không chống cự”, sau đó tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” là hành động thức thời, tránh cho nhân dân và chiến sĩ của cả hai phe không bị đổ máu thêm vô ích, tài sản quốc gia không bị hủy hoại, góp phần kết thúc sớm cuộc chiến tranh một cách êm đẹp. Đó lànghĩa cử anh hùng của một người thật sự yêu nước, thương dân, có phần nào thầm lặng chứ không phô trương khoe mẽ nổi đình nổi đám.
     Ý kiến coi ông Dương Văn Minh là người có công đối với đất nước đã được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định trong một lần trả lời phỏng vấn của tuần báoQuốc Tế (Bộ Ngoại giao) nhân dịp 30.4.2005, về một câu hỏi liên quan: “Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập… có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ”. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt giải thích: “Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28.4.1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa.... Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”.
      Sau ngày 30.4.1975, ông Minh được về nhà (98 đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) sống một cuộc sống bình dị, từ chối mọi sự giúp đỡ vật chất của chính quyền mới. Năm 1983, được Chính phủ chấp thuận, ông sang Pháp chữa bệnh và thăm con, khi đi chỉ xin mang theo một ít đồ cổ trong nhà. Ông không nhờ vả gì Chính phủ Pháp, mặc dù đã nhiều lần được sự gợi ý rất nhiệt tình.
     Theo sự tiết lộ của ông Hồ Ngọc Nhuận (trong tập hồi ký Đời, chưa xuất bản), người có những hoạt động gần gũi cả với ông Dương Văn Minh lẫn ông Võ Văn Kiệt, thì trong một chuyến đi thăm chính thức Algérie với tư cách thủ tướng, ghé ngang Paris trên đường về nước, ông Kiệt có yêu cầu Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp tìm địa chỉ ông Minh để đến thăm. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Kiệt có ngỏ ý mời ông Minh về nước nhưng ông từ chối vì chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các con ông trong gia đình. Sau đó, qua sự tác động và sắp xếp của Hồ Ngọc Nhuận, nhằm mục đích tăng cường hòa giải giữa người Việt thuộc các thành phần khác nhau, trong cũng như ngoài nước, ông Kiệt còn kín đáo gởi thư và cử người thân tín sang gặp ông Minh tiếp tục đặt vấn đề, nhưng vì nhiều lý do lắt léo phức tạp, ông Minh cũng không về lại quê hương được trong lần đó, mà cuối cùng đã từ Pháp sang Mỹ ở với người trưởng nữ của ông cho đến khi qua đời vào tháng 8 năm 2001, thọ 85 tuổi.
     

     Ngày nay, sau 39 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, bài học rút ra được từ hai nhân vật lịch sử Dương Văn Minh- Võ Văn Kiệt có lẽ không gì lớn hơn là bài học về hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng muốn thật sự hòa giải, cần loại bỏ ngay khuynh hướng cường điệu khía cạnh chiến thắng của ngày 30.4 lịch sử, mà chú trọng hơn vào khía cạnh hòa giải hòa hợp dân tộc, và phải coi việc hàn gắn vết thương chiến tranh qua thái độ hòa giải hòa hợp dân tộc như một thứ trách nhiệm lịch sử tự nhiên phải làm chứ không có tính cách ban phát sự hòa giải cho phía thua cuộc. Nếu khiêm tốn nhìn thẳng vào sự thật, chắc ai cũng biết rằng dân tộc của chúng ta chỉ là nước nhỏ lạc hậu, lại bị chi phối bởi những thế lực, âm mưu chính trị của một số cường quốc khác, nên khi chiến thắng đừng tự hào quá đáng, cũng như không có gì xấu hổ khi thua cuộc để phải mặc cảm kéo dài, trong điều kiện cả hai bên thực chất đều đứng chung trong gọng kiềm khắc nghiệt của lịch sử mà nhiều việc mình không thể chủ động được một cách hoàn toàn. Còn về những sự mất mát do chiến tranh gây ra, cũng là mất mát chung,không đau buồn thì thôi chứ vui vẻ gì cứ tự hào mãi?    
     Cụ thể, từ nay trở đi, nên bớt những cuộc lễ nào mà có nhắc lại những kỷ niệm không vui của thời kỳ chiến tranh đau khổ đã rơi vào dĩ vãng quá xa, và loại trừ hết mọi sự phân biệt về lý lịch, thành phần, dưới mọi hình thức, một cách thực chất chứ không chỉ hời hợt bề ngoài.   
      Đã có một số tín hiệu mới đáng mừng như vậy rồi. Con đường hòa giải hòa hợp dân tộc khá gập ghềnh vì nhiều lý do ngoắt ngoéo tế nhị của lịch sử gần đây đã có thêm những bước tiến cụ thể rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn, về cuộc chiến đấu chung bảo vệ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam những năm 1974, 1988 của binh sĩ cả hai bên chiến tuyến. Trong đó, riêng trận đánh hi sinh dũng cảm của 74 chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 có thời gian dài bị làm mờ nhạt, thì nay, sau gần 40 năm hòa bình lập lại, do sự diễn biến thực tế của tình hình và của nhận thức ngày càng tiến bộ, cởi mở, người ta đã bắt đầu công khai thừa nhận, thể hiện rõ nhất qua “Thư kêu gọi ủng hộ chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, công bố ngày 10.3.2014 vừa rồi. Các nhà đương cuộc sau thời gian dài dè dặt tiện tặn cho “nhích từng chút” sự thật lịch sử, nay đã mạnh dạn nhìn nhận sự thật khách quan một cách công khai bằng giấy tờ hẳn hoi. 
      Tuy trễ vẫn còn hơn không. “Ai muốn chép công ta chép oán/ Công riêng ai đó oán ta chung”, và nếu chịu xét cho cùng, việc ghi lại công ơn những chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc của cả hai bên chiến tuyến trước đây cũng là hình thức chép lại cái “oán ta chung” mà chịu giảm nhẹ đi phần nào cái “công riêng ai đó”, thứ công riêng được lặp đi lặp lại mãi mà chẳng lợi ích thiết thực gì cho việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc để cùng nhau bảo vệ, xây dựng đất nước.
  Trần Văn Chánh
Theo Viet-studies                                                                                                                                      16.4.2014
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 446, tháng 4.2014

Trước Ngày tự do thông tin Việt Nam: Thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc


Nhận được lời mời của các tổ chức NGO là ACCESS và OpenITP, cùng với Văn phòng Liên Hiệp Quốc và Google, chúng tôi lên xe hướng vềNew York.


Đoạn đường từ Washington về New York hết hơn 5 tiếng đồng hồ (ước chừng khoảng 500km), nhưng nhoáng một cái là chúng tôi đã đến nơi.
 Bác tài xế (anh Duy) thật tài tình lái xe đưa chúng tôi đi nhanh, êm và an toàn, ngồi trên xe mọi người cười nói rộn ràng với những màn góp vui rất hồn nhiên của Trinity Hồng Thuận và Lilly Nguyễn. Ở cuối chặng đường, chúng tôi có phần hồi hộp hơn khi nghe tin thành viên thứ 6 có thể sẽ đến được với chúng tôi từ Việt Nam đang trong quá trình làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Nội Bài. Chúng tôi ngóng chờ chừng giây và cùng nhau đưa ra trò dự đoán “đi được – bị chặn”, mọi người trên xe như nổ tung lên khi nghe tin máy bay mang theo thành viên thứ 6 đã cất cánh, blogger Nguyễn Tường Thụy.
Trở lại với vấn đề chính của ngày hôm nay, hai tổ chức phi chính phủ (NGO) là ACCESS và Open IPT đã mở ra một cuộc nói chuyện bàn tròn với chúng tôi trong một khán phòng khá lớn, mọi người ngồi quanh bên nhau nói chuyện rất thân tình
140425005
140425006
Họ cho chúng tôi biết họ biết rất rõ về tình hình người dân ở Việt Nam được “tự do” sử dụng  internet ra sao, hệ thống pháp luật và các nghị định, chẳng hạn như nghị định 72, điều luật 258 … mà nhà cầm quyền đã sử dụng để thắt chặt và quản lý việc sử dụng internet của người dân, họ rất lo ngại cho các bloggers và giới báo chí có tiếng nói đối lập với nhà cầm quyền khi bị sách nhiểu, đàn áp và thậm chị là bỏ tù chỉ vì lên mạng chia sẽ thông tin củng như truyền tại thông tin trên internet.
Các thành viên của hai tổ chức NGO rất buồn khi nhà cầm quyền dựng lên cái tường lữa (firewall) để ngăn chặn người dân truy cập vào các trang webs, các trang blogs hay các trang mạng xã hội như Facebook…, hoặc việc sử dụng mã độc, hacker để tấn công  vào đánh sập các trang blogs và  các trang web như trang của Truyền thông Chúa Cứu Thế – VRNs (www.chuacuuthe.com). Trong thời gian qua chính người quản trị trang web này đã bắt được quả tang  vào chiều ngày 26.04.2010, giờ Việt Nam, website www.dcctvn.net  đã bị tấn công bằng ddos, tấn công vào các hình ảnh trên website. Theo thống kê của máy chủ cho biết, chỉ trong ngày 26.04, các hackers đã hits trang web này gần 500.000 lần, tập trung vào truy vấn các hình ảnh trên trang, làm cho việc truy cập của đọc giả bị chậm lại và làm cho nhà cung cấp dịch vụ nghĩ rằng trang web này  bị lỗi. Hackers xuất phát từ hai công ty hay gọi là hai tập đoàn chuyên về thông tin và truyền thông lớn có trụ sở đặt tại Hà Nội.
Cả hai tổ chức này hứa sẽ lập dự án giúp huấn luyện trang bị cho các bloggers và các nhà hoạt động xã hội về các kiến thức để tự bảo vệ được an toàn internets, ngoài ra họ sẽ hổ trợ cung cấp các phần mềm diệt viruts các bloggers và các nhà hoạt động xã hội đở phần nào về kinh tế  khi phải bỏ tiền ra mua.
Chia tay các thành viên của ACCESS và Open IPT  trong nhưng cái bắt tay, những cái ôm hôn trìu mến thân thương, nặng tình. Theo chúng tôi, các bạn  ACCESS và Open IPT  như đang muốn khóc lên cho thân phận của chúng tôi khi phải chịu nhiều thiệt thòi và tràn đầy nguy hiểm luôn rình rập.
Chúng tôi đến trụ sở Liên Hiệp Quốc vào lúc 4h chiều cùng ngày, tiếp chúng tôi lại là một cô gái còn rất trẻ, tôi có một phân vân mà tới giờ vẩn chưa được giải thích là không hiểu sao ở đất nước Hoa Kỳ này có quá nhiều người phụ nữ còn rất trẻ mà lại nắm giữ những vị trí rất cao, rất quan trọng trong xã hội, hoặc không thì họ củng có kiến thức và nhận thức về xã hội rất sâu sắc. Người phụ nữ ở Mỹ rất được tôn trọng là điều chúng tôi thấy hàng ngày là trên các chuyến xa bus hay tàu điện. Đàn ông luôn nhường chổ ngồi cho phụ nữ, mặc dù người phụ nữ lên xe sau, hay bước lên xe hay bước vào cửa người đàn ông thường mở cửa rồi đứng chờ cho người phụ nữ qua rồi mới tới lượt mình. Nghĩ tới đây thấy thương cho em Huyền Trang, em Hoàng Vi, em Huỳnh Thục Vy, em Thúy Nga, Chị Hằng, em Thảo Chi và nhiều người phụ nữ khác đang ở quê nhà Việt Nam thường bị cảnh công an cộng sản hay lược lượng côn đồ hà hiếp đánh đập hoài. Có dịp chúng tôi sẽ nói riêng về đề tài người phụ nữ trên đất Mỹ (Ladies in Amarica).
140425007
Cô Ann Syauta, người phụ trách chính về nhân quyền cho vùng Đông Nam Á tiếp chuyện chúng tôi. Cô vào thẳng vấn đề. Cô chia sẻ cho chúng tôi về sự kiện điều trần về Nhân quyền ở Geneva (UPR) vừa qua. Cô bày tỏ quan ngại khi chưa thấy Việt Nam thực hiện việc cải thiện Nhân quyền. Cô hỏi chúng tôi về tình hình giới blogger và các nhà hoạt động xã hội đang bị sách nhiểu đàn áp và ngối tù ở Việt Nam. Cô nói hôm nay ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc  Ban Ki-moon đang ở New York và cô sẽ báo cáo với ông ấy về sự kiện gặp gỡ chúng tôi hôm nay cho ông ấy nghe.
Các thành viên trong đoàn chúng tôi đã lần lượt kể hết tất cả những gì mà chúng tôi biết, hoặc đã trải nghiệm cho cô ấy nghe, và cuối cùng chúng tôi đã chuyển cho cô ấy quyển sách về Quyền Con Người. Trong đó, chúng tôi đã chú thích và cùng ký tên lên đó để nhờ cô ấy trao tận tay cho ông Ban Ki-moon.
Đại khái phần chú thích chúng tôi nói nằng: “Quyển sách này được xuất bản tại Việt Nam, đây là bản dịch từ tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, ở Việt Nam chúng tôi không được phép phân phát quyển sách này đến với người dân, và hơn thế nữa chúng tôi bị sách nhiểu, đàn áp và bị đánh đập chỉ vì cổ võ cho quyền con người được thực thi”.
140425008
140425009
Chúng tôi tạm chia tay cô Ann Syauta vì trời đã xế chiều, chúng tôi ra về với niềm vui khôn tả vì hy vọng rằng cô Ann Syauta và đặc biệt Liên hiệp quốc sẽ giúp đồng bào dân Việt chúng tôi sớm có được nhân quyền.

Anthony Lê
Theo VRNs 

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Vì sao chính quyền 'sợ' xã hội dân sự?


Ảnh bên:Đâu là chỗ cho các hội dân sự trong tư duy của Đảng và chính quyền VN?
 
Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đang rất quan ngại các phong trào vận động cải cách xã hội ôn hòa, mà đặc biệt là phong trào của các tổ chức dân sự, vì chính quyền sợ rằng thiết chế chính trị - xã hội này sẽ 'tranh giành quần chúng' và 'ảnh hưởng' của Đảng, theo một học giả gốc Việt từ Mỹ.

Tuy nhiên, xã hội dân sự như trên thực tế phát triển ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam lâu nay đã chứng tỏ là rất cần thiết đối với sự phát triển và cân bằng xã hội, Đảng và chính quyền Cộng sản Việt Nam sẽ xử lý ra sao vấn đề vừa muốn độc quyền, vừa cần có sự đồng thuận của dân và các tổ chức của dân tham gia.

Hôm 20/4/2014, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà Việt Nam học từ Đại họcMaine Hoa Kỳ đã dành cho BBC một cuộc phỏng vấn bằng bút đàm, trong đó, ngoài vấn đề xã hội dân sự, ông bình luận kịch bản và hướng đi tới đây của Đảng và chính quyền Việt Nam, cũng như khả năng tương tác ra sao giữa các lực lượng chính trị xã hội được cho là cần thiết cho một tương lai cải tổ.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, Giáo sư Long bình luận về việc liệu nhà cầm quyền có đang e sợ xã hội dân sự, cùng các phong trào dân sự và dân chủ trong nước hay không. Ông cũng nêu lý do của quan ngại này.
GS. Ngô Vĩnh Long: Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay rất quan ngại xã hội dân sự, mặc dầu phong trào dân sự, dân chủ đang còn rất manh nha và chủ yếu chỉ mới có sự hiện diện của một vài diễn đàn trên các mạng và một số nhóm “ái hữu”. 

Lý do chính là nhà cầm quyền, ngay từ sau chiến tranh, đã muốn độc quyền và đã tìm cách triệt tiêu xã hội dân sự bằng cách giải tán hầu hết các tổ chức mà họ cho có thể tụ tập quần chúng.
Độc quyền, cho dù có thật lòng muốn giúp đất nước “tiến nhanh tiến mạnh” đi nữa, cũng dẫn đến độc đoán. Và độc đoán đã dẫn đến những sai lầm mà hậu quả là sự suy yếu của xã hội và của cả chính quyền.

Do đó, nhà cầm quyền lại càng sợ mất quyền nên càng chuyên quyền để hầu mong có thể củng cố quyền lực.

'BÀN CỜ CHÍNH TRỊ'

Người chơi chính trên bàn cờ chính trị VN lúc này vẫn là Đảng, theo GS Ngô Vĩnh Long

BBC: So với trước đây, quan ngại của chính quyền đối với các tiến trình dân chủ hóa và đòi hỏi nhân quyền trong nước, với tư cách là sự cạnh tranh, thậm chí là thách thức, có điểm gì khác biệt chính?

Trước đây, trong thập kỷ rất khó khăn sau năm 1975, chính quyền còn phải dựa vào dân để bảo vệ đất nước. Cho nên chính quyền đã phải để cho dân “phá rào”, nhưng chỉ trong các lãnh vực kinh tế thôi.

Cho đến nay, những đòi hỏi về nhân quyền và dân chủ hoá—đừng nói gì với tư cách cạnh tranh hay thách thức—đều đã bị đàn áp, kể cả đối với những người có công với đất nước và có chức vụ lớn trong Đảng và trong chính quyền.

Trái lại, đặc biệt trong thập kỷ vừa qua, cạnh tranh hay thách thức nhau về quyền lợi phe nhóm hay cá nhân càng lớn. Quyền lợi đã làm mất dần quyền uy, cho nên nhiều tầng lớp—từ anh công an đến anh dân đen—đã coi thường luật pháp và an ninh xã hội.

BBC: Theo Giáo sư, trên bàn cờ chính trị của VN hiện nay, đâu là những người chơi chính, họ sẽ quyết định tương lai của đất nước ra sao, bằng cách nào?

Trên bàn cờ chính trị của Việt Nam hiện nay những người chơi chính vẫn còn là những đảng viên và những quan chức cao cấp.

Việc họ quyết định tương lai của đất nước ra sao và bằng cách nào thì người ngoài chẳng thế nào biết được.

Chỉ biết là nếu họ không dựa vào quần chúng thì quyết định như thế nào đi nữa cũng không có tương lai.

'NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH'

Nhiều hội dân sự đã nhận được sự ủng hộ, tán thành của các nhân sỹ, trí thức và cựu quan chức chính quyền VN.
 
BBC: Liệu xã hội dân sự có phải là một nhân tố nặng ký làm chuyển hướng thế cờ, trận mạc, hay sẽ phải chờ một lực lượng chính trị, xã hội nào đó xuất hiện để cho lời giải cuối cùng?

Xã hội dân sự, bất cứ ở nước nào đi nữa, cũng là nhân tố quyết định và cuối cùng để bảo vệ sự sống còn của chế độ và an ninh bền vững cho xã hội.

Một lực lượng chính trị, hay xã hội, xuất hiện để thay quyền mà không có một xã hội dân sự lành mạnh thì chỉ lại dẫn đến chuyên quyền mà thôi.

Lịch sử đã chứng minh điều này, và một số ví dụ điển hình gần đây gồm có các trường hợp như Ai Cập, Irak và Libya. Do đó, một chính thể, nếu muốn tồn tại vững chắc, phải tạo điều kiện cho một xã hội dân sự được phát triển.

BBC: Ông có cho rằng có một quan hệ Đảng anh - Đảng em, nước lớn - nước bé giữa Trung Quốc và Việt Nam và ảnh hưởng của Trung Quốc, của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc có thể mạnh đến nỗi mà VN khó thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng, dù là trong năm, mười năm nữa, để cải tổ?

Quan hệ nước lớn-nước bé mà lại liền núi, liền sông, liền biển nữa thì bất cứ ở đâu (ví dụ ngay tại Bắc Mỹ giữa Canada, Hoa Kỳ và Mexico) nước nhỏ khó có thể thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của nước lớn hơn và mạnh hơn.

Vấn đề ở đây không phải là thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng mà là để ảnh hưởng đó chi phối đời sống xã hội và an ninh quốc gia của mình đến mức nào.

Ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Canada và Mexico) rất khác so với ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên (Bắc Hàn) và Myanmar (Miến Điện), một trong những lý do đã khiến Myanmar tìm lối thoát.

Myanmar là một nước yếu, chịu đựng ảnh hưởng đơn độc rất lâu, mà còn đang tìm được lối ra huống chi một nước Việt Nam đã hi sinh rất nhiều cho độc lập, tự do?

Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có muốn “sống mà vì nước, sống vì dân” hay không, hay sống xa hoa trên sự tủi nhục của đất nước và lầm than của nhân dân. Cái đầu mà lọt thì cái thân khắc thoát.

'KỊCH BẢN TƯƠNG LAI'

Trong mô hình quyền lực chính quyền lâu nay, Mặt trận Tổ quốc VN được coi là một siêu tổ chức 'dân sự' của Đảng.
 
BBC: Theo ông đâu là kịch bản chuyển biến, chuyển đổi có khả năng xảy ra nhất cho biến đổi chính trị, thể chế của VN tới đây?

Kịch bản chuyển biến an lành nhất và nhanh nhất cho đất nước và dân tộc là chuyển đổi đường lối và chiến lược trong Đảng và Nhà nước.

Tất cả những biến đổi chính trị và thay đổi thể chế qua các phương cách khác đều có những giá rất đắt phải trả trong tương lai, gần hay xa.

BBC: Cuối cùng, thời điểm xảy ra cải tổ, thay đổi, thậm chí là cách mạng có thể là bao giờ và các lực lượng chính trị ở VN hiện nay, kể cả Đảng CS và các bên là đối thủ, các lực lượng chính trị - xã hội, nên có sự chuẩn bị ra sao cho quá trình này, nếu tất cả đều muốn có vị trí của mình trong tương lai?

Muốn thay đổi, cải tổ hay cách mạng, để khỏi phải trả những giá rất đắt (như ở Ai Cập hay Libya) thì ít ra phải để cho một xã hội dân sự tồn tại (như ở Myanmar, mặc dầu bị kìm kẹp và khống chế).

Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một Đảng Cộng Sản và những phe nhóm (lợi ích hay đối thủ) trong đó.
Các lực lượng chính trị-xã hội bên ngoài chưa có, hay chưa có thể hoạt động cùng với nhau và cọ sát với nhau để có thể dẫn đến hoà giải, hoà hợp.

Để chuẩn bị cho quá trình thay đổi thì ngay bây giờ phải bắt đầu nuôi dưỡng một xã hội dân sự, qua đó các thành phần trong xã hội có thời gian và điều kiện tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của họ vì lợi ích chung của dân tộc và đất nước.

Nếu những người có quyền và tiền vẫn muốn giữ vị trí của mình trong tương lai thì đất nước và dân tộc sẽ không có tương lai.

Quốc Phương