Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

PHIM TÀI LIỆU LỊCH SỬ: HỒN VIỆT QUỐC KỲ QUỐC CA VIỆT NAM

Vọng Ngày Xanh

Trân trọng giới thiệu một bộ phim tài liệu rất quý giá, bao gồm: Lịch Sử lá Quốc Kỳ VNCH, Những Câu chuyện về quốc kỳ VNCH trên toàn thế giới, "Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam" do VietNam Film Club thực hiện năm 2012.

Sản xuất (producer): GS Nguyễn Ngọc Bích
Viết lời cho phim (script writer): Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa
Dẫn phim: Ngọc Hà



TNM: Rất xúc động khi bài Quốc Ca VNCH được chính những nhạc công tài ba của dàn nhạc  National Presidential Ochestra của Ukraine hòa tấu.

Chuyện Tướng Ngô Quang Trưỡng

*Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG điều bình kg có trong sách vở làm cho H. Norman Schwarzkopf ngạc nhiên với lối đánh kỳ quặc:
"Tôi chưa từng nghe thấy điều lạ lùng như vậy tại West Point. Tôi nghĩ bụng, "Cái gì mà 8 giờ rồi 11 giờ? Làm sao mà có thể hoạch định thời khóa biểu cho trận đánh như vậy được?" 





***Nhưng cuối cùng H. Norman Schwarzkopf tuyên bố: "Chiến Dịch Thung Lũng IA DRANG là một biến cố đặc biệt đối với tôi vì nó đã giới thiệu cho tôi một vị chỉ huy trưỏng tác chiến sáng chói nhất mà tôi biết được."

Trung Tá Ngô Quang Trưởng là tham mưu trưởng. Trông ông không giống như mẫu một nhà quân sự xuất chúng mà tôi thường hình dung: ông chỉ cao 5 feet 7, khoảng bốn chục tuổi, gầy nhom, lưng còng và một cái đầu quá to so với thân hình. Gương mặt ông co rúm và đăm chiêu, không đẹp trai tí nào, và miệng luôn ngậm một điếu thuốc lá. Tuy vậy ông rất được các sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp nể trọng - và các chỉ huy trưởng Bắc Việt nghe biết tiếng ông phải rất nể sợ. Mỗi khi có một cuộc hành quân cam go xảy đến, Tướng Đống đều giao quyền chỉ huy cho Trung Tá Trưởng.

Sư Đoàn Dù được lệnh ngăn chận các trung đoàn Bắc Việt bị đánh bại ở Thung Lũng Ia Drang đang lẩn trốn trở qua Cam Bốt. Tôi đang chập chờn ngủ sau một bữa ăn no nê đánh chén cà ri gà và rượu bia thì bị đánh thức phải đi ra phi trường. Trưởng đã tụ tập một lực lượng to tát khác thường với khoảng chừng 2000 binh sĩ Dù để đi tới Ia Drang sáng hôm sau, và đã chọn tôi làm cố vấn cho ông.

Chúng tôi được máy bay vận tải đưa tới sân bay vùng đất đỏ Đức Cơ, nơi tôi đã từng đồn trú trước đây, và từ đó trực thăng chở chúng tôi xuôi Nam xuống vùng thung lũng. Ngay khi chúng tôi nhảy xuống khỏi trực thăng, chúng tôi liền đụng độ giao tranh với địch. Thung lũng rộng khoảng 12 mile tại địa điểm Thung Lũng Ia Drang chảy theo hướng Tây về phiá Cam Bốt - và đâu đó trong vùng rừng già đó đại đơn vị địch quân đang di động lẩn trốn. Chúng tôi đã đáp xuống phiá Bắc, và Trưởng ra lệnh cho các tiểu đoàn băng qua sông Ia Drang và đóng chốt dọc theo rặng núi Chu Prong với những sườn núi cao chạy hướng về phiá Nam. Thật là hấp dẫn quan sát cách Trung Tá Trưởng hành quân. Đang khi chúng tôi lần bước, ông bỗng ngừng lại nghiên cứu bản đồ, và thỉnh thoảng ông lại chỉ ngón tay trên bản đồ và nói, "tôi muốn anh cho nã pháo vào đây." Thoạt tiên tôi ngờ vực, nhưng vẫn cứ kêu gọi pháo binh bắn theo lời yêu cầu; khi chúng tôi tới vùng đó, chúng tôi thấy xác địch nằm ngổn ngang. Chỉ bằng cách hình dung địa thế và dựa vào 15 năm kinh nghiệm đánh giặc, ông chứng tỏ khả năng đặc biệt tiên đoán ý đồ địch.




Khi bộ chỉ huy lập trại đóng quân đêm đó, Trưởng mở bản đồ ra, châm một điếu thuốc, và phác họa kế hoạch chiến trận của mình. Khoản rừng giữa vị trí chúng tôi đang đóng quân tại các sườn núi và con sông, Trưởng giải thích, tạo nên một hành lang thiên nhiên - con đường Bắc Quân thể nào cũng chui đầu vào. Trưởng nói, "Tảng sáng, chúng ta sẽ phái một tiểu đoàn tới địa điểm này, về phiá trái, làm lực lượng nút chận giữa sườn núi và con sông. Vào khoảng 8 giờ sáng ngày mai, tiểu đoàn này sẽ đụng độ mạnh với địch quân. Tiếp đó tôi sẽ gửi một tiểu đoàn khác tới địa điểm này, về phiá phải. Tiểu đoàn này sẽ chạm địch vào khoảng 11 giờ. Tôi muốn anh ra lệnh pháo binh sẵn sàng nã vào vùng này, về phiá trước mặt chúng ta," Trưởng nói, "và rồi chúng ta sẽ tấn công với tiểu đoàn thứ ba và thứ tư của chúng ta đánh xuống mạn sông. Như vậy địch quân sẽ bị sa vào bẫy với lưng đối vào khúc sông."




Tướng Schwarzkopf trong một lần ở chiến trường

Tôi chưa từng nghe thấy điều lạ lùng như vậy tại West Point. Tôi nghĩ bụng, "Cái gì mà 8 giờ rồi 11 giờ? Làm sao mà có thể hoạch định thời khóa biểu cho trận đánh như vậy được?" Nhưng tôi cũng nhận ra kế hoạch của Trưởng: Trưởng đã tái tạo chiến thuật Hannibal đã dùng vào năm 217 trước tây lịch, khi Hannibal bao vây và tiêu diệt các đơn vị viễn chinh La Mã tại bờ sông Trasimene.

Nhưng, Trưởng nói thêm, chúng ta có một điều khó xử: quân Dù Việt Nam được đưa vào chiến dịch này vì cấp trên lo ngại các lực lượng Mỹ khi đuổi theo địch quân có thể mạo hiểm tiến tới quá sát ranh giới Cam Bốt. Trưởng nói, "Theo bản đồ của anh, biên giới Căm Bốt nằm tại đây, 10 cây số về phiá Đông nếu so với bản đồ của tôi. Để có thể thực hiện kế hoạch của tôi, phải dùng bản đồ của tôi thay vì của anh, nếu không chúng ta không tài nào đánh vòng sâu đủ để đặt lực lượng nút chận đầu tiên của chúng ta. Như vậy, Thiếu Tá Schwarzkopf, anh cố vấn sao đây?"

Viễn ảnh để địch quân chạy thoát trở lại khu an toàn, để rồi khi hồi phục lại sức, chúng lại tấn công trở lại khiến tôi sôi gan lên cũng giống mọi quân sĩ khác. Một số địch quân này đã đụng độ với tôi bốn tháng trước đây tại Đức Cơ; tôi không muốn phải giao tranh lại với chúng bốn tháng tới đây. Như vậy tội gì tôi phải cho là bản đồ của tôi chính xác hơn bản đồ của Trưởng cơ chứ?

"Tôi cố vấn chúng ta dùng lằn biên giới vạch theo bản đồ của Trung Tá."

Sau khi ban bố các lệnh tấn công, Trưởng ngồi nghiên cứu bản đồ với điếu thuốc lá trên môi. Chúng tôi duyệt đi duyệt lại kế hoạch thâu đêm, mường tượng mọi diễn tiến của trận đánh. Khi trời hừng sáng, chúng tôi phái Tiểu Đoàn 3 tiến quân. Họ tới vị trí và, y như là, đúng 8 giờ sáng, họ gọi điện về báo cáo đụng địch mạnh. Trưởng phái Tiểu Đoàn 5 tiến về hướng phải. Vào 11 giờ, họ báo cáo chạm địch mạnh. Đúng như Trưởng tiên đoán, trong khu rừng phiá dưới chúng tôi, địch đụng đầu với Tiểu Đoàn 3 tại ven bờ và quyết định, "Tụi mình không thể thoát ngã này. Tụi mình sẽ lộn trở lui." Quyết định này trái nguyên tắc căn bản của thế tháo lui và lẩn tránh, tức là chọn con đường bất tiện nhất để giảm thiểu nguy cơ chạm trán với địch quân đang nằm chờ. Nếu chúng chọn leo rặng núi Chu Prong ra khỏi thung lũng thì có lẽ chúng thoát được nạn. Trái lại, chúng đã lần theo thung lũng, đúng như Trưởng tiên đoán, và do đó bị chúng tôi đóng vào hộp. Trưởng nhìn tôi và nói, "Hãy cho nã pháo của anh." Chúng tôi pháo nửa tiếng. Tiếp đó Trưởng ra lệnh hai tiểu đoàn còn lại đánh xuống sườn đồi; súng ống khai hỏa rất nhiều trong khi chúng tôi theo đoàn quân tiến xuống.

Vào khoảng 1 giờ trưa, Trưởng tuyên bố, "Ô-kê, chúng ta dừng chân tại đây." Trưởng chọn một bãi quang xinh xắn, và chúng tôi ngồi xuống ăn trưa cùng với ban tham mưu! Đang ăn nửa chừng , Trưởng bỗng đặt bát đũa xuống và ra lệnh vào máy phát thanh. "Trung Tá làm gì vậy?" tôi hỏi. Trưởng ra lệnh cho binh sĩ lục lạo chiến trường để thu lượm súng ống: "Chúng ta triệt hạ nhiều địch quân, những đứa thoát chết vứt bỏ lại súng ống khi tháo chạy."

Lạ nhỉ, Trưởng có nhìn thấy cái quái gì đâu! Mọi điều đều bị rừng cây che đậy. Nhưng chúng tôi ở nán lại bãi quang trọn ngày còn lại, và quân lính ôm về từng bó súng ống chất thành đống trước mặt chúng tôi. Tôi khoái quá - chúng ta đã gặt hái một chiến công hiển hách! Nhưng Trưởng thì lại ngồi yên, thản nhiên hút thuốc.


General H. Norman Schwarzkopf
It Doesn't Take A Hero (1992)



Tướng Schwarzkopf mô tả trận đánh xảy ra trong cuộc Hành Quân Thần Phong 7. Diễn biến trận đánh được ghi rõ trong bản đồ tác chiến sau đây:Địch quân bị đóng vào "hộp" đánh dấu trong bản đổ bởi: 221350H-231115H-240845-241030H.http://www.generalhieu.com/ducco-u.htm

Thư ngỏ gửi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội


Ts Vũ Thị Phương Anh
Kính thưa ông Hiệu trưởng,
Trước hết, tôi xin lỗi đã đường đột gửi thư đến ông xin phép được tự giới thiệu. Tôi là Vũ Thị Phương Anh, hiện là một người nghiên cứu tự do về giáo dục đại học, trước đó đã có 28 năm làm việc trong các trường đại học công lập, trong đó có 20 năm làm việc tại trường ĐH KHXH-NV tại TP HCM với các chức vụ cao nhất lần lượt là Phó Khoa Ngữ Văn Anh, Phó Phòng Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Du học, sau đó là 8 năm làm việc tại Đại học Quốc gia TP HCM với chức vụ cao nhất là Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo. 

Tôi rất tiếc là đã phải dùng cách thức thô thiển này để gửi ý kiến của tôi đến ông, do tôi không biết làm cách nào để thông tin có thể đến với ông một cách nhanh chóng hơn. Vì tôi tin rằng sự việc đã đến lúc rất cần có ý kiến chính thức của ông.


1. Như ông có thể đã biết, sự việc liên quan đến luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan (thường được biết đến với bút danh Nhã Thuyên, sau đây xin gọi là Nhã Thuyên) đã làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước hơn 9 tháng qua, kể từ lúc những bài phê bình đầu tiên về nội dung cuốn luận văn này của ông Nguyễn Văn Lưu và một số người khác được đăng lần đầu trên báo chí chính thống vào khoảng tháng 6/2013. Đã có rất nhiều đồn đoán về một cuộc đấu đá nội bộ núp bóng khoa học đang diễn ra trong ngôi trường mà ông đang là đại diện, mà Nhã Thuyên và những người có liên quan chỉ là cái cớ để những thực hiện vụ thanh toán ấy.

2. Những lời đồn đoán ấy sau đó được dư luận tin là vô căn cứ, vì không có bất cứ việc gì xảy ra cho những người có liên quan. Vì vậy, việc ông chọn thái độ im  lặng và không hề quan tâm đến các tin đồn vào thời điểm ấy là một chọn lựa đúng đắn. Chẳng cần bất cứ lời thanh minh, cải chính nào từ trường ĐHSP Hà Nội, những lời đồn đại đầy thành kiến nhưng không có căn cứ ấy tự đến rồi tự đi, như một cơn mưa bóng mây, không hề khuấy động đến ngôi trường nơi người ta đang đưa ra những tin đồn ác ý, và không thể làm vấy bẩn môi trường học thuật thanh khiết vốn có của nhà trường.

3. Thế nhưng những diễn biến gần đây khiến cho những lời đồn đoán cách đây 9 tháng lại nở rộ hơn bao giờ hết. Rất đáng ngại là những gì người ta đã đoán trước đây dường như đang diễn ra. Trước hết, người hướng dẫn LV của Nhã Thuyên, PGS TS Nguyễn Thị Bình, được cho về hưu một cách bất thường mà không có lời giải thích nào thỏa đáng, dù cô Bình đã có lời chính thức "kêu cứu" trên báo. Đáng lo ngại hơn, sau đó báo chí lề trái đã đưa ra bức ảnh chụp một phần của một văn bản được cho là từ Ban Tuyên giáo, trong đó yêu cầu báo chí lề phải không đưa thông tin trái chiều về việc Nhã Thuyên  bị tước bằng thạc sĩ.

4. Sự xuất hiện của thông tin về chỉ đạo của Ban Tuyên giáo đã như một luồng gió tiếp sức cho đám cháy rừng, làm cho dư luận xôn xao hơn bao giờ hết với một loạt câu hỏi: Phải chăng những lời đồn đoán trước đây là sự thật, phải chăng có những con người giấu mặt đứng đằng sau chỉ đạo mọi việc, phải chăng các bước đi trong cuộc đấu đá nội bộ đã và đang diễn ra theo một kịch bản được sắp xếp từ trước - vẫn những lời đồn đoán vô căn cứ như trước đây mà chắc hẳn ông đã quen nghe. Đặc biệt, việc Ban tuyên giáo hoặc cấp trên nào đó đã chi đạo Trường ĐHSP Hà Nội phải xử lý vụ luận văn còn đặt ra một vấn đề khác quan trọng hơn, đó là  liệu việc chỉ đạo từ trên (nếu có) có phải là hành vi xâm phạm quyền tự chủ về chuyên môn của một trường đại học theo luật định (xin tham chiếu Điều 29, Khoản đ của Luật giáo dục đại học)?

5. Trước vô số những tin đồn đang xôn xao dư luận gần đây, thái độ của Trường ĐHSP Hà Nội vẫn là tiếp tục giữ im lặng. Nhưng không giống như đợt xôn xao dư luận cách đây 9 tháng, lần này hoàn cảnh gây tin đồn có một khác biệt căn bản. Nếu trước đây những gì mà tin đồn cho rằng sẽ xảy ra đều đã không diễn ra hoặc không có căn cứ nào để xác nhận, thì lần này, những thông tin chính thức từ Nhã Thuyên, "nạn nhân" chính của "vụ đấu đá", dường như đang xác nhận những lời đồn đại.

6. Theo thông tin do Nhã Thuyên cung cấp trên trang blog của cô, Trường ĐHSP Hà Nội đã trao cho Nhã Thuyên quyết định thu hồi bằng nhưng lại không cung cấp các thông tin làm căn cứ cho quyết định rất nghiêm trọng của Hội đồng chấm lại. Đây là một thiếu sót khó hiểu, vì chuyện thu hồi bằng cấp không phải là một việc có thể ra quyết định một cách tùy tiện mà phải có những căn cứ khoa học mạnh mẽ để thuyết phục người bị thu hồi bằng và quan trọng hơn là thuyết phục dư luận. Kế đến, phải nhắc đến sự im lặng bất thường của toàn bộ Hội đồng chấm luận văn năm 2010, những người lẽ ra đã phải có tiếng nói để bảo vệ hoặc giải thích quan điểm của mình trước đây, vì thật là khó hiểu và vô cùng hy hữu khi một luận văn đã được chấm ở mức xuất sắc bởi một Hội đồng gồm những người có đầy dủ học vị, học hàm, chức vụ và uy tín khoa học đã được xác nhận, sau đó lại được một hội đồng khác chấm là không đạt và dẫn đến việc tước bằng. Và cuối cùng là im lặng cũng không kém khác thường của chính ông Hiệu trưởng, người được Bộ Giáo dục ủy quyền để chịu trách nhiệm về toàn bộ mọi hoạt động chuyên môn tại ĐH SP Hà Nội, về những điều bất thường đang diễn ra tại trường mình.

7. Tất cả sự bất thường đó dường như chỉ dẫn đến một cách diễn giải duy nhất mà thôi: Lời đồn đại về vụ "đấu đá nội bộ" kia là có thật, và nhà trường đang lúng túng vì đã làm những điều khuất tất nên không thể công khai thông tin được.

8. Những tác hại của những tin đồn ấy đối với uy tín chuyên môn cũng như đạo đức của những nhà sư phạm, những người thầy của thầy, chắc ông hiểu rõ hơn tôi nhiều lắm, và tôi không dám lạm bàn. Tôi hiểu những bận rộn của một vị hiệu trưởng như ông, nên không hy vọng ông sẽ giải thích những gì đang xảy ra, vì điều đó thực ra không cần thiết. Tôi chỉ tha thiết đề nghị ông nhanh chóng công bố những văn bản liên quan và có những lời chính thức trước công luận về vụ thu hồi luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên, để công luận cùng xem xét và tự phán đoán. Vì, cách dẹp bỏ tin đồn tốt nhất, mà cũng là cách duy nhất, là chứng minh những tin đồn ấy là sai. Như thế, danh dự và uy tín của Trường ĐHSP Hà Nội nói riêng và của giới đại học Việt Nam nói chung sẽ được cứu vãn, và quan trọng hơn, là niềm tin vốn đã ít ỏi của thế hệ trẻ và của toàn xã hội đối với nền giáo dục Việt Nam sẽ không tiếp tục suy giảm.

Cuối cùng, xin chân thành gửi lời cám ơn đến ông Hiệu trưởng vì đã bỏ thời gian để đọc những lời lẽ khá đường đột của tôi, một người đã bỏ suốt cuộc đời làm việc của mình để hoạt động trong giới đại học, và luôn tha thiết mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho nền giáo dục của đất nước. Kính chúc ông sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho ngành giáo duc của Việt Nam.


Vũ Thị Phương Anh

Tuổi già và niềm vui Internet


Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” 

image

Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc (email, chat) giữa mọi người với nhau.

Chúng ta, trong đó có bạn và cả tôi nữa, ít nhiều đều là dân ghiền Internet chẳng khác nào mình ghiền… một loại ma túy tinh thần nào đó.

Lợi ích của Internet thì đã quá rõ ràng rồi, tuy nhiên nó cũng đã bị một số người chỉ trích và kết án thậm tệ như là một trong nhiều nguyên nhân gây nên tội phạm trong xã hội.

Ngoài ra, nó còn bị American Psychiatric Association gán thêm cho một tội khác nữa, đó là việc lạm dụng Internet một cách thái quá có thể làm cho người sử dụng bị xáo trộn về tâm thần, một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là Internet addiction disorder hay IAD.

Cũng may là American Medical Association đã không nhìn nhận IAD là chẩn đoán của một bệnh lý thật thụ.


Tuổi già và Internet tại Hoa Kỳ


image
Riêng đối với người cao tuổi tại Hoa Kỳ, The Nielson Company cho biết số senior sử dụng Internet đã tăng 55% từ 11.3 triệu cụ Nov 2004 lên 17.5 triệu Nov 2009. Số giờ các cụ ngồi gõ internet cũng tăng 11% trong khoảng thời gian 5 năm nói trên nghĩa là từ khoảng 52 giờ trong một tháng lên trên 58 giờ /tháng.

Hiệp hội người hưu trí Hoa Kỳ (AARP) cho biết có lối 40% những người trên 50 tuổi nói rằng họ rất thoải mái mỗi khi sử dụng internet đặc biệt là các mạng xã hội chẳng hạn như Facebook, Linked In, và Twitter.

Trong số 1360 cụ được thăm dò thì có 27% đã kết nối vào các trang mạng xã hội.

Internet giúp họ có thêm kiến thức về thế giới. 31% cụ thường sử dụng Facebook và trong nhóm nầy có 73% dùng trang Facebook để liên lạc với thân nhân và con cháu.

Phúc trình của Nielson Company cho biết email cá nhân là cách liên lạc phổ biến nhất của các cụ trên 65 tuổi, sau đó là xem và in bản đồ, thời tiết, xem hóa đơn, trả tiền online, xem và gởi hình ảnh, đọc và nghe tin tức, tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề sức khỏe, hoạch định kế hoạch đi du lịch, nghiên cứu thực đơn nấu nướng, tham khảo tình hình tài chánh, thị trường chứng khoán…


image

Một cái ghiền dễ thương

Một khảo cứu về việc sử dụng Internet và cell phone do JWT Survey thực hiện trên 1011 người Hoa kỳ từ 18 tuổi trở lên gồm có 42% đàn ông và 58% đàn bà, đã đi đến kết luận là dân Mỹ đứng đầu thế giới về vụ ghiền Internet.Cao niên và Internet.

image
Cell phone và Internet chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời sống của người Mỹ, bởi vậy nếu hỏi họ có thể chịu đựng được bao lâu nếu không có Internet thì:

* 21% trả lời hai ngày

* 19% trả lời vài ngày

* một trong năm người trả lời là họ có thể chịu đựng được một tuần lễ.

*Bất luận tuổi tác, 59% đàn ông và 50% đàn bà đều có thể chịu đựng tình trạng thiếu Internet chỉ trong vài ba ngày mà thôi.

Cảm giác chung của họ là nếu vì lý do nào đó mà không có Internet khi họ muốn, thì họ có cảm tưởng như hơi thiếu một cái gì đó rất quan trọng.

Nói chung, 28% người được thăm dò nhìn nhận họ dành rất ít thời giờ cho những sự tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt, vì họ bận xem Internet hoặc Cell phone hoặc nghe nhạc mp3 hay bận chơi games điện tử.

Còn 20% thú nhận dành ít thời gian hơn lúc xưa cho những chuyện vật lộn trên giừơng!
Xem email bất cứ chỗ nào


image
- 25% thú nhận thường đem Internet lên tận giường ngủ (laptop hoặc cell phone) để xem. Trước khi ngủ, họ check email cuối cùng và đôi khi họ ngủ quên mà trong tay vẫn còn cầm cái cell phone.

- 43% cho biết họ để email mở thường trực cạnh bên giường để có thể nhận biết giữa đêm nếu có ai gởi mail đến.

- 59% người Mỹ đọc email khi vừa về tới nhà.

- Đọc ở nhà chưa đủ, một số 12% còn xách laptop hoặc mang cell phone theo vô nhà thờ để check email trong lúc Cha đang làm lễ ở phía trước.

- 37% check email lúc họ đang lái xe.

- 53% check email luôn cả lúc họ đang ở trong phòng toilet. 


image

Chơi game và nghe nhạc

Thật không ngờ chính phái nữ có nhiều máy để chơi games nhất: 44% ở phụ nữ so với 39% ở nam giới.

34% người được thăm dò cho biết họ có iPod hoặc dụng cụ cá nhân khác để nghe nhạc.

Đa số là giới trẻ chiếm 49% so với 15% những người trên 55 tuổi.
Internet thay đổi lối sống của nhiều người

image
- 73% người được thăm dò cho biết họ đã thay đổi cách mua sắm của họ. Càng ngày họ càng có khuynh hướng mua sắm kiểu online nghĩa là qua Internet.

- Internet được rất nhiều người ưa thích vì tính tiện dụng của nó.

- Internet giúp chúng ta phương tiện trau dồi kiến thức và sự hiểu biết qua hai công cụ tìm kiếm rất thực tiển đó là Google và Yahoo. Kế đến, email cá nhân thường được tham khảo qua cái laptop hoặc qua iphone cá nhân.

Có một điểm tiện lợi là các địa chỉ Hotmail và Gmail có thể được mở ra xem ở bất cứ một computer nào khác hoặc kể cả qua iphone. Giới trẻ thường trao đổi tin tức cho nhau qua email.
Mười websites dẫn đầu về số lần truy cập 2011-2012


  • 1- Google-USA
  • 2-Facebook-USA
  • 3- Youtube- USA
  • 4- Yahoo-USA
  • 5- Baidu.com-China
  • 6- Wikipedia-USA
  • 7- Blogger-USA
  • 8- Window Live-USA
  • 9- Twitter-USA
  • 10- QQ.com-China



Internet sau khi qua đời: nỗi lo của người thân còn sống


image
Chúng ta tự hỏi, sau khi mình chết thì những trang mạng, facebook, compte email, v.v… của mình sẽ ra sao?

Sau đây là tóm lược từ bài "Internet après la mort" của  Protegez vous.ca


Facebook: Trên 300 triệu người sử dụng. Đây là nơi hẹn hò thường xuyên của dân internaute. Họ trao đổi tin tức, tâm sự, hình ảnh, v.v…

Sau khi viễn du tiên cảnh, chủ compte facebook để lại cho gia đình cũng như bạn bè cả khối hình ảnh và kỷ niệm còn ghi trong trang mạng xã hội nầy. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, facebook gom góp những điểm chánh yếu và làm một profile (hồ sơ-tiểu sử) của người quá cố. Lúc đó chỉ có những bạn của facebook mới có thể mở và gởi message của họ vào trong đó. Những thông tin quá nhạy cảm, như địa chỉ và tình trạng statut gia đình đều bị rút bỏ. Bạn bè và thân nhân không thể vào xem những message quá riêng tư của người khuất bóng.
Khi có lời yêu cầu từ gia đình, facebook sẽ đóng compte lại.

Gmail: Thân nhân có thể xin phép để được xem Gmail của người quá cố. Họ phải chứng minh là đại diện chánh thức và là người có trách nhiệm trong việc thừa kế. Phải trưng giấy khai tử và các bằng chứng đã có gởi message Gmail lúc trước, khi người đó còn sống. Các chứng từ có thể gởi cho Gmail bằng Fax hoặc qua bưu điện.

Yahoo: Lề lối bảo mật của Yahoo cao hơn Gmail và Hotmail. Trong bất cứ trường hợp, Yahoo không bao giờ cho phép người thân vào xem compte điện thư của người đã quá cố. Thân nhân có quyền xin Yahoo đóng compte lại.

Theo Yahoo, thân nhân có quyền vào xem compte người quá cố nếu tên của họ có ghi trong di chúc.


Window live hotmail: Hotmail tự động đóng bất cứ compte nào nếu không sử dụng trong 270 ngày và địa chỉ sẽ được phân phát cho người mới.

Muốn vào xem compte của người quá cố, người thân phải chứng ninh họ là người thừa kế, trình bằng lái xe và tờ khai tử. Có thể gởi qua fax hoặc bằng bưu điện.


Myspace: Không có đường lối rõ rệt. Khi có yêu cầu của thân nhân, Myspace có thể xóa bỏ compte của người đã chết.


image

Internet và tôi

Internet đã giúp tôi trau giồi thêm kiến thức, giải trí và thoát ly phần nào ra khỏi nỗi niềm cô đơn của tuổi hoàng hôn.

Bước đầu làm quen với Internet cũng rất khó khăn vì lớn tuổi nên rất bảo thủ và rất e ngại những kỹ thuật quá mới mẻ.

Nhưng các con tôi thì nhất quyết kéo, đẩy ông già tía của chúng nó vô làm quen với internet cho kịp với bước tiến của xã hội. Thú thật tôi rất lo.

Chủ động là thằng con trai của tôi. Lúc đó đang học trung học. Nó đi mua máy móc, lúc đầu thì mấy cái desktop PC to tổ chảng. Mua về nó tháo mở bung cái máy ra, lấp ráp thêm bộ phận nầy, gắn thêm cái nọ, load thêm chương trình kia…Nó tự làm. Tôi không biết nó học ở đâu và từ bao giờ nên tôi ngại quá. Lỡ ráp vô máy không chạy thì mất toi tiền. Nhưng rồi mọi việc cũng đều tốt đẹp.

Sau một thời gian vài năm, nó biểu tôi quăng bỏ đi vì máy đó “hết hay”, chạy chậm và to quá, quê lắm. Mua laptop hay hơn, nhanh hơn và gọn hơn. Nó nói sao thì tôi nghe vậy chớ mình có biết ất giáp gì đâu. Chỉ biết hỏi nó là có tốn tiền lắm không.

Rồi nó chỉ tôi các cách sử dụng căn bản, load cho tôi cái fonts VN và một số program cần thiết khác, chỉ cách mở file, gởi bài đi v,v…Mấy cái chuyện như scan virus thì nó làm cho tôi lúc nào thấy cần vì nó nghĩ là nếu có chỉ tôi cũng không chắc gì tôi làm được như ý nó muốn.

Thế rồi năm 2006, nó lấy vợ và dọn sang miền Tây Canada lập nghiệp và làm việc luôn trong ngành computer… Nó đi qua bên dó xa gần 4000 km làm tôi chới với, biết hỏi ai bây giờ mỗi khi có problem về computer hay internet? Lo lắm. Lúc còn ở chung nhà với tôi, mỗi khi có rắc rối về máy móc, TV, đèn đuốc, laptop, v.v… hay không hiểu cái gì thì tôi chỉ cần réo lên một tiếng là nó chạy lại liền. Nó chỉ cần gõ lên bàn phím lốc cốc 6-7 cái là ok hết. Tôi cố nhìn theo nhưng không kịp. Có khi nó làm chậm lại và nói tôi phải nhìn cho kỹ, kỳ tới nếu có xảy ra problem nầy thì gõ y như vậy. Rồi nó trấn an tôi. “Không có gì phải lo hết. Nếu có problem, báo cho con biết con sẽ sửa cho”. Lúc đầu tôi không mấy hiểu nó muốn nói gì nhưng lúc sau nầy hễ có problem là tôi email hay phone cho nó. Nó trả lời là phải gõ nút nầy nút nọ thì mình làm y vậy là ok.

Nếu thấy trường hợp khó thì nó nói “ Đừng tắt Internet, để tối con sửa cho. Goodnight Pa” Khi đó thi tôi mới hiểu là nó làm remote assistance.

Sáng sớm hôm sau, khi nhìn lên màn hình laptop thấy Notepad ghi chữ DONE.

Thở phào nhẹ nhõm.

Thật ra, có nhiều khi chuyện không có gì, chỉ cần gõ “đúng nút” là được. Sau nầy tôi “biết khôn” hơn, mỗi khi có problem lạ thì tôi vô google tìm trong các forum của những nạn nhân có cùng một vấn đề như mình. Họ chỉ cách giải quyết. Tóm lại vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu thì thấy khó vì chưa quen cách sử dụng mà thôi.

Tại sở làm, các đồng nghiệp của tôi đều thuộc thế hệ trẻ tuổi nên sử dụng computer và internet là chuyện quá tự nhiên. Họ chỉ dẫn tôi làm cái gì thì tôi biết cái đó, đủ để làm việc mà thôi. Tây họ gọi kiểu nầy là vừa làm vừa học (apprendre sur le tas). Còn khó quá, thì phone cho technical assistance của cơ quan nó giúp.

Còn nhớ, vào những năm 90, mỗi khi gởi rapport hay công văn thì thường là phải đánh máy và gởi qua bưu điện, vừa mất thời gian và vừa lâu lắc hết sức. Sau đó thì lần lần các thủ tục hành chánh đều đuợc làm bằng computer hết. Mỗi nhân viên CFIA đều được cơ quan cấp cho một địa chỉ email cá nhân với mã số đặc biệt của nhà nước… để sử dụng trong nội bộ với nhau.



image
Vui buồn một kiếp tha hương
Cao niên và Internet.

“…Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay...”(Ngưng trích, Đoàn Thanh Liêm- Niềm vui của tuổi già trong thời đại internet)

Nhờ internet mà từ hơn 8 năm nay tôi thưòng xuyên gõ bài gởi đi khắp bốn phương trời…Đó là một niềm vui, một hobby của tôi trong tuổi xế chiều.

Tôi gõ để tự mình trau dồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để tự mình giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị trầm cảm, để khỏi bị bệnh Alzeihmer, để thoát ly và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...

Thế cho nên tôi gõ cho người đọc nhưng thật sự ra là tôi cũng đồng thời gõ cho chính tôi, cho cuộc sống của mình được thêm phần ý nghĩa hơn.

Tôi rất vui sướng vì ít ra mình cũng có nhiều may mắn và tự do làm được những gì mình ưa thích trên đời.

“Giờ đây đừng khóc sầu chi đàn ơi!
Lên vai cùng lê đôi gót tha hương.
Mình dìu nhau khắp nơi chân trời,
tìm vần thơ ngát hương đời
để dệt thành câu hát quê hương”
(Lam Phương- Kiếp tha hương)


image

Gọi là Ghiền Internet có đúng hay không?

Chắc là đúng thôi, nhưng không phải là một loại ghiền ghê gớm bệnh hoạn như ghiền rượu, ghiền thuốc lá, xì ke, ghiền casino, v.v…

Ghiền Internet có thể giúp chúng ta giải tỏa stress, giải khuây, thoát ly, thêm nhiều bạn bè mới, cải thiện mối giao tiếp xã hội, du lịch trong không gian, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, tăng thêm kiến thức, v.v…

Nhờ đó, nó còn giúp chúng ta hiểu được thêm nhiều khía cạnh của nhân sinh cũng như các hỉ nộ ái ố cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống!

Có nghiên cứu gần đây của Đại học Los Angeles cho thấy người già cả mà ghiền Internet thì tốt lắm vì các cụ sẽ cải thiện được trí nhớ rất nhiều. Theo thăm dò cá nhân, có lối 90% cao niên thường xem Internet trong ngày. Nhờ sử dụng internet mà các cụ cảm thấy bớt lẻ loi trống vắng nên bớt bị trầm cảm.

Theo Phoenix Center, việc sử dụng thường xuyên internet rất tốt cho sức khỏe tâm thần của người già và giúp cho họ tránh được bệnh trầm cảm và bệnh lú lẫn Alzheimer. Một khảo cứu của Semel Institute for Neuroscience and Human Behavior, đại học UCLA Hoa Kỳ cũng kết luận là Internet giúp kích thích não và cải thiện trí phán đoán.

[Theo các nhà chuyên môn về bệnh tâm thần thì vấn đề trầm cảm (depression) có khuynh hướng gia tăng trong nhóm người trung niên và cao niên VN sống tại Little Saigon-Quận Cam]. (Theo newamericamedia. org-More Older Vietnamese American Seeking Help for Depression)

“Mental health professional and community volunteer Suzie Dong-Matsuda explained that although mental problems tends to be stigmatized among Vietnamese Americans, she is witnessing an increase in adults in midlife and older who seek help for depression among Vietnamese Americans in Orange County’s Little Saigon.”


image

Kết luận
Càng về già, cái gì cũng lần lần mất bớt đi hết…Cũng may, Internet đem đến những nguồn vui ảo giúp chúng ta sống những ngày còn lại không đến đổi quá vô vị.

Duy chỉ còn lại một vấn đề nho nhỏ là đôi khi em LapTop bị một số bà xem như là một tình địch đáng ngại của họ. Chuyện các bà ghen với cái computer cũng rất thường hay thấy xảy ra lắm.

Nhiều ông ôm computer suốt ngày, không thèm ngó ngàng gì đến chuyện trong nhà ngoài ngõ và thậm chí còn quên luôn sự hiện diện của bà nhà nữa nên bị mấy bả ghen, tức, cằn nhằn cự nự thì cũng không có gì là oan đâu.

Internet là con dao hai lưỡi, có mặt tốt nhưng cũng có mặt xấu của nó.

Nó là kho tàng kiến thức, nhưng đồng thời cũng là một cái thùng rác vĩ đại.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết lựa chọn sao cho đúng mà thôi…Mà thế nào là đúng, thật khó biết?

Câu trả lời cũng còn tùy theo hoàn cảnh và cá tánh của mỗi người nữa.

Thôi, nếu thích quá thì cứ việc làm, cứ việc ghiền thả cửa đi. Đây là xứ tự do mà.

Lo làm chi cho thêm mệt. Cứ vui vẻ an hưởng tuổi già phải không các bạn./




Bs Nguyễn Thượng Chánh



Tham khảo:

- JWT Survey: US users seriously addicted to Internet, cell phone
http://www.marketingcharts.com/telev...ers-seriously- addicted-to-internet-cell-phones-1718/

- 10 most visited websites 2011-2012
http://exploredia.com/10-most-visite...tes-2011-2012/

- Internet usage among seniors increasing
http://www.holidaytouch.com/Retireme...ors-increasing

- Internet addict…Jusqu’où êtes vous prêt à aller.
http://www.selda-prey.com/article-13074785.html

- Internet après la mort
http://www.protegez-vous.ca/technolo...t-et-mort.html

- Bùi Văn Đỗ- Internet với người Việt cao niên ở nước ngoài
http://www.viethoa.nl/pagina66.html

- More Older Vietnamese American Seeking Help for Depression
http://newamericamedia.org/2012/04/m...depression.php

- Đoàn Thanh Liêm-Niềm vui của tuổi già trong thời đại Internet
http://www.danchimviet.info/archives...ternet/2013/07

- Đất Việt-Khi tình nhân là... cái laptop
http://news.zing.vn/Khi-tinh-nhan-la-cai-laptop-post39987.html

Nguồn: Việt Báo online
http://baomai.blogspot.com/2014/03/tuoi-gia-hai-ngoai-va-niem-vui-internet.html

Tiếp Cận Tây Phương: Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam


Sau gần hai thế kỷ thực hiện cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ nhất, từ khoảng 1760 đến giữa thế kỷ 19, với sự ra đời của máy chạy bằng hơi nước, các nước Âu-Mỹ đã nhanh chóng trở nên hùng mạnh và thịnh vượng vượt bực. Cuối thế kỷ 19, điện năng được chế tạo và sử dụng trong công nghiệp, đưa các nước Âu châu vào giai đoạn công nghiệp hóa lần thứ hai. Với lực lượng hải quân trang bị vũ khí mạnh cùng với các đội thương thuyền lớn vượt đại dương mang hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới, giữa thế kỷ 19, các nước Tây phương đã tràn đến Á châu chiếm đóng nhiều nước làm thuộc địa. Trong bài này chúng tôi sẽ điểm qua chính sách đối phó với Tây phương của 2 nước Nhật Bản và Trung Hoa, và đối chiếu với chính sách của Việt Nam.

Nhật Bản 

Lịch sử cho thấy Nhật Bản, như là một quốc gia, hình thành chậm hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Bắc Á. Ngay cả việc trồng lúa, theo sử liệu, cũng chỉ được du nhập vào Nhật Bản khoảng năm 100 trước Công Nguyên. Việc chế tạo và sử dụng sắt cũng được du nhập từ Triều Tiên. Quốc gia Nhật Bản có kinh đô và Thiên hoàng, nhưng sự tranh chấp giữa các thủ lãnh địa phương và các đại gia đình quý tộc kéo dài suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản. Cho đến giữa thế kỷ 16, Nhật Bản mới bắt đầu tạm ổn định, dù tranh chấp quyền lực vẫn còn diễn ra giữa một vài đại gia quyền quý. Đây cũng là thời kỳ mở đầu cho nước Nhật tiếp cận với Tây phương.

Người Bồ Đào Nha đến Nhật năm 1543và mở ra thời kỳ mậu dịch kéo dài gần một thế kỷ. Người Tây Ban Nhađến Nhật năm 1587, tiếp đó là người Hòa Lan, năm 1609. Thiên chúa giáo đến Nhật năm 1549 và sau một thời gian ngắn đã có tới khoảng 100.000 đến 200.000 người Nhật trở thành tín đồ Thiên chúa giáo. Những nhà lãnh đạo Nhật Bản từ đó đã bắt đầu tìm hiểu phương Tây, chú ý đến các cơ hội mới để phát triển kinh tế, cũng như sự thách thức chính trị đối với quyền lực của họ. Năm 1587, lãnh chúa Hideyoshi cho rằng sự có mặt của đạo Ki-tô làm chia rẽ nội bộ Nhật Bản, làm chiêu bài cho Châu Âu xâm chiếm Nhật. Luật cấm đạo Thiên Chúa đã được ban hành, nhưng chưa được thi hành triệt để. Trong thời gian cầm quyền của Mạc Phủ Tokugawa (Đức Xuyên Mạc Phủ), cũng gọi là Mạc Phủ Edo, kéo dài từ 1603 cho đến năm 1868, Nhật Bản áp dụng chính sáchSakoku (tỏa quốc) đóng cửa biên giới Nhật, không cho Tây phương vào, trừ Hòa Lan, Trung Hoa và Triều Tiên.

Cùng với chính sách tỏa quốc này, năm 1620, luật cấm đạo Ki tô được triệt để áp dụng. Tất cả những nhà giảng đạo ngoại quốc đều bị trục xuất khỏi nước Nhật. Toàn bộ các cộng đồng giáo dân bị tiêu diệt, tất cả nhà thờ bị phá hủy. Những người theo đạo Ki tô đều phải lẩn trốn, nhiều người phải sống trong những nhà hầm dưới đất để có thể tiếp tục sinh hoạt đạo. Việc buôn bán của người Âu Châu thì vẫn được phép tiếp tục. Chính sách cấm đạo gắt gao, triệt để này kéo dài cho đến thập niên 1870 mới chấm dứt, và hoạt động Ki tô giáo mới chính thức được phép tiến hành trở lại. Có lẽ ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo cùng tinh thần võ sĩ đạo đã hậu thuẫn cho chính sách chống Ki tô giáo quyết liệt, triệt để và lâu dài này của Nhật Bản. Và có lẽ đó cũng là lý do khiến Ki tô giáo không phát triển mạnh được ở Nhật, như ở một số nước Á châu khác.

Năm 1853 và 1854, Thuyền trưởng hải quân Mỹ Matthew C.Perry đã buộc được Nhật Bản phải mở cửa cho Mỹ vào buôn bán. Nhiều quốc gia khác cũng gây áp lực buộc Nhật Bản phải ký kết các hiệp ước buôn bán bất bình đẳng. Việc này gây bất mãn trong dân chúng, và nhất là trong giới đại danh gia. Phái yêu nước phát động chiến dịch sonnō jōi (nghĩa là Tôn Hoàng, Nhương Di), tôn trọng Thiên hoàng để đuổi người ngoại quốc ra khỏi xứ sở. Cuối cùng Thiên hoàng Minh trị thắng thế Mạc Phủ, lên ngôi năm 1867, và thực hiện chính sách mở cửa với Tây phương và canh tân nước Nhật.

Nói về nước Nhật hiện đại không thể không nhắc đến Fukuzawa Yukichi (1835-1901), một người được coi như Voltaire của nước Nhật. Fukuzawa xuất thân trong một gia đình võ sĩ đạo, thuộc đẳng cấp thấp. Ông học tiếng Hòa Lan, tiếng Anh, sớm có tư tưởng tự do, phóng khoáng. Ông có nhiều dịp tháp tùng các phái đoàn chính quyền Nhật đi Mỹ và Âu châu. Ông thấy được vai trò quan trọng của giáo dục nên đã viết sách và mở trường, và đã lập ra trường đại học đầu tiên của nước Nhật (Keio-Gijuku University). Trong các trước tác của ông, đáng kể là cuốn tự điển Anh-Nhật, tự điển đầu tiên tại Nhật, bộ sách địa lý thế giới và bộ sách ký sự kể về đời sống Âu-Mỹ, kể lại những gì ông biết về Tây phương, qua các chuyến đi công tác của ông. Ông đưa ra quan điểm “độc lập quốc gia qua độc lập cá nhân”, theo đó ông muốn mỗi người dân Nhật phải tăng cường sức mạnh và hiểu biết của bản thân, để cùng nhau xây dựng một nước Nhật hùng cường, đủ sức cạnh tranh với tất cả các nước. Ông cho rằng các nước Tây phương hùng cường được là nhờ tập trung vào giáo dục, phát huy sự độc lập cá nhân, sự cạnh tranh và trao đổi tư
tưởng.
Như thế, nước Nhật lúc đầu cũng kháng cự lại sự xâm nhập của Tây phương, bằng chính sách bế môn tỏa cảng, trong một thời gian lâu dài, từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Áp lực quân sự cùng các hiệp ước buôn bán bất bình đẳng đã làm cả triều đình và giới thức giả, võ sĩ đạo, cùng thức tỉnh, nhanh chóng nhận ra sự yếu kém của nước Nhật nên chấp nhận mở cửa canh tân nước Nhật. Với sự đồng thuận quốc gia cao độ như thế, chỉ trong vòng vài thập niên, Nhật Bản đã trở nên hùng cường, đủ sức đánh bại quân đội nhà Thanh năm 1894-1895, và phá tan cả lục quân và hải quân Nga năm 1904-1905. 

Trung Quốc

Nhìn sang Trung Quốc, tình hình khác hẳn. Trước khi sức mạnh quân sự và thương mại Tây phương tràn đến Trung Hoa, quốc gia này là một đế chế hùng mạnh nhất ở Á Châu. Theo nhiều sử liệu thì ngay từ thế kỷ 15, Đô đốc Trịnh Hòa đã có lúc chỉ huy một hạm đội gồm 300 thuyền buồm và 30.000 người đi qua eo biển Malacca, ghé Bengal, Ấn Độ và vài nơi ở Đông Phi. Dưới đời vua Ung Chính, vào giữa thế kỷ 18, nước Trung Hoa có lúc đã bành trướng lãnh thổ, rộng đến 13 triệu cây số vuông, so với ngày nay là 9.6 triệu. Nhưng kể từ đầu thế kỷ 19 trở đi, Trung Hoa suy yếu dần với nội loạn và ngoại xâm. Bên ngoài thì đế chế Trung Hoa bị các cường quốc Âu châu áp bức. Bên trong thì kinh tế trì trệ, nhân dân cùng khổ, nổi loạn khắp nơi. Miền Nam Trung Hoa bị nhóm Thái Bình Thiên Quốc của người Hán quấy phá, chiếm đóng nhiều vùng, giương ngọn cờ “phản Thanh phục Minh”. Quan lại thì tham nhũng, lạm quyền bóc lột nhân dân. Triều đình thì mâu thuẫn, bất hòa. Năm 1861 nhân lúc vua mất, Từ Hy Thái Hậu thực hiện đảo chính cung đình, bắt giam 8 vị quan trong ban nhiếp chính, chiếm đoạt hoàn toàn quyền lực chính trị. Từ đó cho đến khi bà mất năm 1908, bà nắm trọn quyền lực chính trị, quyết định những vấn đề trọng đại nhất của Trung Hoa. 


Từ Hi Thái Hậu nắm quyền bính đúng vào lúc Âu-Mỹ tràn đến uy hiếp Trung Quốc. Bà để lại một di sản chính trị gây nhiều tranh cãi. Trước đây, dư luận quốc tề thường đưa ra những nhận định tiêu cực về bà và cho rằng bà đã gây ra sự sụp đổ của nhà Thanh và của Trung Hoa. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã đánh giá lại công việc trị quốc của bà, trong đó có những nhận định khách quan cho rằng sự sụp đổ của nhà Thanh nói riêng, và của chế độ phong kiến nói chung tại Trung Hoa, là hệ quả tất nhiên của thời đại hơn là trách nhiệm của cá nhân Từ Hi Thái Hậu.

Sử gia Sterling Seagrave, trong cuốn sách xuất bản năm 1992, cho rằng Từ Hi Thái Hậu là một nhà lãnh đạo bị mắc kẹt giữa khuynh hướng bài ngoại, vốn có của triều đình, với khuynh hướng chính trị thực tế, hợp thời đại hơn. Bà muốn dùng ảnh hưởng và quyền lực của mình để duy trì được triều đại nhà Thanh không bị sụp đổ vì sự tranh chấp giữa hai khuynh hướng chính trị này.

Những diễn biến lịch sử Trung Hoa trong thời kỳ hậu bán thế kỷ 19 cho thấy quan điểm này có cơ sở. Ngay sau khi đế chế hùng mạnh Trung Hoa bị thất bại trong các trận chiến tranh với các nước Âu châu, nhiều người trong giới sĩ phu và quan lại Trung Hoa, cả người Mãn và người Hán, đều cho rằng phải nhanh chóng thay đổi. Họ chủ trương cuộc “vận động tự cường”. Đại diện cho nhóm này là Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương. Họ tìm đến một số ít sinh viên đã du học ngoại quốc, trong đó có Ung Wing đã học ở Yale năm 1854. Ung Wing đề nghị triều đình gửi 120 sinh viên du học, phần lớn qua Mỹ. Từ Hi cũng cho mua 4 tầu chiến của Anh, nhưng khi tầu chiến về đến Trung Hoa, trên tầu toàn binh lính Anh, họ chỉ tuân theo lệnh của chính phủ Anh nên Từ Hi cho trả tầu về lại Anh. Từ Hi cũng cảnh giác với những quan điểm tự do dân chủ của các du học sinh, do đó, năm 1881 bà không cho gửi học sinh đi du học nữa. Cuộc “vận động tự cường” coi như chấm dứt.

Tuy nhiên sự thất bại của Trung Hoa trong các cuộc chiến với các nước Tây phương đã làm giới nho sĩ thức tỉnh. Nhiều người đã khuyến nghị triều đình thực hiện cải cách sâu rộng. Trong số này có Ngụy Nguyên vàPhùng Quế Phương, từ năm 1842, đã đưa ra kế hoạch mà họ gọi là Trù Hải Thiên, là kế hoạch phòng thủ duyên hải. Họ đề nghị mở cửa cho người nước ngoài vào làm ăn buôn bán, canh tân quân sự, bang giao với nhiều nước khác nhau để họ cầm chân nhau. Riêng Phùng Quế Phương, đã sống ở Thượng Hải thuộc Anh, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản, đã đề nghị canh cải giáo dục, học các môn khoa học, kỹ thuật và kinh doanh tư bản. Ông cũng đưa ra lý thuyết Thể Dụng, duy trì tinh thần Khổng Mạnh nhưng áp dụng khoa học kỹ thuật của phương Tây.

Những vận động canh tân này đều nằm trong phong trào Dương vụ (Yanwu) do Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên chủ trương, được nhiều quan lại cấp tiến ủng hộ. Họ kêu gọi liên kết với tư bản Âu-Mỹ, mở các công xưởng quân sự, chế tạo máy móc, vũ khí. Nhờ phong trào này, đã xuất hiện một số xí nghiệp tư doanh và hợp doanh giữa tư nhân và chính phủ. Tại nhiều địa phương, những người có tiền đã mua sắm máy móc, mở công ty. Đồng thời các nhà tư bản Âu-Mỹ cũng mở các công xưởng chế tạo sản phẩm tiêu dùng tại các địa phương mà triều đình nhà Thanh buộc phải nhượng cho họ.

Những canh cải trên đây phần lớn do các nho sĩ tiến bộ và những người giầu có chủ trương và chủ động thực hiện. Nhưng phong trào Dương vụ cũng như cuộc vận động tự cường không chủ trương thay đổi thể chế chính trị. Phải đến khi xẩy ra chiến tranh Trung-Nhật, việc một nước nhỏ yếu hơn đánh thắng một đế chế từng tự hào thống lãnh toàn “thiên hạ” đã làm dấy lên phong trào đòi thay đổi toàn diện.

Hai người đi đầu trong phong trào này là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, đưa ra khẩu hiệu vận động “toàn biến, tốc biến” (biến đổi toàn diện và nhanh chóng). Họ vận động các nho sinh cử nhân cùng họ dâng kiến nghị lên triều đình. Lương Khải Siêu dẫn 190 cử nhân lên kinh đô luận bàn thời cuộc. Khang Hữu Vi cùng 3,000 cử nhân dâng thư xin thực hiện “biến pháp”. Nhưng những đề nghị của hai nhóm này đều không được triều đình chấp thuận.

Năm 1896 Khang Hữu Vi lại khuyến nghị biến pháp, kêu gọi duy tân. Lần này vua Quang Tự đang nắm thực quyền, Từ Hi Thái Hậu đã rút vào hậu trường. Vua cũng muốn canh tân nên đã cho mời Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu vào triều bàn luận. Tất cả các đề nghị của hai ông đều được nhà vua chấp thuận, từ việc canh tân giáo dục, cải tổ thi cử, đến lập ngân hàng, làm đường xe lửa, lập hội buôn, mở rộng ngôn luận… Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn một trăm, đạo chiếu được ban ra để thực hiện các cải cách này. Từ Hi biết được đã tìm cách ngăn cản và ra lệnh giam lỏng Quang Tự. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đều phải bỏ trốn qua Nhật. Lich sử sau này gọi đây là cuộc cải cách 100 ngày (Bách nhật duy tân).

“Tự cường”, “Dương vụ” hay “Duy tân” đều giống nhau ở một điểm: vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế. Nhiều trí thức tân học không đồng ý duy trì chế độ quân chủ chuyên chế. Những người này chia thành hai khuynh hướng. Một khuynh hướng chủ trương chế độ quân chủ lập hiến như Nhật Bản, trong đó có Viên Thế Khải, có lúc đã xưng vương một thời gian ngắn, sau lại vận động để được làm Tổng Thống Lâm Thời, sau cách mạng Tân Hợi 1911. Một khuynh hướng khác, chủ trương phế bỏ chế độ quân chủ, thay thế bằng chế độ dân chủ. Người đứng đầu khuynh hướng này, Tôn Dật Tiên, đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Tân Hợi lập ra nước Cộng Hòa Trung Hoa, và những người Cộng sản, hiện đang lãnh đạo nước Trung Hoa cộng sản.

Như vậy tại Trung Hoa, việc Tây phương tràn vào xâm lấn, xâu xé và hạ nhục Trung Quốc, đã tạo ra 3 khuynh hướng chính trị với 3 phản ứng khác nhau. Khuynh hướng bảo hoàng thì tìm cách canh tân đất nước trong khuôn khổ chế độ quân chủ Khổng giáo. Khuynh hướng thứ hai chủ trương canh tân theo mô hình quân chủ lập hiến. Khuynh hướng cách mạng chủ trương thiết lập chế độ dân chủ như các nước Tây phương. Khuynh hướng này thắng thế nhưng lại dẫn đến tranh chấp giữa hai đường lối cách mạng và kiến thiết, hoàn toàn khác nhau, mà hậu quả là đã tạo ra hai nước, hai chính thể Trung hoa như hiện nay.

Kết luận

So sánh hai trường hợp Nhật Bản và Trung Quốc, chúng ta thấy có một điểm tương đồng. Cả hai nước đều “may mắn” chưa bị chiếm đóng nên kịp canh tân đất nước, dù cả hai đều bị áp lực bằng quân sự, và phải nhượng bộ hoặc một số vùng đất nước (Trung Quốc), hoặc mở một số hải cảng cho ngoại xâm vào buôn bán (cả Trung Quốc và Nhật Bản). Việt Nam thì khác, bị Pháp chiếm đóng toàn bộ miền Nam đất nước ngay từ những năm đầu đụng chạm với quân lực Pháp. Và Pháp tiếp tục tiến đánh cho đến khi chiếm được toàn bộ Việt Nam. Sự kiện tầu Mỹ bắn phá ngoại ô Tokyo và tầu Pháp bắn phá Thuận An gần như cùng một thời gian với cùng một tầm mức, nhưng mục tiêu thật khác xa nhau. Nhật Bản chỉ cần chấp nhận mở cửa một số hải cảng cho Mỹ và các nước Tây phương vào buôn bán là việc bắn phá được chấm dứt. Đối với Trung Hoa cũng gần như thế. Các cường quốc Âu Mỹ chỉ cần có một số khu vực trên đất Trung Hoa để tự do làm ăn buôn bán là họ không tiếp tục đánh chiếm Trung Hoa nữa. Mọi việc sau đó diễn ra như thế nào là tùy triều đình, giới thức giả và nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản tự quyết định.

Nếu trước khi Nhật Bản kịp canh tân, mở cửa, và trước khi Trung Hoa kịp làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ, Mỹ hoặc các nước Tây phương khác quyết tâm chiếm đóng hai nước này, thì chưa chắc Trung Hoa và Nhật Bản đã giữ được độc lập và yên ổn để canh tân. Và số phận của cả hai nước này chưa chắc đã khá hơn Việt Nam. Riêng Nhật Bản cũng đã thi hành chính sách đóng cõi và tàn sát giáo dân Ki tô giáo quyết liệt và lâu dài không kém, nếu không nói là triệt để hơn Việt Nam. Ở đây, phải chăng yếu tố địa lý chính trị của Việt Nam, cửa ngõ giao thương hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có tính quyết định cho số phận của Việt Nam? Và nếu yêu tố địa lý chính trị đáng được quan tâm thì phải chăng quan điểm về văn minh tiến bộ của chính nhà cải cách hàng đầu Nhật Bản Fukuzawa, người được coi là cha đẻ của nước Nhật canh tân, đáng để chúng ta suy ngẫm. Quan điểm đó là: “văn minh tùy thuộc thời gian và hoàn cảnh”. Hoàn cảnh (đia lý chính trị của Việt Nam) và thời gian (chiếm Nam Kỳ chỉ 2 năm sau khi bắn phá thị uy ở Đà Nẵng) hoàn toàn không thuận lợi cho Việt Nam để kịp canh tân đất nước như Nhật Bản và ngay cả Trung Hoa.

Khi so sánh cách tiếp cận và đối phó với Tây phương của ba nước Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam, tôi muốn đưa ra một cách nhìn khác với cách nhìn thông thường từ trước đến nay, cho rằng vua quan và trí thức Việt Nam đã bảo thủ, không thức thời, không nhanh chóng mở cửa canh tân. Và do đó, đã để mất nước. Tôi cho rằng chúng ta mất nước trước khi kịp canh tân. Nhật Bản mở cửa canh tân khi Minh Trị Thiên Hoàng nắm quyền bính năm 1868. Lúc đó và ba thập niên sau đó nước Nhật hoàn toàn yên ổn để tiếp tục canh tân, và không bị mất một tấc đất nào. Năm đó chúng ta đã mất 1/3 đất nước. Nếu Nhật Bản có Fukuzawa, chúng ta cũng có Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ….Ngay cả Cao Bá Quát, sau chuyến đi Tân Gia Ba về, trực tiếp thấy được những tiến bộ của văn minh mới, đã không thể ngồi im, can gián không được, phải làm loạn để bị chém đầu. Không khác gì trường hợp của Shôin ở Nhật, trước khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi. Những con người Việt Nam yêu nước, hiểu biết và muốn canh cải đất nước như thế không ít, nhưng dù họ có muốn, triều đình có muốn, có còn kịp nữa không, và liệu người Pháp có chịu ngồi yên nhìn triều đình và sĩ phu yêu nước Việt Nam canh tân đất nước hay không?

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có vị trí địa lý, văn hóa và lịch sử đặc thù. Chúng ta không thể bỏ qua những nét đặc thù này trong việc xét định tư tưởng và chính sách chính trị của mỗi quốc gia dân tộc, cũng như trong việc lựa chọn tư tưởng và chính sách chính trị cho quốc gia dân tộc mình./. 

(28/3/2014)

Đoàn Viết Hoạt