Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Nguyễn An, một người Việt Nam, kiến trúc sư thiết kế dựng Tử Cấm Thành của Trung Quốc

Nguyễn An xây Tử Cấm Thành, Một giai đoạn lịch sử xuất hiện nhiều nhân tài


Báo SGGP có thông tin về vai trò của Nguyễn An, một người Việt Nam, trong quá trình xây dựng Tử Cấm Thành. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, bày tỏ sự quan tâm và tự hào. Nhưng trong đó, một số ý kiến ngạc nhiên là sự kiện rất đáng tự hào này tại sao đến nay chưa có nhiều người biết. Trước câu hỏi này, chúng tôi đã trao đổi cùng Giáo sư - tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, một nhà nghiên cứu văn hóa học, người đã đưa vấn đề này lên trang web www.vanhoahoc.edu.vn.

 - PV: Thưa giáo sư, bộ phim tài liệu của CHLB Đức cho thấy Nguyễn An có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng Tử Cấm Thành. Vì sao một người tài như vậy lại lưu lạc sang Trung Quốc và được các vua Minh trọng dụng?

GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM: Theo Minh Sử, vào tháng 12 năm Bính Tuất (1406) tướng nhà Minh là Trương Phụ đem quân sang An Nam với danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ”, giúp nhà Trần đánh nhà Hồ sau sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Trương Phụ bắt Hồ Quý Ly (Thượng hoàng) và Hồ Hán Thương (con trai thứ được Hồ Quý Ly truyền ngôi) đưa về đày ở Quảng Châu. Tháng 7 năm Đinh Hợi (1407), Trương Phụ sai tuyển chọn 9.000 người tài, có học vấn cao và 7.700 thợ giỏi đưa về Trung Quốc xây dựng kinh đô. Một số thanh niên tuấn tú, thông minh được tuyển chọn để thiến, đào tạo thành thái giám phục vụ trong cung. Trong số này có Nguyễn An.

Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê vùng Hà Đông, nổi tiếng thần đồng là người giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc, cương nghị và liêm khiết. Năm 1397, khi chưa đầy 16 tuổi, Nguyễn An đã có mặt trong các kíp thợ xây dựng các công trình kiến trúc tuyệt tác cung điện nhà Trần (đời vua Trần Thuận Tông). Chính vì vậy, khi quyết định xây dựng Tử Cấm Thành, nghe tiếng Nguyễn An là có người tài kiến trúc lại liêm khiết, vua Minh Thành Tổ (niên hiệu Vĩnh Lạc) giao cho ông trọng trách là tổng đốc công xây dựng công trình này.

- Là một người Việt Nam, khi xây dựng Tử Cấm Thành chắc hẳn Nguyễn An đã đưa những tư duy văn hóa Việt vào công trình này. Theo giáo sư thì điểm nào thể hiện điều này rõ nét nhất?

Tử Cấm Thành có diện tích 72 vạn m2, gồm 800 cung và 8.886 phòng, được Nguyễn An thiết kế gồm một vòng cung hình chữ nhật bao quanh cả kinh thành. Toàn thành có 9 cổng và 3 lớp vòng thành (tam trùng thành quách). So với Nam Kinh và các kinh thành trước đó của Trung Quốc, Tử Cấm Thành có hai điểm mới. Thứ nhất, Tử Cấm Thành có hình chữ nhật trong khi các các kinh thành cũ thiết kế kiểu hình vuông, theo nguyên tắc “tiền triều, hậu thị”, tức cung điện phía trước, chợ búa phía sau. Thứ hai, Tử Cấm Thành có 3 lớp vòng thành trong khi kinh thành cũ thường chỉ có 1 đến 2 lớp. Hai sự thay đổi này được đánh giá là chịu ảnh hưởng của tư duy kiến trúc Việt Nam coi trọng số lẻ, chẳng hạn như Cổ Loa cũng có 3 vòng thành.

- Không chỉ Nguyễn An, giai đoạn này nhiều người tài của Việt Nam đã bị đưa sang Trung Quốc, đúng không, thưa ông?

Các vua nhà Minh đều xem Nguyễn An như một “kỳ nhân”. Bên cạnh đó, còn một số người Việt Nam khác tài giỏi cũng được sử sách công nhận như Hồ Nguyên Trừng (con trưởng của Hồ Quý Ly), Phạm Hoằng, Vương Cẩn… Hồ Nguyên Trừng là một thiên tài kỹ thuật quân sự. Chính ông đã sáng tạo nên súng thần công, được vua Minh dùng chống các đội quân xâm lược phía Bắc và phong cho ông chức Thượng thư bộ Công, coi ông là ông tổ của súng thần công Trung Quốc. Ông còn là một nhà văn với tác phẩm đặc sắc để lại cho đời là “Nam Ông mộng lục”. Còn Phạm Hoằng là người chủ trì xây dựng ngôi chùa lớn Vĩnh An tự ở Tây Nam Bắc Kinh. Vua Anh Tông nhà Minh tặng ông biệt danh “Bồng Lai Cát Sĩ”. Vương Cẩn (Trần Vũ) là thái giám giả, bị phát hiện nhưng nhờ ông rất tài giỏi nên được vua miễn tội chết, lại được ban cho cung nữ và nhiều vàng bạc…

- Thưa giáo sư, ông là người 15 năm trước đây đã nhắc đến Nguyễn An trong tác phẩm “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của mình và bây giờ lại đưa những thước phim “Tử Cấm Thành - bản di chúc của một bạo chúa” lên giới thiệu trên trang web vanhoahoc.edu.vn. Theo ông, những thông tin quý như vậy tại sao chưa được nhiều người biết đến?

Đúng là trong số chúng ta chưa có nhiều người biết đến một trong  công lao đóng góp của Nguyễn An - những người tài giỏi Việt Nam trong những công trình để đời tại thủ đô của Trung Quốc. Mặc dù nhiều sử sách Trung Quốc thời trung đại như “Hoàng Minh thông kỷ”, “Anh Tông chính thống thực lục” hay những sách như “Kinh kỳ ký thắng” của Dương Sĩ Kỳ, “Thủy Động nhật ký” của Diệp Thanh… đều ghi nhận công lao của Nguyễn An. Nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn sống vào thế kỷ 18 (1726-1784) cũng đã viết trong cuốn “Kiến Văn tiểu lục” ca tụng tài năng và công lao của Nguyễn An trong việc xây dựng và tu tạo thành Bắc Kinh. Tại Mỹ, trong tập 7 của bộ sách lịch sử Trung Quốc do Đại học Cambridge biên soạn, trong phần viết về triều đại nhà Minh, cũng đã kể rõ vai trò của kiến trúc sư trưởng người Việt Nam là Nguyễn An trong việc xây dựng cung điện Bắc Kinh.

Tuy nhiên, người Trung Quốc đời sau đã không công bằng với Nguyễn An khi cố tình lờ đi chuyện này. Sau này, có một nhà sử học đương đại Trung Quốc tên là Trương Tú Dân đã công bố trên tờ “Ích Thế báo” số ra ngày 11-11-1947 một bài báo với nhan đề: “Thị dân Bắc Kinh nên kỷ niệm Nguyễn An, người An Nam, Thái giám nhà Minh, tổng công trình sư tạo dựng lầu thành Bắc Kinh thế kỷ XV”. Trong đó, sau khi kể các công lao của Nguyễn An, ông nêu rõ: Nguyễn An sống cùng thời với Tam Bảo thái giám Trịnh Hòa (người ba lần sang Tây Dương), đều là những người kiệt xuất trong các hoạn quan, có công với quốc gia không thể phai mờ. Trong khi nói đến Trịnh Hòa, người dân Trung Quốc ai cũng rõ, còn tên của nhà đại kiến trúc Nguyễn An gốc An Nam thì ngay cả học giả, chuyên gia cũng ít ai hay biết, thật là bất công. Do đó với Nguyễn An, không chỉ giới công trình sư ngưỡng mộ mà người dân Bắc Kinh nên uống nước nhớ nguồn, tổ chức kỷ niệm ông. 

Gần đây, Đài truyền hình ZDK của CHLB Đức đã xây dựng bộ phim tài liệu nhan đề “Tử Cấm Thành Trung Quốc - bản di chúc của một bạo chúa” đã một lần nữa xác quyết công lao của Nguyễn An. Bộ phim đã cung cấp cho ta thêm một bằng chứng khách quan bằng hình ảnh, nó giúp chúng ta có thêm cơ sở để tiến hành vinh danh công lao của ông sòng phẳng trước lịch sử. Để rồi không chỉ chúng ta mà con cháu chúng ta cũng tự hào về những con người tinh hoa của dân tộc.

Văn Thiên Lộc thực hiện

sggp.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét