Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Tập quán phóng sinh chim là việc làm độc ác cần xóa bỏ.

Tội ác chim phóng sinh
ToiAcPhongSinh


Người ta còn cho thuốc vào để chim yếu, chỉ bay được một ít trong khuôn viên chùa, và 5 phút nữa thôi, sẽ lại bị bắt về, để bán cho một người khác...
Tôi không phải là người mộ đạo, tôi chỉ sống theo đạo tâm và hướng thiện.
Nhưng mỗi năm, tết và rằm tháng 7 tôi đều đi chùa, và mỗi năm, tôi đều đứng trước những lồng chim và cầu nguyện và cảm nhận nỗi đau... nỗi đau của chim sa lưới, chim trong lồng.
Không biết có phải kiếp trước tôi là chim, hay vì tôi quá mẫn cảm mà tôi luôn có thể cảm nhận và nghe nỗi đau của từng con chim trong lồng ấy.
Ram_001
Chú chim cuối cùng này không còn đủ sức để bò ra khỏi lồng, nói chi bay. Người phóng sinh chờ lâu quá đành treo lồng lên cành cây. Ảnh: Thai Dao.
Hôm nay cũng thế, tôi lại đứng trước lũ chim, chúng khóc, chúng van xin tôi, đừng thả chúng ra.
Chúng đau, chúng đè lên nhau, đứa gãy cánh, đứa què giò, có một con ứa nước mắt, nói với tôi rằng: "Xin bạn đừng nhìn tôi, xin bạn đừng mua tôi, đừng thả tôi, cứ để tôi chết trong lồng này, hôm nay tôi đã được thả ra và bắt vào 4 lần rồi, tôi đau, mệt, tôi không thể bay, xin đừng cho tôi hy vọng".
Một con chim khác lại nói: "Nếu không ai mua, họ sẽ không làm vậy, họ đã cho chúng tôi uống nước thuốc, chúng tôi không thể bay xa, cho dù bạn thả ra, chúng tôi cũng sẽ bị bắt về và lại bán, và lại bị bắt.
 Nếu bạn không mua, họ sẽ chẳng bao giờ cần bắt chúng tôi, sẽ không bao giờ cần cho tôi uống thứ nước thuốc khủng khiếp đó, làm ơn, làm ơn để chúng tôi hy sinh và những con chim khác sẽ không bao giờ chịu chung số phận. Làm ơn!"...
Rồi một người phụ nữ đến mua, người đàn bà bán chim nhẫn tâm quơ tay vào cái lồng đặc nghẹt, hốt từng nắm, lũ chim bị bóp chặt, mỏ con này chọc vào mắt con kia, trong cơn quơ quào móng con này cấu vào đầu con kia, chúng la hét, giẫy dụa, rỉ máu, chúng đau đớn, chúng la “Đừng đừng … hãy để chúng tôi yên, hãy để chúng tôi yên”.
Ram_002
Chú chim này rời lồng được khoảng nửa mét, phải nằm bẹp khoảng 10 phút mới loạng choạng bay được thêm một đoạn ngắn, chắc chắn lại bị bắt nhốt tiếp! Ảnh: Thai Dao.
Tôi đứng im, bất lực, tôi là kẻ hèn nhát, tôi khinh khi bản thân mình, tôi đã không dám đứng ra ngăn cản người phụ nữ đó, như ngăn cản số người còn lại trên cái thế giới này xin đừng thả chim phóng sinh.
Ngày xưa, đức Tam Tạng thấy bọn trẻ câu cá đã mua cá và thả cá về sông để làm phúc. Người ta bẫy chim để ăn vì mưu cầu cuộc sống, rồi người làm phúc vô tình nhìn thấy đã mua chim ấy để thả. Đó gọi là làm phúc.
Ngày nay, những người bẫy chim không còn phải để ăn mà để bạn mua và thả. Vậy khi bạn mua có nghĩa là bạn tạo ra cầu thì sẽ có cung, do đó, việc bạn đang làm là ác, vì bạn đang xúi giục họ bắt, hành hạ những con chim ấy và bạn sẽ cho họ tiền, vậy việc làm đó có thiện, có phúc hay không?
Có thể bạn nói rằng, ngày nay họ cũng vì kế sinh nhai nên làm vậy, cũng đâu khác gì ngày xưa. Thật ra nó khác, rất khác, vì ngày xưa những con chim bị bắt để ăn sẽ to khỏe và mập mạp, và khi bạn thả, là nó sẽ được tung cánh bay xa, được về với gia đình của nó.
Còn ngày nay, nếu bạn để ý kỹ, những con chim phóng sinh là những con se sẻ nhỏ, hoặc loài chim én, hoặc chim yến, những con chim bé nhỏ, vô tội chỉ bị bắt vì một lý do duy nhất, bắt để bán cho những người phóng sinh.
Người ta còn cho thuốc vào để chim yếu, chỉ bay được một ít trong khuôn viên chùa, và 5 phút nữa thôi, sẽ lại bị bắt về, để bán cho một người khác.
Tôi đứng đó, ứa nước mắt, và tự sỉ vả mình hèn hạ vì đã không dám lên tiếng. Lũ chim được người đàn bà giơ cao đưa ra trước đức phật, cầu nguyện và mở nắp, lũ chim đứng yên, không hề muốn bay ra.
Người đàn bà phóng sinh thò bàn tay mập mạp, bắt từng con thả ra, chúng bay uể oải và đậu trên một nhánh cây gần đó.
Tôi biết lũ chim kia quá bé để ăn thịt, thật sự nếu không ai mua, thì vài ngày sau họ cũng sẽ phải thả nó về trời, đằng này, cứ hết người này, đến người khác tới mua, nên họ cứ bắt đi bắt lại, hành hạ chúng đến khi chúng mệt lử và chết, thì khi đó họ sẽ mua vài con thế vào. Một lồng chim trăm con có thể bán đi bán lại hàng chục lần.
Truyền thống chim phóng sinh giờ đây là một việc làm độc ác cần xóa bỏ.  
Nếu những người kia cần tiền, họ có thể bán nhang, bán vé số, có thể bán kinh, bán hoa. Xin đừng hành hạ những sinh vật bé nhỏ và vô tội.
Những người phóng sinh xin đừng đưa tiền, đừng tiếp tay cho hành động độc ác nọ, xin thương lấy lũ chim, đó cũng là một sinh mạng.
Làm ơn, xin đừng phóng sinh!
Chim Én
Video clip: CHIM PHÓNG SINH, PHÓNG ĐI ĐÂU . . .
Dưới đây là 1 vài ý kiến trên trang mạng .
Nông Dân :Cho uống thuốc để chim yếu đi không bay được xa thì tôi mới biết còn cái vụ cắt bớt cánh hoặc không cắt mà tỉa thưa cánh hay cách khác là tỉa cánh 1 bên cho cánh không đều để chim không thể bay xa thì tôi đã nghe thấy từ lâu lắm rồi.
Không bao giờ tôi mua chim phóng sinh người thì cố bắt vào người thì thả ra còn gì là ý nghĩa phóng sinh.
Bài báo phân tích rất sâu sắc nếu chúng ta mua phóng sinh sẽ tạo ra ra một nguồn nhu cầu để khuyến khích người khác bắt chim tạo nguồn cung. Mong rằng sau khi đọc bài báo này mọi người sẽ nói không với mua chim phóng sinh. ......................
Phúc là phải từ trong tâm mà ra !
Chứ ko phải vì lợi ích cá nhân mà hành hạ những sinh linh nhỏ bé ấy ! những sinh linh ấy cũng sinh - lão - bệnh - tử giống như chúng ta ! Buồn vui đau khổ giống chúng ta !
Khi chúng ta ngừng thở cũng ko mang được đồng tiền nào đến thế giới bên kia ! Thế gian này chỉ là giả tạo ! phải biết tu tâm tịnh độ thì mới thoát khỏi kiếp luân hồi ! .......................
Chem chép :Điều đáng nói ở đây là những người bán chim ngồi trong những ngôi chùa, thế có nghĩa là các ông thầy chùa dung túng cho họ. Đơn cử tôi thấy trong chùa Vĩnh Nghiêm.
Các thầy vẫn thản nhiên khi thấy ngay trong khuôn viên chùa, dưới chân những bậc cầu thang là những ----g chim đen nghẹt những chú chim tội nghiệp, thi thoảng trên sân chùa, những con chim đáng thương nằm chết bẹp do người qua lại dẫm đạp vì không bay nổi.
Có những con chỉ còn lại cái xác khô, hay bị kiến bu đầy !
Rất tội nghiệp. Việc làm này không phải chỉ có lỗi của chúng sanh, khách vãng lai nào nghĩ tới những chuyện sâu xa, người ta chỉ thấy tội nghiệp lũ chim bé nhỏ mà dùng tiền chuộc chúng ra, cho chúng tự do, nào biết rằng chúng bị vùi dập như thế.
Cái phải lên án là chính những người tu hành trong những ngôi chùa đó cố tình dung túng cho họ (những người bán chim) để họ ngang nhiên hành nghề bất lương trong chính những ngôi chùa mà các ông "thầy" này đang tu !!!!
Hỡi các thầy ! khi thấy cảnh này các thầy có "tịnh" được "nghiệp đạo tràng" chăng ????? ..................................
Thiên Sứ:Tôi không biết chemchep là ai.  
Nhưng anh ấy có một nhận xét đáng suy ngẫm!
Có lẽ các chùa nên cấm bán chim phong sinh thuộc đất của chùa. Ít nhất là như vậy. Nếu như có lệnh cấm săn bắt chim, thú trong từng mùa để bảo đàm cân bằng sinh thái là tốt nhất.



. . . . . . . . . . . . . . . . . 
Vô Vi Từ lâu tôi cũng đã nghỉ đến vấn đề này và bản thân tôi không bao giờ thực hiện việc phóng sinh mà
Tôi tự nhủ thay vì phóng sinh thì mình hạn chế đến mức tối đa việc sát sinh hoặc dùng những sản phẩm do sát sinh mà ra.
Hôm nay, tác giả đã nói lên những gì tôi đã suy nghỉ và tôi chân thành cảm ơn bài viết này.
Tôi hy vọng bài viết này sẽ thay đổi rất lớn trong cách suy nghỉ của nhiều người. Tôi cũng ủng hộ ý kiến của bạn Chem chép vì thực ra người thấy nhiều nhất và dể ngăn chặn nhất chính là các Thầy trong chùa.
Rất mong các Thầy trong quá trình thuyết pháp các Thầy phân tích để những tín đồ hiểu. Nếu được như vậy thì chắc chắn sẽ không xãy ra những chuyện đau lòng như thế. . . . . . . . . . . . . . . . . . 
Vi Tiêu Bảo
Theo tôi dưới bất kỳ hình thức nào cũng không nên mua chim phóng sinh dù chim đó họ có chuyên kinh doanh hay họ bán để mình phóng sinh thật sự thì cũng ko mua
Tiền đó dùng để cứu giúp những người khó khăn thực sự, chứ ko lãng phí tiền vào 3 việc lung tung, vì con chim, cơ bản nó là tự do, họ chỉ phóng sinh những con chim mà người khác nuôi trong lồng quá lâu, hoặc có ý định nhốt chim vào lồng, nuôi làm cảnh thì ta mới phóng sinh, còn mấy con chim kia, thì họ dùng vào mục đích thương mại mất rồi, mà phóng sinh con chim đó cũng chả có ý nghĩa gì mấy,
Dân mình toàn a dua chạy theo
Hôm trước đọc bài báo, cái bọn Tàu Khựa hoặc chính dân mình đang lấy mật gấu, 1 việc làm mất nhân tính, 1 con gấu sống và cho mật 20 năm, 20 năm đó nó sống trong đau đớn, ko 1 ngày được bình yên, ko làm những việc ác như thế, còn hơn đi phóng sinh
Nghĩ kỹ, con người thật là ác độc, hành hạ 1 con vật sống giở chết giở suốt 20 năm trời, sống ko ra sống, chết ko ra chết, ghê rợ 

Bất công quá nông dân sẽ tức nước vỡ bờ

Hoàng Kim 

Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam thu nhập một tháng 79.749.000 đồng, hộ nông dân 4 người có 3,3 ha thu nhập mỗi người chỉ có 550.000 đồng một tháng. Tức là lãnh đạo Tổng công ty lương thực miền Nam thu nhập gấp 145 lần một nông dân.
Với thu nhập 550.000 đồng/ tháng, nông dân làm không đủ ăn, nên dù có cố gắng nhịn ăn nhịn mặc cả đời cũng không thể để dành được số tiền bằng lương một tháng của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Đây không phải là nghịch lý, đây là cả một sự khốn nạn!
Nếu sự bất công khốn nạn này không thay đổi, sẽ có ngày nông dân buộc phải tức nước vỡ bờ để đòi lại quyền lợi cho mình.
Thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam gần 1 tỷ đồng một năm
Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước gởi đến Quốc hội cho biết vào năm 2011:
“ Tại Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), thu nhập bình quân của lãnh đạo năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng…
“Khủng” hơn là thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với 79,749 triệu đồng/người/tháng. Khối văn phòng Tổng công ty là 32,9 triệu đồng/người tháng”[1].
Thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam 79.749.000 đồng/ tháng, vậy một năm mỗi lãnh đạo thu nhập 956.988.000 đồng.
Tiền lương gần 1 tỷ một năm đã biến lãnh đạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam thành bọn tư bản hút máu của nông dân.
Một hộ nông dân 4 người có 3,3 ha chỉ thu nhập 6.750.000 đồng một năm
Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) điều tra, nghiên cứu đưa ra số liệu:
“ Kết quả điều tra tại thời điểm năm 2011 cho thấy, với diện tích bình quân 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm của người trồng lúa chỉ đạt 27 triệu đồng, tương đương với 550.000 đồng/người/tháng, thấp hơn thu nhập từ làm các cây trồng khác” [2].
Với thu nhập không đủ sống này nông dân đang bị bần cùng hóa phải bán dần đất để ăn.
Bán gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới, nhưng lương lại cao ngút trời
Chúng ta hãy xem tài năng bán gạo xuất khẩu của lãnh đạo VFA và lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam liệu có xứng đáng nhận mức lương khủng hay không.
– Hiệp hội lương thực Việt Nam luôn bán gạo với giá rẻ nhất thế giới:
Đây là giá gạo thế giới ngày 22/5/2013 do Gafin.vn cung cấp, trong đó Việt Nam luôn bán gạo với giá thấp nhất so với Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan [3].
clip_image001
– Còn những năm trước VFA bán gạo thế nào?
Báo Tuổi Trẻ Online cho biết: “Trong vòng 5 năm 2001-2005 “giá của chúng ta chỉ bằng gần 80% giá bình quân thế giới (220USD/tấn). Đó là giá bán “bèo” nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới (xét theo khối lượng) theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan”.
Năm 2006, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo VnExpress, ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc công ty Lương thực miền Nam, kiêm Chủ tịch VFA, cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn từ mức giá hơn 260 USD/tấn, loại gạo 5 % tấm liên tục rớt giá và hiện được doanh nghiệp ký bán với giá chỉ 242 – 245 USD/tấn. Trong khi giá thành loại gạo này lên đến 248 USD/tấn”.
Năm 2008, ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực, giá gạo xuất khẩu giảm, theo các chuyên gia nông dân thiệt khoảng nửa tỷ đô la Mỹ.
Năm 2009, báo Lao Động Online cho biết: “Nghịch lý ở chỗ "làm chủ" thị trường gạo, nhưng hiện giá gạo của ta vẫn thấp nhất thế giới...”.
Từ năm 2010 đến nay Việt nam vẫn giữ vững thành tích bán gạo rẻ nhất thế giới so với 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, đặc biệt trong năm 2013 này, gạo Việt Nam bán rẻ hơn gạo của Ấn độ cùng loại từ 70-80 đô la Mỹ/ tấn trong khi gạo Việt Nam có chất lượng cao hơn gạo Ấn Độ.
Nay, gió đã đổi chiều, khi mà từ đầu năm tới nay, có lúc giá gạo bình quân của Việt Nam rẻ hơn gạo Ấn (ở đây chỉ nói tới gạo trắng như Việt Nam, vốn chiếm chủ lực trong xuất khẩu của Ấn chứ không phải gạo Basmati) 50 đô la, thậm chí rẻ hơn tới 75 - 80 đô la/tấn.
Hồi đầu tháng 5, trong một cuộc họp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những con số mà tổ chức này đưa ra khiến những người gắn bó với cây lúa, hạt gạo nản lòng. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá chào gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cũng rất ít lần vượt quá 390 đô la Mỹ/tấn. Giá chào gạo 5% tấm của Viêt Nam ngày 7-5 từ 375 đến 385 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn gạo 5% tấm của Ấn Độ 75 đô la Mỹ” (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn [3]).
Bán gạo xuất khẩu với giá thấp nhất thế giới, bán kiểu ngu đần này thì ai bán mà không được, không bắt tội gây hại cho quyền lợi của nông dân là may rồi, tài năng gì mà nhận lương cao chót vót?
Ép giá lúa của nông dân tận đáy nên VFA và Tổng công ty Lương thực miền Nam lời khủng
Năm nào cũng bán gạo xuất khẩu với giá thấp nhất thế giới, nhưng do được Chính phủ cho phép độc quyền mua lúa của nông dân, nên VFA và Tổng Công ty Lương thực miền Nam luôn dùng mọi thủ đoạn để hạ giá lúa của nông dân đến đáy mới mua.
Năm 2008 Hiệp hội Lương thực Việt Nam bán gạo xuất khẩu giá quy ra giá lúa 6.432 đồng/kg, mua lúa nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.432 đồng/kg, nông dân bán lúa hòa vốn.
Năm 2009, bán gạo xuất khẩu quy lúa giá 6.362 đồng/kg, mua lúa của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.362 đồng/ kg, nông dân hòa vốn.
Năm 2010, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua lúa tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu với giá vẫn 4.000 đồng/kg, nhưng bán gạo với giá qui lúa 5.365 đồng/kg, cả năm này, nông dân lời không đủ sống.
Năm 2011 và 2012 vẫn áp dụng thủ đoạn hạ giá lúa đến đáy để mua tạm trữ nên lợi nhuận của doanh nghiệp trong VFA rất cao.
Năm 2013 này Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA ép giá lúa của nông dân từ 5.400 đồng/kg khi bắt đầu thu hoạch xuống còn có 4.500 đồng/kg để bắt đầu mua tạm trữ.
Với thủ đoạn ép giá lúa nông dân đến tận đáy, VFA và Tổng công ty lương thực Miền Nam chính là bọn cường hào mới đang bóc lột nông dân đến tận xương tủy.
Nông dân đang bị bần cùng vì lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA đem gạo của nông dân bán như bèo ra thị trường thế giới, thế mà lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam lại có mức lương cao gấp 145 lần nông dân.
Coi chừng! Bất công quá nông dân sẽ tức nước vỡ bờ đấy.
Hoàng Kim 
(Đồng Tháp)

Chia sẻ bài viết này
Tài liệu tham khảo:
(1) doanhnhansaigon.vn. Bài “ Lương lãnh đạo cao, hiệu quả kinh doanh thấp”http://www.doanhnhansaigon.vn/online/tin-tuc/chinh-tri-xa-hoi/2013/05/1073862/chuyen-thu-nhap-cua-sep-doanh-nghiep-nha-nuoc/
(2) Dân Việt Online. Bài “ Oxfam: Trồng lúa ngày càng lãi ít”http://danviet.vn/132442p1c25/oxfam-trong-lua-ngay-cang-it-lai.htm
(3) Bài “Tổng hợp tin thị trường gạo thế giới ngày 22/5”http://gafin.vn/20130522090121291p39c48/tong-hop-tin-thi-truong-gao-the-gioi-ngay-22-5.htm
(4) Bài “Bán gạo giá rẻ, tại người hay tại ta?”http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/goctoasoan/96201/
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Đã đến lúc cần từ bỏ lý thuyết Mác – Lê và đảng cộng sản

Chu Chi Nam (Danlambao) - Hiện nay, Việt nam đang bàn cãi xôn xao về việc sửa đổi hiến pháp và thay đổi chế độ. Và một chế độ tốt đẹp, ai cũng biết đó là chế độ dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Theo ông Lưu Châu Á, đương kim trung tướng quân đội Trung cộng, người có ảnh hưởng lớn trong giới truyền thông báo chí và quân đội: “Một hệ thống chính trị tồi khiến cho một người tốt cũng hành động tồi, trong khi một hệ thống chính trị tốt khiến cho một người tồi cũng hành động tốt”.

Vì vậy, theo tôi nghĩ, đây là lúc dân Việt, ở mọi tầng lớp xã hội, từ nông dân, thợ thuyền, đến chuyên viên trí thức, hãy can đảm có ý nghĩ từ bỏ lý thuyết độc khuynh, độc tài Mác Lê và sản phẩm của nó là đảng cộng sản, vì đó là một hệ thống triết lý, chính trị tồi.

Tại sao phải từ bỏ lý thuyết Mác Lê?


Trong quyển Tuyên Ngôn thư đảng Cộng sản (Le manifeste du Parti communiste), Marx đã bỏ ra gần như 1/3 quyển sách để chỉ trích những người theo chủ nghĩa xã hội, chữ Marx dùng là những người xã hội (socialistes) trước Marx, từ chủ nghĩa xã hội phong kiến (socialisme féodal) qua xã hội tiểu tư sản (socialisme petit-bourgeois) tới xã hội chủ nghĩa bảo thủ hay tư sản. Marx cho những người này là không tưởng (utopiques). (1)

Nhưng chính lý thuyết của Marx mới là không tưởng: Không tưởng vì lý thuyết của Marx chỉ là những lời tiên tri

Mặc dầu Marx chỉ trích tôn giáo, nhưng gia đình ông từ thời xa xưa đã là mục sư của đạo Do thái giáo vùng Trèves, tư tưởng của ông, nếu suy xét kỹ, bị ảnh hưởng sâu đậm bởi tư tưởng của đạo này, theo đó, con người đang sống sung sướng ở địa đàng, vì ăn phải trái cấm, nên bị đày xuống trần gian, sống cực khổ. Tuy nhiên, cực khổ đến tột cùng, thì sẽ có một đấng cứu thế xuống cứu con người.

Marx lấy tư tưởng này, áp dụng cho lý thuyết của mình, nhưng hiện đại hóa, thay vì là địa đàng, thì Marx thay vào xã hội cộng sản nguyên thủy, không có quyền tư hữu. Thay vì trái cấm, thì Marx thay vào quyền tư hữu; và đấng cứu thế đây là giai cấp thợ thuyền. Giai cấp này sau khi làm cách mạng cộng sản, sẽ bãi bỏ quyền tư hữu và đưa con người trở lại thế giới địa đàng.

Đây chỉ là một lời tiên tri, suy đoán, không có một tý gì là khoa học.

Hơn thế nữa, Marx đã lầm cho rằng quyền tư hữu có thể bãi bỏ, nhưng thực tế quyền tư hữu chỉ có thể chuyển nhượng.

Quyền tư hữu đang ở trong tay đại đa số dân, sau đó qua những cuộc cướp chính quyền cộng sản, tiếp theo những cuộc “Đánh tư bản mại sản”, cộng sản đã cướp quyền tư hữu của toàn dân, trao lại cho một số đảng đoàn cán bộ, trở nên giai cấp bóc lột, giầu nứt đố, đổ vách, chiếm hết tư hữu của dân, như chúng ta thấy tại Trung cộng và Việt Nam hiện nay. Xã hội cộng sản trở thành vô cùng bất công, là điều hoàn toàn trái lại mơ ước của Marx.

Không những thế, Marx đã lấy cái gì bất bình thường, làm cái bình thường trong lý thuyết của mình.

Marx viết: “Lịch sử của bất cứ xã hội nào, cho tới ngày hôm nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp”, cho rằng lịch sử là lịch sử của bạo động.

Chúng ta không cần lý luận dài dòng, sâu xa, chúng ta chỉ lấy lịch sử bản thân chúng ta, của những người chung quanh chúng ta, và có thể xa hơn là lịch sử của một vài quốc gia để minh chứng.

Bình thường con người sống hòa bình, chứ không bạo động. Con người chỉ bạo động khi bị dồn vào tình trạng bất bình thường, bất khả kháng. Một xã hội, quốc gia cũng vậy. Chúng ta lấy thí dụ điển hình là 2 quốc gia Đức và Pháp. Người ta có thể nói, động lực chính đưa đến 2 cuộc thế chiến là 2 quốc gia này. Nhưng chỉ là trường hợp bất bình thường, còn bình thường, thì 2 quốc gia này vẫn sống trong hòa bình.

Lấy cái bất bình thường làm cái bình thường, đây là một lỗi lầm to lớn của Marx.

Thêm vào đó, đấu tranh giai cấp là một lời kêu gọi nội chiến triền miên. Một quốc gia lúc nào cũng có nội chiến, cũng có thanh trừng, ngay trong nội bộ, thì làm sao có thể phát triển, như chúng ta đã thấy trong vòng gần 100 năm qua ở những nước áp dụng tư tưởng của Marx.

Không tưởng ở chỗ Marx cho rằng sau khi “cách mạng cộng sản thành công”, thì xã hội không còn giai cấp, nhà nước“tự tắt”, tiếng mà Marx và Engels dùng, nhưng nhà nước cộng sản không “tự tắt”, mà trở nên càng ngày càng to lớn, càng bóc lột. Giới lãnh đạo cộng sản, từ Lénine, Staline cho tới Mao, Hồ và giới lãnh đạo ngày hôm nay, đã tìm đủ mọi cách, mọi ngụy ngôn, ngụy từ để bào chữa cho sự hiện hữu lâu dài của nhà nước cộng sản, bằng cách chia ra nhiều thời kỳ, nào là thời kỳ chuyển tiếp (transition), mà cộng sản Việt Nam đã ma giáo dùng chữ “Thời kỳ quá độ thay vì thời kỳ chuyển tiếp”, để che dấu sự quá lâu dài của thời kỳ chuyển tiếp. Thêm vào đó có thời kỳ “Xã hội chủ nghĩa” rồi mới tới thờ kỳ “Cộng sản chủ nghĩa”. Thực ra ngay trong bản “Tuyên Ngôn Thư đảng cộng sản”, Marx dùng lẫn lộn cả 2 chữ “Xã hội chủ nghĩa” và “Cộng sản chủ nghĩa”, không có 2 thời kỳ phân biệt. Thời kỳ chuyển tiếp, theo Marx, thì gần như không có, vì khi cách mạng cộng sản thành công, thì nhà nước cộng sản tự tắt, như vừa nói ở trên.

Vì lẽ đó, mà những nước Tây âu, ngay từ lúc đầu, đã chối bỏ tư tưởng của Marx.

Thật vậy, nếu chúng ta tính từ ngày quyển Tuyên Ngôn thư ra đời, Marx viết xong vào cuối năm 1847, cho xuất bản vào năm 1848, đầu tiên ở Anh, cho tới nay là 165 năm; nếu chúng ta tính từ ngày Lénine cướp chính quyền ờ Nga, năm 1917, cho tới nay là 96 năm, tức là 96 năm áp dụng lý thutyết với những nước cộng sản còn lại như Trung cộng và Việt nam, còn đối với Nga và những nước Đông Âu là vào khoảng 73, 74 năm, thì người ta nghiệm ra rằng chính Marx mới là người không tưởng, vô cùng không tưởng. Vì Marx đã giản tiện hóa lịch sử, lấy cái bất bình thường làm cái bình thường.Marx cho rằng lý thuyết của mình là khoa học, nhưng không khoa học gì cả. Lý thuyết của Marx chỉ là cặn bã của văn hóa Âu châu, mà những nước này trong đó có Đức, quê quán của Marx, có Anh, nơi Marx sống phần lớn cuộc đời, có Pháp, mà Marx ca tụng tinh thần xã hội, những nước này đã chối bỏ lý thuyết của ông.

Lý thuyết của ông, ông cho rằng là khoa học, nhưng ông không biết rằng: “Science sans conscience n’est que la ruinede l’ame” (Rebelais – Pantagruel), “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn phá của tâm hồn”: và “L’ Incroyanceest la ruine non seulement des individus mais des sociétés” (Lamenais), “Mất lòng tin không những là sự tàn phá đối với cá nhân mà ngay cả đối với xã hội”.

Ngay từ lúc đầu, xã hội tây phương Âu châu là từ bỏ lý thuyết của Marx.

Bằng chứng đó là ở vùng Trèves, quê quán của Marx, người ta có dựng một bức tượng của Marx, nhưng người ta đề một hàng chữ dưới chân bức tượng: “Nơi đây là nơi Marx sinh ra, nhưng nơi đây không chấp nhận tư tưởng của ông .”

Victor Hugo (1802 – 1885), đại văn hào Pháp, có thể nói là người đồng thời với Marx (1818 – 1883), có nói:

“Bắt con đại bàng làm con chim chích, buộc con thiên nga thành con vịt trời, đó là cộng sản. Và đó cũng là điều mà tôi không thích”.

Ngày hôm nay, sau gần 100 năm thực hiện chế độ cộng sản, sự sụp đổ của những nước cộng sản Liên sô và Đông Âu, sự băng hoại xã hội của những nước cộng sản còn lại như Trung cộng và Việt Nam: con người coi con người như loài cầm thú, không còn một chút đạo đức, lễ nghĩa, liêm sỉ, chỉ biết chạy theo đồng tiền, lừa đảo, dối trá, làm hàng giả để có tiền; tất cả những hiện trạng đó đã chứng minh quá hùng hồn lý thuyết của Marx là sai.

Chính vì những lý lẽ trên, mà những nước cộng sản còn lại, như Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, phải từ bỏ lý thuyết của Marx, nền tảng của xã hội cộng sản.

Tại sao phải từ bỏ đảng Cộng sản?


Con đẻ của lý thuyết Marx là “Cuộc Cách mạng Cộng sản 1917” và đảng Cộng sản cùng Nhà nước Cộng sản do Léninethiết lập nên .

Về “Cách mạng Cộng sản 1917”:

Thực ra đây là một cuộc đảo chính, hơn là một cuộc cách mạng, có sự nhúng tay khá mạnh của ngoại bang.

Thật vậy, khi gần kết thúc Chiến tranh thứ Nhất (1914 -1918), đế quốc Đức phải đương đầu với 2 mặt trận lớn: Mặt trận phía đông bắc với chính quyền Nga hòang Nicolas đệ nhị, mặt trận phía tây nam với Pháp. Để dồn lực lượng vào mặt trận quan trọng này, Bộ Tham mưu Đức đã tìm cách đưa Lénine từ Thụy sĩ về để cướp chính quyền, rồi tuyên bố ngừng chiến với Đức. Người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính này là Trotski, chứ chẳng phải Lénine và Staline, như sự xuyên tạc lịch sử của những người cộng sản (Xin xem Histoire de la Révolution russe – Léon Trotski – Edition Seuil –Paris 1996).

Sau khi cướp được chính quyền, chính Lénine đã mời Trotski làm chủ tịch Nhà nước và chủ tịch đảng, nhưng Trotski đã từ chối.

Một điều sai lầm của Lénine mà sau này về cuối đời, ông định sửa lại nhưng không được, rồi chết. Đó là ông đã dùngStaline nắm đảng, Troski nắm Nhà nước, nhưng lại cho đảng trên Nhà nước, đến lúc thấy Staline quá lạm dụng quyền hành, định thâu hồi lại, thì không kịp. Vào cuối đời, Lénine bị liệt, đây là hậu quả của chứng bệnh giang mai, vào lúc đó chưa có thuốc trụ sinh, mỗi khi lên cơn đau thì chỉ cho uống thuốc phiện, là một loại độc dược nếu xử dụng một lượng nhiều. Người lo chăm sóc bệnh cho Lénine không ai hơn là Staline, sau khi biết Lénine đang tìm cách loại mình, đã cho uống quá liều, đưa đến cái chết của Lénine . Chính vì vậy mà vợ Lénine đã tố cáo Staline giết chồng mình.

Sau khi lấy được chính quyền, Lénine có tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội lập hiến vào đầu năm 1918, nhưng đảng củaLénine bị lâm vào cảnh thiểu số, nên ông đã giải tán quốc hội này, từ đó áp dụng độc tài sắt máu, rồi tiếp tục bởi những đàn em, nhất là với Staline.

Về đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng sản, bà Rosa Luxembourg, bạn và là người cùng đấu tranh với Lénine, trong nhật ký, cuối đời, đã viết cho Lénine:

“Cái đảng và Nhà nước độc tài mà Anh (tức Lénine) thiết lập lên, anh bảo là để phục vụ thợ thuyền và nhân dân. Nhưng trên thực tế, nó chẳng phục vụ một ai hết, vì nó đã đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội: đó là tôn trọng tự do và dân chủ.”

Hình thức cướp chính quyền, hình thức tổ chức đảng và nhà nước cộng sản, đã được người cộng sản sao chép lại ở Đông Âu, Tàu, Hàn quốc và Việt Nam, vào sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939 – 1945).

Chính vì vậy, Đức Đạt lai Lạt ma, đã nói về cộng sản như sau:

“Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi nẩy nở trong rác rưởi của cuộc đời.”

Chế độ chính trị tốt là chế độ dân chủ, chế độ xấu là chế độ độc tài, trong đó chúng ta thấy có độc tài phát xít và cộng sản như lịch sử cận đại đã chứng minh.

Người cộng sản xấu, chế độ cộng sản tồi, đảng cộng sản hại dân, hại nước, điều này không phải chỉ những người không cộng sản mới thấy, mà ngay cả những người cộng sản, những người lãnh tụ.

Ông Gorbatchev, cựu Tổng Bí thư đảng cộng sản Liên sô, có nói:

“Tôi đã bỏ hơn nửa đời người tranh đấu cho lý tưởng cộng sản; nhưng ngày hôm nay, tôi phải đau buồn tuyên bố rằng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo.”,

Ông Tập cận Bình, trước khi lên chức Chủ tịch đảng, có phát biểu vào ngày 16/03/2012, tại Trường đảng, được viết lại bởi tờ báo Cầu thị và được truyền đi bởi những hãng Thông tấn quốc tế:

“Nhân dân Trung quốc mất hết tin tưởng vào đảng Cộng sản, vì nơi đây là nơi qui tụ mọi thành phần thối nát của xã hội.”

Đảng cộng sản là một “Chiếc Bánh xe Đỏ” (La Roue Rouge) không những nghiền chết dân, mà còn nghiền chết ngay cả những kẻ làm ra nó.

Thật vậy, nhà văn, giải Nobel văn học Nga Sonjennytsine, mà người ta biết nhiều qua quyển sách Quần đảo ngục tù (L’Archipel de Goulag), nhưng ông còn viết một quyển mà theo tôi rất có giá trị, nó đã nói lên cơ cấu, nguyên do, dụng cụ giết người của cộng sản: Đó là đảng cộng sản mà ông ví như một Chiếc Bánh Xe Đỏ, không những vô tình, tàn ác nghiền chết dân, mà còn nghiền chết ngay cả những người làm ra nó, bằng chứng cụ thể là Lénine, Trotski và ngay cảStaline cũng bị đảng cộng sản nghiền chết.

Như trên, bà Rosa Luxembour, cuối đời viết thư cho Lénine nói: “Cái đảng và Nhà nước độc tài mà Anh (tức Lénine) dựng lên, anh bảo nó phục vụ thợ thuyền và nhân dân, nhưng thực tế nó chẳng phục vụ một ai cả. Đây là lời nói nhẹ của bà, nhưng kinh nghiện gần 100 năm của “cái đảng và nhà nước cộng sản” này, chúng ta thấy, nó không những không phục vụ, mà giết cả dân và giết ngay cả người lập ra nó là Lénine, Trotski và Staline. Một trong những sai lầm to lớn của Lénine là lập ra “Cái đảng và cái Nhà nước độc tài”, nhưng lại cho đảng đứng trên Nhà nước, đứng trên bất cứ tổ chức nào, chính vì vậy về cuối đời Lénine ý thức ra điều này, muốn sửa đổi nhưng quá trễ. Lénine vừa chết, năm 1924, là đi đến sự tranh quyền giữa 2 nhân vật, Staline nắm đảng và Trotski nắm Nhà nước. Sự thua của Trotski đã quá rõ rệt, mặc dầu Trotski đang làm Bộ trưởng Quốc Phòng, nắm quân đội, nhưng khi bị trục xuất khỏi đảng năm 1925, trục xuất khỏi Liên sô năm 1929, trốn sang Mễ tây cơ, rồi bị Staline cho người đến tận đây để ám sát chết, năm 1940.

Tuy nhiên cái đảng, cái Bánh Xe Đỏ cũng chẳng tha gì Staline, sau đó bị đàn em là Béria, Khrouschev, đầu độc chết năm 1953, và chính con của Staline, lúc đó đang là trung tướng không quân, đã tố cáo công khai hai người này đã giết bố mình, như vợ Lénine tố cáo Staline giết chồng mình.

Những đảng cộng sản Tàu, Việt Nam, rập khuôn theo Liên sô, cũng vậy.

Mao trạch Đông dùng đảng giết Lâm Bưu, Lưu thiếu Kỳ. Sau đó những người tay em của Mao cũng dùng lại đảng giết hại vợ Mao, bà Giang Thanh, khi Mao vừa chết.

Hồ Chí Minh dùng đảng cộng sản để giết hại những người quốc gia và những người Đệ Tứ. Sau này có giả thuyết cho rằng chính Lê Duẩn và Lê Đức Thọ giết Hồ chí Minh và Lê Duẩn bị Lê đức Thọ giết lại, cũng dựa vào đảng.

Cộng sản là sự lừa đảo, giết người lớn nhất trong lịch sử nhân loại, mà đảng cộng sản là công cụ giết người này.

Theo Quyển Sách Đen về chủ nghĩa cộng sản, mà những người sử gia gồm các ông Stéphane Courtois, Nicolas Werth,Jean Louis Panné, Andrzej Packowski, Karel Bartozek, Jean Louis Margolin, thì tội ác của cộng sản lên đến cả trăm triệu người. Được chia ra như sau: Liên sô: 20 triệu; Tàu, 65 triệu; Việt Nam, 1 triệu; Bắc hàn, 2 triệu; Căm bốt, 2 triệu; Đông Âu, 1 triệu; Nam Mỹ, 150 000; Phi châu, 1,7 triệu; A phú Hãn, 1,5 triệu; và những phong trào và đảng cộng sản khác không nắm chính quyền: cả chục ngàn người(Le Livre noir du communisme – Crimes, terreur, répression – trang 8 – Nhà xuất bản Robert Laffont – Paris 1997).

Đảng cộng sản là “Con Sán lãi”, ăn hết máu mủ, chất bổ của dân, theo nhà triết học Proudhon.

Chữ con sán lãi “le ténia”, đây là chữ dùng bởi nhà triết học Pháp Pierre Joseph Proudhon (1809 – 1865), người đã từng bút chiến với Marx (1818 – 1883), và đã được Marx khen là người có tư tưởng sắc bén về kinh tế. Tuy nhiên Proudhonđã chống Marx, chống quan niệm “Độc tài vô sản của Marx”, và đã tiên đoán là nếu cộng sản cầm quyền, thì sẽ trở thành con sán lãi, hút hết sức sống của dân.

Ngày hôm nay sau 100 năm thực hiện lý thuyết của Marx, chúng ta mới thấy lời tiên đoán của Proudhon là đúng.

Không cần đi vào chứng minh dài dòng, chúng ta chỉ cần biết tiền của chính phủ, của đảng cộng sản tiêu xài là đến từ thuế của dân. Ở những nước dân chủ chỉ có 1 chính phủ. Ở những nước cộng sản có 2 chính phủ, chính phủ chính thức và chính phủ bán chính thức đứng đằng sau là đảng cộng sản, chính phủ này có quyền hành và bổng lộc hơn không biết bao chục lần chính phủ chính thức.

Tiền này đến từ dân, từ thuế dân phải đóng. 

Đảng cộng sản không phải là con sán lãi, thì còn là cái gì ?

Vì vậy, không những phải từ bỏ lý thuyết Marx mà còn phải từ bỏ cả Nhà nước và đảng cộng sản.

Chỉ như vậy, thì mới có một chính thể, một chế độ, một hệ thống chính trị tốt, người dân mới có hành động tốt, như lời ông Lưu Châu Á, tôi xin nhắc lại:

“Một hệ thống chính trị tồi khiến cho người tốt cũng hành động tồi, ngược lại một hệ thống chính trị tốt thì khiến cho người tồi cũng hành động tốt.”

Paris, ngày 31/5/2013

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Nghịch lý ở Việt Nam: Một quốc gia nhỏ chỉ ăn rồi chơi

Chia sẻ bài viết này
Có lẽ không quốc gia nào mà cuộc sống của giới công chức chứa nhiều điều nghịch lý như ở Việt Nam.

Một bộ phận công chức đang tha hóa. (Ảnh minh họa)
Lương không đủ sống nhưng lại thuộc thành phần khá giả của xã hội; đã vào biên chế là có thể nằm lỳ cho đến hết đời, ngang nhiên đòi hỏi mọi chế độ phúc lợi, ngay cả khi chẳng làm gì; là người làm thuê cho dân nhưng lại hành xử như ông chủ có quyền ban ơn; năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm trước công việc phần lớn ở mức trung bình và thấp, nhưng cực kỳ có khả năng trong việc kinh doanh “quyền lực Nhà nước” để tư lợi …Nhưng điều nghịch lý nhất là một nền hành chính cồng kềnh, ì ạch, dôi dư cả triệu người như vậy lại vẫn cứ ngày một phình to?
Trong một hội nghị có đưa tin trên truyền hình và sau đó hầu như các báo đều đưa lại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng ra rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Nói cách khác, cái số 30 % công chức đó hoàn toàn không cần thiết, y như cái bướu trên cổ. Với 2,8 triệu công chức, chỉ cần làm phép tình nhẩm cũng ra ngay con số thuộc diện có cũng như không kia khoảng 800.000. Nghĩa là mỗi 100 người dân Việt Nam, phải nuôi không một ông (bà) vô công rồi nghề mang danh công chức! Vậy tại sao một nền dịch vụ công chỉ cần 2 triệu người, mà phải trả lương cho tận những gần ba triệu? Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Trong khi chưa thể tìm ra câu trả lời, chúng tôi chỉ xin làm thứ công việc đơn giản hơn là giúp mọi người hình dung một phần cái gánh nặng vật chất và tinh thần mà cả xã hội đang phải è lưng chịu đựng để “cõng” gần một triệu công chức dư thừa đó.
Trước hết, 800 ngàn người lớn đến mức nào? Đó là số dân (hơn kém chút ít) của Cyprus, Bahrain, Bhutan, Qatar, Đông Timor…Hay nó có quy mô gấp đôi dân số Luxemburg, Brunei, Malta, Iceland…
Thứ hai, và đây là vấn đề chính, cần bao nhiêu tiền để nuôi cái đám công chức thừa thãi ấy? Chắc chắn là không ai có thể tính chính xác, vì có những công chức thuộc loại dư thừa, nhưng lại hưởng mức thu nhập nhiều người mơ ước. Hẵng chỉ tính đơn giản thế này: Mỗi người trong số đó, vì họ là công chức, nên thuộc diện thu nhập trung bình khá (so với mức 1000 USD trung bình) sẽ nhận của Nhà nước khoảng 60 triệu đồng (3000 USD) một năm. Nghĩa là cần số tiền lên tới 50.000 tỷ đồng ( 2,5 tỉ USD) cho việc chi lương để ngày ngày 800.000 người ăn mặc sang trọng chỉ để “sáng vác ô đến cơ quan, tối vác ô về nhà” mà không làm bất cứ việc gì. Tuy nhiên, số tiền phải bỏ ra phục vụ việc ngồi chơi xơi nước của “một quốc gia nhỏ” ấy trên thực tế còn lớn hơn nhiều.
Theo thông lệ thì số tiền lương cho công chức chỉ bằng hai phần ba số tiền phải chi ra để họ có thể làm việc, được tính vào khoản duy trì hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đó là tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, tiền khấu hao tài sản, tiền phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và cơ man nào những thứ tiền khác được gọi bằng cái tên chung là văn phòng phí. Khiêm tốn tính gộp thì con số 50.000 tỉ đó phải cộng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng. Giờ ta thử xem 70.000 tỷ đồng nhiều đến mức nào? Nó nhiều hơn toàn bộ số tiền thu được từ xuất khẩu gạo năm 2012; nó bằng khoảng 5 lần số tiền phí bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT dự kiến thu được hằng năm từ ô tô, xe máy với giả phải trả là hứng chịu biết bao lời chì chiết của dư luận; nó bằng già nửa số tiền 120.000 tỉ đồng cần để nâng cấp quốc lộ 1A lên thành đường bốn làn xe ô tô; nó giúp cho khoảng 7 triệu dân miền núi đủ gạo ăn trong một năm để không phá rừng. Nếu có ngần ấy số tiền, toàn bộ các xã nghèo miền núi có trường học, có chợ, có đường trải bê tông. Nó có thể mua được số bò giúp cho Chương trình Lục lạc vàng duy trì liên tục 1500 buổi, với khoảng 9000 gia đình nông dân thuộc dạng nghèo nhất nước có cơ hội đủ cơm ăn. Nó là con số dài tới mức mà không một nông dân bình thường nào đọc chính xác được.
Nhưng đấy mới chỉ tính về khoản vật chất, cho dù không hề nhỏ nhưng chưa chắc đã là lớn nhất. Tai hoạ của nạn biên chế tràn lan là nó khiến cho bộ máy hành chính công của chúng ta thuộc loại công kềnh, kém hiệu quả và lạc hậu vào loại nhất khu vực. Nhàn cư vi bất thiện. Vì không làm gì nên những ông, bà công chức thừa thãi trên trở thành những “con bệnh” của xã hội. Ta hãy xem họ làm gì mỗi ngày để tiêu hết 8 giờ vàng ngọc? Nếu là đàn ông thì phần lớn lướt web, chơi game oline, xem phim sex, tìm cách vào nhà nghỉ với chính đồng nghiệp của mình. Thời gian còn lại ngồi nghĩ mưu kế tư lợi hoặc hại người khác. Còn với thành phần nữ giới thì shoping tối ngày, ăn uống, khoe của tối ngày, buôn dưa lê tối ngày...
Nhiều người coi trụ sở cơ quan chẳng hơn gì cái bếp nhà mình, tranh thủ tận dụng điện nước miễn phí để nấu nướng. Số còn lại, nếu không làm những việc như trên, thì làm chim bói cá, cứ thấy ở đâu có mầu mỡ là đến. Cũng vì thừa dẫn đến lười, ích kỷ, đấu đá chèn ép nhau thay vì thực thi công vụ. Có rất nhiều người cả một đời công chức chỉ chuyên kiện cáo, lao vào đấu đá vì những lợi ích cá nhân. Nhưng lương của họ thì vẫn cứ đến hẹn lại lên. Chức của họ thì cứ đến tuổi là đến. Kèm với lương với chức là đủ thứ tiêu chuẩn ưu đãi khác. Những công bộc này, về nguyên tắc là những người giúp việc cho “ông chủ” Nhân dân, nhưng trên thực tế cũng là những người quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham lam, làm khổ “ông chủ” vào loại nhất thế giới. Làm bất cứ việc gì thuộc phạm vi chức phận cũng đòi lót tay. Trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng lồng lợi ích của mình vào. Từ lái xe, nhân viên đóng dấu, nhân viên gác cổng…đến những người có tí chức, tí quyền đều là những kẻ chỉ thạo ăn tiền, vòi vĩnh, hạch sách…biến cửa Công đường thành nơi nhếch nhác, bất tín, đáng sợ hơn cả hang hùm. Nền đạo đức xã hội xuống cấp, có phần đóng góp không nhỏ của những thành phần được gọi là công chức ấy.
Nhưng thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đó. Nạn chạy chức chạy quyền thì ai cũng biết. Nhưng nạn chạy chọt để được thành công chức Nhà nước còn khốc liệt hơn và cũng bi hài hơn rất nhiều. Vì số người tham gia luôn rất đông, diễn ra trên một diện rộng, với sự tham gia của mọi thành phần. Nó làm hư hỏng cả người có quyền nhận và người được nhận. Người có quyền nhận thì một khi đã lấy tiền, đã nhúng chàm, làm sao còn dám yêu cầu cấp dưới phải nêu cao đạo đức, kỷ cương, nhân cách-ngoại trừ đó là một truyện hài! Người được nhận vào làm công chức thì cậy tiền nên không cần học, không cần trau dồi chuyên môn, coi thường kỉ cương, phép tắc. Đó là chưa kể họ phải tìm cách ăn chặn, ăn bẩn, vơ vét bằng mọi cách để bù lại số vốn đã bỏ ra.
Nhưng những bệnh tật trên, dù rất trầm trọng, nếu quyết tâm ngăn ngừa, vẫn còn nhiều hy vọng chữa chạy, dù rất tốn kém. Song có một thứ bệnh do nạn chạy công chức gây ra rất khó chữa, thuộc loại nan y, là bệnh ỷ lại, lười biếng và mất khả năng tự trọng. Căn bệnh thuộc loại lây nhiễm này có thể huỷ hoại nhân cách cả một thế hệ, góp phần làm nghèo đất nước. Người ta cần một cái bằng đại học với bất cứ giá nào đôi khi không phải để sau đó làm việc, cống hiến, mà để có cơ hội gia nhập cái đội quân công chức vốn là thừa thãi kia. Với những người này, cái điều đáng lẽ thành nỗi xấu hổ khi chả làm gì ngoài việc “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, thì lại là mục tiêu phấn đấu, là sự nghiệp của đời họ. Liệu có khác gì một thứ quốc nạn?