Điểm danh tên sát nhân thầm lặng
Bạn ăn cơm hay ăn hamburger? Dù ăn pizza, bánh mì, hamburger hay bún, cháo, hủ tiếu, phở, bún bò thì khi cầm trang báo này trên tay, bạn cũng đã hiểu nghĩa chữ “gạo cơm”.
Khoảng ba tỉ người trên địa cầu ăn cơm hằng ngày, cũng như trên 60% của tổng số một tỉ người nghèo nhất và thiếu dinh dưỡng nhất hành tinh đang sống ở Á châu kéo dài sự sống được là nhờ hạt cơm. Vậy mà đề tài mà báo chí đang sục sôi bàn luận, lại là trong gạo có chất độc gây ung thư cho con người, ở một mức độ đáng báo động!
Trong mấy tuần qua, truyền thông thế giới không ngớt đề cập tới kết quả khảo sát và điều tra của nguyệt san Consumer Reports, số đề tháng 11/2012, công bố hàm lượng chất độc vô cơ có mặt trong hầu như tất cả các sản phẩm từ lúa gạo làm ra. Tờ báo khẩn thiết yêu cầu độc giả giảm bớt số lượng gạo cơm đưa vào người hằng ngày, và yêu cầu Cơ quan Kiểm Soát Dược Phẩm Thực Phẩm Liên Bang Hoa Kỳ (FDA) nhanh chóng quyết định hàm lượng tối đa độc tố trong gạo có thể dùng cho con người. Chất độc mà cả FDA lẫn báo Consumer Reports tìm thấy trong loạt xét nghiệm sản phẩm từ lúa gạo đầu tiên đang làm hoảng hốt người tiêu thụ có tên tiếng Anh là arsenic, hay thạch tín.
Vì ngôn ngữ Việt Nam còn thiếu các từ chuyên môn về khoa học, khi vào tự điển mạng Wikipedia tiếng Việt, tra chữ thạch tín, trang mạng sẽ chuyển thẳng tới chữ “asen”. Từ chữ “asen”, chuyển qua trang tiếng Hán, chất độc này được viết thành nhân ngôn hoặc tì sương (??). Đọc Thủy Hử Truyện ở hồi thứ 25, độc giả tìm thấy chữ “tì” vừa kể: “Đại quan nhân gia lí thủ ta tì sương lai, khước giáo đại nương tử tự khứ thục nhất thiếp tâm đông đích dược lai”, có nghĩa “Đại quan nhân đem sang đây một ít nhân ngôn, bảo nương tử đi mua gói thuốc chữa đau tim”. Như thế, “sương” là phấn sáp màu trắng hay thuốc nghiền nhỏ, còn thạch tín (??) là tên gọi thứ đá độc, tức thứ đá ăn chết người, một sản phẩm xuất xứ từ Tín Châu, trong toa thuốc Bắc thường gọi là nhân ngôn, còn theo Từ điển Bách khoa Dược học, ấn bản năm 1999, “thạch tín” là tên gọi cho nguyên tố asen. Danh từ asen được vay mượn từ chữ zarnikh của Iran, nghĩa là thư hoàng, chất độc này đã được biết đến và sử dụng trong nước này từ thời cổ đại. Do được giai cấp cầm quyền ngày xưa ưa chuộng để giết hại lẫn nhau vì đặc tính hiệu lực và kín đáo của nó, nên asen còn được gọi là “thuốc độc của vua chúa”, hoặc là “vua của các loài độc dược”.
Ngay cả ở hàm lượng đủ làm chết người, hóa chất này vẫn không tiết ra mùi vị khó chịu khi hiện diện trong nước, do đó con người không thể phát giác ra nó bằng cảm quan, và gọi nó là “tên sát nhân vô hình”. Là chất rất độc, thạch tín độc gấp bốn lần thủy ngân, trở thành nguy hiểm khi tác động vào bộ máy tuần hoàn và thần kinh hệ, vì thế người TQ có câu “Nhất nhân ngôn (cyanide), nhì thạch tín” – ngộ độc một trong hai thứ này kể như tiêu đời. Trong trường hợp bị nhiễm độc mỗi ngày một ít, tùy theo mức độ bị nhiễm và thể trạng từng người, thạch tín có thể gây ra nhiều thứ bệnh như buồn nôn, giảm cân, giảm trí nhớ, rụng tóc, ung thư... nhất là đối với phụ nữ và con trẻ.
Thạch tín là một nguyên tố hóa học có ký hiệu “As” và số nguyên tử 33, được khoa học gia người Đức Albertus Magnus ghi nhận từ năm 1250. Thạch tín còn là một á kim gây ngộ độc khét tiếng, các hợp chất của nó được ứng dụng vào thuốc trừ dịch hại, thuốc diệt cỏ dại và thuốc trừ sâu rầy. Trước kia hợp chất thư hoàng và hùng hoàng có gốc thạch tín được dùng làm thuốc màu trong hội họa, nhưng nay đã bị loại bỏ vì khả năng phản ứng và vì độc tính của chúng. Riêng loại hợp chất sử dụng làm thuốc trừ sâu đã tạo ra tổn thương não cho người phun thuốc. Các hợp chất của thạch tín như Arsphenamine và Neosalvarsan vẫn được sử dụng rộng rãi trong y khoa để chữa trị bệnh giang mai cho đến khi khoa học phát minh thuốc kháng sinh Penicillin vào thập niên 1940.
Thạch tín và các hợp chất của nó là những chất độc cực kỳ hiệu nghiệm, có thể làm chết người ngay tức khắc nếu uống một liều lượng bằng nửa hạt ngô. Khi bị ngộ độc cấp tính, người bệnh khát nước dữ dội, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và tắt thở nhanh. Còn khi ngộ độc nhẹ, mỗi ngày một ít, với liều lượng nhỏ kéo dài trong thời gian lâu sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, buồn nôn hoặc ói mửa, giảm hồng huyết cầu và bạch huyết cầu, sạm da, rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ, tổn thương mạch máu, rối loạn nhịp tim, đau mắt, đau tai, viêm dạ dày và ruột, kiệt sức. Nhiễm độc thạch tín kéo dài có thể gây ung thư phổi, gan, thận và bọng đái, hay các chứng sưng chân răng, thấp khớp, bệnh tim mạch và cao huyết áp. Khi đã phát giác ung thư, căn bệnh hành hạ trên thân thể bệnh nhân từ 15 tới 20 năm mới kết thúc bằng cái chết.
Thạch tín trong nước uống đã dẫn tới trận ngộ độc lớn tại Bangladesh trước đây, và đang trở thành nỗi ám ảnh day dứt của miền Bắc Việt Nam hiện nay. Theo ghi nhận của Cục Quản lý Tài nguyên nước, tại Hà Nội, hàm lượng asen trong nước hiện cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép ở huyện Quốc Oai, và hàm lượng amoni trung bình vượt tiêu chuẩn cho phép tới 233 lần tại huyện Đan Phượng, do địa phương sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu, đốt than, xỉ... còn người dân đang sinh sống tại cụm dân cư dự án nhà bán thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm hàm lượng asen cao gấp từ 37 tới 43 lần cho phép – trong khi chính phủ và đơn vị chủ là Công ty Cổ Phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội vẫn “án binh bất động”, ngậm miệng ăn tiền.
Các báo động khác về thạch tín
Từ giữa năm 2008, các khoa học gia Nhật đã phát giác ra hạt gạo hút rất nhiều thạch tín từ đất, và đề ra những nỗ lực mới nhằm ngăn chặn khả năng gây hại cho nguồn lương thực chính của người châu Á. Các nhà khoa học này bấy giờ cho biết họ đã xác định được hai loại protein hiện diện trong lúa truyền dẫn thạch tín từ đất vào hạt thóc. Rồi dùng giống lúa đột biến không có hai loại protein này, họ tìm được cách giảm thiểu hàm lượng thạch tín ở cả thân cây lúa và hạt thóc.
Ngày 23/02/2010, nữ bác sĩ Margaret R. Karagas của Viện Đại học Y khoa Dartmouth, lên tiếng báo động trong bản Nghiên cứu về Ung thư rằng: “Thạch tín là một chất độc trong môi trường, và là chất gây ung thư rất phổ thông. Thống kê cho thấy các cá nhân sống trong vùng bị ô nhiễm rõ rệt của thế giới như Đài Loan, Bangladesh và Argentina, với hàm lượng thạch tín trong nước uống quá cao, đã chứng minh một mức độ ung thư cao, do việc tiếp xúc với thạch tín đã kích hoạt các gen đột biến gây bệnh ung thư”.
Tới ngày 05/12/2011, tạp chí HealthDay Reporter phổ biến bản tin xác định một cuộc nghiên cứu đưa tới kết quả rằng lúa gạo là nguồn gốc của việc cơ thể con người tiếp xúc với thạch tín, sau khi tiến hành xét nghiệm 229 phụ nữ mang thai ở tiểu bang New Hampshire đã nhiễm thạch tín qua lúa gạo, dẫn tới tình trạng sẩy thai hoặc tỉ lệ tử suất trẻ sơ sinh cao. Báo cáo này được phổ biến một tuần lễ sau khi báo CR cho hay đã tìm thấy các mẩu nước ép táo và bưởi có mức thạch tín cao hơn hàm lượng 10 phần tỉ cho phép trong nước uống tiêu chuẩn. Các bác sĩ tiến hành điều tra đã đề nghị các bà bầu ghi xuống những thứ nước mà họ uống mấy hôm trước đó, rồi tiến hành đo hàm lượng thạch tín trong nguồn nước họ uống, và nước tiểu của họ, nhằm phân biệt thạch tín từ hai nguồn xuất xứ khác nhau: từ nước uống và từ gạo. Kết quả là phụ nữ ăn cơm có lượng thạch tín trong nước tiểu cao gấp một lần rưỡi các chị không dùng cơm. Các chị ăn cơm đã dùng mỗi ngày nửa lon gạo – bằng với mức trung bình trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng lượng gạo tiêu thụ bởi phụ nữ Á đông khác biệt rất xa, mỗi ngày hơn hai lon, tức bốn lần nhiều hơn phụ nữ gốc xứ khác. Do đó, các khoa học gia cho rằng hàm lượng thạch tín trong gạo cần phải được theo dõi kỹ hơn. Trong khi TQ đã đề ra hàm lượng hạn chế của thạch tín trong gạo, thì Hoa Kỳ và Âu châu vẫn bỏ ngỏ. Bác sĩ Jeffrey N. Bernstein, Giám đốc Trung tâm Thông tin Chất độc của Viện Đại học Y khoa Florida, giải thích: “Không có lý do gì để hoang mang về cuộc nghiên cứu mới. Họ không bảo có người bệnh vì ăn cơm... Họ cũng không khẳng quyết rằng gạo làm cho bạn trúng độc thạch tín”.
Hai hôm sau, 07/12/2011, Hàn lâm Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ phổ biến bản tin “Việc ăn cơm góp phần nhiễm thạch tín nơi phụ nữ Mỹ” và bảo “kết quả nghiên cứu của chúng tôi cùng với của những nhà khoa học khác vạch ra rằng vấn đề tiêu thụ lúa gạo cần được xem xét lại nếu cần thiết phải lên phương án chiến lược nhằm giảm thiểu thạch tín trên lãnh thổ Hoa Kỳ”.
Sau cùng, ngày 01/10/2012 gần đây, nhóm các bác sĩ Matthew A. Davis, Todd A. Mackenzie, Kathryn L. Cottingham, Diane Gilbert-Diamond, Tracy Punshon và Margaret R. Karagas vừa công bố một bản tin chung trên trang mạng Viễn ảnh Sức khỏe Môi trường, về việc khẳng định liệu việc ăn cơm có góp phần làm con trẻ Hoa Kỳ tiếp xúc với thạch tín không. Các bác sĩ này đã dùng các thống kê của các cuộc tham khảo về sức khỏe và dinh dưỡng để phân tích quan hệ giữa việc ăn cơm của 2.323 trẻ em từ 6 tới 17 tuổi. Kết quả, họ đồng kết luận rằng ăn cơm là nguyên do các em bị tiếp xúc với thạch tín.
Thạch tín và Góa Phụ Đen
Có lẽ trong lịch sử cổ kim, người rành rẽ nhất về tác dụng của độc tố thạch tín trên thân thể con người khi hòa tan trong đồ uống là một phụ nữ chân yếu tay mềm được thế giới mệnh danh “góa phụ đen”. Đó là nữ y tá có tên Mary Ann Cotton ở Anh quốc – người đã ra tay giết chết những đứa con ruột của mình và thiên hạ còn tin rằng bà đã “làm thịt” tổng cộng 21 người gồm 8 người con đẻ, 7 người con riêng của chồng, mẹ ruột, 3 người chồng, 1 tình nhân và 1 người bạn – bằng phương thức chính là đầu độc nạn nhân bằng thạch tín.
Mary Ann ra đời năm 1832 tại Low Moorsley, một ngôi làng nhỏ gần thị trấn Hetton-le-Hole. Năm 20 tuổi, bà kết hôn với một người công nhân mỏ than tên William Mowbray. Bà có 4 người con với ông Mowbray. Ba trong bốn đứa trẻ đã chết non, còn anh chồng William chết năm 1865, để lại cho Mary Ann tiền bảo hiểm tương đương với 6 tháng lương. Với số tiền này, Marry Ann dời về thành phố cảnh Seaham để sống gần với người tình là Joseph Nattrass. Bà bám theo Nattrass như hình với bóng, nhưng cuối cùng thì Nattrass cũng là nạn nhân của Mary. Trở thành y tá tại Bệnh viện Sunderland, Mary gặp bệnh nhân George Ward – và George trở thành người chồng thứ hai của Mary. Cuộc hôn nhân kéo dài chưa tới một năm, vì George chết, để cho vợ một khoản tiền bảo hiểm. Đám tang xong, “gái một con” Mary trở thành người giúp việc cho ông James Robinson góa vợ ở cùng thị trấn. Vài tuần sau khi Mary bắt đầu làm công việc chị nuôi, đứa con của ông chủ Robinson qua đời. Robinson đã gần gũi với Mary để giải khuây, và nàng mang bầu. Nhưng mẹ của Mary ốm, nên cô phải về chăm sóc mẹ. Chỉ 9 ngày sau khi Mary về, mẹ cô chết. Sau đó, Mary phải mang đứa con gái riêng là Isabella lâu nay sống với mẹ Mary về nhà ông Robinson. Sự bất tiện ấy không kéo dài quá lâu: Isabella đã chết, trước khi 2 đứa con riêng khác của Robinson cũng lần lượt tạ thế. Ba đứa trẻ được mai táng trong vòng 2 tuần lễ cuối của tháng 04/1867. Qua tháng 08, Robinson cưới Mary Ann, để kịp tháng 11, đứa con riêng của hai người là Mary Isabella chào đời, và lại chết non vào tháng 03 năm sau. Tiếp theo, Mary đề nghị tăng khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông lên một mức bất ngờ, làm ông sinh nghi, tìm hiểu và phát giác ra vợ mình có một món nợ bí mật lên tới 60 bảng Anh – bằng cả năm lương, chưa kể bà ký thác một ngân phiếu trị giá 50 bảng Anh mạo nhận chữ ký của ông, và các con riêng của ông bây giờ mới khai cho ông hay là bà dì ghẻ Mary đã nhiều lần buộc chúng mang những đồ vật quí giá trong nhà đi cầm, lấy tiền đưa cho bà. Ông nhanh chóng tống Mary ra khỏi nhà, nhờ thế ông là người chồng của bà Mary không chết “vì bệnh đường ruột”.
Thua keo này, bày keo khác. Sau khi bị Robinson đuổi ra khỏi nhà, sống cảnh đầu đường xó chợ, Mary may mắn được người bạn thân tên Margaret Cotton giới thiệu cho người anh trai tên là Frederick. Lúc đó, Margaret là người chăm sóc anh trai và hai người con của ông này. Nhưng đến lượt Margaret chết vì chứng đau dạ dày vào năm 1870, và cơ sở làm ăn chung của anh em nhà Margaret rơi vào tay của Mary, khi Mary và Frederick thành hôn với nhau. Họ có đứa con chung là Robert vào đầu năm sau. Chỉ đến cuối năm đó, tới lượt Frederick chết, và tất cả tài sản cũng như tiền bảo hiểm nhân thọ lọt vào tay Mary. Không cần chờ lâu, người tình thâm niên của Mary là Nattrass dọn vào sống chung. Nhưng cùng thời gian này, Mary nhận làm y tá cho một công chức tên John Quick-Manning, và nhanh chóng có thai với ông này. Đây là giai đoạn mà bà có lời chanh tiếng ớt với đám con của cuộc hôn nhân thứ ba. Một đứa trong bầy con riêng của chồng đã chết vào tháng 3/1872, rồi đứa con riêng của bà cũng nối gót, trước khi ông tình nhân Joseph Nattrass lâm bệnh và chết vào tháng kế tiếp.
Theo các giấy khai tử và mai táng, tất cả nạn nhân của bà đã chết vì bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Năm 1873, Mary Ann Cotton bị bắt, bị ra tòa, và bị treo cổ ngày 24/03/1873 vì tội giết em bé 7 tuổi Charles Edward Cotton. Một số mộ phần của con và con ghẻ của bà đã được khai quật để giảo nghiệm, và bác sĩ Thomas Scattergood của Viện Đại học Y khoa Leeds chứng nhận là trong các xác chết đều có chất thạch tín. Khi chưa bị xử tử, từ khám đường, Mary Ann Cotton viết hết thư này đến thư khác gởi cho báo chí để kêu nài về sự vô can của mình. Nỗ lực này ít ra đã làm chao đảo nhiều người nhẹ dạ, nhất là khi người ta phải mang đứa bé gái mà bà sinh trong tù ra khỏi tay bà để hành quyết bà.
Đánh thức dư luận
Một thế kỷ rưỡi sau, người dân trung bình không cần phải nghe chuyện góa phụ đen Mary Ann Cotton mới hiểu rằng thạch tín vô cơ là chất gây ung thư trên thân thể con người, ảnh hưởng tới lá lách, phổi, da, chưa kể tới di lụy để lại cho các thế hệ cháu con. Thạch tín hữu cơ ít độc hại hơn, nhưng vẫn là “một mối âu lo”– chữ của Consumer Reports (CR), sau khi tờ báo tiến hành thí nghiệm hơn 200 mẩu sản phẩm có gốc lúa gạo. Lúa là cây thực vật cần phải trồng trong điều kiện ngập nước, do đó hạt lúa càng dễ thẩm thấu thạch tín có mặt một cách tự nhiên trong nước và đất nuôi cây lúa. Theo bảng kết quả điều tra của báo CR, một số thực phẩm ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh có gốc lúa gạo như yến mạch (oatmeal) chứa đến 5 lần thạch tín vô cơ, còn gạo trắng (gạo đã xay xát) trồng tại các tiểu bang Arkansas, Louisiana, Missouri và Texas – nơi sản xuất ba phần tư tổng sản lượng gạo nội địa Hoa Kỳ – có hàm lượng thạch tín cao hơn các nơi khác. Tuy nhiên, hàm lượng chất độc thạch tín trong gạo lứt luôn luôn cao hơn gạo trắng, như thế, độc tố tập trung ở phần ngoài của hạt lúa, là phần cám được xay xát và loại bỏ đi để làm trắng hạt gạo.
Báo CR cũng viết rằng người gốc châu Á và người châu Mỹ Latinh dễ bị ảnh hưởng bởi thạch tín hơn các sắc dân khác, và người ăn cơm có hàm lượng thạch tín 44% cao hơn những người không ăn cơm. Chỉ cần nhai nuốt trên nửa lon gạo mỗi ngày sẽ đưa đến kết quả nhảy vọt về hàm lượng thạch tín trong nước tiểu – một kết quả tương đương với uống vào thân thể một lít nước trong đó chứa hàm lượng tối đa 10 phần tỉ thạch tín mà chính phủ Mỹ qui định. Ngược lại, phía kỹ nghệ sản xuất lúa gạo với doanh thu 34 tỉ mỗi năm cho rằng các âu lo về thạch tín trong gạo đang bị thổi phồng. Bà Anne Banville, Phó Chủ tịch Liên đoàn Mậu dịch Lúa gạo Hoa Kỳ, tuyên bố: “Không có bằng chứng bằng văn bản nào cho thấy các ảnh hưởng xấu cho sức khỏe bắt nguồn từ chất thạch tín trong lúa gạo trồng trọt tại Mỹ, và chúng tôi tin tưởng rằng cái lợi cho sức khỏe từ việc tiêu thụ lúa gạo cần được đánh giá thích đáng ngược lại với cái hại khi tiếp xúc với thạch tín, là vấn đề mà chúng tôi cho rằng tiểu li”.
Ông Jim Guest, Chủ nhiệm tờ Consumer Reports, gởi thư cho từng độc giả của tờ báo, mà phóng viên TB là một, với nội dung như sau:
Độc giả thân mến,
Nếu hôm nay bạn đã ăn cơm, chắc là bạn vừa nâng cao mức thạch tín trong cơ thể bạn. Bạn có lo âu không? Chúng tôi cũng đang âu lo không kém.
Tờ CR vừa xét nghiệm thạch tín trong hơn 200 mẩu hàng có gốc từ lúa gạo, rồi chúng tôi còn xét nghiệm hàm lượng thạch tín trong cơ thể một số người vừa ăn các sản phẩm làm ra từ gạo. Chúng tôi đã tìm thấy một hàm lượng thạch tín vô cơ đáng kể trong nhiều sản phẩm mà chúng tôi xét nghiệm, cũng như hàm lượng thạch tín cao hơn trong những người vừa ăn cơm xong. Nếu bạn đang lo âu như chúng tôi về thạch tín trong hạt gạo, xin hành động ngay! Luật pháp của chúng ta hạn chế hàm lượng thạch tín trong nước uống, nhưng không qui định mức độ nào là ‘an toàn’ khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với thạch tín có khả năng gây ung thư.
Chúng tôi vừa phát động cuộc điều tra trên lúa gạo để theo dõi các thí nghiệm trước đó cho thấy có thạch tín hiện diện trong mẩu nước ép của táo và bưởi. Vì lý do lúa được trồng trong điều kiện ngập nước, khả năng thẩm thấu thạch tín đến từ thuốc trừ sâu và phân bón cũng như thạch tín đã có sẵn trong môi trường tự nhiên cao hơn các nông sản khác.
Xin đọc các báo cáo của chúng tôi, và yêu cầu chính phủ nghiêm túc hơn trong vấn đề hạn định mức thạch tín trong thực phẩm của chúng ta!
Cuộc nghiên cứu này có những thông tin quan trọng về sức khỏe, kèm theo những chỉ dẫn về cách tiêu thụ mà mỗi khách hàng cần biết. Xin vui lòng chia sẻ các tài liệu này với bạn bè của và người thân thích của bạn để họ cũng nắm các thông tin, và tham gia hành động với chúng tôi”.
Tiếp tay với lời kêu gọi nói trên của tờ báo không-đăng-quảng-cáo Consumer Reports, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với ban Giám đốc công ty gạo Jazzman ở New Orleans – là loại gạo thơm không gây tiểu đường mà chúng tôi giới thiệu cách đây 25 tháng, nay được báo CR liệt kê là loại gạo lứt có hàm lượng thạch tín rất cao từ 4.7 tới 8.6 (xem bảng kết quả xét nghiệm của CR).
Trả lời TB, ông Andrew Wong viết rằng cương vị của ông trong chuyện thạch tín trong gạo cũng giống như cương vị của Liên đoàn Lúa gạo Hoa Kỳ, và vấn đề này đã bị kích động chút ít nhằm mục đích thương mại. Ngay lúc này, ông Wong bảo vấn đề không phải là một rắc rối nghiêm trọng, và hàm lượng thạch tín vô cơ coi như còn thấp.
Ở phía sản xuất và bán buôn, có lẽ công ty Jazzman khó nói gì hơn như thế. Nhưng ở cương vị báo chí với tôn chỉ phục vụ, chúng tôi tự thấy có bổn phận phải theo dõi và tìm kiếm để báo động cho độc giả những gì mình có thể.
Trong phiên họp tại Hà Lan từ 21 tới 25/03/2011, Ủy ban Pháp điển Thực phẩm Quốc tế (dịch từ danh xưng tiếng Hán ????????? và tiếng Anh CODEX Alimentarius Commission) thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã quyết định sẽ tiến hành qui định hàm lượng tối đa thạch tín trong gạo, đặc biệt là thạch tín vô cơ. Biên bản nghị trình này ghi nhận Gạo (tên Latinh là Oryza sativa) hút một lượng thạch tín cao, nhưng mức độ thay đổi tùy theo cây lúa từng vùng, với lượng vô cơ cao hơn nếu lúa trồng ở Á châu, so với lúa trồng trên lãnh thổ Hoa Kỳ và Châu Âu, mang hàm lượng thạch tín trong gạo cao hơn ở Mỹ và Châu Âu, chỉ trừ các miền bị nhiễm bẩn như Bangladesh và Chí Lợi. Gạo trồng ở tiểu bang Texas và Arkansas chứa thạch tín nhiều hơn gạo California. Còn gạo do các nhà phân phối của Texas giao hàng thì quá cao, trong đó có 75% mẫu lúa vượt quá tầm trung bình của lúa thế giới, cho thấy số gạo này trồng ở những môi trường nhiễm bẩn. Ngoài ra, lúa là loại ngũ cốc có khuynh hướng tích tụ thạch tín nhiều hơn các ngũ cốc khác, và trong nội bộ thóc gạo, gạo lứt chứa nhiều thạch tín hơn gạo trắng (gạo đã xay xát). Ủy ban kết luận rằng cả hai loại cám gạo mua thẳng từ thị trường về và cám xay xát tại chỗ cho cuộc nghiên cứu đều chứa hàm lượng thạch tín từ 10 đến 20 lần nhiều hơn gạo thô. Mặc dù xưa nay chúng ta quen xem cám gạo là thành phần dinh dưỡng chính được trọng dụng như là một thứ siêu thực phẩm trong các chương trình viện trợ nhân đạo cho trẻ em suy dinh dưỡng của các quốc gia đói nghèo, nay đến lúc phải xét lại.
Phần khác, Ủy ban Pháp điển cũng đang tiến hành điều tra ảnh hưởng của việc vo gạo, và khác biệt giữa việc dùng ít nước (1 gạo, 2.5 nước) so với nhiều nước (1 gạo, 6 nước). Vo gạo có thể tẩy sạch được 10% của toàn thể thạch tín trong loại gạo basmati xuất xứ từ Ấn Độ, nhưng áp dụng vào loại gạo khác thì ít kết quả.
Trước mắt, Ủy ban này khuyến khích các biện pháp phòng chống và kiểm soát ô nhiễm thạch tín trong khâu chuẩn bị đất, bao gồm cả vấn đề thời lượng và định mức nước được dùng để tưới tiêu, hay phối giống để chọn giống lúa ít hấp thụ thạch tín. Các cuộc thí nghiệm gần đây cho thấy lúa gieo trồng theo phương pháp hiếu khí (aerobic, tức hữu dưỡng, ??, có dưỡng khí) đã giảm thiểu được lượng thạch tín hút vào cây lúa. Sau cùng, cải thiện đất cũng góp phần giảm thiểu thạch tín hút vào hạt thóc, bằng chứng là lúa trồng thí nghiệm trong các chậu và bón bằng phân hóa học silicon đã cho kết quả khả quan. Và sự đột biến di truyền của giống lúa có thể đẩy lượng thạch tín trong hạt gạo xuống tới mức thấp nhất. Có điều, càng thêm công đoạn, càng nhiều gian nan và tốn kém. Tất cả tốn phí ấy, sau cùng, sẽ được nhà sản xuất cẩn thận tính vào từng hạt gạo, trước khi bới vào bát cơm của người tiêu dùng.
NgyThanh
(07/10/2012)
1. Bản nghiên cứu của viện Dartmouth cho biết hàm lượng thạch tín trong nước tiểu gia tăng theo lượng gạo ăn vào người. Người trong ảnh là nghiên cứu sinh Simone Whitecloud, do Seano Whitecloud chụp
2. Bảng liệt kê hàm lượng độc tố thạch tín trong các mẫu gạo (báo Consumer Reports, số phát hành tháng 11-2012, trang 27)
3. Bát cơm – nguồn sống của đa số người Á châu
4. Các chuyên gia về thạch tín của Viện nghiên cứu Dartmouth, từ trái sang, Carol Folt, Diane Gilbert-Diamond, Margaret Karagas, và Kathryn Cottingham (Ảnh Eli Burak)
5. Cấy lúa để kiếm gạo nuôi thân (Ảnh NgyThanh, TB, chụp ở Hà Tây, Việt Nam)
6. Hạt gạo nuôi người hay hạt lúa giết người (Ảnh NgyThanh, TB)
7. Kết quả mẫu nước sạch được người dân tự mang đi xét nghiệm cho thấy hàm lượng thạch tín cao gấp 43 lần cho phép (Ảnh Đoàn Loan)
8. Nữ giáo sư Margaret Karagas Margaret, người lên tiếng cảnh giác về nguy cơ thạch tín trong gạo
9. Thâu hoạch lúa tại Stuttgart, tiểu bang Arkansas, kinh đô lúa gạo của nước Mỹ (Ảnh NgyThanh, TB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét