Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Làm gì khi bị bắt cóc ở nhà?



Sự việc cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị bắt cóc ngày 14/10/2012 gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Sự việc này cho thấy, phía công an ngày càng bế tắc và đuối lý khi áp dụng luật.
Vai trò Pháp Luật ngày càng trở nên hữu hiệu và người dân càng tỏ rõ trình độ đã nâng cao rất nhiều chỉ mới 3 năm qua, đẩy phía công an vào thế bị động để ngày càng né tránh luật, chuyển qua sử dụng chiêu trò "bắt cóc" và "khủng bố tinh thần".
Vậy những ai đối diện với trò xã hội đen thế này nên làm gì? Một số chia sẻ nhỏ dưới đây gửi các bạn trẻ suy nghĩ và mong rằng các bạn có thể tìm trong này chút gì đó phù hợp với cá nhân từng người để ứng phó linh hoạt khi bị bắt cóc. Xin khoan cười cho đến khi bạn đọc xong:
1. Hãy đọc và nhớ nằm lòng (điều nào, khoản mấy) những phần liên quan nhất với bản thân thông qua LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ (phần bắt giữ, bắt quả tang, bắt khẩn cấp, tạm giam, tạm giữ, khám xét v.v...). Nếu được, các bạn nên luôn thủ sẵn trong người (khi ra đường), để nơi dễ lấy nhất (khi ở nhà) bộ luật này và bôi đậm "high light" lên những phần liên quan mật thiết đến quá trình bị bắt giữ theo luật quy định. Chia sẻ cho bạn bè việc này.
2. Hãy luôn tâm niệm: chúng ta có thể bị bắt cóc (và cả bắt theo luật) vào bất cứ thời điểm nào và trong mọi hoàn cảnh. Việc này không phải để chúng ta sợ sệt và hoang mang, hoảng loạn, thay vào đó chúng ta đã trang bị tốt TÂM THỨC CHỦ ĐỘNG & ĐIỀM TĨNH trong mọi tình huống. Tâm niệm này còn giúp chúng ta không bị tâm lý bất ngờ, đột ngột và chúng ta hoàn toàn bình thản, tỉnh táo khi đang ăn cơm, đi học, đi mua sắm, đi chơi v.v... thậm chí chúng ta đang ngủ vào lúc nửa đêm. Các bạn có thể gọi đó là bản lĩnh cũng được.
3. Khi công an ập vào phòng trọ (như cô Nguyễn Phương Uyên), xin ghi nhớ: BÌNH TĨNH. Bằng cách gì? (xin bạn hãy đọc kỹ)
3.1 Thầm đếm trong đầu từ 1 cho đến 5 (đếm không quá nhanh và không quá chậm; hãy tính bằng "giây").
3.2 Sau khi đếm xong, các bạn hãy hít sâu và thở đều 3 nhịp. Hành động này cứ làm thoải mái, nhẹ nhàng.
3.3 Nở nhẹ nụ cười và mời họ ngồi, có thể bằng câu: "Xin mời các anh ngồi". Trong trường hợp họ hùng hổ, xồng xộc xông vào túm bạn, bẻ quặt tay, hãy đừng kháng cự và cũng đừng hét toáng lên gì cả, dù bạn có cảm thấy rất đau, xin hãy bình tĩnh. Nói dứt khoát và vừa đủ nghe: "Tôi đang ở nhà, có gì mà vội vậy, anh hãy buông tay ra đi, tôi không chạy đi đâu mà sợ" và mắt bạn bình thản nhìn thẳng vào họ (nhưng đừng quắc mắt hay tỏ ra căm thù, khinh bỉ gì cả).
3.4 Tự nhiên và bình thản, rót nước mời họ (nước lọc cũng được). Qua đó, các bạn cũng cầm một ly nước đầy và nhẹ nhàng uống một hơi.
3.5 Luôn ghi nhớ trong đầu: nước và không khí rất quan trọng cho thể trạng và tâm trạng. Nếu nhà bạn (hay phòng trọ) có bao nhiêu cửa hãy mở toang hết ra. Bạn cũng nên bật quạt lên, vừa bật quạt vừa nói: "Không khí nóng và oi". Xin nhớ, không vội vã, hấp tấp gì cả.
3.6 Khi vào câu chuyện, luôn tìm cách CHỦ ĐỘNG trong mọi tình huống. Không tỏ ra nóng nảy, bồn chồn hay rụt rè, sợ sệt. Trong câu chuyện luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện với nét mặt thanh thản, không căng thẳng. Bất chấp họ hùng hổ, đe nẹt, to tiếng, xông xáo nhào vào mọi ngóc ngách trong nhà. Bạn hãy nói nhẹ nhàng (không phải là sợ sệt nhé): "Anh có thể lục soát, mặc dù tôi biết, các anh đang vi phạm pháp luật". Tuyệt đối, không xưng hô: "anh, em", "chú, cháu", "cô, bác" gì ở đây cả. Các bạn cần ý thức tinh thần CÔNG DÂN thiêng liêng của mình.
3.7 Họ càng hùng hổ, bạn càng nhẹ nhàng (không phải rụt rè) và bình thản.
3.8 Nếu họ lập biên bản và tịch thu đồ dùng cá nhân (laptop, máy ảnh, điện thoại v.v...) dứt khoát không ký. Các bạn cũng nên nhớ rõ trong đầu những gì họ lấy đi của bạn, nhớ cả model, nhãn hiệu, nét riêng của đồ dùng cá nhân.
3.9 Trong trường hợp, khi họ xông vào nhà bạn mà có người thân cùng ở hay bạn bè cùng trọ thì rất tốt khi bạn thể hiện những hành động nói trên. Tại sao? Bạn đang làm cho những người quanh bạn hoàn toàn an tâm và trấn tĩnh tinh thần theo bạn. Đừng để những người quanh bạn lên tiếng, ồn ào, lo âu, căng thẳng hay chen vào câu chuyện của bạn. Hãy nói vừa đủ nghe với người thân hoặc bạn bè: "Đây là việc của con (em, anh, chị, cháu v.v...), xin mọi người hãy an tâm và đứng chứng kiến giúp, chính con (em, anh, chị, cháu) cũng chẳng hiểu sao lại có việc như thế này".
3.10 Khi họ buộc bạn ra xe, hãy nói: "tôi có thể ăn mặc cho đàng hoàng một chút chứ?", và vừa đi vào phòng thay đồ vừa nói: "các anh có thể đứng canh tôi thay đồ cũng được" hoặc "các anh có thể cùng vào phòng và nhìn tôi thay đồ cũng được". Xin nhớ, chị Tạ Phong Tần ngồi trong nhà vệ sinh, họ còn tông cửa vào thì bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý này, nếu bạn là con gái. Bởi các cô gái trẻ, sự e ngại về thân xác phơi trước mắt là điều khó khăn, tuy nhiên các bạn phải xác định khi đã theo đuổi con đường đấu tranh bất bạo động thì những việc này là việc... "nhỏ" (!). Đặc biệt, đối với các bạn gái, hãy chọn trang phục gọn và đẹp, màu sắc nổi bật càng tốt, tóc tai nên buộc gọn phía sau (nếu tóc dài), thoa nhẹ tí son và má hồng, nếu cận bạn càng nên mang kính. Trường hợp xấu nhất, họ không cho bạn thay quần áo (đặc biệt các bạn trai thường mặc quần đùi ở nhà và có thể ở trần, hay áo 3 lỗ), bạn hãy đề nghị: "ít nhất cũng nên để tôi chải đầu lại cái đã, mất 1 phút thôi". Bạn cũng có quyền đề nghị đi tiểu trước khi ra xe và nói họ có thể đứng ngay ngòai cửa, còn nếu họ muốn thì có thể... vào phòng vệ sinh cùng bạn cũng được :(. Hãy tận dụng lúc này để rửa mặt cho sảng khoái hơn.
3.11 Trong quá trình họ xông vào, nếu họ chụp hình, bạn nên nhìn thẳng vào ống kính và cười nhẹ (đừng tỏ ra trêu ghẹo hay thách thức gì cả), đặc biệt chú ý đôi mắt của mình, luôn phải vui và sáng. Họ đã lợi dụng hình ảnh xấu xí của các tù nhân lương tâm khá nhiều và thành công trong nhiều trường hợp. Đừng né tránh ống kính và đừng để họ chộp những gương mặt thất thần, buồn bã hay thảm não.
3.12 Bạn cũng đừng quên cầm theo LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ. Nếu họ ngăn, bạn chìa ra và nói: "Đây là LTTHS của VN". Nếu họ vẫn dứt khoát không chịu, bạn hãy để lại, không sao cả.
3.13 Trước khi ra xe, nếu có người thân quanh đấy, bạn hãy tiến đến và ôm hôn từng người để động viên người thân. Trong trường hợp họ không cho và kéo bạn một cách thô bạo, càng tốt bạn ạ, đừng tỏ ra giận dữ gì cả. Đó là những gì hữu hiệu nhất tố cáo con người gỗ đá của họ. Chính họ tủi hổ và nhục nhã, không phải là bạn. Trước khi bạn vào xe, nhớ ngoái lại nhìn người thân cười tươi, đưa tay vẫy và nói lớn: "Con (em, anh, chị, cháu...) không có tội gì đâu, yên tâm!"
Chúng ta là chính nghĩa và lương thiện. Bạn hãy vững tin vào điều này.
Tôi không chắc mình biết hết, nhưng tôi sẽ nói hết những gì mình biết, nếu bạn cần hỏi thêm điều gì.
Tuổi trẻ Việt Nam đang mang lại nhiều mầm non lộc biếc báo hiệu mùa Xuân đang đến...
Các bạn trẻ yêu mến của tôi! Hãy cho tôi góp chút ý kiến như thế.
Nguyễn Ngọc Già
Nguyễn Ngọc Già

2 nhận xét:

  1. "TÂM THỨC CHỦ ĐỘNG & ĐIỀM TĨNH trong mọi tình huống" là cách hổ trợ tinh thần ôn hòa mà bác NNG với cả tấm lòng muốn chia sẻ kinh nghiệm hiểu biết đến các bạn trẻ đang đấu tranh cho chính nghĩa, "hãy nên tâm niệm" điều này nếu cảm thấy việc làm của mình có thể bị "bắt cóc".

    Trả lờiXóa
  2. Các bạn phải luôn nghĩ rằng: Bên cạnh các bạn luôn luôn còn cả một khối dân tộc yêu nước, và dù bị kết an bao nhiêu năm tù đi chăng nữa thì cũng không phải ở hết thời gian đó đâu, vì đảng cộng sản đâu còn sống bao lâu nữa. Và sau hết, không cần phải lo nghĩ gì cho những người ở nhà , vì chắc chắn nhiều người chung quanh sẽ giúp đỡ họ .

    Trả lờiXóa