Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

TRUYỆN NGẮN: Chị còn nhớ không?


- Chị Ba nhớ không... hồi còn nhỏ, em được chị Ba cưng nhất nhà, nhưng có một lần em bị chị đánh đòn đau lắm. Đau đến nỗi đến bây giờ em cũng còn nhớ, dù khi ấy em mới hơn sáu tuổi. Ba mất sớm, má phải vất vả buôn bán để nuôi ba anh em mình. Dĩ nhiên, với hoàn cảnh đó, gia đình rất thiếu thốn, từ cái ăn cho đến cái mặc. Là trẻ con, em đâu biết gì, nên có lần thấy bà nội và thằng cu Rô con của chú Sáu ăn gà rô-ti, em thèm lắm, cứ đứng nhìn mà nuốt nước miếng ừng ực. Khi không được bà nội cho ăn, em cứ nghĩ là tại bà không nhìn thấy em, nên bước vào nhà, đứng sát bàn ăn để nhìn chằm chặp vào cái đùi gà vàng tươm hấp dẫn. Nhưng bà nội vẫn thản nhiên đút cho cu Rô ăn mà
không nhìn đến em một cái. Lúc đó, em đâu biết chị Ba đang đứng ở ngạch cửa nhìn em, chảy nước mắt. Chị gọi “Thảo Hiên về ăn cơm”, nhưng em vờ đi như không nghe. Trời ơi! Cơm ở nhà có gì ngon để ăn đâu, em đang muốn ăn thịt gà mà, em sẽ đứng đây, chờ nội ăn xong để bưng cái dĩa đã ráo sạch, liếm một miếng cho đỡ thèm. Khi đó, bà nội mới quay sang em, xua tay “Về đi, đứng ngó miệng không biết mắc cỡ hả?”. Em mếu máo nhìn bà nội bằng ánh mắt van xin. Nhưng rồi chị Ba bước vào, nắm tay em kéo đi. Em khóc òa lên, đưa tay nắm chân bàn cố trì lại. Bà nội hét lên “Lũ ăn mày mất dạy, có một bữa cơm mà ăn cũng không yên với tụi bây”. Câu mắng nhiếc nặng nề đó khiến chị Ba nổi giận. Chị tát em một cái thật mạnh, rồi lôi em đi xềnh xệch, mặc cho phía sau tiếng chửi rủa của bà nội đuổi theo vang dội cả một góc xóm, “Đồ hỗn láo, mày đánh em mày để dằn mặt tao đó hả ranh con? Mẹ mày là cái thứ không biết dạy con”. Chị Ba vừa đi, vừa đưa tay quẹt nước mắt, “Có đói cũng ráng mà chịu, có thèm cũng ráng mà nhịn, sao em ngó miệng làm chi cho bà nội mắng nhiếc mẹ mình”. Có nhiều cái đầu ló ra từ những cánh cửa của các căn nhà bên cạnh cùng với tiếng thì thào “Bà nội gì ác vậy!!!” “Bà nội ghẻ mà, ruột chưa chắc đã thương, huống gì ghẻ!”. Về đến nhà, em sợ bị đòn nữa, nên quỳ xuống, líu ríu van xin: “Xin lỗi chị Ba, mai mốt em không dám ngó miệng bà nội nữa”. Chị ôm chặt lấy em, khóc tức tưởi, “Đáng lẽ chị không nên đánh em... em còn nhỏ, đâu hiểu chuyện gì... chị xin lỗi Thảo Hiên”. Em thút thít đưa bàn tay nhỏ xíu lau nước mắt cho chị, nhưng cũng không quên dặn dò: “Chừng nào mẹ có tiền, chị Ba nhớ nói mẹ mua thịt gà cho em ăn nha!”.
Chuyện xảy ra đã mấy mươi năm, mà hình ảnh chị Ba gật gật cái đầu trong tiếng khóc uất nghẹn vẫn còn làm em đau nhói trong lòng.
Tôi nắm bờ vai xương xẩu của chị Thạch Thảo lay nhẹ, nhưng chị vẫn còn chìm trong cơn mê. Cô y tá người Mỹ đứng bên cạnh, nắm bàn tay tôi vỗ nhẹ, giọng nói thật khẽ khàng:
- Tôi chưa thấy có người em nào thương chị như bà.
Tôi mím môi để kìm sự xúc động:
- Bởi vì chị ấy đã hy sinh cho tôi rất nhiều.
- Sự thành tâm của bà sẽ mang đến kết quả tốt. Bà cứ làm theo lời dặn của bác sĩ, cố gắng và kiên nhẫn trò chuyện với chị của bà mỗi ngày. Tuy chị của bà bất động, nhưng tôi tin là bà ấy đang nghe những lời của bà nói.
- Cám ơn cô rất nhiều.
* * *
- Chị Ba nhớ không... ngày mẹ đưa chị em mình ra Vũng Tàu, mẹ ôm em hôn rất nhiều lần. Hình như trong nụ hôn ấm nồng ấy có ươn ướt lệ, nhưng em thì vẫn vô tâm như từ bé, nên chỉ chăm chú vào đĩa cơm sườn vừa được mang đến. Khi ăn xong thì em không thấy mẹ đâu nữa, chờ mãi đến chiều chị mới cho biết mẹ đã trở về Sài Gòn. Em ngơ ngác hỏi: “Ủa! Sao mình không về với mẹ?”. “Mình ở lại... chờ chuyến đi tối nay!” Em hoang mang hỏi: “Đi đâu?”. “Vượt biên”. Em hốt hoảng: “Không! Em không đi, em muốn ở lại với mẹ?” Chị kéo đầu em tựa vào vai chị, nói khẽ “Mẹ cực khổ lắm mới lo được cho chị em mình đi... Em đừng buồn, khi qua được bên đó rồi... chị sẽ đi làm kiếm tiền, gửi về cho mẹ và anh Hai đi”. Lúc ấy, em chỉ biết khóc chứ không hề thắc mắc, vượt biên là chuyện của những người có tiền, chứ còn gia đình mình nghèo nàn, thiếu thốn thì lấy đâu ra tiền để đóng cho chủ tàu. Sau này, chị mới kể, mẹ đã lặn lội khắp nơi tìm người dẫn mối để xin một chỗ cho anh Hai, nhưng trước ngày khởi hành, anh Hai lại bị xe tông gãy chân, vì thế mẹ phải thuyết phục chị hết lời, vì chị không muốn xa mẹ, xa em. Cuối cùng, mẹ đã năn nỉ chủ tàu cho em theo và xin được trả góp món nợ đó cho người nhà của họ.
Em còn nhớ, lúc chị em mình loi ngoi bước chân lên đảo, chị gần như kiệt sức mà vẫn phải còng lưng cõng em đang bất động vì nhiều ngày thiếu ăn, thiếu uống. Cô Trinh ở cạnh bên thường nói, Thảo Hiên có phúc quá, chuyện gì cũng có Thạch Thảo lo, hai chị em cách nhau có năm tuổi mà một đứa thì quá già dặn chững chạc, còn một đứa thì như trẻ con, ăn chưa no lo chưa tới. Đúng vậy, chị Ba không những là chị mà kiêm cả vai trò người mẹ, săn sóc, chăm lo cho em từng li từng tí. Biết em nhút nhát, yếu đuối, nên lúc nào chị cũng đỡ đần, gánh vác mọi việc. Ngay cả lúc em đi tắm chị cũng theo để xách nước cho em và đứng ngoài cửa chờ đến lúc em xong. Còn việc nấu nướng thì chị không bao giờ cho em mó tay vào, vì sợ em vụng về sẽ gây ra hỏa hoạn. Lúc đó, em đã mười bảy tuổi rồi mà sao vô tư một cách lạ lùng, cứ an nhiên hưởng thụ mà không tội nghiệp cho sự vất vả của chị mình. Đã thế, em lại còn dan díu tình cảm với anh Minh đã có vợ con để chị phải lo lắng. Biết bao lần chị ngọt ngào khuyên can mà em nào có nghe. Rồi một ngày cuối tuần, em lén chị theo anh Minh ra biển chơi mãi đến chiều tối vẫn chưa về, khiến chị phải tất tả chạy theo đường rừng ra biển để tìm em. Lần đó, chị bị một mảnh ve chai cứa đứt gót chân, máu chảy lênh láng. Lê bàn chân thương tích về đến chỗ ở thì chị lại bàng hoàng khi thấy em bị vợ của anh Minh đang nắm tóc, đánh đá, chửi bới tục tằn. Chị chạy đến ôm chặt em trong cánh tay, đưa lưng hứng những cái đấm, những cái thoi không một tiếng kêu la. Khi mọi người tản ra, chị dìu em ngồi xuống giường, lấy khăn lau mặt cho em, xoa dầu lên những chỗ đau trên người em, mà quên đi vết thương đang rỉ máu nơi bàn chân của chị. Ngày hôm sau, vì vết thương ở chân làm độc, chị bị sốt cao đến mê man. Những người chung quanh hối em phải đưa chị lên trạm y tế ngay kẻo nguy hiểm. Nhưng em vẫn còn xấu hổ vì chuyện xảy ra hôm qua nên thối thoát không đi. May là cô Trinh tốt bụng thay em làm hết mọi chuyện, nếu không, có lẽ suốt đời em sẽ ân hận vì đã xem thường sinh mạng người chị thân yêu của mình.
Em hư đốn như thế đó, nhưng chị vẫn không một lời trách móc mà còn thương yêu và chiều chuộng em hơn. Mỗi lần nhìn thấy bước chân khập khễnh của chị, em thật hối hận, nhưng lại không nói được một lời xin lỗi. Nhưng cũng từ đó em đã trưởng thành hơn để tự nhắc nhở mình đừng trở thành gánh nặng trên đôi vai gầy gò của chị. Chị Ba ơi! nếu chị đang nghe được những lời em đang nói thì chị hãy tha thứ cho những dại dột, lầm lỗi của em nha!!!
Tôi gục đầu vào thành giường, không muốn khóc mà sao nước mắt cứ tuôn. Lạy Trời, lạy Phật xin cứu chị Thạch Thảo của con, xin cho chị mau chóng được hồi tỉnh.
* * *
- Chị Ba nhớ... anh Liêm không? Cái anh cao cao, gầy gầy, có nụ cười thật tươi, chiều chiều hay lảng vảng trước cửa nhà mình để chờ... Nếu ngày hôm đó không gặp được người anh đang chờ, anh sẽ canh lúc em chạy ra khỏi cổng rào là đuổi theo để “nhờ em trao thư này cho chị Thạch Thảo”. Làm sao chị có thể quên được người ấy phải không chị? Bởi vì, đó là mối tình đầu và cũng là mối tình sau cuối như chị vẫn bùi ngùi nói với em khi đưa tay giở lại quyển album cũ nhàu và những cánh thư đã sờn mòn lằn xếp. Có lẽ, chị là một trong con số hiếm hoi của những người được gọi là chung thủy trong thời đại này. Em thật ngưỡng mộ tình yêu trong sáng, chân thành và tha thiết của anh chị. Nhưng rồi anh Liêm phải lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự..., để ngày tiếp ngày chị trông ngóng tin anh qua những cánh thư từ xa xôi gửi về. Dù nỗi nhớ nhung, xa cách có làm chị hao gầy, nhưng ánh mắt chị vẫn rạng ngời với niềm tin về một ngày sum họp trong tương lai cùng pháo đỏ, rượu hồng. Nhưng rồi... lá thư của anh Liêm do một người bạn mang đến đã làm sụp đổ cả niềm ước mơ lớn lao của chị. Chiến trường Campuchia khốc liệt đã lấy mất của anh Liêm một cánh tay cùng nửa bên mặt bị cháy bỏng. “Cuộc đời anh xem như bỏ đi”, anh Liêm viết như thế và quả quyết rằng, mãi mãi sẽ không bao giờ gặp lại để chị an lòng xây dựng hạnh phúc với người đàn ông khác. Chị khóc lóc thảm thiết và tất tả chạy đến nhà anh Liêm để dò hỏi tin tức, nhưng gia đình anh đã dời đi nơi khác tự bao giờ. Phải đến hai năm sau nỗi buồn trong lòng chị mới dần lắng xuống. Và cũng từ đó chị khép kín trái tim, quyết liệt từ chối những lời cầu hôn, mặc cho mẹ lo lắng, buồn bã. Em nhớ có lần chị nói với mẹ: “Nếu Liêm phụ tình con thì con sẽ dễ dàng quên lãng. Nhưng với hoàn cảnh này làm sao con có thể vui vẻ, hạnh phúc trong khi Liêm đang sống một cuộc sống khổ đau, bất hạnh. Con sẽ ở vậy suốt đời để nhớ thương anh ấy”. Mẹ chỉ còn biết lặng im lau nước mắt.
Khi sang đến Mỹ, thấy có nhiều anh chàng theo đuổi chị, em hy vọng chị sẽ thay đổi ý định, nhưng mỗi lần em đề cập đến, chị vẫn nhắc lại câu nói chị đã từng nói với mẹ. Em nghĩ, có lẽ câu nói đó đã trở thành kinh nhật tụng của chị, nên cứ mở miệng ra là chị nói không sai một câu, không thiếu một chữ. Ngày theo chồng, em nắm tay chị tha thiết cầu xin: “Bây giờ, trong nhà chỉ còn một mình chị, em đi mà không an tâm chút nào. Em thấy anh Thế được lắm, chị nên nhận lời ảnh đi”. Chị vuốt má em âu yếm: “Chị chưa già mà, đừng lo cho chị”. Rồi chị lấy hộp đựng thư của anh Liêm – hành trang duy nhất chị mang theo trên đường vượt biên – đưa lên với nụ cười mãn nguyện “hạnh phúc của chị ở trong đây”. Em đành giơ tay đầu hàng, “Em nghĩ hoài vẫn không hiểu sao chị có thể si tình và chung thủy đến như vậy. Em thật khâm phục. Nếu là em... chắc em không làm được như thế”. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ rõ tiếng cười nắc nẻ của chị khi nói với em: “Chị hát em khen hay, thiệt là không giống ai”. Chị Ba có biết, em thèm nghe được tiếng cười của chị biết bao nhiêu không?
 
Cuộc trò chuyện với người chị đang miên man trong giấc ngủ bị cắt đứt bởi tiếng nhạc điện thoại.
- Cô Hiên ơi! Bằng lái xe và thẻ an sinh xã hội của cô Thảo còn ở văn phòng cháu. Cháu gọi mãi mà không liên lạc được với cô Thảo...
- À! Cô Thảo vào bệnh viện hơn hai tuần rồi, mà sao... cô Thảo lại đưa giấy tờ cho Loan?
- Dạ! Hôm đầu tháng cô Thảo đến gặp cháu để mua life insurance. Nhưng khi cháu vào bên trong để copy giấy tờ thì cô lại bỏ về. Cô cho cháu địa chỉ để cháu đến thăm cô Thảo và mang giấy tờ trả lại.
- Thôi được, để cô ghé qua đó. Cô biết Loan rất bận rộn.
Những gì Loan nói khiến tôi hoang mang. Tại sao đột nhiên chị Thạch Thảo lại mua bảo hiểm nhân thọ. Có phải là một điềm gở chăng? Tôi nắm tay chị khóc rưng rức. Đừng bỏ em nghe chị Ba!!!
* * *
Tôi ghé qua văn phòng bảo hiểm, cô thư ký cho biết Loan có việc đi ra ngoài và đang trên đường trở về, dặn tôi vào phòng ngồi chờ một lát. Năm phút trôi qua vẫn chưa thấy Loan trở lại, tôi sốt ruột đứng lên, đi quanh phòng và dừng lại trước ba tấm ảnh xếp theo hình chéo. Một tấm Loan đứng với cô gái khoảng hai mươi tuổi, một tấm Loan ngồi với một người đàn bà rất xinh đẹp – có lẽ là mẹ Loan – và một tấm ảnh chung cả gia đình. Ánh mắt tôi dừng lại trên khuôn mặt người đàn ông đứng tuổi – ba của Loan. Khuôn mặt rất quen với đôi mắt và nụ cười tươi. Tim tôi chợt đập nhanh khi đọc thấy hàng chữ ở cuối tấm ảnh: “Thân tặng, gia đình Hoàng Tấn Liêm”. Có tiếng chân bước vào. Tôi hỏi Loan trong khi đưa tay lau nhẹ khung kính.
- Ba mẹ Loan đẹp đôi quá. Chắc họ đã có một cuộc tình rất đẹp.
Loan cười to. Tiếng cười biểu lộ sự hãnh diện.
- Lúc cô Thảo đến đây, thấy tấm ảnh, cô cũng hỏi cháu như thế.
Hồi trước mẹ đẹp lắm. Ba cháu vừa gặp là mê liền, phải xin cưới ngay vì sợ người khác cướp mất. Ba nói đó là tình yêu sét đánh đấy cô.
Tôi ngẩn người. Có lẽ căn bệnh của chị Thạch Thảo bắt đầu từ câu chuyện tình Loan vừa kể và tấm ảnh này. Tôi ra về vội vã trước ánh mắt ngạc nhiên của Loan.
Vào nhà chị Thạch Thảo, tôi mở tủ lấy hộp đựng thư. Khi chiếc nắp hộp bật ra, tôi ngỡ ngàng nhìn những tờ thư đã bị xé vụn. Bức ảnh anh Liêm và chị Thảo chụp chung cũng bị gạch nát và phía sau là dòng chữ “Tại sao! Tại sao!!!” với những dấu chấm than đậm nét, biểu lộ sự uất ức, giận dữ.
Thì ra người đàn ông trong bức ảnh gia đình kia – người đã chiếm trọn trái tim của chị Thạch Thảo, khiến chị tự nguyện sẽ ở vậy để suốt đời thương nhớ anh ấy” – không hề bị cháy mặt, không hề bị mất tay, mà anh ta chỉ dùng tấn kịch bi thảm để rời xa chị một cách nhanh chóng, dễ dàng. Hai mươi sáu năm trôi qua, chị Thạch Thảo đã dành sự chung thủy của mình cho một tình yêu gian dối. Tôi hiểu nỗi đau của chị, một nỗi đớn đau không bút mực nào có thể tả hết. Còn anh Liêm, có bao giờ biết rằng mình là người đàn ông tàn nhẫn nhất trên đời, vì chính anh đã cướp mất quãng đời thanh xuân của người con gái hết lòng yêu thương anh không?
Tôi mở cửa, bước lên xe. Nhìn nét mặt thất thần của tôi, Khải lo lắng hỏi:
- Chuyện gì thế em?
Tôi gục đầu vào vai Khải, nghẹn ngào kể lể. Qua cơn xúc động, cơn giận trong lòng tôi bùng lên như lửa cháy.
- Em sẽ đến gặp mặt người đàn ông đó để nói cho anh ta biết hậu quả việc làm vô lương tâm của anh. Nếu ngày trước anh ta nói thẳng với chị Thảo rằng, anh đã yêu người đàn bà khác, thì chắc chắn chị của em đã có một mái ấm gia đình, chứ không phải lẻ loi, đơn độc như bây giờ. Em phải tìm đến nơi để vạch mặt anh ta.
Khải vỗ nhẹ vào lưng tôi:
- Đừng em... anh nghĩ... ngay bây giờ, điều mình nên làm là dành thời gian, tâm trí vào việc chăm sóc chị Thảo. Với tình thương và lòng thành khẩn của em, anh tin sẽ có ngày chị hồi phục. Những gì thuộc về quá khứ đầy buồn phiền em đừng bao giờ nhắc lại. Hãy kể cho chị Thảo nghe những kỷ niệm vui vẻ, dễ thương như em đã từng nói bên tai chị hằng ngày trong mấy tuần vừa qua. Đó là điều mà bác sĩ muốn mình tiếp tay với họ trong việc chữa trị. Và một điều em cần nhớ, đừng bao giờ nhắc đến tên của người đàn ông đó.

Tôi đập tay vào thành ghế, bật khóc vì tức tối, vì không biết phải làm sao để đòi lại sự công bằng cho người chị khốn khổ của mình.
Ngân Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét