Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Hội An bảo vệ môi trường như thế nào?


Hình:internet

Thành phố Hội An hồi trong tuần cho biết bắt đầu từ ngày thứ ba 25 tháng 3 tới đây tất cả công chức của thành phố này khi đi làm việc đều phải sử dụng xe đạp, trừ những trường hợp đặc biệt. Và sang đến đầu tháng tư, toàn thể người dân được vận động đi lại trong thành phố bằng phương tiện xe đạp.

Lợi ích - bất tiện

Mục tiêu của chủ trương yêu cầu công chức đi làm bằng xe đạp; ngoại trừ trường hợp đặc biệt, cũng như vận động người dân sử dụng xe đạp để đi lại được cho biết ‘nhằm góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng Hội An- thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch”.

Ông Nguyễn Sự, chủ tịch Hội Đồng Nhân dân thành phố Hội An cho biết chủ trương đi xe đạp tại thành phố Hội An như sau:

Thực ra mà nói cách đây 10 năm, Phố cổ Hội An đã đi xe đạp và đi bộ rồi. Cả khu vực phố cổ Hội An không có xe gắn máy, không có tiếng động cơ. Gần như người dân phố cổ Hội An và du khách chấp hành việc này rất tốt. Nó tạo ra thích thú cho du khách khi đến Hội An và điều quan trọng hơn là đảm bảo được vấn đề môi trường, không có tiếng ồn, ít ô nhiễm và không xảy ra vấn đề tai nạn giao thông trong khu phố cổ. Chính không có tiếng động cơ như thế tạo nên sự thích thú cho du khách khiến du khách đến đông hơn và ngày càng mang lại lợi ích cho người dân trong khu phố cổ.

Nay chúng tôi quyết định mở rộng cuộc vận động này ra trên toàn thành phố. Mà để cuộc vận động được toàn thể nhân dân hưởng ứng thì cán bộ, công chức phải gương mẫu, thực hiện trước. Đó là bằng cách công chức khi đi làm đến công sở dưới 5 kilomet đều phải đi xe đạp. Khi chúng tôi đưa ra chủ trương này hầu hết công chức đều đồng tình. Hiện nay có một số cơ quan đã sắm xe đạp và nhiều người đã đi xe đạp đến cơ quan. Sau khi có chủ trương như vậy, chúng tôi đưa đến từng cơ quan bàn bạc để thực hiện. Tuy nhiên cũng có một số ít ý kiến phản ứng; tất nhiên việc gì cũng có phản ứng; nhưng theo tôi cái gì cũng tạo từ thói quen miễ là nếu làm vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của thành phố, lợi ích của từng người dân.

Ông Nguyễn Sự đề cập đến những lợi thế thành phố Hội An có được để có thể triển khai chủ trương sử dụng xe đạp đi lại trong thành phố, nhất là đối với công chức khi đi làm hằng ngày từ nhà đến sở:

Thứ nhất thành phố nhỏ, cự ly đi lại của người dân không dài, không xa lắm. Thứ ba nữa đường phố Hội An chật hẹp, không to, không lớn dẫn đến điều là đi xe máy, ô tô thậm chí chậm hơn đi xe đạp. Tốt nhất đi xe đạp vẫn là thuận lợi hơn trong điều kiện bây giờ. Đó là một trong những yếu tố để chúng tôi có thể thực hiện được việc này.

Tuy nhiên theo một người dân sinh sống và làm ăn tại thành phố Hội An, hằng ngày phải tiếp xúc và phục vụ khách hàng thì có một số bất tiện khi phải sử dụng xe đạp để làm ăn như thế, người đó cho biết:

Tất nhiên đi xe đạp cũng có trở ngại khó khăn vì từ hồi nào đến giờ giao dịch với khách nếu khách yêu cầu chở đi đâu, không lẽ chở bằng xe đạp: Tây to mà sao Việt Nam chở bằng xe đạp.Rồi đi chọn kiểu mẫu, vải mà chở Tây sao chở cho nổi. Đi bằng xe đạp chậm thời gian, không phục vụ khách được. Đi xe máy khi nào cũng nhanh hơn đi xe đạp.

Người này nhắc đến đoạn đường 4 kilomet từ thành phố xuống đến Cửa Đại nơi có bãi để dân chúng và du khách tắm biển thì đó cũng là một đoạn đường dài khi đi xe đạp xuống và về lại:

Đạp đi, đạp về 8 kilomet. Rất lâu, dài, tốn thời gian. Nếu là công nhân viên chức 7 giờ có mặt tại công ty; nếu đi xe đạp phải đi từ 6 giờ, còn đi xe máy 6:45 mới đi như thế tiết kiệm được thời gian. Đạp đến công ty thì chết ngắt. Không lụt, bão thì còn tốt; nhưng Hội An là trung tâm lụt bão.

Người dân của thành phố Hội An cũng cho biết về nạn mất cắp xe đạp tại đó so với việc ăn cắp xe máy như sau:

Ngay gần chợ xe đạp thường mất, mà xe máy thì chưa bao giờ mất. Xe đạp rất dễ mất cắp. Tây để xe còn mất chứ chưa nói đến Việt Nam.

Đối với chuyện mất cắp như thế, ông Nguyễn Sự có trình bày:

Vấn đề mất cắp nơi nào cũng có, nhưng chúng tôi có thể nói thế này: thỉnh thoảng Hội An mới có mất cắp xảy ra, cả một tháng hai tháng mới có xảy ra chứ không phải xảy ra thường xuyên.

Tôi có thể nói đối với nhân dân Hội An có thể tự hào một điều là ai cũng hiểu đâu cũng có  người tốt, người xấu; nhưng dân chúng Hội An đều hiểu rằng người ta chỉ có thể giàu lên bằng sự tử tế. Người ta kinh doanh để lấy tiền; nhưng người ta không chấp nhận hành động gây phiền hà, tạo ra sự khó chịu, nghi ngờ không tin tưởng của khách. Người ta thông hiểu giá phải trả: khi việc đó xảy ra trên địa bàn của họ thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ lâu dài. Họ tự trọng biết rằng nếu chuyện đó ( mất cắp) xảy ra trên địa bàn của họ thì du khách sẽ khinh họ.

Phần lớn người dân Hội An phản ứng đối với việc (ăn cắp) đó. Việc mất cắp xảy ra ở những nơi tham quan, lễ hội tại Hội An cũng có nhưng rất ít, hãn hữu.

Theo ông Nguyễn Sự chủ trương của thành phố được triển khai là vì lợi ích của người dân, của cộng đồng. Trên cơ sở đó thì việc thực hiện sẽ có kết quả:

Qua 10 năm, điều thuyết phục được người dân là lợi ích của người dân, lợi ích của cộng đồng. Qua 10 năm, từ việc đi xe đạp, đi bộ trong khu phố cổ, đã mang lại lợi ích về môi trường- tiếng ồn không có, chất thải không nhiều, phố trở nên yên tĩnh hơn. Người ta cảm thấy an toàn hơn khi sống ở một khu phố yên tĩnh. Thứ hai, khi ra đường người ta không còn lo xác xe gắn máy chạy nhanh nên họ đi nhẹ nhàng. Nó tạo ra cảm giác cho người dân sống chậm lại trong một môi trường phải làm việc như thế này. Họ thấy thích thúc trong tốc độ chậm lại như hiện nay.

Khi du khách thấy thích thú thì họ đến nhiều hơn.

Chúng tôi rút ra kết luận là việc gì làm lợi ích cho cộng đồng, chứ không vì lợi ích của một nhóm nào, thì cuộc vận động hiện nay sẽ thành công. Tôi tin chắc, người ta khi đi lại dưới 5 cây số, ở cự ly gần người ta sẽ đi xe đạp. Điều này không chỉ đối với công chức mà đối với người dân.

Người phụ nữ sinh sống tại thành phố Hội An cho rằng một khi cơ quan chức năng đã quyết định yêu cầu dân chúng đi lại bằng phương tiện xe đạp thì người dân chấp hành thôi:

Tất nhiên đi xe đạp sẽ hạn chế gây tai nạn, gây tiếng ồn. Nhưng phố cổ thì bao nhiêu xe máy mà gây ra tiếng ồn.

Tuy nhiên nếu như họ ra qui định thì tôi vẫn chấp hành dù rằng phục vụ khách không được tốt.

Hạn chế túi nylon

Một biện pháp giúp bảo vệ môi trường cho thành phố du lịch Hội An là hạn chế sử dụng túi nylon cũng đã được áp dụng tại đó từ năm 2009 đến nay.

Ông Nguyễn Sự cho rằng chủ trương đó nhận được hưởng ứng của dân chúng thành phố và một địa phương là Cù Lao Chàm đã triệt tiêu được túi nylon giúp môi trường sinh thái được phục hồi.

Thành phố du lịch- sinh thái

Hội An, trực thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm cách thành phố Đà Nẵng chừng 30 kilomet về phía nam. Đây là một thành phố có lịch sử từ xa xưa của người Chàm. Đến thế kỷ thứ 16, 17 nơi đây trở nên một thương cảng sầm uất.

Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới với những công trình kiến trúc nhà ở, đền miếu, chùa chiền...được bảo tồn khá nguyên vẹn. Có thể nói du khách ngoại quốc khi đến miền Trung Việt Nam đều được đưa đến tham quan thành phố Hội An.

Chính quyền thành phố Hội An tiến hành nhiều hoạt động nhằm có thể duy trì những nét đặc trưng của Hội An, xây dựng nơi này thành một khu sạch đẹp về môi trường cho người dân địa phương và thu hút thêm ngày càng nhiều du khách đến tham quan thành phố.

Thống kê cho thấy Hội An hiện có 4 ngàn công chức và dân chúng thành phố này tổng cộng chừng 121 ngàn người.

Gia Minh 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét