Người biểu tình đòi tự do cho Lê Quốc Quân trong phiên xử phúc thẩm ở Hà Nội. (Hình: Getty Images) |
Nhà cầm quyền Hà Nội không ngờ tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án 30 tháng tù đối với Luật Sư Lê Quốc Quân đánh động dư luận quốc tế mạnh đến như vậy.
Mười bốn tổ chức phi chánh phủ đồng ký tên lên án Việt Nam vi phạm điều 19 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Hà Nội đã ký kết phải tôn trọng. Trong số các tổ chức đó có hội Luật Gia Bảo Vệ Luật Gia (Lawyers For Lawyers), Luật Gia Không Biên Giới (Avocats-Sans-Frontières), Văn Bút Anh (English Pen), Văn Bút Mỹ (Pen American Center), Văn Bút Quốc Tế (Pen International), Quỹ Quốc Gia Hỗ Trợ Dân Chủ (National Endowment for Democracy), vân vân...
Bảy mươi mốt nhà trí thức Châu Âu đứng đầu là Giáo Sư Tiến Sĩ Johannes Kals và nhiều nhân vật quan trọng Ðức, Pháp lên án Hà Nội và can thiệp cho Lê Quốc Quân.
Ông Thomas Hughes, giám đốc điều hành của tổ chức mang tên “Article 19” (điều 19 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền) tuyên bố: “Việt Nam tiếp tục trấn áp những người bảo vệ nhân quyền, điều đó đặt ra câu hỏi về tư cách thành viên Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc của họ.” Liên Minh Âu Châu, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông cáo, đều bày tỏ lo ngại về quyết định của tòa án Hà Nội, ngày 18 tháng 2, 2014.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng sau khi Luật Sư Lê Quốc Quân tham gia một khóa học do Quỹ Quốc Gia Hỗ Trợ Dân Chủ (NED) nói trên tại Hoa Kỳ, trở về Việt Nam liền bị bắt ngày 8 tháng 3, 2007, với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Thời gian đó Thượng Nghị Sĩ John McCain và cựu Ngoại Trưởng Madeline Albright đã viết thơ phản đối việc bắt giam tùy tiện này. Do đó ông Quân không bị truy tố vì ông bị bắt vô cớ. Nên sau 3 tháng giam cầm, Hà Nội bắt buộc phải trả tự do cho ông, chờ ngày “ngụy tạo” một hồ sơ trốn thuế để lấy bằng cớ bài trừ một phần tử tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền. Cũng giống như tội trốn thuế của Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, hay bắt Luật Sư Cù Huy Hà Vũ vì hai cái bao cao su do công an, hay ai đó bỏ trước vào ngăn kéo tại khách sạn.
Ông Quân là luật sư đã từng biện hộ cho “dân oan” khiếu kiện vì bị cướp đất và cho giáo dân bị bắt vì bảo vệ tự do hành đạo. Hai lần xử Lê Quốc Quân, dân chúng biểu tình đông đảo trước tòa án kêu gào ông Quân vô tội và đòi phải trả tự do cho ông ngay. Các tổ chức quốc tế đều cho rằng Hà Nội “ngụy tạo” bằng cớ để bắt giữ và kết án người bất đồng chính kiến.
Hội Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo khẳng định: “Ðây là bản án lố bịch, một ví dụ rõ ràng cho thấy giới chức Việt Nam quấy rối và bỏ tù những người có quan điểm khác và chỉ trích họ một cách ôn hòa.” Ông Robert Herman, người đứng đầu các chương trình của Freedom House nói: “Chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án ông Quân vì ông đã lột trần những vi phạm nhân quyền và những việc làm sai trái mà báo chí Việt Nam đã phớt lờ.”
Ông Benjamin Ismail, giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới lên tiếng yêu cầu: “Việt Nam hãy thôi lừa bịp thế giới về thành tích nhân quyền của họ.”
Ðại diện của Media Legal Defence Initiative, bà Nani Jansen nói: Ðối với những lời chỉ trích hay kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm “Việt Nam đã giả điếc”!
Ðúng vậy, chẳng những nhà cầm quyền giả điếc, không trả tự do mà còn tăng gia bắt bớ và tuyên án phạt nặng để trừ khử và răn đe. Bởi vì những phần tử yêu nước, bảo vệ nhân quyền, đòi tự do dân chủ là mối de dọa trực tiếp đối với chế độ độc tài gian ác Hà Nội.
Mười bảy ngày trước khi ra tòa, Lê Quốc Quân đã tuyệt thực phản đối sự ngược đãi của cai tù không cho ông gặp mặt luật sư biện hộ và gia đình. Tại phiên tòa xử ngày 18 tháng 2, phóng viên AFP có tham dự cho biết: Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Sơn tuyên bố: “Không giảm án đối với Lê Quốc Quân vì bị cáo đã không hề ăn năn.” Trên thế giới không có tòa án nào xử theo sự ăn năn hối cải mà phải xử căn cứ theo luật định, theo tang vật tang chứng, không theo cảm hứng chủ quan của chánh án. Trong khi đó Lê Quốc Quân khẳng định: “Tôi vô tội, tôi là nạn nhân của những hành động chính trị. Ðã từ lâu tôi là người tố cáo và chiến đấu với vấn nạn tham nhũng, bộ máy quan liêu, và sự trì trệ đang làm nguy hại đất nước này. Tôi bị tuyên án chỉ vì tôi yêu đất nước tôi.” (Theo lời tường thuật của phóng viên Chris Brummitt thuộc Associated Press, có mặt tại tòa)
Ông Lê Quốc Quyết, em ruột Lê Quốc Quân xác nhận với đài BBC, vào đúng đêm 30 Tết có một người chuyển những bức thư viết tay của anh Quân đến cho gia đình chúng tôi. Chúng tôi đoán người đó là anh em tù mới được ân xá. Những dòng chữ được viết trên các mảnh giấy vụn vặt, có chỗ viết trên mặt trong của vỏ bao thuốc lá. Ðúng là chữ, là văn, là tư tưởng, là chữ ký của anh Quân. Bức thư viết: “Từ nhà tù Hỏa Lò, giữa bao vây và trở ngại đến nghẹt thở, tôi hy vọng mảnh giấy này đến được với truyền thông và công luận... Tôi sẵn sàng ngồi tù cho đến chết nếu điều đó là tốt đẹp hơn cho Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam... Tôi có một mong muốn tột bực là Tự do-Dân chủ-Nhân quyền được có thật trên quê hương yêu dấu này. Ðó là nền tảng cho ấm no và hạnh phúc bền lâu cho đồng bào.” Ông cũng bày tỏ lời cám ơn tới những ai quan tâm đến vụ án. Ðặc biệt trong thơ có câu: “Tôi cũng tha thứ cho bất cứ ai đã gây ra lỗi và đau khổ cho tôi và gia đình tôi, dù họ có đứng trên quan điểm nào.” Ðiều đó chứng minh bức thư này thật sự là của ông Quân, đúng là tiếng nói của người Công Giáo, của Lê Quốc Quân.
Sau khi bị bắt lần thứ nhứt ngày 8 tháng 3, 2007 và trả tự do sau ba tháng, ông Quân cầm chắc nhà nước cộng sản không thể bỏ qua dễ dàng, tuy nhiên lương tâm của nhà trí thức và lòng yêu nước thúc giục ông phải can đảm tiếp tục tranh đấu cho tự do và nhân quyền cho đến ngày bị công an ngụy tạo hồ sơ bắt và truy tố vì tội trốn thuế. Ðó là chưa kể một áp lực của quan thầy Bắc Kinh đòi phải vô hiệu hóa tinh thần chống ngoại xâm của Lê Quốc Quân, đồng thời ông còn hợp tác với những tổ chức nước ngoài, đánh giá những công ty Việt Nam đã từng ký hợp đồng giả tạo khổng lồ với công ty Trung Quốc, để họ đóng bảo hiểm quốc tế. Kết quả Việt Nam không giao hàng vì phá sản, bảo hiểm đền cho Trung Quốc những món lợi to nhờ sự đồng lõa gian dối của phía Việt Nam. Các hồ sơ đánh giá khả năng tài chánh, thương mại của công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam do Lê Quốc Quân đại diện pháp lý, làm cản trở tiền lời phi pháp của người Trung Hoa, vì vậy ông Quân là cái gai cần phải nhổ.
Sự can đảm nào cũng đòi hỏi tinh thần hy sinh. Vì vậy sự lựa chọn của Lê Quốc Quân, dấn thân tranh đấu cho tự do nhân quyền, dù biết trước sẽ bị tù đày, sẽ gây thảm họa cho bản thân và gia đình, đôi khi còn có thể nguy hại đến tính mạng, trong khi ông đang sống trong ấm no, hạnh phúc với gia đình. Sự lựa chọn đó chắc chắn có nhiều đắn đo lo ngại, không phải dễ như người thường tưởng. Nhưng trước vận nước ngả nghiêng, dân chúng khổ nhục, những người thương nước yêu dân như ông không còn lựa chọn nào khác ngoài sự dấn thân. Cho đến ngày nay đã có bao nhiêu người đi trước ông như Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Ðịnh, Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên và bao nhiêu người khác đang là tù nhân lương tâm.
Ðáng mừng thay, đất nước hãy còn những anh hùng dám đứng ra chống độc tài đảng trị, chống giặc phương Bắc xâm lăng, chống đảng bán nước. Thảm cảnh nói trên đã đánh thức tuổi trẻ, họ là những phần tử sẽ làm nên lịch sử như bao nhiêu lần đã xảy ra trên thế giới.
Hà Nội cầm tù và quản chế Lê Quốc Quân, sợ trả tự do thì ông sẽ thành lãnh tụ của phong trào chống đối. Nhưng thực tế bản án của ông đánh động dư luận với sự can thiệp ồ ạt từ khắp nơi trên thế giới, kết thành vòng hoa cho ông, để ông dễ gây phong trào chống độc tài, xây dựng tự do dân chủ và nhân quyền. Hai cuộc biểu tình đầy dẫy biểu ngữ “Trả tự do cho Lê Quốc Quân”, “Dân oan sát cánh với Lê Quốc Quân”,... cũng là một phần dân chúng bình bầu cho ông rồi. Trong một khía cạnh nào đó bản án của Lê Quốc Quân là một điều tốt cho đất nước, vì nó cho quốc tế thấy rõ bộ mặt dối trá, gian manh của nhà cầm quyền Hà Nội. Và cũng trong một chừng mực nào đó, nó cổ võ cho giới trẻ mạnh dạn hơn trong hành động chống độc tài và ngoại xâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét