“… Chúng ta chưa hề thấy hỗn loạn và tắm máu khi các nước cộng sản Đông Âu và Nga tan vỡ và sụp đổ. Đó chính là nhờ tinh thần hòa giải của các cấp lãnh đạo đối lập và của nhân dân các nước này …”
Câu chuyện xảy ra tại một trai giam ở nước Đức vào thời Đệ Nhị Thế chiến. Đời sống của các tù nhân rất là cơ cực. Trời rét lạnh căm căm, cơn đói dằn vặt, tù nhân vẫn phải tiếp tục lao động khổ sai. Họ mong được trở về căn nhà giam trong trại để nghỉ ngơi. Nhưng trong căn nhà này có một anh gác ngục mang giầy bốt đang chờ đợi họ về để tìm cách giải khuây. Đương sự là người duy nhất trong trại vui đùa trên sự đau khổ của kẻ khác. Hắn bóp mũi một tù nhân nọ, hắn đá vào bụng một tù nhân kia. Mỗi khi chiều về mọi tù nhân đều tự hỏi không biết hôm nay đến phiên mình bị hành hạ chưa.
Một hôm có một người can đảm đến trước mặt anh cai ngục và nói:
- Mỗi ngày ông phải đánh một người. Tôi xin phép ông để cho tôi là người chịu đòn ngày hôm nay.
– À, thằng này giỏi thật. Mày muốn tỏ vẻ khôn ngoan với tao hả. Mày thử đoán xem mày nhận bao nhiều đòn roi của tao sắp đánh đây…
– Tôi không có bổn phận phải nói tôi nhận bao nhiêu đòn, tôi để cho lương tâm ông trả lời.
– Lương tâm hả, lương tâm của tao hả. Tao làm gì có lương tâm.
Người tù bình tĩnh đáp lại:
– Có chứ. Ông có lương tâm đấy chứ. Bằng chứng là ông chưa đánh tôi.
Người tù chậm rải đi bước tới, không thèm nhìn anh cai ngục, nói tiếp:
– Tôi tin rằng tối này ông sẽ không đánh đập tôi…
– Tôi tin rằng tối này ông sẽ không đánh đập tôi…
Cuối cùng người tù quay lại nhìn anh cai ngục. Anh cai ngục, mặt tái đi, nhìn chăm chăm về phía trước, nước mắt tuôn trào và đôi môi run rẩy.
Từ bao lâu rồi, chẳng ai nhắc nhở đến lương tâm của anh cai ngục khốn khổ này, và có lẽ đây là lý do anh đã đánh mất sự sáng suốt của anh.
Kể từ ngày đó, không một tù nhân nào bị anh ta đánh đập nữa.
Đơn giản nhưng tinh tế
Con người từ ngàn năm luôn dùng bạo lực để giải quyết xung đột. Bạo lực đã ăn sâu vào tiềm thức và não trạng của con người. Con người nghĩ rằng đó là giải pháp nhanh nhất và hữu hiệu nhất để giải quyết những tranh chấp. Và điều này đã đưa đến những cuộc xung đột tàn khốc và lịch sử nhân loại chỉ là một chuỗi dài những cuộc chiến. Bước sang thế kỷ thứ XXI, con người khôn ngoan hơn và tìm ra được mô hình dân chủ, phương thức "win - win", (cả hai cùng hưởng lợi) đến độ triết gia Francis Fukuyama phải tuyên bố: "Lịch sử của nhân loại đã chấm dứt", vì con người đã nhận thức phần nào chiến tranh không còn là phương tiện duy nhất để giải quyết xung đột, con người không còn tin theo một hệ tư tưởng nhất nguyên nào nữa để phải hy sinh cả mấy thế hệ rồi kết quả chẳng lấy gì làm tốt đẹp.
Bất bạo động là một ý niệm đơn giản nhưng tinh tế. Con người cảm thấy khó khăn khi muốn đem áp dụng nó và đôi lúc không hiểu nó là gì tại vì nó hoàn toàn xa lạ với cách hành xử thông thường của con người, có nghĩa là nếu không vừa ý là con người dùng ngay bạo lực để giải quyết. Vấn để trở nên phức tạp hơn khi con người tưởng rằng đã nắm bắt được ý niệm này và cho rằng bất bạo động là từ chối mọi đấu tranh và tìm cách luồn lách và tránh né những đòn đánh của đối thủ.
Theo ông Lanza del Vasto, bất bạo động bao trùm ba định nghĩa chính: 1. Bất bạo động là giải quyết xung đột; 2. Bất bạo động là sức mạnh của công lý; 3. Bất bạo động là đòn bẩy để cải hóa đối thủ.
1. Giải quyết xung đột
Người ta chỉ nói đến bất bạo động khi nào có xung đột. Chúng ta không thể gọi con người bất bạo động là con người tìm cách lẩn trốn trong khi thế giới đang bùng lửa. Chúng ta không thể đoán biệt được ai là người có tinh thần bất bạo động. Chúng ta chỉ nhận ra con người có tinh thần bất bạo động khi họ giải quyết xung đột mà không dùng đến sự ép buộc và cũng không dùng đến mánh khoé. Bất bạo động là dám nói không với bạo lực và từ chối tất cả những hình thức bất công, lạm dụng và dối trá.
Đứng trước một tình thế xung đột, chúng ta thoạt tiên chỉ thấy có bốn thái độ.
Thứ nhất là ngoảnh mặt làm ngơ và lẩn tránh vấn đề, nhất là khi chúng ta cảm thấy chúng ta không phải là nạn nhân trực tiếp, bởi vì như các bạn đều biết "chúng ta có đủ can đảm để chấp nhận những xấu xa của kẻ khác". Chuyện này xét cho cùng không liên quan gì đến chúng ta. Chúng ta bình thản và lặng lẽ tránh né.
Thái độ thứ hai là can đảm nhảy vào cuộc, đấm đá, ăn thua đủ và nhất là phải thắng nếu chúng ta có sức.
Thái độ thứ ba là quay lưng bỏ chạy, "mũ ni che tai" và áp dụng kế sách thứ 36 "tẩu vi thượng sách".
Thái độ thứ bốn là giơ hai tay lên trời, quỳ gối, van xin và khấn nài xin được khoan hồng, nói tóm lại là đầu hàng.
Các bạn có thấy được thái độ thứ năm không?
Thái độ thứ năm và là phương sách cuối cùng: bất bạo động.
Thái độ thứ năm gạt bỏ tất cả bốn thái độ kể trên. Không lãnh đạm, không ẩu đả, không chạy trốn, không đầu hàng, vậy chúng ta phải làm gì?
Chúng ta phải đương đầu với địch thủ và buộc địch thủ nhận biết địch thủ cũng là người như chúng ta. Đó là sự thật không thể tránh né. Nếu đương sự là người thì tinh thần công lý tiềm ẩn nơi con người của đương sự cũng như của mỗi một con người. Đã là con người thì ai cũng khát khao công lý. Và công lý đơn giản như hai với hai là bốn. Cho dù các bạn có muốn hay không muốn, các bạn có thông thái hay kém cỏi, các bạn có sức mạnh hay yếu đuối, kết quả phải là bốn, không thể nào khác được.
Khi các bạn hành xử như vậy, các bạn không còn dửng dưng thờ ơ nữa, các bạn không trốn chạy, không lùi bước. Các bạn kháng cự và giữ chặt đối thủ, các bạn chỉ buông tha khi xung đột đã được giải quyết.
Bất bạo động chính là giải pháp duy nhất, không có giải pháp nào khác để giải quyết xung đột. Nếu bạn lấy oán báo oán, bạn không dứt bỏ được cái oán, bạn nhân cái oán lên gấp đôi. Làm thế nào chúng ta gọi là thiện khi chúng ta dùng cái ác để đánh lại cái ác.
Bạn làm thế nào để ngăn chặn cái ác, trong khi chính bạn gắn thêm một mắt xích vào chuỗi dài những điều ác? Vì kẻ thua cuộc trông chờ ngày phục hận để báo thù. Nếu bạn giết người này, anh em của người này sẽ tìm cách báo thù. Nếu bạn lấy xích xiềng để còng người này, chính bạn là con người cầm dây xích ở đầu bên kia. Bạo lực là sợi dây liên tục. Những ai dùng bạo lực để cởi trói thực ra chỉ tôi luyện cho sợi dây bạo lực rắn chắc hơn. Chỉ có bất bạo động là giải pháp hữu hiệu nhất, cắt đứt chuỗi dài bạo lực và thực sự giải thoát con người.
2. Sức mạnh của công lý
Công lý tự bản chất là một sức mạnh, là một chân lý giống hệt như chân lý toán học. Sức mạnh của công lý giống như phương trình toán học một bằng một. Như vậy tại sao có những kẻ gây nên bất công và ai là kẻ ác.
Thật ra kẻ ác không có. Vì chẳng bao giờ có ai tự nhận mình là kẻ ác cả. Mọi người đều ra sức đấu tranh để công lý được thể hiện, nếu không con người không còn định hướng và không có lý do để hành động. Cái ác không phải là cái ác mà là một việc thiện chưa hoàn tất mà người ta tưởng là toàn hảo rồi, một điều lợi trước mắt mà người ta tưởng là một việc thiện lâu bền. Trái ngược với công lý không phải là bất công, mà là phân biệt đối xử, là đầu óc thiên vị.
Tất cả những điều ác và tất cả những bất công đều phát xuất từ sự sai lầm và mê muội. "Khi tư tưởng lầm đường, sự mê muội tiếp nối theo như bánh xe của một cỗ xe theo vết chân của con bò kéo", lời của một vị hiền triết vẫn còn văng vẳng nơi đây.
Kẻ ác là ai? Ai là người đã cướp của cải của tôi, đã chà đạp lên quyền lợi của tôi, muốn giết tôi và những người thân yêu của tôi? Con người này là một tên khốn kiếp, mặt dày, đáng khinh rẻ. Hắn là một tay nham hiểm lạnh lùng, là một thằng phản bội, là một tên giả hình, là một tên khốn nạn. Hắn đúng là kẻ thù của ta. Hắn là ai? Hắn là một người đã đi lầm đường.
Nhận xét này rất quan trọng, vì trên căn bản này mà bất bạo động bén rễ.
Hệ lụy thứ nhất rút ra từ nhận định này là chúng ta không có quyền thù ghét người này. Ghét một người lầm đường là một việc vô bổ, khôi hài, không thức thời và bất công.
Hệ lụy thứ hai là tôi có bổn phận đơn giản nhưng cấp bách là vạch đường chỉ lối cho đương sự thấy là đương sự sai lầm. Việc này rất là tự nhiên. Chúng ta luôn làm việc này một cách bộc trực khi chúng ta nghe một ai xác định một điều gì sai, ngay cả khi người đó không trực tiếp nói chuyện với chúng ta và ngay cả chuyện đó không liên quan gì đến chúng ta. Chúng ta làm việc này vì chúng ta tôn trọng sự thật, và sự thật liên can đến mọi người. Chúng ta sống nhờ sự thật và chúng ta hiện diện cũng nhờ sự thật.
Hệ lụy thứ ba là chúng ta phải dàn trận và lập kế hoạch để phản biện từng lập luận của địch thủ, những biện luận địch thủ dùng để tự bào chữa, tự bao che khiến cho đương sự bị mê muội, để cuối cùng cho đương sự thấy dung nhan trần trụi của đương sự trước những phán đoán của chính lương tâm đương sự.
Sức mạnh của thuyết phục
Bất bạo động là một việc đơn giản, nhưng thực hiện bất bạo động không phải là chuyện dễ. Nếu không có ông Gandhi thực hiện hữu hiệu cuộc đấu tranh bất bạo động tại Ấn Độ, ít ai dám cho rằng bất bạo động là một việc có thể làm được.
Cho dù chúng ta phải mệt mỏi, chúng ta phải đau đớn và nhất là đau đầu suy nghĩ để tìm giải pháp, nhưng chúng ta không đòi hỏi xương máu của bất cứ ai, yêu cầu hy sinh tính mạng của bất cứ ai. Hệ quả của bất bạo động là không có kẻ thua cuộc, không một ai bị hạ nhục và bị trả thù. Đó chính là sự khôn ngoan và sự khôn ngoan tránh cho chúng ta dùng đến võ lực.
Đôi khi bất bạo động cũng ngăn ngừa những xung đột và ngăn chặn xung đột bùng nổ do những lời lẽ chính đáng, chừng mực và công bằng. Nó làm dịu sự phẫn nộ của người những tưởng mình bị thiệt hại, bị xâm phạm hoặc bị đe dọa. Đó chính là sức mạnh của thuyết phục.
Sức mạnh của niềm tin
Đôi khi lời lẽ là hành động. Nó mạnh mẽ và thực tế hơn tất cả mọi hành động. Cậu chuyền về vua David, một vị vua lỗi lạc của Do Thái vào thế kỉ thứ IX trước Công Nguyên, minh chứng điều này. Vua David đã cướp vợ của một anh sĩ quan tận tụy phục vụ cho mình và đẩy anh sĩ quan này ra chiến trường để đưa anh vào chỗ chết. Nhà tiên tri Nathan biết chuyện này và tìm cách bày tỏ sự bất bình của ông. Ông mượn cớ trình bày với vua một vụ tai tiếng trong dân gian:
– Tôi được biết có một người sống nghèo khổ chỉ có một con cừu con và yêu thương nó hết mức. Anh này sinh sống bên cạnh nhà một anh phú hộ giàu có. Một hôm có người đến xin ăn ở nhà phú hộ, anh phú hộ không lấy thức ăn của mình mà lại sai người đến nhà anh nghèo cướp con cừu con và giết chết anh này...
– Thằng nhà giàu này khốn nạn thật, vua David tỏ vẻ phẫn nộ. Ngài tìm cho ra thằng khốn nạn này, triệu nó về đây và xử tử nó ngay!
Tiên tri Nathan nhìn và chỉ thẳng vào mặt Vua David và nói:
– Thằng khốn nạn đó chính là đức vua!
Vua David bừng tỉnh, thấy mình đã làm điều sai trái và lập đàn ăn chay hãm mình để chuộc lỗi lầm.
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được một người khốn nạn tầm cỡ như vua David. Bấy nhiều lời lẽ không đủ để cải hóa con người một cách mau chóng.
Sức mạnh của sự nhẫn nhục
"Các con hãy chià nốt má bên kia" để cho địch thủ đánh có nghĩa là: "Buộc địch thủ phải sai phạm hai lần điều ác mà địch thủ không ngờ tới". Tại sao lại như vậy?
Bởi vì người giơ tay đánh bạn biết rõ trong thâm của họ hành động này bất công, có điều đương sự không dám để lộ tình cảm của mình đó thôi. Tinh thần công bằng tiềm ẩn nơi con người của đương sự chỉ trông chờ bạn phản công. Đương sự cần sự phản công của bạn vì khi phản công, bạn chứng tỏ hành động của y là đúng và nhờ đó đương sự có cớ để tiếp tục.
Thay vì nhận lại một đòn trả đũa, đương sự đứng trước một tình huống bất ngờ khó xử là phải bồi thêm gấp bốn ba, gấp bốn, gấp năm lần sai phạm của mình.
Nguyên tắc chiến thuật của bất bạo động là dẫn dụ và buộc đối thủ hành động sai phạm mỗi lúc một nhiều hơn. Và bản thân bạn, bạn nên kiên nhẫn chịu đựng, bền bỉ chịu đựng với tình thần hy vọng.
Các bạn phải cố gắng giữ vững tinh thần, không sờn lòng, không chùn bước, để rồi địch thủ tích lũy sai phạm và bất công, và một lúc nào đó trong góc cạnh đen tối của tâm hồn đường sự sẽ loé lên ánh sáng của lương tâm và lương tri con người.
3. Bất bạo động: sức bật cải hóa
Mục đích cuối cùng của bất bạo động là cải hóa đối thủ. Nó là cứu cánh chứ không phải là phương tiện để đặt tới cứu cánh.
Việc cải hóa một kẻ thù thành người bạn, một kẻ dữ thành người công chính, một bạo chúa thành người điều hành công bằng và bao dung, đó chính là cứu cánh. Trong khi đó mục đích mà chúng ta muốn đạt tới (đền bồi danh dự và những thiệt hại, tự do, bảo trợ, hòa bình) chỉ là kết quả và là một trong những hệ quả của việc hòa giải thành công.
Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm sự thỏa hiệp và tiếp nhận những ơn huệ của đối thủ như là một thủ thuật để đạt đến cứu cánh, đó chỉ là một xảo thuật tuy đáng khen nhưng đó không phải là bất bạo động.
Gặt hái được những thắng lợi từ tay địch thủ không phải vì địch thủ chấp nhận lý lẽ của chúng ta mà chỉ vì địch thủ sợ tai tiếng hoặc là địch thủ bị bắt bí, đó không phải là bất bạo động, đó chính là "tống dọa" (chantage).
"Tống dọa" bẩn thỉu nhất vẫn là khơi động sự thương hại, nhắc nhở những huấn thị tôn giáo, đánh động tinh thần trách nhiệm hoặc tình cảm. Một tình nhân ghen tuông chĩa súng vào người yêu thua kém xa về trí tuệ người tình đe dọa tự vẫn.
Làm sao chúng ta nhận biết được người có tinh thần bất bạo động? Người này trông vẻ dễ thương và hiền lành, và lúc nào cũng vâng dạ? Người này kiên nhẫn và rất ư bình tĩnh?
Không, những điều trên chưa đủ. Để trở thành người bất bạo động, không bạo động chưa phải là một điều kiện đủ.
Người bất bạo động là người biết nhìn vào lương tri. Thái độ bình tĩnh là phương pháp hữu hiệu nhất để đánh động lương tri của những kẻ giận dữ.
Mục đich cuối cùng của đấu tranh bất bạo động không phải là tiêu diệt địch thủ, cũng không phải là đoạt chiến lợi phẩm mà chính là sự hòa giải. Những ai nói không cần hòa giải là những người chỉ muốn giải quyết tranh chấp bằng bạo lực. Chúng ta chưa hề thấy hỗn loạn và tắm máu khi các nước cộng sản Đông Âu và Nga tan vỡ và sụp đổ. Đó chính là nhờ tinh thần hòa giải của các cấp lãnh đạo đối lập và của nhân dân các nước này. Bạo lực tột cùng của chủ nghĩa Mác-Lê đã khiến cho con người nhận thức được sự vô lý và sự tàn ác của nó để không lập lại sai phạm khủng khiếp này. Đa nguyên đa đảng không gây nên hỗn loạn, nó đem lại hòa giải và ổn định thực sự.
Nguyễn Gia Thưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét