Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Bí mật của Silken Laumann

langkinh013114


Từ nghịch cảnh mà vùng lên được là việc khó. Từ nghịch cảnh mà vươn tới đỉnh cao sự nghiệp lại càng khó hơn. Thế mà thời đại chúng ta có người làm được. Nhân vật phi thường này không phải là “thông minh nhất nam tử” như phái nam tự hào, mà là một nữ lưu Canada. Người phụ nữ xuất thân bình thường đã làm được việc phi thường có tên là Silken Laumann.
Silken Laumann là ai?
Laumann ra đời ở Toronto Township, nay là Mississauga vào năm 1964, là một nữ vận động viên đã làm rạng danh Canada ngay từ tuổi chưa đầy 20 vào năm 1976 với nhiều huy chương môn chèo thuyền.
Thành tích sáng dần và lớn dần, vào các năm 1984, Laumann đoạt huy chương đồng (trong cuộc tranh tài chèo đôi double sculls) tại Olympic Games ở Los Angeles, chiếm huy chương đồng (1992) ở Barcelona và huy chương bạc ở Atlanta (1996). Tranh tài tại Pan American Games 1987 đoạt huy chương vàng môn chèo đơn ở Mar del Plata, và 1995 đoạt huy chương vàng (môn chèo đơn) ở Indianapolis. Năm 1998, Silken Laumann được vinh danh vào Canadian Sports Hall Of Fame.
Dù miệt mài theo đuổi môn chèo thuyền nhưng Silken Laumann không quên trau dồi trí thức và tốt nghiệp B.A. Đại học Western Ontario vào năm 1989.
Mới nhìn thành tích như thế nhiều người cho rằng nhờ may mắn và có điều kiện tốt để tập luyện. Nhưng không, thực là một tiến trình gian khổ, nó không hề dễ dàng đạt được mà phải trải qua mồ hôi, nước mắt và biết bao can đảm, bền lòng bền chí và hy sinh tới mức cao nhất kể cả tinh thần lẫn thể lực. Câu chuyện sau đây, là một trở lực gần như khó vượt qua mà Laumann vấp ngã. Nào ngờ cô gái Mississauga này gượng dậy được và tiêp tục tiến tới thành công.
Tai nạn trước cuộc đua tài 1992
Chỉ mười tuần trước cuộc đua tài Olympic Games 1992, Silken Laumann, một vô địch môn chèo thuyền đơn nữ thế giới, đã gặp một tai nạn thảm khốc khiến cho chân mặt bị nát bấy và có nguy cơ tàn tật suốt đời. Tai nạn xảy ra khi hai chiếc thuyền đâm nhau vào trung tuần tháng 5, 1992 và hậu quả ghi dấu ấn sâu trong đầu nữ vận động viên: vết thương ở chân phải lộ xương và máu, thịt bầy nhầy lòi ra một khối. Khi đó y bác sĩ cứu cấp cho rằng cô không thể trở lại đấu trường được nữa. Nhưng việc kỳ lạ đã xảy ra, chỉ hai mươi bảy ngày sau, sau năm lần giải phẫu và nhiều giờ khổ luyện, Silken đã gượng dậy tập luyện vì quyết thực mộng chiến thắng.
Khi phát súng hiệu rền vang, vào 2 tháng Tám, 1992, nghĩa là 10 tuần sau, Silken đã thực hiện được một cuộc hồi sinh chưa từng xảy ra trong lãnh vực thể thao, nhất là ở Canada vì cô đã đoạt được huy chương đồng trong cuộc đua gay cấn. Toàn thế giới nín hơi theo dõi con thuyền của cô lướt đi vượt hàng chục đấu thủ và đạt tới đích trong cuộc tranh tài ở Barcelona. Kết quả khi vết thương chưa lành hẳn, cô đã chiến thắng bản thân và các đấu thủ khác.
Từ đó Silken Laumann trở thành một hình tượng vận động viên được toàn thể Canada ngưỡng mộ và câu chuyện về cô có sức kích thích nhiều người theo đuổi hoài bão cho dù gặp trở ngại và thử thách tới đâu chăng nữa. Tuy nhiên, phần đông chỉ biết khó khăn trên bước đường sự nghiệp của Silken Laumann mà thôi. Còn nhiều uẩn khúc nữa mà Silken chưa bao giờ thổ lộ, cho tới nay với tác phẩm hồi ký có tên là Unsinkable (Không bao giờ chìm), mới xuất hiện trên văn đàn đầu năm 2014, người phụ nữ quả cảm này mới hé lộ cho độc giả thấy một phần đời cô từ tấm bé. Thuở ấu thơ Silken sống trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn tưởng chừng đẩy cô tới vực thẳm tự hủy nhưng cô đã vươn lên từ nghịch cảnh để tiến tới lý tưởng ôm ấp trong lòng.
Nghịch cảnh một gia đình trên đường Narva Court ở Mississauga
Silken Laumann trưởng thành từ một gia đình trung lưu ở Mississauga, Ont. trong một hoàn cảnh phức tạp. Phức tạp vì người mẹ, bà Seigrid Seideman Laumann, vốn là một mỹ nhân nhưng tâm tính bất thường, có lẽ do ảnh hưởng của những năm tháng sống trong hoàn cảnh binh lửa quá kinh hoàng ở Đức trong Thế chiến thứ hai. Tính bất thường của bà mẹ đã đổ lên đầu con cái, Daniele, Silken và cậu bé Joerg. Riêng Silken Laumann chịu thiệt thòi nhiều nhất, nào những lời mắng nhiếc vô cớ, sự sỉ nhục, kể cả roi vọt, nào sự ràng buộc khắt khe của bà mẹ đã khiến Silken luôn sống trong hoảng hốt, mất hết niềm tin, rơi vào trầm cảm, biếng ăn và bị ám ảnh bởi việc tự kết liễu đời mình. Silken kể lại, bà mẹ lúc vui lúc buồn, lúc bình thản, xen lẫn nhiều khi nổi cơn sóng gió bất ngờ khiến Joerg, em nhỏ của Silken Laumann, vào tuổi lên 8, lúc đi ngủ phải giấu một lưỡi dao dưới gối để đề phòng và bé tâm sự với chị vì bé không in “Mom”.
Không phải bà Seigrid Seideman Laumann không có chút tình thương nào đối với con cái mà bà thương con theo kiểu riêng của mình như Silken kể lại: “Mẹ tôi yêu chúng tôi theo lối của bà ta nhưng vào những lúc nổi cơn lên bà thường nói những câu đại loại như: ‘Tao sẽ giết mày!’ hoặc ‘Tao giết mày rồi tao tự tử!”
Sợ rằng sự đe dọa có một lúc nào sẽ trở thành tai họa cho gia đình, nên ba chị em Daniele, Silken và Joerg có lúc đã bàn nhau chuẩn bị bỏ trốn. Dĩ nhiên việc đó đã không xảy ra vì ông bố của họ đã cố gắng làm việc và dàn xếp gia đình cho hàng xóm khỏi chê cười là nhà đang có chuyện. Sau này bà mẹ bỏ đi.
Không phải chỉ ở tuổi lên 10 trở đi bà mẹ tai quái mới hành hạ con ruột của mình bằng những lời lẽ mất mặn mất nhạt khiến đứa trẻ mất cả tự tin và tưởng mình là kẻ xấu xa, tội lỗi mà bà ta đã hành hạ như vậy kể từ khi bé còn non dại. Silken Laumann nhớ lại một sự kiện khó quên:
“Một chuyện xảy ra thuở ấu thơ in sâu trong tâm trí tôi mãi mãi. Lúc đó tôi 6 tuổi, đứng trên đầu cầu thang tại nơi chúng tôi ở là Narva Court, Mississauga, Ont, cầm một bộ áo màu xanh nhạt xinh xắn có sợi dây thắt ngang màu xanh nước biển dài lõng thõng xuống tận sàn. Ba tôi cho tôi bộ y phục này để mặc vào dịp đám cưới cậu Rolf của tôi và tôi rất thích nó. Mẹ tôi giận ra mặt và tôi lúng túng. Tôi quá thích bộ y phục mà mình mơ ước từ lâu, nhưng nét mặt của mẹ làm tôi sợ hãi. Một lát sau khi chỉ có hai chúng tôi, bà tát tôi một cái và mắng: Mày luôn luôn giở trò để ba mày làm hư mày.
Tôi hổ thẹn và cho rằng mình đã làm một việc xấu xa gì nhưng là việc gì tôi không rõ. Tôi muốn mẹ biết mẹ đã nói sai nhưng bản thân tôi nghi ngờ tôi. Có thể tôi là bé hư thực sao? Phải chăng tôi đã tìm cách lấy lòng ba như bà thường trách tôi”.
Nếu ở những người bản ngã yếu đuối thì hoàn cảnh gia đình này sẽ dẫn tới sự trầm cảm vĩnh viễn và nạn nhân chẳng bao giờ thoát khỏi được bóng tối của thất bại và đau khổ nhưng Silken Laumann có bản chất vững mạnh. Người phụ nữ này, cũng có lúc trầm cảm, bị bóp nghẹt niềm tin yêu, nhưng vốn ấp ủ một lý tưởng vùng dậy, thoát ly bằng cách tham gia thể thao với môn chạy và sau đó là chèo thuyền để tiết ra ngoài những uất ức cũng như năng lực căng chứa trong người. Cuối cùng cô gái tuổi xanh đã chiến thắng tất cả và đã xây được giấc mộng sự nghiệp.
Silken Laumann từ giã môn chèo thuyền vào năm 1999 với ba huy chương Olympic (một bạc, hai đồng). Từ đó, rời lãnh vực dùng cơ bắp và ý chí chinh phục đường đời, Silken Laumann quay sang cầm viết và dùng ngôn ngữ để tiếp tục giấc mộng vì mình và vì đời. Bà trở thành một diễn giả, một cố vấn cho giới trẻ và góp bài cho các tạp chí nổi tiếng như Chatelaine, Today’s Parent. Bà cũng là phát ngôn nhân của tổ chức Goodlife Kids, thành viên ban quản trị của Right To Play International và là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị về giáo dục như Child’s Play: Rediscovering the Joy of Play in Our Families and Communities. Tác phẩm của Silken Laumann nhằm cải thiện sinh hoạt của trẻ em trên thế giới.
Hiện nay cô vẫn say mê việc cổ võ cho thể thao và bảo vệ hạnh phúc thiếu nhi, đồng thời xây dựng mái ấm gia đình.
Silken Laumann sống ở Victoria với bốn con nhỏ và người bạn đời.
Trong Unsinkable ngoài câu chuyện có thể giúp cho tuổi trẻ nuôi chí hướng và quyết tâm thực hiện lý tưởng của đời mình, tác giả đã tiết lộ bí quyết thành công của bà là vững tin ở khả năng của con người có thể nghe tiếng gọi của trái tim mình vượt mọi thách đố, ghê gớm và sôi nổi vì “chúng ta có khả năng vượt qua chướng ngại vật ở bất cứ mức nào chăng nữa”.
Nhà chinh phục cuộc đua có mái tóc vàng hoe, dáng lực lưỡng và tươi tỉnh khi cô ngồi trên thuyền đua ngày nào ở Barcelona là hình ảnh tuyệt mỹ trong trí nhớ mọi người. Tính tình cởi mở có sức cuốn hút người hâm mộ và giới thể thao. Ở Silken Laumann người có dịp gặp gỡ có thể thấy những đức tính của một quán quân thể thao như cả quyết, tập trung và nhất là sự can đảm vô song.
Tuổi thơ bị xáo trộn nhưng Silken Laumann có thể tìm được lối thoát là thể thao, trước ở môn chạy sau ở môn chèo thuyền, nhưng nó cũng là nguyên nhân sâu xa gây cho cô sự xáo trộn tâm lý và cuộc hôn nhân đầu đời bị đổ vỡ. Ngày nay viết lại tất cả sự u ẩn torng đời là một cách giải tỏa tâm tư để tìm hạnh phúc tột đỉnh hài hòa giữa sự nghiệp và đời sống cá nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn với một ký giả của tờ Maclean’s, Silken Laumann đã nói tới vai trò quan trọng của thể theo giúp giải tỏa sự dồn ép nơi mình trong cảnh ngộ thiếu niên bất hạnh: “Trong những giây phút đen tối nhất đời tôi khi ở tuổi teen, vào lúc tôi thực sự cảm thấy mình sắp nổ tung ra với cường độ kinh hoàng, với bao nhiêu nỗi chán ghét bản thân dồn nén vào đáy lòng. Thể thao là hoạt động phát tiết ra ngoài, một lối thoát cho cường độ và năng lực hoàn toàn lành mạnh”.
Trong cuộc đối thoại với báo chí, Silken Laumann cũng đề cập tới người mẹ thích tự do sớm rời khỏi gia đình để tìm lẽ sống cho riêng mình nhưng với niềm thông cảm vì cho rằng mẹ là nạn nhân của một cuộc chiến gây nhiều thương tích tâm lý.
Silken Laumann cũng nhấn mạnh tới mối liên hệ tình cảm thân thiết và vững mạnh với người cha và nhìn nhận cuốn hồi ký của bà đã làm cho người cha bất bình nhưng bà không thể không trung thực với mình, không thể không bộc lộ tất cả để tìm sự yên bình cho tâm hồn, và hy vọng nếu có sự hiểu lầm giữa cha-con vì cuốn sách, thì đó cũng chỉ là tạm thời, vì cha của bà rất thương bà và thông cảm với bà.
Chu Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét