Trước khi Việt Nam có buổi kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyên (UPR) tại Liên hiệp quốc, một nhóm các cá nhân và đại diện Tổ chức Phi chính phủ (NGO) quan tâm đến nhân quyền cho Việt Nam đã có mặt tại tại Hoa Kỳ và sau đó sang Geneve tham gia các cuộc họp với quốc tế trước khi UPR chính thức làm việc. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với hai người trong nhóm là ông Trịnh Hữu Long, luật sư, nhà báo ở Việt Nam, và anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Mạng lưới Bloggers Việt Nam để biết thêm chi tiết. Trước tiên là câu hỏi cho anh Nguyễn Anh Tuấn:
Mặc Lâm: Thưa anh chúng tôi được biết là buổi thuyết trình trước đại diện của EU có thể nói là rất ấn tượng. Các nước đã đưa ra những câu hỏi rất cụ thể và các anh chị đã trả lời rốt ráo và đi sâu vào từng chi tiết một. Câu hỏi đặt ra là khép lại buổi thuyết trình các anh chị có nhận được gì từ các tham dự viên của các nước châu Âu hay không? Chẳng hạn những góp ý, khuyến khích hay những lời hứa hẹn nào đó?
Nguyễn Anh Tuấn: Một số các kiến nghị của chúng tôi đã được người ta quan tâm, người ta nói sẽ xem xét và tác động bên phía tòa đại sứ của họ ở Hà Nội để có thể thực hiện về sau, chẳng hạn như những khóa đào tạo về xã hội dân sự, về nhân quyền cũng như các cơ chế bảo vệ nhân quyền hoặc tổ chức các cuộc thi tranh luận về án tử hình…đó là những kiến nghị cụ thể mà họ nói là sẽ xem xét. Ngoài ra họ cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiểu khi sắp xếp những cuộc gặp gỡ với các phái đoàn ngoại giao của các nước châu Âu ở Geneve trước phiên UPR.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết trước khi UPR diễn ra các bạn đã gặp ba nước Troika là Kenya, Kazakhstan và Costa Rica, các bạn đã thuyết phục họ như thế nào và theo các bạn thì có hy vọng nhiều lắm không khi thuyết phục họ công tâm trước buổi báo cáo này?
Nguyễn Anh Tuấn: Thưa anh tôi xin đính chính là phái đoàn chỉ có gặp một trong ba nước đó là Costa Rica còn hai nước còn lại thì chúng tôi chưa sắp xếp để gặp được. Riêng phái đoàn Costa Rica thì chúng tôi đã có trao đổi trong vòng một tiếng đồng hồ. Trao cho họ các báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam cũng như các chứng cứ vi phạm nhân quyền.
Người đại diện phái đoàn Costa Rica rất cởi mở, họ ghi nhận và hỏi han tham vấn rất nhiều. Những ưu tiên, kiến nghị mà phái đoàn nên nhấn mạnh. Cá nhân tôi thì tôi cảm nhận cuộc trao đổi đó có kết quả rất tốt. Đôi bên hiểu nhau hơn rất nhiều. Riêng việc Costa Rica người ta thực hiện vai trò của mình ra sao thì phải đợi đến cái phiên UPR thì mình mới biết được
Mặc Lâm: Nhóm của anh đã sang Mỹ và có những hoạt động điều trần trước nhiều tổ chức của quốc tế. Xin anh cho biết những hoạt động nào mà anh cho là thành công nhất mà nhóm có được ở Hoa Kỳ và sau đó là Geneve?
Nguyễn Anh Tuấn: Thưa anh, với mỗi cuộc gặp với người Việt hải ngoại, với chính giới các nước và tổ chức NGO các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền thì mỗi chủ thể người ta đóng một vai trò quan trọng khác nhau nên mình khó thể so sánh được là cuộc gặp nào mang lại giá trị lớn nhất. Tôi nghĩ đây là những nỗ lực mà tất cả các bên đều đóng vai trò nhất định và nều hợp tác cùng với nhau thì sẽ đạt được thành quả trong tương lai.
Mặc Lâm: Cám ơn anh Nguyễn Anh Tuấn, xin được tiếp tục với luật sư, nhà báo Trịnh Hữu Long. Thưa anh, anh đã từng tuyên bố rằng tuy mình ra quốc tế mình đánh động họ nhưng tất cả mọi chuyện đều tùy thuộc chính người dân Việt Nam quyết định. Anh có nghĩ rằng sự đánh động lên tiếng của các cơ quan quốc tế có tác dụng tạo sức ép lên chính quyền và cũng đồng thời làm cho người dân chú ý hơn tới nhân quyền của chính họ đang bị xâm phạm mà họ chưa biết tới hay không?
Trịnh Hữu Long: Tôi rất đồng ý với nhận định ấy. Theo tôi sự tiến bộ nhân quyền tốt nhất cần phải dựa trên nỗ lực của ba phía. Thứ nhất là từ người dân, bản thân người dân phải nỗ lực trước. Thứ hai là từ phía chính phủ. Chính phủ phải là nơi chủ động đưa ra các sáng kiến thúc đẩy việc bảo vệ nhân quyền bởi vì họ là người nắm trong tay công cụ thi hành pháp luật. Thứ ba nữa là các cơ chế quốc tế. Những cơ chế này chúng ta có khá là nhiều và chúng ta có thể sử dụng các cơ chế ấy làm sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ tạo ra tiến bộ mới vể nhân quyền.
Tôi nghĩ là nên kết hợp cả ba yếu tố đấy chứ chúng ta không tuyệt đối hóa bất cứ yểu tố nào nhất là yều tố nhà nước hay yếu tố về cơ chế quốc tế. Quốc tế nó không hiệu quả nhanh và cụ thể như chúng ta mong muốn. Chẳng hạn trước một vụ đàn áp thì quốc tế không thể can thiệp ngay lập tức từ xa mà chính người dân là người tự bảo vệ. Tất cả những thông điệp mà tôi muốn nói là người dân chính là người cần làm nhiều nhất và có tiếng nói quyết định nhất.
Mặc Lâm: Sau UPR thì các bạn nghĩ rằng phải nên tiếp tục làm gì để mà giữ được chất xúc tác cho đồng bào trong cũng như ngoài nước qua sự kiện rất quan trọng này?
Trịnh Hữu Long: UPR là một cơ chế rất quan trọng của Hội đòng Nhân quyền để giám sát và thúc đẩy các quốc gia của Liên hiệp quốc chấp hành công ước quốc tế về nhân quyển. Chúng ta nghĩ rằng ít nhất người dân trong nước cũng phải thực hiện được việc giám sát của chính phủ Việt Nam trong vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, cũng như là thành viên của công ước quốc tế về Nhân quyển, có bốn việc chúng ta phải giám sát.
Đó là là những điều gì Việt Nam cam kết với quốc tế, những việc gì Việt Nam làm được và chưa làm được cũng như việc gì mà Việt Nam vi phạm. Những việc này giúp chúng ta làm rõ những tiến bộ nhân quyền cụ thể đến đâu. Đấy là cái tối thiểu mà chúng ta cần nhận được. Ngoài ra nhân dịp chúng ta được đến diễn đàn Liên hiệp quốc tiếp xúc với các cơ chế quốc tế thì chúng ta rất cần thiết phải duy trì những mối liên lạc và những quan hệ làm việc với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hiệp quốc để chúng ta đưa cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp xúc với các tổ chức quốc tế này để họ làm quen với một phương tiện mới để bảo vệ cho mình và cho người đấu tranh.
Mặc Lâm: Vâng xin được một câu cuối cùng nữa, anh đang tham gia vào một NGO theo anh thì NGO nó có ưu diểm nào để có thể thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam?
Trịnh Hữu Long: NGO theo quan niệm của tôi thì nó khá độc lập. Chúng ta đang nói đến những NGO không lệ thuộc vào nhà nước như phần lớn NGO trong nước hiện nay. Các NGO thì nó hoàn toàn độc lập vể mặt chính trị cho nên nó không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích và các ý kiến của họ thường dựa trên cơ sở khoa học và khá khách quan, trung thực. Vì vậy nó là cơ chế tôi nghĩ là có thể tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách xác thực nhất và ít bị chi phối bởi các nhóm lợi ích nhất.
Mặc Lâm: Xin cám ơn hai anh Nguyễn Anh Tuấn và Trịnh Hữu Long.
Mặc Lâm,
biên tập viên RFA, Bangkok
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét