Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Chuyện Hai Thiện làm nhà

Truyện ngắn
Đoàn hữu Hậu

Mấy hôm nay, trời oi bức lạ thường, không một tí gió, đến nỗi sợi tóc rơi ra cũng nặng nề rơi xuống đất. Kinh nghiệm dân chài cho biết sắp có mưa to gió lớn. Các ghe thuyền đánh cá tề tựu cập lên bãi cát, nơi mà thường khi họ vẫn đậu. Chiếc ghe cũ kỹ chứa đựng năm con người của gia đình Thiện không có cái ăn dự trữ. Người con trai cả tên Thiện, dắt đứa em gái 12 tuổi tên Chân, lên bờ xem có ai thuê mướn gì để kiếm cái ăn. 

ảnh minh họa
Khoảng năm giờ chiều gió bắt đầu thổi mạnh, trời sẫm tối, mây đen cuồn cuộn, sấm chớp nổ vang rền… Gió thổi la liệt các ngọn cây dừa, cuốn theo những tấm lá của nhà bị tốc nóc… Mưa to như thác đổ … Hai Thiện nắm tay em gái chạy vào cái miếu bên đường trú ẩn. Gió càng lúc càng mạnh, mưa càng to. Chân ngồi co ro trong gốc miếu, run cầm cập, khóc:

- Anh ơi!… Ghe mình cũ quá… Ba má với con Út hổng biết có gì hông…Về đi anh ơi!…

- Không sao đâu… Bây giờ về không được đâu!

Tuy trấn an em như vậy, nhưng trong lòng Thiện xốn xang, rối bời. Anh có linh cảm điều không may sẽ xảy ra cho gia đình. Hai anh em mệt mỏi, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. 

Trời vừa tảng sáng, người ta đã bu nghẹt ở bãi cát. Xác của cha mẹ Thiện sóng soài trên bãi, còn con Út không thấy chút dấu vết nào. Xung quanh là những thứ vật dụng sinh hoạt và những tấm ván của những chiếc thuyền bị sóng to đánh vở. Hai đứa trẻ nhào đến ôm xác mẹ cha kêu gào thảm thiết, gọi tên Út vang trời

Dân làng chài không ai bảo ai, cùng nhau nhặt những mảnh ván, đóng thành hòm, rồi mỗi người đóng góp vô một thứ cần thiết để mai táng và chôn cất tử tế cặp vợ chồng xấu số .

Hai cái mộ vừa đắp xong, Hai Thiện rưng rưng nước mắt quỳ trước mặt mọi người:

- Anh em con cảm ơn các bà con cô bác thương tình đã chôn cất tử tế cho cha mẹ con!…Con nguyện ghi ơn suốt đời!

Nói xong hai anh em lạy lia lại lịa. 

Thấy hai đứa trẻ khốn nạn bơ vơ dân làng xót thương, nhưng không ai dám nhận về nuôi, vì ai cũng nghèo. Người ta vội quyên góp kẻ công người của dựng cho hai anh em một cái chòi gần mộ mẹ cha để trú mưa tránh nắng. Trong số những người giúp đỡ tích cực cho mình, Thiện chú ý đến một người đàn ông có đôi mắt sáng tên là Đang. Anh lớn hơn Thiện khoảng năm, sáu tuổi, có vẻ như là người đứng đầu của nhóm dân làng. Từ ngày ấy, anh ta thỉnh thoảng ghé thăm và cho anh em Thiện quà. Khi thì vài lon gạo, khi thì cái áo cũ… 

Một đêm mưa tầm tã, nước dột lênh láng trong chòi, lạnh buốt thịt xương. Hai Thiện ôm đứa em gái đang run cầm cập mà đầu vang vang suy nghĩ: “Phải làm cho bằng đuợc căn nhà ngói ba gian”.

****

“Đùng đoành đoành”, nhiều tiếng súng nổ ở cuối làng, chiến sự ngày càng diễn ra ác liệt , chính quyền Ngụy tăng cường bắt lính. Trai tráng trong làng bị truy lùng, ruồng bắt, chạy tứ tán. Anh Đang, người Thiện kính mến, thường hay ghé thăm đã bặt vô âm tín. 

Vừa sáng sớm, Thiện vác cuốc lên vai định đi cuốc mướn, tên Trưởng ấp dẫn theo hai tên lính cầm súng lăm le, chặn lại:

- Mầy tên gì? mấy tuổi? 

- Tui tên Thiện …mười sáu tuổi!… 

Chìa tấm giấy trước mặt Thiện, hắn nói tiếp:

- Mầy đí lính quốc gia…Nè cầm một ngàn đồng nầy…tiền thưởng đó…Từ đây về sau tên mầy là Hoàng văn Giang , 18 tuổi … nhớ chưa?.

Rút ra tấm giấy và cây viết, hắn viết ba chữ thật to“ Hoàng văn Giang ” rồi đưa cho Thiện: 

- Nè tên mầy đó. Tập viết cho rành nghen để mai mốt ký tên lãnh lương!…Nghe rõ chưa!… Mai lên trụ sở hành chánh, có xe đưa đi. Mai mà vắng mặt mầy là mầy tới số đó con!… 

Nói xong hắn hất hàm hai tên lính rồi bỏ đi. Thiện ngơ ngác nhìn theo.

Hai Thiện nhìn cái chòi thấy không ổn, sợ khi mình đi rồi, em gái gặp chuyện không may, liền đem tiền “bán thân” mua vật liệu dựng cho em căn nhà nhỏ rông tám thước vuông, cùng với một số vật dụng nấu ăn. Xong đâu đấy, anh gạt nước mắt vác ba lô lên vai, ra đi. 

Ba tháng sau, vừa có lệnh lên đuờng ra mặt trận, Thiện vội trốn về nhà . Làm sao Thiện có thể hiến thân mình cho cái gọi là “quốc gia “ ấy được. 

Năm sau, Trưởng ấp lại đến chòi. đưa cho anh tấm giấy viết ba chữ lớn ” Trần văn Xảo” : “ Đây là tên mới của mầy …tập viết đi …Tiền nè … Mai lên trụ sở tập trung” . Trước sau anh ta “bán mình” ba lần và lần nào thì cũng một vài tháng là lót tót trở về . Tiền bán mình lần thứ hai Thiện dùng để trả tiền đất nền nhà, tiền bán mình lần thứ ba thì dùng để trả tiền mộ địa cho mẹ cha. 

Một đêm tối trời,Thiện vừa mò đến bên vách chòi em gái, thì nghe tiếng hai người con gái nói chuyện. Anh kề tai vào vách lắng nghe . 

Tiếng cô em thao thao kể về người anh kính mến của mình…Nào là anh tôi rất đẹp trai…hiền lành, nhân hậu…Không kiềm nổi xúc động, mừng vui, Thiện buộc miệng kêu lên : “ Chân ơi ! Anh về nè ! ”. Cô em nghe tiếng anh trai, mừng quýnh vừa tốc dậy vừa kêu: ” Đó anh tui về đó !…”. Rồi mở cửa chạy ra, ôm choàng lấy anh, hai tay đấm vào lưng anh thình thịch. Hai anh em ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Đếm ấy trong căn chòi chật chội bỗng ấm cúng hẳn lên. Cô em kể cho anh nghe về việc ở nhà quen cô gái mù chạng tuổi, ăn xin ,mồi côi cha mẹ từ thuở nhỏ… Cả hai giống nhau về hòan cảnh, thân phận nên kết làm bạn, rồi Chân rủ về nhà ở cho vui. Thiện nghe qua mừng lắm và bảo cô gái cứ ở lại đây, đừng ngại ngùng gì. Họ nói chuyện đến hơn nửa đêm mới nghỉ .

Sáng ra như thường lệ, cô gái mù cầm gậy ra đi. Thiện thấy vậy ngăn lại :

- Cô ở nhà đi…Không phải đi xin nữa !… tui sẽ lo cho cô !

- Nhưng em không muốn làm phiền anh chị !

- Mà sẽ làm phiền người khác !…cô không phải đi đâu nữa!…

Ngày qua ngày , rễ bén duyên sâu, một hôm Thiện bảo cô không cầm gậy mà hãy vịn vào vai anh . Thế rồi ngày lặi ngày qua họ thành vợ chồng với nhau hồi nào không hay. Sau đó cô vợ mù sanh cho Thiện đứa con trai bụ bẩm, kháu khỉnh, không thua bất kỳ con cái nhà ai ở xứ sở nầy.

****

Một ngày, từng đoàn người trong làng lũ lượt cầm băng rôn, khẩu hiệu diễu hành hô vang “ Việt Nam độc lập muôn năm !…” . Trong số những người hân hoan đón mừng, có anh em Thiện. Anh nghe người ta nói với nhau rằng miền Nam được giải phóng, mọi người sẽ được tự do … Ai cũng được giàu có… Chưa biết thực hư ra sao, nhưng đối với Thiện điều chắc chắn là sẽ không có chuyện bán mình đi lính thuê như trước nữa. 

Chính quyền cách mạng chia ruộng đất cho những ai không có đất; trong đó có vợ chồng, anh em nhà Thiện. Anh mừng lắm và tin tưởng một cách chắc mẽm rằng căn nhà ngói ba gian mà mình mơ ước từ lâu sẽ thành hiện thực . Một người nghèo khổ đã vùng dậy, lại lấy việc dựng nhà làm mục tiêu phấn đấu thì quả là một việc tất nhiên hoàn toàn hợp lý .

Được ruộng đất, cả nhà Thiện cật lực làm ăn và thực hiện chính sách “triệt để tiết kiệm”. 

Từ sáng tinh mơ, họ đã kéo nhau ra đồng. Vợ anh tuy mù nhưng không kém cô em bất cứ việc gì. Ra ruộng, sau khi cho con bú, chị để đứa bé ngủ trên bờ ruộng, rồi theo chổ chỉ của chồng, chị cuốc từng mãng đất to. Cứ theo hướng đó mà làm hoài tới, cho tới khi chồng bảo sang hướng khác... Cô em vất vả lắm mới cuốc theo kịp chị. Họ dùng dụng cụ đơn giản nhất để lao động chí chết, giành giật từng hạt thóc. Dùng phương thức kinh doanh nguyên thủy nhất là tích cóp từng đồng. Mỗi ngày họ kiếm đuợc rất ít, nhưng họ hiểu được rằng những cái lớn lao nhất đều đựợc tích cóp từ cái nhỏ nhất. Lúc không kiếm ra tiền, cả nhà quyết nhịn đói mà làm, mỗi người, mỗi bữa bớt đi một chén cháo, coi bốn chén dư ra là lãi. Cả năm nuôi gà mà không hề biết thịt gà ra sao, thậm chí trứng gà còn không thèm rớ tới. Tất cả được đem đi bán lấy tiền, để mua vật liệu, khi thì vài chục viên gạch, khi thì một bao xi măng. Mỗi khi rãnh rỗi, Thiện lại nhớ cái nghề… hốt thuốc nam. Anh ra đồng, men theo các bờ ao bứt cỏ mực, đào rễ tranh, hái lá thúi địt, ô rô , cóc kèn …tất cả đem phơi khô. Hôm sau quãy qua các xóm lân cận, “xem mặt”, bốc thuốc. Không biết anh học lóm cái nghề nầy ở đâu, nhưng rõ ràng cái nghề nầy rất hay. Vì ba cái thứ ấy bệnh gì cũng uống được, không bệnh uống cũng không sao, chả có chết thằng tây nào. Bệnh nhân nào thơm thảo trả tiền lấy tiền, trả gạo lấy gạo, thậm chí đổi lấy cái áo rách cũng chơi luôn…

****

Cô Chân đã lên tuổi hai mươi ba, nhưng vẫn chưa chịu lấy chồng. Cô hiền lành, thực thà, dáng vấp xinh đẹp lạ thường. Nhìn kỷ cô giống anh như đúc, có điều cái mũi nhỏ hơn, môi mỏng hơn. Riêng chỉ việc ấy cũng đủ thấy tạo hóa quả là vĩ đại đến dường nào. Việc nầy cũng đúng với ý nguyện ông anh. Vì nếu lấy chồng thì nhà chẳng những mất đi một lao động chính,mà còn bị địa phương cắt nhân khẩu, coi như mất toi một suất ruộng… Trong Chân, luôn có tâm niệm sẽ giúp anh trai xây cho được căn nhà. Cô làm sao có thể quên một đêm mưa gió bão bùng, ông anh nói như hét rằng “ Phải làm nhà ngói ba gian !…”. Cô tự nguyện hiến dâng những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi xuân cho ý nguyện của ông anh.

“Tích tiểu thành đại”, rồi thì gia đình Thiện cũng đã tích mót đủ vật liệu để xây dựng căn nhà ngói ba gian. Bây giờ thì cô em gái đã 29 tuổi. Theo gợi ý của ông anh , cô đồng ý lấy một anh chàng 30 tuổi ở làng bên. Ông em rễ, cũng dạng nghèo rớt mồng tơi, phải nuôi ông bà gìa và cô em gái tật nguyền do chiến tranh để lại. Biết cuộc sống chờ mình vẫn là gian nan khổ ải, nhưng Chân không để tâm đến chuyện ấy.

Lo xong chuyện chồng con cho em gái, Thiện nằm vắt tay lên trán xem xét lại mình còn thiếu cái gì để dựng nhà:

- À ! chưa đủ tiền thuê thợ mộc… thợ nề, cơm nước !… Thôi thì đợi thêm năm nữa vậy !…
Mắt lim dim nhìn những tia nắng xuyên qua nóc nhà, anh cảm thấy nôn nóng muốn làm ngay cái nhà ba gian . Bỗng có người bước vào báo có lệnh mời anh lên trụ sở gặp Tập đoàn trưởng .

Vừa bước vào trụ sở anh nhận ra ngay người đang ngồi loáy hoáy viết cái gì trên bàn, chính là anh Đang, người đã từng giúp đỡ anh lúc trước. Thiện vừa khép nép bước vào, anh ta hất hàm nói ngay :

- Nghe nói anh đã dự trữ vật tư vật liệu xây dựng nhiều lắm phải hông ?!…Để làm gì !?… đầu cơ tích trữ à?…Hay để bán chợ đen, phá hoại thị trường !?…

- Dạ!… Dạ chỉ có gạch ngói, cây cối để làm nhà!… Thiện vừa gãi đầu vừa nói.

- Muốn là tư sản hả?!… Chúng ta đang đánh đổ tư sản !…. Anh bỏ ngay tư tưởng tư sản đó đi!…. Chính quyền cách mạng do giai cấp công nông lãnh đạo !… là bảo vệ lợi ích cho giai cấp …Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mà muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa .

Ngừng một lát anh ta nói tiếp: “ Chúng ta xây dựng hoàn toàn là vì mọi người, cho nên mọi người phải giúp đỡ việc xây dựng của chúng ta… Bất kỳ sự tính toán cá nhân nào cũng không cần thiết. Tương lai cuộc sống của mọi người sẽ mĩ mãn như nhau. Một chút của riêng nho nhỏ đáng thương có đáng là gì, đóng góp nó cho sự nghiệp vĩ đại mới là hành động vinh quang… Tui nói gì anh hiểu hông ?!…Ừ tốt !…Chẳng cần lo lắng gì hết, tất cả sung công sử dụng, mọi người ai cũng như ai chẳng ai bị lừa dối cả!…
Thiện ngồi chết trân, thỉnh thoảng anh gật đầu .

****

Về tời nhà, Thiện nằm vắt chéo gìò trên giường tre, gác tay lên trán, phì phà điếu thuốc, cố nhớ lại những gì Tập đoàn trưởng nói. Thiện không rõ hết anh ấy nói gì, nhưng cảm thấy hay hay . Bỗng mắt anh vụt sáng lên, rồi vỗ đùi nghe cái chát, rồi bật ngồi dậy, bước xuống đất chấp tay sau đít đi đi lại lại trong căn nhà bốn thước… 

Không ngờ lý luận của Tập đoàn trưởng được anh quán triệt một cách sâu sắc. Không nghi ngờ gì nữa!…Đúng là xuất phát từ công tâm!…Thiện nói lép nhép một mình , lòng thấy vui vẻ, nhẹ nhõm.

Anh đem chuyện nầy ra bàn với vợ. Vợ anh, cô gái mù năm xưa, nói cho thật đúng thì cái tâm còn tốt hơn anh. Chị có thiết gì tới căn nhà ba, bốn gian. Với chị, dẫu nhà có mấy gian đi nữa cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì vậy, không những vật liệu định xây nhà mà nếu tập thể cần cái giường tre xục xịch của hai vợ chồng, cô cũng sẳn sàng hiến dâng không tiếc.

Vài ngày sau, trong khi Thiện đang tính toán khiêng những thứ vật liệu dành dụm ấy cho tập thể bằng cách nào, thì có lệnh gọi lên trụ sở Tập đoàn trưởng để trả lời các câu hỏi :

- Quê hương bản quán ở đâu? Gia đình vốn thành phần gì?

- Ba lần đi lính ngụy , là những loại lính gì ? cải tạo chưa ?…

Thiện tối tăm mày mặt,tưởng đã tàn đời, hai chân như muốn sụm xuống. Ấp úng ,ê a Thiện nói không đầu không đuôi, câu nghe được câu không. Nhưng hình như tập đoàn trưởng không quan tâm đến các câu trả lời của anh. Thiện không hiểu sao ông ta đổi ý chuyển đề tài mau chóng, khi nghe anh nói là làm cách nào chuyển ba cái vật tư cho tập thể.

Các vật liệu xây nhà của Thiện được tập kết về một khu đất rộng rãi vốn trước đây là đồn giặc. Và tại đây người ta cho xây dựng …chuồng bò thật to thật dài cho hợp tác xã. Đàn bò được huy động từ bà con trong ấp, từ nào giờ quen lối sống thả lan, giờ bị nhốt vào chuồng, chúng nó cắn phá dữ dội để thoát ra. Không biết vì chuồng đẹp quá, hay bò chê chuồng không đúng kiểu mẫu, mà chúng nó không chịu ở. Nhưng hể lùa nó ra gốc cây bên cạnh là chúng nó lại nằm êm.

Ruộng Hợp tác xã năm nào cũng thất bát. Xã viên thờ ơ chẳng buồn ngó tới. Thiếu người chăm sóc, ruộng nương, ao hồ cỏ dại thi nhau mọc um tùm… Trong làng dân chúng lần lượt kéo nhau đi làm ăn nơi khác. Thiện, một trong số ít nông dân vẫn kiên gan bám trụ , sống chết cùng tập đoàn,cùng làng xóm, chiều chiều lùa bò hợp tác xã vào chuồng. Nhưng Thiện vừa quay lưng đi, là chúng nó phá chuồng bứt dây niệt, kéo nhau ra gốc cây.

Năm ấy tập đoàn lại tiếp tục thất mùa, một số người từ đầu quyết bám trụ, bây giờ lại có ý định ra đi…

*****

Chính sách đổi mới của Nhà Nước như luồng gió mát thổi vào lòng người dân trong làng sau bao năm trời ngột ngạt. Dân làng hân hoan chời đợi một cái gì tươi đẹp hơn, ngon lành hơn.

Tập đoàn trưởng tập họp bà con thông báo chủ trương chính sách mới:

-E hèm!…Bây giờ Đảng ta chủ trương đổi mới rồi !… Không phải làm như tui đâu. Bà con hãy yên tâm làm ăn. Cứ tự do mà làm… Không có làm tập đoàn nữa … Còn tui …tui sẽ …từ chức !...
Tiếng mọi người nhao nháo lên :” Ừ !… Từ đi …từ hắt cái chức của cha đi!…cha dỡ ẹt!…”

Thiện ngồi đấy,có chút bàng hoàng, nhưng hình như anh đang mỉm cười. 
Bà con trong làng ra đi từ trước, nay lần lượt trở về.

Thiện được thông báo là sẽ có chính sách đền bù. Chính sách đền bù của Chính phủ rất được lòng người. Nhưng người lấy sạch vật liệu làm nhà của Thiện không phải là Nhà nước mà là tập thể. Cái tập thể ấy dĩ nhiên cũng phải thi hành chính sách đền bù. Nhưng tập thể đã nghèo xác nghèo xơ lấy đâu ra vật liệu đền bù…Thôi thì cũng không sao. Thiện lấy làm hài lòng vì người lãnh đạo đã ân cần bảo rằng “đã thấy sai và quyết định sửa sai…”

Cuối cùng hai bên bàn bạc, chiếu cố khó khăn của nhau, quyết định không dỡ chuồng bò. Cứ để vậy ngăn làm ba gian cho gia đình Thiện làm nhà ở. Các căn còn lại giao cho những người khác cũng thuộc dạng có “công đóng góp vật liệu” vào đây như Thiện. 

****

Chuồng bò, sau khi được dọn dẹp cũng trang hoàng như ai.. Gia đình Thiện dọn về đây ở. Dẫu sao cũng ngon hơn căn nhà bốn thước của anh, từ hồi đi lính thuê đến nay đã xiêu vẹo, mục nát. Thiện vịn vai đứa con trai lên mới lên 10: ” Con ơi mau lớn lên cùng ba làm lại cái nhà nầy!…Mặc sức mà làm…không ai cản nữa!…Đến đời con là ngon rồi đó!…”. Vợ anh hai tay quờ quạng, bước nhiều bước đi mà chưa lần tới vách. Cô em gái sang mừng nhà mới của anh nước mắt lưng tròng. Có lẽ họ quá vui sướng ./.

Đoàn Hữu Hậu


Bài do tác giả gởi. VAOL&TTHN biên tập và minh hoạ.


Đoàn Hữu Hậu
Là nhà văn, nhà báo được đào tạo tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền TP Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Rạch Giá - Kiên Giang, Việt Nam....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét