Khách-SJ, thành viên Dân Luận
Tin liên quan: Mời xem Videoclip phỏng vấn cựu thiếu tá hải quân VNCH Phạm Văn Hồng, người cùng với trung úy Gerald Kosh, nhân viên tòa tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, đã có mặt trên tàu HQ-16 và là nhân chứng trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 được phổ biến trên Youtube với tựa đề:"Hoàng Sa - Trường Sa với cựu TT Phạm văn Hồng"
Đặt giả thuyết nghi ngờ Mỹ đã “tặng” Hoàng Sa cho Trung Quốc thì là quyền của mỗi người, nhưng những người suy xét cẩn thận (critical thinkers) sẽ cần chứng cớ rõ rệt hơn là những chứng cớ hoàn cảnh (circumstantial evidences) như thiếu tá Hồng này tả.
Tuy không hoàn toàn loại bỏ giả thuyết này, tôi có một giả thuyết khác:
Khi Mỹ muốn đổi chiến lược để đối phó với khối Cộng Sản từ năm 1971 qua ngoại giao rồi thuyết phục Trung Quốc cùng theo đuổi bình thường hóa quan hệ năm 1972 (công bố Thượng Hải) và đi đến hiệp định Paris 1973, Trung Quốc đã hiểu VNCH sắp bị bỏ rơi (cuộc nói chuyện của Kissinger và Mao khi họ đàm thoại về tương lai ĐNÁ được ghi chép và declassified sau này gián tiếp chứng minh việc này); rồi nhân cơ hội thăm viếng Bắc Kinh năm 1974 để tiếp tục đàm thoại tiến trình bang giao giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc đã lợi dụng thời điểm rất thuận lợi đó để thi hành việc chiếm Hoàng Sa (vì Mỹ sẽ phải tiếp tục chứng minh việc “rời Việt Nam” của họ với Trung Quốc cho mục đích bình thường hóa ngoại giao, và vì Trung Quốc không tin là ĐCSVN sẽ thực hiện những gì HCM đã hứa với họ (đây cũng là lý do khiến cuộc chiến 1979 xảy ra sau này)). Khi tình báo và hải quân Mỹ thu nhận được những tin tức về hoạt động của quân Trung Quốc vào lúc đó ở Hoàng Sa, họ phái viên sĩ quan Gerald Kosh để báo cho Quân Đội VNCH nhưng không nói sự thật mà chỉ lấy cớ “xây phi trường” để tránh việc công nhận sự can thiệp của Mỹ với bất cứ phe nào. Mỹ có thể đã hy vọng VNCH lấn át được đám lính Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, nhưng có lẽ biết rằng nếu Trung Quốc quyết tâm chiếm thì VNCH sẽ không đủ sức lực để kháng cự.
Với chính sách ngoại giao đã thay đổi, Nixon đã bị hạ, Quốc Hội Mỹ đã xuống viện trợ và buộc cấm can thiệp thêm vào Việt Nam, quân đội Mỹ đã bị trói tay hoàn toàn và phải tỏ thái độ trung lập với Trung Quốc khi sự việc Hoàng Sa xảy ra. Những sự kiện lịch sử thế giới từ đó đã phần nào giải thích cho chính sách từ năm 1972 này của Mỹ, dù tình trạng hiện thời ở Biển Đông chắc chắn không phải là kết cục Mỹ thực sự muốn có.
Giả thuyết “xếp đặt” (hay tặng Hoàng Sa) của ông thiếu tá Hồng không thuyết phục vì tôi cho rằng:hải quân VNCH có ra đó hay không thì quân Trung Quốc cũng đã xúc tiến việc chiếm Hoàng Sa; trung đội địa phương quân VNCH trấn đóng ở đảo sẽ bị giết nếu họ chống lại. Và cũng có thể là, nhờ hải quân VNCH tấn công ở Hoàng Sa mà Trung Quốc đã không thể tiến hành việc chiếm Trường Sa ngay vào thời gian đó mà phải đợi đến năm 1988.
Nên việc chiếm Hoàng Sa chỉ là do Trung Quốc lợi dụng thời cơ quá thuận lợi để thi hành mộng ước của Mao, không có vai trò “giúp một tay” của Mỹ. Nếu Mỹ đã thực sự muốn “tặng Hoàng Sa” cho Trung Quốc thì họ chỉ cần “mách nhỏ” cho Trung Quốc và im luôn khi Trung Quốc xúc tiến chiếm Hoàng Sa, chứ việc đưa viên sĩ quan Kosh báo tin và rồi đi ra đảo Hoàng Sa với ông Hồng là một chuyện thừa vô ích, chỉ làm phức tạp thêm cho vấn đề! Vì thế, Mỹ chẳng có lỗi gì với dân Việt về vấn đề này.
Ngược lại, với kết quả là hiệp định Paris 73 và tiến trình nội bộ chống chiến tranh Việt Nam ở nước Mỹ, việc bỏ rơi Việt Nam (rút quân tham chiến ra, chỉ viện trợ tối thiểu) không nhất thiết phải đưa đến việc mất VNCH vì tác động tích cực chiếm miền Nam vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào miền Bắc. Nếu ĐCSVN tôn trọng Hiệp Định Paris 73 thì VNCH vẫn tồn tại và phát triển bình thường. Thực tế mà xét thì, như đa số chính gia Mỹ thời đó đã quá hiểu (tỉ dụ thống đốc Reagan), chính sách rút ra khỏi Việt Nam là gián tiếp chấp nhận việc chiếm miền Nam của CSBV do chính sách hung hăng, bạo lực của phe CS đã từng chứng minh và sẽ gây ra thảm hại cho hai chục triệu người dân miền Nam. Dầu sao đi nữa, Mỹ không phải là anh em nối khố, ruột thịt với dân Việt Nam, và CSVN không thể đe dọa nước Mỹ mà họ phải hy sinh để sống chết bảo vệ miền Nam. Giới hạn của đạo đức (ethical limits) buộc người biết suy xét không thể quy án tất cả cho Mỹ dù Nixon đã rất bạc tâm và đểu cáng buộc ông Thiệu ký Hiệp Định Paris, và đưa đến kết quả rất đau đớn cho miền Nam. Ít nhất, họ đã chịu trách nhiệm trong giới hạn đạo đức của họ về những hậu quả đó. Đây là bài học về quyền lợi riêng của mỗi Quốc Gia mà vấn đề đạo đức lương tâm không thể vượt qua khỏi tầm mức ảnh hưởng của đa số tập thể công dân.
Trong khi đó, sự can thiệp mà vai trò của chính quyền Mỹ có tội rõ ràng và lớn hơn so với các sự kiện trên là việc ủng hộ, đốc thúc, và trả tiền cho các loạn tướng lật đổ ông Diệm năm 63. Vì dù chính quyền xấu hay tốt, sự độc lập và tự trị của miền Nam đã bị vi phạm một cách trực tiếp, trắng trợn khi quan hệ là một đồng minh. Trong vai cường quốc viện trợ vũ khí cũng như tiền của, nếu Mỹ đã không ủng hộ cuộc lật đổ thì khả năng kết hợp được nhiều tướng lãnh (dù chỉ khoảng dưới 10 tướng) không thể cao và do đó khó có thể thành công; các cuộc đảo chánh/ám sát – nếu có tiếp tục xảy ra – cũng sẽ là các hành động đơn lẻ như trước (năm 60 và 62) và dễ thất bại. Đại đa số dân Nam không hề rõ về vai trò của Mỹ trong việc này (kể cả phần đông giới công/quân VNCH, họ chỉ nghi ngờ viên đại sứ Mỹ) cho mãi đến khi những tài liệu mật của chính quyền Mỹ được công bố vào thập niên 80, 90 và tài liệu từ những nhân vật VNCH đã tham gia viết lại sau 75; dầu vậy, tinh thần độc lập và tự trị của giới lãnh đạo VNCH đã vì thế bị tổn thương, hao mòn (undermined), và cộng với sự mất đoàn kết đã xảy ra trước đó, nó đã đưa đến những thất bại lớn hơn về chính trị sau này mà kết quả là biến cố quân sự 75.
Dù đây chỉ là ý kiến của riêng tôi và không thể kết án Mỹ cho tất cả những hậu quả sau 63, Mỹ rõ ràng đã có lỗi khi họ đã lạm dụng phương tiện (đảo chánh) để biện minh cho mục đích (là tìm lãnh đạo khác thế ông Diệm và chống CS), mà thực thể của các mục đích là thuộc về quyền của dân miền Nam hoàn toàn. Họ đã đi quá giới hạn đạo đức trong vai trò đồng minh của một cuộc chiến chung có tính chất chính trị ý thức hệ, mặc dù họ có thể mang vai trò lãnh đạo trong vấn đề Quân Sự (như họ đã làm ở Nam Hàn 50-53). Nếu sự can thiệp đảo chánh đó đã từ một kẻ thù như Trung Quốc thì giá trị đạo đức của vấn đề đã khác. Nếu họ đã chỉ đứng ngoài, tỏ ý kiến trung lập (không chống đảo chánh nhưng không thúc dục), không “đưa tiền cho chi phí” thì họ đã không có lỗi gì cả! Cũng phải nói thêm rằng, việc giúp lật đổ ông Diệm/Nhu có thể biện minh là đạo đức và chính đáng nếu nó có khả năng thực sự cứu dân miền Nam khỏi thảm họa lớn hơn do chính ông Diệm sẽ gây ra cho dân miền Nam, tỉ dụ như trường hợp ở các nước Ả Rập ngày nay. Nhưng tình trạng miền Nam đã không hề có khả năng đó và những kết án mà Mỹ và phe chống ông Diệm đã biện minh (như độc tài, kỳ thị tôn giáo, v.v.) đều là những điều còn tranh cãi vì vẫn có rất nhiều người có hiểu biết khác, không đồng tình.
Ở phía Mỹ, sau đảo chánh thì đã có những người nhận ra sai lầm ở biến cố này (như TT Johnson) nhưng họ lại đi vào những sai lầm khác. Tuy vậy, chính thể và văn hóa Mỹ vẫn dễ đưa đến nhận thức của những lỗi lầm, rồi sửa đổi, tạ lỗi với nạn nhân nhờ có những tiếng nói từ phía đối lập và dân chúng, đưa ra những lý luận thuyết phục hơn để thay đổi Quốc Gia -- rất khác với những chế độ CS và những người ủng hộ họ và vẫn cố chấp cho rằng “Mỹ xâm lăng Việt Nam” trong khi đại đa số dân Nam muốn và cần sự giúp đỡ của Mỹ để tiếp tục được sống trong thể chế không-CS. Nếu không có Mỹ giúp từ sau 54, thì đã có thêm gần 20 triệu dân Việt Nam đã phải sớm chịu cái ách của CNCS từ đầu thập niên 60 khi HCM và ĐCSVN đã quyết xúc tiến "giải phóng miền Nam", và đã phải có ít nhất 1 triệu dân miền Nam bỏ nước ra đi ngay vào thời đó.
Tôi đi hơi xa ngoài đề tài Hoàng Sa/Trường Sa và thiếu tá Hồng, nhưng thiết nghĩ khía cạnh đạo đức và lý luận về các sự kiện chính trị lớn kia mà Mỹ đã có vai trò quyết định cũng nên nhân tiện bàn luận một thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét