Có tương lai vì tin vào giới trẻ
‘Hi, I am Rifqah, President of Indonesian Future Leaders’ – một cô gái người nhỏ, đeo kính, nét mặt tươi tắn trong chiếc khăn Hồi giáo bước tới bắt tay tôi.
Trong tiếng ồn ào của hội nghị giới trẻ ở Jakarta, tôi nghe không rõ lắm về chức danh nhưng thấy rất ấn tượng về sự tự tin của người đối thoại.
Là nhà báo, nói chung tôi không thích các hội thảo, hội nghị dù ở Mỹ, Anh, Thuỵ Điển hay các nước châu Á.
Về mặt nghề nghiệp, đi làm tin hội nghị là chuyện rất mệt đầu vì khung cảnh bị gói lại trong nhà, các hoạt động lặp đi lặp lại, diễn giả ai nói cũng trịnh trọng và ít nội dung, nền cảnh, ánh sáng cho phim ảnh cũng đơn điệu.
Nhưng lần này chúng tôi không làm tin mà tham gia ngày khai mạc Nghị viện Thanh niên (Youth Parliament) ở thủ đô Indonesia để quảng bá cho các chương trình trên sóng, trên mạng của Ban BBC Indonesia trong năm bầu cử sôi động.
Vì bản thân là diễn giả nên các biên tập viên BBC được các bạn trẻ xúm lại hỏi, được đài báo phỏng vấn nên một ngày trôi qua không tẻ nhạt.
Chưa kể chương trình họ làm khá năng động, không có màn ‘lãnh đạo diễn thuyết’ dài dòng mà tất cả như một show giao lưu từ đầu đến cuối.
Sau một ngày nghe diễn thuyết của các bạn trẻ từ hơn 30 địa phương của Indonenesia đến dự, tôi bị thuyết phục bởi sự lạc quan của họ.
Đầy sức sống
Nền dân chủ gần 250 triệu dân trên hàng nghìn hòn đảo khác nhau mới chỉ có từ năm 1998 nên còn nhiều vấn đề nhưng cũng đã khác đĩnh đạc.
Và sức trẻ, sáng tạo của thanh thiếu niên Indonesia thể hiện rõ qua hội nghị này, tất cả là 'người thật, việc thật'.
Họ tự giới thiệu các sáng kiến về môi trường, chống tham nhũng, lắng nghe về các dự án cải tạo sinh hoạt đô thị, dọn rác, phổ biến dịch vụ y tế cho người nghèo.
Bác sỹ trẻ từ Malang, Gamal Albinsaid, năm nay 25 tuổi, lập ra một dự án rất đơn giản: ai muốn khám bệnh miễn phí hãy mang rác đến điểm thu gom cạnh trạm xá tư nhân của anh.
Nhờ kết nối các công ty thu mua rác và bán bảo hiểm y tế, trạm xá có kinh phí phục vụ được hàng chục bệnh nhân nghèo một ngày mà không phải 'bao cấp' việc từ thiện.
Một số chính trị gia địa phương cũng đến để hô hào cho sáng kiến của họ nhưng không phải nhằm thu phiếu mà để chứng tỏ họ làm được điều gì đó và tạo cảm hứng cho thanh niên.
Thị trưởng thành phố Bogor, ông Diani Budiarto đã quảng bá cho một số kế hoạch về giao thông công chính của đô thị nằm về phía Nam Jakarta.
Một số nhà hoạt động môi sinh, doanh nghiệp, giới blogger cũng có mặt.
Dù ở châu Á, họ không coi việc gặp các bạn trẻ từ 15-24 tuổi như gặp trẻ con để ‘dạy bảo’ mà đều trao đổi, để giới trẻ chất vấn trước hàng trăm cử tọa.
Không khí nhiều khi rộ lên tiếng cười, hay các màn vỗ tay rất tự nhiên.
Các cô gái có người quàng khăn Hồi giáo, có người mặc Âu phục khá hiện đại, thoáng đãng cùng bàn thảo, cười đùa với nhau.
Và ở quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc này, chuyện chính trị đảng phái cũng được bàn công khai.
Các bạn trẻ không tham gia sinh hoạt chính trị cho vui mà có những nỗi bức xúc cụ thể.
Rifqah Indiri Amalia, 21 tuổi, nói với tôi về hoạt động của tổ chức 'Lãnh đạo Tương lai Indonesia' mà cô làm Chủ tịch:
"Thế hệ trẻ Indonesia chúng tôi muốn đánh giá lại tình hình đất nước bây giờ, về dân chủ, về tham nhũng và sự nghèo khó...Đây là thời gian đất nước tôi cần vươn lên tới tương lai tốt hơn, lý tưởng hơn trong những năm tới."
Năm nay Indonesia bầu cả nghị viện mới vào tháng Tư này và sau đó là bầu cử tổng thống, khép lại 10 năm cầm quyền của ông Susilo Bambang Yudhoyono.
Động lực của Indonesia có từ thời kỳ tân dân chủ sau khi Suharto sụp đổ năm 1998.
Có không ít các nước mà mỗi lãnh đạo từ ngày lập quốc cứ lên lại phạm một sai lầm nghiêm trọng để người kế nhiệm tạo thành tích bằng cách sửa sai.
So với họ, tôi nghiệm thấy Cộng hòa Indonesia từ ngày độc lập năm 1945 đã may mắn mỗi thời tổng thống có ít ra là một quốc sách đúng để lại tác động tốt về lâu dài.
Lãnh đạo lập quốc, ông Sukarno thiên về phe tả nhưng cũng đã có tầm nhìn chấp nhận để đa số dân đảo Java, gồm chính ông, không áp đặt ngôn ngữ của họ lên cả nước mà chọn tiếng Bahasa Indonesia gốc Mã Lay làm tiếng chung, kết nối và thống nhất cả quần đảo thành một quốc gia.
Nhà độc tài Suharto dù trấn áp cộng sản, ngăn chặn người Hoa nhưng đã gắn chặt Indonesia vào phe tư bản, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tham gia lập Asean, tạo vị thế khu vực cho đất nước.
Một trong số tổng thống đầu tiên thời dân chủ, ông B J Habibie đã có quyết định lịch sử là trả lại cho các địa phương quyền bầu cử lãnh đạo tỉnh, thành phố và quyền thu thuế.
Các nhà bình luận, gồm cả ông Lý Quang Diệu, nay nhận định rằng quyết định tản quyền của tổng thống Habibie đã giúp giải phóng sức dân, mở toang cơ hội kinh tế cho ở quốc gia Hồi giáo trải dài trên nhiều hải đảo.
Tản quyền và tự trị cũng đã giúp làm giảm đi độ nóng của xu hướng ly khai như ở Aceh.
Không còn bị kiểm soát bởi Jakarta, kỳ lạ thay, các địa phương thoải mái hơn khi tham gia hành trình chung của quốc gia nhằm đạt vị trí một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới, mục tiêu đầy tham vọng mà ông Yudhoyono đề ra.
Bề bộn một tương lai
Hơn 15 năm từ khi chế độ Suharto bị lật đổ, Indonesia còn rất nhiều vấn đề.
Nổi bật nhất là tham nhũng đảng phái và mối quan hệ phức tạp giữa truyền thông và các tập đoàn tư bản.
Trong những lần trước đến tìm hiểu thị trường nhằm hoạch định chính sách cho BBC ở đây, tôi đã tiếp xúc hầu hết quan chức của các tập đoàn báo chí, truyền thanh, truyền hình lớn nhất nước.
Giới tổng biên tập phần lớn thuộc thế hệ nhà báo tranh đấu thời Suharto, không ít người từng bị cầm tù.
Tuy họ trực tiếp quản lý báo chí và hoàn toàn tự do chọn tin bài, đằng sau các đài lớn như Trans7, TVOne, Detik, Tempo, Viva, Kompas...lại là các nhóm kinh doanh, những tỷ phú hoặc nhân vật chính trị đầy ảnh hưởng.
Dù vậy, một nhà báo Anh ở Jakarta giải thích với tôi, nhờ tính đa nguyên trong các dạng thức truyền thông và cạnh tranh mạnh giữa các nhóm lợi ích, nhìn chung báo chí ở đây tự do và dân chủ hơn cả trong Asean.
Nhà nước Indonesia chỉ nắm hãng thông tấn Antara mà không kiểm duyệt báo chí theo chủ thuyết nào cả, và ngay cả chủ đề gay go nhất là Hồi giáo thì cũng để quyền lực thứ ba là ngành tư pháp vào cuộc để phán xét mỗi khi có kiện tụng trên báo.
Hôm tôi sang lần vừa rồi, Jakarta bị lụt nặng ở phía Nam và tờ Jakarta Post thẳng thắn hỏi phu nhân tổng thống, bà Ani Yudhoyono có vô cảm không khi say sưa chia sẻ ảnh cháu chắt trên mạng Instagram trong lúc dân khốn khổ lo tránh lụt.
Trở lại Nghị viện Thanh niên, tôi gặp một bạn vừa du học từ Mỹ về, Rizki Aljupri.
Bắt tay tôi, anh bạn giới thiệu: “Tôi ra tranh cử vào nghị viện địa phương, rất muốn làm quen với BBC.”
Anh cho biết anh không tham gia đảng phái nào và vốn liếng ra tranh cử vào Hội đồng Nhân dân Jakarta sẽ là khẩu hiệu ‘Ứng viên trẻ nhất, 22 tuổi”.
Rizki thành công tới đâu thì chưa rõ nhưng đây là một ví dụ cho thấy nền dân chủ Indonesia đang thu hút các bạn trẻ, chứ không phải là một môi trường đầy sợ hãi hoặc mặc cảm lo ngại về sự mất mát, đổ vỡ.
Trước đây, tôi hay nghĩ Indonesia bị chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan kéo lùi hoặc bị nền 'tân dân chủ' làm lộn xộn, không tiến được.
Nhưng nay tôi tin rằng Indonesia đang là quốc gia xứng đáng lãnh đạo Asean.
Vì không giàu bằng Singapore, không cố 'thuần khiết tôn giáo' như Malaysia, không 'định hướng xã hội chủ nghĩa' như Việt Nam, nhưng Indonesia cũng không sợ tương lai và không nhìn giới trẻ đông đảo của họ với con mắt hoài nghi.
Nguyễn Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét