Hôm nay, ngày 5 tháng 2 tại Geneve phái đoàn Việt Nam sẽ báo cáo định kỳ về nhân quyền trước ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong khi trước đó vài ngày Việt Nam đã có những hành động vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng. Mặc Lâm phỏng vấn ông Phil Robertson, phó giám đốc văn phòng HRW tại Châu á để biết quan điểm của cơ quan này.
Mặc Lâm: Thưa ông, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều lời hứa về nhân quyền nhưng Hà Nội đã thực hiện rất ít, nếu không muốn nói là hầu như không có gì. Xin cho biết nhận xét của ông đặc biệt là ngày hôm nay khi tại Geneve Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc đang nghe Việt Nam báo cáo định kỳ về nhân quyền của họ. Liệu Việt Nam có lập lại các bài bản cũ như họ đã từng báo cáo rất xa sự thật như trước đây hay không?
Phil Robertson: Do Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Hà Nội đã cam kết hợp tác đầy đủ với các cơ chế của hội đồng, bao gồm cả quá trình UPR. Việt Nam nên nhận ra rằng không chỉ cam kết hợp tác với mọi thủ tục mà còn phải trung thực về nội dung của hồ sơ kiểm điểm về nhân quyền. Việc ký Công ước chống tra tấn là bước đầu được quốc tế chào đón, nhưng họ cũng cần phải phê chuẩn kịp thời và sau đó đảm bảo rằng công an trên khắp đất nước Việt Nam phải thực sự dừng lại việc sử dụng hệ thống của họ để tra tấn đối với nghi phạm bị giam giữ. Công an Việt Nam tra tấn người dân trong đồn mỗi ngày, chính phủ biết điều này đang xảy ra nhưng không làm gì để ngăn chặn, hoặc trừng phạt những công an vi phạm.
Mặc Lâm: Vào lúc 7:00 đêm 1 tháng 02 vừa qua Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, người được vé mời của UN Watch để đến Genève đọc tham luận về nhân quyền của Việt Nam với UPR nhưng ông ấy bị cấm và bị tịch thu hộ chiếu tại sân bay. Theo ông thì việc này nói lên được điều gì?
Phil Robertson: Cơ quan chức năng của Việt Nam không được can thiệp bằng bất cứ cách nào đối với công dân của mình khi họ tìm cách đến Geneve để đóng một vai trò trong các cuộc thảo luận về thành tích nhân quyền yếu kém của chính phủ. Bất cứ ai khi cố gắng tham gia phiên kiểm điểm UPR đều không thể bị giam giữ hay ngăn cản. Việc ngăn giữ TS Phạm Chí Dũng không cho xuất cảnh khi ông này không có một hành vi trái pháp luật nào là một vi phạm rất nghiêm trọng vì Việt Nam từng hứa là sẽ tôn trọng các thủ tục do Hội đồng Nhân Quyền LHQ quy định.
Mặc Lâm: Vào đêm giao thừa vừa qua khi người dân Việt Nam đang chờ đón Tết Giáp Ngọ thì cảnh sát bao vây nhà của bà Bùi Minh Hằng vì cho rằng bà đã chứa chấp hai tù nhân chính trị cư trú bất hợp pháp, do hai người này mới ra tù và không có nơi trú ẩn trong thành phố. Công an hăm dọa tấn công họ và bà Hằng dọa rằng bà ấy có thể sẽ tự vệ bằng xăng. Ý kiến của ông trước việc này là gì ?
Phil Robertson: Bà Bùi Thị Minh Hằng đã sử dụng một phương pháp hòa bình chỉ để khẳng định quyền dân sự và chính trị của mình. Công an phải ngay lập tức ngừng việc quấy rối của họ, và kết thúc bất kỳ cuộc phong tỏa nào đối với nhà của những người bất đồng chính kiến. Công an cũng phải kết thúc những hành vi đáng xấu hổ khi đe dọa một cách có hệ thống đối với bà ấy.
Chiến thuật như vậy là bất hợp pháp, và nếu như họ vẫn tiếp tục làm điều này thì làm sao Việt Nam có thể nói rằng công an của họ đã thực hiện theo các quy định của pháp luật và tôn trọng nhân quyền? rõ ràng họ đang làm ngược lại với những gì mà họ tuyên bố.
Mặc Lâm: Tù nhân chính trị sau khi mãn hạn tù họ luôn luôn bị theo dõi, sách nhiễu và công an kiếm mọi cách để không cấp phát các loại giấy tờ cần thiết như thẻ chứng minh nhân dân. Việc này có vi phạm nhân quyền hay không?
Phil Robertson: Có, đó là một sự vi phạm nhân quyền rõ ràng và không thể biện minh. Chính quyền có biểu hiện cho phép công an quấy rối và đe dọa để hạn chế quyền tự do của người dân. Phải để người dân di chuyển mà không bị cản trở dưới bất cứ hình thức nào. Phải để họ có hoạt động tương tác với những người khác và công an không được can thiệp.
Tù nhân chính trị đang bị giam cầm một cách vô lý khi các tòa án đồng lòng với chính phủ ký giấy tống giam họ với các bản án áp đặt đã cho thấy rằng công lý là một điều khó khăn để đạt được trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Sau khi được ra tù, những tù nhân chính trị phải đối mặt với những hạn chế về quyền lợi của họ do công an và chính quyền áp đặt. Đôi lúc họ bị đánh đập đến mang thương tích. Đây là một hình thức lạm dụng có hệ thống và nó phải chấm dứt ngay lập tức.
Mặc Lâm: Công an bị người dân tố cáo là đánh người bên trong đồn và nhiều nạn nhân đã chết mà không tìm ra được thủ phạm. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, do đó nếu các gia đình nạn nhân yêu cầu HRW giúp đỡ thì điều gì sẽ xảy ra?
Phil Robertson: Human Rights Watch công khai ủng hộ đối với việc kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt hành vi vi phạm quyền con người. Chúng tôi làm điều này bằng cách phơi bày sự lạm dụng của họ đang được thực hiện. Lạm dụng công an để tra tấn người bị tạm giữ là một vấn đề rất nghiêm trọng. Human Rights Watch sẽ phúc trình một báo cáo về sự lạm dụng như vậy trong thời gian rất sớm trong những tháng tới, dựa trên hàng chục trường hợp mà chúng tôi đã điều tra. HRW cũng đã tiếp tục hỗ trợ các gia đình của tù nhân qua việc sử dụng việc trao giải thưởng Hellman Hammett cho nhiều nhà văn Việt Nam trong thập kỷ qua.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét