Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Đối thoại với ai?


Buổi điều trần về thực trạng Nhân Quyền ở Việt Nam tại LHQ (ảnh Bùi Tuấn Lâm)

Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc trong phiên điều trần
“Lúc 24 giờ Việt Nam (18 giờ Thụy Sỹ), thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đọc diễn văn kết luận sau bình luận và khuyến nghị của đại diện các nước:
“Đáp lại 36 quốc gia, chúng tôi muốn nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường đối thoại để thúc đẩy nhân quyền. Do đó, các câu hỏi được đặt ra đều được ghi nhận và phản hồi trong không khí cởi mở, hữu nghị, nhằm cải thiện nhân quyền.
“Việt Nam đang gia nhập các công ước khác của Liên Hợp Quốc, ví dụ về cưỡng bức mất tích, tình trạng của người tị nạn, người lao động.Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, Việt Nam cam kết đối thoại”.
“…Chúng tôi cam kết chủ động xây dựng, duy trì đối thoại, hợp tác và nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ của mình.”…
“..Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho đối thoại và hợp tác với các nước khác….”
Đấy là những đoạn trích trong bài tường thuật trực tiếp phiên điều trần UPR về tình trạng nhân quyền Việt Nam được dẫn lại trên trang Dân Làm Báo. Ngay từ khi phiên điều trần này sắp và đang diễn ra, đã có rất nhiều công dân Việt Nam đặc biệt là giới đấu tranh cho Nhân Quyền, Blogger, facebooker theo dõi và bình luận. Và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa những ý kiến phản hồi thời hậu UPR. Tôi, nhân danh một công dân Việt Nam chỉ xin phản hồi về hai chữ “đối thoại” mà ông Hà Kim Ngọc nhân danh Nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên bố “sẵn sàng” và “cam kết” trước cộng đồng Quốc tế. Còn các nội dung khác, xin không được bình luận.
Đối thoại: Có thể hiểu là cuộc nói chuyện (động từ) qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau. Hiểu theo nghĩa rộng hơn thì đó là cuộc (sự) bàn bạc, thương lượng trực tiếp giữa hai hay nhiều bên để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm.
Khoan nói tới sự “đối thoại” của Nhà nước CHXHCNVN với “các nước khác”. Hãy đi vào thực chất. Có hay không sự đối thoại về Nhân quyền của nhà nước với chính những công dân Việt Nam ngay trong phạm vi đất nước này? Xin trả lời ngay là: KHÔNG. Nói chính xác hơn, nhà nước chưa bao giờ dám đối mặt (đồng ý tổ chức) một cuộc đối thoại thẳng thắn, sòng phẳng với những cá nhân, những nhóm dân sự độc lập vận động cho Nhân quyền Việt Nam. Mà chỉ là những cuộc họp, cuộc hội thảo, “đối thoại cởi mở” theo kiểu dân chủ tập trung do đảng tổ chức để đối thoại với chính…các tổ chức, các đảng viên do đảng chỉ định rồi cứ theo định hướng (của đảng) mà thực hiện. Báo chí truyền thông (đương nhiên của đảng) sẽ là nhân tố cuối cùng để hoàn thiện bài ca dân chủ định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là quân ta khen quân mình, mèo khen mèo dài đuôi, còn thằng dân thì…mặc kệ mẹ chúng mày. Đứa nào lên tiếng không đúng định hướng, không theo chủ trương chính sách và sự chỉ đạo của đảng đích thị là “phản động”.
Có nhiểu cách để đối xử với bọn “phản động” lắm: sách nhiễu, đuổi việc, đe dọa, trấn áp, cô lập, bôi nhọ, hành hung chúng lẫn người thân của chúng. Nếu vẫn không “chừa” thì bắt bỏ tù rồi đem ra xét xử trong những phiên tòa “công khai” đến mức cha mẹ, vợ con anh chị em ruột thịt của “bị cáo”cũng đừng mơ được tham dự. Vào tù cũng chưa yên, có hàng tá những biện pháp tha hồ được áp dụng khiến chúng phải….nhũn như con chi chi, mà biện pháp nào cũng đều phù hợp với luật pháp, hiến pháp cũng như thực tế nội bộ của Việt Nam, đừng ai can thiệp. Cần thiết nữa thì cứ thả một vài“đứa” vừa được tiếng là nhân đạo, vừa được lợi về kinh tế sau những cuộc thương thuyết với bọn “tư bản giãy chết”. Như thế đương nhiên, ngoài đảng tự đối thoại với đảng ra, không có bất cứ ai đủ tư cách đối thoại với đảng hết. Không một ý kiến trái chiều nào được lắng nghe, chấp nhận. Đã không chấp nhận đối thoại với dân chúng của chính nước mình thì liệu có tư cách để đối thoại với các nước khác không? Chưa kể các cuộc đựơc gọi là đối thoại (với các nước khác) đều được dập khuôn gần như giống nhau, bằng các văn bản được soạn sẵn lôi trong túi ra đọc, khỏi cần biết câu hỏi chất vấn là gì.

Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang, Trịnh Hội tiếp xúc với đại diện LMDCTD châu Âu
Theo dõi phiên điều trần của chính phủ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và các cuộc tường trình, tiếp xúc, thuyết trình của các đại diện, phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam với chính giới Âu Châu, Mỹ, các tổ chức về Nhân quyền ở ngay tại các trụ sở của các tổ chức trên thấy rõ sự khác biệt. Các chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ, trong số họ có người thậm chí lần đầu tiên đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đã không hề thua kém. Hơn thế họ còn tự tin và bản lĩnh hơn rất nhiều so với những quan chức cấp nhà nước được chuẩn bị kỹ lưỡng và được trang bị tận răng. Điều gì làm nên sự khác biệt và đáng tự hào như thế? Họ ra đi mang theo khát vọng mãnh liệt: Khát vọng Tự do với hành trang duy nhất là Sự thật. Yêu lắm, tự hào, hãnh diện và cảm động lắm những Trịnh Hội, Đoan Trang, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Tuấn Lâm và bao nhiêu những bạn trẻ khác đã do bị nhà nước nhăn cản trái phép đã không thể trực tiếp mang tiếng nói của mình đến với cộng đồng nhân loại tiến bộ. Điều ấy cho thấy rằng, mỗi một công dân Việt Nam đều có thể nói với thế giới rằng: Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi sẽ chiến đấu và sẽ chiến thắng.
Hy vọng, không một người Việt Nam nào phải hối tiếc vì đã đứng ngoài hoặc bỏ lỡ cơ hội thay đổi vận mệnh của Đất Nước. Hãy lên tiếng nói về Nhân Quyền của mình cho dù chính quyền cộng sản có cho phép hoặc dám chấp nhận hay không một cuộc đối thoại với người dân.
Phạm Thanh Nghiên
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét