Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Phải luôn sẵn sàng để cải cách chính mình

Mai Lâm- Quý Hiền
GDVN dẫn theo TP
Ảnh bên: GS Ngô Bảo Châu là người trực tiếp tham gia điều hành trang mạng Học Thế Nào

GS Ngô Bảo Châu cho rằng: Việc xuất hiện những nhóm dân sự tham gia giải quyết các vấn đề mà thực tế đời sống đặt ra là dấu hiệu tích cực trong lĩnh vực GD.

 Trao đổi nhân dịp đón xuân Giáp Ngọ, GS Ngô
Bảo Châu chia sẻ: Hiểu theo một nghĩa nào đó thì bản thân tôi cũng là người trong cuộc nên hiểu rất rõ việc dạy học hay làm chính sách giáo dục không hề đơn giản. Vì vậy, chúng tôi không có ý định áp đặt hay gây rối trí các nhà quản lý, cũng như không muốn chứng tỏ rằng “tôi đúng” và “anh sai”.

Chúng tôi chỉ muốn dành thời gian và công sức một cách hoàn toàn thiện nguyện để nghiên cứu hiện trạng giáo dục nước nhà, so sánh với giáo dục của các nước và đưa ra một số ý kiến. Tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp  để góp ý kiến xây dựng bởi nhà đang tiến hành xây dựng các chính sách nhằm đổi mới toàn điện căn bản giáo dục và đào tạo.

Ngoài nhóm Học Thế Nào hiện nay có nhiều nhóm dân sự cùng tham gia tìm đường đổi mới giáo dục. Giáo sư nghĩ thế nào về việc này?

Tôi nghĩ sự xuất hiện của các nhóm dân sự trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là một dấu hiệu tích cực. Điều quan trọng  là làm thế nào để có những nhóm xã hội dân sự hoạt động tích cực, hiệu quả lành mạnh!.

Giáo sư có hy vọng lắm vào hướng đi của các nhóm dân sự hiện nay?

Nhóm có tuổi đời lâu năm nhất hiện là nhóm Cánh Buồm của thầy Phạm Toàn. Tôi nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực ở nhóm đó. Trước hết, nhóm đã tồn tại thời gian, và ở đâu cũng vậy, đây là điều khó nhất. Anh làm được điều gì đó và nó tồn tại được 5-6 năm đã là một cái đáng kể! Thứ hai là nhóm có sản phẩm đó có thể có người thích, có người không thích. 

Cá nhân tôi đã đọc những bộ sách đó và tôi thích, chỉ thắc mắc là có dễ dạy hay không, nhưng đây là chuyện khác. Tôi nhận thấy có sự đầu tư suy nghĩ, nghiên cứu trong  những cuốn sách của nhóm. Như vậy,hướng đi của nhóm Cánh Buồn không phải bàn nữa, học đặt ra mục tiêu làm sách giáo khoa theo tư tưởng giáo dục của họ và hiện đại đã đi được quá nửa quãng đường.

 Câu hỏi hiện thời là liệu họ còn miệt mài bao lâu nữa đi con đường đó? Sản phẩm của nhóm được những người làm giáo dục, được xã hội đón nhận thế nào? Theo quan sát của tôi thì dường như chưa được đón nhận nhiều lắm. Nhưng điều này chưa chắc đã phản ánh được chất lượng công việc của họ. Tôi nghĩ trong lĩnh vực giáo dục, tinh thần bảo thủ rất lớn. Cái đó không hẳn đã là xấu, nhiều khi người ta không biết cái tốt hơn nom như thế nào nên cứ phải chờ vào thời gian.

Ở Việt Nam từ lâu đã có hai loại hình đào tạo mở nhưng dường như không hiệu quả, thậm chí còn nhiều suy nghĩ tiêu cực khi nói đến “đào tạo từ xa”, “đào tạo mở cửa”? GS nghĩ thế nào về xu hướng giáo dục trực tuyến mà Giáp Văn Dương đang tiếp cận?

Tôi đồng ý là không ít những mô hình giáo dục trực tuyến, giáo dục qua mạng đi theo hướng tiêu cưc, nói một cách cực đoan là “mua bán bằng cấp”. Nhưng hướng mà Giáp Văn Dương  đang làm không hề như thế. Giáp Văn Dương là một người đầy nhiệt huyết. Anh Dương mong muốn tạo một con đường chuyển tải tri thức của nhân loại đến với người Việt. Theo tôi, mong muốn này rất đáng trân trọng. Cách mà Giáp Văn Dương là xây dựng cổng mở Giapschool. Dương có thành công hay không? Hiện tại chưa có gì chắc chắn, bởi còn nhiều điều Dương phải chứng minh, nhiều việc phải làm.

Nhưng việc đầu tư cho giáo dục trực tuyến như Giáp  Văn Dương   có quá phiêu lưu không?

Tôi nghĩ đó là một cuộc chơi, là một sự cá cược trong đó hàm chứa thất bại lớn nhưng mà phần thưởng, nếu thành công cũng rất lớn. Cái mà tất cả chúng ta cùng đồng ý là giáo dục trực tuyến sẽ thay đổi, nhưng thay đổi ra sao và phải làm như thế nào thì tất cả mọi người đều mù mờ… Không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng rất mù mờ, chưa ai biết mô hình nào sẽ tồn tại với thời gian? Làm thế nào để trực tuyến mà  không phải là ảo? Làm sao để người ta vẫn đi học thật ? Chắc chắn còn phải tiếp tục qua vài lần vật lột xác nữa chúng ta mới thấy rõ được diện mạo thực sự của giáo dục trực tuyến. Không còn cách nào khác là phải làm rồi mới biết được nó thế nào.

Theo tôi biết ở Việt Nam hiện không chỉ có Giáp Văn Dương  mà còn có một số nhóm khác tác động vào giáo dục qua con đường trực tuyến. Nhóm của Lê Anh Vinh (người trẻ nhất vừa được phong hàm Phó Giáo sư  năm 2013 PV) chẳng hạn. Dù cách làm của nhóm này có lẽ truyền thống hơn nhưng tôi nghĩ cũng rất tốt. 

Giáp Văn Dương và những nhóm làm giáo dục trực tuyến không còn cách nào khác là kiên trì đi theo con đường mà họ đã lựa chọn cho mình. Mặt khác, luôn luôn phải sẵn sang để tư cải cách nếu thấy cách đang làm có điều gì đó chưa ổn. Nghĩa là khi phải đối mặt với thất bại thì phải dung cảm thay đổi cách mình làm, vì rõ ràng chưa có gì chứng tỏ những cách làm như của Giáp  Văn Dương , của nhóm Lê Anh Vinh, của nước ngoài như Khan- Academy… là những mô hình tương lai.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đang ở trong phòng thí nghiệm. Và như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều thất bại, nhưng cũng sẽ gặt hái được rất nhiều thành công. Để làm sao tồn tại được cho đến khi mô hình giáo dục trực tuyến ổn định và được công nhận một cách phổ quát thì những  người đi theo con đường đó phải kiên nhẫn.Đồng thời, luôn luôn phải suy nghĩ thay đổi cách làm của mình theo mô hình chung của thế giới.

Cảm ơn GS Ngô Bảo Châu!.
 
Xem thêm :
 Thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Giáo sư Ngô Bảo Châu

Văn Chung
Theo Vnn
Bức thư với chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi GS Ngô Bảo Châu cách đây đã 3 năm. Nội dung thư gắn ngọn nhưng chứa chan tình cảm và niềm tin Đại tướng dành cho GS cùng sự phát triển của nền toán học nước nhà.
 Trong thư gửi Giáo sư Ngô Bảo Châu đề ngày 01/9/2010, Đại tướng viết: “Thành tựu khoa học mà nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu đạt được đã khẳng định: Với một môi trường khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập, và tinh thần tự do sáng tạo, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tới những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại”.

Đại tướng, bức thư, công bố, GS Ngô Bảo Châu, Fields, toán học
Nội dung bức thư (Ảnh: NXB Trường ĐH Sư phạm HN).

Đại tướng “tin rằng, với tâm hồn Việt Nam và trí tuệ sáng tạo, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền Toán học Việt Nam nói riêng, nền khoa học và giáo dục Việt Nam nói chung sớm tiến kịp và hội nhập với các nền khoa học và giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới”.

Với sự kiện ra mắt cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo và được sự đồng ý của Giám đốc NXB Trường ĐH Sư phạm HN Nguyễn Bá Cường, VietNamNet trân trọng giới thiệu lá thư Đại tướng gửi GS Ngô Bảo Châu sau khi nhận tin GS đạt giải thưởng Fields danh giá về Toán học năm 2010.

Nội dung bức thư:

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2010
Thân gửi: Nhà toán học trẻ - Giáo sư Ngô Bảo Châu
Bác rất vui mừng khi được tin giáo sư Ngô Bảo Châu được Đại học quốc tế các nhà toán học (ICM) trao tặng Giải thưởng Fields năm 2010 giành cho các nhà toán học trẻ xuất sắc nhất trong thế giới đương đại, đúng vào dịp đất nước chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đây là niềm tự hào không chỉ đối với riêng giáo sư Ngô Bảo Châu và gia đình mà còn là niềm tự hào chung của đất nước, của dân tộc, đặc biệt của thế hệ trẻ Việt Nam.
Thành tựu khoa học mà nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu đạt được đã khẳng định: Với một môi trường hoạt động khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập, và tinh thần tự do sáng tạo, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tới những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại.
Chúc giáo sư Ngô Bảo Châu tiếp tục có nhiều thành tựu mới trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới đầy bí ẩn của nền Toán học thế giới. Bác tin rằng, với tâm hồn Việt Nam và trí tuệ sáng tạo, giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền Toán học Việt Nam nói riêng, nền khoa học và giáo dục Việt Nam nói chung sớm tiến kịp và hội nhập với các nền khoa học và giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Bác gửi đến Ngô Bảo Châu và gia đình tình cảm thân thiết và lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, tiến bộ.
Chào thân ái,
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét