Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Sài Gòn


vespaCái cũ đang bị triệt phá, cái mới thì không biết bao giờ mới đến. Thành phố đang hấp hối. Sài gòn chưa bao giờ rơi vào cảnh ngộ như vậy.
Về toà nhà phía bên kia bức tường kính
Sau bức tường kính. Nguồn: ĐN
Sau bức tường kính. Nguồn: ĐN
Vào những buổi chiều muộn, khi đồng nghiệp trong công ty đã ra về gần hết, chỉ còn lại vài người nán lại làm thêm giờ, hơi gió thoát ra từ họng gió cấp thường chỉ đủ mát cho số đông người thì nay làm cho không khí lành lạnh, tôi thường kéo rèm che bức tường kính văn phòng; và nhìn sang phía bên kia đường, nơi bóng nắng đang rút lui dần về xa xa hướng tây thành phố để lại những vệt bóng thẫm dài nơi toà nhà hoang phía bên kia đường. Nói cho đúng, đó không phải toà nhà hoang nhưng hiện nay đã không còn ai cư trú ở đấy nữa. Khu trung tâm thành phố đang được làm mới, xây mới nhằm mang lại một dáng vóc mới. Những tia nắng muộn nhảy nhót trên nóc những toà nhà cao tầng phía xa xa. Từ nơi làm việc, tầng 10 toà nhà Vincom A nhìn về hướng Thuận Kiều, ánh nắng vàng vọt như những đứa trẻ ham chơi hắt ánh sáng sẫm màu lên mái nhà thờ Chợ Đũi; có khi chúng rủ nhau vẽ nghịch, pha màu lên những mảng tường hồng nhạt, loang lổ bóng.
Bên kia đường, toà nhà vốn một phần của cư xá Eden nổi tiếng; bóng đêm đã bắt đầu tuần phòng qua những căn phòng đổ nát cùng với những con mèo hoang vô chủ đang bước những bước đi nhẹ êm từ mái ngói này qua mái ngói khác; mắt mèo ánh lên những ánh xanh ma quái, đặc biệt khi chúng băng qua những ống khói cũ vươn lên trên những mái ngói như những con sên vươn mình sau những cơn mưa chiều (những con mèo đã từng có chủ nhưng chủ của chúng dọn đi mà không mang lũ mèo đi theo). Có một con mèo đen với cái đốm trắng kỳ dị trên đỉnh đầu thường đứng trên mép ống khói và nhìn về phía tôi. Đôi mắt xanh tương phản với màu lông đen tuyền làm cho vẻ nhìn rình rập thường thấy trở nên đầy dò xét, nghi kỵ. Nó đang quan sát tôi, một kẻ kì quái, hay tôi đang quan sát nó? Phải chăng nó cố đoán xem thằng người kia đang nghĩ gì? Con mèo suy tư? Cũng có thể nó là một triết gia mèo? Không hiểu sao, nhưng mỗi khi đối diện với ánh nhìn lạnh lẽo đó, đìế̀u gì đó như từ một chốn xa xôi đang nhìn vào tận bên trong sâu thẳm lòng tôi đầy đe doạ, rờn rợnsống lưng; nhưng cảm giác thích thú với việc theo dõi nó từ phía bên này toà nhà luôn chiến thắng. Mồt con mèo, dù con mèo đấy có từ chốn âm ty đi nửa thì làm được gì tôi chứ. Chán với việc nhìn chăm chăm về phía con người bên kia toà nhà, con mèo đen của tôi lại nhập chung bầy với những con khác để bắt đầu cuộc tuần du đêm thường lệ. Chúng đu đưa, vờn nhau từ phòng này sang phòng khác, quầnn thảo, lăn lộn, cáu ó nhau và thỉnh thoảng kêu lên những tiếng dài ma dại. Đôi khi, do ngứa móng vuốt như một bản năng, lũ mèo lại vô cớ cào móng vuốt vào những cây thiết mộc lan héo vàng còn xót lại nơi ban công.
Đã từng có rất nhiều ngươời ở đây, thường vào giờ này, những ông bố đi làm về, bật ti-vi lên, dán mắt vào màn hình; những bà mẹ đang ở trong bếp với nồi niêu xoong chảo, thỉnh thoàng – mà không luôn luôn mới phải -tiếng càu nhàu về các đức ông và những đứa con, những cuộc cãi vã…Cuộc sống đã từng hiện diện nơi toà nhà phía bên kia bức tường kính. Một phần hơi ấm vẫn còn sót lại nơi cây phơi đồ hướng ra phía ngoài ban công, một vài món đồ lót của các quý bà vẫn bay phấp phới trong gió, sót lại mấy cái chảo ăn-ten…Nếu là một trong những con mèo, tôi tự hỏi “Bây giờ, tất cả đang ở đâu? meo meo meo…”. Không có câu trả lời cụ thể. Một ngày, lũ mèo bỗng trở thành lũ mèo hoang hay nói theo ngôn ngữ của mèo: “Tự do”. Ở thành phố này, những khu cư xá cũ nào đấy bỗng nhiên nhận được lênh phải ra đi tất cả để nhường chỗ cho một cuộc chỉnh trang đô thị nào đó, nhân danh một mục đích xã hội nào đó vốn lẽ thường. Kêu gào, xót thương, phản đối, kiện tùng…tất thảy đều vô hiệu.
Ở cái góc này của trung tâm thành phố, nơi mà những mét vuông được tính bằng cây vàng thì chỉ có cuộc khủng hoảng thật nặng nề mới có thể buộc người ta dừng lại việc đập phá. Dưới chân, Công ty phát triển và kinh doanh nhà Thành phố cho rào quanh toà nhà bằng những tấm tôn màu tím hoa cà. Họ vẽ lên đấy những hình ảnh tiêu biểu của Sài gòn khiến cho toà nhà vốn đã thảm thương nay lại càng thảm thương hơn nữa; toà nhà mang dáng vẻ của một gã du côn bị dao chém nhiều nhát rồi được băng bó nhưng tay bác sĩ vốn có chút yêu thích tranh hý hoạ quyết định vẽ lên trên những chỗ băng bó bằng màu xanh, đỏ, tím… Phía bên kia, khu cư xá Eden đã được tập đoàn Vingroup đập đi và xây dựng lên khu trung tâm thương mại. Lúc còn sở hữu bởi Vingroup, toà nhà được mang tên Vincom B. Nay Công ty Vạn thịnh phát mua lại thì cho đổi tên thành Union Square. Có khi nào họ lấy lại tên Eden không? Và cho phục hồi lại quán cà phê Grival. Kiến trúc, nếu có thể gọi như thế về nó (theo mấy anh hành nghề kiến trúc định nghĩa) Tân_cổ_điển với những hàng cột đá to vật vã, những hành lang dài bóng lộn, những mái ngói đỏ ngả màu sậm sô cô la, những bộ bàn ghế cầu kỳ với tay nắm kiểu Louis XIV…Tất cả như nhắc cho người ta sống lại một thời kỳ thuộc địa vàng son.
Từ phía bên này bức tường kính nhìn qua, tôi dường như chứng kiến thời gian nằm xếp lớp lên không gian nơi khu trung tâm thành phố. Toà nhà hành chính thành phố được người Pháp xây dựng vẫn còn đó uy quyền cố hữu, một vài chỗ mái ngói đỏ được thay bằng mái tôn thời kỳ quân quản. Khu cư xá kề bên với những bức tường xi măng xám có lẽ được xây vào thời kỳ người Mỹ can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Toà nhà BFT (68 tầng, cao nhất thành phố) của Bitexco được xây lên cách đây mấy năm tiêu biểu cho thời kỳ gia nhập WTO với ảo tường thuyền nhỏ vươn ra biển lớn. Khu thương mại Union Square chứng kiến sự trỗi dậy của kiểu kiến trúc Tân_thuộc_địa, một sở thích của tầng lớp tư bản đỏ. Một vài toà nhà “thương phế binh” đang được băng bó chờ nguồn vốn có thể xem như tiêu biểu cho thời kỳ khủng hoảng chìm sâu chờ vốn.
Từ trên cao, thành phố như đang bị trấn áp bởi những binh đoàn nhà phố tiến vào “giải phóng” từ tứ phương tám hướng. Kiến trúc thành phố, tưởng như vô tri vô giác – không mang  trong mình một chủ thuyết nào, một ý thức hệ nào – cũng chịu chung số phận bị phá huỷ không thương tiếc. Thọat tiên, những binh đoàn tiến vào “giải phóng” khu quận 3, quận Phú Nhuận…những biệt thự cũ với mái ngói đỏ, những khu vườn, những hàng cây…vốn giữ trong mình nó những ký ưc về thành phố, tạo nên tâm hồn người thành phố bị phá huỷ. Bây giờ, đến lượt trái tim thành phố đang rên rỉ dưới lưỡi dao của tên giết người mang tên thời đại. Những công trình kiến trúc, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử nào đó cũng bị thù hằn và tất yếu phải bị xoá sổ để nhường chỗ cho một kiểu tư duy không linh hồn xa lạ khác. Đối với tôi, thành phố này mang trong mình nó một linh hồn. Linh hồn đó gồm những cư xá, những công viên, những hàng me, những mái ngói đỏ, những quảng trường, những bùng binh, những kênh rạch, những giọng nói, những vỉa hè…nó có nhịp tim của riêng mình. Nhưng nhịp thở của thành phố đang ngày càng yếu ớt, thoi thóp, cô đơn và sầu thảm. Cái cũ đang bị triệt phá, cái mới thì không biết bao giờ mới đến. Thành phố đang hấp hối. Sài gòn chưa bao giờ rơi vào cảnh ngộ như vậy.
Một đồng nghiệp người Nhật khi thấy tôi đứng hàng giờ bên bức tường kính, nhìn sang bên kia đường, anh tò mò hỏi “Mày nhìn gì vậy?” Không quay mặt lại, tôi trả lời “Tao chẳng nhìn gì cả. À, mà có…con mèo đen bên kia đường đang nhìn tao…ánh mắt nó lạ lắm…như từ quá khứ nhìn về.”
Sài Gòn ngày xưa, nhìn từ nóc khách sạn Caravel. Nguồn: OntheNet
Sài Gòn ngày xưa, nhìn từ nóc khách sạn Caravel. Nguồn: OntheNet
Đà Nẵng 28/01/2014
Đặng Ngữ

Nguồn: Sài Gòn. Đăng Ngữ, 28/1/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét